Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Công Nghệ Nuôi Mới

Nuôi tôm không cần kháng sinh, đạt chuẩn xuất khẩu vào Mỹ

Nuôi tôm – đặc biệt là tôm thẻ chân trắng được xem là thế mạnh của các địa phương ven biển ĐBSCL, mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, gần đây tình hình biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến nghề nuôi tôm, làm ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi, không ít người nuôi thua lỗ…

Đó là thông tin tại buổi toạ đàm với chủ đề “Nuôi tôm thẻ chân trắng bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP)” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 29/5, tại xã Long Hữu, huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh).

Nuôi tôm không cần dùng kháng sinh

Tại buổi tọa đàm, bà con nông dân đã được các chuyên gia nông nghiệp, thủy sản thông tin về tác động của biến đổi khí hậu đến nghề nuôi tôm thẻ, đặc biệt là tình hình xâm nhập mặn và khô hạn; các bệnh tôm thường gặp và cách phòng trị bệnh; các loại thuốc kháng sinh, hóa chất không được sử dụng trong nuôi tôm; các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất tôm…

Nuôi tôm không kháng sinh, đạt chuẩn xuất khẩu  - Ảnh 1.

Các chuyên gia chia sẻ thông tin về nuôi tôm thẻ chân trắng tại buổi tọa đàm. Ảnh: T.T

Từ đầu năm đến nay đã có gần 16.000ha diện tích tôm nuôi ở khu vực ĐBSCL bị thiệt hại. Hiện đang vào thời điểm giao mùa, biên độ nhiệt thay đổi rất lớn giữa ngày và đêm. Biên độ nhiệt dao động cao sẽ khiến con tôm bị giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh phát sinh do vi khuẩn virus xâm nhập.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Văn Xét (ở ấp 17, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) – người nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh, áp dụng công nghệ cao 3 năm qua, cho biết: “Mô hình nuôi công nghệ cao trong hồ tròn đảm bảo ATTP vì thả dày và xử lý chất thải rất tốt so với nuôi trong ao đất. Tôi không dùng kháng sinh, chỉ đánh khoáng, men và thuốc vi sinh. Tôm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ”.

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Để nuôi tôm đảm bảo ATTP, trước hết người nuôi phải chọn địa điểm nuôi xa khu công nghiệp, không có nguồn nước thải. Nguồn nước cấp, thoát phải đảm bảo an toàn. Nếu khu vực rộng thì vùng nuôi phải được các cơ quan thẩm quyền xác định đó là vùng nuôi tôm ATTP.

Đối với người nuôi, điều đầu tiên là không sử dụng hoá chất kháng sinh nằm trong danh mục cấm của Bộ NNPTNT ban hành theo Thông tư số 26. Trong quá trình nuôi, người nuôi phải thực hiện ghi chép sổ tay, nhật ký hàng ngày để truy xuất nguồn gốc. Nếu có sử dụng kháng sinh thì phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Đồng thời, phải chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng của địa phương.

Chăm sóc tôm lúc giao mùa

Tại buổi toạ đàm, nhiều câu hỏi của bà con nông dân về những tiến bộ kỹ thuật mới, những tình huống thường gặp trong thực tế nuôi tôm, những chính sách hỗ trợ cho bà con có thể áp dụng nuôi tôm công nghệ cao… đều được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng.

Về câu hỏi của bà con nông dân liên quan đến việc phòng trị bệnh cho tôm lúc giao mùa, đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến con tôm. Từ đầu năm đến nay đã có gần 16.000ha diện tích tôm nuôi ở khu vực ĐBSCL bị thiệt hại.

Hiện đang vào thời điểm giao mùa, biên độ nhiệt thay đổi rất lớn giữa ngày và đêm. Biên độ nhiệt dao động cao sẽ khiến con tôm bị giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh phát sinh do vi khuẩn virus xâm nhập.

Để hạn chế thiệt hại do nắng nóng vào lúc giao mùa, ông Kim Văn Tiêu khuyến cáo bà con nông dân nên duy trì mực nước từ 1,5-1,8m. Đồng thời phải tạo không khí, quạt nước liên tục để trung hoà nhiệt độ giữa tầng mặt và tầng đáy. Nếu nắng quá thì che lưới lại, giảm bớt nhiệt độ, giảm bớt tảo phát triển. Xi phông đáy ngày có thể 2-3 lần nếu nuôi ao lót bạt hoặc hồ tròn.

Bên cạnh đó, nhiệt độ trên 35 độ C thì người nuôi nên giảm khoảng 1 nửa lượng thức ăn. Nếu có mưa to, bà con phải có ống tràn để gạt bỏ nước mưa, bón vôi để nâng độ pH, đảm bảo mức độ 7,5 – 8,5 cho phù hợp với con tôm.

“Hiện chúng tôi đã thực hiện mô hình tại Sóc Trăng không cần phải sử dụng kháng sinh, hoá chất. Bà con nuôi tôm chỉ sử dụng chế phẩm sinh học mà thôi. Thực tế chế phẩm đáp ứng tiêu chí tôm nhanh lớn và đảm bảo ATTP. Nếu dùng chế phẩm, khuyến cáo bà con chú ý phải sử dụng chế phẩm vi sinh tốt, nguồn gốc rõ ràng. Thứ hai là tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất. Thứ ba, thời điểm sử dụng phải trước khi thả tôm, sẽ tốt hơn đợi đến nước ô nhiễm rồi mới sử dụng vi sinh” – ông Kim Văn Tiêu cho biết.

