Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Bệnh Học

Loại bỏ bệnh hoại tử gan tụy cấp bằng hệ sợi nấm

hoại tử gan tụy
Bệnh hoại tử gan tụy gây nhiều thiệt hại trên tôm nuôi. Ảnh: NACA

Tính hiệu quả và khả thi của việc áp dụng hệ sợi nấm của 3 loài nấm phân hủy gỗ để ức chế vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm.

Bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm (EMS/AHPND) được gây ra do các chủng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có chứa các gen quy định độc tố PirA và PirB tương tự như độc tố của Photorhabdus spp (Han et al., 2015). Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hệ sợi nấm có khả năng loại bỏ một số loài vi khuẩn và kim loại nặng khỏi nước (Stamets, 2005; Stamets et al., 2013). Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về việc sử dụng hệ sợi nấm trong kiểm soát mầm bệnh do vi khuẩn gây ra trên tôm.

Nghiên cứu này được tiến hành nhằm mục đích kiểm tra tính hiệu quả và tính khả thi của việc áp dụng hệ sợi nấm của 3 loài nấm phân hủy gỗ: Schizophyllum commune, Pleurotus ostreatus và Pycnoporus sanguineus nhằm kiểm soát mầm bệnh trên tôm gây ra bởi Vibrio parahaemolyticus trong hệ thống nuôi trồng thủy sản. Các loài nấm phân hủy gỗ được chọn sử dụng trong nghiên cứu này đều là những loài có thể dễ dàng được tìm thấy trong các gốc cây trong khu vực miền Nam Việt Nam. Các công dụng dịch khuẩn, ức chế khả năng phát triển của vi khuẩn của các loài nấm này cũng đã được nghiên cứu.

Theo nghiên cứu của Pham et al. (2017), Pycnoporus sanguineus có khả năng ức chế sự phát triển của 7 chủng vi khuẩn bao gồm Bacillus subtilis, Enterococcus faecalis, Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Vibrio parahaemolyticus, Vibrio cholerae, và Salmonella typhi. Loài Schizophyllum commune; có thể kiểm soát và ức chế 82% và 97.8% lượng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus trong môi trường nuôi cấy lỏng sau lần lượt 6 và 8 giờ theo kết quả nghiên cứu của Ngo et al., 2016. Ngoài ra, với khả năng ức chế và kiểm soát được sự sinh trưởng của một số loài vi khuẩn khác nhau như Pseudomonas aeruginosa, Enterococcus faecalis, Candida parapsilosis (Mustafa et al., 2015) thì Pleurotus ostreatus cũng là một loài nấm có tiềm năng ứng dụng trong việc kiểm soát; V. parahaemolyticus trong nghiên cứu này.

Tiến hành đánh giá hiệu quả của hệ sợi nấm

Trong nghiên cứu này, hệ sợi nấm gồm có Schizophyllum commune, Pleurotus ostreatus và Pycnoporus sanguineus được sử dụng để kiểm tra khả năng kiểm soát vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Tôm được gây cảm nhiễm bằng cách thêm dịch huyền phù Vibrio parahaemolyticus ở nồng độ 105 CFU/mL. Khoảng 5 gam cơ chất bao phủ bởi các sợi tơ nấm được áp dụng trên từng bể nuôi tôm Penaeus vannamei PL30-35 riêng lẻ, mẫu tôm được thu để đánh giá khả năng kiểm soát vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus của từng loại nấm.

Năm nghiệm thức đã được chuẩn bị: cơ chất chứa tơ nấm từ ba loại nấm (Schizophyllum commune, Pleurotus ostreatusvà Pycnoporus sanguineus); đối chứng dương và đối chứng âm. Thí nghiệm được lặp lại 2 lần. Các túi chứa sợi nấm được đưa vào các bình chứa một giờ trước khi thử nghiệm. 5 mL huyền phù vi khuẩn với nồng độ tương đương 105 CFU/mL được cảm nhiễm vào bình đối chứng dương và các bình nghiệm thức chứa hệ sợi nấm.

Tác động của hệ sợi nấm với tôm nhiễm Vibrio parahaemolyticus

Trong thí nghiệm ngâm trực tiếp sợi nấm, tỉ lệ sống của tôm trong các nghiệm thức cao đáng kể. Trong khi tất cả tôm trong nghiệm thức đối chứng dương đã chết sau 4 ngày thí nghiệm, tôm trong ba nghiệm thức xử lí với nấm thì tôm có tỉ lệ sống lên đến 75%. Theo kết quả đó, các chất sinh ra bởi sợi tơ nấm của hai loài nấm P.ostreatusvà P.sanguineus có thể kiểm soát sự phát triển của mầm bệnh bằng phương pháp ngâm và giữ tôm khỏe mạnh.


Nấm Pycnoporus sanguineus có khả năng loại bỏ 99% vi khuẩn V.parahaemolyticus.

