Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Bệnh Học

Xác định được loại virus mới gần đây gây chết hàng loạt trong các trại tôm giống ở Trung Quốc

Các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định được loại virus mới gần đây đã gây chết hàng loạt trong các trại tôm giống tại nước này

Phân tích các mẫu được lấy từ các trại giống ở tỉnh Quảng Đông cho thấy sự hiện diện của một loại virus mới với bộ gien mới được phát hiện, He Jianguo – nhà khoa học tại Trạm Công nghệ Tôm và Cua Quốc gia của Trung Quốc – cho biết tại một cuộc hội thảo được tổ chức trực tuyến tại Trung Quốc tuần này.

Ông nói: “Phân tích đã chỉ ra rằng “glass post-larvae” là một loại virus RNA mới, nhỏ, được đặt tên tạm thời là virus gây hoại tử gan tụy và đường tiêu hóa (HINV)”. Ông cho biết thêm, nhóm nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguồn lây của HINV là từ tôm bố mẹ hay trong nước.

Triệu chứng do HINV gây ra cho tôm thẻ chân trắng là hậu ấu trùng (PL) gần như trong suốt hoàn toàn, giống như thủy tinh. HINV chủ yếu ảnh hưởng đến gan tụy, đường tiêu hóa và biểu bì. Thông thường, ở tôm bị bệnh, cơ thể bị mất màu và trong suốt. Gây tổn thương gan và hoại tử tuyến tụy và đường tiêu hóa. Tỷ lệ tử vong (đối với PL) là 100% sau 4 ngày xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, đối với PL khỏe mạnh, triệu chứng có thể không xuất hiện.

Ông He Jianguo nói: “Trong nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy HINV lây nhiễm và gây bệnh mạnh đối với PL. Nhưng đối với tôm trưởng thành, virus này sẽ không gây tử vong nhanh chóng, nhưng tôm vẫn có thể bị chết vì căn bệnh này”.

 

Năm nay, hiện tượng “glass post-larvae” đang là một vấn đề nghiêm trọng tại Trung Quốc, nó xuất hiện ở cả miền Bắc, Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc. Việc xác nhận một loại virus mới sau các báo cáo về sự bùng phát nghiêm trọng của DIV1, được biết đến như là shrimp hemocyte iridescent virus (SHIV) trên tôm tại Quảng Đông đã làm giá tôm trong nước ở Trung Quốc hiện cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

T.P – https://www.mard.gov.vn/ (dịch theo Undercurrentnews)

Hoạt tính kháng virus của cỏ gà với tôm nhiễm WSSV

Kết quả của các nhà nghiên cứu ở Banglades cho thấy, có thể sử dụng ethanol chiết xuất từ cỏ gà Cynodon dactylon để ngăn ngừa nhiễm virus gây hội chứng đốm trắng ở tôm nuôi.

Virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV) đã làm thiệt hại lớn về kinh tế cho công nghiệp nuôi tôm trên toàn thế giới. Có nhiều loại thảo dược đã được biết đến có hoạt tính kháng virus nhờ khả năng ức chế bệnh ở cá và các loài thủy sản có vỏ.

Vì vậy, nghiên cứu về khả năng của các liệu pháp tự nhiên có nguồn gốc thực vật nhằm giảm nhẹ mức độ thiệt hại của bệnh này ở giáp xác là cần thiết. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu nhằm thử nghiệm hoạt tính kháng virus của ethanol chiết xuất từ cỏ gà đối với WSSV ở tôm sú chưa trưởng thành.

Cỏ gà (ST)

Tôm thí nghiệm có trọng lượng trung bình là 13,541 ± 2,927 g/con. Các liều khác nhau của ethanol chiết xuất từ cỏ gà (75, 100 và 150 mg/kg) đã được sử dụng (in vivo) bằng cách tiêm vào cơ của tôm sú thí nghiệm. Hoạt tính kháng virus được xác định bằng cách quan sát tỷ lệ sống; tôm bị nhiễm WSSV được khẳng định bằng kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) vào cuối thí nghiệm.

