Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Bệnh Học

Dùng vi khuẩn từ vi tảo để ức chế bệnh hoại tử gan tụy

hoại tử gan tụy
Hoại tử gan tụy là một nỗi lo lớn với người nuôi tôm.

Sử dụng vi tảo Picochlorum sp. cộng sinh với một số vi khuẩn biển giúp ức chế vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy.

Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND – acute hepatopancreatic necrosis disease) thường xảy ra trên các ao nuôi tôm, bệnh phát triển nhanh, bắt đầu từ khoảng ngày thứ 8 sau khi thả nuôi, và tỷ lệ tôm chết cao nhất xảy ra trong 20 đến 30 ngày đầu tiên (lên đến 100%) trong quần thể tôm thẻ chân trắng và tôm sú, gây những tổn thất kinh tế nặng nề cho người nuôi.

Bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm được gây ra do chủng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có chứa các gen quy định độc tố PirA và PirB, cho đến nay vẫn chưa có một biện pháp phòng trị nào thực sự hiệu quả.

Chi Picochlorum sp. (Trebouxiophyceae, Chlorophyta) được biết đến là một loại vi tảo lục, kích thước nhỏ, đơn bào, có khả năng tạo ra lipid nội bào cao và có thể tăng trưởng mạnh trong các điều kiện môi trường nuôi cấy bất lợi. Picochlorum giàu lipid, protein và nhiều acid béo không bão hòa, là một vi tảo tiềm năng cho các ứng dụng sinh học và nhiên liệu sinh học. Picochlorum sp. còn được biết đến với hàm lượng cao carotene, acid amin và lipid giàu acid béo thiết yếu, tiềm năng cho sự sản xuất thực phẩm chức năng và dược phẩm.


Cấu trúc tế bào của Picochlorum sp.

Vi tảo Picochlorum sp. có hàm lượng lipid tổng cao giàu acid béo thiết yếu, omega-3 và omega-6 được xem như một nguyên liệu đầy hứa hẹn cho dinh dưỡng của con người, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nhiên liệu sinh học. Picochlorum sp. có khả năng tăng trưởng mạnh và tích lũy lipid cao trong các điều kiện nuôi cấy khác nhau. Ngoài ra, vi tảo còn là nguồn thức ăn cho động vật phù du, ấu trùng cá, tôm thẻ chân trắng… giúp phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản, có khả năng xử lí nguồn nước và khí thải, giúp giảm thiểu các vấn đề ô nhiễm môi trường.

Thêm nữa hoạt động chống Vibrio của vi tảo Picochlorum sp. bắt nguồn từ mối quan hệ cộng sinh với một số vi khuẩn biển vì vậy nghiên cứu phân lập một số chủng Labrenzia, Muricauda và Arenibacter nuôi cấy để tăng cường đáng kể tác dụng ức chế Vibrio.

Nghiên cứu này so sánh khả năng kìm hãm kìm hãm sự phát triển V. parahaemolyticus. vi khuẩn phân lập từ tảo Picochlorum sp., chia thành các nhóm thí nghiệm khác nhau: Labrenzia sp., Muricauda sp., Arenibacter sp. và tổng 3 loại vi khuẩn này.

Thí nghiệm 1 được thực hiện bằng phương pháp cho ăn: Labrenzia sp, Muricauda sp, Arenibacter sp và tổng 3 loại vi khuẩn ở các nồng độ 0%, 0.2%, 0.5%, 0.8% trong vòng 20 ngày sau đó cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio và xác định tỷ lệ sống của tôm.

Thí nghiệm 2 bằng phương pháp ngâm: Tôm được ngâm với vi khuẩn tương tự như ở thí nghiệm 1 với các nồng độ từ 0, 10, 50, 100ml và sau đó cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus và xác định tỷ lệ sống của tôm.

Qua thí nghiệm cho thấy vi tảo Picochlorum sp. cộng đồng vi khuẩn bao gồm Labrenzia sp, Muricauda sp và Arenibacter sp ức chế đáng kể sự tăng trưởng của vi khuẩn V. parahaemolyticus. Đồng thời các chỉ tiêu miễn dịch như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu cho thấy sự gia tăng ở nghiệm thức này. Qua đó, cho thấy bổ sung cộng đồng vi khuẩn có khả năng kích thích miễn dịch giúp tăng cường sức đề kháng chống lại vi khuẩn V. parahaemolyticus.

Khi dùng với vi tảo cộng sinh với cả 3 vi khuẩn trên, cả việc cho ăn (0,8% trọng lượng cơ thể tôm / ngày) và ngâm (10 ml/ 30L nước bể/ngày) đều mang lại hiệu quả bảo vệ, do đó chứng minh rằng bổ sung có tiềm năng để cải thiện kiểm soát AHPND. Trong hai phương pháp, phương pháp cho ăn phù hợp hơn với nuôi tôm lớn ngoài trời, trong khi ngâm được tìm thấy là phù hợp cho nuôi tôm hậu ấu trùng trong nhà.

NHƯ HUỲNH Lược dịch

Ấn Độ đăc biệt khuyến cáo về DIV1 đang gây chết tôm hàng loạt ở Trung Quốc

Tôm thẻ chân trắng
Ấn Độ khuyến cáo về dịch bệnh Div1

Sau thông tin dịch bệnh bùng phát không thể kiểm soát trên tôm ở Trung Quốc, Ấn Độ đưa ra khuyến cáo nhắc nhở cảnh giác không để ngành tôm Ấn Độ bị lây dịch.

Cơ quan Nuôi trồng thủy sản ven biển Ấn Độ (India’s Coastal Aquaculture Authority – CAA) đã khuyến cáo tất cả các nhà nhập khẩu, nuôi trồng, khai thác tôm ở nước này phải cảnh giác và sàng lọc tôm đảm bảo không mang mầm bệnh Decapod iridescent virus 1 hay Div1, dịch bệnh mới đang  gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi tôm ở Trung Quốc.

