Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Công Nghệ Nuôi Mới

Nuôi tôm không kháng sinh ở Khánh Hòa

nuôi tôm biofloc
Nhiều hộ nuôi của HTX Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú kiếm tiền tỷ/năm. Ảnh: Minh Hậu.

Nuôi tôm thẻ an toàn sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh là hướng đi mới của người nuôi tại Khánh Hòa.

HTX Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú, TX Ninh Hòa đang tiên phong khi đồng loạt nuôi tôm theo công nghệ Semi biofloc.

Mô hình nuôi bền vững

Ông Phạm Thanh Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phú, TX Ninh Hòa cho biết, toàn xã có 110 ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Những năm trước đây do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc nuôi tôm của người dân diễn ra không thuận lợi, nhất là nuôi tôm trên ao đất.

“Hầu hết người nuôi tôm trên ao đất trên địa bàn xã không hiệu quả kinh tế cao, nhiều người thiệt hại. Nguyên nhân do người nuôi thả nuôi không theo lịch thời vụ khuyến cáo và một số ít thả giống không có nguồn gốc.

Bên cạnh đó do hệ thống ao nuôi nhiều năm nên mầm bệnh tồn tại trong ao nhiều. Cộng với thời tiết diễn biến thất thường kết hợp với việc xử lý môi trường nước nuôi chưa triệt để, từ đó dễ phát sinh dịch bệnh”, ông Sinh đánh giá và cho biết thêm, để nuôi tôm bền vững hiện địa phương khuyến khích người nuôi áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến như: Công nghệ Biofloc, Semi Biofloc…

Vì các thành viên thuộc HTX Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú áp dụng công nghệ nuôi này rất hiệu quả. Không chỉ tạo ra sản phẩm tôm sạch do quá trình nuôi không dùng chất kháng sinh, mà còn góp phần bảo về môi trường.

“Bởi quá trình xả nước thải nuôi tôm ra môi trường được các hộ nuôi xử lý bài bản. Cụ thể, ban đầu nước thải ra ao chứa, sau đó đánh vôi xử lý, rồi ra ao nuôi thả cá, trước khi thả trực tiếp ra môi trường. Vấn đề này được cơ quan chức năng chuyên môn đánh giá cao”, ông Sinh bộc bạch.


Nhờ nuôi tôm an toàn sinh học, không sử dụng chất kháng sinh nên thương lái thu mua rất ứng ý. Ảnh: MH

Kiếm tiền tỷ

Ông Nguyễn Xuân Lê, Chủ tịch HĐQT HTX Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú, cho biết, HTX được thành lập giữa năm 2019 gồm 10 thành viên tham gia, với tổng diện ao nuôi trên 10 ha. Hiện tất các thành viên đều đồng loạt nuôi tôm an toàn sinh học theo công nghệ Semi biofloc.

Đây là công nghệ nuôi do ông Lê Minh Chính (xã Ninh Phú), Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú triển khai thành công nhiều năm qua, rồi hướng dẫn các thành viên.

Theo anh Lê Minh Chính, công nghệ nuôi tôm Semi biofloc được anh học hỏi từ Thái Lan, kết hợp nghiên cứu tài liệu dịch “Thực hành công nghệ Biofloc” của PGS.TS Hoàng Tùng và nhóm nghiên cứu ở ĐH Quốc gia TP.HCM.

Từ năm 2014 đến nay, anh vừa áp dụng vừa nghiên cứu cho phù hợp với thực tế từng vụ, nay đã hoàn thiện bài bản. Đồng thời áp dụng nuôi tôm theo 3 giai đoạn nên giá thành chỉ mất khoảng 60 ngàn đồng đã nuôi tôm đạt 100 con/kg.

Anh Chính giải thích: Công nghệ Semi Biofloc là làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo. Còn Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh.

Từ đó, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo ATTP. Nhờ vậy khi các thành viên thu hoạch tôm chỉ cần gọi là thương lái là đến ngay và họ rất tin tưởng vào sản phẩm, không cần test kháng sinh.

Cũng theo anh Chính, để nuôi tôm theo công nghệ này các ao nuôi đều lót bạt nền đáy và bờ ao kết hợp hệ thống xi phông tự động. Khu nuôi phải có ao chứa nước nước và ao xử lý chất thải bài bản. Ngoài hệ thống công trình ao nuôi, phải đầu tư máy phát điện, khu nuôi cây vi sinh dùng hỗn hợp nước, mật rỉ đường, vi sinh… tạo biofloc trong thùng phuy để đưa xuống ao nuôi…

Vì vậy, chi phí đầu tư cho 1ha khoảng 1 tỷ đồng (bao gồm công trình và thiết bị). Mặc dù chi phí cao nhưng quy trình này giúp người nuôi an toàn, hiệu quả hơn và mang tính bền vững cao.