Thiên Ngân- https://danviet.vn/

SUCCESS – Mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Nhằm mang đến hiệu quả cho người nuôi tôm và khách hàng trước những diễn biến bất lợi từ thời tiết, dịch bệnh; Skretting đã nghiên cứu và xây dựng thành công mô hình SUCCESS với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Theo thống kê, 80% rủi ro trong nuôi tôm là do các bệnh gây ra bởi virus và 20% từ các nguyên nhân khác. Trường hợp tôm bị bệnh, 60 – 70% người nuôi sử dụng các loại thuốc kháng sinh để đối phó; tồn dư kháng sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán tôm thu được, môi trường xung quanh khu vực nuôi và nhất là khả năng xuất hiện các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Do đó, về lâu về dài, giải quyết sự cố do dịch bệnh sẽ ngày càng phức tạp và tốn kém, trong khi yêu cầu của thị trường thì ngày càng khắt khe hơn. Một hệ thống ao nuôi được thiết kế và quản lý tốt sẽ giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, đảm bảo nguồn tôm sạch, an toàn, có giá trị cao. Sau đây, Skretting sẽ bật mí những bí quyết đã tạo nên sự thành công của Mô hình nuôi SUCCESS.


Hệ thống ao nuôi theo Mô hình SUCCESS của Skretting

Nguồn nước sạch luôn sẵn sàng

Điểm mấu chốt đầu tiên trong xây dựng hệ thống nuôi thành công là cần duy trì đủ lượng nước “sạch” để sử dụng trong quá trình nuôi, vì đây được xem là giải pháp khá hiệu quả trong giải quyết sự cố. Mô hình SUCCESS đã đảm bảo được điều này nhờ vào những điểm sau:

 Giám đốc dịch vụ kỹ thuật Skretting Nam Á, ông Cherdchai Thongchoo chia sẻ: “Hiểu được nhu cầu của đông đảo người nuôi về một mô hình nuôi tôm bền vững, Skretting đã nghiên cứu và xây dựng thành công Mô hình SUCCESS với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, giảm thiểu rủi ro từ dịch bệnh. Sự linh hoạt trong thiết kế, xây dựng và vận hành ao nuôi là lợi thế đặc biệt khiến mô hình nuôi mới này phát huy hiệu quả ở tất cả các vùng nuôi tôm của Việt Nam”. 

 

a. Trung bình với 1 hệ thống nuôi có tổng diện tích 1 ha thì người nuôi cần dành khoảng 60% diện tích bề mặt cho khâu xử lý nước (trước khi sử dụng) và 40% diện tích bề mặt còn lại cho các ao nuôi.

b. Diện tích ao nuôi đề xuất giúp công tác quản lý ao nuôi được thuận lợi: 500 – 2.000 m²

c. Độ sâu ao nuôi: 1.5 – 1.8 m. Đây là độ sâu tối ưu để quản lý và cung cấp khí hiệu quả.

d. Ống xả trung tâm hay còn gọi là rốn ao là nơi tập trung và loại bỏ phân tôm, thức ăn thừa, cặn bã hữu cơ khỏi ao nuôi.

e. Ngoài hệ thống xả nước từ rốn ao, phục vụ công tác thay nước và xả bùn thải, nước trong lớp đất dưới đáy bạt do rò rỉ từ bạt nuôi cũng cần được thoát ra ngoài, tránh để tích tụ, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại, sinh khí độc gây phồng bạt hoặc gây bệnh cho tôm. Hệ thống ống xả này được bố trí trong đất dưới bạt, được bọc quanh bằng các lớp sỏi. Vi khuẩn kỵ khí có lợi cũng được thường xuyên đưa vào đất dưới bạt qua các đường ống này, góp phần vào việc phân hủy bùn bã tích tụ dưới bạt.

Hàm lượng ôxy hòa tan đủ và ổn định

Đặc biệt trong thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay, ôxy từ không khí sẽ khó hòa tan vào nước hơn cùng với sự gia tăng nhu cầu ôxy sinh học (của hệ vi khuẩn và tôm) sẽ khiến ôxy trong nước thiếu hụt trầm trọng. Vì vậy, cơ sở vật chất cũng như các lưu ý kỹ thuật giúp đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan của nước ao trong thiết kế hệ thống cần được tính toán kỹ lưỡng. Mô hình SUCCESS sẽ giúp người nuôi kiểm soát vấn đề này dựa trên nhu cầu ôxy của tôm (Bảng 1) và khả năng cung cấp ôxy của các trang thiết bị tương ứng với từng diện tích (Bảng 2) và mật độ thả nuôi (Bảng 3).

*Có thể sử dụng thêm các ống cao su sủi bọt (Aerotube) để cung cấp thêm ôxy. Trung bình ao nuôi có diện tích từ 1.000 m² người nuôi có thể lắp đặt thêm 250 – 300 m ống cao su sủi bọt để duy trì hàm lượng ôxy hòa tan tối ưu trong nước.