Cũng như các thông báo từ ngành thủy sản Trung Quốc, CAA chỉ có những thông tin ban đầu về dịch bệnh. Được biết, nguyên nhân gây bệnh là Decapod iridescent virus 1 hay Div1, các nhà nghiên cứu đang phân loại tác nhân cho từng loài tôm khác nhau.

Dịch bệnh này đã được phát hiện ở nhiều loài tôm như tôm thẻ chân trắng, tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt và tôm càng xanh.

Nguồn gốc của virus và cách thức lây truyền vẫn chưa rõ ràng, mặc dù các trường hợp nhiễm mới được cho là xảy ra chủ yếu qua nước và môi trường địa phương. Tuy nhiên, người nuôi tôm ở Quảng Đông lo lắng rằng virus có thể được mang và chuyển bởi con người.

Khi phát hiện bệnh, tôm bắt đầu chuyển sang màu đỏ, sau đó vỏ của tôm mềm ra và chìm xuống đáy ao. Khoảng hai đến ba ngày sau, tất cả tôm trong ao sẽ nhiễm bệnh và chết.

Vì đây là dịch bệnh mới, chưa rõ cách thức lây nhiễm, tạm thời không có phương án điều trị, dịch bệnh lại lây lan nhanh, tỷ lệ chết cao nên Ấn Độ đặc biệt lưu ý toàn ngành tôm bao gồm cả khai thác, nuôi trồng, chế biến, xuất nhập khẩu tăng cường kiểm dịch, sàng lọc sản phẩm tôm, tránh để dịch bệnh lây lan đến Ấn Độ.

Thảo Nguyễn  – https://tepbac.com/

Hiệu quả của Pondguard trong việc phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm nuôi

AHPND (Bệnh hoại tử gan tụy cấp) hay EMS (Hội chứng chết sớm) có đặc điểm là lây lan rất nhanh, tỷ lệ chết cao (có thể lên tới 100%), thường trong vòng 30 – 35 ngày thả ao nuôi với tôm post hoặc tôm nhỏ. Bệnh do thể thực khuẩn của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra, chúng đi qua đường miệng và xâm nhập vào đường tiêu hóa của tôm, sau đó tạo ra độc tố phá hủy cấu trúc và chức năng cơ quan tiêu hóa của tôm là gan tụy.

Đặt vấn đề

AHPND (Bệnh hoại tử gan tụy cấp) hay EMS (Hội chứng chết sớm) trên tôm nuôi lần đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc năm 2009 (nhưng tại thời điểm đó chưa được quan tâm). Đầu năm 2011, bệnh bùng phát và trở nên nghiêm trọng, 80% sản lượng tôm bị chết tại các tỉnh Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến và Quảng Tây, Trung Quốc (Leaío & Mohan, 2012). Dịch bệnh xuất hiện và bùng phát trên TTCT được nuôi ở Việt Nam năm 2010, ở Malaysia năm 2011, ở Thái Lan năm 2012 và 2013 và ở Philippines năm 2013 và 2014. Ước tính thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do AHPND gây ra cho ngành nuôi tôm của khu vực châu Á lên tới 1 tỷ USD (FAO, 2013).

Đặc điểm của bệnh AHPND là lây lan rất nhanh, tỷ lệ chết cao (có thể lên tới 100%), thường trong vòng 30 – 35 ngày thả ao nuôi với tôm post hoặc tôm nhỏ. Bệnh do thể thực khuẩn của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra, chúng đi qua đường miệng và xâm nhập vào đường tiêu hóa của tôm, sau đó tạo ra độc tố phá hủy cấu trúc và chức năng cơ quan tiêu hóa của tôm là gan tụy. Do đó, việc đánh giá thử nghiệm này rất cần thiết nhằm xác định khả năng chống lại vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus.

Pondguard, chế phẩm do nhóm nghiên cứu thuộc PT Asclepius Pharmaceutical Sciences Indonesia, Indonesia nghiên cứu sản xuất và cung cấp cho thử nghiệm này. Đây là một hỗn hợp các tinh dầu chiết xuất từ thiên nhiên như tinh dầu oải hương, tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu thông giúp duy trì khả năng miễn dịch của tôm, giúp bảo vệ tôm khỏi các bệnh truyền nhiễm. Sản phẩm Pondguard đã được cấp phép bởi Bộ Thủy sản Indonesia, số đăng ký D 16060285 – HBC. Sản phẩm ở dạng lỏng, hòa tan tốt trong nước, không màu và có pH 6,8 – 7,4 (Jha và ctv, 2016).

 

Phương pháp thí nghiệm

TTCT dùng cho thí nghiêm này có khối lượng trung bình 0,6 – 0,8 g/con (đây là kích cỡ tôm dễ bị tấn công bởi vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus). Tôm thí nghiệm đã được sàng lọc bằng Real time PCR các tác nhân gây bệnh đốm trắng, AHPND và vi bào tử trùng gây bệnh tại Chi cục Thú y vùng II vào tháng 12/2019.

Tác nhân gây bệnh là Vibrio parahaemolyticus (VP) – chủng gây bệnh AHPND được sử dụng trong thí nghiệm là VP36, được phân lập từ tôm bị nhiễm AHPND (chủng đã được phân lập từ tôm bệnh lấy ở Sóc Trăng vào tháng 9/2016). Chủng VP36  được bảo quản ở – 800C trong môi trường. Vi khuẩn được xác nhận là VP khi cho khuẩn lạc màu xanh trên môi trường TCBS agar (Thiosulfate Citrate Bile Salts Sucrose Agar) và khuẩn lạc màu tím trên môi trường CAV (Chrom Agar Vibrio), dương tính khi kiểm tra bằng phương pháp PCR với mồi AP3 (Sirikharin và ctv, 2014).