Ông Nguyễn Xuân Lê đánh giá, công nghệ nuôi tôm này giúp các xã viên kiểm soát được dịch bệnh trên tôm khoảng 70-80% so và tỷ lệ thành công lên đến 80% so với nuôi trong ao đất. Nhờ vậy, nhiều thành viên nuôi tôm thuộc HTX kiếm tiền tỷ/năm.

Như gia đình ông Lê với tổng diện tích khu nuôi trên 1,2 ha, trong đó 6.000 m2 ao nuôi. Từ khi áp dụng công nghệ nuôi này mỗi năm nuôi 3 vụ ông thu hoạch với sản lượng khoảng 50 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí, ông lãi trên 1 tỷ đồng/năm.

Ông Phạm Thanh Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phú cho biết với hiệu quả nuôi tôm thẻ an toàn sinh học theo công nghệ Semi biofloc, hiện một số hộ trên địa bàn tiếp tục học hỏi lẫn nhau để nhân rộng. Mặt khác, nhiều hộ nuôi tôm trên ao đất họ cũng muốn áp dụng công nghệ nuôi này, tuy nhiên do vốn đầu tư ban đầu lớn, từ tiền tỷ trở lên nên quá khả năng tài chính. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các hộ nuôi vay vốn để đầu tư áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.

Kim Sơ – Minh Hậu Nông nghiệp Việt Nam

Nuôi tôm thẻ chân trắng “công nghiệp” theo tiêu chuẩn VietGAP năng suất cao

Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, cán bộ kỹ thuật và chủ hộ, mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP” có ưu điểm là nuôi mật độ cao, quản lý tốt mầm bệnh, thức ăn, hạn chế ô nhiễm môi trường do tái sử dụng nước, tôm lớn nhanh, lợi nhuận cao. Đồng thời trong quá trình nuôi chỉ sử dụng vi sinh để phân hủy chất hữu cơ, ổn định môi trường ao nuôi, không sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, tạo sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu xây dựng chuỗi liên kết nuôi tôm sú, thẻ chân trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mục tiêu của chương trình là xây dựng mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Nuôi tôm thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP

Mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đông HảI, xã Long Điền Đông với quy mô 2.000m2 mặt nước/2 hộ, mật độ thả 250 con/m2. Hai hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ 100% chi phí mua tôm giống, 30% chi phí mua các loại vật tư, bao gồm: thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học; các chủ hộ tham gia mô hình đối ứng phần còn lại theo đúng yêu cầu kỹ thuật.Kết quả sau 4 – 4,5 tháng nuôi sản lượng đạt 11,9 tấn, kích cỡ 25 – 44 con, tỷ lệ sống trung bình 75%.

Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch tôm bị ảnh hưởng của dịch bệnh covid – 19 nên thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam những tháng đầu năm giảm mạnh gần 20% so với cùng kỳ dẫn đến giá tôm thương phẩm trong nước xuống thấp gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của 2 hộ tham gia mô hình.

Tại hộ thứ nhất, khi tôm được 40 ngày tuổi có dấu hiệu bị bệnh, đã dùng các biện pháp xử lý nên tôm chậm lớn. Sau 4 tháng nuôi đạt 4,1 tấn/1.000m2, tỷ lệ sống 72% (size 44 con/kg), giá bán 132.000 đồng/kg, lợi nhuận 131 triệu đồng.

Hộ thứ hai, sau 4,5 tháng nuôi đạt 7,8 tấn/1.000m2, tỷ lệ sống 78% (size 25 con/kg), giá bán 186.000 đồng/kg, lợi nhuận 624 triệu đồng.

Qua đó cho thấy việc nuôi  thẻ chân trắng thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả cao, tỷ lệ sống cao, lợi nhuận cao và giảm bớt rủi ro do thời tiếc tác động đến. Cần khuyến cáo nhân rộng trong vùng để nhiều người áp dụng làm theo, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình và góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nghề nuôi tôm theo hướng có trách nhiệm, ổn định và bền vững.

Kim Yến – Bích Liên – Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu

Sử dụng máy cho ăn tự động đúng cách

Máy cho ăn tự động.
Máy cho ăn tự động.

Máy cho ăn tự động được sử dụng đúng cách có thể là công cụ có giá trị để tăng hiệu quả và lợi nhuận của việc cho ăn trong ao nuôi tôm.

Hiện nay, với xu hướng hiện đại hóa, tự động hóa, việc cho ăn bằng máy đã bắt đầu được nghiên cứu và áp dụng phổ biến ở các nước đứng đầu về sản xuất tôm. Tuy nhiên, do tính mới mẻ, yêu cầu về vật lí, kĩ thuật nên đòi hỏi đội ngũ nhân viên phải được huấn luyện kĩ càng qua đó nâng cao trình độ chuyên môn, có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ hoạt động của máy.

