Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Sóc Trăng

Sóc Trăng: Huyện Mỹ Xuyên đã cải tạo gần 13.000 ha nuôi tôm

Ngày 20/2, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cùng các đơn vị liên quan thực hiện khảo sát lịch mùa vụ thả nuôi tôm 2020 trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên.

Năm 2019, diện tích nuôi tôm của huyện Mỹ Xuyên hơn 20.200 ha, diện tích thiệt hại 8%, nguyên nhân do tôm bị sốc môi trường, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, bệnh đốm trắng và hoại tử gan cấp. Hiện nay, tại địa phương độ mặn thời điểm cao nhất đo được lên đến 14‰, tăng 7‰ so cùng kỳ năm 2019, có khả năng độ mặn tăng cao vào khoảng cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Qua nhận định tình hình môi trường, thời tiết, dịch bệnh và từ kết quả vụ nuôi tôm 2019, Phòng NN&PTNT huyện xây dựng khung mùa vụ thả tôm nước lợ năm 2020 trên địa bàn sớm hơn 1 tuần so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sẽ thả nuôi vào đầu tháng 3 đến cuối tháng 6, riêng tôm sú kết thúc thả nuôi trong tháng 5.

Khảo sát thực tế mô hình nuôi tôm tại HTX đạt chứng nhận ASC. Ảnh Thúy Liễu

Hiện nay, người nuôi tôm trong huyện đã cải tạo gần 13.000 /17.000 ha diện tích thả nuôi, diện tích lấy nước vào ao nuôi hơn 3.400 ha và số diện tích thả nuôi trước khung lịch thời vụ tại một số xã ước 276 ha, trong đó 242 ha tôm thẻ, còn lại là tôm sú.

Thúy Liễu
Nguồn: Thủy sản Việt Nam

Sóc Trăng sẵn sàng cho vụ nuôi tôm nước nợ năm 2020

Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2019 đã khép lại với nhiều khởi sắc khi sản lượng tôm nuôi đạt 150.350 tấn, tỉ lệ tôm chết được khống chế ở mức dưới 10%. Đây là một tín hiệu vui để ngành tôm Sóc Trăng tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của cả tỉnh. Để duy trì kết quả đã đạt, phấn đấu đạt sản lượng 167.000 tấn theo kế hoạch đã đề ra trong năm 2020; tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp chuẩn bị sẵn sàng cho một vụ nuôi thành công.

     Những yếu tố thành công của nghề nuôi tôm nước lợ tại Sóc Trăng trong năm 2029 đó chính là sự nỗ lực trong công tác quản lý của các cấp, các ngành và khả năng nhạy bén của người nuôi trong việc áp dụng các mô hình sản xuất hiệu quả, công nghệ cao. Ngoài ra, một yếu thành công nữa phải kể đến đó chính là vấn đề quản lý nuôi tôm theo mùa vụ.

Từ dự báo về tình hình thời tiết; tình hình quan trắc môi trường, để đảm bảo hiệu quả sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2020, hạn chế thấp nhất diện tích thiệt hại và đạt kế hoạch đề ra, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thông báo lịch thả giống vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 bắt đầu từ ngày 20/01/2020 và sẽ kết thúc vào ngày 30/9/2020. Riêng với đối tượng tôm sú sẽ bắt đầu thả nuôi từ ngày 1/4/2020 và dự kiến kết thúc vào ngày 30/8/2020. Trên cơ sở khung lịch thời vụ do ngành nông nghiệp ban hành, từng địa phương cũng đã xây dựng những khung lịch thả nuôi riêng phù hợp với tình hình sản xuất trên địa bàn mỗi huyện, nhưng vẫn đảm đảo đúng với khung lịch chung mà tỉnh đã đưa ra.