Sau 4 ngày thí nghiệm, không chỉ tỉ lệ sống của tôm là tương đối cao (65-75%), mà tỉ lệ loại bỏ mầm bệnh cũng tương đối cao (từ 70-93%). Trong khi tỉ lệ loại bỏ mầm bệnh của P. sanguineus và S. commune lớn hơn 90%, thì tỉ lệ loại bỏ mầm bệnh của P. ostreatus chỉ là 75%. Đáng chú ý là tuy tỉ lệ loại bỏ vi khuẩn của P. ostreatus không tốt hơn so với hai loài nấm còn lại, nhưng tỉ lệ sống của tôm là cao nhất và ổn định nhất trong số ba loài nấm. Điều này có thể do tác động của các hợp chất sinh học được bài tiết bởi loài nấm này, có khả năng ức chế vi khuẩn ở mức độ thấp hơn hai loài kia, nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng của tôm.;

Trong thí nghiệm này, các mẫu nước được lấy tại hai thời điểm khác nhau và được trải đĩa tương tự như các thí nghiệm trước đó. Cụ thể, số lượng vi khuẩn V. parahaemolyticus đã giảm tới 93,5% với sự hiện diện của P. sanguineus, cũng là tỉ lệ loại bỏ cao nhất. Trong khi nghiệm thức sử dụng cơ chất có tơ nấm S. commune cho thấy có tỉ lệ loại bỏ vi khuẩn lên đến 91,8%, thì tỉ lệ loại bỏ vi khuẩn của P. ostreatus chỉ là 70,75%, thấp nhất trong số ba loài nấm.

Kết quả cho thấy, hệ sợi nấm Pycnoporus sanguineus có khả năng loại bỏ 99% vi khuẩn V.parahaemolyticus, mặc dù tỉ lệ sống của tôm thẻ chân trắng còn thấp, vào khoảng 65% sau thí nghiệm. Cần có thêm nhiều nghiên cứu nhằm tối đa hóa khả năng kiểm soát vi khuẩn gây bệnh AHPND trên tôm của hệ sợi nấm để có thể ứng dụng thực tế trong nuôi tôm. Việc sử dụng hệ sợi nấm kiểm soát dịch bệnh AHPND trên tôm với lợi thế chi phí thấp và thân thiện với môi trường là một phương pháp đầy tiềm năng.

Theo Trần Minh Long và Phạm Thị Hoa

NH Tổng Hợp- https://tepbac.com/

Bệnh đốm trắng “nuốt chửng” hơn 130 vạn tôm giống ở Hà Tĩnh

xử lý nước
Nông dân đang xử lý ao nuôi của gia đình.

Những ngày gần đây, nông dân các vùng nuôi tôm TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đứng ngồi không yên khi có hơn 130 vạn con tôm giống vừa thả mắc bệnh đốm trắng, hàng chục triệu đồng đầu tư vào vụ nuôi cũng vì thế mà tiêu tan.

Được xem là vùng nuôi tôm lớn nhất TX Kỳ Anh, phường Kỳ Trinh hiện có 240ha nuôi tôm thẻ và tôm sú. Đến thời điểm này, có gần 144ha đã xuống giống tôm, tuy nhiên, từ ngày 2/4 lại nay, có 8 hộ với hơn 5,4 ha diện tích nuôi tôm thẻ bị mất trắng vì dịch bệnh đốm trắng.

Anh Trần Văn Tiến (tổ dân phố Hòa Lộc, phường Kỳ Trinh) chia sẻ: “Ngày 2/4 – tròn một tháng từ thời điểm thả tôm giống thì tôi phát hiện tôm có biểu hiện lờ đờ, dạt sát bờ, sau đó ít ngày thì hơn 10 vạn tôm giống chết sạch. Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi trồng, tôi nhận định tôm chết do bệnh đốm trắng. Tôm thả được ít tháng tuổi nên sức đề kháng còn yếu kết hợp thời tiết bất thường, nhiệt độ thay đổi đột ngột dẫn đến tôm chết nhanh…”

Cũng theo anh Tiến, dấu hiệu bất thường xuất hiện trên tôm nuôi trước khi chết là toàn thân có màu đỏ, bơi nổi và tấp vào bờ rồi chết. Sau khi bệnh xuất hiện, anh Tiến đã thông báo với chính quyền địa phương để có giải pháp đối phó với bệnh đốm trắng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh gây ra.

13 vạn tôm giống của gia đình anh Nguyễn Quang Sâm (thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà) cũng chịu cảnh mất trắng do bệnh đốm trắng.

“Sau khi phát hiện tôm chết tôi đã báo ngay cho chính quyền địa phương và Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã để có hướng xử lý kịp thời. Vụ nuôi này tính cả chi phí cải tạo với tôm giống gia đình, tôi cũng bỏ ra vài chục triệu đồng nhưng nay lại mất trắng. Hiện gia đình đã nhận 180kg hóa chất Chlorine tiến hành xử lý ao nuôi, mong tầm hơn tháng nữa sẽ cho xuống giống lại…”, anh Sâm cho hay.

Không riêng diện tích nuôi tôm ở Kỳ Trinh, Kỳ Hà có bệnh đốm trắng mà các xã như: Kỳ Nam, Kỳ Ninh cũng bị thiệt hại khi tôm bị bệnh đốm trắng xuất hiện.

Thông tin từ Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi TX Kỳ Anh, địa phương đã có 70% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú hoàn thành xuống giống. Tuy nhiên, tính từ thời điểm ngày 26/3 đến nay, có hơn 8ha tôm thẻ chân trắng với 133 vạn tôm giống xuất hiện bệnh đốm trắng và chết hàng loạt.

Để hạn chế mầm bệnh lây lan, thị xã đã có văn bản hướng dẫn các HTX và hộ nuôi sớm triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng ao nuôi. Cùng đó là tuyên truyền các hộ nuôi tôm cần thường xuyên nắm bắt các thông tin về diễn biến bệnh để có biện pháp phòng ngừa thích hợp. Kiểm tra các yếu tố môi trường để điều chỉnh kịp thời như tăng cường quạt khí, ổn định pH, độ kiềm.

Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi TX Kỳ Anh cũng đã tổ chức cấp phát 2.340 kg hóa chất Chlorine cho các hộ nuôi thủy sản xử lý toàn bộ ao nuôi.