Khi sử dụng loại máy này, người nuôi tôm có thể dễ dàng điều chỉnh lượng thức ăn và khoảng cách giữa các lần cho ăn nhằm thực hiện việc rải thức ăn đạt hiệu quả cao nhất – tôm ăn đủ, không có thức ăn thừa tích tụ đáy ao. Nhìn chung, phương pháp quản lí thức ăn này không những tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của tôm và rút ngắn thời gian nuôi.

Các lưu ý để sử dụng máy cho ăn tự động hiệu quả

Để phân phối thức ăn hiệu quả bằng máy cho ăn tự động trong ao nuôi tôm bán thâm canh, vòi của bộ phân phối thức ăn phải cao hơn mặt nước khoảng 80 – 100 cm. Phễu càng cao hơn mặt nước thì diện tích phân phối thức ăn sẽ càng lớn. Tuy nhiên, trong các ao nuôi thâm canh nhỏ, nơi cần thiết phải giảm diện tích cho ăn, vòi cho ăn chỉ nên cao hơn 50 cm so với mặt nước. Ngoài ra, kích thước của hạt hoặc viên cũng ảnh hưởng đến khu vực cho ăn, bởi vì viên càng lớn thì phân bố càng xa, như chúng ta có thể thấy trong hình sau:


Viên thức ăn Nicovita có đường kính khác nhau và khoảng cách chúng đạt được sau khi được phân phối bởi một máy cho ăn tự động đặt cách mặt nước của ao nuôi tôm thâm canh 1m..(theo Global Aquaculture).

Một vấn đề khác cần lưu ý là nồng độ oxy hòa tan trong khu vực cho ăn, mức tiêu thụ oxy của hàng trăm ngàn con tôm tụ tập dưới và gần mỗi máy có thể làm cạn kiệt lượng oxy, do đó máy cho ăn tự đông cần được đặt gần máy sục khí. Do mức tiêu thụ oxy gần các khu vực cho ăn tự động tăng lên, các thiết bị sục khí có cánh tay dài gần khu vực cho ăn là cần thiết để giúp duy trì mức oxy hòa tan đầy đủ. Kinh nghiệm thực địa cho chúng ta biết rằng phạm vi độ sâu nước tốt nhất cho một máy cho ăn tự động trong ao không có sục khí là 1,00 đến 1,30 mét, trong khi trong các ao thâm canh có sục khí mạnh, phạm vi tốt nhất là 1,40 đến 1,60 mét. Độ sâu đồng đều của nước và nồng độ oxy hòa tan trong khu vực cho ăn tự động dẫn đến sự phân bố tối ưu của quần thể tôm trong ao.

Theo kết quả thực nghiệm, máy làm việc với công suất thích hợp sẽ làm cho tăng trưởng tôm, FCR và tỷ lệ sống của tôm tốt hơn. Ví dụ, trong sản xuất tôm bán thâm canh trong các ao lớn (trên 4,0 ha.), Sinh khối tối đa được đề nghị cho ăn tự động là 2.000 kg tôm trên mỗi phễu, để nuôi thâm canh trong các ao nhỏ (dưới 1,0 ha.) có sục khí mạnh, sinh khối được khuyến nghị tối đa là 4.000 kg tôm trên mỗi phễu. Vượt quá khả năng sinh khối của máy cho ăn tự động có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng thấp hơn, FCR cao hơn và tỷ lệ sống của tôm thấp hơn, chủ yếu là do chất lượng nước và đất bị suy giảm nhanh hơn, sự gia tăng chất hữu cơ và nồng độ oxy thấp. Ngoài ra, công suất phễu cao hơn bình thường sẽ làm giảm tuổi thọ của pin, động cơ và các bộ phận khác của máy.

Trong quá trình nuôi tôm và sau khi thu hoạch, khu vực cho ăn tự động đòi hỏi phải xử lý sinh học. Ứng dụng thích hợp của các vi khuẩn có lợi, như Bacillus subtilis và Lactobacillus spp là cần thiết để giữ cho đất ao và nước trong điều kiện tối ưu và hỗ trợ sản xuất tôm ổn định theo thời gian.

Đánh giá các phương pháp cho ăn tự động

Chiến lược được một số nhà sản xuất tôm ở Ecuador sử dụng để giảm chi phí đầu tư vào thiết bị liên quan đến cho ăn tự động là thiết lập bộ nạp phát hiện âm thanh để theo dõi hoạt động cho tôm ăn, sau đó sử dụng thông tin này với người cho ăn tự động và bộ hẹn giờ trong một khu vực nhất định của trang trại. Lập trình các máy cấp liệu tự động với bộ hẹn giờ theo đường cong tiêu thụ thức ăn bằng cảm biến âm thanh (hydrophones) để phát hiện âm thanh của hoạt động cho tôm ăn. Sau đó, tiêu thụ thực phẩm được kiểm soát bằng các nhá cho ăn nằm gần các máy cho ăn tự động. Các thử nghiệm được thực hiện trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương thâm canh tại các trang trại ở Thái Lan cho thấy lợi thế của việc sử dụng thức ăn tự động so với cho ăn bằng tay, với kết quả tốt nhất thu được khi cho ăn tự động bằng phát hiện âm thanh bằng hydrophones.

