Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Giá cước vận chuyển tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang gặp khó

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, từ tháng 11/2020 các doanh nghiệp thủy sản đều “đứng ngồi không yên” vì hầu hết các hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển hàng container, với mức tăng từ 2 – 10 lần (tùy theo chặng).

Giá cước vận chuyển tăng cao, thiếu hụt container khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang chịu nhiều áp lực (Ảnh: St)

Những tháng vừa qua, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với vấn đề cước phí vận chuyển tăng chóng mặt, điển hình, cước thuê container đi Anh tháng 10/2020 là 1.420 USD/cont 20 feet, đến tháng 11/2020 tăng lên 5.420 USD/ container 20 feet. Con số này được dự báo sẽ đạt ngưỡng 7.200 USD. Mặc dù giá thuê cao nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó đặt được container. Ngay cả khi đăng ký được container đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu xuất khẩu nhưng vì thiếu hụt lượng container dẫn đến các hãng tàu liên tục hoãn chuyến, có nhiều tàu phải hoãn đến 10-15 ngày. Việc chậm trễ đơn hàng xuất khẩu, nhất là các đơn hàng phải giao để kịp thời hạn hợp đồng có thể gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp. Cùng với những bất cập về giá cước, phụ phí hãng tàu nước ngoài đang thu cũng trở thành gánh nặng đối với chủ  hàng Việt Nam. Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, liệt kê hơn 10 loại phí cụ thể với một container, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam phải chịu như: Phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí vệ sinh container, phí cân bằng container, phí khai trọng lượng… tổng chi phí từ 500 – 520 USD/container 40 feet và khoảng 350 USD/container 20 feet.

Liên quan đến việc tăng giá cước “phi mã” của hãng tàu nước ngoài, đại diện Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng dù nguyên nhân của thực trạng này có phần khách quan từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đây được coi là một cuộc khủng hoảng giá cước chưa từng có tại Việt Nam. Có những chuyến đi Bắc Âu, giá cước vượt đến 10.000 USD/container là điều không chấp nhận được. Cục Xuất nhập khẩu đã đề xuất cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc chấp hành quy định về khai báo việc tăng giá, phụ phí của hãng tàu như thế nào, có tình trạng hãng tàu bắt tay với nhau để trục lợi hay không…

Ông Phạm Hoàng Việt, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Sao Ta cho hay, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng container tăng mạnh tùy thuộc vào thị trường. Chẳng hạn, so với tháng 10/2020, chi phí vận chuyển vào thị trường Nhật Bản tăng gần 13%, thị trường Mỹ tăng 17-23%, riêng vào châu Âu tăng “khủng” nhất, khoảng 217%. “Thị trường xuất khẩu tôm của chúng tôi chủ yếu là Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ. Cước phí không ngừng tăng đã ảnh hưởng đến khâu bán hàng, làm tăng thêm giá thành”, ông Việt chia sẻ.

Trước tình hình trên, mới đây Bộ Công Thương đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị Bộ làm việc với các hãng tàu biển để tăng chuyến, tăng cường đưa container về Việt Nam. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Bộ GTVT quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng các đại lý hãng tàu nhân cơ hội tăng giá, thu các khoản phí bất hợp lý gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị cần đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa sang Châu Âu bằng đường sắt để giảm phụ thuộc vào đường biển. Việc tăng giá cước tàu biển và khan hiếm container sẽ tác động tiêu cực, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Khánh Linh – http://nguoinuoitom.vn/

Thức ăn thủy sản tăng cao: Người nuôi lao đao


Giá ngô, giá đậu tương nhập khẩu tăng 70% trong 6 tháng qua, cá biệt, chỉ trong một tháng qua giá 2 loại nguyên liệu này tăng tới 20%. Nguyên nhân có thể lý giải do nguồn cung khan hiếm, khi nguồn cung nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản thiếu hụt, doanh nghiệp, người chăn nuôi đối mặt với nhiều thách thức.

Các công ty thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng giá chóng mặt

Từ đầu năm đến nay, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ngoài thách thức về giá cả, vận chuyển logistic, giờ đây doanh nghiệp và người nuôi lại tiếp tục đối mặt với thách thức về giá cả nguyên liệu, thức ăn thủy sản tăng cao liên tiếp nhiều lần trong thời gian ngắn. Theo thông tin từ các công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn, giá một số loại thức ăn nuôi tôm từ đầu năm đến nay tăng từ 1,69 – 5,03% (trung bình 3,09% so với năm 2020), chủ yếu là thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ đầu năm đến nay, tất cả các sản phẩm thức ăn tôm của các công ty đều thông báo tăng giá từ 1.200 đồng/kg đến 1.900 đồng/kg. Tại công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đều tăng giá thêm 1.500 đồng/kg từ ngày 1/3. Cụ thể, C.P.9920 01 bao 10kg hiện có giá 389.000 đồng; C.P.9922 01 bao 25kg có giá 972.500 đồng;…

Ông Trần Oanh Liệt, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi tại xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cho biết: Gần đây hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đều có thông báo điều chỉnh tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là nguyên liệu nhập khẩu. Theo đó, các cửa hàng bán lẻ cũng phải điều chỉnh tăng giá bán. Trong thời gian tới, hộ dân chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ định tái đàn vì giá thức ăn đầu vào tăng, mà giá đầu ra vẫn ổn định.

Theo ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, những ngày qua, giá thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh có biến động, giá thức ăn tăng từ 3-5%, tùy theo loại. Giá thức ăn tăng làm ảnh hưởng lợi nhuận đến người nuôi, vì giá đầu vào tăng nhưng giá đầu ra lại không tăng. Tại thời điểm hiện tại, giá tôm thẻ chân trắng loại 70 con/kg đang được thu mua với mức giá khoảng 117.000 đồng/kg.

Giá tăng cũng khiến nhiều cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản lo ngại việc tới đây sức tiêu thụ hàng hóa bị giảm. Người dân ngán ngại đầu tư phát triển trang trại nuôi, nhất là khi giá cả đầu ra còn nhiều bấp bênh. Hiện nay, là thời điểm người dân đẩy mạnh các hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho nhu cầu tết Thanh Minh. Do vậy, giá thức ăn tăng cao đã gây nhiều khó khăn cho người nuôi về nguồn vốn để tái đầu tư.