“Đối với các địa phương khác có vùng nuôi trồng thủy sản chưa xuất hiện bệnh tôm bị bệnh đốm trắng cần tập trung hướng dẫn nông dân giám sát chặt chẽ diện tích ao nuôi tôm, có các biện pháp bảo vệ như thường xuyên đo độ pH bảo đảm yếu tố môi trường nước tốt, chọn các loại giống đúng tiêu chuẩn…

Hạn chế thay nước ao, tăng cường quạt khí nhằm ổn định lượng ôxy, độ pH, độ kiềm trong ao. Thường xuyên kiểm tra để điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm phù hợp…”, ông Phạm Văn Hòa – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi TX Kỳ Anh khuyến cáo.

Thu Trang – Báo Hà Tĩnh

Xuất hiện virus siêu nguy hiểm trên tôm nuôi ở Trung Quốc

Hàng chục nghìn hộ nuôi tôm ở Trung Quốc đang suy sụp vì thiệt hại nặng nề khi một loại virus bí ẩn tàn phá các trang trại nuôi trồng thủy sản ở Quảng Đông.

Triệu chứng lâm sàng của tôm bị nhiễm  DIV1 và sau đó hủy hoại toàn thân. Ảnh: aquaculturealliance

Triệu chứng lâm sàng của tôm bị nhiễm  DIV1 và sau đó hủy hoại toàn thân. Ảnh: aquaculturealliance

Theo các chuyên gia, loại virus này được gọi là Decapod hay Div1 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2014 và nay đã bất ngờ tái xuất. Ước tính khoảng 25% diện tích các ao nuôi tại địa phương này bị ảnh hưởng bởi virus này.

Hiện người nuôi trồng thủy sản đang lo ngại sự lây lan của loại virus nguy hiểm này giống như đại dịch tả lợn châu Phi khi đã xóa sổ tới 60% đàn lợn của Trung Quốc.

Một phần tư các trang trại nuôi tôm ở tỉnh Quảng Đông đã bị nhiễm virus Div1. Ảnh: Tân Hoa Xã

Một phần tư các trang trại nuôi tôm ở tỉnh Quảng Đông đã bị nhiễm virus Div1. Ảnh: Tân Hoa Xã

Wu Jinhong, một người nuôi tôm ở thị trấn Da’ao, ngoại ô thành phố Giang Môn cho biết, chỉ trong vòng hai đến ba ngày kể từ khi phát hiện ao nuôi bị nhiễm virus, toàn bộ ao tôm đã chết sạch. Các dấu hiệu nhiễm bệnh đầu tiên là tôm chuyển sang màu đỏ, vỏ mềm dẫn rồi chìm xuống đáy ao.

Còn theo ông Zhong Qiang, một người nuôi tôm ở thành phố Chu Hải, loại virus này gây hại tất cả các loại và size tôm, bất kể là tôm thẻ chân trắng hay tôm nước ngọt cớ lớn. “Một khi một ao nuôi bị nhiễm virus thì nông dân chỉ còn nước bó tay và nhanh chóng lan sang các đìa bên cạnh chỉ vài ngày sau đó”, ông này nói.

Theo các nhà khoa học Viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc, virus Div1 lần đầu tiên xuất hiện trên tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương, loài chính được nuôi tại Trung Quốc ở tỉnh Chiết Giang vào tháng 12/2014.

Mặc dù đến năm 2018, virus này cũng đã được phát hiện trong các trang trại nuôi tôm ở 11 tỉnh thành nhưng mức độ chết chóc không kinh khủng như hiện nay.

Qiu Liang, một nhà nghiên cứu thủy sản cho biết, dịch bệnh virus này chỉ có thể giảm bớt khi nhiệt độ cao hơn.

Tỷ lệ tôm nhiễm bệnh bị chết rất cao ở tất cả các loại tôm. Ảnh: aquaculturealliance

Tỷ lệ tôm nhiễm bệnh bị chết rất cao ở tất cả các loại tôm. Ảnh: aquaculturealliance

Dai Jinzhi, một người nuôi tôm ở Da’ao khi phát hiện ao nuôi có dấu hiệu nhiễm bệnh đã lập tức rút hết nước nhằm thu hoạch vớt khoảng 3,7 tấn tôm nhưng cuối cùng chỉ gom được có 200kg tôm còn tươi, ước thiệt hại hơn 100.000 nhân dân tệ (14.000 USD).

“Chúng tôi không thể làm gì khác ngoài việc vớt vát được chút nào hay chút đó rồi lại phơi ao trong vòng ít nhất hai tháng mới dám nuôi lại”, Dai cho biết.

Hiện nguồn gốc của loại virus này cũng như phương thức lây lan vẫn chưa rõ ràng và đang được các nhà khoa học tìm hiểu.

Nguồn: (SCMP, THX)

Các trường hợp “Bệnh đốm trắng” trên tôm nuôi

ào giai đoạn giao mùa như hiện nay, tôm nuôi bắt đầu bước vào giai đoạn xuất hiện bệnh đốm trắng. Khác với bệnh hoại tử gan tụy cấp AHPND xảy ra tập trung vào mùa nắng nóng, bệnh đốm trắng ngược lại xảy ra ở giai đoạn mùa lạnh, khi nhiệt độ xuống thấp dưới 32 độ C.

Bệnh đốm trắng được biết đến từ lâu và là một bệnh nguy hiểm cho nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào tôm bị đốm trắng cũng gây ra tình trạng chết cấp tính (có thể đạt đến tỷ lệ chết 100%) trong vòng 2 – 3 ngày.

Vào năm 1997, bằng những nghiên cứu thực nghiệm tại Thailand, giáo sư Chalor Limsuwan và cộng sự tại trường Đại học Kasesart đã xác định và mô tả kỹ bốn trường hợp tôm bị bệnh đốm trắng khác nhau.