Công tác kiểm tra con giống

Chất lượng con giống là khâu đầu tiên có vai trò đặc biệt quan trọng trong nuôi tôm. Tôm giống đảm bảo chất lượng chỉ có từ các trại giống có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn, nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh, quy trình vận hành đảm bảo an toàn sinh học,… Xác định được tầm quan trọng của vấn đề này, Chi cục thủy sản chú trọng hướng dẫn các cơ sở thực hành an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nhằm áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý để ngăn ngừa tác nhân sinh học gây bệnh cho người, vật nuôi và môi trường, đảm bảo cung cấp cho người nuôi tôm có được nguồn tôm giống chất lượng và góp phần cho một vụ nuôi thắng lợi. Bên cạnh đó, lưu ý bà con nuôi tôm thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến tình hình nuôi, môi trường thời tiết và cảnh báo dịch bệnh để tránh rủi ro thiệt hại trong quá trình nuôi. Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình – phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin thêm: “Bà con nuôi nên lưu ý về diễn biến thời tiết và lịch thời vụ vụ để bố trí màu vụ sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Đối với vật tư đầu vào, đặc biệt là con giống thì chúng ta nên lựa chọn ở những cơ sở có uy tín và bằng kinh nghiệm cảm quan để chúng ta lựa chọn con giống sao cho tốt. Đồng thời, để hiệu quả hơn thì chúng ta có thể xét nghiệm để chọn được nguồn gốc giống rõ ràng, chất lượng”.

Nhằm giúp người nuôi tăng cường liên kết sản xuất, cùng nhau tạo ra sản phẩm tôm sạch đảm bảo chất lượng đáp ứng thị trường xuất khẩu đến các nước Châu Âu, góp phần phát triển nghề nuôi tôm bền vững, tạo đầu ra ổn định cho con tôm sạch. Chi cục Thủy sản khuyến khích hộ nuôi tiếp tục áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả như: mô hình nuôi 2 giai đoạn, mô hình ứng dụng vi sinh, mô hình kết hợp cá rô phi/cá chẽm/cá đối mục hoặc tôm càng xanh toàn đực với tôm thẻ hoặc tôm sú và đặc biệt là mô hình đa dạng hóa sinh học trong ao nuôi, nuôi ao lót bạt…Với sự hướng dẫn từ ngành chuyên môn, nhiều hộ nuôi và hợp tác xã đã sẵn sàng với phương thức sản xuất cho vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020.

Hiện toàn tỉnh đã thả nuôi được 31 ha tôm nước lợ. Đến thời điểm này, mọi hoạt động chuẩn bị cho vụ tôm mới đã sẵn sàng, nhiều ao nuôi đã được cải tạo đúng quy trình, con giống được chọn mua tại các cơ sở có uy tín. Tuy nhiên, trong năm 2020, ngành tôm được dự báo sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Tình hình xâm nhập mặn được dự báo sẽ diễn ra gây gắt có nguy cơ làm phát sinh nhiều dịch bệnh trên tôm; các thị trường nhập khẩu có yêu cầu cao hơn về mặt kĩ thuật. Theo nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu, giá tôm sẽ vẫn ở mức tương đối trong khi chi phí đầu vào nhiều khả năng tăng cao. Trước những thách thức vừa nêu, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tạo sự liên kết chặt chẽ từ vùng nuôi đến nhà máy.

Ngọc Thơ

Nguồn : http://www.sotuphapsoctrang.gov.vn/

Vượt lên chính mình để nắm bắt cơ hội

Vụ tôm nước lợ năm 2019 được đánh giá là có nhiều biến động nhất, khiến cho những dự báo của doanh nghiệp về sản lượng, thị trường gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, ngành tôm cả nước nói chung và Sóc Trăng nói riêng cũng kịp về đích và hiện tất cả đang nỗ lực cho vụ tôm mới với những kỳ vọng cao hơn.

Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam đều thuộc top đầu thế giới là thuận lợi lớn cho con tôm Việt Nam trên thị trường.

