Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Quản Lý Nuôi

Nuôi tôm không cần kháng sinh, đạt chuẩn xuất khẩu vào Mỹ

Nuôi tôm – đặc biệt là tôm thẻ chân trắng được xem là thế mạnh của các địa phương ven biển ĐBSCL, mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, gần đây tình hình biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến nghề nuôi tôm, làm ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi, không ít người nuôi thua lỗ…

Đó là thông tin tại buổi toạ đàm với chủ đề “Nuôi tôm thẻ chân trắng bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP)” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 29/5, tại xã Long Hữu, huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh).

Nuôi tôm không cần dùng kháng sinh

Tại buổi tọa đàm, bà con nông dân đã được các chuyên gia nông nghiệp, thủy sản thông tin về tác động của biến đổi khí hậu đến nghề nuôi tôm thẻ, đặc biệt là tình hình xâm nhập mặn và khô hạn; các bệnh tôm thường gặp và cách phòng trị bệnh; các loại thuốc kháng sinh, hóa chất không được sử dụng trong nuôi tôm; các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất tôm…

Nuôi tôm không kháng sinh, đạt chuẩn xuất khẩu  - Ảnh 1.

Các chuyên gia chia sẻ thông tin về nuôi tôm thẻ chân trắng tại buổi tọa đàm. Ảnh: T.T

Từ đầu năm đến nay đã có gần 16.000ha diện tích tôm nuôi ở khu vực ĐBSCL bị thiệt hại. Hiện đang vào thời điểm giao mùa, biên độ nhiệt thay đổi rất lớn giữa ngày và đêm. Biên độ nhiệt dao động cao sẽ khiến con tôm bị giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh phát sinh do vi khuẩn virus xâm nhập.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Văn Xét (ở ấp 17, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) – người nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh, áp dụng công nghệ cao 3 năm qua, cho biết: “Mô hình nuôi công nghệ cao trong hồ tròn đảm bảo ATTP vì thả dày và xử lý chất thải rất tốt so với nuôi trong ao đất. Tôi không dùng kháng sinh, chỉ đánh khoáng, men và thuốc vi sinh. Tôm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ”.

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Để nuôi tôm đảm bảo ATTP, trước hết người nuôi phải chọn địa điểm nuôi xa khu công nghiệp, không có nguồn nước thải. Nguồn nước cấp, thoát phải đảm bảo an toàn. Nếu khu vực rộng thì vùng nuôi phải được các cơ quan thẩm quyền xác định đó là vùng nuôi tôm ATTP.

Đối với người nuôi, điều đầu tiên là không sử dụng hoá chất kháng sinh nằm trong danh mục cấm của Bộ NNPTNT ban hành theo Thông tư số 26. Trong quá trình nuôi, người nuôi phải thực hiện ghi chép sổ tay, nhật ký hàng ngày để truy xuất nguồn gốc. Nếu có sử dụng kháng sinh thì phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Đồng thời, phải chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng của địa phương.

Chăm sóc tôm lúc giao mùa

Tại buổi toạ đàm, nhiều câu hỏi của bà con nông dân về những tiến bộ kỹ thuật mới, những tình huống thường gặp trong thực tế nuôi tôm, những chính sách hỗ trợ cho bà con có thể áp dụng nuôi tôm công nghệ cao… đều được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng.

Về câu hỏi của bà con nông dân liên quan đến việc phòng trị bệnh cho tôm lúc giao mùa, đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến con tôm. Từ đầu năm đến nay đã có gần 16.000ha diện tích tôm nuôi ở khu vực ĐBSCL bị thiệt hại.

Hiện đang vào thời điểm giao mùa, biên độ nhiệt thay đổi rất lớn giữa ngày và đêm. Biên độ nhiệt dao động cao sẽ khiến con tôm bị giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh phát sinh do vi khuẩn virus xâm nhập.

Để hạn chế thiệt hại do nắng nóng vào lúc giao mùa, ông Kim Văn Tiêu khuyến cáo bà con nông dân nên duy trì mực nước từ 1,5-1,8m. Đồng thời phải tạo không khí, quạt nước liên tục để trung hoà nhiệt độ giữa tầng mặt và tầng đáy. Nếu nắng quá thì che lưới lại, giảm bớt nhiệt độ, giảm bớt tảo phát triển. Xi phông đáy ngày có thể 2-3 lần nếu nuôi ao lót bạt hoặc hồ tròn.

Bên cạnh đó, nhiệt độ trên 35 độ C thì người nuôi nên giảm khoảng 1 nửa lượng thức ăn. Nếu có mưa to, bà con phải có ống tràn để gạt bỏ nước mưa, bón vôi để nâng độ pH, đảm bảo mức độ 7,5 – 8,5 cho phù hợp với con tôm.