Hệ thống cho tôm ăn bằng cảm biến âm thanh (AQ1) phát huy hết tính năng mà không giới hạn diện tích ao nuôi tôm, bởi vậy nông dân nuôi tôm nhỏ lẻ cũng hưởng lợi từ hệ thống này. Dù diện tích ao nuôi 1 ha hay 1.000 ha đều thu được lợi ích như tỷ lệ tăng trưởng, hệ số FCR thấp, tỷ lệ sống cao và năng suất thu hoạch cao như nhau. Hệ thống AQ1 tại các trại nuôi ở Ecuador và Mexico chạy bằng năng lượng mặt trời nên tiết kiệm được chi phí năng lượng, gần đây hệ thống cải tiến có lắp đặt thêm thiết bị cảm biến mưa và tôm vẫn được cho ăn hiệu quả tới khi mưa to kết thúc.

Triển vọng

Do có sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố (chất lượng thức ăn, đường kính, khoảng cách với mặt mước, độ ẩm, nhiệt độ, thiệt kế của máy) nên không có mối tương quan chặt chẽ giữa mức tiêu thụ thực phẩm và nhiệt độ nước hoặc nồng độ oxy hòa tan. Cần có thêm nhiều nghiên cứu với người cho ăn và cảm biến chất lượng nước để hiểu rõ hơn và dự đoán hoạt động sinh trưởng của tôm vào các thời điểm khác nhau trong ngày/đêm và giữa các mùa. Ngoài ra các việc sử dụng các cảm biến cho các thông số khác nhau của nước chẳng hạn như nồng độ oxy hòa tan, nhiệt độ, pH, độ kiềm và mưa có thể giúp quản lí thức ăn hiệu quả hơn và giảm chi phí nuôi tôm.

Đặng Tuấn – https://tepbac.com/

Nuôi tôm trong hồ lót bạt: Năng suất cao, không lo dịch bệnh

Được sự hỗ trợ kinh phí của Sở KH&CN TPHCM, HTX Thuận Yến (xã An Thới Đông, Cần Giờ) đã đầu tư kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE. Mô hình này giúp tôm có tỉ lệ sống trên 80% và cho năng suất cao hơn cách nuôi ao truyền thống từ 30 – 40%.

Rủi ro từ ao nuôi truyền thống
Huyện ven biển Cần Giờ của TPHCM hiện có 4.800 ha diện tích tôm thẻ chân trắng với sản lượng 1.110 tấn/năm. Thời gian qua, TPHCM đã có nhiều chính sách và chương trình phát triển thủy sản trên địa bàn và tôm thẻ chân trắng vẫn được xem là một đối tượng chủ lực. Ngoài cách nuôi kết hợp rừng sinh thái, nuôi ruộng, quảng canh cải tiến, thâm canh, bán thâm canh…, nghề nuôi tôm tại Cần Giờ hiện nay vẫn đang sử dụng quy trình nuôi tôm truyền thống trong ao đất hoặc ao đất lót bạt với nhiều rủi ro do tác động từ môi trường bên ngoài vào ao nuôi.
Để hạn chế những nhược điểm của cách nuôi tôm truyền thống, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã triển khai nhiệm vụ khoa học “nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE” tại HTX Thuận Yến.
Nhiệm vụ nằm trong Chương trình Hỗ trợ kinh phí chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp của Sở KH&CN TPHCM, mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/dự án.
Hồ nuôi tôm