Ngay khi còn trong giai đoạn cải tạo ao, nhiều dự báo đã cho thấy vụ tôm năm 2019 sẽ trúng mùa khi các yếu tố về thời tiết, môi trường đều khá thuận lợi. Và thực tế đã chứng minh những dự báo trên là hoàn toàn chính xác khi hầu hết các vùng nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều trúng mùa. Tại Sóc Trăng, theo báo cáo từ Chi cục Thủy sản tỉnh, sản lượng tôm năm nay đạt trên 150.000 tấn, dù diện tích thả nuôi chỉ vào khoảng 57.000ha. Một số tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn ở ĐBSCL như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau… đều ghi nhận có sản lượng tôm nuôi tăng so với năm 2018. Đánh giá về tình hình vụ nuôi, ông Trần Công Khôi – Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết: “Sản lượng tôm năm nay đúng ra sẽ tăng rất cao nếu như giá tôm những tháng đầu năm không xuống thấp và bệnh EHP không xuất hiện ở giai đoạn gần cuối vụ nuôi chính. Tuy nhiên, vụ tôm năm nay vẫn được đánh giá là thành công với sản lượng ước khoảng 860.000 – 870.000 tấn”.

Không chỉ có sản lượng tăng, mà chất lượng tôm nuôi cũng được nâng lên đáng kể, như nhận xét của ông Hà Hữu Tri – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex): “Năm nay tình hình nuôi tôm khá thuận lợi và chất lượng tôm nuôi cũng tốt hơn, nên hầu như không có doanh nghiệp xuất khẩu tôm nào bị trả hàng như những năm trước. Điều này cùng với việc thế giới thiếu hụt nguồn cung đã làm cho giá tôm tăng mạnh trở lại, nhất là từ tháng 9 đến nay, trong đó, tôm ở size từ 40 con/kg trở về lớn có giá tăng mạnh nhất, do được tiêu thụ tốt tại các thị trường”.

Năm 2019, phần lớn người nuôi tôm trúng mùa nên sản lượng tôm cả nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dù chỉ 1 con số.

Tuy nhiên, niềm vui của người nuôi tôm và doanh nghiệp xuất khẩu không được trọn vẹn do giá tôm thế giới và trong nước cứ liên tục giảm mạnh trong hơn 7 tháng đầu năm và dịch bệnh xuất hiện làm cho việc thả nuôi có phần chững lại và gây thiếu hụt nguyên liệu lúc cuối vụ, nên dù sản lượng tôm vẫn tăng, nhưng giá trị xuất khẩu tôm cả nước ước tính chỉ đạt 3,6 tỉ USD, tức giảm khoảng 600 triệu USD so với kế hoạch. Tuy không đạt kế hoạch xuất khẩu, nhưng về tổng thể, hoạt động của các doanh nghiệp tương đối ổn định và có lãi; người nuôi cũng không quá bấp bênh như những năm trước.

Theo đánh giá, lực lượng nuôi tôm hiện nay cũng khá chuyên nghiệp, điều đó được thể hiện qua việc họ chỉ thả nuôi khi điều kiện nuôi và thị trường thuận lợi, bởi chu kỳ của vụ nuôi tôm thẻ là khá ngắn. Chỉ có điều họ đang thiếu vốn và thiếu sự liên kết lẫn nhau, kể cả với doanh nghiệp, nên tính hiệu quả và bền vững chưa cao. Vì vậy, làm sao đẩy mạnh công tác chất lượng trong xuất khẩu tôm, tổ chức lại sản xuất quy mô trang trại, HTX để có điều kiện đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ, giúp giảm thiểu rủi ro, nâng cao an toàn sinh học và tỷ lệ thành công.

Cũng theo các doanh nghiệp, nhu cầu thị trường tôm thế giới hàng năm tăng chưa đến 5%, nên trên cơ sở đó, mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2020 vẫn là 10 tỉ USD, trong đó con tôm vào khoảng 4 – 4,2 tỉ USD cũng đã là một nỗ lực. Còn theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, các doanh nghiệp tôm của Việt Nam hiện ở top của thế giới, nên nếu tôm của chúng ta tốt thì vấn đề tiêu thụ không phải là quá lớn, dư địa để tăng trưởng là hoàn toàn có thể thực hiện được ở mức độ cho phép. Ngoài ra, sức tiêu thụ tôm năm 2020 cũng có khả năng tăng cao hơn nhờ vào 2 sự kiện thể thao quốc tế lớn là: Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 và vòng chung kết Giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu (UEFA Euro 2020).