“Hiện chúng tôi đã thực hiện mô hình tại Sóc Trăng không cần phải sử dụng kháng sinh, hoá chất. Bà con nuôi tôm chỉ sử dụng chế phẩm sinh học mà thôi. Thực tế chế phẩm đáp ứng tiêu chí tôm nhanh lớn và đảm bảo ATTP. Nếu dùng chế phẩm, khuyến cáo bà con chú ý phải sử dụng chế phẩm vi sinh tốt, nguồn gốc rõ ràng. Thứ hai là tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất. Thứ ba, thời điểm sử dụng phải trước khi thả tôm, sẽ tốt hơn đợi đến nước ô nhiễm rồi mới sử dụng vi sinh” – ông Kim Văn Tiêu cho biết.

Thiên Ngân- https://danviet.vn/

Lưu ý nuôi tôm hùm khi thời tiết bất lợi

Nuôi tôm hùm
Kết qua quan trắc môi trường vùng nuôi tôm hùm lồng bè TX Sông Cầu (Phú Yên) cho thấy một số chỉ tiêu vnằm ngoài ngưỡng GHCP. Ảnh: KS.

Thời tiết ngày nắng nóng, oi bức, thỉnh thoảng chiều tối và đêm có mưa dông rất bất lợi trong việc nuôi tôm hùm…

Trung tâm Giống Nông nghiệp Phú Yên vừa thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường nước định kỳ tại các vùng nuôi tôm hùm lồng, bè tại TX Sông Cầu.

Theo đó, một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép (GHCP). Cụ thể, nhiệt độ nước tiếp tục vượt ngưỡng GHCP tại Phước Lý – Xuân Yên (mẫu nước tầng mặt và giữa) dao động 30,5 – 31độ C. Chỉ tiêu NH3 vượt ngưỡng GHCP tại 2/12 vị trí các vùng nuôi Dân Phú – Xuân Phương (mẫu nước tầng đáy) và Phước Lý – Xuân Yên (mẫu nước tầng giữa) dao động 0,10 – 0,14mg/l. Như vậy, so với các lần quan trắc môi trường (QTMT) của đầu tháng 5/2020, chỉ tiêu NH3 có biến động tăng.

Ngược lại, hàm lượng DO (Oxy hòa tan) có biến động giảm so với các lần QTMT của đầu tháng 5/2020 và đang có xu hướng giảm so với ngưỡng GHCP. Cụ thể, hàm lượng DO trong nước thấp hơn GHCP tại 3/12 vị trí các vùng nuôi như Dân Phú – Xuân Phương (mẫu nước tầng giữa và đáy) và Phước Lý – Xuân Yên (mẫu nước tầng đáy) dao động 3,2 – 3,7mg/l.

Đối với mật độ Vibrio tổng số vượt ngưỡng GHCP tại 1/12 vị trí vùng nuôi Phú Dương – Xuân Thịnh (mẫu nước tầng giữa).

Trong khi theo dự báo thời tiết trong những ngày tới, các tỉnh Nam Trung Bộ có nắng nóng, nhiều nơi có nắng nóng gay gắt, thỉnh thoảng có mưa dông vào chiều tối và đêm.

Do đó, để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi, Trung tâm Giống Nông nghiệp Phú Yên khuyến cáo người nuôi nên duy trì lồng nuôi tại tầng giữa hoặc cách đáy khoảng 1,5 – 2,0m, đồng thời dùng lưới lan (hai lớp) che mát trên mặt lồng nhằm làm giảm cường độ ánh sáng và chống tôm bị stress. Bên cạnh đó, người nuôi nên treo các túi vôi ở các góc lồng nhằm hạn chế tảo tàn do mưa dông, sát trùng môi trường nước, ổn định pH tạm thời…

Trường hợp trời oi, đứng gió cần phải sục khí để cung cấp oxy hòa tan cho tôm nuôi nhất là các vùng nuôi Xuân Phương và Xuân Yên đang có DO thấp.

Ngoài ra, các hộ nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường, màu nước chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước, nhất là vùng nuôi Phước Lý – Xuân Yên tiếp tục có nhiệt độ nước vượt ngưỡng GHCP, cũng như theo dõi hoạt động, sức khỏe tôm nuôi khi trời nắng nóng và đứng gió, để có những giải pháp xử lý kịp thời.

Người nuôi thu bán khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm, hạn chế thả nuôi mới và san thưa mật độ nuôi trong lồng, dãn khoảng cách giữa các lồng nuôi, cần tăng cường vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, tạo sự thông thoáng cho lồng nuôi và vùng nuôi.

Điều chỉnh giảm lượng thức ăn phù hợp trong thời gian nắng nóng, oi bức, tránh để thức ăn dư thừa tầng đáy gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Nên lựa chọn nguồn thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng, cần thiết sát trùng thức ăn bằng thuốc tím để đảm bảo an toàn cho tôm nuôi.