Ngành thức ăn chăn nuôi, thủy sản đang đối mặt với nhiều thách thức

Giá nguyên liệu tăng cao, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi – thủy sản là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên, giá nguyên liệu tăng gấp đôi, nhưng giá thành phẩm lại tăng nhỏ giọt, chưa tương xứng. Các loại nguyên liệu dự trữ sắp cạn kiệt, thời điểm hiện tại chúng ta đang phải sử dụng các loại nguyên liệu mới, với giá thành mới. Chính vì vậy đã đẩy giá thành nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản lên rất cao. Trong khi đó, việc tăng giá cao cho các sản phẩm đầu ra là chưa thể. Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giờ họ không thể mua nguyên liệu theo quý, theo năm như trước nữa, mà chỉ dám mua theo từng tháng.

Trong khi các doanh nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những lần tăng giá nguyên liệu thì đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là người nuôi, đặc biệt là với những hộ nuôi quy mô vừa và nhỏ. “Người nuôi tôm như tôi chỉ mong muốn giá thức ăn được ổn định, đầu ra tốt để chúng tôi yên tâm sản xuất”, anh MH, chủ vuông tôm ở Thái Bình tâm sự.

“Nếu giá thức ăn cho tôm cứ liên tục tăng như hiện nay, mà không có sự can thiệp từ Chính phủ cũng như hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, người nuôi như chúng tôi khó có thể bám trụ với nghề, bởi một vụ tôm hiện đang phải gánh quá nhiều chi phí, trong khi đầu ra thì bấp bênh, không ổn định. Nếu chi phí đầu vào và đầu ra không thể cân đối được, những lứa tới tôi có thể sẽ phải treo ao vì không đủ kinh phí để gối vụ”, anh Nguyễn Triệu, chủ vuông tôm tại Trà Vinh chia sẻ.

Hai nhóm chính tác động chủ yếu đến giá thành thức ăn chăn nuôi chính là ngô hạt và khô dầu đậu tương, đây là những nguyên liệu chúng ta đang thiếu, và là thế mạnh của các nước thuộc khu vực Nam Mỹ và Bắc Mỹ – vùng có lợi thế về sản xuất các nguyên liệu ngũ cốc. Điều này gây ra sự phụ thuộc của hoạt động sản xuất trong nước với những loại nguyên liệu nhập khẩu, thể hiện rõ nhất khi chúng ta phải đối mặt với đứt gãy do dịch bệnh Covid-19 hay ảnh hưởng bởi vấn đề mùa vụ của các nước Nam Mỹ, khiến giá ngũ cốc chịu ảnh hưởng trực tiếp, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn Nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm.

Các mặt hàng ngô, đậu tương, lúa mì được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021. Tình hình những tháng đầu năm 2021 có rất nhiều biến động, không chỉ với thức ăn, mà thuốc thủy sản và con giống cũng đều đồng loạt tăng giá, góp phần khiến bài toán chi phí và lợi nhuận của người nuôi tôm ngày một phức tạp.

Phúc Bảo – http://nguoinuoitom.vn/

Bộ NN&PTNT: Mỗi năm, toàn ngành nông nghiệp có thể cung cấp 4 triệu tấn cám, khoảng dưới 4 triệu tấn sắn để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong khi nhu cầu cần tới 27 triệu tấn các loại. Hơn nữa, các loại ngô, đậu tương, lúa mì lại không phải là cây trồng thế mạnh của Việt Nam.

Cục Chăn nuôi: Ban hành công văn số 141/CN-TĂCN ngày 21/01/2021 về tình hình giá và sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi:

Thời gian gần đây giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) nhất là các loại ngũ cốc liên tục tăng cao và dự báo sẽ còn giữ ở mức cao này đến Quý II năm 2021 gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất chăn nuôi trong nước. Nhằm giảm thiểu tác động bất lợi này, Cục Chăn nuôi đề nghị các tổ chức, cá nhân sản xuất TĂCN thực hiện một số nội dung sau:

  1. Sử dụng tiết kiệm triệt để, hiệu quả nguồn nguyên liệu để hạ giá thành sản xuất TĂCN;
  2. Tăng cường các giải pháp tìm kiếm, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu;
  3. Thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến giá nguyên liệu TĂCN trên thế giới và trong nước để có giải pháp ứng phó kịp thời;
  4. Điều chỉnh mức độ và lộ trình thay đổi giá bán TĂCN phù hợp không gây ảnh hưởng nhiều làm xáo trộn sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước.

10 bước đơn giản để sản xuất tôm bằng Biofloc

Hiện nay, hệ thống biofloc ngày càng trở nên phổ biến như một phương tiện chi phí thấp để làm sạch nước nuôi của các trang trại nuôi tôm, cá, đồng thời cũng cung cấp thêm nguồn thức ăn. Hơn nữa, việc áp dụng hệ thống biofloc cần ít đầu tư bởi chỉ cần có đầy đủ các yếu tố như ánh sáng mặt trời, nguồn carbonhydrate và sục khí.

Hệ thống ao nuôi có mái che và lót bạt rất lý tưởng cho việc lắp đặt hệ thống biofloc – ảnh: Khoo Eng Wah

Hệ thống biofloc dựa vào quá trình quang hợp để chuyển hóa thức ăn thừa, phân và chất dinh dưỡng dư thừa thành thức ăn. Trong khi phá vỡ cấu trúc amoniac và nitrat độc hại, cả vi khuẩn tự dưỡng và dị dưỡng sản sinh sơ cấp đều sinh sôi để thu hút các sinh vật, bao gồm cả tảo, nấm, động vật nguyên sinh và các loại sinh vật phù du khác nhau. Đây là nguồn dinh dưỡng hấp dẫn đối với tôm và cá nuôi.

Chính vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu và nắm rõ về hệ thống biofloc cùng các nguyên tắc cơ bản

Bước 1: Thiết lập bể, ao

Mặc dù những ao đất nuôi tôm có thể chuyển đổi sang áp dụng biofloc nhưng sẽ rất khó khăn và nhiều thách thức. Các vi sinh vật, khoáng chất và kim loại nặng có tự nhiên trong đất có thể ảnh hưởng đến các thông số của nước ao và có thể ảnh hưởng đến các quá trình tự nhiên của hệ thống biofloc.