Trước khi thí nghiệm in vivo được tiến hành, sự hiện diện của các hợp chất kháng virus ((+)-catechin, acid vanillic, acid syringic, (−)-epicatechin, acid p-coumaric và các hợp chất hoạt tính sinh học quercetin) trong cỏ gà được khẳng định bằng kỹ thuật sắc ký lỏng hiệu năng cao với đầu dò mảng diode (HPLC-DAD).

Các kết quả có được trong nghiên cứu này cho thấy, liều từ 100 – 150 mg ethanol chiết xuất từ cỏ gà/kg thể trọng tôm đã ngăn nhiễm WSSV thông qua tôm thí nghiệm có tỷ lệ sống 100% và xét nghiệm bằng kỹ thuật nested PCR không có băng đặc hiệu của WSSV. Do đó, có thể sử dụng ethanol chiết xuất từ cỏ gà để ngăn ngừa nhiễm virus gây hội chứng đốm trắng WSSV trong nuôi tôm.

Anh Minh – http://www.thuysanvietnam.com.vn/
Theo Aquaculture International

Div1 không phải là hiểm họa của ngành tôm toàn cầu

Virus decapod iridescent (Div1) bùng phát tại Trung Quốc, hay còn được gọi là virus hemocyte iridescent (SHIV) không phải là một hiểm họa với ngành tôm toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại về khả năng virus này biến chủng, và gây tỷ lệ chết cao hơn trên tôm.

Ngày 12/4, South China Morning Post đăng thông tin về một đợt bùng phát virus Div1 tại miền Nam Trung Quốc và nhấn mạnh dịch bệnh này khiến người nuôi tôm tại đây đều phải khiếp sợ. Theo ghi nhận của hãng tin này, ¼ diện tích ao nuôi tôm tại tỉnh Quảng Đông bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt còn nông dân thì bất lực đứng nhìn.

Sau đó, Cơ quan NTTS ven biển Ấn Độ đã yêu cầu tất cả hãng nhập khẩu tôm và trại tôm giống tại Ấn Độ phải cảnh giác cao độ với virus Div1. Một chuyên gia làm việc cho một trong những công ty nuôi tôm lớn nhất Ấn Độ đã chia sẻ với Undercurrentews: suốt 24 giờ qua, chuyên gia này nhận được email liên tục hỏi về đợt bùng phát Div1.

Giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu tăng

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng khả năng về các đợt bùng phát SHIV ngoài Trung Quốc chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ. Mặc dù ngày càng có nhiều nghiên cứu và tài liệu khoa học khẳng định sự lây lan SHIV và độc lực của virus.

Nguồn gốc lây lan Div1 tại Trung Quốc vẫn chưa được làm rõ, nhưng có nhiều khả năng do các trại giống đã không sử dụng tôm bố mẹ sạch bệnh. Theo chuyên gia nói trên, virus SHIV cũng được phát hiện trong giun nhiều tơ Trung Quốc – nguồn thức ăn sống mà các trại giống Trung Quốc thường sử dụng cho ấu trùng tôm. Do đó, giun nhiều tơ đã trở thành một vật trung gian mang mầm bệnh cho tôm post và làm dịch bệnh bùng phát tại tỉnh Quảng Đông hồi đầu tháng 4 vừa qua.

SHIV được phát hiện lần đầu vào năm 2014 tại Zhejiang, Trung Quốc. Từng được cảnh báo là một dịch bệnh “hủy diệt”, nhưng thực tế thì không như vậy. Tuy nhiên, rất nhiều công ty nuôi tôm tại khu vực Đông Nam Á cũng từng rất lo ngại về dịch bệnh này. Cũng như họ đã từng rất lo lắng khi virus gây bệnh hoại tử cơ (IMNV) xuất hiện ở Indonesia và lan khắp Đông Nam Á. Tới nay, dịch bệnh này vẫn bám riết ngành tôm Indonesia, và xa hơn là Brazil.

Tôm thẻ nhiễm SHIV phát triển các triệu chứng khi trưởng thành, thông thường trong 30 ngày nuôi đầu tiên sau khi thả vào ao. Những triệu chứng này gồm teo gan tụy, màu nhạt dần, dạ dày và ruột rỗng, vỏ mềm, theo Liên minh NTTS toàn cầu (GAA) ghi nhận năm 2014. Theo GAA, tôm bị nhiễm bệnh sẽ chết hàng loạt. Trong một email gửi Undercurrentnews, GAA cho biết nhóm nghiên cứu của tổ chức này tại Trung Quốc đang điều tra các báo cáo mới đây về đợt bùng phát Div1 tại Quảng Đông.

