Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Miền Bắc

Quảng Ninh đảm bảo 100% tôm sạch

ao nuôi tôm
Quảng Ninh phát triển nuôi tôm công nghiệp.

Việc áp dụng mô hình nuôi tôm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) ngay từ những công đoạn nuôi sẽ góp phần nâng cao năng suất và tạo ra sản phẩm sạch hướng tới quy mô xuất khẩu.

Nỗi ám ảnh về an toàn thực phẩm

Chị Hà Kiều Trang ở Khu 4 tổ 3 phường Hồng Hà, TP Hạ Long làm công việc nội trợ. Giống như nhiều người phụ nữ khác, chị rất chăm chút cho bữa cơm hàng ngày của gia đình. Mặc dù, sống ở vùng biển Quảng Ninh, song rất ít khi chị ra chợ trong khu vực để mua hải sản tươi sống, thay vào đó chị lựa chọn các siêu thị, cửa hàng bán đồ hải sản chế biến sẵn.

Chị Trang cho biết, sử dụng tôm có nguồn gốc từ siêu thị sẽ yên tâm hơn, đảm bảo ATTP cho cả gia đình.

Tuy nhiên, sau khi biết được ở Quảng Ninh có quy trình nuôi tôm sạch, chị đã tìm hiểu rất kỹ và bắt đầu lựa chọn sản phẩm địa phương tại các chợ lớn. Chị Trang cho biết thêm, cũng chỉ vì quá sợ những hình ảnh trên phương tiện đài, báo, chứng kiến hoạt cảnh tôm bơm hóa chất, tẩm thuốc kích thích và bày bán tại các chợ khiến chị cũng như nhiều người rất e ngại.

“Nhưng qua tìm hiểu tôi đã biết đến quy trình nuôi tôm đảm bảo ATTP nên hoàn toàn yên tâm. Đến nay, tôi đã có kiến thức trong việc lựa chọn tôm sạch”, chị Trang nói.

Còn chị Phạm Bích Hà, tiểu thương tại chợ Hạ Long 1, chuyên bán các sản phẩm tôm thì khẳng định: Tôi bán tôm cả chục năm nay, ngày nào cũng nhập tôm tươi sống từ các địa phương lân cận như Móng Cái, Quảng Yên. Quá trình vận chuyển đảm bảo tôm còn sống nguyên, đem đến chợ thả vào thùng xốp lớn rồi sục o-xy, tôm vẫn bơi như bình thường. Nếu có bơm tạp chất chỉ đối với tôm đã chết, chứ tôm các hộ bán ở đây chỉ như mang từ ao đầm thả vào bể, quy trình hoàn toàn tự nhiên.


Tôm nuôi đảm bảo ATTP được bày bán tại các chợ Hạ Long.

Được biết, từ năm 2018, ngành nông nghiệp Quảng Ninh phát triển dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo ATTP” với mục tiêu là áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) vào mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, nhằm khắc phục nhược điểm của quá trình quản lý, hạn chế bệnh dịch, giảm chi phí và đảm bảo môi trường nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến và XK.

Nuôi tôm sạch

Sau 2 năm thực hiện, mô hình đã thể hiện được ưu điểm vượt trội so với hình thức nuôi truyền thống. Mô hình không những đạt được về giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa lâu dài trong nghề phát triển nuôi tôm. Toàn bộ quy trình được kiểm soát chặt chẽ. Mục tiêu của mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo ATTP là phát triển nuôi bền vững không lạm dụng thuốc kháng sinh, đảm bảo ATTP gắn kết giữa người sản xuất và DN, nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm. Hình thức nuôi này hoàn toàn vào thức ăn công nghiệp (chủ yếu là thức ăn viên có chất lượng cao). Có quy định về mật độ thả giống, diện tích nuôi và các phương tiện quản lý, vận hành.

Anh Nguyễn Văn Thông, phường Minh Thành (TX Quảng Yên) cho biết, anh mới áp dụng hình thức nuôi bán thâm canh đảm bảo ATTP do Sở NN-PTNT Quảng Ninh chuyển giao được nửa năm nay.

Trong diện tích nuôi gần 5.000m2, do không có nhiều vốn đầu tư, anh đã áp dụng hình thức nuôi bán thâm canh và thả giống tôm sú trong vùng hạ triều.

Mặc dù cùng với mật độ thả con giống tương tự như kỹ thuật nuôi thâm canh phổ thông, tức là 15 con giống/m2, song sau 3 tháng mô hình cho hiệu quả rất cao. Tổng sản lượng thu đạt 1,68 tấn/ha, cỡ tôm đạt 36 con/kg, sau khi trừ các chi phí cho lãi 140 triệu đồng/ha.

“Đây là cách nuôi thiên về kỹ thuật. Điểm mấu chốt là rất hạn chế việc sử dụng hóa chất, chủ yếu sử dụng khoáng, vi sinh ổn định môi trường”, anh Thông nói.


Thu hoạch tôm.

Tương tự, tại vùng nuôi phường Tân An (TX Quảng Yên), các hộ tham gia mô hình cũng thu được kết quả khả quan. Ông Vũ Văn Dũ, chủ cơ sở nuôi tôm tại đây cho biết, với diện tích 1ha nuôi vùng cao triều, ông thu hơn 2,4 tấn, lợi nhuận hơn 180 triệu đồng. Tôm lớn, khỏe, đồng đều, kích cỡ 35 con/kg.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, hầu hết các mô hình nuôi tôm ATTP triển khai trên địa bàn tỉnh đều đạt hiệu quả. Mô hình thành công trên cả 3 phương diện: năng suất cao, hệ số thức ăn FCR thấp, bảo đảm ATTP. Đây cũng là cách giúp nông dân nhìn nhận về nuôi tôm an toàn sinh học, tránh lạm dụng hóa chất, kháng sinh, đáp ứng nhu cầu ATTP ngày càng cao.

