Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Công Nghệ Nuôi Mới

Ưu việt nuôi tôm trong ao tròn nổi

Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm trong ao nổi tròn được ứng dụng rộng rãi với nhiều ưu điểm vượt trội so với các mô hình nuôi siêu thâm canh như ao đất, ao đất trải bạt.

Ưu điểm

Giảm chi phí xử lý môi trường và dễ dàng quản lý trong quá trình nuôi.

Đối với những ao bạt truyền thống sẽ không khó để bắt gặp những trường hợp như rút đáy bạt. Có góc khuất tại ao sẽ gặp nhiều trở ngại trong quá trình tạo dòng cho ao nuôi. Tuy nhiên, ao tròn nổi sẽ không gặp phải những trường hợp như rút đáy bạt, hay không có góc khuất nên việc tạo dòng đạt được hiệu quả cao hơn.

Từ những ưu điểm trên có thể thấy việc nhân rộng mô hình ao tròn nổi ngày càng nhiều trong nông nghiệp, không chỉ riêng nuôi tôm mà mô hình này còn được áp dụng cho các loài thủy sản nuôi khác.

 

Lưu ý lắp đặt

Hệ thống được dựng bằng khung thép. Khung lưới sắt được bao ở mặt trong. Mặt trong cùng của được lót bằng bạt HDPE dày 0, 5 – 1 mm.

Khi lắp đặt khung ao người nuôi nên hạn chế mối hàn vì mối hàn có thể làm giảm đi độ bền khung ao. Để tăng độ bền cho khung ao, người nuôi không cần sử dụng mối hàn mà thay vào đó sẽ dùng bắt nối chữ U và bu lông.

 

Hệ thống ôxy đáy ao tròn nổi

Ôxy đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và duy trình sự sống của tôm, thiếu ôxy ảnh hưởng đến quá trình bắt mồi và tăng trưởng. Vì vậy, người nuôi cần phải chú ý về mật độ nuôi thích hợp và hoặc tăng cường các thiết bị tạo ôxy phù hợp cho ao.

Thiết bị tạo ôxy

 

Superland ứng dụng trên nền F2S Superland 65&80

Máy thổi khí: Máy thổi khí ôxy có chức năng thổi, sục, phân phối khí ôxy trong ao, hồ… Ngoài ra, máy thổi khí còn có chức năng cải thiện hàm lượng ôxy trong ao nuôi, việc cung cấp đủ ôxy sẽ tạo điều kiện cho các vi sinh vật có lợi giúp ích cho vật nuôi trong ao cùng phát triển.

Sục lũi chân vịt-Tua bin: Sục máy sục khí chìm, sục lũi, sục đáy, sục chân vịt hoạt động hiệu quả ở độ sâu 1 – 3 m nên có thể cung cấp ôxy ở tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy. Tránh hiện tượng phân tầng nước về nhiệt độ và ôxy hòa tan giúp cá tôm khỏe mạnh, tăng sức đề kháng với bệnh tật.

 Ứng dụng nền F2S:

Sử dụng cùng lúc 2 máy thổi khí trên cùng một motor, giúp giảm chi phí 1 motor và lượng điện năng tiêu thụ.

 

Sản phẩm tạo dòng ao tròn nổi

Để đảm bảo được lượng ôxy cung cấp cho ao nuôi, bộ quạt là sản phẩm không thể thiếu cho tạo dòng ôxy. Hiện, các dàn quạt có đầy đủ từ 4,6…18 cánh. Tạo dòng chảy lưu lượng lớn, sản sinh và khuếch tán ôxy.

Nguồn http://contom.vn/

Israel: Nuôi tôm công nghiệp RAS trên cạn

Sau 3 năm nghiên cứu tại các trung tâm R&D ở Israel, Công ty Công nghệ NTTS AquaMaof đã ứng dụng thành công công nghệ RAS nuôi tôm công nghiệp trên cạn với tỷ lệ sống cao và sạch bệnh. Công nghệ này sẽ có mặt trên thị trường toàn cầu vào năm sau.

AquaMaof, công ty công nghệ nuôi thủy sản RAS trong nhà hàng đầu thế giới đang thực hiện dự án phát triển hệ thống nuôi tôm trên cạn tại miền nam Israel. Là một doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghệ NTTS, AquaMaof đã ứng dụng thành công công nghệ RAS độc quyền của hãng để nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô công nghiệp với kết quả tỷ lệ sống cao và sạch bệnh.

Đến nay, AquaMaof đã đạt hơn 300 triệu USD từ giao dịch mua bán trên toàn cầu, đi đầu ngành công nghiệp nuôi thủy sản trên cạn với hàng chục cơ sở sản xuất trên khắp thế giới. Công nghệ RAS của AquaMaof cung cấp một giải pháp nuôi và thu hoạch có trách nhiệm với cá và các loại hải sản.

Protein trong tôm, cá luôn tốt cho sức khỏe hơn các loại thịt khác. Do đó, nhu cầu tiêu thụ tôm và thủy sản ngày một tăng cao trên toàn cầu. Tính riêng khối lượng, thị trường tôm tiêu thụ khoảng 4,66 triệu tấn tôm vào cuối năm 2018 và dự kiến tăng lên 5,83 triệu tấn vào năm 2024. Tuy nhiên, các ao nuôi tôm truyền thống không đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nói trên do dịch bệnh bùng phát liên tục và tỷ lệ tôm chết cao. Từ đó, nhu cầu phát triển công nghệ nuôi tôm trên cạn bắt đầu tăng.