Trước khi xây dựng mô hình, đội ngũ chuyên gia của Skretting sẽ trực tiếp khảo sát hiện trạng cơ sở vật chất của mỗi hộ nuôi. Nhờ tính linh hoạt của mô hình SUCCESS, việc xây dựng hệ thống mới có thể tận dụng triệt để những lợi thế của mô hình nuôi hiện tại; điều này giúp người nuôi nhanh chóng có được một hệ thống nuôi khoa học, an toàn sinh học cao với chi phí đầu tư hợp lý. Sau 3 tháng trải nghiệm, các hộ nuôi đầu tiên áp dụng mô hình SUCCESS đã thấy được hiệu quả rõ rệt, tổng lợi nhuận bình quân mỗi vụ tăng tối thiểu 30% so với trước kia.


Sơ đồ hệ thống quạt khí cho nuôi tôm ao bạt mật độ cao

Với những kết quả khả quan mà Mô hình SUCCESS đem lại, Skretting mong muốn chia sẻ rộng rãi mô hình nuôi công nghệ cao, an toàn, bền vững này đến với toàn thể người nuôi tôm cả nước. Quý khách, hoặc hộ nuôi cần tư vấn chi tiết hơn hay có nhu cầu đăng ký sử dụng Mô hình SUCCESS vui lòng liên hệ với đội ngũ Skretting tại địa phương mình hoặc ông Trần Quang Đại, Giám đốc dịch vụ kỹ thuật Skretting Việt Nam (Hotline: 090.384.0990).


Hình thực tế Mô hình SUCCESS tại Trà Vinh 


Nhờ tính linh hoạt trong thiết kế, người nuôi có thể áp dụng Mô hình SUCCESS ở mọi vùng nuôi


Mô hình SUCCESS giúp người nuôi bảo đảm chất lượng môi trường tốt nhất cho sự phát triển của tôm

>> Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình, chân thành của đội ngũ Skretting, những hiệu quả thực tế và tính linh hoạt vượt trội, mô hình SUCCESS đã nhanh chóng thu hút nhiều hộ nuôi có mong muốn tăng năng suất an toàn, bền vững với chi phí đầu tư phù hợp với khả năng của mình.

Thanh Trúc

Skretting Việt Nam

Nuôi tôm lồng ghép với cua

Những mô hình nuôi ghép là hướng đi phù hợp cho người nuôi tôm, giúp kiểm soát môi trường ao nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Nuôi cua biển vốn là nghề đã gắn bó với nhiều nông dân vùng có nước mặn lợ. Trước đây nông dân nuôi cua bằng con giống được đánh bắt từ tự nhiên,  cho nên muốn nuôi phải đợi đến mùa có con giống ngoài tự nhiên mới nuôi được. Không những thế, trước đây, nông dân thường chỉ nuôi cua theo hình thức là thả trong đầm rồi thu hoạch theo con nước hoặc nuôi tập trung 1 vụ tôm, 1 vụ cua. Khi Trung tâm Khuyến nông trình diễn thành công mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cua biển giúp nông dân đa dạng thêm hình thức nuôi cua
  • Nhiều mô hình nuôi ghép khác giữa tôm sú và cua biển cho thấy tỉ lệ sống của tôm sú đạt từ 50-60%, còn cua biển đạt từ 50-70%. Mô hình này có chi phí đầu tư ít, tỉ lệ rủi ro và dịch bệnh thấp, giúp người nông dân sản xuất bền vững hơn. Mật độ nuôi của tôm và cua biển lần lượt là 12-15con/m2 và 1-1,5con/m2. Cua càng lớn thì mật độ thả càng thấp
  • Khi nuôi ghép tôm và cua, nhiều bà con sẽ lo ngại: chúng sẽ ăn thịt nhau, con cua sẽ ăn con tôm khi lột xác và ngược lại. Điều này là không tránh khỏi. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện trên nhiều mô hình nuôi ghép tôm sú và cua, kết quả thu hoạch được với tỉ lệ sống của tôm sú khoảng 50 – 60 % và của cua là 50- 70 %. Vì thế, tuy tỉ lệ sống của tôm sú có thấp hơn 1 ít so với nuôi tôm bán thâm canh không ghép với cua, nhưng khi thu hoạch, được thu thêm sản lượng cua đáng kể và nhờ đó lợi nhuận của mô hình cũng tăng lên. Chi phí đầu tư tăng thêm khoảng 15 – 20 triệu đồng/ha/vụ so với không nuôi ghép với cua. Nhưng tiền lãi tăng lên 30 – 40 triệu đồng/ha/vụ.

  • Đặc điểm loài này là loài cá ăn tạp, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ, là đối tượng được sử dụng nhằm mục đích tận dụng thức ăn thừa, các chất dinh dưỡng từ chất thải của tôm và rong tảo trong ao nuôi. Hầu hết các đối tượng nuôi ghép đều là loài rộng muối, rộng nhiệt, có thể sống trong môi trường nước mặn và cả nước lợ (độ mặn từ 3-35‰), tùy từng đối tượng. Hình thức nuôi xen kẽ nhiều đối tượng có thể hạn chế rủi ro trong nuôi trồng, giúp ổn định kinh tế cho người dân địa phương.
  •         Mục đích của việc nuôi ghép là để tận dụng triệt để không gian sống và lượng thức ăn dư thừa trong ao nuôi tôm, nhằm tạo ra thêm nguồn lợi kinh tế cho người nuôi.

