Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Bệnh Học

Bùng phát dịch bệnh trên tôm

nhá tôm
Thời tiết nắng nóng kéo dài gây bất lợi cho tôm.

Hàng chục ha nuôi tôm nước lợ trên địa bàn Phú Yên bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp do thời tiết bất lợi, môi trường không đảm bảo…

Tôm bị bệnh đành thu non

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Phú Yên, cho biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh thả gần 870 ha tôm nước lợ.

Cụ thể, huyện Đông Hòa 255ha, huyện Tuy An 307ha và TX Sông Cầu 307ha. Tuy nhiên đã có hơn 45ha nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp.

Ghi nhận tại vùng nuôi ở hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa) ở vụ 1/2020, nhiều người nuôi bị thiệt hại do tôm bị bệnh.

Gia đình ông Trần Minh Chánh thả nuôi với diện tích khoảng 1,4 ha tôm chân trắng tại vùng nuôi thuộc thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam. Mặc dù đã cải tạo ao và chọn giống có nguồn gốc để thả, song tôm nuôi vẫn xảy ra dịch bệnh.

Ông Chánh cho biết, ban đầu thả giống do gặp thời tiết nắng nóng nên tôm chậm phát triển. Đến 1,5 tháng, tôm nuôi có dấu hiệu bị bệnh như bỏ ăn, bơi lờ đờ nên gia đình đã mua thuốc để điều trị. Song tôm bị bệnh không thuyên giảm, vẫn chết nhiều nên gia đình đành thu non.

“Vụ nuôi này gia đình tôi lỗ vốn hàng chục triệu đồng”, ông Chánh nói.

Hộ nuôi gần bên ông Chánh là gia đình ông Nguyễn Tuấn cũng bị thiệt hại do tôm bị bệnh. Ông Tuấn cho biết, gia đình thả hơn 1 ha tôm. Nuôi gần 2 tháng thì tôm bị bệnh rồi chết dần chết mòn. Thấy vậy, gia đình đành thu hoạch non, ước thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Bảy, một người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (Đông Hòa) cho biết, đa số người nuôi tôm vụ 1/2020 ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch đều không thành công. Bởi tôm nuôi không phát triển.

Gia đình ông Bảy có 2 ao, với tổng diện tích thả nuôi gần 1,6 ha. Nhưng sau 3 tháng thả nuôi thu hoạch chỉ hòa vốn, dù tôm không bị bệnh. Nguyên nhân có thể thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài khiến tôm sinh trưởng và phát triển kém, chậm lớn.

Tại huyện Tuy An, từ đầu năm đến nay, người dân đã thả nuôi hơn 300ha tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Tuy nhiên đến nay, hơn 26ha tôm tại vùng nuôi xã An Ninh Đông, An Ninh Tây và An Cư bị bệnh và mất trắng.

Phải tuân thủ khuyến cáo

Trước tình hình tôm bị bệnh, Chi cục Chăn nuôi và thú y đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn địa phương và người nuôi thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. UBND tỉnh đã phân bổ 21 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% cho các địa phương để sát trùng phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi.


Cơ quan chức năng khuyến cáo người nuôi cần tuân thủ các quy định trong nuôi trồng thủy sản.

Về nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi, ông Lâm cho rằng do thời tiết bất lợi, môi trường biến động làm sức đề kháng của thủy sản nuôi suy giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập gây bệnh.

Bên cạnh đó, môi trường nhiều vùng nuôi trên địa bàn bị suy thoái, ô nhiễm bởi chất thải hữu cơ tích tụ, tồn động trong vùng nuôi không được rửa trôi.

Ngoài ra, ý thức một số hộ nuôi còn kém, chưa có sự đoàn kết trong công tác bảo vệ môi trường, chưa quan tâm đến việc kiểm dịch con giống, chưa chấp hành các khuyến cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành.

“Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều hộ nuôi không báo cáo cho cơ quan chức năng mà tự ý thu hoạch và không xử lý mầm bệnh trước khi xả thải ra môi trường làm lây lan dịch bệnh”, ông Lân nói và cho biết thêm, hiện nay nhiều vùng nuôi có hệ thống công trình nuôi không đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.

Hầu hết không có ao lắng, ao xử lý nước cấp, lấy nước trực tiếp từ ngoài vào ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước chưa riêng biệt… cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên lưu ý các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện đúng các quy định trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời có khuyến cáo kịp thời để công tác phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi đạt hiệu quả.