Các chuyên gia của GAA cũng cho rằng đợt virus gây ra đợt bùng phát Div1 tại tỉnh Quảng Đông là một chủng virus mới. Chưa có nhiều tài liệu khoa học làm rõ các chủng virus SHIV nhưng tháng 2/2020,  GAA đã ghi nhận trường hợp xuất hiện virus Div1 trong tôm càng xanh tại Trung Quốc. Đáng chú ý, số tôm càng xanh này đang được nuôi ghép với tôm thẻ. Điều này đặt ra giả thiết, Div1 lây từ tôm thẻ sang tôm càng xanh và virus gây đợt bùng phát Div1 mới đây tại Trung Quốc có thể là virus bị biến chủng và có khả năng gây ra tỷ lệ chết trên tôm cao hơn. Tuy nhiên, SHIV là một virus DNA, nó có thể biến chủng thấp hơn virus đầu vàng – một virus RNA.

Hiện, SHIV chưa được liệt kê vào danh sách dịch bệnh gây hại sức khỏe vật nuôi của Tổ chứ Thú y Thế giới (OIE). Do đó, trong hầu hết các chương trình giống bố mẹ sẽ không xét nghiệm dịch bệnh này và phần lớn chính phủ các nước cũng không yêu cầu xét nghiệm Div1. Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia thì đây lại là một kẽ hở và đôi khi gây ra sự chủ quan trước Div1 hay SHIV.

Mi Lan
Theo Undercurrentnews

Thành phần trong “trứng gà” trị dứt điểm bệnh phÂn trắng trên tôm

Bệnh trên tôm luôn là nỗi lo lớn nhất vì hiện tại một số bệnh vẫn chưa có thuốc đặt trị hiệu quả. Nên khi ao tôm bị nhiễm bệnh thì tốc độ lây nhiễm rất nhanh làm ảnh hưởng rất lớn nhất đến người nông dân nuôi tôm. Do khoa học hiện đại nên việc nghiêm cứu điều chế các loại thuốc điều trị bệnh trên tôm lại trở nên phổ biến và cấp thiết hơn. Nhưng thành phần trị bệnh trên tôm đôi khi là những chế phẩm từ những thành phần mà có phần thân rất thân thuộc với chúng ta. Như việc trị bệnh phân trắng dứt điểm bằng Lysozyme trong lòng trắng trứng gà.

Lysozyme trong lòng trắng trứng gà
Lysozyme trong lòng trắng trứng gà có tính kháng khuẩn.

Khi tôm bị bệnh phân trắng, tỷ lệ vibrio được phát hiện cao gấp đôi so với bình thường trong ruột tôm. Điều này chứng tỏ vibrio cũng góp phần vào hệ thống tác nhân của Hội chứng phân trắng. Người nuôi thường dùng kháng sinh trong trường hợp tôm bị phân trắng, tuy nhiên kháng sinh sẽ tạo ra những vi khuẩn kháng kháng sinh, đây là mối quan tâm lớn hiện nay trên toàn thế giới. Một số biện pháp theo hướng an toàn sinh học đang được nghiên cứu và dần áp dụng là một điều đáng vui cho sự phát triển của nghề nuôi tôm. Chế phẩm sinh học hay các chất phụ gia đã được trộn vào thức ăn và cho thấy khả năng ngăn ngừa và kiểm soát được mầm bệnh một cách hiệu quả.