Ông Khoo Eng Wah, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản Sepang Today (STAC) tại Malaysia chia sẻ: “Đối với những người mới áp dụng biofloc, tốt nhất nên bắt đầu với ao lót bạt, ao bê tông hoặc bể nuôi trong nhà để tránh sự ảnh hưởng đến các thông số của nước nuôi hay quy trình hoạt động của hệ thống”. Đối với các nước khu vực nhiệt đới, hệ thống nuôi trong nhà sẽ có lợi thế lớn. “ Khi chúng ta gặp phải lượng mưa lớn, độ kiềm và độ pH dễ bị ảnh hưởng đối với những ao nuôi ngoài trời. Bởi vậy, những ao nuôi có mái che là một sự lựa chọn tối ưu”, ông Khoo Eng Wah nói thêm.

Bể và ao ương trong nhà muốn áp dụng cần phải đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng mặt trời tự nhiên để tảo phát triển. Nếu sử dụng ao có diện tích lớn, nên đặt cống thoát nước đáy để thỉnh thoảng loại bỏ bùn, cặn bẩn dư thừa. Điều này đặc biệt quan trọng bởi khi bổ sung carbonhydrate thường xuyên sẽ khiến lượng bùn trong ao tăng lên đáng kể.

Bước 2: Sục khí (ảnh sục khí)

Tất cả các hệ thống Biofloc đều yêu cầu sự chuyển động liên tục để duy trì nồng độ oxy hòa tan cao và giữ cho chất rắn không bị lắng xuống đáy. Các khu vực không có sự chuyển động sẽ nhanh chóng thiếu thụt oxy, trở thành những nơi yếm khí, giải phóng ra một lượng lớn khí metan và amoniac.

Để ngăn chặn điều này, mỗi ao hoặc bể cần bố trí sục khí vận hành tốt. Các ao thường sử dụng hệ thống sục khí bánh guồng. Hệ thống biofloc yêu cầu tới 6mg/lit oxy mỗi giờ, và nên bắt đầu với máy sục khí đáp ứng được khoảng 23 Kw/ha. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cường độ và năng suất của hệ thống, con số này có thể lên đến 150kw/ha. Máy sục khí bánh guồng nên được lắp đặt một cách khoa học để tạo ra dòng xoáy trong ao, nên thường xuyên di chuyển hệ thống sục để đảm bảo các hạt chất rắn không bị đọng lại ở những khu vực có ít hoặc không có dòng xoáy trong ao nuôi.

Bước 3: Ương dưỡng vi sinh vật có lợi

Để thúc đẩy sự ổn định và sinh trưởng của hệ thống biofloc, nên nuôi cấy các loại vi sinh vật vào nước nuôi trước khi xuống giống. Hiện nay trên thị trường cũng có rất nhiều những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ nuôi cấy này.

Đo sự phát triển của hệ vi sinh vật bằng cốc hình nón – ảnh: Khoo Eng Wah

Bước 4. Lựa chọn loài và mật độ thả

Mặc dù việc nuôi sẽ dễ dàng hơn khi chất lượng nước được cải thiện nhờ hệ thống biofloc. Nhưng việc chọn đối tượng nuôi có thể tối ưu hóa được hết chức năng của biofloc sẽ mang lại hiệu quả tối đa. Tôm và cá chính là hai sự lựa chọn hoàn hảo bởi chúng ăn thức ăn sinh học, do đó giúp cải thiện đáng kể hiệu quả cho ăn và FCR.

Nhờ khả năng sục khí mạnh và tự lọc nước nuôi, người ta có thể thả nuôi với mật độ cao 150-250 post/m2. Nhiều người nuôi cố gắng tăng mật độ lên cao hơn nhưng điều này đã làm gia tăng đáng kể nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe và phúc lợi của vật nuôi.

Bước 5: Cân bằng đầu vào nguồn carbon

Để ngăn chặn sự đạt đỉnh của amoniac trong ao nuôi (chủ yếu bắt nguồn từ nitơ trong thức ăn), khi bắt đầu chu kỳ nuôi nên bắt đầu hệ thống biofloc bằng việc đảm bảo đủ carbohydrate. Cacbon trong carbohydrate này cho phép vi khuẩn dị dưỡng sinh sôi và tổng hợp amoniac, do đó duy trì chất lượng nước.

Chỉ nên chọn các nguồn carbon và hỗn hợp hỗn hợp thức ăn có tỷ lệ carbon-nitơ (C / N) trên 10 vì điều này hỗ trợ sự phát triển của các vi khuẩn dị dưỡng. Vì hầu hết thức ăn cho cá và tôm có tỷ lệ C/N là 9: 1 hoặc 10: 1, nên cần có thêm đầu vào để nâng tỷ lệ này lên trong khoảng từ 12:1 đến 15:1. Có thể sử dụng: mật đường, tinh bột sắn, mía hoặc tinh bột.

Để ngăn chặn đỉnh amoniac ở các giai đoạn sau của quá trình sản xuất, nên lặp lại bước này, đặc biệt là khi sử dụng mật độ thả cao kết hợp với lượng lớn thức ăn cho ăn. Kiểm soát điều này là một trong những bước khó nhất để thực hiện thành công các nguyên tắc biofloc.

Chỉ số màu cộng đồng vi khuẩn (MCCI) cho thấy sự chuyển đổi từ hệ thống thống trị tảo sang hệ thống thống trị vi khuẩn. Nguồn: Southern Regional Aquaculture Center

Bước 6: Tăng trưởng biofloc

Với sục khí đầy đủ, ánh sáng tự nhiên và các nguồn carbon có sẵn, số lượng biofloc sẽ tăng lên nhanh chóng. ùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm nhiệt độ nước, chất dinh dưỡng và ánh sáng mặt trời, cộng với số lượng bioflocs được gieo hạt khi bắt đầu, số lượng flocs sẽ tăng từ gần 0 lên khoảng 4 – 5 đơn vị/ ml trong một vài tuần. Cuối cùng, mật độ đáng kinh ngạc lên tới 10 tỷ vi khuẩn trên mỗi cm khối. Như Nyan Taw giải thích: “Một sự đa dạng đáng kinh ngạc của hơn 2.000 loài, tất cả đều làm việc chăm chỉ để giảm thiểu hàm lượng amoniac trong nước và duy trì chất lượng nước tốt.”

Theo dõi sự tăng trưởng của các flocs này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng cốc có hình nón để thu thập một số mẫu nước ở độ sâu từ 15 – 25cm, tốt nhất là vào buổi sáng. Các hạt rắn nên được để lại trong 20 phút.