Về phía Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho người nuôi về công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản. Cũng như giám sát, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh thủy sản để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ hóa chất sát trùng xử lý, khống chế dịch bệnh nhằm tránh lây lan…

Ngọc Chung – Kim Sơ Nông nghiệp Việt Nam

Dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp

Tôm chết
Người nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) kiểm tra và vớt tôm chết lên bờ để xử lý. Ảnh: ANH NGỌC

Từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh gần 870ha chủ yếu ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài và một số vùng nuôi không đảm bảo môi trường nên tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp.

Hiện Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp nhằm tránh lây lan và khuyến cáo người nuôi cần xử lý kỹ ao nuôi trước khi thả nuôi vụ 2/2020.

Hơn 45ha tôm nuôi bị bệnh

Vụ 1/2020, gia đình ông Trần Minh Chánh ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), thả nuôi tôm với diện tích khoảng 1,4ha tại vùng nuôi thuộc thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam. Dù ông đã cải tạo, xử lý hồ nuôi rất kỹ và chọn mua con giống ở cơ sở có uy tín nhưng bệnh trên tôm nuôi vẫn xảy ra. Ông Chánh cho biết: Lúc mới thả tôm giống, thời tiết bất lợi làm tôm chậm phát triển. Đến khoảng một tháng rưỡi, tôm nuôi có dấu hiệu bị bệnh nên gia đình đã mua thuốc để điều trị. Tuy nhiên, tôm không khỏi bệnh mà bắt đầu chết dần nên phải thu hoạch tôm non. Vụ nuôi này chúng tôi lỗ vốn hơn 20 triệu đồng…

Còn theo ông Nguyễn Bảy, người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa), ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), đa số người nuôi tôm vụ 1/2020 đều không thành công, bởi tôm nuôi không phát triển. “Gia đình tôi thả nuôi 2 hồ với diện tích gần 1,6ha, nhưng sau gần 3 tháng nuôi đến khi thu hoạch chỉ hòa vốn, dù tôm nuôi không bị bệnh. Nguyên nhân có thể là thời điểm thả tôm giống gặp thời tiết bất lợi, sức đề kháng của tôm bị yếu nên tôm nuôi không lớn”, ông Bảy nói.

Tại huyện Tuy An, từ đầu năm đến nay, người dân địa phương này đã thả nuôi hơn 300ha tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Do thời tiết bất lợi cộng với môi trường nước tại một số vùng nuôi không đảm bảo nên dịch bệnh trên tôm nuôi đã bùng phát tại một số vùng nuôi thuộc các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây và An Cư. Đến nay, hơn 26ha tôm nuôi bị bệnh và mất trắng.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT) cho biết: Từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh gần 870ha, trong đó huyện Đông Hòa 255ha, huyện Tuy An 307ha, TX Sông Cầu 307ha. Đến nay, ở Phú Yên đã có hơn 45ha nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú bị bệnh (Tuy An 26,2ha, Đông Hòa 18,1ha, Sông Cầu 0,7ha). Các loại bệnh xảy ra trên tôm nuôi chủ yếu là đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp. Chi cục Chăn nuôi và thú y đã tổ chức kiểm tra tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống tại các huyện, thị xã để đôn đốc, hướng dẫn địa phương và người nuôi thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. UBND tỉnh đã phân bổ 21 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% cho các địa phương để sát trùng phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

Không để dịch bệnh lây lan

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi là do thời tiết bất lợi, môi trường biến động làm sức đề kháng của thủy sản nuôi suy giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập gây bệnh. Mặt khác, hiện môi trường nhiều vùng nuôi ở Phú Yên bị suy thoái, ô nhiễm bởi chất thải hữu cơ tích tụ, tồn động trong vùng nuôi không được rửa trôi. Kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên từ đầu năm đến nay cho thấy, các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa phản ánh mức độ ô nhiễm môi trường nước tại các vùng nuôi tôm nước lợ ở Phú Yên đều vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Ngoài ra, hoạt động của các tổ cộng đồng nuôi tôm còn nhiều hạn chế, ý thức một số hộ nuôi còn kém, chưa có sự đoàn kết trong công tác bảo vệ môi trường, chưa quan tâm đến việc kiểm dịch con giống, chưa chấp hành các khuyến cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành.

“Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều hộ nuôi không báo cáo cho cơ quan chức năng mà tự ý thu hoạch và không xử lý mầm bệnh trước khi xả thải ra môi trường làm lây lan dịch bệnh. Thêm vào đó, hiện nay, nhiều vùng nuôi có hệ thống công trình nuôi không đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, hầu hết không có ao lắng, ao xử lý nước cấp, lấy nước trực tiếp từ ngoài vào ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước chưa riêng biệt… cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp”, ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Thời gian đến, các địa phương có nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện đúng các quy định trong nuôi trồng thủy sản và có khuyến cáo kịp thời để công tác phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi đạt hiệu quả. Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho người nuôi về công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản; giám sát, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh thủy sản để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ hóa chất sát trùng xử lý, khống chế ổ dịch triệt để, tránh lây lan. Đồng thời, các đơn vị này tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát giống thủy sản nhập về địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp con giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch và xét nghiệm bệnh. Con giống trước khi thả nuôi phải được kiểm dịch, xét nghiệm bệnh nguy hiểm, người nuôi cần khai báo khi thủy sản nuôi bị dịch bệnh và thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh. Các địa phương cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp xả thải ao nuôi thủy sản bị bệnh ra môi trường mà chưa xử lý làm lây lan dịch bệnh.

ANH NGỌC Báo Phú Yên

Hệ vi sinh đường ruột của tôm bị bệnh

Tôm bệnh.
Tôm bệnh.

Đặc điểm hệ vi sinh vật đường ruột của tôm bị bệnh.

Những năm qua tình hình dịch bệnh trên tôm xuất hiện ngày càng nhiều do thời tiết thay đổi thất thường tôm thường mắc một số bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy, đỏ thân, bệnh còi, bệnh phân trắng cũng đã gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế của người nuôi.

Trên thế giới một số nghiên cứu đã được tiến hành trên đối tượng là hệ vi khuẩn đường ruột trong tôm thẻ chân trắng. Thành phần vi khuẩn đã được làm sáng tỏ bởi nhiều nhóm nghiên cứu (Qiao et al., 2017; Suo et al., 2017)  trong đó có sự thay đổi về thành phần vi khuẩn trong ruột tôm qua các giai đoạn sinh trưởng (Huang et al., 2014) và so sánh về thành phần vi khuẩn giữa mẫu ruột tôm bệnh và tôm thường (Yang et al., 2016). Kết quả của các nghiên cứu đã chỉ ra sự biến động, thay đổi về trật tự sắp xếp của các nhóm chiếm ưu thế.

Hệ vi khuẩn đường ruột là một hệ sinh thái phức tạp với nhiều chức năng đối với vật chủ. Sự ổn định của hệ vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và sức khoẻ của hệ miễn dịch. Ngược lại, trong quá trình phát triển của sinh vật chủ, hệ vi khuẩn đường ruột cũng chịu sự tác động dẫn tới thay đổi cấu trúc về thành phần và mức độ đa dạng theo độ tuổi của vật chủ (Fraune, Bosch, 2010; Li et al., 2017). Do đó, nỗ lực khám phá thành phần và mức độ đa dạng của các hệ vi khuẩn đường ruột là cần thiết để có thể hiểu được mối liên hệ cũng như sự tương tác giữa hệ vi khuẩn đường ruột với sức khoẻ, sức sinh trưởng cũng như trong các giai đoạn phát triển khác nhau của vật chủ.

Bên cạnh đó, rất nhiều các phương pháp đã được áp dụng trong nghiên cứu về thành phần hệ vi khuẩn như thư viện tạo dòng phân tử và phương pháp điện di biến tính (PCR- DGGE). Tuy nhiên các phương pháp này đã cho thấy nhược điểm về khả năng đánh giá tổng thể thành phần một hệ vi khuẩn. Trên cơ sở đó phương pháp giải trình tự thế hệ mới đã được phát triển để khắc phục những nhược điểm của phương pháp truyền thống trong việc nghiên cứu đồng thời các hệ vi khuẩn phức tạp dựa trên vùng gen 16S rRNA (Glenn, 2011; Sun et al., 2014).

Nghiên cứu này được tiến hành nhằm đánh giá thành phần vi khuẩn trong ruột tôm thẻ chân trắng ba tháng tuổi giữa các đầm nuôi tôm bị bệnh, đầm nuôi tôm sinh trưởng kém và đầm nuôi tôm khoẻ mạnh. Kết quả của nghiên cứu này sẽ giúp dự đoán một số tác nhân có khả năng gây bệnh trên tôm thẻ chân trắng.

