Bạn tìm thông tin gì?

Tag Archives: tin tức

Tôm giống vụ nuôi mới: Giá tăng, chất lượng phải tăng

Giá tôm tăng đã khiến người nuôi bớt nhọc nhằn. Tranh thủ giá cao, nhiều địa phương bắt đầu thả nuôi vụ mới. Vấn đề con giống lại tiếp tục được đặt ra cả về số lượng và chất lượng.

Tại nhiều địa phương, giá tôm giống đang tăng do nhu cầu tăng cao khi tôm nguyên liệu đang khan. Tại Bạc Liêu, giá tôm thẻ chân trắng (TTCT) ở mức 40 – 70 đồng/con, có nơi giá 80 – 90 đồng/con.

Trong khi đó, ở Cà Mau, giá tôm giống cũng tăng nhẹ. Toàn tỉnh hiện có hơn 600 trại sản xuất tôm sú giống, mỗi năm sản xuất được 8 – 9 tỷ con tôm post, đáp ứng 50% nhu cầu sản xuất trong tỉnh, còn lại phải nhập từ Bạc Liêu, Bến Tre, Phú Yên… Ông Quách Nhật Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết: Mỗi năm, tỉnh cần khoảng 2,5 tỷ con TTCT giống. Nhu cầu tôm giống đang tăng trong vụ nuôi mới. Tôm giống được mua tại Công ty TNHH Việt – Úc tăng 4 – 5 đồng/con. Giá tôm giống của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam 86 – 90 đồng/con. Ngoài ra, do doanh nghiệp phải tăng chi phí đầu vào, bỏ thêm tiền mua ghe chở nước ngọt về trại giống, khiến giá tôm giống tăng 2 – 3 đồng/con. Chất lượng con giống sản xuất trong tỉnh được kiểm tra theo nơi sản xuất, xét nghiệm cụ thể… Nhưng, lượng tôm giống nhập từ ngoài tỉnh về chất lượng kém vẫn chiếm gần 30%.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Khởi, cho biết: Tỉnh còn thiếu nguồn tôm giống đảm bảo chất lượng; người nuôi mua tôm giống bên ngoài về, tỷ lệ đạt chất lượng chỉ gần 20%, nhiều tôm giống chưa được kiểm soát, dẫn đến dịch bệnh trong quá trình nuôi. Còn tại Bến Tre, theo Chi cục NTTS tỉnh, diện tích nuôi TTCT tăng gần 3 lần nhưng giá tôm cơ bản vẫn tương đương vụ nuôi trước. Giá tôm sú giống 70 – 80 đồng/con, TTCT 80 – 100 đồng/con. Toàn tỉnh có 8 trại sản xuất tôm giống, đáp ứng 30% nhu cầu trong tỉnh; mỗi năm tỉnh cần nhập 5 tỷ con tôm giống (tôm sú và TTCT). Lượng giống nhập về không đạt chất lượng chiếm 10 – 15%.

 

Trong khi đó, theo Công ty TNHH Việt – Úc, nhu cầu TTCT giống tăng 20% so với năm 2013. Hiện, Công ty thiếu khoảng 500 triệu con TTCT giống. Nhiều đơn hàng đã được đặt trước hàng tháng, tuy nhiên, trong 1,5 – 2 tháng, nhà cung cấp tôm bố mẹ mới có hàng.

Nếu thiếu giống TTCT sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như một số doanh nghiêp, trại không có nguồn tôm bố mẹ sẽ cho tôm đẻ quá thời gian và số lần quy định hoặc một số cơ sở tự gia hóa tôm bố mẹ và phát tán, vi phạm quy định quản lý của Nhà nước… Mỗi năm nước ta phải nhập khẩu hàng vạn cặp tôm bố mẹ, giá mỗi cặp 20 – 60 USD, nhưng chất lượng gần như không kiểm tra được.

Về lâu dài, cần chủ động tôm bố mẹ giống, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc chọn tôm có nguồn gốc rõ ràng, tôm bố mẹ sau 2 lần đẻ không nên sử dụng tiếp để gây giống. Trước mắt, người nuôi tôm nên có hợp đồng với các doanh nghiệp, trại giống, đại lý cung cấp tôm giống đạt yêu cầu chất lượng; được xét nghiệm bệnh và qua kiểm dịch để đảm bảo chất lượng trước khi thả nuôi.

Những dự báo về ngành nuôi tôm

Những dự báo về ngành nuôi tôm

Tôm thẻ chân trắng
Ngành nuôi tôm đang trải qua sự thay đổi lớn về kỹ thuật cũng như thương mại.