Định kỳ nên bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi tránh các tác nhân gây bệnh…

Kim Sơ Nông nghiệp Việt Nam

SUCCESS – Mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Nhằm mang đến hiệu quả cho người nuôi tôm và khách hàng trước những diễn biến bất lợi từ thời tiết, dịch bệnh; Skretting đã nghiên cứu và xây dựng thành công mô hình SUCCESS với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Theo thống kê, 80% rủi ro trong nuôi tôm là do các bệnh gây ra bởi virus và 20% từ các nguyên nhân khác. Trường hợp tôm bị bệnh, 60 – 70% người nuôi sử dụng các loại thuốc kháng sinh để đối phó; tồn dư kháng sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán tôm thu được, môi trường xung quanh khu vực nuôi và nhất là khả năng xuất hiện các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Do đó, về lâu về dài, giải quyết sự cố do dịch bệnh sẽ ngày càng phức tạp và tốn kém, trong khi yêu cầu của thị trường thì ngày càng khắt khe hơn. Một hệ thống ao nuôi được thiết kế và quản lý tốt sẽ giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, đảm bảo nguồn tôm sạch, an toàn, có giá trị cao. Sau đây, Skretting sẽ bật mí những bí quyết đã tạo nên sự thành công của Mô hình nuôi SUCCESS.


Hệ thống ao nuôi theo Mô hình SUCCESS của Skretting

Nguồn nước sạch luôn sẵn sàng

Điểm mấu chốt đầu tiên trong xây dựng hệ thống nuôi thành công là cần duy trì đủ lượng nước “sạch” để sử dụng trong quá trình nuôi, vì đây được xem là giải pháp khá hiệu quả trong giải quyết sự cố. Mô hình SUCCESS đã đảm bảo được điều này nhờ vào những điểm sau:

 Giám đốc dịch vụ kỹ thuật Skretting Nam Á, ông Cherdchai Thongchoo chia sẻ: “Hiểu được nhu cầu của đông đảo người nuôi về một mô hình nuôi tôm bền vững, Skretting đã nghiên cứu và xây dựng thành công Mô hình SUCCESS với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, giảm thiểu rủi ro từ dịch bệnh. Sự linh hoạt trong thiết kế, xây dựng và vận hành ao nuôi là lợi thế đặc biệt khiến mô hình nuôi mới này phát huy hiệu quả ở tất cả các vùng nuôi tôm của Việt Nam”. 

 

a. Trung bình với 1 hệ thống nuôi có tổng diện tích 1 ha thì người nuôi cần dành khoảng 60% diện tích bề mặt cho khâu xử lý nước (trước khi sử dụng) và 40% diện tích bề mặt còn lại cho các ao nuôi.

b. Diện tích ao nuôi đề xuất giúp công tác quản lý ao nuôi được thuận lợi: 500 – 2.000 m²

c. Độ sâu ao nuôi: 1.5 – 1.8 m. Đây là độ sâu tối ưu để quản lý và cung cấp khí hiệu quả.

d. Ống xả trung tâm hay còn gọi là rốn ao là nơi tập trung và loại bỏ phân tôm, thức ăn thừa, cặn bã hữu cơ khỏi ao nuôi.

e. Ngoài hệ thống xả nước từ rốn ao, phục vụ công tác thay nước và xả bùn thải, nước trong lớp đất dưới đáy bạt do rò rỉ từ bạt nuôi cũng cần được thoát ra ngoài, tránh để tích tụ, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại, sinh khí độc gây phồng bạt hoặc gây bệnh cho tôm. Hệ thống ống xả này được bố trí trong đất dưới bạt, được bọc quanh bằng các lớp sỏi. Vi khuẩn kỵ khí có lợi cũng được thường xuyên đưa vào đất dưới bạt qua các đường ống này, góp phần vào việc phân hủy bùn bã tích tụ dưới bạt.

Hàm lượng ôxy hòa tan đủ và ổn định

Đặc biệt trong thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay, ôxy từ không khí sẽ khó hòa tan vào nước hơn cùng với sự gia tăng nhu cầu ôxy sinh học (của hệ vi khuẩn và tôm) sẽ khiến ôxy trong nước thiếu hụt trầm trọng. Vì vậy, cơ sở vật chất cũng như các lưu ý kỹ thuật giúp đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan của nước ao trong thiết kế hệ thống cần được tính toán kỹ lưỡng. Mô hình SUCCESS sẽ giúp người nuôi kiểm soát vấn đề này dựa trên nhu cầu ôxy của tôm (Bảng 1) và khả năng cung cấp ôxy của các trang thiết bị tương ứng với từng diện tích (Bảng 2) và mật độ thả nuôi (Bảng 3).

*Có thể sử dụng thêm các ống cao su sủi bọt (Aerotube) để cung cấp thêm ôxy. Trung bình ao nuôi có diện tích từ 1.000 m² người nuôi có thể lắp đặt thêm 250 – 300 m ống cao su sủi bọt để duy trì hàm lượng ôxy hòa tan tối ưu trong nước.