Mẫu tôm thẻ chân trắng nuôi tại các đầm nuôi bán thâm canh, là mẫu tôm tại 3 đầm nuôi 3 tháng tuổi được thu tại xã Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) vào tháng 11 năm 2015 bao gồm: đầm nuôi bị bệnh chưa rõ nguyên nhân (ST4) , đầm nuôi tôm sinh trưởng kém (ST3), và đầm nuôi tôm khoẻ mạnh (ST1)

Từ kết quả so sánh trình tự gen 16S rRNA của các mẫu ruột tôm thu được tại các đầm nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) và nhóm đối chứng là một mẫu ruột tôm thu tại đầm nuôi tôm sú (Penaeus monodon) (ST-PM) và một mẫu mô cơ của tôm thẻ chân trắng (Mô cơ) với ngân hàng cơ sở dữ liệu (16S rRNA) Green genes, thành phần vi khuẩn trong ruột tôm các đầm nuôi tôm thẻ chân trắng đã được làm sáng tỏ.

Thông qua các kết quả phân tích đã làm chỉ ra thành phần và mức độ đa dạng của hệ vi khuẩn trong ruột tôm thẻ chân trắng giữa ba đầm nuôi tôm thẻ chân trắng sau 3 tháng nuôi. Các ngành chiếm ưu thế bao gồm Proteobacteria (49,3–57,4 %), Firmicutes (15,6–34,4%), Bacteroidetes (0,1–16,9%) trên tổng số toàn bộ các ngành có trong các mẫu ruột tôm thẻ chân trắng nghiên cứu. Rhizobium (0,4–26,1%), Vibrio (0–22,3%), Spongiimonas (0–16,7%) là các chi chiếm ưu thế trên tổng số các chi có trong các mẫu nghiên cứu. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở mức độ ngành, Fusobacterium (10%) là ngành được xếp vào nhóm tác nhân gây bệnh đã được tìm thấy chủ yếu trong mẫu ruột tôm ở đầm nuôi tôm thẻ chân trắng bị bệnh (ST4) so với hai mẫu ruột tôm thẻ chân trắng trong đầm tôm sinh trưởng kém (ST3) (0%) và đầm tôm thẻ chân trắng sinh trưởng bình thường (ST1) (0,6%).

Kết quả phân tích cũng góp phần dự đoán sự có mặt của các tác nhân có khả năng gây bệnh trên trên tôm ở mẫu ruột tôm bị bệnh (ST4) bao gồm: ngành Fusobacterium, chi Vibrio.

Các kết quả này chỉ ra rằng hệ vi khuẩn trong các mẫu tôm bị bệnh đã bị mất đi sự cân bằng giữa nhóm vi khuẩn có lợi và nhóm vi khuẩn có hại. Sự xuất hiện nhiều hơn của các nhóm vi khuẩn có khả năng gây bệnh được xem có sự liên quan tới sự mắc bệnh và gây chết trên tôm. Kết luận này phù hợp với kết quả phân tích biểu đồ Venn và phân tích mối tương quan giữa các mẫu thông qua biểu đồ PCA giữa mẫu bệnh ST4 và các mẫu còn lại.

Theo Trần Trung Thành, Nathan Bott, Lê Hoàng Đức, Đặng Thị Hoàng Oanh, Nguyễn Trung Nam, Chu Hoàng Hà – Tạp chí Công nghệ Sinh học .

NH Tổng Hợp

Có thể chữa hoàn toàn bệnh phân trắng trên tôm không?

trị phân trắng
Lysozyme trong lòng trắng trứng gà có tính kháng khuẩn.

Bổ sung lysozyme từ lòng trắng trứng gà đẩy lùi phân trắng trên tôm một cách hiệu quả.

Tôm thẻ chân trắng là loài được nuôi nhiều nhất hiện nay trong hệ thống nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu. Tuy nhiên Hội chứng gan tụy cấp tính (EMS) và Hội chứng Phân trắng (WFS) đang gây hại rất lớn cho tôm nuôi. Trong đó, phân trắng là hiện tượng xảy ra quanh năm, khi môi trường nuôi ô nhiễm là lại thấy nhiều dải phân trắng dài xuất hiện trong vó, gan tôm nhạt màu, tôm bị ốp thân, thức ăn không tiêu hóa được, đầy trong đường ruột. Từ đó làm tỷ lệ sống thấp và năng suất nuôi giảm đáng kể. Ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) được cho là nguyên nhân gây ra hội chứng này. Tuy nhiên một số báo cáo chứng minh chưa hẳn EHP là nguyên nhân chính gây nên phân trắng. Khi đa số tôm bị phân trắng được phát hiện có EHP trong gan tụy thì những con tôm nhiễm EHP lại chưa chắc xuất hiện những dấu hiệu của hội chứng phân trắng.