Tôm thí nghiệm được cho ăn 3 lần một ngày vào 8h, 12h30 và 17h hàng ngày. Bể nuôi, hệ thống sục khí và sản phẩm Pondguard được sử dụng theo liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

Thiết kế thí nghiệm

Chuẩn bị bể thí nghiệm bằng thủy tinh. Mỗi bể chứa 30 lít nước biển (nồng độ 15‰), có hệ thống sục khí liên tục và duy trì nhiệt độ nước từ 28 – 300C. Nhóm thí nghiệm và nhóm đối chứng được bố trí trong hai phòng riêng biệt, khoảng cách giữa hai phòng khoảng 15 m. Tôm được thả với mật độ 15 – 20 con/bể.

Hoạt hóa vi khuẩn VP36  trên môi trường CAV, vi khuẩn được nuôi cấy trong môi trường TSB+ trong 18 giờ, ở nhiệt độ 280C.

Sản phẩm Pondguard được cho vào trong bước nuôi cấy vi khuẩn. Có hai nhóm thí nghiệm: Thí nghiệm 1, sản phẩm được cho trực tiếp sau khi cấy vi khuẩn và nuôi lắc trong 18 tiếng. Nhóm 2, sau 18 giờ nuôi lắc vi khuẩn, sản phẩm được cho vào môi trường và giữ tiếp trong 3 giờ trước khi tiến hành cho lây nhiễm. Dùng hộp nhựa chứa khoảng 300 ml dung dịch gồm nước biển và 30 ml môi trường vi khuẩn TSB+, có sục khí liên tục, ngâm 15 – 20 con tôm trong 15 phút. Sau đó, chuyển tất cả vào bể nuôi có chứa nước biển, giảm mật độ vi khuẩn xuống 106 tế bào/ml.

Tỷ lệ thức ăn là 7% trọng lượng tôm, cho ăn 3 lần/ngày trong suốt thời gian tiến hành thử nghiệm. Trong vòng 48 giờ sau khi cho lây nhiễm sẽ không thay nước, sau đó sẽ thay 20% nước trong bể mỗi ngày. Quan sát lượng tôm chết vào cùng thời gian cho tôm ăn. VP tổng số trong nước được đếm bằng cách đếm khuẩn lạc trên môi trường TCBS. Mẫu nước được lấy hàng ngày sau khi thay nước. Mẫu nước được lấy ở 3 bể trong mỗi nhóm. VP tổng số trên tôm được đếm bằng phương pháp RT-PCR. Mẫu tôm (tôm sống) được lấy vào lúc 0 giờ (trước khi tiến hành lây nhiễm) và lấy 2 ngày/lần.

 

Kết quả

Trong nhóm thí nghiệm 1, Pondguard được cho vào môi trường nuôi TSB+ với tỷ lệ 0,2% canh trường cùng lúc với cấy vi khuẩn, nuôi trong vòng 18 giờ. Trong thí nghiệm 2, Pondguard được cho với tỷ lệ 0,3% canh trường, cho vào sau khi vi khuẩn đã được nuôi 18 giờ.


Hình 1: Tỷ lệ tôm chết cộng dồn sau 8 ngày gây nhiễm

Mật độ của vi khuẩn trong nhóm đối chứng dương sau 18 giờ nuôi cấy là 9,4×108 cfu/ml, lượng vi khuẩn phát triển đã được phát hiện trong hai nhóm.

Không có trường hợp tôm chết nào được ghi nhận trong nhóm thí nghiệm dùng sản phẩm Pondguard. Trong nhóm đối chứng dương, tỷ lệ chết là 45% vào ngày thứ 8 sau khi gây nhiễm. Không có tôm chết trong nhóm đối chứng âm.

Trong nhóm đối chứng dương, tôm bắt đầu chết sau 12 giờ gây nhiễm. Nhóm đối chứng âm và nhóm thí nghiệm không có tôm chết.

Các dấu hiệu biểu hiện trên tôm bị nhiễm bệnh AHPND rất điển hình, như: dạ dày và ruột rỗng, gan tụy nhợt nhạt. Không quan sát được các dấu hiệu điển hình đó trong nhóm thí nghiệm 1. Trong nhóm thí nghiệm 2, các dấu hiệu bệnh AHPND xuất hiện trong ngày đầu tiên cho lây nhiễm với tỷ lệ 6,7%. Trong nhóm thí nghiệm 2, tôm dần phục hồi theo từng ngày và hoàn toàn bình thường vào ngày thứ 8 sau khi cho lây nhiễm; các dấu hiệu nhiễm bệnh đạt tỷ lệ tối đa 100% trong ngày đầu tiên gây nhiễm. Không có dấu hiệu nhiễm bệnh AHPND ở nhóm đối chứng âm.

Khả năng tiêu thụ thức ăn cũng được sử dụng là chỉ số để đánh giá về tình trạng sức khỏe cũng như mức độ stress của tôm. Trong nhóm thí nghiệm 1, tôm duy trì tiêu thụ thức ăn ở mức tối đa. Trong nhóm thí nghiệm 2 có sự giảm nhẹ về việc tiêu thụ thức ăn xảy ra đồng thời với việc xuất hiện các dấu hiệu bệnh AHPND. Việc tiêu thụ thức ăn trong nhóm đối chứng dương giảm mạnh. Điều này cho thấy trong nhóm thí nghiệm có dùng sản phẩm Pondguard, tôm không xuất hiện bệnh AHPND.

Phân tích RT – PCR: Phản ứng RT – PCR được thực hiện để phân tích mẫu gộp (dạ dày, gan tụy và ruột được cắt nhỏ lẫn với nhau). Nhóm đối chứng dương có giá trị Ct (Threshold cycle) thấp có nghĩa là số lượng mầm bệnh có mặt cao. Sự có mặt của mầm bệnh thấp đồng nghĩa với giá trị Ct cao, trong ngày đầu tiên và ngày thứ 3 của nhóm thí nghiệm 1. Tôm trong nhóm thí nghiệm được phục hồi sau 3 ngày và tất cả các mẫu sau đó đều cho kết quả âm tính với AHPND.