Tường vi

nguồn: tepbac

Đa dạng đối tượng nuôi ghép trong ao tôm

Tôm thẻ chân trắng
Tôm thẻ chân trắng

Những mô hình nuôi ghép là hướng đi phù hợp cho người nuôi tôm, giúp kiểm soát môi trường ao nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong quá trình nuôi tôm, bà con luôn gặp phải vấn đề lớn nhất chính là kiểm soát và  quản lí môi trường nước trong ao nuôi. Thức ăn thừa, mùn bã hữu cơ là nguồn dinh dưỡng dồi dào khiến cho rong tảo trong ao nuôi phát triển nhanh chóng, chúng “tranh giành” oxy với tôm, đạt cực đại và xảy ra hiện tượng tảo tàn trong ao nuôi tôm. Đó là những vấn đề gây biến động trong ao nuôi, gây thiệt hại lớn đến hiệu quả kinh tế vụ nuôi.

Trước tình hình trên, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm nuôi ghép các đối tượng khác như cá đối mục, cá rô phi, cá dìa, cua biển,.. với tôm sú hay tôm thẻ để tăng hiệu quả làm sạch môi trường nuôi, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, đồng thời tăng hiệu quả sản xuất.

Đặc điểm chung của các loài này là loài cá ăn tạp, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ, là đối tượng được sử dụng nhằm mục đích tận dụng thức ăn thừa, các chất dinh dưỡng từ chất thải của tôm và rong tảo trong ao nuôi. Hầu hết các đối tượng nuôi ghép đều là loài rộng muối, rộng nhiệt, có thể sống trong môi trường nước mặn và cả nước lợ (độ mặn từ 3-35‰), tùy từng đối tượng. Hình thức nuôi xen kẽ nhiều đối tượng có thể hạn chế rủi ro trong nuôi trồng, giúp ổn định kinh tế cho người dân địa phương.

Năm 2019, Trung tâm khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đề tài khoa học cấp cơ sở “Nuôi kết hợp tôm sú với cá đối mục” tại Trại Thực Nghiệm nuôi trồng thủy sản Ninh Lộc, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Thực nghiệm thả nuôi 20.000 con tôm sú với mật độ 10con/m2 và 1000 con cá đối mục với mật độ 0,5con/m2. Đề tài được thực hiện trong 2 ao đất với diện tích mỗi ao gần 2000m2. Trước khi thả giống tôm, ao nuôi đã được cải tạo kỹ lưỡng gồm các khâu như: tháo cạn nước, rải vôi bột, bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy ao, phơi đáy ao. Sau đó, tiến hành lấy nước vào ao khi thủy triều lên cao, rồi diệt tạp, gây màu nước và đo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp thì tiến hành thả giống tôm. Cá đối mục được thả vào ao sau 15 ngày thả tôm. Sau 5 tháng thu hoạch cho năng suất tôm trung bình đạt 1,6tấn/ha, năng suất cá trung bình đạt 1,7tấn/ha. Tổng kết quá trình triển khai cho thấy rằng, môi trường ao nuôi ổn định hơn, năng suất tôm, cá cao hơn so với nuôi đơn 1 đối tượng.

Nhiều mô hình nuôi ghép khác giữa tôm sú và cua biển cho thấy tỉ lệ sống của tôm sú đạt từ 50-60%, còn cua biển đạt từ 50-70%. Mô hình này có chi phí đầu tư ít, tỉ lệ rủi ro và dịch bệnh thấp, giúp người nông dân sản xuất bền vững hơn. Mật độ nuôi của tôm và cua biển lần lượt là 12-15con/m2 và 1-1,5con/m2. Cua càng lớn thì mật độ thả càng thấp. Điều quan ngại của bà con khi áp dụng mô hình này là “sự ăn nhau” trong quá trình lột xác của hai loài này. Điều này là không tránh khỏi. Tuy nhiên, bà con có thể chú ý thời điểm thả cua thích hợp (thường sau khi thả tôm từ 1-2 tuần) có thể hạn chế hiện tượng ăn nhau giữ hai loài. Sau khi áp dụng nuôi thử nghiệm đã cho thấy kết quả thành công ngoài mong đợi.

Hầu hết những loài được nuôi ghép với tôm đều có giá trị kinh tế ổn định. Các loài nuôi ghép có thể thả nuôi luân canh hoặc xen canh. Nguyên tắc lựa chọn đối  tượng nuôi ghép của mô hình này là dựa vào tập tính ăn và tập tính sống của các loài này. Cần phải lựa chọn loài nuôi ghép thích hợp với điều kiện ao nuôi, không cạnh tranh với loài nuôi chính. Mục đích của việc nuôi ghép là để tận dụng triệt để không gian sống và lượng thức ăn dư thừa trong ao nuôi tôm, nhằm tạo ra thêm nguồn lợi kinh tế cho người nuôi.