Bước 7: Theo dõi, kiểm soát sự phát triển của biofloc

Bắt đầu từ thời điểm này, cần phải lấy các mẫu nước thường xuyên để kiểm tra và xác định hoạt động của hai loại biofloc, và mật độ tương ứng. Nói một cách dễ hiểu, biofloc ngoài trời sẽ bao gồm tảo xanh và vi khuẩn, trong đó tảo chủ yếu sử dụng ánh sáng mặt trời để phát triển, trong khi vi khuẩn chủ yếu tiêu thụ thức ăn thừa, sản phẩm phụ và các chất thải liên quan.

Thời gian đầu, tảo sẽ có xu hướng phát triển nhanh hơn nên nước ao sẽ có màu xanh lục, sau đó chuyển nâu trong những tuần tiếp theo khi vi khuẩn bắt đầu sinh sôi và chiếm ưu thế. So với cá rô phi, ao nuôi tôm sẽ mất thời gian lâu hơn để nước chuyển sang màu nâu bởi chúng tiêu thụ lượng thức ăn ít hơn.

Phát triển hệ thống biofloc liên quan đến tỷ lệ thức ăn. Nguồn: Regional Aquaculture Center

Bước 8: Theo dõi, kiểm soát các thông số nước và cơ sở hạ tầng trang trại

Khi hệ thống biofloc chuyển sang màu nâu, sục khí phải được tăng lên đáng kể để duy trì tốc độ hô hấp cao. Tốc độ hô hấp ở giai đoạn này có thể đạt tới 6mg/ lít mỗi giờ, đòi hỏi năng lượng gấp sáu lần mỗi ha so với khi bắt đầu hoạt động.

Bất kỳ sự cố mất điện nào trong giai đoạn này đều có thể nhanh chóng dẫn đến mất mùa do thiếu oxy và vì trong môi trường oxy thấp, nhiều vi khuẩn dị dưỡng bắt đầu sản xuất amoniac. Điều quan trọng đối với hệ thống sục khí là phải luôn luôn hoạt động.

Điều này có nghĩa là bảo trì và giám sát tốt các thiết bị sục khí, cộng với hệ thống điện cung cấp năng lượng để chạy hệ thống này. Theo dõi thường xuyên các thông số chất lượng nước, đặc biệt là nồng độ oxy và amoniac hòa tan, sẽ cho cho bạn biết hệ thống đang hoạt động tốt hoặc cần sục khí thêm.

Bước 9: Kiểm soát nguồn giống

Bên cạnh việc duy trì chất lượng nước với chi phí thấp hơn và không cần thay nước, mục tiêu thứ hai của hệ thống biofloc là cải thiện tốc độ tăng trưởng và hiệu quả cho ăn, do đó cải thiện lợi nhuận và tính bền vững của trại nuôi. Cần theo dõi thường xuyên hoạt động của đàn giống, tính toán và ghi lại tỷ lệ tăng trưởng, ngoại hình, FCR và tỷ lệ sống của đàn.

Bước 10: Thu hoạch và vệ sinh

Việc vệ sinh ao nuôi và các dụng cụ sau khi thu hoạch thường bị lãng quên. Tuy nhiên đây lại là một bước rất quan trọng. Mặc dù việc tái sử dụng nước nuôi có vẻ hấp dẫn vì đã có quần thể sinh vật được xây dựng sẵn, nhưng điều này không được khuyến khích. Các mầm bệnh có thể đã phát triển và có thể gây ra rủi ro an toàn sinh học nghiêm trọng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng theo thời gian, kim loại nặng có thể tích tụ trong nước nuôi cấy, có thể tích tụ trong ao, khiến nó không phù hợp với tiêu dùng của con người. Bởi vậy, nên dọn dẹp vệ sinh hệ thống thật tốt trước khi bắt đầu vụ nuôi tiếp theo.

Đối với tôm, sản lượng thu hoạch ước chừng từ 20-25 tấn/ha. Nếu tất cả các bước đều được tuân thủ nghiêm ngặt, người nuôi hoàn toàn có thể mong đợi tỷ lệ tăng trưởng và tỷ lệ sống tăng lên, do đó giảm được chi phí chung và cải thiện lợi nhuận đáng kể.

Phúc Bảo – http://nguoinuoitom.vn/

Côn trùng: Nguồn protein mới cho tôm nuôi

Hiện tại, giá của protein côn trùng dao động trong khoảng 3.500 – 5.000 Euro/ tấn, khá cao so với bột cá dao động từ 1.200 – 2.000 USD/ tấn. Tuy nhiên, có thể thấy tính bền vững mà protein từ côn trùng mang lại cho các sản phẩm thủy sản – chẳng hạn như giảm sự phụ thuộc vào biển – cùng với việc tiếp thị quảng bá sản phẩm có thể biện minh cho sự chênh lệch về giá cả.

Ảnh: Cheryl Hoffman.

Nguồn protein chất lượng cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của các động vật thủy sản. Hiện nay, các nhà sản xuất cá chủ yếu dựa vào bột cá và bột đậu nành để đáp ứng các yêu cầu về thức ăn. Đậu nành đã giúp giảm bớt áp lực lên trữ lượng cá làm thức ăn cho động vật. Nhưng việc sản xuất đậu nành đòi hỏi diện tích đất lớn và hầu hết được trồng tập trung tại Mỹ, Brazil, Argentina, Trung Quốc và Ấn Độ. Các quốc gia còn lại, bao gồm các nước có ngành nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh như Việt Nam, Indonesia, Bangladesh và Nauy, nguồn nguyên liệu này gần như phụ thuộc vào nhập khẩu.

Hàm lượng protein, axit amin

Tiềm năng to lớn của côn trùng, như một nguồn protein thay thế trở nên rõ ràng khi so sánh hàm lượng protein của chúng với nguồn protein thực vật, như đậu nành hoặc các sản phẩm phụ của động vật như thịt và bột xương. Thật vậy, côn trùng đã được chứng nhận là “thức ăn đậm đặc protein” với hàm lượng protein dao động từ 30% ở sâu gỗ đến 82% ở một số loài ong bắp cày. Giá trị tiêu hóa của chúng tăng từ 33% đến 96% ở một số loài sâu bướm và ấu trùng bướm.