Nuôi tômthẻ chân trắng trong hồ tròn lót bạt HDPE tại HTX Thuận Yến. Ảnh: AHRD
ThS Nguyễn Thị Loan, Chủ nhiệm nhiệm vụ, cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE khắc phục được những hạn chế so với phương pháp nuôi truyền thống như không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi; thời gian nuôi mỗi giai đoạn ngắn nên hạn chế được rủi ro; dễ dàng trong việc vệ sinh, thay nước hồ nuôi. Ngoài ra, do hồ có dạng hình tròn, nước và thức ăn lưu thông đều, không tạo góc chết. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhà màng đã hạn chế những tác động bất lợi từ môi trường bên ngoài vào hồ nuôi. Nước thải của hồ nuôi được xử lý tuần hoàn tại chỗ; chất thải được thu gom và tái chế làm phân bón cho cây trồng.
Không lo dịch bệnh, thời tiết
Hệ thống nuôi tôm theo quy trình này gồm hai hồ lắng thô (cấp 1 và cấp 2) lấy nước từ biển, thông qua ống lọc có gắn túi lọc (2 lớp) dùng để trữ nước và làm sạch tự nhiên. Sau đó, nước được chuyển qua hồ lắng tinh, tiếp tục được xử lý qua 2 túi lọc. Hồ lắng tinh được lót bạt ở đáy, có độ sâu từ 2 đến 3 mét. Tại đây, sau khi kiểm tra các chỉ tiêu môi trường (pH, kiềm, Mg, Ca, NH3, NO2), khuẩn Vibrio gây hại, nước mới được cấp cho hồ nuôi thương phẩm. Hồ nuôi được thiết kế dạng hình tròn, nổi trên mặt đất và lót bạt HDPE với diện tích 500 m2, có mái che bằng lưới xung quanh để giảm bớt ánh sáng cũng như giữ nhiệt độ nước không tăng quá cao trong những ngày nắng nóng. Trước khi chuyển đến hồ nuôi, tôm phải được ương từ hồ ương trong thời gian 1 tháng. Hồ ương diện tích 100m2 cũng được thiết kế dạng hình tròn, nổi trên mặt đất và lót bạt HDPE.
Ngoài ra, hệ thống còn bao gồm các mương cấp nước được bố trí gần nguồn nước và hồ lắng thô, có vị trí lắp đặt máy bơm thuận lợi cho việc cấp nước vào hồ lắng thô. Mương xả nước được bố trí gần hồ nuôi vào hồ ương. Các chất thải từ hệ thống siphon (thiết bị hút chất thải dưới đáy ao) được đưa về hồ chứa chất thải và xử lý theo quy định trước khi thải ra môi trường.
Tôm được kiểm tra thường xuyên trong quá trình nuôi

Tôm được kiểm tra thường xuyên trong quá trình ương, nuôi. Ảnh: AHRD
Bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thuận Yến, cho biết, năm 2019, mô hình đã nuôi thử nghiệm khá thành công với 2 hồ nuôi tôm, mỗi hồ diện tích 500m2. Tôm nuôi phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 80%. Sau gần 3 tháng ương và nuôi có thể thu hoạch tôm với sản lượng 6 tấn/1000m2/vụ. Năng suất này cao hơn ở ao nuôi đất truyền thống từ 30 – 40% (trên cùng diện tích nuôi). Sản phẩm sau thu hoạch có độ đồng đều cao, tôm có kích thước lớn 30 con/kg, đạt yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
Theo bà Nhiệm, ở mô hình này, người nuôi tôm sẽ giảm thiểu rủi ro dịch bệnh vì quản lý được các chỉ tiêu môi trường, hạn chế những ảnh hưởng xấu của thời tiết. Ngoài ra, nếu nuôi liên tục, có thể nuôi được 4 – 5 vụ/năm. Trong khi đó, nuôi trong ao đất truyền thống thường chỉ 3 vụ/năm.
Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất ban đầu cho mô hình này khá cao – gần 600 triệu đồng – đang là trở ngại cho các hộ nông dân nuôi tôm muốn chuyển đổi sang mô hình nuôi này, ThS Loan chia sẻ.
Kiều Anh  -https://khoahocphattrien.vn/

Hóa chất PAC là gì? Ứng dụng phổ biến trong nuôi tôm

Hóa chất PAC được sử dụng phổ biến trong đời sống, đặc biệt trong xử lý nước, sản phẩm được sản xuất bởi nhiều nước khác nhau như Việt Trì, Trung Quốc, Séc, Nhật Bản, Ấn Độ,.. Ở bài viết này sẽ giúp bà tìm hiểu hóa chất PAC là gì và những ứng dụng tuyệt vời của PAC trong nuôi tôm

Định nghĩa hóa chất PAC là gì?

Hóa chất keo tụ PAC (poly aluminium chloride) có công thức phân tử là [Al2(OH)nCl6-n]m. Đây là loại hóa chất keo tụ, chất trợ lắng trong xử lý nước cấp, nước thải và nước nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm giúp kết lắng các hợp chất keo tụ và các chất lơ lửng, giúp loại bỏ hoàn toàn các chất hữu cơ, vi khuẩn, virus có trong nước.

Thành phần PAC có chứa đến 28 – 32 % hàm lượng nhôm, đem đến khả năng keo tụ các loại chất bẩn có trong nước một cách hiệu quả mà không gây hại đến chất lượng nước và môi trường xung quanh. Hóa chất PAC tồn tại ở dạng bột và dạng lỏng. Dạng bột có màu vàng chanh, dạng lỏng có màu vàng nâu. Tùy vào nhu cầu sử dụng mà bạn có thể lựa chọn cho mình sản phẩm phù hợp.