AquaMaof đã phát triển giải pháp khắc phục thành công các thách thức nói trên. Sau 3 năm nghiên cứu, Công ty tuyên bố đã sẵn sàng ra mắt công nghệ nuôi tôm trên cạn RAS vào đầu năm sau. Trong hệ thống này, AquaMaof nuôi tôm mật độ cao thành công, đạt tỷ lệ sống cao, FCR thấp và trong một môi trường hoàn toàn sạch bệnh với số lượng vi khuẩn được tìm thấy trong nước bể nuôi cực kỳ thấp. Ngoài ra, công nghệ mới của AquaMaof giúp kiểm soát màu sắc của tôm và di truyền của chúng thuận lợi, thúc đẩy sản xuất tôm chất lượng cao. Công nghệ mới của hãng cũng tạo điều kiện thu hoạch tỉa theo kích cỡ khác nhau, trong khi vẫn duy trì chi phí vận hành trang trại ở mức thấp.

“Cách đây 3 năm, chúng tôi đã bắt đầu nhận ra nhu cầu tiêu thụ tôm trên toàn cầu ngày càng gia tăng, cũng như nhiều thách thức mà ngành nuôi tôm truyền thống đang phải đối mặt. Chúng tôi quyết định ứng dụng công nghệ tích hợp RAS trong môi trường khép kín, giúp giải quyết các thách thức của ngành nuôi tôm truyền thống hiện nay, và trở thành công ty đầu tiên trên thế giới vượt qua được các nhược điểm của hệ thống nuôi tôm truyền thống như nuôi tôm mật độ cao nhưng không tác động tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng; đồng thời vẫn duy trì môi trường sạch bệnh” theo David Hazut, Tổng Giám đốc AquaMaof.

AquaMaof cũng tuyên bố công nghệ RAS cung cấp giải pháp nuôi và thu hoạch có trách nhiệm với nhiều đối tượng nuôi, ngoài con tôm. AquaMaof cũng xúc tiến nuôi thủy sản bền vững từ công nghệ tái sử dụng nước đã được cấp bằng độc quyền sáng chế và tiêu thụ ít năng lượng. Toàn bộ hệ thống nuôi của hãng đều nói không với kháng sinh, hóa chất hoặc hormone. Với công nghệ RAS tích hợp của AquaMaof, nông dân có thể nuôi tôm quanh năm. Các công nghệ của hãng đã có mặt tại Ba Lan, Nga, Nhật Bản, Đức, Slovakia, Na Uy và Đông Nam Á.

Dũng Nguyên (Theo Intrafish)

Nghiên cứu men vi sinh mới phù hợp cho nuôi thủy sản mặn lợ

Phân lập vi khuẩn
Phân lập bọt biển.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu phân lập bọt biển để tìm ra chủng vi sinh phù hợp với nuôi trồng thủy sản nước mặn – lợ, nhằm khắc phục hạn chế của men vi sinh có nguồn gốc trên cạn khi dùng ở độ mặn và nhiệt độ cao.

Một số loài vi khuẩn làm tăng tỷ lệ tử vong ở tôm và gây thiệt hại kinh tế lớn. Nghiêm trọng nhất là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPND) do vi khuẩn Vibrio (V. parahaemolyticus) gây ra tỷ lệ chết đáng kể, có thể lên đến 100% trên tôm nuôi bị nhiễm bệnh tại nhiều quốc gia. Trong đó hiệu quả kiểm soát các dòng Vibrio spp. của kháng sinh và chất khử trùng khá hạn chế. Dẫn đến việc sử dụng men vi sinh làm công cụ kiểm soát dịch bệnh ngày càng được quan tâm và phổ biến.

Hiện tại, có rất nhiều men vi sinh thương mại, chủ yếu dựa trên các chủng vi khuẩn Lactobacillus và Bacillus. Thông qua việc thay đổi hệ vi sinh đường ruột trong tôm bằng cách tiết ra các chất kháng khuẩn, nhằm cạnh tranh chống lại mầm bệnh, ngăn chặn sự bám dính của chúng vào biểu mô ruột, cạnh tranh các chất dinh dưỡng cần thiết và chống độc.

Ở môi trường biển, dòng Vibrio spp. thuận lợi phát triển trong độ mặn và nhiệt độ cao, trong khi hầu hết các chủng men vi sinh thương mại hiện nay lại có nguồn gốc trên cạn, vì thế hiệu quả của chúng bị hạn chế. Theo Zhang et al. (2016), độ mặn làm thay đổi hệ vi sinh vật trong tôm, độ mặn càng cao thì Vibrio càng chiếm ưu thế, trong khi theo Vezzulli et al. (2013), nhiệt độ dưới 370C ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của Lactobacillus.

Cho nên, khám phá sinh học biển để phân lập vi khuẩn dùng làm chế phẩm sinh học trong nuôi thủy sản nước mặn – lợ là một giải pháp đầy hứa hẹn.


Men  vi sinh phân lập từ bọt biển là một giải pháp đầy hứa hẹn cho nuôi trồng thủy sản.

Pseudovibrio chiết xuất từ bọt biển

Động vật không xương sống dưới biển, đặc biệt là bọt biển, chứa các cộng đồng vi sinh vật rất đa dạng. Trong số các vi khuẩn biển có thể nuôi cấy thì nổi bật là chi Pseudovibrio nhờ tính linh hoạt có thể tạo ra hoạt tính sinh học chống lại đa dạng các vi khuẩn Gram âm và Gram dương như: E. coli, Bacillus subtilis, Kluyveromyces marxianus, Salmonella enterica, Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) và Clostridium difficile.

Thiết lập nghiên cứu

Tổng cộng có chín mẫu bọt biển A. geradogreeni đã thu thập trong bốn môi trường sống ở độ sâu khác nhau từ 10-30 m ở vùng nước ven biển của tỉnh Santa Elena (Ecuador). Phân loại của các phân lập biểu hiện hoạt tính sinh học xác định dựa trên trình tự nucleotide của gen 16 rRNA. Với việc nuôi cấy Pseudovibrio thuần túy, các dịch độc dược được thực hiện trong môi trường Luria-Bertani với NSW và 20% glycerol, được lưu trữ ở -800C cho các thử nghiệm tiếp theo.