Tương tự, thành phần axit amin trong bữa ăn của côn trùng phần lớn khác nhau giữa các loài. Giá trị axit amin cao đối với phenylalanin và tyrosine đã được tìm thấy ở một số loài, và một số loài côn trùng rất giàu tryptophan, lysine và threonine. Tuy nhiên, dữ liệu phân tích cho thấy rằng đối với côn trùng, tổng số axit amin lưu huỳnh là giới hạn đầu tiên, và khi các bữa ăn côn trùng được kết hợp vào khẩu phần ăn nuôi trồng thủy sản như là nguồn protein chính, tổng số axit amin lưu huỳnh được chứng minh là axit amin giới hạn đầu tiên.

Hàm lượng lipid, carbohydrate

Ngoài protein, thành phần chính khác trong thành phần dinh dưỡng của côn trùng là chất béo. Phần lớn các phân tích axit béo côn trùng chỉ ra rằng hầu hết các cấu hình ở cấp độ côn trùng là khá giống nhau. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống là một yếu tố góp phần đáng kể vào quá trình đa axit béo ở côn trùng.

Hàm lượng lipid của côn trùng – có thể đạt 50% trên cơ sở chất khô – thường không bão hòa, giống như dầu hoặc dầu hướng dương. Triglyceride là nguồn dự trữ năng lượng trao đổi chất lớn nhất ở côn trùng. Ngoài ra và tương tự như tôm, côn trùng không thể tổng hợp cholesterol de novo.

Điều quan trọng cần lưu ý là sự mất cân bằng của sterol, đặc biệt là cholesterol, có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng, tần suất lột xác và tỷ lệ sống ở tôm nuôi. Dựa trên trọng lượng tươi, hàm lượng cholesterol được báo cáo của côn trùng dao động từ 105 mg / 100 g đối với dế nhà đến 56 mg / 100 g đối với bọ hung.

Thành phần acid amin trong côn trùng và các phụ phẩm từ động vật

Côn trùng cũng có xu hướng có nồng độ carbohydrate cấu trúc thấp: 3 đến 4% ở giai đoạn chưa trưởng thành và 15% ở người lớn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ấu trùng được nuôi trên thức ăn có tỷ lệ protein: carbohydrate thấp sẽ tăng khối lượng ít hơn, tăng trưởng chậm hơn và chứa lượng dự trữ protein dự trữ ít hơn đáng kể so với những cá thể được cho ăn chế độ ăn cân bằng hoặc giàu protein.

Côn trùng trong thức ăn thủy sản

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng preupae của ruồi lính đen dường như là một thành phần thích hợp để thay thế một phần bột cá và dầu cá trong khẩu phần ăn của cá hồi vân. Ngoài ra, hàm lượng ruồi dường như không làm thay đổi hương vị của cá hồi.

Trong một thử nghiệm cho ăn kéo dài 12 tuần gần đây với cá hồi vân và sử dụng “bột siêu sâu”, một thành phần được sản xuất bằng cách nghiền nhỏ ấu trùng của loài bọ cánh cứng nhiệt đới, Zophobas morio , đã đạt được hiệu suất tốt với mức bột trùn lên đến khoảng 15%. Dữ liệu từ một nghiên cứu với cá da trơn châu Phi được cho ăn bột châu chấu cho thấy bột côn trùng có thể thay thế bột cá tới 25% mà không có bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đến sự tăng trưởng và sử dụng chất dinh dưỡng.

Vào đầu những năm 1970, các nghiên cứu chỉ ra rằng khi tôm được cung cấp động vật chân đốt, ấu trùng côn trùng được lựa chọn thay vì nhộng côn trùng, do đó, chúng được ưu tiên hơn so với con trưởng thành. Các kết quả được công bố từ các thử nghiệm cho ăn với các loài tôm được thực hiện để đánh giá giá trị dinh dưỡng của côn trùng hoặc các bữa ăn từ côn trùng để thay thế bột cá còn hạn chế.

Các peptide côn trùng được tạo ra bằng cách thủy phân ấu trùng ruồi nhà và cho tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương, Litopenaeus vannamei ăn, làm tăng trọng lượng cơ thể đầy đủ, giảm tỷ lệ chuyển hóa thức ăn và tỷ lệ sống cao. Trong một nghiên cứu gần đây hơn được thực hiện để đánh giá sự thay thế một phần và toàn bộ thức ăn công thức bằng côn trùng sống (loài Tricho-corixa), trong quá trình nuôi thâm canh L. vannamei , tôm chỉ ăn côn trùng có tốc độ tăng trưởng kém, nhưng không phát hiện thấy ảnh hưởng nào đến màu sắc, mùi và vị của cơ tôm.

Tiềm năng trong tương lai

Trong bức trang thủy sản toàn cầu, các trang trại cá cung cấp khoảng 50% nguồn cung thủy sản ăn được trên thế giới và dự kiến chiếm khoảng 60% trong vòng một thập kỷ tới. Chính vì thế, sức khỏe và sự tăng trưởng của nhiều loại cá nuôi phụ thuộc vào sự sẵn có của bột cá và dầu cá. Nhưng hiện nay, chúng ta đều đang nhìn thấy được sự biến động về giá cả cũng như tính bền vững của chúng. Ngành nuôi trồng thủy sản luôn tìm kiếm các thành phần thức ăn bền vững và ruồi lính đen nổi lên như một ứng của viên sáng giá hàng đầu.

Rabobank đã có bài phân tích về thị trường tiềm năng của protein từ côn trùng đối với ngành thức ăn thủy sản. Theo đó, dự tính có 500.000 tấn protein côn trùng sẽ được sản xuất vào năm 2030, trong đó thức ăn thủy sản sẽ sử dụng 200.000 tấn, thức ăn cho thú cảnh 150.000 tấn, thức ăn gia cầm 120.000 tấn và 30.000 tấn thức ăn cho heo con. Con số 200.000 tấn nghe có vẻ nhiều, nhưng thực ra nó chỉ chiếm chưa đến 1% thị trường thức ăn thủy sản toàn cầu ngày nay.