Lysozyme là chất có tiềm năng rất lớn để thay thế kháng sinh, có khả năng thủy phân thành tế bào peptidolycan của vi khuẩn. Lysozyme có nhiều trong các dung dịch và các mô sinh học, trong đó có lòng trắng trứng. Chất này đang được sử dụng rộng rãi để bổ sung vào trong thức ăn và cho kết quả kháng khuẩn vượt trội trong ngành chăn nuôi và một số loài thủy sản. Như việc cải thiện hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn Aeromonas hydrophyla trên cua; tăng sức đề kháng và tăng tỉ lệ sống khi được bổ sung trên cá hồi. Nhưng chưa có nghiên cứu lysozyme sẽ ngăn ngừa những bệnh truyền nhiễm. Do đó, người ta đánh giá hiệu quả của lysozyme trong lòng trắng trứng với việc ức chế chủng vibrio và xem xét biểu hiện của các gen trong  hệ miễn dịch cũng như chống oxy hóa trên tôm thẻ chân trắng. Hơn nữa cũng để xác định nồng độ tối ưu của lysozyme nên được bổ sung là bao nhiêu? Từ đó có bước đi mới để hạn chế việc sử dụng kháng sinh và phòng bệnh phân trắng.

Thí nghiệm:

Chuẩn bị lysozyme từ lòng trắng trứng chia thành 5 nghiệm thức: đối chứng, 0.005, 0.025, 0.125, 0.625 g/kg thức ăn cho tôm PL12 đã được xét nghiệm sạch bệnh, không nhiễm vibrio, cho ăn liên tục trong 4 tuần các nghiệm thức trên với tỷ lệ 10% trọng lượng thân.

Sau đó thu và nuôi cấy vibrio trên tôm ở những môi trường chuyên biệt , định danh và định lượng các loài xuất hiện. Thực hiên xét nghiệm PCR để xem xét biểu hiện của những gen quy định chức năng miễn dịch và chống oxy hóa. Đồng thời , đánh giá hiệu suất tăng trưởng, FCR của tôm thí nghiệm. Phân tích thống kê để đưa ra kết quả.

Kết quả cho thấy nghiệm thức 0,125g/kg và 0,625g/kg thức ăn thể hiện hoạt tính kháng khuẩn mạnh nhất, hoạt động mạnh mẽ trong hệ tiêu hóa, làm các chủng vibrio sụt giảm đáng kể, nhất là nhóm khuẩn lạc xanh (vibrio parahaemolyticus và vibrio harveyi). Ngoài ra các chất chống oxy hóa trong gan tụy, các gen biểu hiện miễn dịch cũng gia tăng nhanh về số lượng.

Tỷ lệ sống và bất cứ chỉ số tăng trưởng nào cũng không thay đổi, không có tác dụng phụ xảy ra. Khi đưa vào tôm đã bị bệnh phân trắng 6 tuần, sau 5 ngày cho ăn lysozyme, không còn thấy phân trắng khi bổ sung 0,125g/kg thức ăn và cũng không có dấu hiệu tái phát ở thời gian sau đó. Điều này chứng minh lysozyme là chất đẩy lùi được phân trắng hiệu quả ở liều 0,125g/kg thức ăn trở lên.

Cụ thể lysozyme vào trong cơ thể tôm sẽ kích thích hoạt động thực bào. Hơn thế nữa, lysozyme còn có khả năng phá vỡ cấu trúc của màng peptidoglycan của vi khuẩn gram âm, từ đó làm chết vi khuẩn. Những chủng vibrio khuẩn lạc xanh (gây hại nặng hơn) do không thể sử dụng đường sucrose giảm số lượng nhiều hơn so với nhóm tạo khuẩn lạc vàng. Trong hệ miễn dịch, lysozyme đã tăng cường hoạt động của enzyme phenoloxidase  liên quan đến quá trình melanin hóa kết tụ vi khuẩn lại và tiêu diệt.

Như vậy việc bổ sung lysozyme từ lòng trắng trứng vào thức ăn tôm thẻ chân trắng đã làm giảm được sự tấn công của các mầm bệnh trên tôm. Lysozyme cũng đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc chống oxy hóa, cải thiện hoạt động miễn dịch và tăng tỷ lệ sống của tôm. Những kết quả trên cho thấy bổ sung lysozyme là một phương pháp hiệu quả để thay thế việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và đẩy lùi bệnh phân trắng một cách hiệu quả.