Kết quả và thảo luận

Các nhà nghiên cứu đã phân tách một số chủng P.denitrificans, thử nghiệm thử thách trong phòng thí nghiệm và trong ao nuôi.


Hiệu quả có lợi của chủng Pseudovibrio đối với tôm thẻ chân trắng (thời gian theo dõi: 108 ngày).

Hoạt tính kháng khuẩn của các chủng Pseudovibrio liên quan với quá trình chuyển hóa acid sulfuric và acid tropodithietic có thể tiêu diệt hoặc ức chế mầm bệnh Vibrio spp. ở ấu trùng cá biển. Ngoài ra, nhiệt độ và độ mặn là ưu thế để Pseudovibrio cạnh tranh với Vibrio spp. Vì Pseudovibrio là một loại vi khuẩn điển hình trong môi trường biển, có mức tăng trưởng tối ưu khoảng từ 25-310C.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hoạt tính sinh học chống lại V. parahaemolyticus, V. campbellii, V. Vulnificus và V. harveyi và chống lại chủng gây bệnh có độc tính cao của V. parahaemolyticus BA94C2 dương tính với PirA/PirB, độc tố liên quan đến bệnh lý AHPND trong nuôi tôm. Ngoài ra, các xét nghiệm được tiến hành ở giai đoạn ấu trùng tôm Postlarvae 3 ngày đã bị nhiễm V. harveyi cho thấy khả năng cạnh tranh của của P. denitrificans với mầm bệnh, giúp cải thiện tỷ lệ sống của PL.


A) Tỷ lệ sống của PL tôm thẻ nhiễm V. campbellii sau 5 ngày điều trị với Pseudovibrio.
B) Tỷ lệ sống của PL tôm thẻ nhiễm V. parahaemolyticus sau 5 ngày điều trị với Pseudovibrio.

Tác dụng của P. denitrificans đối với bệnh phát sáng ở tôm giống do các chủng Vibrio gây ra đã được chứng minh thông qua thí nghiệm thực tế trong sản xuất giống. Ngoài ra, P. denitrificans còn giúp tăng sản lượng, tỷ lệ sống, trọng lượng và năng suất thu hoạch tôm bình quân ở nuôi tôm thương phẩm.


Hiệu quả của các chủng P. denitrificans xâm chiếm và thay thế các chủng Vibrio trong tôm 48 giờ sau khi sử dụng P. denitrificans 

Hoạt tính sinh học của Pseudovibrio denitrificans qua các thí nghiệm invitro đã được khẳng định khả năng kháng khuẩn, ức chế mầm bệnh, nâng cao tỷ lệ sống của tôm cá nhiễm bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trong tương lai vẫn còn cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá nồng độ thực tế để áp dụng ở quy mô thương mại.

 

Theo CRISTÓBAL DOMÍNGUEZ-BORBOR và cộng sự.

Thanh An

Những dự báo về ngành nuôi tôm

Những dự báo về ngành nuôi tôm

Tôm thẻ chân trắng
Ngành nuôi tôm đang trải qua sự thay đổi lớn về kỹ thuật cũng như thương mại.

Theo nhà phân tích thủy sản cao cấp của Rabobank, Gorjan Nikolik, các nhà sản xuất tôm sẽ phải nắm bắt các công nghệ và kỹ thuật sản xuất mới để tồn tại.

Phát biểu tại hội nghị AllTech về Aqua InDepth, diễn ra tại Eindhoven, Nikolik đã trình bày một quan điểm của nhà đầu tư về khả năng tồn tại lâu dài của ngành và làm thế nào để phát triển mạnh trong một ngành công nghiệp thay đổi nhanh chóng. Trong bài thuyết trình của mình, Nikolik đã khám phá chuỗi giá trị tôm và cách thức các nhà sản xuất tôm có thể tận dụng các cơ hội mới.

Sau khi sụt giảm sản lượng giữa năm 2013 và 2014 do dịch bệnh hội chứng chết sớm (EMS), nguồn cung tôm đã phục hồi. Sự phục hồi chủ yếu là do người nuôi tôm chuyển sang nuôi thông minh hoặc bioflocs. Tuy nhiên, những người nuôi không thể mua được công nghệ mới đã gặp khó khăn trong việc kinh doanh. Do đó, sự gia tăng trong sản xuất và tăng trưởng của ngành không đều – mô hình sản xuất hiện tại có thể không ổn định.

Ngoài sự bất ổn này, ngành nuôi tôm hiện đang tiếp cận tình trạng thừa cung trên thị trường toàn cầu. Theo quan điểm của Nikolik, giá tôm có thể sẽ thay đổi.

Thay đổi mô hình thương mại

Ngành nuôi tôm đang trải qua sự thay đổi dòng chảy thương mại lớn. Bắt đầu từ đầu những năm 2010, con đường giao dịch chính của tôm là giữa Thái Lan và Hoa Kỳ. Theo Rabobank, nhập khẩu tôm được tập trung vào 3 khối thương mại lớn: Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, năm 2019, Trung Quốc đã nổi lên là nhà nhập khẩu lớn nhất và Nhật Bản đứng thứ tư về tổng nhập khẩu tôm.

Hiện tại, dòng chảy thương mại lớn nhất trong tôm nuôi là từ Ecuador đến Trung Quốc, trong khi nhập khẩu tôm Thái Lan của Mỹ đã giảm và Ấn Độ đã nổi lên như một nhà xuất khẩu chính. Theo số liệu của Rabobank, năm 2019 là một năm hoạt động kém của ngành tôm; giá vẫn ở mức thấp, mặc dù nhu cầu đã tăng. Người nuôi tôm có thể cảm nhận sâu sắc khó khăn này.