Trước khi xây dựng mô hình, đội ngũ chuyên gia của Skretting sẽ trực tiếp khảo sát hiện trạng cơ sở vật chất của mỗi hộ nuôi. Nhờ tính linh hoạt của mô hình SUCCESS, việc xây dựng hệ thống mới có thể tận dụng triệt để những lợi thế của mô hình nuôi hiện tại; điều này giúp người nuôi nhanh chóng có được một hệ thống nuôi khoa học, an toàn sinh học cao với chi phí đầu tư hợp lý. Sau 3 tháng trải nghiệm, các hộ nuôi đầu tiên áp dụng mô hình SUCCESS đã thấy được hiệu quả rõ rệt, tổng lợi nhuận bình quân mỗi vụ tăng tối thiểu 30% so với trước kia.


Sơ đồ hệ thống quạt khí cho nuôi tôm ao bạt mật độ cao

Với những kết quả khả quan mà Mô hình SUCCESS đem lại, Skretting mong muốn chia sẻ rộng rãi mô hình nuôi công nghệ cao, an toàn, bền vững này đến với toàn thể người nuôi tôm cả nước. Quý khách, hoặc hộ nuôi cần tư vấn chi tiết hơn hay có nhu cầu đăng ký sử dụng Mô hình SUCCESS vui lòng liên hệ với đội ngũ Skretting tại địa phương mình hoặc ông Trần Quang Đại, Giám đốc dịch vụ kỹ thuật Skretting Việt Nam (Hotline: 090.384.0990).


Hình thực tế Mô hình SUCCESS tại Trà Vinh 


Nhờ tính linh hoạt trong thiết kế, người nuôi có thể áp dụng Mô hình SUCCESS ở mọi vùng nuôi


Mô hình SUCCESS giúp người nuôi bảo đảm chất lượng môi trường tốt nhất cho sự phát triển của tôm

>> Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình, chân thành của đội ngũ Skretting, những hiệu quả thực tế và tính linh hoạt vượt trội, mô hình SUCCESS đã nhanh chóng thu hút nhiều hộ nuôi có mong muốn tăng năng suất an toàn, bền vững với chi phí đầu tư phù hợp với khả năng của mình.

Thanh Trúc

Skretting Việt Nam

Nuôi tôm lồng ghép với cua

Những mô hình nuôi ghép là hướng đi phù hợp cho người nuôi tôm, giúp kiểm soát môi trường ao nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Nuôi cua biển vốn là nghề đã gắn bó với nhiều nông dân vùng có nước mặn lợ. Trước đây nông dân nuôi cua bằng con giống được đánh bắt từ tự nhiên,  cho nên muốn nuôi phải đợi đến mùa có con giống ngoài tự nhiên mới nuôi được. Không những thế, trước đây, nông dân thường chỉ nuôi cua theo hình thức là thả trong đầm rồi thu hoạch theo con nước hoặc nuôi tập trung 1 vụ tôm, 1 vụ cua. Khi Trung tâm Khuyến nông trình diễn thành công mô hình nuôi tôm sú kết hợp với cua biển giúp nông dân đa dạng thêm hình thức nuôi cua
  • Nhiều mô hình nuôi ghép khác giữa tôm sú và cua biển cho thấy tỉ lệ sống của tôm sú đạt từ 50-60%, còn cua biển đạt từ 50-70%. Mô hình này có chi phí đầu tư ít, tỉ lệ rủi ro và dịch bệnh thấp, giúp người nông dân sản xuất bền vững hơn. Mật độ nuôi của tôm và cua biển lần lượt là 12-15con/m2 và 1-1,5con/m2. Cua càng lớn thì mật độ thả càng thấp
  • Khi nuôi ghép tôm và cua, nhiều bà con sẽ lo ngại: chúng sẽ ăn thịt nhau, con cua sẽ ăn con tôm khi lột xác và ngược lại. Điều này là không tránh khỏi. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện trên nhiều mô hình nuôi ghép tôm sú và cua, kết quả thu hoạch được với tỉ lệ sống của tôm sú khoảng 50 – 60 % và của cua là 50- 70 %. Vì thế, tuy tỉ lệ sống của tôm sú có thấp hơn 1 ít so với nuôi tôm bán thâm canh không ghép với cua, nhưng khi thu hoạch, được thu thêm sản lượng cua đáng kể và nhờ đó lợi nhuận của mô hình cũng tăng lên. Chi phí đầu tư tăng thêm khoảng 15 – 20 triệu đồng/ha/vụ so với không nuôi ghép với cua. Nhưng tiền lãi tăng lên 30 – 40 triệu đồng/ha/vụ.