Đứng trước những khó khăn của ngành thủy sản nhất là về sự biến đổi khi hậu bất thường như hiện nay, tình hình dịch bệnh trong các ao nuôi thủy sản ngày càng khó kiểm soát hơn, đòi hỏi người nuôi phải tìm ra các giải pháp nhằm khai thác, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo cân bằng hệ sinh thái đồng thời tận dụng được tối đa các sản phẩm trong chuỗi nuôi trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Mô hình nuôi ghép đang là một trong những hướng đi bền vững cho nghề nuôi tôm hiện nay.

Tường Vi – https://tepbac.com/

Tôm thẻ và thực vật phù du: Bạn hay thù?

thực vật phù du
Thực vật phù du là mắt xích quan trọng trong ao nuôi thủy sản

Hiểu biết rõ hơn về hệ sinh thái ao nuôi tôm để thiết lập điều chỉnh hợp lý để hướng tới sự ổn định của toàn hệ thống.

Cộng đồng thực vật phù du có mặt trong nhiều môi trường nước khác nhau và ao tôm là một trong những môi trường thuận lợi nhất để chúng tồn tại và phát triển. Được xem là mắt xích quan trọng trong các hệ sinh thái nuôi thủy sản, nhân tố không thể thiếu để duy trì dòng năng lượng và chu kỳ dinh dưỡng. Trong quá trình nuôi, thức ăn dư thừa, phân của tôm và các chất hữu cơ nhờ vi khuẩn sẽ chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng. Và những chất dinh dưỡng này sau đó sẽ được những thực vật phù du trong nước sử dụng, giúp chúng tăng sinh. Đổi lại sự tăng trưởng này, những thực vật đó sẽ làm giảm hàm lượng amoniac và nitrat có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch của tôm. Các chất hữu cơ do thực vật phù du sinh ra sẽ ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi phát triển trong ao. Do đó, thực vật phù du có thể được xem là một nhân tố quản lý môi trường, nhờ vào mật độ của chúng mà đánh giá được mức độ ô nhiễm của nước.

Mỗi loài thực vật phù du khác nhau cũng đòi hỏi những điều kiện dinh dưỡng khác nhau để phát triển khỏe mạnh. Cùng với sự tăng trưởng của tôm nuôi thì các chỉ tiêu chất lượng nước và điều kiện dinh dưỡng trong ao nuôi cũng sẽ thay đổi, điều này làm cho thành phần của cộng đồng thực vật phù du cũng thay đổi theo một cách linh hoạt. Với những lợi ích mang lại như vậy, cho nên cộng đồng phù du này đã góp mặt trong khá nhiều nghiên cứu và mang lại lợi ích rất khả quan. Tuy nhiên về thành phần của cộng đồng này, sự gia tăng sinh khối, sự trao đổi giữa các thành phần trong cộng đồng và khả năng hoạt động của từng thành phần riêng lẻ vẫn chưa được làm rõ.

Tôm thẻ chân trắng, loài nuôi có sản lượng cao nhất trong ngành thủy sản, với những lợi ích mà cộng đồng thực vật phù du mang lại thì người ta bắt đầu nghiên cứu sự phát triển của cộng đồng này trong ao tôm thẻ. Trong đó sẽ khám phá quá trình phát triển của các thành phần trong cộng đồng, mối quan hệ giữa cộng đồng này với môi trường, sự tăng sinh khối của chúng và cuối cùng là tiềm năng phát triển của chúng đối với hiệu suất của tôm.Từ đó bổ sung thêm kiến thức về ý nghĩa của hệ sinh thái đối với các mô hình nuôi trồng thủy sản.

Thông qua việc sử dụng công nghệ để phân tích, người ta thấy rằng cấu trúc của cộng đồng thực vật này sẽ thay đổi theo thời gian, tháng thứ nhất, tháng thứ 2 và tháng thứ 3 của chu kỳ nuôi là hoàn toàn khác biệt nhau. Và sự khác biệt này được giải thích là do có mối tương quan chặt chẽ với những biến đổi của môi trường. Tổng cộng có 85 loài (hoặc chi) đã được xác định trong tất cả các mẫu được phân tích, sinh khối dĩ nhiên cũng tăng lên theo thời gian canh tác, cụ thể ngày thứ 77 so với ngày thứ 7 đã tăng gấp 10 lần. Sự ảnh hưởng của các yếu tố thủy lý hóa trong môi trường lên cấu trúc của cộng đồng thủy sinh này đã được khám phá và cho ra những kết luận hết sức bất ngờ. Ở tháng đầu tiên trong chu kỳ nuôi tôm, tuy mật độ thực vật phù du này còn thấp nhưng thành phần lại phức tạp nhất và có sự cạnh tranh gay gắt với nhau trong cộng đồng. Còn khi tôm đã nuôi đến tháng thứ 3 thì mật độ cộng đồng này lớn, nhưng ổn định và cấu trúc lại tương đối đơn giản.