Nguồn: TEPBAC

Thực hư thông tin Virus Div1 gây bệnh trên tôm: Ít nguy hại hơn ở Việt Nam

Thông tin virus Div1 gây bệnh trên tôm nước lợ đang tấn công các trang trại nuôi tôm ở Quảng Đông (Trung Quốc), gây hoang mang trong dư luận. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, virus Div1 được ghi nhận chỉ xuất hiện ở Trung Quốc, Thái Lan và dịch bệnh sẽ ít nguy hại hơn ở Việt Nam.

Để đối phó với dịch bệnh Div1 trên tôm nước lợ ở Việt Nam, một số nghiên cứu về dịch tễ, phương pháp chẩn đoán và thực nghiệm gây bệnh trên tôm nước lợ đang được triển khai.

Tổng cục Thủy sản cho biết, qua tìm hiểu thông tin từ các nhà khoa học và các tài liệu nghiên cứu trước đây, virus gây bệnh trên tôm ở Quảng Đông (Trung Quốc) được biết đến với tên Decapod iridescent virus 1 (Div1) hay còn được gọi Shirmp hemocyte iridescent virus (SHIV).

Virus Div1 gây bệnh trên tôm ít nguy hại hơn ở Việt Nam  - Ảnh 1.

Virus Div1 sẽ ít nguy hại hơn ở Việt Nam do công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng của Việt Nam phát triển cao (nuôi có kiểm soát trong nhà kính, ao lót bạt, nuôi an toàn sinh học…), hạn chế được mầm bệnh từ môi trường bên ngoài. Ảnh: K. Lực

Loài virus mới thuộc họ Iridoviridae được tìm thấy đầu tiên trên tôm thẻ chân trắng nuôi ở tỉnh Chiết Giang và tôm càng xanh ở một số địa phương khác của Trung Quốc từ tháng 12/2014.

Năm 2018, bệnh Div1 được ghi nhận chỉ xuất hiện ở Trung Quốc và Thái Lan. Bệnh xuất hiện trở lại ở tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc từ tháng 2 năm nay đã ảnh hưởng đến khoảng 1/4 diện tích nuôi tôm ở tỉnh này.

Virus (Div1) tấn công vào tế bào máu trong mang, gan tụy và cơ của tôm. Khi tôm bị nhiễm Div1, tôm chìm xuống đáy ao, mềm vỏ và chuyển màu đỏ nhạt, dạ dày và ruột rỗng, bề mặt và mặt cắt gan tụy nhạt màu.

Theo quan sát ban đầu, tôm bị nhiễm mạnh vào mùa đông. Tác động của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn khi tôm bị bội nhiễm với vi khuẩn vibrio, trong ao có tảo bùng phát mạnh hoặc trời mưa kéo dài. Tôm ít bị nhiễm vào mùa hè, mùa thu, nhất là khi nhiệt độ trên 300C.

Một số nhận định ban đầu cho rằng, bệnh này được xem là không nghiêm trọng trên tôm nuôi so với các bệnh thường gặp khác như: đốm trắng, hoại tử gan tuỵ cấp, phân trắng, vi bào tử trùng; tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo cần cảnh giác và có biện pháp ngăn ngừa phù hợp.

Đến nay, nguồn gốc và cách truyền lây của virus vẫn chưa rõ ràng (một số thông tin cho rằng nguồn lây chủ yếu từ dời tươi (giun nhiều tơ) và chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả. Người nuôi đang áp dụng các biện pháp như: không cho người lạ vào cơ sở nuôi, khử khuẩn thường xuyên.

Một số nhà khoa học nhận định rằng, mức độ trầm trọng của dịch bệnh này ở Trung Quốc do phương pháp nuôi của họ còn thô sơ, lạc hậu (ao đất) và nhận định rằng dịch bệnh sẽ ít nguy hại hơn ở Việt Nam do công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng của Việt Nam phát triển cao (nuôi có kiểm soát trong nhà kính, ao lót bạt, nuôi an toàn sinh học…), hạn chế được mầm bệnh từ môi trường bên ngoài.