Các mô hình thương mại thay đổi có thể là do áp lực dịch bệnh và người nuôi tôm áp dụng các mô hình kinh doanh khác nhau để tự bảo vệ mình khỏi những cú sốc thị trường. Nikolik giải thích: Đây là lý do tại sao Ecuador đã nổi lên như một nhà sản xuất tôm lớn. Khi so sánh thành công mới của Ecuador với sự suy giảm gần đây của Thái Lan, Nikolik lưu ý rằng người nuôi tôm ở châu Á phải vượt qua những thách thức đáng kể để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Thay đổi mô hình kinh doanh

Nhìn về tương lai, Nikolik cho rằng mô hình kinh doanh hiện tại của sản xuất tôm sẽ thay đổi. Do sự đổi mới đóng vai trò mạnh mẽ trong ngành nuôi tôm, ông dự đoán rằng người nuôi tôm sẽ hiểu biết hơn về loài mà họ nuôi và sẽ chuyển sang các hệ thống sản xuất mới như siêu thâm canh và hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn RAS để duy trì tính cạnh tranh. Ông cũng dự đoán rằng để quản lý tốt hơn áp lực từ dịch bệnh, người nuôi tôm sẽ bắt đầu cách ly trang trại khỏi môi trường xung quanh (tương tự như chăn nuôi gà).

Từ góc độ loài, Nikolik cho rằng các nhà sản xuất cần nắm bắt tiến bộ di truyền của tôm và các chủng mới sẽ có thể phát triển mạnh trong các hệ thống sản xuất mới.

Nikolik nhấn mạnh rằng nuôi trồng thủy sản có thể đem lại lợi ích thực chất cho hành tinh. Mặc dù lĩnh vực này có thể có rủi ro, nuôi trồng thủy sản có thể sản xuất thực phẩm sạch và giàu giá trị dinh dưỡng cho thế giới và mang lại lợi nhuận trong dài hạn.

Theo The Fishsite

HNN Tổng cục thủy sản
Đăng ngày: 26/11/2019

Tổng quan một số quy trình công nghệ nuôi tôm tiên tiến nhất hiện nay

Tổng quan một số quy trình công nghệ nuôi tôm tiên tiến nhất hiện nay

Công nghệ nuôi tôm không ngừng được cải tiến và hoàn thiện. Bên cạnh những công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao, một số công nghệ nuôi tôm mới dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên hoặc sử dụng hoàn toàn thức ăn có nguồn gốc từ thực vật đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Bài viết này trình bày tổng quan về một số đặc điểm kỹ thuật cơ bản của các công nghệ nuôi tôm tiến tiến nhất hiện nay.

Copefloc: Công nghệ nuôi tôm mới sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên

Copefloc là một thuật ngữ dùng để chỉ một công nghệ nuôi tôm mới đang phát triển mạnh tại Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Copefloc = Copepods + Biofloc là một công nghệ nuôi tôm sử dụng copepods (giáp xác chân chèo), các hạt biofloc và các động vật thân mềm sống đáy (giun nhiều tơ,…) như là một nguồn thức ăn chính yếu cho tôm nuôi và hoàn toàn không sử dụng thức ăn chế biến (thức ăn viên công nghiệp). Hệ thống nuôi tôm theo công nghệ copefloc có nhiều thuận lợi như: thiết kế vận hành đơn giản, ít rủi ro, chi phí nuôi thấp do không tốn tiền thức ăn cho tôm, tốc độ tăng trưởng của tôm rất cao, lợi nhuận thu được cao, không gây ô nhiễm môi trường. Một số đặc điểm nổi bật của hệ thống này là: ao nuôi không cần lót bạt, không cần cống trung tâm để siphon đáy ao, hoàn toàn khép kín và không thay nước, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất diệt khuẩn và xử lý nước nào, không sử dụng kháng sinh, không cần bổ sung khoáng chất, không cần ương tôm 30 ngày trước khi thả xuống ao nuôi, và đặc biệt là không sử dụng thức ăn công nghiệp, tôm sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên có trong ao nuôi.

Sau khi lấy nước vào ao nuôi từ ao lắng (nước được xử lý, lắng lọc ở ao lắng trong một thời gian dài) đến khi đạt độ sâu từ 1.2 – 1.5 m, tiến hành gây nuôi copepods, các loài phiêu sinh động vật, giáp xác nhỏ khác (krill) và động vật thân mềm sống đáy (barnacle, giun nhiều tơ, các loài hai mảnh vỏ, và các loài động vật thân mềm sống đáy khác) bằng cách dùng cám gạo lên men với chế phẩm sinh học (probiotics). Tuyệt đối không cung cấp nguồn copepods hay các sinh vật khác từ bên ngoài vào ao nuôi để tránh trường hợp chúng mang mầm bệnh vào ao nuôi, tất cả các loài thức ăn tự nhiên có trong hệ thống nuôi tự nó sẽ phát triển khi có các điều kiện thích hợp. Cám gạo được cho vào trong chậu (bể) lớn để tiến hành lên men bằng cách cho nước ao nuôi và chế phẩm sinh học vào và sụt khí mạnh trong 24 – 48 giờ. Sau đó cho hỗn hợp cám gạo lên men vào trong túi vải dài (dạng giống như ống bơm nước), chuyển xuống ao nuôi và thường xuyên đảo túi vải để dịch cám gạo lên men với probiotic lan tỏa khắp ao nuôi. Ao nuôi được sụt khí liên tục trong thời gian từ 7 – 10 ngày trước khi thả giống tôm. Sử dụng cám gạo lên men ban đầu với liều lượng khoảng 300 kg hoặc 30 ppm trên 1 hecta để gây tạo thức ăn tự nhiên trong ao. Cám gạo lên men sẽ là nguồn thức ăn cho copepod, động vật thân mềm và các loài sinh vật khác trong ao. Khuyến cáo mật độ tôm nuôi trong mô hình này là dưới 50 con/m2. Ở mật độ nuôi này, tôm có thể phát triển tốt, hạn chế cạnh tranh về thức ăn tự nhiên. Thả nuôi với mật độ cao hơn sẽ dẫn đến việc cạnh tranh về thức ăn, dẫn đến thiếu thức ăn, chất lượng nước ao nuôi bị biến động, chất thải (phân tôm) nhiều có thể dẫn đến hình thành khí độc và phát sinh mầm bệnh.