Tổng số khuẩn lạc Vibrio màu xanh từ mẫu tôm: Gan tụy, dạ dày và ruột được lấy và nghiền lẫn từ mẫu tôm sống. Mẫu lấy từ nhóm đối chứng dương có số khuẩn lạc xanh cao nhất. Tôm trong nhóm thí nghiệm có số khuẩn lạc thấp hơn 103 – 102 lần, đây là con số được coi là ở mức độ không nhiễm bệnh.


Hình 2: Từ trái qua phải: đối chứng âm, đối chứng dương, thí nghiệm 1 và thí nghiệm 2. Các dấu hiệu đặc trưng của AHPND gồm ruột rỗng, gan tụy nhợt nhạt được thấy rõ trong nhóm đối chứng dương.

Mẫu nước được lấy hàng ngày trong suốt thời gian thí nghiệm để kiểm tra lượng Vibrio tổng số có trong môi trường nuôi tôm, cấy trên môi trường TCBS và đếm khuẩn lạc sau 20 giờ.

Kết quả cho thấy tổng số khuẩn lạc VP trong mẫu nước của nhóm đối chứng dương cao hơn so với các nhóm khác.

 

Kết luận

Chủng VP gây chết trên tôm với các biểu hiện đặc trưng của AHPND. Pondguard có khả năng kìm hãm sự phát triển của VP trên tôm, vì vậy mà không có tôm bị chết và cũng không có các đặc điểm của AHPND xuất hiện trên tôm. Trong nhóm thí nghiệm sử dụng sản phẩm Pondguard, kết quả RT-PCR âm tính cho thấy sự phát triển của VP đã bị ức chế hoàn toàn. Pondguard có khả năng tiêu diệt vi khuẩn VP trong nước nuôi tôm.

Nguồn : http://www.thuysanvietnam.com.vn/

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. FAO, 2013. Early Mortality Syndrome (EMS) or Acute Hepatopancreatic Necrosis Syndrome (AHPNS) of Cultured Shrimp, FAO Fisheries and Aquaculture Report No. 1053. Rome. 54 pp.

2. George C. Chamberlain, Donald V. Lightner, Le Van Khoa, Nguyen Van Hao, Hoang Tung, Tran Huu Loc and Melba Reantso, 2014. Case study II: The shrimp Acute Hepatopancreatic Necrosis Syndrome outbreak in Vietnam in Aquaculture and Environmental Services Discussion Paper 09, Chapter 3; pp. 33-46.

3. Hong X P, D Xu, Y Zhuo, H Q Liu and L Q Lu., 2016. Identification and pathogenicity of Vibrio parahaemolyticus isolates and immune responses of Penaeus (Litopenaeus) vannamei (Boone) Journal of Fish Diseases. 39(9):1085-97

4. Leaío & Mohan 2012. Early Mortality Syndrome threatens Asia’s shrimp farms.

5. Pinoargote G, Ravishankar S (2018) Evaluation of the Efficacy of Probiotics in vitro Against Vibrio parahaemolyticus, Causative Agent of Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease in Shrimp. J Prob Health 6:193.

6. Rajeev Kumar Jha, Haig Yousep Babikian, Le Van Khoa, Daniel Wisoyo, Sarayut Srisombat and Benjamin Jiaravanon, 2016. Efficacy of Natural Herbal Formulation against Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease (AHPND) causing Vibrio parahaemolyticus in Penaeus vannamei. Veterinary Medicine Open Journal, 2(1): 1-6.

7. Sirikharin, S., 2014. Taengchaiyaphum, K. Sritunyalucksana, S. Thitamadee, T. Flegel, R. Mavichak, P. Proespraiwong. A new and improved PCR method for detection of AHPND bacteria.

8. Trần Minh Long và Phạm Thị Hoa, 2018. Bước đầu đánh giá khả năng loại trừ vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) Vibrio parahaemolyticus bằng phương pháp sử dụng hệ sợi nấm trong hệ thống nuôi tôm. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 54 (2): 83-90.

9. Tran L, Nunan L, Redman RM, Mohney LL, Pantoja CR, Fitzsimmons K, Lightner DV (2013) Determination of the infectious nature of the agent of acute hepatopancreatic necrosis syndrome affecting penaeid shrimp. Diseases of Aquatic Organisms. 105:45–55.

Xử lý tôm lỏng ruột, phân trắng, phân đứt khúc bằng acid hữu cơ

tôm lỏng ruột
Xử lý hiệu quả tôm lỏng ruột, phân trắng, phân đứt khúc.

Phương pháp thay thế kháng sinh trong nuôi tôm thâm canh tuy quen mà lạ.

Đường ruột là một bộ phận rất quan trọng trên cơ thể tôm và có cấu tạo rất đơn giản nên dễ mẫn cảm với các vi khuẩn gây bệnh. Nhất là khi vibrio phát triển mạnh do môi trường bị ô nhiễm, thức ăn vào đường ruột tôm mà không tiêu hóa được nên đã gây ra các hiện tượng lỏng ruột, phân trắng hay phân đứt khúc. Để cải thiện hiệu suất làm việc của các enzyme và hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột thì acid hữu cơ kết hợp với thảo dược là phương pháp tuyệt vời dành cho tôm nuôi thâm canh.

Vị trí của acid hữu cơ trong nuôi tôm thâm canh

Như chúng ta đã biết, việc sử dụng kháng sinh trong trị bệnh và bổ sung vào trong thức ăn để kích thích tăng trưởng đã làm gia tăng các tác động có hại đến sức khỏe con người, động vật cũng như môi trường thủy sinh và nhất là gây ra sự kháng kháng sinh của các dòng vi khuẩn có hại. Do nhiều tác động tiêu cực như vậy, mà các chất được nghiên cứu với tác dụng thay thế kháng sinh không phải là ít trong nghề nuôi tôm hiện nay. Và acid hữu cơ là một trong số đó.