Nhận định về thị trường xuất khẩu tôm năm 2020, các doanh nghiệp đều nghiêng về yếu tố thuận lợi nhiều hơn. Thuận lợi trước tiên được các doanh nghiệp nhắc đến chính là thuế suất chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ đã về 0%. Thứ hai là Hiệp định EVFTA khả năng có hiệu lực từ tháng 6-2020, sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường châu Âu nhờ lợi thế về thuế suất. Thứ ba là thị trường Trung Quốc hiện từ 75 – 80% hàng hóa thủy sản chúng ta đã xuất khẩu chính ngạch là yếu tố quan trọng giúp cho việc hồi phục và tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường này trong thời gian tới. Liên quan đến việc liệu có diễn ra sự cạnh tranh nội bộ hay không ở thị trường châu Âu khi EVFTA có hiệu lực, ông Lực cho biết: “Cạnh tranh vốn dĩ là bản chất của thương trường mà ở đó, các doanh nghiệp luôn đối đầu cạnh tranh nội bộ lẫn từ các cường quốc tôm. Do đó, muốn có năng lực cạnh tranh tốt, doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh bài bản, lấy phát triển bền vững làm mục tiêu hàng đầu; đồng thời coi trọng chọn lựa tôm nguyên liệu sạch, có thể truy xuất nguồn gốc và chú trọng xây dựng thương hiệu…”.

Tích Chu

Nguồn : Báo Sóc Trăng

Giá tôm 17/12/2019

 

Giá tôm khu vực Châu Thành

=> Long An ngày 17/12/2019 :

30c giá 180.000 -185.000
40c giá 150.000
50c giá 130.000
60c giá 120.000
70c giá 115.000
80c giá 110.000
90c giá 105.000
100c giá 100.000.

Giá thẻ  17/12 tại Mỹ Xuyên-Sóc Trăng:
15c: 265.
20c: 240
25c: 192
30c: 167
40c: 148
50c: 132
60c: 122
70c: 120
80c: 115

 

 

Nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng tăng cả về diện tích và sản lượng

Nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng tăng cả về diện tích và sản lượng

Năm 2019 toàn tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi 57.500 ha tôm nước lợ, ước sản lượng đạt hơn 150.000 tấn, vượt gần 11% so với cùng kỳ 2018.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, năm 2019 toàn tỉnh đã thả nuôi tôm nước lợ trên diện tích 57.500 ha; trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 38.000 ha và tôm sú hơn 19.000 ha. Ước sản lượng đạt hơn 150.000 tấn, vượt gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, trong niên vụ nuôi vừa qua, Sóc Trăng cũng xảy ra thiệt hại hơn 5.000 ha, chiếm 8,8% so với diện tích thả nuôi. Nguyên nhân thiệt hại là do các yếu tố môi trường bị biến động, bệnh hoại tử gan tuỵ cấp, bệnh đốm trắng, bệnh phân trắng… Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhận định, tình hình nuôi tôm nước lợ của tỉnh trong năm qua cơ bản thắng lợi về kế hoạch diện tích thả nuôi lẫn sản lượng.

Nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng tăng cả về diện tích và sản lượng - Ảnh 1.

Người dân Sóc Trăng thu hoạch tôm.

Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản địa phương cho rằng, có được kết quả này là nhờ ngành nông nghiệp chủ động thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, công tác quan trắc môi trường nước và phòng chống dịch bệnh…

Ngoài ra, công tác thanh kiểm tra vật tư đầu vào, quản lý chặt chẽ con giống đến quản lý tổ hợp tác, hợp tác xã, đẩy mạnh công tác xây dựng chuỗi liên kết nhằm hướng tới mục tiêu phát triển ổn định tôm nước lợ, hạn chế thiệt hại cho tôm nuôi cũng được chú trọng.

“Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đã được Chi cục hết sức chú trọng. Chi cục đã nhân bản những mô hình nuôi tôm hiệu quả ở các nơi, từ đó giới thiệu đến các hộ nuôi, tổ hợp tác cùng các trang trại để người dân vận dụng, sáng tạo phù hợp với mô hình nuôi tôm của mình, giúp quá trình nuôi tôm hiệu quả hơn. Đây là một trong những công tác trọng tâm mà Chi cục thành công trong năm nay”, bà Bình cho biết.