Nuôi tôm sử dụng thức ăn có nguồn gốc từ thực vật lên men

Đây là quy trình nuôi tôm dựa trên công nghệ copefloc, nhưng trong quá trình nuôi có bổ sung thêm các loại thức ăn lên men có nguồn gốc thực vật hoặc bổ sung thức ăn chế biến (thức ăn công nghiệp). Ưu điểm của công nghệ nuôi này là tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có trong ao, bổ sung các loại thức ăn lên men có nguồn gốc thực vật như cám gạo hay đậu nành lên men với chế phẩm sinh học hoặc có bổ sung thêm thức ăn công nghiệp giúp giảm giá thành sản xuất (giảm chi phí thức ăn), tôm tăng trọng nhanh, nuôi được mật độ cao hơn mô hình copefloc.

                                    Cho tôm ăn đậu nành lên men (Ảnh: Aquamimicry Vietnam)
Trong mô hình này, ao nuôi thường có diện tích lớn khoảng từ 0,5 đến 1 ha/ao. Mật độ nuôi từ 30-100 con/m2. Sau khi cải tạo ao nuôi đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, sử dụng cám gạo nghiền mịn với liều lượng 400-500 kg (50 ppm) lên men với chế phẩm sinh học sau 24-48 giờ bổ sung vào ao nuôi (giống như đã trình bày trong mục nuôi tôm theo công nghệ copefloc) và sụt khí liên tục để kích thích sự phát triển của phiêu sinh động vật, động vật đáy… trong ao tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Tiếp tục bổ sung cám gạo lên men hàng ngày với liều lượng 30-50 kg/ha đến khi độ trong đạt 30-50 cm. Tiếp tục sụt khí và duy trì hàm lượng oxy hòa tan >5 ppm, pH từ 7.5-8.0 cho đến khi thả giống.

Tiếp tục duy trì bổ sung cám gạo lên men hàng ngày với liều lượng như trên trong suốt quá trình nuôi. Sau khi thả giống được khoảng 5 ngày, bổ sung đậu nành lên men với liều lượng 1-3 kg/100.000 tôm post. Cho tôm ăn đậu nành lên men theo trọng lượng cơ thể tôm (từ 1-5%, tùy theo trọng lượng tôm) 3 lần/ngày, kết hợp với bổ sung cám gạo lên men trong suốt quá trình nuôi. Có thể bổ sung thức ăn công nghiệp 1-2 lần/ngày, tùy theo mật độ nuôi và nhu cầu của tôm. Nếu bổ sung thêm thức ăn công nghiệp, phải giảm số lần cho tôm ăn đậu nành lên men và liều lượng cám gạo lên men bổ sung hàng ngày.

Nuôi tôm theo qui trình 3 pha (three-phase) trong ao

Hệ thống nuôi tôm 3 pha được phát triển bởi công ty Công ty Grupo Granjas Marinas, Honduras. Điểm nhấn trong quy trình công nghệ này là hệ thống nuôi luân trùng (rotifer) và giáp xác chân chèo (copepod) với qui mô lớn kết hợp với ao ương tôm và ao nuôi thương phẩm để giúp rút ngắn chu kỳ nuôi và gia tăng năng suất tôm lên đáng kể mà không phụ thuộc vào các nguồn protein khác từ thức ăn nhân tạo.

                                   Phiêu sinh động vật-nguồn dinh dưỡng tự nhiên tốt nhất cho tôm nuôi
Hệ thống nuôi tôm 3 pha của họ bao gồm một ao ương nuôi tôm trung tâm, hệ thống raceway (hệ thống thông dòng nước, hệ thống nuôi nước chảy) nuôi rotifer và copepod, và tôm sau khi ương sẽ được chuyển sang ao nuôi thương phẩm có diện tích lớn hơn. Hệ thống này có thể sản xuất tôm đạt trọng lượng 15-16 g/con trong thời gian 8 tuần, tốc độ tăng trưởng hàng tuần đạt 4.2 g/con, với tỷ lệ sống trung bình đạt 74%. Trước mắt, công ty đã đưa vào hoạt động 400 ha ao nuôi cũ và đang có kế hoạch xây dựng thêm 700 ha vào năm 2015.

Hệ thống nuôi nhiều pha này không những làm gia tăng hiệu quả sản xuất mà còn mở ra một cơ hội mới góp phần bảo vệ môi trường nhờ vào việc sử dụng thức ăn tự nhiên. Một lượng sinh khối rất lớn của phiêu sinh động vật giàu dinh dưỡng có thể được sản xuất trong thời gian ngắn dùng làm thức ăn thay thế thức ăn nhân tạo cho tôm, góp phần gia tăng tính bền vững và lợi nhuận cho người nuôi tôm.

Công nghệ nuôi tôm raceway siêu thâm canh nhiều tầng (super-intensive stacked raceway) 

Đối với công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong hệ thống raceway truyền thống, tôm được nuôi trong những bể nước hình chữ nhật,  các bể được bố trí nằm kề liền nhau và chúng được bố trí trong phòng lớn. Hệ thống này có nhược điểm là cần một không gian rất lớn để có thể sản xuất ra lượng tôm lớn và giá thành sản phẩm cao hơn so với tôm nhập khẩu. Để khắc phục những nhược điểm của hệ thống raceway truyền thống, tiến sỹ Addison L. Lawrence, một nhà khoa học tại Phòng Thí Nghiệm Nghiên Cứu Nuôi Trồng Hải Sản Texas AgriLife đã có một ý tưởng tuyệt vời là xếp chồng các bể raceway lên với nhau. Hệ thống này được gọi là nuôi tôm raceway siêu thâm canh nhiều tầng (super-intensive stacked raceway).