Acid hữu cơ là hợp chất hóa học có chứa nhóm carboxyl, sản xuất thông qua các quá trình trao đổi chất của vi khuẩn ở những điều kiện khác nhau, hoặc có thể được hình thành trong ruột già của người và động vật nhờ cộng đồng vi sinh vật kỵ khí. Acid hữu cơ tác động đến vi khuẩn bằng cách acid hóa tế bào chất, từ đó cản trở sự phát triển của chúng. Acid hữu cơ được nhiều nghiên cứu chứng minh giúp gia tăng khả năng đề kháng với các bệnh truyền nhiễm trên tôm. Đồng thời cải thiện việc sử dụng khoáng chất nên giảm sự bài tiết phospho và nitơ, giảm lượng vi sinh vật thải ra trong phân khi thức ăn có bổ sung vào đó acid hữu cơ.

Nutric với công thức đặc trưng, đã tốt nay lại tốt hơn

Đây là một sự kết hợp nhiều loại acid hữu cơ chuỗi ngắn bao gồm acid formic, acid citric, acid lactic,… và mỗi loại acid có những tác dụng khác nhau, cùng dung hợp để tạo ra hiệu quả cao đối với sức khỏe của tôm. Ngoài các loại acid hữu cơ với nhiều chức năng vượt trội thì trong Nutric còn được bổ sung một số loại thảo dược tự nhiên và các loại prebiotic cộng thêm nhiều tác dụng tuyệt vời được tích hợp vào sản phẩm. Đó cũng là yếu tố vượt trội của Nutric với các dòng acid hữu cơ khác trên thị trường.

Acid formic, acid citric từ lâu được đánh giá là tác động tích cực đến sự tăng trưởng, sức kháng khuẩn của tôm mà nhất là đối với nhóm vibrio. Acid citric là nguồn bổ sung khoáng chất đặc biệt là Phospho, góp phần gia tăng thêm về giá trị dinh dưỡng, là thành phần của nhiều quá trình sinh lý và tham gia vào quá trình cân bằng áp suất thẩm thấu rất quan trọng trong cơ thể tôm. Với acid hữu cơ, khi vào trong ruột sẽ tạo nên môi trường có pH thấp, không thuận lợi cho vi khuẩn có hại phát triển nên có thể  hạn chế được một số loài không có tác dụng tốt trong đường ruột.

Cùng với đó, thảo dược tự nhiên được kết hợp để gia tăng tính kháng khuẩn của tôm, do có chứa các thành phần có hoạt tính chống oxy hoá, chống stress. Thêm nữa, Prebiotic cũng được thêm vào với tác dụng như một chất xơ hòa tan, giống như nguồn thức ăn cho hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột để chúng hoạt động tốt hơn, thúc đẩy hệ tiêu hóa làm việc một cách tích cực.

Do sự cộng hưởng của các loại acid hữu cơ, thảo dược tự nhiên và prebiotic thì ngoài tác dụng kháng khuẩn, loại bỏ các tác nhân gây bệnh, Nutric còn có thể làm phục hồi các mô tổn thương trong đường ruột, kích thích sự phát triển của hệ vi sinh vật có lợi, cạnh tranh tốt hơn về thức ăn và chỗ bám với vi khuẩn có hại. Nhờ đó mà điều trị hiệu quả hơn những bệnh về đường ruột như phân lỏng, phân đứt khúc, phân trắng do vibrio lên men thối thức ăn không tiêu hóa được tạo nên.

Để trị bệnh phân lỏng một cách an toàn thì Nutric nên được kết hợp với tinh dầu tỏi Licin garlic. Với cách dùng thảo dược kết hợp này sẽ phù hợp cho ao nuôi biết chắc nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn và ký sinh trùng, khi mà dùng nhiều loại kháng sinh vẫn không khỏi. Cách này cũng đã được nhiều người tin dùng và đánh giá là mang lại hiệu quả trên 90%. Với tác dụng nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn sau khi điều trị, thì đây là một giải pháp thay thế kháng sinh hiệu quả. Tôm vẫn lớn bình thường nếu trước đó không dùng quá nhiều kháng sinh.

Với tác dụng đẩy lùi được bệnh phân lỏng thì Nutric sẽ đảm bảo sự khỏe mạnh của đường ruột tôm. Từ đó cải thiện sức khỏe tôm, an toàn và hiệu quả trong việc phòng và trị các bệnh về đường ruột. Đồng thời Nutric hoàn toàn không chứa kháng sinh, chất cấm trong thủy sản và khi sử dụng lâu dài thì không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của tôm. Tin chắc rằng Nutric sẽ không làm bạn thất vọng ngay trong lần đầu sử dụng.

Phòng kỹ thuật An Bình

Virus bí ẩn tàn phá các hồ nuôi tôm TQ: Nhiều người chăn nuôi mất trắng, nhà khoa học bó tay

Virus bí ẩn tàn phá các hồ nuôi tôm TQ: Nhiều người chăn nuôi mất trắng, nhà khoa học bó tay

Người nuôi tôm Trung Quốc cho biết họ rất lo sợ về sự lây lan của bệnh Div1. Ảnh: Xinhua

Các nhà khoa học thừa nhận họ có hiểu biết rất hạn chế về loại virus gây bệnh cho các hồ nuôi tôm ở Trung Quốc.

Các hộ nuôi tôm tại Trung Quốc đang hết sức lo lắng do loại virus lạ đang xâm nhập các hồ nuôi tại tỉnh Quảng Đông, khiến sản lượng tôm sụt giảm mạnh và đe dọa sinh kế của hàng chục nghìn hộ gia đình, theo SCMP (Hồng Kông).