Theo nhà phân tích thủy sản cao cấp của Rabobank, Gorjan Nikolik, các nhà sản xuất tôm sẽ phải nắm bắt các công nghệ và kỹ thuật sản xuất mới để tồn tại.

Phát biểu tại hội nghị AllTech về Aqua InDepth, diễn ra tại Eindhoven, Nikolik đã trình bày một quan điểm của nhà đầu tư về khả năng tồn tại lâu dài của ngành và làm thế nào để phát triển mạnh trong một ngành công nghiệp thay đổi nhanh chóng. Trong bài thuyết trình của mình, Nikolik đã khám phá chuỗi giá trị tôm và cách thức các nhà sản xuất tôm có thể tận dụng các cơ hội mới.

Sau khi sụt giảm sản lượng giữa năm 2013 và 2014 do dịch bệnh hội chứng chết sớm (EMS), nguồn cung tôm đã phục hồi. Sự phục hồi chủ yếu là do người nuôi tôm chuyển sang nuôi thông minh hoặc bioflocs. Tuy nhiên, những người nuôi không thể mua được công nghệ mới đã gặp khó khăn trong việc kinh doanh. Do đó, sự gia tăng trong sản xuất và tăng trưởng của ngành không đều – mô hình sản xuất hiện tại có thể không ổn định.

Ngoài sự bất ổn này, ngành nuôi tôm hiện đang tiếp cận tình trạng thừa cung trên thị trường toàn cầu. Theo quan điểm của Nikolik, giá tôm có thể sẽ thay đổi.

Thay đổi mô hình thương mại

Ngành nuôi tôm đang trải qua sự thay đổi dòng chảy thương mại lớn. Bắt đầu từ đầu những năm 2010, con đường giao dịch chính của tôm là giữa Thái Lan và Hoa Kỳ. Theo Rabobank, nhập khẩu tôm được tập trung vào 3 khối thương mại lớn: Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, năm 2019, Trung Quốc đã nổi lên là nhà nhập khẩu lớn nhất và Nhật Bản đứng thứ tư về tổng nhập khẩu tôm.

Hiện tại, dòng chảy thương mại lớn nhất trong tôm nuôi là từ Ecuador đến Trung Quốc, trong khi nhập khẩu tôm Thái Lan của Mỹ đã giảm và Ấn Độ đã nổi lên như một nhà xuất khẩu chính. Theo số liệu của Rabobank, năm 2019 là một năm hoạt động kém của ngành tôm; giá vẫn ở mức thấp, mặc dù nhu cầu đã tăng. Người nuôi tôm có thể cảm nhận sâu sắc khó khăn này.

Các mô hình thương mại thay đổi có thể là do áp lực dịch bệnh và người nuôi tôm áp dụng các mô hình kinh doanh khác nhau để tự bảo vệ mình khỏi những cú sốc thị trường. Nikolik giải thích: Đây là lý do tại sao Ecuador đã nổi lên như một nhà sản xuất tôm lớn. Khi so sánh thành công mới của Ecuador với sự suy giảm gần đây của Thái Lan, Nikolik lưu ý rằng người nuôi tôm ở châu Á phải vượt qua những thách thức đáng kể để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Thay đổi mô hình kinh doanh

Nhìn về tương lai, Nikolik cho rằng mô hình kinh doanh hiện tại của sản xuất tôm sẽ thay đổi. Do sự đổi mới đóng vai trò mạnh mẽ trong ngành nuôi tôm, ông dự đoán rằng người nuôi tôm sẽ hiểu biết hơn về loài mà họ nuôi và sẽ chuyển sang các hệ thống sản xuất mới như siêu thâm canh và hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn RAS để duy trì tính cạnh tranh. Ông cũng dự đoán rằng để quản lý tốt hơn áp lực từ dịch bệnh, người nuôi tôm sẽ bắt đầu cách ly trang trại khỏi môi trường xung quanh (tương tự như chăn nuôi gà).

Từ góc độ loài, Nikolik cho rằng các nhà sản xuất cần nắm bắt tiến bộ di truyền của tôm và các chủng mới sẽ có thể phát triển mạnh trong các hệ thống sản xuất mới.

Nikolik nhấn mạnh rằng nuôi trồng thủy sản có thể đem lại lợi ích thực chất cho hành tinh. Mặc dù lĩnh vực này có thể có rủi ro, nuôi trồng thủy sản có thể sản xuất thực phẩm sạch và giàu giá trị dinh dưỡng cho thế giới và mang lại lợi nhuận trong dài hạn.

Theo The Fishsite

HNN Tổng cục thủy sản
Đăng ngày: 26/11/2019