Với những thông tin bên dưới, hy vọng có thể hỗ trợ người nuôi có thể xác định rõ các vấn đề về đốm trắng nếu gặp phải trong ao nuôi của mình, qua đó có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.

TRƯỜNG HỢP 1:

Nếu phát hiện tôm bệnh tấp mé ở giai đoạn trong tháng nuôi đầu đến 12 gram có những đốm trắng rõ ràng dưới vỏ đầu ngực và trên đốt bụng (đặc biệt ở đốt đuôi), ngoài ra tôm giảm ăn rõ rệt, kiểm tra PCR sau đó cho kết quả dương tính và kiểm tra mô học cho thấy mô bị nhiễm virus đốm trắng điển hình thì không thể làm bất cứ gì cho trường hợp này. Mọi nỗ lực khống chế bệnh hầu như đều không mang lại hiệu quả vì những con tôm khỏe mạnh bắt đầu ăn những con tôm chết, chúng sẽ nhanh chóng bị nhiễm virus đốm trắng và chết cấp tính với tỷ lệ cao – có thể đạt 100% – ngay sau đó trong 02 – 03 ngày.

ảnh bệnh đốm trắng trên tôm

TRƯỜNG HỢP 2:

Tôm nuôi xuất hiện những đốm trắng trên vỏ đầu ngực nhưng vẫn ăn bình thường, trong trường hợp này, có khả năng đàn tôm không nhiễm virus đốm trắng. Điều này càng đặc biệt đúng, nếu như người nuôi không phát hiện có tôm yếu tấp mé. Kiểm tra PCR những con tôm “bị đốm trắng” này cho kết quả âm tính. Kiểm tra mô bệnh học cho thất các mô bình thường.

Trong trường hợp này, có thể các đốm trắng trên vỏ đầu ngực của tôm là kết quả của quá trình lắng đọng can – xi trên vỏ đầu ngực do tôm phải sống trong môi trường ao nuôi với pH cao kéo dài, pH buổi sáng thường đo được ở mức 8,3. Trong trường hợp này, cần hạ pH xuống dưới mức 8,0 nhưng phải trên 7,5 vào buổi sáng. Bằng cách này, trong lần lột xác kế tiếp, đốm trắng sẽ biến mất một cách tự nhiên. Hiện tại công ty sinh học tôm vàng cung cấp sản phẩm vitamin C15 hạ pH an toàn cho tôm.

TRƯỜNG HỢP 3:

Nếu tôm cập mé xuất hiện đốm trắng cùng với màu sắc nâu sậm hoặc mang dơ thì đấy không phải là do tôm bị nhiễm virus đốm trắng. Mặc dù tôm có thể giảm ăn nhẹ, nhưng phần lớn đàn tôm vẫn ăn bình thường. Kiểm tra PCR và mô học không phát hiện virus đốm trắng, tuy nhiên sẽ có sự xuất hiện của vi khuẩn trên nhiều cơ quan khác nhau của tôm. Trong trường hợp này, biện pháp tốt nhất là cố gắng loại bỏ hoàn toàn những con tôm bệnh ra khỏi ao nuôi và tiến hành cải thiện triệt để môi trường (chẳng hạn như giảm chất thải, giảm tảo …).

TRƯỜNG HỢP 4:

Thỉnh thoảng khi chài tôm, người nuôi thấy vài con tôm có hiện tượng đốm trắng trên vỏ đầu ngực. Tuy nhiên, những con tôm này vẫn hoạt động bình thường, không tấp mé và ăn tốt. Chúng thường xuất hiện ở giai đoạn cuối vụ nuôi trước khi thu hoạch. Kiểm tra PCR đốm trắng những con tôm này cho kết quả âm tính. Sau khi lột xác, đốm trắng hoàn toàn biết mất.

Nguồn: What kind of white spot kills shrimps  – Chalor Limsuwan – Khoa thủy sản – Đại học Kasesart – Thailand.  AAHRI Mewsletter Article – Volume 6 No.2, tháng 12/1997.

Dịch bởiKS NGUYỄN THÀNH QUANG THUẬN

Kiên Giang: Bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi

tôm chết
Chỉ hơn 10 ngày, Kiên Giang đã phát hiện thêm 79 ổ dịch đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi, với tổng diện tích thiệt hại hàng trăm ha. Ảnh: Trung Chánh.

 

Hạn hán và xâm nhập mặn đang ở giai đoạn đỉnh điểm, rất gay gắt, làm bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi.

Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang cho biết, từ ngày 19-31/3, đơn vị đã phát hiện thêm 79 ổ dịch đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi, với tổng diện tích thiệt hại được ghi nhận là 184,5 ha. Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 166 dịch bệnh tôm nuôi, với tổng diện tích thiệt hại 380 ha. Trong đó, đốm trắng là 287 ha, hoại tử gan tụy cấp tính 25 ha, sốc môi trường 67 ha.

Hầu hết các huyện, thành phố có nuôi tôm đều xảy ra dịch bệnh, gồm: An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương, Gò Quao, Vĩnh Thuận và Hà Tiên.

Ngoài ra, theo ghi nhận từ Phòng NN-PTNT các huyện, có 670 ha tôm nuôi bị thiệt hại do yếu tố môi trường bất lợi, 76 ha bị thiệt hại nghi do bệnh đốm trắng, 12 ha thiệt hại nghi do bệnh hoại tử gan tụy cấp tính tại huyện Vĩnh Thuận và Kiên Lương.