Khi tôm bị bệnh phân trắng, tỷ lệ vibrio được phát hiện cao gấp đôi so với bình thường trong ruột tôm. Điều này chứng tỏ vibrio cũng góp phần vào hệ thống tác nhân của Hội chứng phân trắng. Người nuôi thường dùng kháng sinh trong trường hợp tôm bị phân trắng, tuy nhiên kháng sinh sẽ tạo ra những vi khuẩn kháng kháng sinh, đây là mối quan tâm lớn hiện nay trên toàn thế giới. Một số biện pháp theo hướng an toàn sinh học đang được nghiên cứu và dần áp dụng là một điều đáng vui cho sự phát triển của nghề nuôi tôm. Chế phẩm sinh học hay các chất phụ gia đã được trộn vào thức ăn và cho thấy khả năng ngăn ngừa và kiểm soát được mầm bệnh một cách hiệu quả.

Lysozyme là chất có tiềm năng rất lớn để thay thế kháng sinh, có khả năng thủy phân thành tế bào peptidolycan của vi khuẩn. Lysozyme có nhiều trong các dung dịch và các mô sinh học, trong đó có lòng trắng trứng. Chất này đang được sử dụng rộng rãi để bổ sung vào trong thức ăn và cho kết quả kháng khuẩn vượt trội trong ngành chăn nuôi và một số loài thủy sản. Như việc cải thiện hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn Aeromonas hydrophyla trên cua; tăng sức đề kháng và tăng tỉ lệ sống khi được bổ sung trên cá hồi. Nhưng chưa có nghiên cứu lysozyme sẽ ngăn ngừa những bệnh truyền nhiễm. Do đó, người ta đánh giá hiệu quả của lysozyme trong lòng trắng trứng với việc ức chế chủng vibrio và xem xét biểu hiện của các gen trong  hệ miễn dịch cũng như chống oxy hóa trên tôm thẻ chân trắng. Hơn nữa cũng để xác định nồng độ tối ưu của lysozyme nên được bổ sung là bao nhiêu? Từ đó có bước đi mới để hạn chế việc sử dụng kháng sinh và phòng bệnh phân trắng.

Chuẩn bị lysozyme từ lòng trắng trứng chia thành 5 nghiệm thức: đối chứng, 0.005, 0.025, 0.125, 0.625 g/kg thức ăn cho tôm PL12 đã được xét nghiệm sạch bệnh, không nhiễm vibrio, cho ăn liên tục trong 4 tuần các nghiệm thức trên với tỷ lệ 10% trọng lượng thân.

Sau đó thu và nuôi cấy vibrio trên tôm ở những môi trường chuyên biệt , định danh và định lượng các loài xuất hiện. Thực hiên xét nghiệm PCR để xem xét biểu hiện của những gen quy định chức năng miễn dịch và chống oxy hóa. Đồng thời , đánh giá hiệu suất tăng trưởng, FCR của tôm thí nghiệm. Phân tích thống kê để đưa ra kết quả.

Kết quả cho thấy nghiệm thức 0,125g/kg và 0,625g/kg thức ăn thể hiện hoạt tính kháng khuẩn mạnh nhất, hoạt động mạnh mẽ trong hệ tiêu hóa, làm các chủng vibrio sụt giảm đáng kể, nhất là nhóm khuẩn lạc xanh (vibrio parahaemolyticus và vibrio harveyi). Ngoài ra các chất chống oxy hóa trong gan tụy, các gen biểu hiện miễn dịch cũng gia tăng nhanh về số lượng.

Tỷ lệ sống và bất cứ chỉ số tăng trưởng nào cũng không thay đổi, không có tác dụng phụ xảy ra. Khi đưa vào tôm đã bị bệnh phân trắng 6 tuần, sau 5 ngày cho ăn lysozyme, không còn thấy phân trắng khi bổ sung 0,125g/kg thức ăn và cũng không có dấu hiệu tái phát ở thời gian sau đó. Điều này chứng minh lysozyme là chất đẩy lùi được phân trắng hiệu quả ở liều 0,125g/kg thức ăn trở lên.

Cụ thể lysozyme vào trong cơ thể tôm sẽ kích thích hoạt động thực bào. Hơn thế nữa, lysozyme còn có khả năng phá vỡ cấu trúc của màng peptidoglycan của vi khuẩn gram âm, từ đó làm chết vi khuẩn. Những chủng vibrio khuẩn lạc xanh (gây hại nặng hơn) do không thể sử dụng đường sucrose giảm số lượng nhiều hơn so với nhóm tạo khuẩn lạc vàng. Trong hệ miễn dịch, lysozyme đã tăng cường hoạt động của enzyme phenoloxidase  liên quan đến quá trình melanin hóa kết tụ vi khuẩn lại và tiêu diệt.