Theo người nuôi tôm, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2014, loại virus có tên là Decapod iridescent 1 (Div1) đã lây nhiễm khoảng 1/4 trang trại nuôi tôm.

Div1 không gây hại cho người nhưng khiến ngành nuôi tôm tại Trung Quốc lo lắng về một hệ quả có thể phải đối mặt tình trạng tôm chết hàng loạt ở quy mô tương tự như khủng hoảng dịch tả lợn châu Phi, xóa sổ tới 60% đàn lợn tại nước này.

Tốc độ lây lan và số lượng tôm chết này thật đáng sợ. Chỉ cần 2-3 ngày sau khi phát hiện dấu hiệu mắc bệnh đầu tiên là cả hồ tôm sẽ chết”, ông Wu Jinhong, nông dân nuôi tôm tại thị trấn Da’ao, Jiangmen chia sẻ với SCMP.

Virus bí ẩn tàn phá các hồ nuôi tôm TQ: Nhiều người chăn nuôi mất trắng, nhà khoa học bó tay - Ảnh 1.

1/4 các trang trại nuôi tôm ở tỉnh Quảng Đông đã bị nhiễm một căn bệnh mới do virus Div1, gây thiệt hại không nhỏ tới thu nhập của người dân. Ảnh: Xinhua

Theo các chủ hồ nuôi, các dấu hiệu bị nhiễm bệnh được ghi nhận là tôm đỏ thân, mềm vỏ và chìm xuống đáy ao. “Div1 ảnh hưởng đến hầu hết các loại tôm nuôi phổ biến và ở tất cả cỡ tôm dù lớn hay nhỏ. Một khi nhiễm bệnh, chúng ta chẳng thể làm gì để ngăn chặn sự lây nhiễm. Chỉ vài ngày sau là các hồ nuôi bên cạnh cũng sẽ nhiễm bệnh”, ông Zhong Qiang, một hộ nuôi tôm tại thành phố Chu Hải nói.

Các nhà khoa học của Viện nghiên cứu thủy sản Trung Quốc lần đầu tiên xác định một loại virus bí ẩn ở tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Chiết Giang vào tháng 12/2014. Mặc dù gây hại nghiêm trọng và lây lan nhanh nhưng Div1 không được chú ý ở thời điểm này vì được kiểm soát tương đối tốt. Đến năm 2018, virus Div1 đã được tìm thấy trong các trang trại nuôi tôm ở 11 tỉnh khác ngoài Chiết Giang. Dịch Div1 nghiêm trọng nhất xảy ra vào năm 2019, khi toàn bộ lưu vực đồng bằng Châu Giang đồng loạt nhiễm bệnh. Tại thị trấn Da’ao, 65% ao nuôi bị nhiễm virus dẫn đến thua lỗ nặng, ảnh hưởng sinh kế của 20.000 người nuôi tôm trong khu vực này.

Dịch Div1 gây thiệt hại cho người nuôi tôm không khác gì dịch cúm gia cầm và dịch tả lợn Châu Phi”, ông Dai Jinzhi, chủ hộ nuôi vừa phát hiện 6 ha mặt nước nhiễm bệnh cho biết, chi phí tát cạn nước ở các hồ nuôi đang chứa 3,7 tấn tôm lên tới 100 nghìn NDT (14 nghìn USD)

Chúng tôi không còn cách nào khác là rút hết nước và bán tôm với giá rẻ mạt. Sau đó để hồ khô cạn trong ít nhất 2 tháng. Một số hồ đã tiếp tục bị nhiễm bệnh lần 2 do thả tôm giống vào hồ quá sớm. Do vậy, tôi chẳng dám nuôi tôm lại ngay, đợi thời tiết ấm lên đã”, ông Dai nói thêm.

Dịch Div1 sẽ giảm bớt vào mùa hè và mùa thu khi nhiệt độ cao, thường sẽ tái phát vào tháng 2 hàng năm. Những người nuôi tôm cho biết nhiệt độ nước trên 30 độ C sẽ giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh cho tôm.

Các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguồn gốc và phương thức lây lan bệnh Div1. Do không có cách nào hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan, nhiều người nuôi tôm ở Quảng Đông không cho phép người ngoài, bao gồm bạn bè và gia đình, đến gần ao nuôi.

Trong khi, sự lây nhiễm bệnh được cho “chủ yếu từ nước và môi trường hồ nuôi” nhưng ông Qiu cũng không loại trừ nguồn lây từ con người. Tuy vậy, các nhà khoa học thừa nhận họ hiểu biết rất ít về Div1.

Theo chúng tôi được biết, loại virus này đã xuất hiện ở các nước Đông Nam Á”, ông Huang Jie, Tổng giám đốc Mạng lưới trung tâm thủy sản tại Châu Á- Thái Bình Dương.

Rất khó để thống kê thiệt hại từ dịch bệnh gây ra bởi virus Div1. Thông thường, một hộ nuôi tôm mỗi năm thu hoạch tôm 4 lần, cứ bị nhiễm dịch thì sản lượng thu hoạch tôm hàng năm sẽ giảm ít nhất là ¼. Do dịch Dvi1 nên sản lượng tôm thẻ chân trắng hàng năm tại Trung Quốc đã giảm từ mức 1,5 triệu tấn vào năm 2013 chỉ còn 1.2 triệu tấn vào năm 2018 (trích số liệu Báo cáo thống kê thủy sản Trung Quốc năm 2019)

Nguồn : http://baodansinh.vn

Virus lạ nỗi kinh hoàng người dân nuôi tôm Quảng Đông-Trung Quốc

Nông dân nuôi tôm ở Trung Quốc đang chứng kiến ​​nỗi kinh hoàng ngày càng tăng. Khi một loại virus bí ẩn tàn phá các trang trại nuôi trồng thủy sản ở tỉnh miền nam Quảng Đông. Làm giảm sản lượng hải sản phổ biến và đe dọa đến kế sinh nhai của hàng chục nghìn hộ gia đình.