Hóa chất keo tụ PAC dạng bột màu vàng chanh

Hóa chất keo tụ PAC dạng bột màu vàng chanh

Tính chất hóa học của PAC

Chắc hẳn đến đây bạn đã hiểu hóa chất PAC là gì? Bên cạnh đó, bạn cũng cần tìm hiểu chi tiết về những ưu điểm của hóa chất PAC, cụ thể như:

  • Sử dụng PAC giúp tăng độ trong của nước, kéo dài chu kỳ lọc, tăng chất lượng nước sau lọc hiệu quả.
  • PAC hoạt động tốt trong độ pH từ 6.5 – 8.5.
  • Vận chuyển, cất giữ và định lượng PAC một cách dễ dàng.
  • Dễ dàng hòa tan trong nước với bất kỳ tỷ lệ nào.
  • Thời gian keo tụ nhanh chóng.
  • Liều lượng sử dụng thấp, tiết kiệm chi phí, bông cặn to, dễ lắng.
  • Các thao tác sử dụng đơn giản, ai cũng có thể thực hiện được.
PAC sử dụng phổ biến trong xử lý nước

PAC sử dụng phổ biến trong xử lý nước

Ứng dụng hóa chất PAC trong nuôi tôm

  • Xử lý nước cấp, nước thải trong nuôi tôm.
  • Tăng hàm lượng oxy hòa tan trong nước, đồng thời giảm các khí độc NH3, NO2, H2S và COD.
  • Sản phẩm an toàn, không gây ảnh hưởng đến các sinh vật phù du và sinh vật đáy trong ao nuôi.
  • Ức chế tảo lam phát triển giúp tôm sinh trưởng nhanh, giảm hệ số thức ăn.
  • Tăng độ trong của nước, giúp tăng khả năng bắt mồi cho tôm, giảm hệ số thức ăn.

Liều lượng sử dụng

Liều lượng PAC sử dụng cho 1 m3 nước sông, ao, hồ là 1- 4 g PAC đối với nước đục thấp (50- 400 mg/l), là 5-6 g PAC đối với nước đục trung bình (500- 700 mg/l) và là 7- 10 g PAC đối với nước đục cao (800-1.200 mg/l).Hóa chất PAC Việt Trì cung cấp bởi Dr.Tom=> Lưu ý: PAC có hiệu quả mạnh nên chỉ cần một lượng nhỏ để xử lý nước, không nên dùng quá liều sẽ gây lãng phí. PAC chỉ được sử dụng trong xử lý nguồn nước cấp hoặc nước thải nuôi tôm. Tuyệt đối không sử dụng trong giai đoạn giữa và cuối của vụ nuôi.

Nguồn : https://drtom.vn/

Hướng dẫn thiết kế ao nuôi tôm công nghiệp đúng chuẩn

Thiết kế ao nuôi tôm công nghiệp là bước quan trọng, quyết  định đến 99% sự thành bài của vụ nuôi. Bài viết này sẽ hướng dẫn bà con cách thiết kế ao nuôi tôm mới nhất năm 2020, đang được nhiều hộ nuôi áp dụng cho năng suất cao.

Quy trình thiết kế ao nuôi tôm công nghiệp

1. Khảo sát mặt bằng ao nuôi tôm

Khảo sát mặt bằng là bước đóng vai trò quan trọng, giúp người nuôi dễ nhận định được những khó khăn và thuận lợi khi tiến hành thiết kế ao nuôi tôm công nghiệp.

  • Chọn vị trí ao nuôi đảm bảo an toàn, tiện lợi dễ dàng tháo cấp nước.
  • Mặt bằng phải phẳng, tạo điều kiện thuận lợi khi cải tạo ao.
  • Vị trí thuận tiện cho việc  chăm sóc, vận chuyển giai đoạn nuôi  sang ao tôm thương phẩm.
Thiết kế ao nuôi tôm công nghiệp

Mặt bằng ao nuôi đảm bảo bằng phẳng, vị trị địa lý thuận lợi

2. Chọn quy trình nuôi

Ở bài viết này, Dr.Tom sẽ hướng dẫn bà con thiết kế ao nuôi tôm công nghiệp vào quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn công nghệ SERMI-BIOFLOC.

Loại 1:

  • 01 ao lắng thô, 01 ao sẵn sàng, 02 ao xử lý.
  • 02 ao ương: 100m2, 04 ao nuôi: 900m2.

+> Tỉ lệ sống: 85%

+>  Mật độ nuôi: 300 con/m2.

+> Địa điểm: Nơi có nguồn nước tốt, đường rộng và có điện.

Loại 2:

  • 1 ao lắng thô, 1 hệ thống xử lý, 2 ao sẵn sàng.
  • 1 ao ương: 300m2, 2 ao nuôi: 1200m2.