Như vậy việc bổ sung lysozyme từ lòng trắng trứng vào thức ăn tôm thẻ chân trắng đã làm giảm được sự tấn công của các mầm bệnh trên tôm. Lysozyme cũng đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc chống oxy hóa, cải thiện hoạt động miễn dịch và tăng tỷ lệ sống của tôm. Những kết quả trên cho thấy bổ sung lysozyme là một phương pháp hiệu quả để thay thế việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và đẩy lùi bệnh phân trắng một cách hiệu quả.

Hà Tử
https://tepbac.com/

Cách diệt ký sinh trùng trên tôm Gregarine (gây bệnh phân trắng)

Ký sinh trùng Gregarine có khả năng gây tổn thương, tắc nghẽn, thậm chí làm tổn thương niêm mạc ruột tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus có hại xâm nhập. Gregarine chính là nguyên nhân sơ khởi gây bệnh phân trắng trên tôm. Bài viết này sẽ cùng bà con tìm hiểu tổng quan về Gregarine cũng như cách diệt ký sinh trùng trên tôm Gregarine một cách an toàn và hiệu quả nhất.

Tổng quan về ký sinh trùng trên tôm Gregarine

Gregarine là nguyên sinh động vật (protozoa), sống ký sinh trong mô và ống tiêu hóa của nhiều loại động vật không xương sống, chúng được phát hiện trong đường ruột tôm ở hầu hết các trường hợp tôm bị bệnh phân trắng, khi kiểm tra đường ruột tôm dưới kính hiển vi. Gregarine thường ở dạng trophozoite (giai đoạn tư dưỡng) bám trên niêm mạc ruột của tôm hoặc dạng gametocyst (dạng kén) sống ký sinh trong ống tiêu hóa của tôm.

Nội ký sinh trùng trên tôm Gregarines trong ruột

Nội ký sinh trùng trên tôm Gregarines trong ruột

Gregarines cơ thể phân làm 2 – 3 đốt, mỗi đốt có một nhân riêng. Đối cuối cùng có giác hút giúp chúng có thể bám vào thành dạ dày và ruột của tôm. Ký chủ trung gian của Gregarine là ốc và các loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, tôm sẽ bị nhiễm ký sinh trùng khi ăn phải. . .Tôm bị nhiễm kí sinh trùng gregarine làm tôm chậm lớn, FCR cao, gây tổn thương, tắc nghẽn ruột, thậm chí gây tổn thương niêm mạc ruột, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại xâm nhập gây ra nhiều bệnh khác nhau, phổ biến nhất là bệnh phân trắng trên tôm.

Bệnh ký sinh trùng lây nhiễm qua các vật chủ trung gian. Khi bị bệnh, tôm có các dấu hiệu như chậm lớn, FCR cao, các dấu hiệu của bệnh phân trắng. Người nuôi rất khó nhận biết bằng mắt thường, chỉ quan sát thấy đường ruột có màu vàng hoặc vàng nâu khi tách ruột khỏi cơ thể. Chúng ta chỉ có thể phát hiện chính xác khi xem ruột tôm dưới kính hiển vi, từ đó có cách diệt ký sinh trùng trên tôm hiệu quả.

Cách phòng bệnh ký sinh trùng trên tôm

  • Lựa chọn giống có nguồn gốc xuất xứ, sạch bệnh, xét nghiệm PCR để sàng lọc những con bị nhiễm bệnh.
  • Xử lý ao nuôi kỹ lưỡng, sên vét đáy ao.
  • Cấp nước sạch vào ao, sử dụng túi lọc để ngăn chặn ấu trùng ốc, các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
  • Bổ sung chế phẩm sinh học ScienChain lợi khuẩn đường ruột cho tôm.
  • Định kỳ xét nghiệm PCR Pockit để phát hiện nhanh mầm bệnh.
Phòng ký sinh trùng ở tôm

Cải tạo ao kỹ lưỡng trước vụ nuôi

Cách diệt ký sinh trùng trên tôm

Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu sử dụng tỏi trong điều trị ký sinh trung và ghi nhận được kết quả tốt. Trong báo cáo của Chutchawanchaipan và ctv (2004) về hiệu quả của việc xay tỏi tươi để giảm số lượng ký sinh trùng từ ruột của tôm sú. Tiến hành trộn 10gr tỏi tươi với 1 kg thức ăn cho tôm, trộn cùng 20ml chitosan, và cho tôm ăn ở 3 ao đất trong 5 tuần. Tôm được lấy mẫu trước khi cho ăn tỏi và mỗi tuần sau khi bắt đầu cho ăn tỏi, mỗi lần 20 con, để kiểm tra số lượng gregarines trong ruột của tôm nuôi sử dụng kỹ thuật mô. Kết quả ghi nhận số lượng tôm nhiễm gregarines giảm 100% sau khi ăn tỏi theo chế độ ăn uống trong 4 tuần liên tục.