  • Đặc điểm loài này là loài cá ăn tạp, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ, là đối tượng được sử dụng nhằm mục đích tận dụng thức ăn thừa, các chất dinh dưỡng từ chất thải của tôm và rong tảo trong ao nuôi. Hầu hết các đối tượng nuôi ghép đều là loài rộng muối, rộng nhiệt, có thể sống trong môi trường nước mặn và cả nước lợ (độ mặn từ 3-35‰), tùy từng đối tượng. Hình thức nuôi xen kẽ nhiều đối tượng có thể hạn chế rủi ro trong nuôi trồng, giúp ổn định kinh tế cho người dân địa phương.
  •         Mục đích của việc nuôi ghép là để tận dụng triệt để không gian sống và lượng thức ăn dư thừa trong ao nuôi tôm, nhằm tạo ra thêm nguồn lợi kinh tế cho người nuôi.

Tường vi

nguồn: tepbac

Đa dạng đối tượng nuôi ghép trong ao tôm

Tôm thẻ chân trắng
Tôm thẻ chân trắng

Những mô hình nuôi ghép là hướng đi phù hợp cho người nuôi tôm, giúp kiểm soát môi trường ao nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong quá trình nuôi tôm, bà con luôn gặp phải vấn đề lớn nhất chính là kiểm soát và  quản lí môi trường nước trong ao nuôi. Thức ăn thừa, mùn bã hữu cơ là nguồn dinh dưỡng dồi dào khiến cho rong tảo trong ao nuôi phát triển nhanh chóng, chúng “tranh giành” oxy với tôm, đạt cực đại và xảy ra hiện tượng tảo tàn trong ao nuôi tôm. Đó là những vấn đề gây biến động trong ao nuôi, gây thiệt hại lớn đến hiệu quả kinh tế vụ nuôi.

Trước tình hình trên, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm nuôi ghép các đối tượng khác như cá đối mục, cá rô phi, cá dìa, cua biển,.. với tôm sú hay tôm thẻ để tăng hiệu quả làm sạch môi trường nuôi, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, đồng thời tăng hiệu quả sản xuất.

Đặc điểm chung của các loài này là loài cá ăn tạp, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ, là đối tượng được sử dụng nhằm mục đích tận dụng thức ăn thừa, các chất dinh dưỡng từ chất thải của tôm và rong tảo trong ao nuôi. Hầu hết các đối tượng nuôi ghép đều là loài rộng muối, rộng nhiệt, có thể sống trong môi trường nước mặn và cả nước lợ (độ mặn từ 3-35‰), tùy từng đối tượng. Hình thức nuôi xen kẽ nhiều đối tượng có thể hạn chế rủi ro trong nuôi trồng, giúp ổn định kinh tế cho người dân địa phương.

Năm 2019, Trung tâm khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đề tài khoa học cấp cơ sở “Nuôi kết hợp tôm sú với cá đối mục” tại Trại Thực Nghiệm nuôi trồng thủy sản Ninh Lộc, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Thực nghiệm thả nuôi 20.000 con tôm sú với mật độ 10con/m2 và 1000 con cá đối mục với mật độ 0,5con/m2. Đề tài được thực hiện trong 2 ao đất với diện tích mỗi ao gần 2000m2. Trước khi thả giống tôm, ao nuôi đã được cải tạo kỹ lưỡng gồm các khâu như: tháo cạn nước, rải vôi bột, bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy ao, phơi đáy ao. Sau đó, tiến hành lấy nước vào ao khi thủy triều lên cao, rồi diệt tạp, gây màu nước và đo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp thì tiến hành thả giống tôm. Cá đối mục được thả vào ao sau 15 ngày thả tôm. Sau 5 tháng thu hoạch cho năng suất tôm trung bình đạt 1,6tấn/ha, năng suất cá trung bình đạt 1,7tấn/ha. Tổng kết quá trình triển khai cho thấy rằng, môi trường ao nuôi ổn định hơn, năng suất tôm, cá cao hơn so với nuôi đơn 1 đối tượng.

Nhiều mô hình nuôi ghép khác giữa tôm sú và cua biển cho thấy tỉ lệ sống của tôm sú đạt từ 50-60%, còn cua biển đạt từ 50-70%. Mô hình này có chi phí đầu tư ít, tỉ lệ rủi ro và dịch bệnh thấp, giúp người nông dân sản xuất bền vững hơn. Mật độ nuôi của tôm và cua biển lần lượt là 12-15con/m2 và 1-1,5con/m2. Cua càng lớn thì mật độ thả càng thấp. Điều quan ngại của bà con khi áp dụng mô hình này là “sự ăn nhau” trong quá trình lột xác của hai loài này. Điều này là không tránh khỏi. Tuy nhiên, bà con có thể chú ý thời điểm thả cua thích hợp (thường sau khi thả tôm từ 1-2 tuần) có thể hạn chế hiện tượng ăn nhau giữ hai loài. Sau khi áp dụng nuôi thử nghiệm đã cho thấy kết quả thành công ngoài mong đợi.