Trong giai đoạn mở rộng quy mô hiện tại, họ cho rằng sự tăng trưởng về nhu cầu từ lĩnh vực thức ăn thủy sản sẽ dựa trên chất lượng dinh dưỡng và tính bền vững của thức ăn có nguồn gốc từ côn trùng. Ở giai đoạn tiếp theo, sự tăng trưởng sẽ dựa trên sự cải thiện về độ ngon cũng như tác động dinh dưỡng của chúng. Còn trong giai đoạn thứ ba, các nhà phân tích nêu rõ “ Protein có nguồn gốc từ côn trùng sẽ được sử dụng kết hợp cùng với bột cá, bột đậu nành nhưng với tỷ lệ đưa vào tương đối nhỏ, đủ để đạt được những đặc tính chức năng của chúng. Điều này sẽ tạo ra các sản phẩm mới tốt hơn và ít phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu từ môi trường”.

Tầm nhìn đến năm 2030, các nhà phân tích cũng tin rằng, sản lượng protein từ côn trùng sẽ đạt mức 1 triệu tấn mỗi năm và sẽ là một trong những loại nguyên liệu có khả năng sinh lời cao.

Vũ Hải – http://nguoinuoitom.vn/

Kiểm soát amoni và nitrit khi ương tôm thẻ trong bioflocs

Trong hệ thống nuôi theo công nghệ biofloc, các hợp chất nitơ được kiểm soát chủ yếu thông qua hoạt động của vi khuẩn dị dưỡng và hóa dưỡng.

Chiến lược kiểm soát amoni và nitrit trong hệ thống ương tôm thẻ chân trắng bằng bioflocs.

Trong hệ thống nuôi theo công nghệ biofloc, các hợp chất nitơ, đặc biệt là amoniac và nitrit, phải được kiểm soát bằng con đường vi sinh vật, chủ yếu thông qua hoạt động của vi khuẩn dị dưỡng và hóa dưỡng.

Nghiên cứu này đánh giá các chiến lược khác nhau để chuẩn bị nước (dị dưỡng, hóa dưỡng và biofloc trưởng thành) để ương tôm thẻ chân trắng trong hệ thống biofloc và đem lại hiệu quả đáng kể.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bioflocs trong ương tôm thẻ chân trắng

Một nghiên cứu kéo dài 35 ngày được thực hiện với tôm post (0,08g) được thả trong mười hai bể 300L với mật độ thả 2000con/m3.

Thí nghiệm đánh giá việc nuôi tôm post trong ba hệ thống biofloc khác nhau: biofloc dị dưỡng, hóa dưỡng và biofloc trưởng thành.

i) Xử lý dị dưỡng, trong đó nước nhận đường làm nguồn carbon.

ii) Xử lý bằng hóa dưỡng, trong đó các muối amoni và nitrit đã được thêm vào nước.

iii) Xử lý trưởng thành, được tạo ra bằng cách bổ sung một lượng đáng kể nước có chứa biofloc trưởng thành từ một hệ thống biofloc đã được thiết lập khác.

Kết quả

Thông số chất lượng nước

Nghiệm thức dị dưỡng có nồng độ DO thấp hơn so với nghiệm thức biofloc trưởng thành và hóa dưỡng.

Hệ thống dị dưỡng hàm lượng amoniac và nitrit cao hơn so với các nghiệm thức còn lại. Tổng chất rắn lơ lửng (TSS) cao hơn ở nghiệm thức dị dưỡng so với nghiệm thức trưởng thành. Tổng hàm lượng chất lơ lửng dễ bay hơi (VSS), tổng hàm lượng chất rắn lơ lửng cố định (FSS) và chất rắng lơ lửng (SS) cao hơn ở nghiệm thức dị dưỡng so với cả nghiệm thức hóa dưỡng và trưởng thành.

Trong cả phương pháp kiểm soát biofloc trướng thành và hóa dưỡng, quá trình nitrat hóa có thể giữ các hợp chất nitơ độc hại (amoniac và nitrit) ở mức thấp mà không cần bổ sung carbohydrate. Ngược lại, hệ thống dị dưỡng cho thấy đỉnh của amoniac và nitrit trong chu kỳ nuôi, và mức độ của các hợp chất này cao hơn so với các nghiệm thức còn lại.

Cộng đồng vi sinh vật

Khi bắt đầu thí nghiệm, số lượng vi khuẩn dị dưỡng sống sót cao hơn trong hệ thống dị dưỡng so với nghiệm thức trưởng thành và hóa dưỡng. Tương tự, vi khuẩn thuộc họ Vibrionaceae có nhiều hơn trong hệ thống dị dưỡng so với các nghiệm thức hóa dưỡng trưởng thành và hóa dưỡng tại cùng một thời điểm.

Họ Vibrionaceae đầu thí nghiệm của nghiệm thức hóa dưỡng thấp hơn so với nghiệm thức dị dưỡng và trưởng thành. Sự kết hợp giữa số lượng Vibrionaceae thấp và chất lượng nước tốt đã dẫn đến cải thiện hiệu suất tăng trưởng trong phương pháp xử lý này.

Tăng trưởng

Trọng lượng cơ thể trung bình và tốc độ tăng trưởng ở tôm nuôi ở nghiệm thức hóa dưỡng cao hơn so với tôm trưởng thành. Tuy nhiên, không có sự khác biệt (p ≥ 0,05) giữa nghiệm thức dị dưỡng và các nghiệm thức khác. Sinh khối cuối cùng và năng suất cao hơn ở cả nghiệm thức hóa dưỡng và dị dưỡng so với nghiệm thức trưởng thành. Không có sự khác biệt có ý nghĩa (p ≥ 0,05) về tỷ lệ sống và hệ số chuyển hóa thức ăn giữa các nghiệm thức.

Nghiên cứu này đã chứng minh rằng các chiến lược chuẩn bị nước khác nhau có tác động đáng kể đến thành phần biofloc, chất lượng nước và hiệu suất của tôm. Trong quá trình thử nghiệm, cả hai hệ thống hóa dưỡng và hệ thống trưởng thành đều có thể kiểm soát mức độ hợp chất nitơ trong giới hạn chấp nhận được đối với tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei, chủ yếu là do sự hiện diện của vi khuẩn nitrat hóa tự dưỡng ngay từ đầu thí nghiệm trong các hệ thống này. Mặc dù hệ thống hóa dưỡng và hệ thống trưởng thành có khả năng ngăn chặn sự tích tụ các hợp chất nitơ tương tự nhau, nhưng hiệu suất của tôm lại khác nhau trong hai hệ thống này. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của tôm ở nghiệm thức hóa dưỡng cao hơn 41% so với ở hệ thống trưởng thành

Sự tích tụ nitrit ở điểm giữa của thí nghiệm trong hệ thống dị dưỡng cho thấy rằng quá trình nitrat hóa đang diễn ra trong các bể. Vi khuẩn chuyển đổi amoniac thành nitrit có tốc độ phát triển nhanh hơn so với vi khuẩn chuyển nitrit thành nitrat, đặc biệt là trong nước mặn ( Madigan và cộng sự, 2016 ). Vi khuẩn nitrat hóa và hậu quả là quá trình nitrat hóa bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, chẳng hạn như nhiệt độ, pH, nồng độ cơ chất, các yếu tố ức chế và oxy hòa tan ( Cervantes, 2009 ).