“Chính từ những bước đệm này, người dân hoàn toàn có thể hiểu rõ tầm quan trọng của đảm bảo ATTP đối với thị trường. Khi đã làm đầy đủ, chúng ta sẽ đi dần lên quy mô và tiếp theo là sẵn sàng đáp ứng đối với các thị trường khó tính XK”, ông Công nói.

Hướng tới sản phẩm sạch, công nghệ nuôi quảng canh hiện đang là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên do chưa được quan tâm đầu tư dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa đồng đều.
Ghi nhận tại Quảng Ninh, mặc dù các hộ dân có diện tích lớn nhưng không tương xứng với sản lượng và giá trị. Vậy nên, địa phương này lựa chọn mô hình nuôi bán thâm canh đảm bảo ATTP áp dụng cho cả 2 loài, gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Anh Thắng Nông nghiệp Việt Nam

Xây dựng mô hình nuôi tôm sú bền vững

Tôm sú
Tôm sú.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức hội thảo đánh giá, nhân rộng mô hình nuôi tôm sú 2019.

Theo Tổng cục thủy sản, định hướng ngành thủy sản đến năm 2020 kinh tế thủy sản đóng góp 30 – 35% GDP trong khối nông – lâm – ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8 – 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 – 9 tỷ USD, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5 – 7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản chiếm đến 70% tổng sản lượng.

Nuôi trồng thủy sản nước lợ tiếp tục phát triển mạnh đối với các sản phẩm chủ lực theo nhu cầu thị trường, phù hợp với điều kiện sinh thái, phục vụ XK. Cụ thể, tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh thành và trở thành sản phẩm hàng hóa ở nước ta gồm 2 loài: Tôm sú và tôm chân trắng. Tôm sú bắt đầu được sản xuất nhân tạo và nuôi tại Việt Nam từ những năm đầu của thập niên 80, thế kỷ 20 gắn với nghề nuôi thương phẩm phát triển.

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị đã có những đánh giá sát thực và rõ nét về hiệu quả các dự án nuôi tôm sú, từ đó đưa ra kinh nghiệm, phương án cho các địa phương đưa ra phương án nhân rộng mô hình nuôi.

Hiện hình thức nuôi tôm sú chính trên cả nước được người dân áp dụng, bao gồm: Nuôi thâm canh và bán thâm canh, nuôi quảng canh cải tiến, nuôi tôm sú kết hợp với diện tích trồng lúa. Đại diện doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đã xin ý kiến khắc phục khó khăn, vướng mắc trong hình thức nuôi, kiểm soát đảm bảo quy hoạch vùng nuôi, kiểm soát con giống thả nuôi và hạn chế lạm dụng hóa chất trong chăn nuôi.

TS Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 cho rằng: Người dân nuôi trồng thủy sản nên kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, công việc này hết sức khó khăn, bởi người dân đang mất quá nhiều tiền bạc để đối phó với dịch bệnh mới.

“Quá trình thử nghiệm thuốc cần phải có thời gian và không được sử dụng tràn lan, gây lãng phí mà không hiệu quả. Chúng tôi đã ghi nhận sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến xâm nhập mặn quá mức, kéo theo nhiều dịch bệnh mới mỗi năm”, ông Tề cho hay.

Theo ông Vương Văn Oanh, Chi cục phó Chi cục thủy sản tỉnh Quảng Ninh, đối với địa phương này, nuôi trồng thủy sản đã có bước phát triển theo chiều sâu, chuyển dịch dần từ diện tích nuôi quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh. Tỷ lệ diện tích nuôi bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh chiếm khoảng 30% diện tích. Cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và nuôi trồng thủy sản tập trung trọng tâm, trọng điểm đã được quan tâm đầu tư.

“Có thể kể đến các dự án lớn như dự án Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản tại huyện Đầm Hà quy mô 125ha, công suất khoảng 3,5 tỷ tôm giống. Tổng diện tích nuôi tôm đạt 10.821 ha (nuôi tôm thẻ chân trắng 4.671ha, tôm sú 6.150ha), trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp chiếm 5,83% so với diện tích nuôi tôm thâm canh của cả nước; sản lượng đạt 13.930 tấn. Địa phương tiếp tục xác định tôm nước lợ là đối tượng nuôi trồng chủ lực”, ông Oanh nói.

Định hướng phát triển diện tích nuôi tôm sú trên cả nước, giai đoạn 2021-2021 đạt trên 750.000 ha (nuôi tôm sú sinh thái, hữu cơ, quảng canh cải tiến, tôm lúa đạt 540.000ha; nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh đạt 60.000ha; nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 150.000ha). Trong đó vùng ĐBSCL chiếm 88% cả nước. Tổng sản lượng ước đạt 1.100.000 tấn.

Hội thảo là nơi trao đổi kinh nghiệm, thông tin giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nuôi tôm sú. Đồng thời là cầu nối đề xuất các chính sách, giải pháp xây dựng và phát triển mô hình nuôi tôm sú bền vững.

ANH THẮNG Nông nghiệp Việt Nam