Hiện nay, đang là thời điểm thả tôm nuôi chính vụ, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã giảm tại các tỉnh ĐBSCL và tại các tỉnh bắt đầu có mưa. Độ mặn và điều kiện thời tiết bắt đầu phù hợp cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là đối với con tôm”

Năm nay do dịch Covid-19 và điều kiện khắc nghiệt của thời tiết nên diện tích thả nuôi tôm đạt thấp hơn cùng kỳ năm 2019. Tính đến 8/4, diện tích nuôi tôm đạt 441.593 ha, bằng 82,7% so với cùng kỳ năm 2019; phần lớn diện tích thả tôm sú quảng canh.

Hiện nay, thời tiết thuận lợi hơn, nên người dân bắt đầu thả nuôi tôm. Tuy nhiên, các yếu tố liên quan đến dịch bệnh đang được bà con nông dân quan tâm. Tại Việt Nam, virus đốm trắng đang tấn công mạnh các ao tôm từ một tháng rưỡi tuổi ở Sóc Trăng và một số tỉnh, khiến sức đề kháng của tôm bị giảm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hệ sinh thái biến đổi, khiến vi khuẩn (và virus) có cơ hội phát triển tấn công tôm nuôi trong hoàn cảnh tôm nuôi sức khoẻ suy giảm khiến ao tôm bị sự cố, phải thu sớm, thiệt hại.

Tình trạng này kéo dài nhiều tuần, khiến ngoài người nuôi mang tôm non và tôm cỡ nhỏ đi bán cho các cơ sở chuyên mua, chế biến tôm cỡ nhỏ (100-250 con mỗi kg).

Trước thông tin về dịch bệnh Div1 trên tôm nước lợ nuôi ở Trung Quốc, Tổng cục Thuỷ sản đề xuất Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y kiểm soát nhập tôm bố mẹ, tôm giống, dời tươi từ Trung Quốc, Thái Lan; Thực hiện điều tra dịch tễ học của bệnh Div1 ở một số vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm ở Việt Nam.

Cùng với đó, tổ chức thông tin, truyền thông về mức độ nguy hại của bệnh Div1 trên tôm nước lợ; xây dựng phương án và hướng dẫn các địa phương, cơ sở nuôi tôm nước lợ phòng chống dịch bệnh Div1.

Khương Lực – http://trangtraiviet.vn/

Không chủ quan dịch bệnh do virus Div trên tôm nước lợ

Bệnh do virus Div1 được xem là không nghiêm trọng trên tôm, song các chuyên gia cũng cảnh báo cần cảnh giác và có biện pháp ngăn ngừa phù hợp.

Theo Tổng cục Thủy sản, ngày 12/4/2020, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Trung Quốc đã thông tin về virus mới đang tấn công các trang trại nuôi tôm ở Quảng Đông Trung Quốc. Sau đó nhiều báo, trang mạng trong nước đã chia sẻ thông tin này.

Quan tìm hiểu thông tin từ các nhà khoa học và các tài liệu nghiên cứu trước đây liên quan đến nội dung này, Tổng cục Thuỷ sản cho biết: Virus này được biết đến với tên Decapod iridescent virus 1 (Div1) hay còn được gọi Shirmp hemocyte iridescent virus (SHIV). Loài virus mới thuộc họ Iridoviridae được tìm thấy đầu tiên trên tôm thẻ chân trắng nuôi ở tỉnh Chiết Giang và tôm càng xanh ở một số địa phương khác của Trung Quốc từ tháng 12 năm 2014.

Mặc dù được đánh giá không nghiêm trọng trên tôm nuôi, nhưng không chủ quan với bệnh do virus Div1. Ảnh: TL

Mặc dù được đánh giá không nghiêm trọng trên tôm nuôi, nhưng không chủ quan với bệnh do virus Div1. Ảnh: TL

Năm 2018, bệnh Div1 được ghi nhận chỉ xuất hiện ở Trung Quốc và Thái Lan. Bệnh xuất hiện trở lại ở tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc từ tháng 2 năm nay đã ảnh hưởng đến khoảng ¼ diện tích nuôi tôm ở tỉnh này.

Virus (Div1) tấn công vào tế bào máu trong mang, gan tụy và cơ của tôm. Khi tôm bị nhiễm Div1, tôm chìm xuống đáy ao, mềm vỏ và chuyển màu đỏ nhạt, dạ dày và ruột rỗng, bề mặt và mặt cắt gan tụy nhạt màu. Theo quan sát ban đầu, tôm bị nhiễm mạnh vào mùa đông.