Hiện nay, hạn hán và xâm nhập mặn đang ở giai đoạn đỉnh điểm, rất gay gắt, khả năng kéo dài. Cùng với việc một số vùng nuôi đã bắt đầu xuất hiện những cơn mưa trái mùa vào buổi chiều hoặc tối, làm biến động đột ngột các yếu tố môi trường trong ao nuôi, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của tôm. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển nên nguy cơ xảy ra thiệt hại do biến động bất lợi của các yếu tố môi trường và dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao.

Do đó, người nuôi tôm cần thường xuyên kiểm tra các chỉ số môi trường, để kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp nhằm hạn chế thiệt hại. Gia cố bờ bao, cống để tránh hiện tượng rò rỉ, thẩm lậu nước ra ngoài. Cần phải bố trí ao chứa, ao lắng để dự trữ nước nhằm chủ động trong việc thay nước bổ sung vào ao nuôi khi cần thiết.

Duy trì mực nước trong ao thích hợp với từng hình thức nuôi để hạn chế sự biến động đột ngột của các yếu tố môi trường, gây sốc cho tôm nuôi. Đối với ao nuôi thâm canh, bán phân canh phải duy trì nước trong ao tối thiểu từ 1,3 – 1,5 m, nuôi tôm – lúa, quảng canh cải tiến cần thiết phải duy trrì mực nước cao tối thiểu là 0,5 m tính từ mặt ruộng.

Đ.T.CHÁNH Nông nghiệp Việt Nam

Bệnh vi bào tử trùng trên tôm thẻ chân trắng

Kể từ khi Cục thủy sản (Department of Fisheries) – thuộc Bộ Nông Nghiệp Thái Lan (Ministry of Agriculture and Cooperatives) cho phép nhập khẩu tôm chân trắng để nuôi thương phẩm vào năm 2012, sản lượng tôm chân trắng nuôi thâm canh đã tăng trưởng dữ dội.

Bất chấp ảnh hưởng của bệnh tôm do virus như đốm trắng, đầu vàng và Taura – nguyên nhân gây thất mùa nghiêm trọng tại một số vùng nuôi – sản lượng tôm chân trắng năm 2009 đã đạt đến 540.000 tấn.

Một bệnh khác là bệnh vi bào tử trùng gây ra bởi ký sinh trùng Microsporidian mặc dù không có tỷ lệ chết nghiêm trọng nhưng tôm bị nhiễm bệnh thường có màu sắc cơ trắng đục đã gây ra những thiệt hại kinh tế đáng kể cho người nuôi. Tần suất phổ biến cao của bệnh do vi bào tử trùng đối với các quần thể tôm hoang dã đã được báo cáo phát hiện trên một số giống tôm he. Tôm bệnh được xác định bằng dấu hiệu biến đổi màu sắc cơ thịt sang dạng trắng sữa hoặc mờ đục. Tôm bệnh do vi bào tử trùng được biết đến với tên tiếng Anh là “cotton shrimp” (tôm bông gòn) hoặc “Milky shrimp” (tôm sữa) và tiếng Thái là “White back” (tôm lưng trắng) (Donyadol và cộng sự, 1985; Limsuwan, 1991; Flegel và cộng sự, 1992). Ở Thái Lan, vi bào tử trùng phân lập từ tôm sú (Black tiger shrimp – Penaeus monodon) và tôm bạc thẻ (banana shrimp – Penaeus merguiensis) bị bệnh bước đầu được xác định là Agmasoma (Thelohania) panaei (Flegel và cộng sự, 1992). Trên tôm chân trắng, bệnh do vi bào tử trùng được báo cáo từ những ao nuôi thâm canh ở khu vực ven biển vào năm 2006.

DẤU HIỆU LÂM SÀNG

Tôm được phát hiện nhiễm vi bào tử trùng microsporidian lần đầu vào giai đoạn 15 – 20 ngày sau khi thả giống trong ao nuôi. Tôm nhiễm bệnh có nhiều phần trên cơ thể chuyển sang màu trắng đục hay màu sữa. Khi tôm lớn dấu hiệu lâm sàng này càng dễ dàng quan sát hơn, đặc biệt ở phần lưng từ gan tụy đến phần giữa thân. Tuy nhiên, vài con cũng bị đục cơ ở phần đốt cuối cơ thể (Hình 1).

Hình 1

Những đám, vệt lớn màu trắng đục trên những con tôm bị nhiễm bệnh cho thấy chúng thay thế cơ thịt cũng như những cơ quan khác như gan tụy, dạ dày và cơ quan bạch huyết (Lymphoid organ) (Hình 2).

Hình 2

Quan sát dưới kính hiển vi điện tử cho thấy mỗi túi bào tử chứa (sporophorous vesicle) chứa tám bào tử Thelohania hoặc Agmasoma (Hình 3) tương tự như vi bào tử trùng microsporidian trong báo cáo trước đây trên tôm sú của tác giả Limsuwan (1991), Flegel và cộng sự (1992). Quan sát dưới kính hiển vi điện tử cho thấy những khối lớn màu trắng chứa nhiều túi bào tử.

Hình 3

SỰ THAY ĐỔI MÔ BỆNH HỌC CỦA TÔM BỊ NHIỄM VI BÀO TỬ TRÙNG

Sự thay đổi mô bệnh học trên những con tôm bị bệnh từ hệ gan tụy và cơ thịt của nhóm tôm bị nhiễm bệnh sau 30 ngày thả nuôi cho thấy những đám màu trắng lớn của vi bào tử trùng microsporiadian dần dần thay thế hệ gan tụy và các cơ quan khác bao gồm dạ dày và phần cơ bụng trong khi nhóm những con tôm bị nhiễm vi bào tử trùng ở phần cơ cho thấy cơ bị thay thế dần bởi vi bào tử trùng. Ở giai đoạn 45, 60, 75, 90, 105 và 120 ngày tuổi thay đổi mô bệnh học cho thấy sự lây nhiễm vi bào tử trùng càng trở nên nghiêm  trọng hơn khi chúng gần như thay thế hoàn toàn hệ gan tụy. Ống gan tụy của những con tôm bị nhiễm bệnh nặng bị giãn rộng và hoại tử.