                Tiến sỹ Lawrence (người bên trái) bên hệ thống raceway nhiều tầng (Ảnh: nytimes.com)
Hiện nay, Royal Caridea, một công ty sản xuất thủy sản mới thành lập đã mua bản quyền cấp phép hệ thống này trên toàn thế giới và đã khởi công xây dựng một cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ nuôi này vào năm 2012. Tiến sĩ Lawrence dự đoán rằng, trong thời gian tới, mỗi khu vực đô thị lớn “sẽ có một trang trại nuôi tôm giống với mô hình này” và sẽ không còn nhiều lý do để dựa vào nguồn tôm nhập khẩu nữa.

Công nghệ semi-biofloc trong nuôi tôm thâm canh

Hệ thống nuôi tôm thay nước nhiều thường duy trì được chất lượng nước tốt, tuy nhiên do vấn đề an toàn sinh học và môi trường nên người nuôi đã quan tâm nhiều hơn đến việc ứng dụng các công nghệ nuôi tôm không thay nước như biofloc. Để ứng dụng thành công công nghệ biofloc, người nuôi cần phải đáp ứng cùng lúc rất nhiều yếu tố như thả tôm với mật độ cao, hệ thống sục khí và đảo nước thích hợp và đủ công suất (25-30 hp/ha), điều chỉnh đúng tỉ lệ C:N (>15), hệ thống kiểm soát ao nuôi đúng và chặt chẽ. Từ những khó khan trên, nhiều người nuôi tôm ở Indonesia đã chuyển sang công nghệ nuôi đơn giản hơn biofloc gọi là semi-biofloc hay còn gọi là hệ thống lai (hybrid) kết hợp giữa sinh vật tự dưỡng và dị dưỡng (autotrophic and heterotrophic organism).

Đặc điểm của hệ thống này là tạo ra môi trường cân bằng, với khoảng 30-40% sinh vật tự dưỡng chủ yếu là tảo Chlorella (autotrophs) và 60-70% sinh vật dị dưỡng (heterotrophs) chủ yếu là các chủng Bacillus. Sinh khối floc sẽ được duy trì kiểm soát thông qua việc bón định kỳ chế phẩm sinh học (probiotic), CaCO3, MgCO3 và chất hữu cơ. Mật độ tảo được kiểm soát bằng cách điều chỉnh và duy trì tỷ lệ N:P = 25:1, điều chỉnh hệ vi sinh vật dị dưỡng bằng cách bổ sung chế phẩm sinh học (Bacillus) và các nguồn carbohydrate. Ao nuôi được cải tạo trước khi thả giống 20 ngày nhằm thiết lập ổn định hệ sinh vật tự dưỡng và dị dưỡng (tảo và vi khuẩn có lợi). Các yếu tố chất lượng nước cần quan tâm bao gồm màu nước, pH, độ kiềm, thành phần tảo và vi khuẩn trong ao. Hệ thống sụt khí hiệu quả, đảm bảo duy trì hàm lượng oxy hòa tan >4 ppm, định kỳ siphon đáy ao để loại bỏ chất thải. Độ trong duy trì từ 25-30 cm.

Công nghệ biofloc trong nuôi tôm thâm canh

Công nghệ biofloc được Giáo sư Yoram Avnimelech khởi xướng ở Israel và do Robins McIntosh thực hiện đầu tiên trong nuôi tôm thương phẩm ở Belize, Indonesia.

Hệ thống biofloc được phát triển để nâng cao khả năng kiểm soát môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Thông thường, nuôi tôm với mật độ cao cần phải có một hệ thống xử lý chất thải. Hệ thống biofloc cho phép các chất thải hữu cơ và quần thể vi sinh vật tồn tại trong ao nuôi. Thông qua quá trình xáo trộn nước và sụt khí để duy trì sự hiện diện của các hạt floc, chất lượng nước được đảm bảo. Công nghệ BFT là giải pháp giải quyết 2 vấn đề: (1) Loại bỏ các chất dinh dưỡng chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng xử lý nước ao nuôi, (2) Sử dụng Biofloc làm thức ăn bổ sung tại chỗ cho đối tượng nuôi. Do đó, BFT làm giảm chi phí thức ăn và được coi là giải pháp để phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp.

Yêu cầu về năng lượng điện cho sụt khí và đảo nước của hệ thống biofloc vượt xa các hệ thống nuôi thông thường và hầu hết các hệ thống nuôi tuần hoàn. Hệ thống ao nuôi tôm sử dụng công nghệ biofloc cần cung cấp sụt khí với công suất khoảng 25-30 hp/ha. Tỷ lệ sụt khí cao như thế không thể áp dụng cho các ao đất không lót bạt vì sẽ gây nên xói mòn đất, do đó hầu hết các ao nuôi theo công nghệ biofloc đều có lót bạt hoặc đáy bằng bê-tông. Công nghệ biofloc không khuyến cáo cho những khu vực nuôi có nguồn điện không ổn định và giá điện cao.

Trong hệ thống biofloc, yếu tố quan trọng trong kiểm soát ammonia là tỷ lệ C:N thêm vào thông qua thức ăn hay các nguồn khác. Một loại thức ăn có hàm lượng protein khoảng 30-35% có tỷ lệ C:N tương ứng thấp, chỉ khoảng 9-10:1. Gia tăng tỷ lệ C:N thêm vào khoảng 12-15:1 để kiểm soát hàm lượng ammonia thông qua các vi sinh vật dị dưỡng. Tỷ lệ C:N thấp có thể được kiểm soát bằng cách bổ sung các nguồn nguyên liệu có tỷ lệ C:N cao hoặc gia tăng tỷ lệ C:N bằng cách dùng thức ăn có hàm lượng protein thấp. Ammonia được hấp thụ nhanh chóng bởi vi khuẩn sau khi bổ sung carbohydrate. Kiểm soát ammonia bằng vi khuẩn dị dưỡng thường ổn định và bền vững hơn so với tảo hay quá trình tritrate hóa.