Việc đánh giá năng suất của tôm cho thấy rằng  hệ thống hóa dưỡng là cách tiếp cận tốt để quản lý ương tôm bằng biofloc. Phương pháp xử lý hóa dưỡng nổi bật về khả năng giữ chất lượng nước ở mức ổn định và chứa một lượng vi khuẩn thấp hơn từ họ Vibrionaceae vào đầu chu kỳ nuôi.

Reference: Soltes Ferreira, G., Fernandes Silva, V., Aranha Martins, M., da Silva, A. C. C. P., Machado, C., Quadros Seiffert, W., & do Nascimento Vieira, F. (2019). Strategies for ammonium and nitrite control in Litopenaeus vannamei nursery systems with bioflocs. Aquacultural Engineering, 102040. doi:10.1016/j.aquaeng.2019.102040

Theo :http://nguoinuoitom.vn/

Nhân lực ngành Thủy sản: Nhu cầu lớn nhưng thiếu nguồn “cung”

 Đó là chia sẻ của PGS.TS Kim Văn Vạn – Trưởng Khoa Thủy sản (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với Tạp chí Người Nuôi Tôm. Đây là “nút thắt” lớn cần được tháo gỡ để đáp ứng với sự phát triển của  ngành Thủy sản Việt Nam hiện tại và trong tương lai.

PGS.TS Kim Văn Vạn – Trưởng khoa Thủy sản (Học viện Nông Nghiệp Việt Nam)

Thưa PGS.TS Kim Văn Vạn, nhân lực là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của ngành Thủy sản, ông có nhận định ra sao về thực trạng nhân lực của ngành Thủy sản hiện nay?

Nguồn nhân lực của ngành Thủy sản hiện nay vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Không chỉ riêng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các trường Đại học có khoa đào tạo về ngành Thủy sản như Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ,… đều đang có số lượng tuyển sinh đầu vào rất thấp, mà nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp hiện tại là rất lớn. Để tuyển dụng được nhân sự, các doanh nghiệp cũng đưa ra những mức lương rất hậu hĩnh, kể cả đối với những sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm. Nhưng đáng tiếc, thực trạng học sinh, sinh viên theo nghề ngày một ít. Có thể lý giải nguyên do một phần là vì mọi người vẫn có những định kiến nhất định và coi nó là một nghề vất vả “chân lấm tay bùn”. Thêm nữa, do đặc thù nghề nghiệp, ngành nghề thủy sản thường chỉ tập trung ở những vùng sông nước, ven biển; vậy nên, rất khó để học sinh những vùng miền khác có thể hình dung về nghề hay những định hướng nghề nghiệp cụ thể đối với nghề thủy sản.

Bên cạnh đó, cũng có những thuận lợi nhất định. Sự khan hiếm nguồn nhân lực ngành Thủy sản, đã thúc đẩy một số bạn sinh viên khoa Chăn nuôi – Thú y khi ra trường nhìn thấy cơ hội nghề nghiệp rộng mở có thể nắm bắt cơ hội. Hiện nay, khoa cũng đang có định hướng cho các bạn tốt nghiệp các khoa Chăn nuôi – Thú y được học chuyển đổi cấp cao lên thạc sỹ, tiến sỹ. Số lượng chuyển đổi học lên thạc sỹ của Khoa Nuôi trồng Thủy sản đang có xu hướng tăng. Đây cũng là cơ hội để các bạn sinh viên có thể linh hoạt luân chuyển giữa các ngành học Chăn nuôi – Thú y – Thủy sản, mở rộng, đa dạng cơ hội nghề nghiệp.

Hiện, một năm khoa Thủy sản đào tạo từ 2-3 lớp cao học, trong số đó chiếm 50% là các bạn chuyển dịch từ chăn nuôi, thú y sang theo học. Đây được cho là một tín hiệu tốt cho ngành Thủy sản. Thêm nữa, khoa Thủy sản cũng đang có những chương trình đào tạo ngắn hạn từ 7-10 buổi cho các bạn trái ngành.

Khoa Thủy sản, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam – Cái nôi đào tạo nhân tài ngành Thủy sản

Ngành thủy sản đang chuyển dịch theo hướng nuôi công nghệ cao, vậy chất lượng sinh viên và chương trình đào tạo tại trường có thay đổi như thế nào để có thể theo kịp và đáp ứng được xu thế mới này không, thưa ông?

Hiện tại, vấn đề chất lượng đầu vào cũng đang có những bất cập, hạn chế, đối tượng tuyển sinh có mặt bằng điểm đầu vào trung bình. Vậy nên, nếu chương trình giảng dạy đưa quá sâu về những ứng dụng công nghệ cao sẽ rất khó để các bạn sinh viên theo kịp. Nhưng trên tinh thần chuyển dịch, ứng dụng thực tiễn vào giảng dạy, ví dụ như cập nhật những ứng dụng công nghệ cao trong việc quản lý môi trường tự động, hoặc hệ thống cho ăn tự động… sẽ được Khoa lồng ghép vào chương trình giảng dạy, tăng cường thực hành bám sát thực tiễn. Khoa cũng thường xuyên kết hợp với các công ty, trang trại tổ chức cho sinh viên những chuyến đi thực tế để các bạn có những cái nhìn chân thật nhất, đặc biệt là với những môn như Rèn nghề, Thực tập giáo trình, Thực tập tốt nghiệp. Khi được tiếp xúc với thực tế, trực tiếp cầm tay chỉ việc và bắt tay vào làm, các bạn sẽ nhanh chóng thích nghi hơn là tập trung đào tạo chuyên sâu về lý thuyết, rất dễ khiến sinh viên bị “choáng ngợp” khi ra thực tế.

Ông có thể đưa ra một số dự báo về nguồn nhân lực ngành Thủy sản trong tương lai?