SỰ LƯU HÀNH VÀ TÍNH NGHIÊM TRỌNG CỦA BỆNH

Sự lưu hành của bệnh vi bào tử trùng được quan sát trong 03 ao nuôi tôm thâm canh tôm thẻ chân trắng không xử lý nước để loại bỏ cá khi thả nuôi cho thấy tỷ lệ lưu hành bệnh cao nhất là 25 – 28% ở giai đoạn 60 ngày tuổi (Bảng 1). Sau đó, tỷ lệ bệnh giảm nhẹ ở giai đoạn 80 – 90 ngày tuổi và đột ngột suy giảm nhanh chóng ở giai đoạn 105 ngày tuổi. Khi tôm được thu hoạch, tỷ lệ nhiễm bệnh chỉ còn 3.0 – 4.2%. Sau khi bệnh xuất hiện lần đầu tiên sau thả giống 15 – 20 ngày, số lượng tôm nhiễm bệnh quan sát được ngày càng tăng cho đến 60 ngày tuổi có thể bởi vì ở tôm lớn thì vi bào tử trùng thay thế phần lớn cơ thịt và các cơ quan khác, do đó mà những mảng trắng đục sẽ dễ dàng quan sát hơn trên tôm còn nhỏ. Điều này rất đáng quan tâm vì tỷ lệ phần trăm tôm bệnh quan sát trong sàng ăn tăng trong suốt vụ nuôi. Tôm bị nhiễm vi bào tử trùng microsporodian nặng thường bị mềm vỏ và chậm lớn hơn những con tôm mạnh khỏe. Tỷ lệ phần trăm tôm bị nhiễm bệnh trong sàng ăn và trong chài kiểm tra cũng được so sánh, kết quả chỉ ra rõ ràng rằng tỷ lệ phát hiện tôm bệnh trong chài thắp hơn rất nhiều so với tỷ lê tôm bệnh trong sàng ăn. Điều này cho thấy những con tôm bị bệnh thì không thể cạnh tranh với những con tôm mạnh khỏe trong thời gian cho ăn, vì thế chúng thường tìm đến sàng ăn. Chính vì thế mà việc đánh giá tỷ lệ tôm bệnh bằng cách chài sẽ chính xác hơn là đánh giá qua sàng ăn.

Bảng 01 – Tỷ lệ nhiễm bào tử trùng microsporidian trên tôm chân trắng trong 120 ngày nuôi

Chú thích:

A – Vi bào tử trùng nhiễm trên hệ gan tụy và cơ lưng bụng.

B – Vi bào tử trùng chỉ nhiễm trên cơ lưng bụng.

Tỷ lệ lưu hành bệnh đat đến 28% ở ao 03 sau 60 ngày thả nuôi. Sau 60 ngày, những con tôm bị nhiễm bệnh nặng sẽ chết dần vì các cơ quan bao gồm hệ gan tụy, cơ quan bạch huyết, dạ dày và cơ lưng bụng bị hư tổn nghiêm trọng dẫn đến việc suy giảm chức năng sinh lý bình thường của tôm và bị ăn bởi những con tôm khỏe mạnh khác. Hơn nữa, sau 60 ngày thì không còn xuất hiện tôm mới bị nhiễm bệnh do đó tỷ lệ nhiễm bệnh không gia tăng khi chài kiểm tra và khi thu hoạch thì không phát hiện dấu hiệu lâm sàng ban đầu của tôm bị nhiễm bệnh mặc dù nước từ ao chứa được sử dụng để thay nước trong quá trình nuôi không được xử lý.

Kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng sự nhiễm vi bào tử trùng xảy ra sau giai đoạn lây nhiễm bào tử ở giai đoạn tôm giống (bào tử bị ăn bởi tôm giống). Điều kiện môi trường trong giai đoạn giống phù hợp hơn cho sự lây nhiễm vi bào tử trùng so với điều kiện môi trường sau 60 ngày thả nuôi hoặc cũng có thể tôm lớn có khả năng đề kháng tốt hơn với vi bào tử trùng.

ẢNH HƯỞNG CỦA BỆNH ĐẾN TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG

Báo cáo của Prasertsri và cộng sự cho thấy tôm thẻ chân trắng bị nhiễm vi bào tử trùng trên gan tụy và trên cơ bụng đều có trọng lượng thấp nhất một cách có ý nghĩa so với tôm chỉ bị nhiễm trên cơ bụng và tôm khỏe mạnh tại thời điểm lấy mẫu là giai đoạn 45 ngày sau khi thả giống và trong suốt thời gian 120 ngày nuôi. Tôm chỉ bị nhiễm vi bào tử trùng trên cơ bụng thì có trọng lượng thấp hơn một cách có ý nghĩa so với tôm mạnh khỏe. Tôm bị bệnh nặng, đặc biệt là với những con bị nhiễm trên cả hệ gan tụy và cơ thì bị mềm vỏ và chậm phát triển hơn so với những nhóm còn lại. Mặc khác những con tôm bị bệnh nặng rất yếu vì vi bào tử trùng đã xấm chiếm phần lớn hệ gan tụy và những cơ quan cần thiết cho sự sống quan trọng khác. Chính vì thế mà tôm sẽ giảm ăn, giảm trao đổi chất và chậm phát triển. Khi tôm vào giai đoạn tuổi 75 – 105 ngày, tỷ lệ lưu hành bệnh giảm rõ rệt trong chài kiểm tra vì chúng đã chết dần và bị ăn thịt bởi những con tôm khỏe mạnh. Sau khi thu hoạch vào ngày 120, sản lượng và tỷ lệ sống có liên quan đến tỷ lệ cảm nhiễm vi bào tử trùng. Ao 2 có sản lượng cao nhất vì tỷ lệ nhiểm bệnh thấp nhất.

GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA BỆNH VI BÀO TỬ TRÙNG

Calcium hypochloride (chlorine) ở nồng độ 18 mg/l (ppm) dùng sử lý nước có hiệu quả đối với bào tử microsporidian. Tỷ lệ lưu hành bệnh khách biệt có ý nghĩa giữa ao được xứ lý nước (5,4%) so với ao không xử lý nước (25,2%). Tuy nhiên, một số bào tử vi bào tử trùng vẫn sống sót bất chấp tác dụng của chlorine (Limsuwan và cộng sự, 2008). Hàm lượng cao của cặn bã và vật chất hữu cơ có thể làm giảm độc lực của chlorine và qua đó cũng giảm tác dụng tiêu diệt các giai đoạn cảm nhiễm của vi bào tử trùng. pH cao cũng là nguyên nhân làm giảm độc lực của chlorine (Zillich, 1972; Floyd, 1979). Giải pháp ngăn ngừa bệnh này bao gồm cả việc loại bỏ những vật chủ trung gian mang mầm bệnh đặc biệt là các loài cá trong những vùng nuôi tôm đã bùng phát bệnh trước đó trước khi thả giống.

Bài viết được thực hiện bởiGSTS Chalor Limsuwan – Trung tâm nghiên cứu thương mại thủy sản (ABRC) – Khoa thủy sản – Trường Đại học Kasesart – Thailand
Nguồn: http://www.asianaquaculturenetwork.com

Lược dịch bởiKS NGUYỄN THÀNH QUANG THUẬN – https://sinhhoctomvang.vn/

Thông tin về ký sinh trùng gây chậm lớn trên tôm – EHP

EHP là gì?

EHP là chữ viết tắt của cụm từ Enterocytozoon hepatopenaei, đó là một loại ký sinh trùng vi khuẩn nấm (fungal microsporidian parasite) gây nhiễm trùng gan tụy trên tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) ở Thái Lan và dẫn đến làm tôm chậm phát triển và có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng mãn tính (một bệnh gọi là bệnh mãn tính có nghĩa là bệnh tiến triển kéo dài hoặc hay tái phát, thời gian bị bệnh thường rất lâu. Bệnh mãn tính không thể ngừa bằng vắc xin, không thể chữa khỏi hoàn toàn và cũng không tự biến mất). EHP cũng được biết đến tại các quốc gia có nuôi tôm như Brunei, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Venezuela và Việt Nam.

Cơ chế nhiễm bệnh – vòng đời ký sinh trùng EHP

Tôm bị nhiễm bệnh do ăn phải bào tử ký sinh trùng EHP có trong nước ao nuôi, từ chất hữu cơ lắng tụ, do ăn thịt lẫn nhau hoặc từ thức ăn sống bị nhiễm sẵn EHP (chẳng hạn như giun nhiều tơ – polychaetes; động vật thân mềm – chẳng hạn như mực, Artemia đông lạnh, v.v. những loại thức ăn trên dược dùng nhiều trong các trại sản xuất giống).

Bên trong hệ thống gan tụy các bào tử EHP được kích hoạt, giải phóng sợi cực của chúng và tiêm trực tiếp bào tử ký sinh trùng vào tế bào. Các bào tử tăng sinh trong hệ thống gan tụy, trưởng thành và sau đó được giải phóng trở lại vào ruột làm tổn thương tế bào ruột. Sau đó các bào tử bong ra và theo phân thải ra môi trường ngoài.

Ảnh hưởng của EHP đến tốc độ tăng trưởng của tôm

EHP lây nhiễm vào các ống gan của tôm khiến các tế bào gan bị bong tróc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiêu hóa của tôm. Nếu tôm không thể tiêu hóa và cải thiện được tình trạng mô bị mất, tôm sẽ giảm cảm giác thèm ăn, ăn chậm và dẫn đến chậm tăng trưởng.

Nhận biết tôm bị nhiễm EHP bằng phương pháp cảm quan

Tôm bị nhiễm EHP có thể nhận biết bằng phương pháp cảm quan do có lớp biểu bì mỏng, cơ trắng do phản ứng với tình trạng stress vì nhiễm bệnh, có các đốm đen trên cuống mắt, trong mô cơ và dọc theo ruột sau.

EHP phát triển nhanh như thế nào?