Có rất nhiều nguồn nguyên vật liệu có thể dùng để cung cấp carbohydrate vào hệ thống biofloc, bao gồm bột ngũ cốc, mật đường, bã mía, cỏ khô băm nhỏ (chopped hay) hay các nguồn khác. Để kiểm soát nồng độ ammonia thông qua con đường vi khuẩn dị dưỡng, carbohydrate bổ sung phải thực hiện theo tỷ lệ cho ăn. Đối với mỗi kg thức ăn có hàm lượng protein 30-38% thêm vào hệ thống, cần cung cấp 0.5-1 kg carbohydrate.

Quản lý hệ thống nuôi theo công nghệ biofloc không đơn giản, đòi hỏi những kỹ thuật tương đối phức tạp cần thiết để đảm bảo cho hệ thống hoạt động tốt và đạt năng suất cao.

Công nghệ ương nuôi tôm siêu thâm canh trong hệ thống nước chảy (raceway)

Kỹ thuật raceway xuất phát từ các quốc gia Nam Mỹ (Mexico, Ecuador, Honduras, Mỹ, Guatemala…), phát triển mạnh từ năm 2008 khi dịch bệnh EMS/AHPND bùng phát mạnh tại các quốc gia này. Công nghệ này được ứng dụng rộng rãi trong nuôi tôm, đặc biệt là phổ biến trên nuôi tôm thẻ chân trắng. Mục tiêu quan trọng của công nghệ nuôi raceway là giúp gia tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích và trên cùng khoảng thời gian nhờ vào khả năng xoay vòng ngắn; tận dụng tối đa đặc tính sinh học vượt trội của tôm thẻ chân trắng, đặc biệt là khả năng tăng trưởng bù; tính an toàn sinh học cao giúp giảm thấp rủi ro và gia tăng khả năng thành công của vụ nuôi.

Theo kết quả nghiên cứu của tiến sỹ Tzachi Samocha và cộng sự tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản AgriLife ở Corpus Christi, Texas; hệ thống nuôi raceway có thể sản xuất được hơn 9 kg tôm thẻ chân trắng trên mỗi mét khối nước với mật độ nuôi lên đến 530 con/m3 nước. Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) trung bình thấp, khoảng 1-1,2; tốc độ tang trưởng hàng tuần của tôm nuôi đạt 1,3 g/tuần. Ngoài ra, hệ thống này giúp giảm chi phí sản xuất tôm từ 5 USD/pound xuống còn khoảng 2 USD/pound. Thời gian nuôi thương phẩm chỉ mất 3 tháng, cho phép sản xuất được 4 vụ/bể/năm. Hệ thống nuôi khép kín đã ngăn chặn thành công sự bộc phát của virus, và tỷ lệ chết được giữ dưới 0,5% mỗi tuần.

Công nghệ nuôi này yêu cầu trình độ quản lý kỹ thuật cao, đặc biệt là phải đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan (DO) của hệ thống phải ở mức tốt nhất. Do không thay nước (chỉ bổ sung khoảng 1% tổng lượng nước mỗi ngày để bù đắp cho lượng nước bay hơi), hệ thống raceway chứa dày đặc các hạt biofloc chứa vi khuẩn và vi tảo trong môi trường hạn chế thay nước. Đây cũng là nguồn dinh dưỡng quan trọng làm thức ăn cho tôm.

Đây là hệ thống cần đầu tư ban đầu lớn, cần trình độ quản lý, kỹ thuật cao để có thể nuôi đạt kết quả tốt nhất.

Công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính

Hiện nay, mô hình nuôi tôm trong nhà kính đang lan rộng ở ĐBSCL do kiểm soát được vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và ít rũi ro hơn các mô hình nuôi khác. Nuôi tôm trong nhà kính chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Tổng chi phí đầu tư cho 1 ha khoảng 10 tỉ đồng, gồm xây nhà bao phủ các ao nuôi tôm, xây tường xung quanh ao nuôi, lót bạt dưới đáy ao, lắp đặt hệ thống quạt, oxy đáy, hệ thống cho tôm ăn tự động, …

Nhờ mô hình đầu tư khá hiện đại và khép kín nên có thể thả nuôi thâm canh với mật độ khá cao. Trung bình mật độ thả nuôi từ 200 – 290 con/m2, tôm sau 100 – 105 ngày thả nuôi là có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ từ 30 – 33 con/kg, năng suất đạt khoảng 60-90 tấn/ha. Tôm nuôi trong nhà kính có nhiều ưu điểm như dễ kiểm soát các yếu tố môi trường (nhiệt độ), tôm nuôi tăng trưởng khá nhanh, đặc biệt là tôm thương phẩm sau thu hoạch bóng và đẹp nên được các công ty chế biến tôm xuất khẩu thu mua với giá cao so với thị trường.

                        Hệ thống ao nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính (Ảnh: Aquanetviet.com)
Do tôm thả nuôi với mật độ cao nên hệ thống dàn quạt và ô xy đáy phải hoạt động liên tục 24/24 giờ. Theo đó, định kỳ 5 ngày phải cấy vi sinh một lần và hàng tuần phải kiểm tra sự tăng trưởng của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn, môi trường nước kịp thời. Điều đặc biệt là nuôi tôm trong nhà kính không cần thay nước, nguồn nước có thể được tận dụng để thả tôm nuôi những vụ tiếp theo. Do đó, người dân sẽ chủ động được khâu xử lý nước thải trong môi trường nuôi tôm – một vấn đề bức thiết lâu nay mà không có giải pháp khắc phục. Ngoài ra, để quản lý tốt môi trường ao nuôi định kỳ 3 – 4 ngày phải siphon đáy ao một lần, làm sạch môi trường nuôi tạo ra sản phẩm nuôi sạch đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Tóm lại, hiện nay có rất nhiều quy trình công nghệ nuôi tô khác nhau; mỗi công nghệ có ưu điểm, nhược điểm và mức độ đầu tư khác nhau. Tuỳ theo điều kiện thực tế mà người nuôi có thể cân nhắc lựa chọn công nghệ nuôi phù hợp để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Nguồn: aquanetviet.com