Hầu hết những loài được nuôi ghép với tôm đều có giá trị kinh tế ổn định. Các loài nuôi ghép có thể thả nuôi luân canh hoặc xen canh. Nguyên tắc lựa chọn đối  tượng nuôi ghép của mô hình này là dựa vào tập tính ăn và tập tính sống của các loài này. Cần phải lựa chọn loài nuôi ghép thích hợp với điều kiện ao nuôi, không cạnh tranh với loài nuôi chính. Mục đích của việc nuôi ghép là để tận dụng triệt để không gian sống và lượng thức ăn dư thừa trong ao nuôi tôm, nhằm tạo ra thêm nguồn lợi kinh tế cho người nuôi.

Đứng trước những khó khăn của ngành thủy sản nhất là về sự biến đổi khi hậu bất thường như hiện nay, tình hình dịch bệnh trong các ao nuôi thủy sản ngày càng khó kiểm soát hơn, đòi hỏi người nuôi phải tìm ra các giải pháp nhằm khai thác, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo cân bằng hệ sinh thái đồng thời tận dụng được tối đa các sản phẩm trong chuỗi nuôi trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Mô hình nuôi ghép đang là một trong những hướng đi bền vững cho nghề nuôi tôm hiện nay.

Tường Vi – https://tepbac.com/

Câu chuyện tôm hùm giống Indonesia: Tiếng thở dài giữa bảo tồn và kinh tế

Tôm hùm giống
Hậu ấu trùng không sắc tố thuộc giống tôm hùm Puerulus vừa được Indonesia cho phép xuất khẩu.

Sau 4 năm cấm xuất khẩu tôm hùm giống ra nhằm bảo tồn và duy trì nòi giống tôm hùm tự nhiên, Indonesia đã cho phép xuất khẩu trở lại. Quyết định này gây ra tranh cãi dữ dội, một cuộc chiến điển hình giữa bảo tồn giống loài và lợi ích kinh tế.

Năm 2016 cựu Bộ trưởng Thủy sản Susi Pudjiastuti đã ban lành lệnh cấm xuất khẩu giống tôm hùm nhằm bảo vệ sản lượng tự nhiên. Sau bốn năm ngày 04/05/2020, Bộ trưởng Edhy Prabowo đã kí sắc lệnh cho phép xuất khẩu trở lại tôm hùm giống (loại tôm hậu ấu trùng không sắc tố) thuộc giống Puerulus và Panulirus.

Quyết định này đã gây tranh cãi rộng rãi từ các nhà bảo tồn cho đến cựu Bộ trưởng Thủy sản – Susi Pudjiastuti. Việc cho phép xuất khẩu trở lại sẽ đe dọa xóa sổ quần thể tôm hùm tự nhiên của đất nước. Các chuyên gia cũng kêu gọi Chính phủ thay vì xuất khẩu hãy ưu tiên phát triển bền vững ngành tôm hùm trong nước cả nuôi quy mô nhỏ và đánh bắt truyền thống.

Edhy muốn khôi phục lại kế sinh nhai cho người dân sống phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu đồng thời ông cho biết, lệnh cấm trước đây hoàn toàn thất bại trong việc ngăn chặn thị trường chợ đen buôn bán trái phép tôm hùm giống.

Vào giữa tháng 1 đến tháng 10, 2016. Các nhà chức trách đã báo cáo rằng các vụ buôn lậu liên quan đến 800.000 ấu trùng tôm hùm trị giá 8.3 triệu đô đã được bán đến Việt Nam, Singapore và Trung Quốc, những quốc gia tập trung nuôi và có giá bán khá cao.

Các chuyên gia đã chỉ trích gay gắt về quyết định này. Họ cho rằng quyết định thiếu sự kiểm soát và sự rằng buộc của luật pháp đối với chuỗi xuất khẩu, cùng với cơ sở hạ tầng không đủ điều kiện để đáp ứng phát triển nuôi trồng thủy sản tôm hùm trong nước sẽ dẫn đến sự cạn kiệt nguồn tôm hùm giống tự nhiên.

Một vấn đề chính được đề cập trong tranh luận này chính là về tỉ lệ sống. Theo Bộ Thủy sản thì tỉ lệ sống của tôm hùm giống chưa tới 1% và việc đánh bắt, xuất khẩu chúng sẽ giúp nâng được tỉ lệ này lên cao hơn. Một số ý kiến khác lại cho rằng, hãy giữ tôm hùm trong tự nhiên, điều đó mới là cách giúp ngăn chặn sự tuyệt chủng tốt nhất. Có thể quyết định này được đưa ra bởi ảnh hưởng của sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, những người đang có nhu cầu về tôm hùm giống rất lớn.

Để giải quyết những mối lo trên, Bộ Thủy sản đã đưa ra một số điều kiện trong xuất khẩu như thiết lập hạn ngạch xuất khẩu và hạn chế khu vực đánh bắt tôm hùm giống. Yêu cầu của Bộ không được thu hoạch tôm hùm giống khi có kích thước của chúng phải nhỏ hơn 8cm và trọng lượng không quá 200g.