  • Tốc độ phát triển nhanh hay chậm của bệnh EHP phụ thuộc nhiều vào việc quản lý trang trại, tần suất thay nước nhiều hay ít và chất lượng thức ăn.
  • Một trong những thách thức lớn nhất cho vấn đề lây nhiễm EHP là tại các trang trại sử dụng hệ thống tuần hoàn nước qua các ao. Điều này có nghĩa là nước nhiễm EHP được giữa lại để sử dụng cho trong hệ thống tuần hoàn.
  • Tôm sạch bệnh (SPF) bị nhiễm bệnh trong vòng 2 tuần khi sống chung với tôm bị nhiễm bệnh. Tôm có thể bị nhiễm bệnh trong vòng một tuần khi cho ăn tôm bị nhiễm EHP và trong vòng 15 ngày khi tiếp xúc với đất ao. Đối với ao đất không có hệ thống xả thải hoặc loại bỏ mùn bả hữu cơ tích tụ ở đáy ao, quá trình nhiễm trùng có thể diễn ra rất nhanh.
  • Kiểm tra PCR tôm post cho kết quả âm tính nhưng bầy tôm bị nhiễm 20-30% trong hệ gan tụy có thể bị bệnh phân trắng trong 65-79 ngày nuôi. Đối với kết quả PCR dương tính cùng với 50-60% nhiễm bệnh trong hệ gan tụy, khi chuyển vào ao có thể bị bệnh phân trắng trong vòng 30-44 ngày. Trường hợp kết quả PCR dương tính và cường độ cảm nhiễm cao từ 40-90% trong gan tụy có thể phát triển phân trắng trong vòng 14-20 ngày.

Làm cách nào để kiểm tra xem tôm có bị nhiễm EHP không?

  • Kiểm tra bằng kính hiển vi với độ phóng đại 100 với dầu soi đối với gan và ruột tôm
  • Kiểm tra gan tôm bằng phương pháp PCR tại các phòng thí nghiệm. Mẫu tôm có thể được cho vào ethanol (cồn) và gửi đến phòng thí nghiệm ngay sau đó.
  • Đối với tôm bố mẹ có thể kiểm tra phân tôm bằng phương pháp PCR.
  • Việc kiểm tra sức khỏe và tốc độ tăng trưởng của tôm nên được thực hiện thường xuyên bằng cả phương pháp cảm quan và xét nghiệm nhanh tại các phòng lab. Những dấu hiệu căn bản sau đây có thể giúp người nuôi dự đoán khả năng bầy tôm của mình đã nhiễm EHP:
    • Chậm lớn so với mức độ thông thường mà tôm có thể đạt được sau một thời gian nuôi nhất định.
    • Kém ăn, sức ăn không tăng sau nhiều ngày.
    • Số lượng giọt dầu trong gan giảm đáng kể.
    • Chậm lột xác và không lớn đáng kể sau lột xác.
    • Số lượng các ống gan bị xưng cũng có thể cho thấy tình trạng nhiễm bệnh đang ở mức độ nặng nhẹ như thế nào.

Làm cách nào để quản lý tốt và phòng tránh EHP?

  1. Đối với cơ sở nuôi tôm bố mẹ
  • Sử dụng thức ăn tươi sống đã được kiểm tra bằng PCR không bị nhiễm EHP.
  • Chỉ dùng tôm bố mẹ đã kiểm tra không nhiễm EHP
  1. Trong trại sản xuất giống
  • Ngâm bể và xử lý toàn bộ đường ống liên quan bằng dung dịch Sodium hydroxyt trong 3 giờ, sau đó để khô hoàn toàn trong vòng 07 ngày.
  • Việc nâng pH lên 9 có thể làm giảm đến 90% lượng bào tử EHP.
  • Thực hành an toàn sinh học một cách chặt chẽ
  • Kiểm tra bệnh trước khi thả vào các hệ thống ương nuôi trong các giai đoạn tiếp theo tại trại giống
  • Kiểm tra EHP thường xuyên tại các giai đoạn sản xuất gống.
  • Nếu tôm ăn ít hơn bình thường, hãy lấy mẫu và kiểm tra ngay EHP.
  • Sử dụng thức ăn chất lượng cao để tăng cường sức khỏe cho tôm
  1. Trong ao nuôi thịt
  • Đảm bảo sát trùng hiệu quả hệ thống cấp nước, bạt ao nuôi, nước cấp đầu vào và trang thiết bị dụng cụ trong hệ thống nuôi.
  • Chuẩn bị nước thời gian lâu hơn có thể làm giảm EHP.
  • Sử dụng giống tôm không nhiễm EHP được chắc chắn bằng các kiểm tra cảm quan và PCR.
  • Mua giống tôm tại các trại giống uy tín.
  • Loại bỏ vật chất hữu cơ, chất thải lắng tụ ra khỏi ao tôm một cách triệt để.
  • Nếu phát hiện bị nhiễn EHP hãy cho ăn thức ăn có hàm lượng protein dễ tiêu hóa cao và cho ăn ít hơn bình thường.
  • PAC có thể được dùng tại các ao lắng để giúp lắng tụ hữu cơ tốt và kéo theo việc giảm các bào tử EHP có trong nước.
  • Luôn sẵn sàng nước mới, sạch EHP để thay thế khi cần thiết.
  1. Giữa các chu kỳ nuôi (vụ nuôi)
  • Làm sạch đáy ao, loại bỏ hết mùn bả hữu cơ trong ao.
  • Sử dụng thuốc tím với liều lượng thấp nhất là 15 ppm (15kg/1.000 m3 nước) hoặc chlorine với liều lượng 40 ppm.
  • Đối với ao đất nên bón thêm với CaO với liều 6 tấn/ha để tăng pH từ 8 – 11 một cách nhanh chóng. Để thực hiện việc này, ao cần phơi khô trước, bón vôi, cày đáy ở độ sâu 10 – 12 cm để trộn đều vôi, sau đó cấp nước vào làm ẩm để kích hoạt vôi.
  • Xử lý nước trước khi thả với liều lượng 18g/m3 Calcium hypochlorite để loại bỏ giáp xác (nếu có)

Nguồn: “Fact sheet on Enterocytozoon hepatopenaei, a microsporidian parasite of shrimp” – enaca.org

Dịch bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận – VPAS JSC