Việt Nam là một nước xuất khẩu thủy sản đóng góp kim ngạch cao cho GDP cả nước, bởi vậy nhu cầu nuôi công nghiệp và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ thuật là rất lớn. Trong tương lai, những nhân lực không qua đào tạo sẽ rất khó để đáp ứng được xu thế và cường độ chăn nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao, bởi rủi ro là rất lớn. Chính vì thế, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai là không thể tránh khỏi.

Tính trung  bình hiện tại, các trường đào tạo khu vực phía Bắc, mỗi năm có chưa đến 100 sinh viên tốt nghiệp ra trường, con số này không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho các doanh nghiệp thức ăn thủy sản, thuốc thủy sản và các trang trại nuôi trồng thủy sản. Hiện tại, yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng được nâng lên, không chỉ đơn thuần là một nhân viên kinh doanh thông thường; mà còn phải am hiểu kỹ thuật, để có thể tư vấn cho người nuôi, hỗ trợ kỹ thuật cho các trang trại, có như vậy mới giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm của mình. Do vậy, trong tương lai, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn rất lớn, đặc biệt là những nhân lực đã qua đào tạo.

Dưới góc nhìn của một nhà giáo dục, theo ông, giải pháp nào có thể giúp giải quyết các vấn đề nhân lực ngành Thủy sản?

Hiện tại, Khoa Thủy sản đang tiến hành triển khai Đề án đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí cho ngành thủy sản, hướng tới thu hút những đối tượng là con em vùng sâu, vùng xa, các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, không có khả năng chi trả học phí. Những đối tượng này được đánh giá là rất có năng lực và ưu thế trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng lại gặp rào cản về chi phí học phí, ăn, ở khi theo học. Tuy nhiên, để thông tin về chương trình đến được với các bạn học sinh vùng sâu, vùng xa thì cần quảng bá rộng rãi trên các kênh thông tin truyền thông, công nghệ thông tin để các bạn có thể tiếp cận và biết đến.

Thêm nữa, Khoa Thủy sản cũng tạo điều kiện cho các bạn theo học các ngành nghề khác, khi ra trường không có cơ hội việc làm. Cụ thể, khoa sẽ có cam kết về đầu ra, đảm bảo công việc cho các bạn khi ra trường ngay trong năm đầu tiên, với mức lương khởi điểm 10 – 15 triệu đồng. Việc làm này giúp các bạn tin tưởng, yên tâm theo học và có định hướng rõ ràng trong tương lai.

Ông có thể giới thiệu đôi nét về Khoa Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Có thể nói, khoa Thủy sản của Học viện Nông nghiệp là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thủy sản. Năm 2015, Khoa Thủy sản của Học viện Nông nghiệp được tách ra từ khoa Chăn nuôi – Thú y. So với các khoa hiện nay của Học viện, Khoa Thủy sản cũng là một trong những khoa mới. Tuy nhiên, khoa tập trung được đội ngũ giảng dạy chất lượng cao, được phân đi học và đào tạo tại các nước có nền khoa học tiên tiến như Anh, Úc, Nhật, Bỉ, Đức… Hiện tại, đội ngũ các giảng viên của khoa đang có 8 tiến sỹ đều được đào tạo và tốt nghiệp tại các nước có ngành Thủy sản phát triển. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu khoa học của khoa Thủy sản cũng là một trong những nhóm giành được nhiều thành tựu và có nhiều bài báo được đăng tải nhất trên các trang báo quốc tế trong năm 2019 của chương trình từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Từ đó có thể thấy rằng, đội ngũ Khoa Thủy sản quy tụ những người trẻ năng động, trình độ cao. Thêm nữa, số sinh viên của khoa không quá đông cũng là một ưu điểm, các thầy cô sẽ có điều kiện chăm sóc, gần gũi với sinh viên để chia sẻ, hỗ trợ các bạn trong quá trinh học tập, nghiên cứu và cập nhật những kiến thức mới ngoài thực tiễn.

Học viên, sinh viên đang thực thành tại Bộ môn Bệnh Thủy sản, khoa Thủy sản (Học viện Nông Nghiệp Việt Nam)

    Ngành thủy sản của Việt Nam trong những năm gần đây rất phát triển, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao, an toàn với môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu. Bởi khi sản phẩm xuất sang các nước châu Âu đều đòi hỏi rất chặt chẽ về chất lượng thực phẩm. Đội ngũ giảng viên của khoa rất nhạy bén trong những vấn đề này, liên tục cập nhật các thông tin thực tế từ thị trường, lồng ghép vào những bài giảng, giúp cho các học viên gắn được với thực tiễn, nắm bắt được tình hình thị trường khi ra trường có thể nhanh chóng thích nghi, hòa nhập được với thị trường. Bên cạnh đó, các thầy cô trong khoa đều rất cởi mở, sẵn sàng cùng đồng hành với các bạn sinh viên đến các trang trại nuôi để học hỏi, trải nghiệm thực tế cùng với người nuôi, và cùng với các bạn sinh viên.

Ngoài ra, Khoa Thủy sản cũng đang có những mối quan hệ hợp tác rất bền chặt với các doanh nghiệp. Không những là trong các chương trình quảng bá tuyển sinh, mà còn đồng hành với các doanh nghiệp hỗ trợ học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, học tập. Các doanh nghiệp cũng đóng góp rất nhiều cho khoa trong việc xây dựng hình ảnh, đầu tư nghiên cứu ứng với thực tiễn hoặc những đề xuất mà các doanh nghiệp cần.

Qua đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ những bạn học sinh chuẩn bị bước chân vào con đường đại học, hãy chuẩn bị cho mình một ngành nghề có thể đáp ứng được với xu hướng thị trường, cơ hội nghề nghiệp và bên cạnh đó cũng phải đáp ứng được với sở thích, sở trường của bản thân.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Phạm Huệ (thực hiện) – http://nguoinuoitom.vn/

“Khoa Thủy sản Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang đề xuất với Bộ NN&PTNT Dự án đầu tư, hỗ trợ kinh phí hướng tới những đối tượng con em vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện để theo học Đại học. Dự án này nhằm giúp các em thực hiện được ước mơ của mình, định hướng nghề nghiệp ổn định trong tương lai cho các em. Cùng với đó, dự án cũng giúp giải bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Thủy sản trong thời gian tới”.

PGS.TS Kim Văn Vạn