Tỷ lệ tôm nhiễm Gregarines trước và sau khi cho ăn tỏi kết hợp chế độ ăn:

Thời gian (tuần) Tỷ lệ tôm nhiễm ký sinh trùng Gregarines (%)
Ao 1 Ao 2 Ao 3
Trước khi bổ sung tỏi vào thức ăn 100 90 85
100 100 90
1 30 65 40
2 10 15 10
3 0 15 15
4 0 0 0
5 0 0 0

Hình sự xuất hiện của ký sinh trùng Gregarines trong ruột tôm sau khi cho ăn tỏi 2 tuần

Ký sinh trùng trong ruột tôm
  • A: Gregarines tồn tại trong ruột giữa của tôm trước khi cho ăn tỏi kết hợp chế độ ăn.
  • B: Gregarines sống trong ruột giữa của tôm trong 2 tuần sau khi cho ăn tỏi xay kết hợp chế độ ăn.
  • C: Không còn Gregarines trong ruột giữa của tôm ở 4 tuần sau khi cho ăn tỏi xay kết hợp chế độ ăn.

Bà con có thê lựa chọn sản phẩm Vinalic- chiết xuất thảo dược có chưa dịch trích tỏi để phòng ngừa và điều trị ký sinh trùng Gregarines hiệu quả.

Kỹ sư – Huỳnh Quốc Khánh

Nguồn : https://drtom.vn/

Khắc phục tôm chết trong giai đoạn lột vỏ

Khi tôm cứ chết dần từng đợt và có tôm mềm vỏ, sậm màu, ta có thể thấy rằng hiện tượng chết này có liên quan đến quá trình lột vỏ.

Đây là hiện tượng đặc trưng liên quan đến tình trạng đáy ao bị xấu nghiêm trọng và sự biến động chất lượng nước. Tình trạng tương tự có thể thấy trong trường hợp “Hội chứng tôm chết sau một tháng tuổi” ở ao có tảo đáy phát triển hoặc phiêu sinh vật chết tích tụ ở đáy ao. Những chất vẩn hữu cơ này phân hủy làm cho đáy ao có nhiều vi khuẩn và hàm lượng chất độc cao. Tôm sẽ tiếp xúc với vùng này khi chúng lẩn trốn ở nền đáy ao trong quá trình lột vỏ. Trong giai đoạn lột vỏ tôm dễ bị nhiễm bệnh và bị sốc do môi trường.

Nếu đáy ao xấu thì khó cải thiện được bệnh. Nên ước lượng lại tỷ lệ sống của tôm. Nếu cố gắng xử lý tình trạng này thì phải ổn định lại chất lượng nước và đáy ao phải làm sạch. Làm sạch đáy ao có liên quan tới việc có đủ máy sục khí và phải đặt ở vị trí thích hợp. Cần phải thay nước trong suốt thời gian dọn đáy ao để loại bỏ chất thải. Nếu không thể thay đủ nước thì việc dọn đáy ao có thể làm môi trường ao xấu đi.

Tôm có thể bị nhiễm khuẩn Vibrio spp. cơ hội và vì thế cũng cần xử lý bằng thuốc kháng sinh thích hợp. Tuy nhiên, xử lý bằng thuốc kháng sinh mà không cải tạo môi trường trong ao nuôi là lãng phí thời gian và tiền bạc.

Nguồn :https://nongnghiep.vn/

Vi khuẩn có đánh bại vi khuẩn được không?

Phòng Lab
Công nghệ can thiệp iRNA vào hệ gen của tôm.

Công nghệ can thiệp iRNA vào hệ gen của tôm để hạn chế bệnh đốm trắng (WSSV) và hội chứng tôm chết sớm (EMS).

Sự thành công của nghề nuôi tôm trên toàn cầu đang tạo cơ hội rất lớn cho ngành thủy sản nâng tầm của mình lên so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên cuộc chiến của tôm với những tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn vẫn đang diễn ra rất quyết liệt, có thể làm người nuôi không còn thiết tha gì với nghề nữa.