Thêm một phát hiện nữa là những loài đầu tiên hình thành trong cộng đồng này là những loài tiên phong, có khả năng phản ứng nhanh chóng với các thay đổi bất ngờ của môi trường, chúng cung cấp nhiều “nguyên liệu” xử lý môi trường với áp lực cạnh tranh ít hơn. Một cộng đồng thực vật phù du tốt phải có đầy đủ các “phẩm chất” bao gồm sự đa dạng các loài cao, sinh khối lớn, ít cạnh tranh và những điều này phù hợp nhất với tháng thứ 2 trong chu kỳ nuôi. Tại tháng thứ 2 này, đa dạng nhất trong cộng đồng là tảo khuê, loài tảo có lợi trong ao nuôi. Khi mật độ cộng đồng thực vật phù du này trong ao giảm xuống thì áp lực lại được đặt lên hệ vi sinh vật đường ruột, buộc chúng phải làm việc nhiều hơn, cạnh tranh với những vi khuẩn cơ hội trong ao.

Trên thực tế các chất dinh dưỡng trong những ao nuôi tôm thâm canh rất nhiều thậm chí là quá mức trong suốt quá trình nuôi nên sẽ không trở thành yếu tố cản trở sự phát triển của cộng đồng thực vật phù du được. Cấu trúc của cộng đồng này thay đổi được xác định là do các động vật phù du, vì hai cộng đồng này sẽ cạnh tranh trực tiếp về không gian sống chật hẹp và các “nguyên liệu sống” trong tự nhiên. Tuy nhiên khi cộng đồng thực vật phù du giải phóng “năng lượng” sẽ tạo điều kiện cho động vật phù du phát triển.

Chúng ta đều biết sự phú dưỡng của tảo sẽ làm tôm nuôi giảm tốc độ tăng trưởng hoặc nặng hơn là tử vong. Nguyên nhân chính được giải thích là do phá vỡ sự ổn định của cộng đồng sinh vật, từ đó tạo những “lỗ hổng” cho những loại tảo này phát triển quá mức và bên cạnh đó là không gian kín của ao nuôi làm một loạt các yếu tố môi trường thay đổi cùng lúc sau thời gian dài cuối cùng là sự “bùng nổ” của thực vật. Do đó, sự ổn định của cộng đồng thực vật phù du phải là sự quan tâm hàng đầu trong quá trình nuôi tôm, sự bất ổn của cộng đồng này sẽ gây ra hiện tượng tảo nở hoa và dẫn tới sự phát triển của các mầm bệnh cơ hội cho tôm.

Thú vị hơn là cộng đồng động vật phù du sẽ có nhiều biến động hơn cộng đồng thực vật trong ao. Điều đó có thể là do sự thích nghi tốt của vi khuẩn ở nhiều môi trường khác nhau làm cho chúng  phân tán rộng rãi. Nhưng cộng đồng thực vật phù du lại thể hiện sự mạnh mẽ hơn rất nhiều trước những thay đổi của môi trường. Đã có thêm một sự hiểu biết rõ hơn về hệ sinh thái ao nuôi tôm, từ đó những điều chỉnh hợp lý sẽ được thiết lập hướng tới sự ổn định của toàn hệ thống. Và cung cấp những hướng tiềm năng nhằm mục đích tối ưu hóa và phát triển các chiến lược quản lý những nguồn tài nguyên có sẵn trong ao.

Hà Tử – https://tepbac.com/

Kết hợp chế phẩm sinh học trên tôm càng xanh

Tôm càng xanh.
Tôm càng xanh.

Giới thiệu vai trò toàn diện của Clostridium butyricum và emodin trên tôm càng xanh và cho biết chính xác liều lượng sử dụng để đem lại hiệu quả tối ưu.

Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là loài giáp xác nước ngọt có kích thước lớn, giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Ở Việt Nam, tôm càng xanh phân bố chủ yếu ở các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và hiện đang được nuôi phổ biến trong ao, mương vườn, đặc biệt là trên ruộng lúa ở vùng ngập lũ thuộc các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ. Tuy nhiên, ở Đồng bằng sông Cửu Long  có nhiều vùng bị nhiễm phèn, pH đất và nước thấp,…ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và tỉ lệ sống của tôm càng xanh. Do đó, biện pháp sử dụng chất kích thích miễn dịch như β-glucan, quercetin, MOS (Mannan Oligosaccharide)…và có một phương pháp phổ biến là sử dụng probiotics cho tôm.

Clostridium butyricum là vi khuẩn kỵ khí bắt buộc, gram dương, thường được tìm thấy trong đất và phân và hệ vi khuẩn đường ruột của người và động vật.

So với các chế phẩm sinh học khác như Bacillus, Lactobacillus và nấm men thì C. butyricum có khả năng chịu được môi trường có độ pH, nhiệt độ cao hơn và chịu được nhiều loại kháng sinh. Ngoài ra, C. butyricum cũng có thể sản xuất một số chất chuyển hóa có thể ức chế vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào đường ruột, chẳng hạn như bacteriocin (Clarke và Morris, 1976) và axit lipoteichoic (Gao et al., 2011). Các axit béo mạch ngắn, đặc biệt là axit butyric được sản xuất bởi C. butyricum có thể cung cấp các chất dinh dưỡng cho quá trình tái tạo và sửa chữa tế bào biểu mô ruột (Pryde et al., 2002).