Các công ty xuất khẩu được yêu cầu phải phát triển cơ sở hạ tầng để nuôi tôm hùm con và phải phóng thích 2% lượng tôm nuôi về với tự nhiên thì mới được phép xuất khẩu chúng bằng đường hàng không.

Bên cạnh các yêu cầu mới trong sắc lệnh và các tranh cãi về kinh tế. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc cho xuất khẩu lại sẽ làm người dân quên đi nghĩa vụ bảo tồn tôm hùm giống trong tự nhiên, đồng thời sự xuất khẩu cũng chẳng đóng góp gì vào sự phát triển của kinh tế miễn là thị trường chợ đen vẫn còn tồn tại.

“Nghị định mới sẽ thay đổi từ mục đích bảo tồn sang phát triển xuất khẩu và nuôi tôm. Từ đầu sắc lệnh này đã thất bại vì cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm khá hạn hẹp, chúng ta chỉ có thể kết hợp với người dân nuôi trồng quy mô nhỏ và ngư dân, vừa giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng vừa tăng tạo việc làm cho bà con lao động”, Dani Setiawan giám đốc điều hành Hiệp hội đánh bắt cá truyền thống của Indosian cho biết.

Bờ biển phía Bắc của các đảo Java và Lombok là trái tim sản xuất tôm hùm lớn nhất cả nước. Và chiếm 90% lượng tôm đánh bắt ngoài tự nhiên. Tôm hùm sau đánh bắt sẽ được nuôi trên các lồng nổi và cam kết cung cấp đúng giá.

Và một trở ngại lớn khác trong hiệu quả kinh tế về nuôi trồng tôm hùm chính là tỉ lệ tử vong khá cao, hơn 50% trong giai đoạn ươm giống. Điều này được báo cáo rộng rãi ở Indonesia và Việt Nam.

Theo Dani, những nông hộ nuôi tôm hùm họ có nhiều tiềm năng và kĩ thuật để ngành công nghiệp nuôi trồng loài giáp xác này phát triển toàn diện nhât. Tuy nhiên, họ lại thiếu nguồn lực về tài chính và khả năng tiếp cận với thị trường trong nước cũng như quốc tế. Đây chính là cơ hội để chính phủ sử dụng ấu trùng tôm hùm một cách hiệu quả cả trong nước và xuất khẩu.

Riêng các nhà bảo tồn cho rằng nên ưu tiên phát triển kinh tế bền vững với môi trường. Với những gì chúng ta đang làm, chỉ có các doanh nghiệp lớn là có lợi lớn nhất trong vấn đề này.

Liệu chúng ta sẽ đồng tình với ý kiến nào, mặc dù đất nước chúng ta không hạn chế người dân đánh bắt thủy hải sản nhưng đánh bắt như thế nào để hiệu quả và bền vững nhất. Từ đó chúng ta sẽ không cần thiết phải tranh cãi với nhau khi có một quyết định được ban ra để hạn chế năng lực con người, đảm bảo môi trường thân thiện,… Vì từ đầu chúng ta đã hợp tác phát triển bền vững, cam kết môi trường xanh.

Triệu – https://tepbac.com/

Tôm thẻ và thực vật phù du: Bạn hay thù?

thực vật phù du
Thực vật phù du là mắt xích quan trọng trong ao nuôi thủy sản

Hiểu biết rõ hơn về hệ sinh thái ao nuôi tôm để thiết lập điều chỉnh hợp lý để hướng tới sự ổn định của toàn hệ thống.

Cộng đồng thực vật phù du có mặt trong nhiều môi trường nước khác nhau và ao tôm là một trong những môi trường thuận lợi nhất để chúng tồn tại và phát triển. Được xem là mắt xích quan trọng trong các hệ sinh thái nuôi thủy sản, nhân tố không thể thiếu để duy trì dòng năng lượng và chu kỳ dinh dưỡng. Trong quá trình nuôi, thức ăn dư thừa, phân của tôm và các chất hữu cơ nhờ vi khuẩn sẽ chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng. Và những chất dinh dưỡng này sau đó sẽ được những thực vật phù du trong nước sử dụng, giúp chúng tăng sinh. Đổi lại sự tăng trưởng này, những thực vật đó sẽ làm giảm hàm lượng amoniac và nitrat có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch của tôm. Các chất hữu cơ do thực vật phù du sinh ra sẽ ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi phát triển trong ao. Do đó, thực vật phù du có thể được xem là một nhân tố quản lý môi trường, nhờ vào mật độ của chúng mà đánh giá được mức độ ô nhiễm của nước.