Virus này, được biết đến với cái tên Decapod óng ánh 1, hay Div1, được phát hiện lần đầu tiên vào đầu năm 2014. Nhưng đã quay trở lại với sự báo thù vào mùa xuân năm ngoái và một lần nữa vào tháng 2 năm nay. Ảnh hưởng đến khoảng một phần tư diện tích sản xuất tôm, nông dân địa phương cho biết.

Ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Div1.

Được biết loài virus này không có tác dụng lên người nhưng có thể giết chết đàn tôm trong vài ngày. Trung Quốc lần đầu tiên xác định một loại virus bí ẩn ở tôm thẻ chân trắng (đã được đặt tên là Div1) tại tỉnh Chiết Giang vào tháng 12/2014. Mặc dù gây hại nghiêm trọng và lây lan nhanh nhưng Div1 không được chú ý ở thời điểm này vì được kiểm soát tương đối tốt. Đến năm 2018, virus Div1 đã được tìm thấy trong các trang trại nuôi tôm ở 11 tỉnh khác ngoài Chiết Giang.

Vụ dịch Div1 nghiêm trọng xảy ra vào năm 2019, khi toàn bộ lưu vực Đồng bằng Châu Giang đồng loạt nhiễm dịch. Tại thị trấn Da’ao, 65% ao nuôi bị nhiễm virus dẫn đến thua lỗ nặng, ảnh hưởng kế sinh nhai của 20.000 người nuôi tôm trong khu vực này.

Lần dịch này bắt đầu từ tháng 2/2020, đến này đã ảnh hưởng đến 25% diện tích tôm nuôi ở vùng nuôi tôm tập trung thuộc tỉnh Quảng Đông. Trận dịch đợt này đã khiến ngành tôm ở Quảng Đông băn khoăn. Liệu nó có phải đối mặt với cái chết hàng loạt ở quy mô tương tự như khủng hoảng dịch tả lợn châu Phi đã xóa sổ tới 60% đàn lợn của Trung Quốc.

Dấu hiệu trên tôm khi nhiễm virus Div1.

Div1 gây ảnh hưởng đến hầu hết các loài tôm nuôi phổ biến như tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh, tác động tất cả size tôm dù nhỏ hay lớn. Dịch bệnh lây lan nhanh, hiện nay vẫn chưa có biện pháp kiểm soát, tôm thường chết sạch sao 2 -3 ngày phát hiện dấu hiệu mắc bệnh đầu tiên. Dịch bệnh giảm bớt trong những tháng mùa hè và mùa thu khi nhiệt độ cao hơn. Theo kinh nghiệm của nông dân thì nhiệt độ trên 30oC có thể sẽ giảm lây lan virus. Các dấu hiệu bị nhiễm bệnh được ghi nhận là: tôm đỏ thân, mềm vỏ, chìm xuống đáy ao.

virus nguy hiểm làm tôm chết hàng loạt

Nguồn gốc, phương thức lây lan bệnh Div1 vẫn chưa được xác định rõ ràng và vẫn chưa tìm được cách trị bệnh. Do không có cách nào hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan, nhiều người nuôi tôm ở Quảng Đông không cho phép người ngoài, bao gồm bạn bè và gia đình đến gần ao nuôi. Hiện nay những người nuôi tôm ở vùng dịch được khuyên thu hoạch ngay tôm khi có dấu hiệu bệnh, cải tạo ao chờ đến thời tiết phù hợp mới thả nuôi vụ mới.

Hoài An

Nguồn: tepbac.com

Xuất hiện virus bí ẩn ở TQ, một con tôm nhiễm bệnh hủy diệt cả đàn

Loại virus có tên Div-1 đã ảnh hưởng tới hơn 1/4 lượng tôm tại Quảng Đông, trung tâm nuôi tôm của Trung Quốc và có nguy cơ lây nhiễm rộng gây chết tôm hàng loạt.

Ngư dân nuôi tôm Trung Quốc đang chứng kiến ngày qua ngày cảnh tượng một loại virus bí ẩn tàn phá các trang trại nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Quảng Đông, khiến sản lượng các loại hải sản phổ biến sụt giảm thê thảm và đe dọa sinh kế của hàng chục nghìn hộ gia đình.

Virus này, được biết đến với cái tên Decapod iridescent 1 (Div1), được phát hiện lần đầu tiên vào đầu năm 2014 nhưng đã xuất hiện trở lại vào mùa xuân năm ngoái và một lần nữa vào tháng 2 năm nay, ảnh hưởng đến khoảng một phần tư diện tích sản xuất tôm, ngư dân địa phương cho biết.

Sự lây lan của dịch bệnh, dù được xác định vô hại cho con người, đã khiến ngành tôm ở Quảng Đông đứng trước nỗi lo về một tương lai có thể đối mặt với tôm chết hàng loạt ở quy mô tương tự như cuộc khủng hoảng dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh đã xóa sổ một lượng tương đương 60% số lợn tại Trung Quốc.

Virus gây kinh hoàng cho ngành tôm

“Mức độ lây nhiễm và gây chết tôm của virus là rất khủng khiếp”, Wu Jinhong, một người nuôi tôm ở thị trấn Da’ao, thành phố Giang Môn, Trung Quốc cho biết.

“Chỉ mất hai hoặc ba ngày kể từ khi phát hiện vụ nhiễm bệnh đầu tiên tới khi tất cả tôm trong ao chết trắng”.

Các dấu hiệu nhiễm bệnh đầu tiên thường là khi tôm bắt đầu chuyển sang màu đỏ, trước khi vỏ của chúng mềm ra và tôm chìm xuống đáy ao, tờ South China Morning Post dẫn lời nông dân địa phương cho biết.