+> Tỉ lệ sống: 85%

+>  Mật độ nuôi: 300 con/m2.

3. Thiết kế ao nuôi tôm công nghiệp

— Một hệ thống ao nuôi cần được thiết kế đầy đủ ao lắng thô, ao sẵn sàng, ao xử lý, ao ương và ao nuôi tôm. Thiếu một trong những ao này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước ao tôm.

— Ao ương thiết kế có mái che nhà kính đầy đủ là tốt nhất.

— Hệ thống ao nuôi phải đảm bảo có hệ thống xi phong tự động, hệ thống quạt nước và oxy dưới ao. Hầu hết các ao được thiết kế dạng tròn để dễ dàng gom chất thải. Lưu ý đặt quạt nước không quá mạnh để cho chất hữu cơ có thời gian lắng tụ và đặc biệt là oxy trong ao phải đầy đủ.

Xem chi tiết => Xi phong đáy ao là gì? Các loại hình xi phông phổ biến năm 2020

— Trong trường hợp ao nuôi bị nhiễm EHP thì bước khử trùng cần được thực hiện cẩn thận. Lựa chọn phương pháp khử trùng thích hợp cho lần nuôi tiếp theo. Dr.Tom khuyến cao, nên sử dụng NaOH nồng độ > 0.5N để khử trùng bể bê tổng hoặc bể lót bạt HDPE. Sử dụng CaO để khử trùng ao đất với tỉ lệ 0.5 – 1kg cho 1m2. Bên cạnh đó, cần tiến hành xét nghiệm PCR Pockit để xem tôm giống có bị nhiễm EHP không trước khi nuôi.

* Sơ đồ ao nuôi loại 1:

Mô hình ao nuôi tôm công nghiệp 

Mô hình ao nuôi tôm công nghiệp 02 ao ương: 100m2, 04 ao nuôi: 900m2

4. Quy trình xử lý nước

  • Đầu tiên nước được lấy từ sông lúc triều cường cao nhất đưa vào ao lắng thô qua lưới lọc để cho phù sa lắng tự nhiên.
  • Tại ao lắng thô ta sẽ bơm nước qua hệ thống xử lý nước nhanh và châm thuốc tím từ 5-10ppm theo máy định lượng châm trực tiếp vào đường ống.
  • Sau đó nước sẽ được chảy tràng qua ao xử lý qua túi lọc mịn và bơm clorine trực tiếp vào đường ống đ nồng độ 30ppm để diệt khuẩn (chú ý pH phải thấp)..
  • Kiểm tra nồng độ clorine nếu còn clorine ta có thể trung hòa bằng Natrithiosunfat đảm sau khi ổn sẽ cấp vào ao sẳn sàng qua lưới lọc sau đó xử lý EDTA nồng độ 5-10ppm để lắng tụ các kim loại nặng, tiếp tục xử lý các yếu tố môi trường như bằng Dolomit, soda lạnh (kiềm 180mg/l) khoáng chất cho phù đạt hàm lượng thích hợp cho tôm nếu nước để lâu mới cấp vào ao  nên diệt khuẩn lại bằng clorine nồng độ 2ppm sau đó mới sử dụng.
  • Sau khi đã xử lý nước phù hợp các chỉ tiêu môi trường nuôi tôm thẻ, tiến hành cấp vào ao ương qua hệ thống lọc than hoạt tính vì tôm giai đoạn nhỏ nên phải đảm bảo nước được sạch và khi khử clorine có thể sinh ra các phức hợp gây độc cũng như kim loại nặng nên lọc qua than hoạt tính một lần nữa. Sau đó cấy vi sinh và gây màu nước và tiến hành ương giống.
Hệ thống xử lý nước ao nuôi tôm công nghiệp

Hệ thống xử lý nước ao nuôi tôm công nghiệp

  • Các yếu tố môi trường
Yếu tố Khoảng thích hợp
Độ trong (cm) 30 – 45
Màu nước Vàng nâu,xanh nhạt
Độ mặn (‰) 10 – 25
Độ kiềm (mgCaCO3/L) 120-180
Ca Tùy theo độ mặn
Mg Tùy theo độ mặn
Kali Tùy theo độ mặn
Nhiệt độ oC 25-30
pH 7,5 – 8,5
CO2 (mg/L) 1 – 10
O2 (mg/L) 5 – 10
Độ cứng (mgCaCO3/L) 80 – 120
NH3/NH4 (mg/L) <0,1
NO2 Tùy theo độ mặn
H2S (mg/L) <0,03
Fe (mg/L) 0
Chlorophyll-a (ug/L) 50 – 200

Dự tính chi phí ao nuôi tôm công nghiệp

Dr.Tom sẽ hướng dẫn người nuôi hạch toán chi phí 01 ao nuôi cho mô hình nuôi loại 2:

+ 1 ao lắng thô, 1 hệ thống xử lý, 2 ao sẵn sàng.

