Từ đầu năm đến nay, do điều kiện thời tiết, môi trường diễn biến bất lợi, làm dịch bệnh tôm nuôi phát sinh, lây lan. Ghi nhận tại một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình, nhiều diện tích nuôi tôm của người dân đã bị chết, ngành chức năng các tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp khắc phục.
Tôm chết vì bệnh
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hải Phòng, bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính xuất hiện từ ngày 14/4, tại 2 huyện, quận, tổng diện tích tôm nuôi nhiễm bệnh trên địa bàn thành phố 250,43 ha, diện tích nuôi tôm có nguy cơ nhiễm bệnh trên 503 ha tại quận Dương Kinh và huyện Tiên Lãng. Tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn là 508,12 ha, đến 21/4 tổng diện tích tôm mắc bệnh là 15 ha tại 11 hộ nuôi tôm, diện tích nguy cơ 340,6 ha; ước tính thiệt hại khoảng 7,5 tỷ đồng. Còn tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh, tính đến 27/4 tổng diện tích tôm bị bệnh 235,43 ha, trong đó có 80,186 ha thuộc Xí nghiệp NTTS Kiến Thụy và 155,24 ha của các hộ nuôi riêng lẻ.
Ảnh minh họa (Phan Thanh Cường)
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh ở tôm nuôi, Sở NN&PTNT Hải Phòng đã kịp thời trình UBND thành phố sử dụng nguồn hóa chất dự phòng chống dịch thủy sản, xuất cấp cho huyện Tiên Lãng, quận Dương Kinh 8,8 tấn Chlorine 65% min và 20 tấn Sodium Chlorite 20% giúp 2 địa phương này phòng, chống dịch bệnh.
Tại vùng nuôi tôm ở tỉnh Nghệ An, hơn 1 tháng qua, hàng chục ha TTCT vụ 1 bị dịch bệnh chết đồng loạt. Với hơn 186 ha nuôi TTTC tập trung ở xóm Tân Xuân, Mai Giang 1, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu người dân đã thả trên 80% diện tích ao nuôi nhưng có hàng chục ha phải xử lý lại toàn bộ để thả tiếp vụ mới do dịch bệnh, thiệt hại ước tính trên 2 tỷ đồng. Còn theo thống kê, toàn xã Quỳnh Bảng có khoảng 30 ha tôm bị dịch bệnh, riêng tôm bị đốm trắng là 0,5 ha; còn lại tôm bị bệnh nuôi chậm lớn. Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có 460 ha nuôi tôm; đến giữa tháng 4/2020, tổng diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh, chậm lớn khoảng hơn 35 ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã Quỳnh Bảng và An Hòa. Tại thị xã Hoàng Mai cũng có khoảng trên 10 ha tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, tập trung ở một số vùng nuôi các phường Quỳnh Xuân, Quỳnh Liên… Các bệnh thường gặp ở tôm như đốm trắng, hồng thân, đường ruột…
Tình hình dịch bệnh trên tôm cũng khá phức tạp tại tỉnh Quảng Bình; khi theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên tôm đã xảy ra tại 3 huyện, thị xã với tổng diện tích bị bệnh 30,414 ha; trong đó, tôm chủ yếu nhiễm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô. Riêng trong tháng 4, dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ở 47 ao nuôi của 34 hộ với tổng diện tích bị bệnh là 17,45 ha. Tại huyện Quảng Ninh, dịch bệnh đốm trắng xảy ra ở 37 ao nuôi của 26 hộ thuộc 2 xã Hàm Ninh, Võ Ninh với diện tích bị bệnh là 12,26 ha. Tại thị xã Ba Đồn, bệnh đốm trắng xảy ra ở 6 ao nuôi của 6 hộ thuộc 3 xã Quảng Phúc, Quảng Lộc, Quảng Tiên với diện tích bị bệnh là 2,895 ha. Dịch bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô, hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra ở 4 ao của 2 hộ thuộc 2 xã Hải Phú, Đồng Trạch (huyện Bố Trạch) với diện tích bị bệnh là 2,3 ha.
Tăng cường quản lý
Ngay khi có dịch bệnh trên tôm, các địa phương đã chủ động cử cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn hướng dẫn người dân làm tốt công tác cải tạo ao nuôi; các cơ sở nuôi tôm cần phải có ao chứa/lắng để chủ động xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi; những ao bị dịch bệnh không tiếp tục thả nuôi tôm mà nên chuyển sang nuôi đối tượng khác. Cần chăm sóc, quản lý đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là thời điểm giao mùa luôn phải bảo đảm các điều kiện môi trường thích hợp cho tôm sinh trưởng, như: ôxy hòa tan, pH, độ mặn, nhiệt độ nước; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường; cho ăn thức ăn bảo đảm chất lượng, tránh dư thừa.
Người nuôi tôm cũng cần lựa chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng tại các cơ sở giống có uy tín, tôm giống sạch bệnh (nên TEST, kiểm tra phát hiện mầm bệnh ở tôm giống), thả nuôi với mật độ thích hợp. Cần thường xuyên theo dõi hoạt động của tôm, kiểm tra và phát hiện sớm dịch bệnh, chủ động khai báo sớm cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để khoanh vùng dập dịch đúng quy định; không được xả nước thải từ các ao nuôi bị bệnh ra môi trường chung làm lây lan dịch bệnh.
Ông Phạm Văn Thép, Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng cho biết, người dân tuyệt đối không xả thải nước từ cơ sở nhiễm bệnh chưa qua xử lý ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh. Tiêu độc, khử trùng toàn bộ nước trong ao nuôi, dụng cụ liên quan bằng hóa chất có trong danh mục được phép lưu hành, sử dụng trong nuôi thủy sản tại Việt Nam theo quy định của Bộ NN&PTNT như Chlorine, Sodium chlorite, BKC… Đối với các hộ nuôi có mật độ vi khuẩn Vibrio sp trong nước vượt ngưỡng cho phép; dùng hóa chất, chế phẩm sinh học để xử lý đáy ao định kỳ 15 ngày/lần; quản lý thức ăn hàng ngày, tránh dư thừa gây ô nhiễm ao. Thường xuyên giám sát dịch bệnh, khi phát hiện thủy sản có dấu hiệu bất thường báo ngay cho chính quyền địa phương và Chi cục Chăn nuôi và Thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Ngọc Hân – http://www.thuysanvietnam.com.vn/