Bạc Liêu nhân rộng mô hình nuôi tôm CPF Combine

Bạc Liêu là thủ phủ nuôi tôm của cả nước, hiện tỉnh đang tập trung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, dự kiến đưa vào hoạt động ổn định năm 2020, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 750 triệu USD và năm 2025 đạt 1 tỷ USD.
 Người dân Bạc Liêu thường xuyên theo dõi, chăm sóc ao tôm trước thiên tai bất lợi. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN

Tuy nhiên, trong những năm gần đây nghề nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bạc Liêu nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Trước những khó khăn này, người nông dân đang dần áp dụng nhiều mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính; mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến; mô hình nuôi tôm siêu thâm canh; mô hình nuôi tôm bán thâm canh; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt…

Đi tiên phong trong phong trào nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Một thành viên Hải Nguyên, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, Chi nhánh Công ty cổ phần Việt Úc – Bạc Liêu, Công ty TNHH Một thành viên Huy Long An – Bạc Liêu, Công ty cổ phần CP Việt Nam – Chi nhánh Bạc Liêu,…

Hiện nay, tại Bạc Liêu mô hình CPF – Combine là một trong những mô hình nuôi tôm cho hiệu quả cao được nhiều người dân áp dụng. Đây là mô hình được chuyển giao từ Công ty cổ phần CP Việt Nam.

Mô hình CPF Combine khép kín từ khâu con giống có chất lượng cao tới quy trình nuôi theo hai bước áp dụng hệ thống an toàn sinh học thân thiện với môi trường đồng thời có nhà máy bao tiêu sản phẩm giúp người nuôi tôm yên tâm sản xuất kinh doanh. Theo đánh giá của nhiều hộ dân, mô hình CPF Combine đã giảm bớt sự tác động của thời tiết trong giai đoạn tôm còn nhỏ, từ đó tăng được tỷ lệ sống và tăng sức khỏe của tôm, sản lượng tôm tăng đạt hiệu quả cao, thịt tôm chất lượng…

Theo Tiến sỹ Prakan Chiarahkhongman, Trung tâm nghiên cứu Thủy sản Thái Lan, mô hình CPF Combine giúp giảm được các loại bệnh cho tôm trong quá trình nuôi; chủ động thời gian thả nuôi, ít lệ thuộc vào thời tiết mùa vụ như phương pháp nuôi truyền thống; tăng tỷ lệ sống và năng suất cao hơn.

Cùng với đó, các tiêu chuẩn của ao nuôi sẽ được kiểm tra thường xuyên mỗi ngày, như: độ kiềm, độ pH, độ cứng, calci, magnesium… cho phù hợp với sự phát triển ổn định của con tôm; đáy ao được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày bằng việc hút chất bẩn trong ao. Bên cạnh việc tuân thủ kỹ thuật nuôi, ngay từ khâu đầu vào như con giống, thức ăn phải đảm bảo có nguồn gốc và an toàn, đặc biệt trong suốt quá trình nuôi, người nuôi hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất kháng sinh. Đến giai đoạn thu hoạch, trước khi xuất bán, con tôm sẽ được kiểm tra các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng.

Theo quy trình kỹ thuật mới, công tác quản lý được thực hiện nghiêm ngặt, chủ yếu ứng dụng các thiết bị, máy móc trong quá trình kiểm tra chăm sóc nên mật độ nuôi cao hơn nhiều so cách nuôi truyền thống. Đối với mô hình truyền thống, với diện tích mặt nước nuôi 3.000 – 4.000 m2, năng suất bình quân đạt 5 – 6 tấn tôm/vụ, còn theo mô hình CPF Combine, ao nuôi nhỏ từ 1.000 – 1.200 m2 mặt nước nuôi, năng suất bình quân đạt 6 – 10 tấn/1.000 m2/vụ.

Ông Nguyễn Văn An (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) cho biết, với diện tích 2.500m2 áp dụng mô hình nuôi CPF Combine, trong 118 ngày cho thu hoạch 18 con/kg, năng suất đạt 60,4 tấn/ha, lợi nhuận gần 1,7 tỷ đồng/vụ.

Ông Phạm Tiến Hải (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) cũng với mô hình CPF Combine áp dụng cho 2.000m2, sau 98 ngày nuôi cho sản lượng đạt 17,7 tấn, năng suất 88,5 tấn/ha. Ông thu lợi nhuận hơn 1,2 tỷ đồng/vụ.

Phó Tổng giám đốc kinh doanh miền Tây – Công ty cổ phần CP Việt Nam Nguyễn Vĩnh Phú cho biết, khi người dân áp dụng mô hình CPF Combine, công ty sẽ cung cấp đội ngũ nhân viên kỹ thuật để giúp người nuôi tôm thực hiện mô hình, cung cấp con giống chất lượng và bao tiêu sản phẩm; người nuôi chỉ đầu tư vốn xây dựng ao nuôi, sử dụng nhà lưới, lót bạt đáy ao, máy vận hành xử lý nước… đúng theo quy chuẩn của mô hình CPF Combine dưới sự giám sát và hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật CP Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Phú, mô hình nuôi tôm CPF Combine hiện đang được phát triển tại nhiều vùng nuôi tôm trong cả nước như: Quảng Ninh, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… Công ty cũng có trại giống tại Quảng Bình, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang đang hoạt động với công suất 15 tỷ postlarvae/năm. “Từ nay đến năm 2025, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này từ 10.000 đến 25.000 ao nuôi”, ông Nguyễn Vĩnh Phú khẳng định.

Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi tôm 140.000 ha; trong đó nuôi tôm siêu thâm canh 1.845 ha  với 1.575 ao/hồ nuôi (1.335 ao lót bạt và 240 hồ nổi tròn).