Trong năm 2020, tỉnh Sóc Trăng cũng đặt chỉ tiêu thả nuôi tôm nước lợ hơn 50.000 ha, theo đó sẽ thu về sản lượng 167.000 tấn.

Theo Thạch Hồng

VOV

Thương lái tranh nhau mua tôm

Bán tôm
Niềm vui trúng mùa được giá của người nuôi tôm ĐBSCL – Ảnh: KHẮC TÂM

Sau gần 3 năm liên tục đứng ở mức thấp, giá tôm thẻ chân trắng ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm.

Giá tôm tăng từng ngày

Ông Nguyễn Văn Sen – một nông dân ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng – cho biết đã khá lâu rồi người nuôi tôm mới hưởng trọn niềm vui trúng mùa, được giá. Sau hơn 3 tháng thả nuôi 350.000 con giống tôm thẻ chân trắng, tôm đạt cỡ 40 con/kg, thu hoạch được 10 tấn.

Giá tôm thẻ chân trắng đang được thương lái mua tại ao khoảng 146.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Sen còn lời khoảng 700 triệu đồng. “Với giá tôm nguyên liệu tăng mạnh như hiện nay, nếu quản lý tốt, sau khi trừ chi phí, người nuôi có lời khoảng 70.000 đồng/kg, tức đầu tư một lời một” – ông Sen cho biết.

Ông Nguyễn Văn Phong (xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, Bến Tre) cũng cho biết gia đình ông vừa thu hoạch hai ao được hơn 8 tấn. Do tôm của ông Phong đạt cỡ 30 con/kg nên bán được giá cao, trên 175.000 đồng/kg, tăng hơn 40.000 đồng/kg so với cách đây vài tháng.

“Cũng may nhờ vụ này trúng tôm, bán được giá cao, gỡ gạc vốn. Nếu không, chẳng trả nợ được chứ nói gì đến chuyện còn vốn tái đầu tư cho vụ nuôi sau” – ông Phong cho biết. Trong vụ nuôi năm trước, do giá tôm xuống thấp, hao hụt lớn, sản lượng không đạt nên gia đình ông Phong bị thua lỗ nặng.

Hơn 20 năm nuôi tôm, ông Trần Văn Thuận (xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cho biết chưa bao giờ thương lái “chăm sóc” người nuôi tôm tốt như lúc này. Do nắm được thông tin gia đình ông có gần 15 tấn tôm thẻ sắp thu hoạch, thương lái gọi điện, đến tận nhà năn nỉ ông bán tôm cho họ. “Người nào cũng muốn mua cho bằng được. Ngoài chào giá cao, họ cam kết sau khi cân tôm xong, trả tiền mặt ngay tại ao” – ông Thuận nói.

Ông Hoàng Văn Thành – một thương lái thu mua tôm nguyên liệu trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) – nói do thất mùa, chưa phải vụ chính nên tôm nguyên liệu thời gian qua không nhiều. “Trong hai tháng gần đây, dù tranh thủ chạy ngược xuôi tìm mối lái nhưng tôi thu mua tôm cũng không được nhiều. Có hôm chỉ được vài trăm ký. Nếu có nhiều, bao nhiêu cũng bán hết” – ông Thành tiếc nuối.

Nguyên liệu khan hiếm

Bà Nguyễn Thị Hồng – một chủ vựa tôm ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng – cho hay giá tôm thẻ nguyên liệu những ngày gần đây nhảy múa khó lường, có ngày tăng đến 3.000 đồng/kg. Đầu tháng 11, tôm cỡ 40 con/kg chưa chạm 120.000 đồng/kg, nhưng hiện tăng thêm 24.000 đồng, đạt ngưỡng 144.000 đồng/kg, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. “Tuy vậy giá tôm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dự báo sẽ còn tăng trong những ngày tới” – bà Hồng nói.