Emodin là một hợp chất hóa học có thể được phân lập từ đại hoàng Himalaya, cây hắc mai và cây bần Nhật Bản. Emodin cũng được sản xuất bởi nhiều loài nấm, bao gồm các loài của chi Aspergillus, Pyrenochaeta và Pestalotiopsis.

Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá các tác động riêng lẻ và kết hợp của emodin và Clostridium butyricum đối với sự tăng trưởng và khả năng miễn dịch không đặc hiệu của tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) trong tám tuần với trọng lượng cơ thể ban đầu là 0,19 ± 0,5 g.

Chín chế độ ăn được chuẩn bị để chứa ba mức emodin (0,25 và 50 mg/kg) và ba mức C. butyricum (0,250 và 50 mg/kg, 2×107CFU/g). Các chế độ ăn kiêng được đặt tên là 0/0, 250/0, 500/0, 0/25, 250/25, 500/25, 0/50, 250/50 và 500/50 ( C. butyricum/emodin), tương ứng.

Kết quả cho thấy hiệu quả tương tác đối với việc tăng trọng và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn đã được quan sát thấy ở nghiệm thức tôm được cho ăn chế độ ăn có chứa 250mg/kg C. butyricum và 50mg/kg emodin. Ngoài ra, tăng trọng và tốc độ tăng trưởng cụ thể (SGR) của tôm được cho ăn 250mg/kg C. butyricum đều  cao hơn đáng kể ( P<0,05) so với các phương pháp điều trị khác liên quan đến C. butyricum.

Ngoài ra các quá trình tổng hợp nitric oxide (iNOS) và hoạt động hô hấp cao hơn quan sát thấy khi tăng nồng độ emodin trong khẩu phần ăn. Các hoạt động Aspartate aminotransferase (AST) và tổng protein (TP) được cải thiện với mức độ tăng dần của C. butyricum (P<0,05). Hơn nữa, các chỉ tiêu miễn dịch interferon-(INF-), IL-1, TNF-α và IL-6 đã được tăng cường bởi emodin trong chế độ ăn uống và sự tương tác của C. butyricum và emodin.

Nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng các tác dụng riêng lẻ hoặc kết hợp của C. butyricum và emodin có thể cải thiện đáng kể hiệu suất tăng trưởng và cải thiện tình trạng chống oxy hóa của tôm càng xanh M. rosenbergii. Sự kết hợp tối ưu của các thành phần này lần lượt là 250mg/kg C. butyricum (2×107 CFU/g) và 5mg/kg emodin.

Như Huỳnh – https://tepbac.com/

Hướng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

ao tôm
Những ao tôm hiện đại tại Long An

Từ việc nuôi tôm theo kiểu truyền thống, nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Long An đã dần chuyển sang nuôi ứng dụng công nghệ cao, bước đầu đạt hiệu quả.

Hiệu quả từ nuôi tôm công nghệ cao

Hiện toàn tỉnh Long An có 418 hộ đầu tư các mô hình nuôi tôm tăng cường ứng dụng công nghệ cao với khoảng 209ha. Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh – Nguyễn Thanh Toàn thông tin: “Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha/vụ. Nếu nuôi đạt thì có thể lãi trên 2 tỉ đồng/ha/năm. Theo đánh giá ban đầu, một số hộ nuôi có năng suất và lợi nhuận rất cao. Mô hình này giảm rủi ro, năng suất và lợi nhuận cao”.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Cần Giuộc có hàng trăm hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả đáng kể. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc – Ngô Bảo Quốc cho biết: “Toàn huyện hiện có 10 xã nuôi tôm với tổng diện tích ao nuôi khoảng 2.200ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt gần 5.000 tấn, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm khoảng 92% diện tích, còn lại là tôm sú. Lũy kế năm vừa qua, toàn huyện có 397 hộ đầu tư các mô hình nuôi tôm tăng cường ứng dụng công nghệ cao với 185ha (đạt 92,5% so với chỉ tiêu Chương trình số 12-CTr/HU của Huyện ủy đề ra). Cụ thể, 21 hộ có mô hình tương đối hoàn chỉnh với diện tích 22ha; 376 hộ có đầu tư một số nội dung ứng dụng công nghệ cao với diện tích 163ha”.