Xuat hien virus bi an o TQ, mot con tom nhiem benh huy diet ca dan hinh anh 1 TAWpic1_960x562.jpg
Một cơ sở nuôi tôm lớn tại Trung Quốc. Ảnh minh họa: Aqua Culture Alliance.

Theo ông Zhong Qiang, một người nuôi tôm khác ở thành phố Chu Hải cho biết rằng “virus không phân biệt giữa các loài và lây nhiễm cả tôm lớn và nhỏ, tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương lẫn tôm nước ngọt khổng lồ”.

“Một khi một ao bị nhiễm virus, nông dân chúng tôi hầu như không thể làm gì khi nguy cơ các ao gần đó bị nhiễm bệnh chỉ vài ngày sau đó là rất cao”, ông nói.

Các nhà khoa học thuộc Học viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc lần đầu tiên xác định loại virus bí ẩn ở tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương, loài tôm được nuôi chính ở Trung Quốc, tại tỉnh Chiết Giang vào tháng 12/2014.

Div1 chỉ nhận rất ít sự chú ý từ công chúng, bất chấp nhiều lo ngại trong ngành nuôi tôm rằng nó có thể lan rộng khắp các trang trại tôm tại đại lục.

Vào năm 2018, virus đã được tìm thấy trong các trang trại nuôi tôm và cơ sở chăn nuôi ở 11 tỉnh, Qiu Liang, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu thủy sản biển Hoàng Hải, cho biết. Trong đó, vụ dịch nghiêm trọng nhất tấn công các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên khắp đồng bằng Châu Giang năm ngoái.

Tại thị trấn Da’ao, nơi có gần 20.000 người – tức gần một nửa cư dân địa phương – làm việc trong các trang trại nuôi tôm, hai phần ba ao bị nhiễm virus vào mùa xuân năm 2019 và phải cho thoát nước ngay lập tức, Qiu cho biết.

Sự bùng phát có giảm bớt trong những tháng mùa hè và mùa thu khi nhiệt độ cao hơn, nhưng trở lại một lần nữa vào tháng 2. Các ngư dân nói rằng nhiệt độ trên 30 độ có thể ngăn chặn virus.

Xuat hien virus bi an o TQ, mot con tom nhiem benh huy diet ca dan hinh anh 2 GettyImages_75564617_700x420.jpg
Một quầy bán tôm trong chợ địa phương tại Bắc Kinh. Ảnh minh họa: Getty Images.

“Virus này gây kinh hoàng cho những người nuôi tôm, giống như cúm gia cầm đối với người chăn nuôi gia cầm và sốt lợn ở châu Phi đối với những người nuôi lợn”, Dai Jinzhi, một ngư dân vừa phát hiện 6 hecta hồ nuôi tôm của mình nhiễm bệnh, chia sẻ.

Sau khi buộc phải tháo nước tại các hồ tôm, nơi đang nuôi hơn 3,7 tấn tôm, Jinzhi chỉ còn lại 200 kg tôm còn sống – khiến anh thiệt hại hơn 100.000 nhân dân tệ (14.000 USD).

“Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì ngoài việc loại bỏ tôm và bán chúng với giá rẻ mạt, sau đó rút sạch nước tại các ao và để không chúng trong ít nhất hai tháng”.

“Một số ngư dân khác bị virus tấn công sau khi bắt đầu canh tác trở lại trong ao nhiễm bệnh (quá sớm). Vì vậy, tôi không dám nuôi tôm trở lại cho tới cuối tháng sau, khi thời tiết ấm dần lên”.

Nguy cơ bệnh lan rộng khi thiếu sự quan tâm cần thiết

Nguồn gốc của Div1 và cách truyền bệnh của nó hiện vẫn chưa được làm rõ, theo các chuyên gia trong ngành. Do không có cách nào hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan, ngày càng nhiều hộ nuôi tôm ở Quảng Đông không cho phép người ngoài, bao gồm bạn bè và gia đình đến gần ao của họ – tương tự như cách những người chăn nuôi lợn ngăn người ngoài đến gần trang trại của họ do dịch sốt lợn.

Trong khi các bệnh nhiễm trùng mới “được cho là chủ yếu đến từ nguồn nước và môi trường địa phương”, thì ông Qiu cho biết có virus lây lan vào các trang trại thông qua con người.

Tuy nhiên, các nhà khoa học và tập đoàn công nghiệp cũng thừa nhận họ còn biết rất ít về virus.

“Theo những gì chúng ta biết, ngoài Trung Quốc, virus cũng đã xuất hiện ở Đông Nam Á”, ông Huang Jie, tổng giám đốc Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản ở Châu Á-Thái Bình Dương cho biết. Ông nói thêm cần phải chú ý nhiều hơn đến Div1 vì những mối đe dọa mà virus này gây ra cho sản xuất tôm ở Trung Quốc.“Bùng phát lan rộng có thể xảy ra nếu thiếu sự quan tâm từ ngành nuôi tôm và trong các cơ quan chính phủ có liên quan”.

Rất khó để tính toán chính xác những tổn thất do virus gây ra vì không có dữ liệu chính thức hoặc dữ liệu từ bên thứ ba. Thông thường, một ao nuôi tôm có thể nuôi 4 đợt tôm mỗi năm, vì vậy chỉ cần một con tôm bị nhiễm virus, sản lượng hàng năm của ao sẽ giảm ít nhất là một phần tư.

Khi mức sống ngày một được cải thiện tại Trung Quốc, nhu cầu về tôm, tôm hùm và tôm càng tăng trong những năm gần đây. Nhưng sản lượng nội địa của một số loài giáp xác nuôi đã bị ảnh hưởng bởi virus Div1.

Cụ thể, căn bệnh này đã làm giảm sản lượng tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương xuống còn 1,2 triệu tấn vào năm 2018 so với 1,5 triệu tấn trong năm 2013, Niên giám thống kê thủy sản Trung Quốc năm 2019 cho biết.