+ 1 ao ương: 300m2, 2 ao nuôi: 1200m2.

Mật độ 300 con/m2
Diện tích 1.200 m2
Độ sâu 1.5 m
Thể tích 1.200 m3
Tổng Thả 360.000 pl
Tỉ lệ sống 85%
FCR 1.3
Tổng lượng thức ăn 13.260 kg
Thay nước 30%/ngày
Tổng lượng nước xử lý 32.400 khối
Số lượng thu 10.200 kg
Size Thu 30 con/kg
Gía 150.000 kg (size 30con/kg)
Doanh Thu 1.530.000.000
Chi Phí 530.060.000
Lợi Nhuận 999.940.000

Đây là cách tính chi phí cho một ao nuôi tôm công nghiệp. Tùy vào mô hình ao nuôi, diện tích các ao nuôi thương phẩm, mật độ thả mà chi phí và lợi nhuận sẽ khác nhau. Dr.Tom khuyến khích bà con áp dụng chuỗi sản phẩm Scienchain vào quá trình nuôi.
Nguồn : https://drtom.vn/

Ứng dụng mạng cảm biến không dây trong nuôi tôm

Ứng dụng mạng cảm biến không dây

Gần đây, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ đã nghiên cứu giải mã các công nghệ thông minh ứng dụng trong nuôi tôm.

Khắc phục nhược điểm
Thời gian qua, nhiều công ty đã nghiên cứu và cho ra đời hệ thống giám sát tự động chất lượng nước ao nuôi. Tuy nhiên, các  sản phẩm trên thị trường giá thành vẫn rất cao do chưa làm chủ hoàn toàn công nghệ và còn nhiều nhược điểm cơ bản:
– Thiết bị tương đối đắt tiền, không linh hoạt do thiết bị cồng kềnh khó khăn trong việc di chuyển cũng như xử lý.
– Thiết bị rời rạc đơn lẻ nên dữ liệu thu thập được chưa có tính thống kê cao và độ chính xác không cao. Điều này gây khó khăn trong việc tổng hợp báo cáo.
– Chưa tự động hóa việc lấy dữ liệu, còn cần sự can thiệp từ phía con người nên kinh phí tốn kém. Dữ liệu không được cập nhật liên tục.
– Hệ thống đề xuất cũng chưa chú ý tới sự phát triển của các dòng điện thoại thông minh một trong định hướng phát triển công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản.
– Chưa có bộ cơ sở dữ liệu chuẩn để triển khai đại trà trên các sông, hồ nuôi trồng thủy sản.
Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuẩn cho ngành tôm
Nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ đã thực hiện nhằm giải mã được sáng chế về công nghệ xử lý tín hiệu và công nghệ truyền thông không dây LoRa trong mạng cảm biến không dây. Nghiên cứu nhằm phát triển ứng dụng công nghệ mạng cảm biến không dây phù hợp trong truyền thông dữ liệu. Xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam. Ứng dụng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam.
Trong nghiên cứu này, công nghệ truyền thông mới LoRa lần đầu tiên được nhóm nghiên cứu triển khai cho hệ thống mạng cảm biến không dây. Với lợi thế truyền bằng sóng vô tuyến theo phương thức P2P (peer to peer – mạng ngang hàng) không phụ thuộc vào các yêu cầu về cơ sở hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ, LoRa là công nghệ truyền thông không dây mới, được xây dựng để thiết lập kết nối vô tuyến ở khoảng cách rất xa (đến 10 km, trong tầm nhìn thẳng) cho các thiết bị thông minh trong bối cảnh phát triển ứng dụng IoT (Internet of Things) cho các thiết bị dùng nguồn pin, yêu cầu tiêu thụ năng lượng thấp.
Mục tiêu của nghiên cứu là thiết kế, chế tạo module truyền thông LoRa tích hợp vào thiết bị IoT, xây dựng một số thuật toán cho Node và Gateway để kết nối nhiều thiết bị thành một hệ thống mạng và kết nối với các hệ thống mạng khác để tạo thành một hệ thống IoT hoàn chỉnh. Hệ thống đạt được các kết quả như truyền dữ liệu giữa các thiết bị IoT tích hợp module LoRa với Gateway, xây dựng bản tin truyền và nhận có Protocol đã định sẵn, xây dựng được mạng hình sao sử dụng công nghệ truyền thông LoRa, truyền dữ liệu từ các nút đến Gateway theo kết nối mạng hình sao, truyền nhận dữ liệu chính xác, ổn định, phát triển thuật toán đa truy nhập, tìm ra được các nguyên nhân gây mất dữ liệu và khắc phục.

Theo 2lua.vn