Phước Vĩnh Tây là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn của huyện Cần Giuộc. Hiện tổng diện tích nuôi tôm của toàn xã khoảng 850ha. Trong đó, nông dân nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hoàn chỉnh 12ha, ứng dụng một phần công nghệ cao 130ha, phần còn lại là nuôi theo kiểu truyền thống. Những năm gần đây, việc nuôi tôm mang lại hiệu quả rất khả quan cho nông dân, đối với những diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thì năng suất trung bình khoảng 15 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với nuôi tôm ứng dụng một phần công nghệ cao và gấp 6 lần so với nuôi tôm theo kiểu truyền thống. Ông Lê Văn Bông, ngụ xã Phước Vĩnh Tây, cho biết: “Hiện gia đình tôi có 1,6ha mặt nước nuôi tôm, trong đó, 1ha là ao lắng và 0,6ha là ao nuôi. Theo tôi, muốn nuôi tôm đạt hiệu quả thì quan trọng nhất là chọn con giống. Vì vậy, tôi luôn chọn mua tôm giống ở những công ty, cơ sở uy tín, có như vậy thì nuôi tôm mới đạt hiệu quả. Nếu so với cách nuôi truyền thống, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao theo 3 giai đoạn mang lại hiệu quả cao hơn hẳn. Tôm không chỉ được cung cấp đầy đủ oxy, lớn nhanh, chống dịch bệnh tốt mà còn giảm hiện tượng chết giai đoạn ươm, không cần dùng thuốc kháng sinh mà vẫn làm sạch được đáy ao, hạn chế được rất nhiều rủi ro”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước – Nguyễn Hồng Chương cho biết, toàn huyện có hơn 400ha nuôi tôm công nghiệp có trang bị đầy đủ dụng cụ như: Máy cho ăn, máy quạt nước, máy thổi oxy đáy. Điển hình, các tổ hợp tác nuôi ứng dụng mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn cho năng suất từ 5-10 tấn/ha, cá biệt có hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao năng suất 25 tấn/ha, lãi từ 100-130 triệu đồng/ha. Những hộ dân áp dụng mô hình nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh đạt năng suất trung bình 3 tấn/ha đối với tôm thẻ, tôm sú trung bình 1,8 tấn/ha.


Nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả

Với các điều kiện tự nhiên của xã Tân Chánh là nền đất bùn và độ mặn không phù hợp việc áp dụng công nghệ cao, mặc dù trang bị đầy đủ trang thiết bị nhưng khoảng 2 tháng nuôi thì lượng khí độc sinh ra rất nhiều, không thể xử lý kịp và dẫn đến tôm bị bệnh chết. Nhiều hộ gia đình, đặc biệt là thành viên của hợp tác xã và tổ hợp tác từng áp dụng công nghệ biofloc và cũng phải cắt bỏ lót bạt đáy, vì mô hình không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, huyện rút ra được một quy trình phù hợp với địa phương, từng bước thực hiện tại vùng nuôi tôm xã Tân Chánh. “Huyện thực hiện mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn (2 giai đoạn lót bạt) và giai đoạn cuối cùng là thực hiện trên ao đất. Với quy trình này, hạn chế được khí độc trong đáy ao, dễ kiểm soát sự sinh trưởng, phát triển của tôm. Huyện thiết kế ao tôm dạng bể tròn (đây là cách làm mới) hạn chế, chủ động môi trường nước, dễ kiểm soát yếu tố môi trường, thuận lợi kiểm soát quá trình sinh trưởng và giảm chi phí đầu vào (điện). Mô hình cho chất lượng và năng suất cao” – ông Chương thông tin.

Sẽ nhân rộng

Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc – Huỳnh Văn Trí cho biết: “Những năm qua, thực hiện theo chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện, lãnh đạo cùng các ban, ngành, đoàn thể xã tích cực vận động người dân thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào việc nuôi tôm. Bên cạnh đó, UBND xã phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện cho nông dân vay vốn để thành lập các tổ hợp tác với lãi suất ưu đãi; đồng thời, giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng các ao lắng phục vụ việc nuôi tôm, hạn chế rủi ro có thể xảy ra. Ngoài ra, UBND xã còn tích cực phối hợp các ban, ngành huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước để việc nuôi tôm của người dân được diễn ra thuận lợi và đạt kết quả cao”. Ông Nguyễn Thanh Toàn, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Tôi “bén duyên” với con tôm từ đầu những năm 2000. Ban đầu, tôi chủ yếu nuôi tôm sú nhưng đến năm 2006, sau chuyến đi học tập kinh nghiệm ở Gò Công (Tiền Giang) được biết đến con tôm thẻ chân trắng và hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Từ đó, tôi chuyển từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến năm 2016, sau nhiều lần đi học tập kinh nghiệm ở những trang trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài tỉnh, tôi quyết định ứng dụng một phần công nghệ cao (sử dụng bạt bờ và oxy đáy) vào ao tôm của gia đình. Nhờ vậy mà năng suất tôm tăng lên, lợi nhuận cũng cao hơn”.

Để nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước – Huỳnh Văn Quang Hùng cho biết: “Thực hiện Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh hỗ trợ Cần Đước trên 285 tỉ đồng đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục vận động những hộ dân có điều kiện, đầu tư mô hình nuôi tôm công nghiệp – công nghệ cao; xây dựng quy trình, mô hình trình diễn từng bước chuyển đổi mô hình; khảo sát, quy hoạch các vùng nuôi tôm theo địa bàn các ấp, khu vực…, xây dựng dự án vay vốn; kiểm tra chất lượng con giống, hạn chế sử dụng các chế phẩm sinh học, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng giá trị, hiệu quả kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững. Thường xuyên khuyến cáo người dân tránh tình trạng nôn nóng, đầu tư không hiệu quả gây thiệt hại cho kinh tế hộ gia đình, ảnh hưởng lớn đến chủ trương chung trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững”.

Huỳnh Phong – Bùi Tùng – Kim Thoa Báo Long An