Tác động của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn khi tôm bị bội nhiễm với vi khuẩn vibrio, trong ao có tảo bùng phát mạnh hoặc trời mưa kéo dài. Tôm ít bị nhiễm vào mùa hè, mùa thu, nhất là khi nhiệt độ trên 30 độ C. Một số nhận định ban đầu cho rằng, bệnh này được xem là không nghiêm trọng trên tôm nuôi so với các bệnh thường gặp khác như: đốm trắng, hoại tử gan tuỵ cấp, phân trắng, vi bào tử trùng; tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo cần cảnh giác và có biện pháp ngăn ngừa phù hợp.

Đến nay, nguồn gốc và cách truyền lây của virus vẫn chưa rõ ràng (một số thông tin cho rằng nguồn lây chủ yếu từ Dời tươi (giun nhiều tơ)) và chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả. Người nuôi đang áp dụng các biện pháp như: không cho người lạ vào cơ sở nuôi, khử khuẩn thường xuyên.

Một số nhà khoa học nhận định rằng, mức độ trầm trọng của dịch bệnh này ở Trung Quốc do phương pháp nuôi của họ còn thô sơ, lạc hậu (ao đất) và nhận định rằng dịch bệnh sẽ ít nguy hại hơn ở Việt Nam do công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng của Việt Nam phát triển cao (nuôi có kiểm soát trong nhà kính, ao lót bạt, nuôi an toàn sinh học…), hạn chế được mầm bệnh từ môi trường bên ngoài.

Để đối phó với dịch bệnh Div1 trên tôm nước lợ ở Việt Nam, một số nghiên cứu về dịch tễ, phương pháp chẩn đoán và thực nghiệm gây bệnh trên tôm nước lợ đang được triển khai.

Trước thông tin về dịch bệnh Div1 trên tôm nước lợ nuôi ở Trung Quốc, Tổng cục Thuỷ sản xin đề xuất và kiến nghị Bộ NN-PTNT giao Cục Thú y tham mưu giải pháp kiểm soát nhập tôm bố mẹ, tôm giống, Dời tươi từ Trung Quốc, Thái Lan…; thực hiện điều tra dịch tễ học của bệnh Div1 ở một số vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm ở Việt Nam.

Nhiều hộ nuôi tôm ở Nghệ An mất trắng hàng trăm triệu do dịch bệnh đầu vụ

Trước khi thả tôm giống để nuôi vụ chính, bà con ở Nghệ An đã xử lý ao đầm, sẵn sàng các điều kiện khá bài bản nhưng dịch bệnh vẫn xuất hiện gây thiệt hại ngay từ đầu vụ nuôi.

Xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) có hơn 186 ha nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung ở thôn Mai Giang 1, Nông trường Trịnh Môn… Theo ghi nhận, đến thời điểm này, bà con ở đây đã thả trên 80% diện tích ao nuôi nhưng đã có hàng chục ha phải xử lý lại toàn bộ để thả tiếp vụ mới do dịch bệnh.

Ông Vũ Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng cho biết, chưa năm nào, người dân nuôi tôm vụ 1 lại khó khăn như hiện nay. Mới đầu vụ đã xuất hiện dịch bệnh liên tiếp ở tôm; tại 1 hộ ở vùng  Nông trường Trịnh Môn đã phát hiện tôm bệnh đốm trắng với diện tích 0,5 ha. Sau đó, nhiều hộ khác cũng có tôm bị dịch bệnh buộc phải xử lý lại toàn bộ để thả nuôi vụ mới.

Triệu chứng tôm nuôi 2 tháng chậm lớn và hàng chục ha tôm vụ 1 ở Quỳnh Lưu buộc phải xử lý để tiếp tục thả nuôi. Ảnh: Việt Hùng

Theo thống kê từ UBND xã Quỳnh Bảng, hiện địa phương có khoảng 25 – 30 ha tôm bị dịch bệnh, riêng tôm bị đốm trắng là 0,5 ha; còn lại tôm bị bệnh nuôi chậm lớn gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đơn cử như hộ các ông Nguyễn Khắc Đức, Hồ Thái Hưng, Hồ Đình Đạo… đều nuôi 2 ao, mỗi ao 3.000 – 5.000 m2; sau 2 – 3 tháng nuôi đáng ra gần thu hoạch nhưng tôm vẫn không lớn, chỉ bằng con tép. Nếu tính thiệt hại về giống, chi phí thức ăn thì mỗi hộ mất trắng trên 100 triệu đồng.