Một trong những bệnh tôm có sức tàn phá kinh khủng nhất trong vài thập kỷ qua là bệnh đốm trắng do virus WSSV gây ra. Quan trọng là bệnh lại xuất hiện nhiều trên tôm thẻ chân trắng và gây chết hàng loạt chỉ trong một thời gian ngắn. Hầu như ai cũng biết, đốm trắng xuất hiện trên vỏ tôm (hình thành từ muối canxi) là triệu chứng điển hình của bệnh này. Qua một thời gian sau, virus sẽ làm hỏng mang tôm và các cơ quan bên trong, cuối cùng dẫn tới việc chết hàng loạt. Khu vực Đông Nam Á đang là nơi virus gây thiệt hại nặng nề nhờ điều kiện khí hậu ấm áp. Con số thiệt hại lên tới 1 tỷ USD mỗi năm và trải rộng trên khắp khu vực Châu Á, Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Và cũng giống như đốm trắng, EMS cũng là một bệnh gây hại vô cùng cho con tôm thẻ chân trắng trong những năm gần đây. Hội chứng được báo cáo là do virus ký sinh trong vi khuẩn vibrio gây ra, nặng nhất là vào năm 2009. Trong thử nghiệm, iRNA đã làm giảm tỷ lệ EMS lên tới 60%, trong khi đó các phương pháp khác cao nhất chỉ đến mức 10%. Không hứa hẹn một sự kiểm soát hoàn toàn nhưng đây sẽ là phương pháp hiệu quả nhất thời điểm hiện tại.

Nông dân có rất ít biện pháp lựa chọn để chống lại virus này, ngoài cách thu hoạch một cách nước rút trước khi virus lây lan. Rất nhiều nghiên cứu đang tập trung để tìm ra giải pháp, không phải bắt đầu bằng việc kiểm soát virus, mà là “lấy vi khuẩn chặn vi khuẩn”. Phương pháp này được gọi là RNA can thiệp hay iRNA.

Công nghệ được các chuyên gia đảm bảo có thể sửa đổi và cung cấp kỹ thuật iRNA một cách nhanh chóng, với trung gian là DNA của thực vật và động vật. Nôm na là việc bổ sung một RNA lấy từ vi khuẩn có sẵn trên cơ thể tôm, có khả năng can thiệp vào quá trình phiên mã và dịch mã của tôm, kiểm soát gen đang hoạt động theo ý muốn của mình, từ đó ức chế các tác nhân có hại. iRNA trước đây cũng đã được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực khác. Một bằng chứng là can thiệp RNA để chuyển đổi giới tính cho tôm càng xanh và cho kết quả rất cao.

Công nghệ này cũng được xem như việc sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện hệ vi khuẩn của tôm. Tuy nhiên, việc bổ sung iRNA vào tôm sẽ góp phần làm hệ thống phòng thủ tự nhiên của tôm hoạt động một cách mạnh mẽ hơn, chống lại các tác nhân gây bệnh. Directed Biotics là tên gọi mà chuyên gia đặt cho nghiên cứu này, dựa vào vi khuẩn có sẵn trên cơ thể tôm để ngăn chặn những tác nhân khác gây bệnh cho tôm. Từ đó đẩy lùi một số một cách tự nhiên mà không cần dùng kháng sinh hay bất cứ hóa chất nào khác.

Đây hứa hẹn là một giải pháp tự nhiên để đẩy lùi mầm bệnh. “Một sự bảo vệ nguyên vẹn, chất lượng và an toàn cho tôm cũng như toàn bộ hệ sinh thái của khu vực nuôi”, cơ hội để tạo ra một chuỗi cung ứng thủy sản bền vững. Tuy nhiên các chuyên gia đang kỳ vọng là có thể bổ sung iRNA vào thức ăn của tôm mỗi ngày để giúp nông dân không phải bỏ công quá nhiều như các phương pháp khác.

Các chuyên gia tin rằng, công nghệ này một ngày nào đó sẽ thay thế kháng sinh hoàn toàn trong thủy sản. Tiềm năng là rất lớn, ban đầu là đẩy lùi bệnh WSSV và EMS trên tôm thẻ chân trắng, nhưng trong tương lai iRNA chắc chắc có khả năng lấn sân vào cả ngành Nông nghiệp rộng lớn. Hiện tại, công nghệ này đã ra khỏi phòng thí nghiệm và đang được nghiệm ở một số ao, cho thấy tỷ lệ thành công rất cao.

Hà Tử
Nguồn : https://tepbac.com/