Tại Bến Tre, giá tôm nguyên liệu còn “nóng” hơn. Tôm thẻ cỡ từ 20-30 con/kg hiện được thương lái chào mua với giá 175.000-190.000 đồng/kg, tăng hơn 50.000 đồng/kg so với ba tháng trước đó. Giá tôm cỡ 100 con/kg cũng tăng nhẹ, được thương lái mua trên 100.000 đồng/kg.

Theo ông Võ Văn Phục – tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, do sản lượng năm nay giảm nên giá tôm nguyên liệu những tháng cuối tăng mạnh. Nhiều thương lái tại các địa phương khác đổ về Sóc Trăng tìm mua nguyên liệu, chào giá hấp dẫn, nhưng với lợi thế sân nhà, các doanh nghiệp của tỉnh chiếm lợi thế hơn. Người nuôi vẫn thích bán cho bạn hàng truyền thống lâu nay.

Ông Trần Văn Trung – giám đốc Công ty TNHH thủy sản Anh Khoa, Cà Mau – cũng cho biết công ty đang gặp khó trong khâu tôm nguyên liệu, do nguồn cung không chỉ khan hiếm mà giá khá cao, tăng trung bình 15-20%. Điều này cũng ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu tôm năm nay.

“Tôm sú và tôm thẻ đều thất thu so với năm ngoái, tôm nguyên liệu giảm nhiều. Bài toán tôm nguyên liệu xuất khẩu từ nay đến cuối năm chưa thấy có dấu hiệu khả quan” – ông Trung nhận định.

Theo ông Hồ Quốc Lực – tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), do thiếu nguyên liệu chế biến, các nhà máy tranh mua để “trả nợ” những hợp đồng đã ký trước đó nên đẩy giá tôm thời gian gần đây leo thang. “Giá hợp đồng không tăng, do vậy càng thu mua nhiều, doanh nghiệp càng lỗ” – ông Lực nói.

Dự báo thị trường sắp tới, ông Lực cho rằng do tôm nước ta đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mà hiện nay các vùng nuôi tôm lớn trên thế giới đều đang gặp sự cố về dịch bệnh tôm nên khả năng cung ứng từ nay đến cuối năm không đáng kể. Do cung cầu, giá tôm tươi sẽ tăng đều nhẹ từ nay đến cuối năm. Nhưng nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm ở cuối năm, giá tôm sẽ khó duy trì ở mức cao. Bởi thương lái Trung Quốc sẽ ngưng hoặc giảm mua tôm cỡ lớn, khả năng sẽ có tác động làm giá tôm tươi điều hòa hơn. Dự kiến từ tháng 3 năm sau, các vùng nuôi thuộc Nam bán cầu sẽ bắt đầu thu hoạch tôm, nhất là từ Indonesia. Nếu thu hoạch tốt, giá sẽ giảm như từng xảy ra hai năm qua. Tuy nhiên, do dịch bệnh tôm nên đến thời điểm này chưa có một dự báo rõ ràng về khả năng cung năm 2020. Do vậy, các hộ thả nuôi sớm năm 2020 sẽ có giá bán khả quan, xuất phát từ giá cao hiện nay.

Trong khi đó ông Lương Minh Quyết (giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng) khuyến cáo không đua nhau nuôi tôm ào ạt, chỉ khi nào đủ điều kiện mới nên thả nuôi tránh rủi ro, bị dội hàng và rớt giá. Việc có nhiều thương lái cạnh tranh thu mua tôm sẽ tạo sân chơi bình đẳng, có lợi cho người nuôi. Đơn vị nào có chính sách tốt, giá hợp lý thì nông dân sẽ hợp tác. Đó là quy luật thị trường.

Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản Sóc Trăng đều đầu tư nuôi tôm quy mô trang trại, công nghệ cao. Ngoài việc phục vụ cho truy xuất nguồn gốc, có nguồn tôm sạch, nhờ có trang trại riêng mà các doanh nghiệp Sóc Trăng chủ động hơn trong khâu nguyên liệu.

KHẮC TÂM – MẬU TRƯỜNG – NGUYỄN HÙNG Tuổi Trẻ