Còn tại vùng nuôi tôm ở xã An Hòa (Quỳnh Lưu), mặc dù bà con ở đây thả nuôi chậm hơn nhưng vẫn không tránh khỏi dịch bệnh. Nhiều hộ đầu tư hàng chục triệu đồng, công chăm sóc nay mất trắng. Ông Nguyễn Văn Tráng là một trong những hộ có quy trình nuôi tôm khá bài bản nhưng vụ thả nuôi này cũng gặp bất lợi do tôm bị dịch bệnh.

Theo ông Tráng, đầu tháng 3 dương lịch, gia đình ông tiến hành thả nuôi 26.000 con tôm giống tại ao số 1 để ươm, khi tôm lớn sẽ cho vào những ao khác. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng nuôi, tuân thủ quy trình chăm sóc nhưng tôm vẫn không lớn. Khoảng 15 ngày sau, ông tiếp tục mua giống về thả nuôi để mong sao kéo lại vốn đầu tư bỏ ra…

Ông Nguyễn Văn Tráng, hộ nuôi tôm ở xã An Hòa (Quỳnh Lưu) kiểm tra ao, bổ sung thức ăn phòng bệnh cho tôm. Ảnh: Việt Hùng

“Nuôi tôm nhiều năm nhưng đây là vụ nuôi gây nhiều khó khăn nhất cho bà con. Lúc thả nuôi thì thời tiết nắng, thuận lợi để tôm sinh trưởng nhưng thời gian vừa rồi, mưa lạnh thất thường khiến môi trường thay đổi làm con tôm phát bệnh, chậm lớn. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ xung quanh cũng mất khoảng 60 – 70 triệu đồng tiền giống và chi phí”, ông Tráng nói.

Toàn huyện Quỳnh Lưu có 460 ha nuôi tôm tập trung ở các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, An Hòa… Tính đến ngày 14/4, tổng diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh, chậm lớn khoảng hơn 35 ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã Quỳnh Bảng và An Hòa. Được biết, ngoài tác động của thời tiết thì nguyên nhân dẫn đến tôm chậm lớn là do thức ăn kém chất lượng, không đủ dinh dưỡng; con giống yếu; tôm nhiễm bệnh còi; nhiễm phân trắng, đặc biệt mật độ thả nuôi dày cũng là nguyên nhân khiến tôm chậm lớn.

Các hộ nuôi tôm phải thật chủ động khi bước vào vụ nuôi tôm, bởi đây là vụ quyết định đến năng suất, sản lượng và kinh tế của cả năm. Khi thấy thời tiết thuận lợi bà con mới thả nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch cho tôm nuôi trong ao, tăng cường khoáng chất, vitamin để đảm bảo sức đề kháng cho tôm. Đối với các ao nuôi có tôm bị dịch bệnh thì buộc người dân phải xử lý môi trường theo quy trình, không xả ra môi trường ngoài để hạn chế lây lan dịch bệnh cho vùng nuôi tôm khác…

Ông Bùi Xuân Trúc-  Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu

Tại thị xã Hoàng Mai, mới đầu vụ thả tôm nhưng một số vùng nuôi ở các phường Quỳnh Xuân, Quỳnh Liên.. cũng xuất hiện tôm bị dịch bệnh.
Ông Hoàng Ngọc Thủy – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai cho biết, để đảm bảo cho vụ nuôi tôm thành công, bên cạnh việc chọn mua con giống chất lượng, thị xã khuyến cáo bà con cần chú ý xuống giống theo lịch thời vụ.
Không chỉ dịch bệnh những hộ nuôi tôm vừa qua cũng bị giảm lợi nhuận do giá tôm thương phẩm giảm khoảng 20% so với trước.