Mỗi loài thực vật phù du khác nhau cũng đòi hỏi những điều kiện dinh dưỡng khác nhau để phát triển khỏe mạnh. Cùng với sự tăng trưởng của tôm nuôi thì các chỉ tiêu chất lượng nước và điều kiện dinh dưỡng trong ao nuôi cũng sẽ thay đổi, điều này làm cho thành phần của cộng đồng thực vật phù du cũng thay đổi theo một cách linh hoạt. Với những lợi ích mang lại như vậy, cho nên cộng đồng phù du này đã góp mặt trong khá nhiều nghiên cứu và mang lại lợi ích rất khả quan. Tuy nhiên về thành phần của cộng đồng này, sự gia tăng sinh khối, sự trao đổi giữa các thành phần trong cộng đồng và khả năng hoạt động của từng thành phần riêng lẻ vẫn chưa được làm rõ.

Tôm thẻ chân trắng, loài nuôi có sản lượng cao nhất trong ngành thủy sản, với những lợi ích mà cộng đồng thực vật phù du mang lại thì người ta bắt đầu nghiên cứu sự phát triển của cộng đồng này trong ao tôm thẻ. Trong đó sẽ khám phá quá trình phát triển của các thành phần trong cộng đồng, mối quan hệ giữa cộng đồng này với môi trường, sự tăng sinh khối của chúng và cuối cùng là tiềm năng phát triển của chúng đối với hiệu suất của tôm.Từ đó bổ sung thêm kiến thức về ý nghĩa của hệ sinh thái đối với các mô hình nuôi trồng thủy sản.

Thông qua việc sử dụng công nghệ để phân tích, người ta thấy rằng cấu trúc của cộng đồng thực vật này sẽ thay đổi theo thời gian, tháng thứ nhất, tháng thứ 2 và tháng thứ 3 của chu kỳ nuôi là hoàn toàn khác biệt nhau. Và sự khác biệt này được giải thích là do có mối tương quan chặt chẽ với những biến đổi của môi trường. Tổng cộng có 85 loài (hoặc chi) đã được xác định trong tất cả các mẫu được phân tích, sinh khối dĩ nhiên cũng tăng lên theo thời gian canh tác, cụ thể ngày thứ 77 so với ngày thứ 7 đã tăng gấp 10 lần. Sự ảnh hưởng của các yếu tố thủy lý hóa trong môi trường lên cấu trúc của cộng đồng thủy sinh này đã được khám phá và cho ra những kết luận hết sức bất ngờ. Ở tháng đầu tiên trong chu kỳ nuôi tôm, tuy mật độ thực vật phù du này còn thấp nhưng thành phần lại phức tạp nhất và có sự cạnh tranh gay gắt với nhau trong cộng đồng. Còn khi tôm đã nuôi đến tháng thứ 3 thì mật độ cộng đồng này lớn, nhưng ổn định và cấu trúc lại tương đối đơn giản.

Thêm một phát hiện nữa là những loài đầu tiên hình thành trong cộng đồng này là những loài tiên phong, có khả năng phản ứng nhanh chóng với các thay đổi bất ngờ của môi trường, chúng cung cấp nhiều “nguyên liệu” xử lý môi trường với áp lực cạnh tranh ít hơn. Một cộng đồng thực vật phù du tốt phải có đầy đủ các “phẩm chất” bao gồm sự đa dạng các loài cao, sinh khối lớn, ít cạnh tranh và những điều này phù hợp nhất với tháng thứ 2 trong chu kỳ nuôi. Tại tháng thứ 2 này, đa dạng nhất trong cộng đồng là tảo khuê, loài tảo có lợi trong ao nuôi. Khi mật độ cộng đồng thực vật phù du này trong ao giảm xuống thì áp lực lại được đặt lên hệ vi sinh vật đường ruột, buộc chúng phải làm việc nhiều hơn, cạnh tranh với những vi khuẩn cơ hội trong ao.

Trên thực tế các chất dinh dưỡng trong những ao nuôi tôm thâm canh rất nhiều thậm chí là quá mức trong suốt quá trình nuôi nên sẽ không trở thành yếu tố cản trở sự phát triển của cộng đồng thực vật phù du được. Cấu trúc của cộng đồng này thay đổi được xác định là do các động vật phù du, vì hai cộng đồng này sẽ cạnh tranh trực tiếp về không gian sống chật hẹp và các “nguyên liệu sống” trong tự nhiên. Tuy nhiên khi cộng đồng thực vật phù du giải phóng “năng lượng” sẽ tạo điều kiện cho động vật phù du phát triển.

Chúng ta đều biết sự phú dưỡng của tảo sẽ làm tôm nuôi giảm tốc độ tăng trưởng hoặc nặng hơn là tử vong. Nguyên nhân chính được giải thích là do phá vỡ sự ổn định của cộng đồng sinh vật, từ đó tạo những “lỗ hổng” cho những loại tảo này phát triển quá mức và bên cạnh đó là không gian kín của ao nuôi làm một loạt các yếu tố môi trường thay đổi cùng lúc sau thời gian dài cuối cùng là sự “bùng nổ” của thực vật. Do đó, sự ổn định của cộng đồng thực vật phù du phải là sự quan tâm hàng đầu trong quá trình nuôi tôm, sự bất ổn của cộng đồng này sẽ gây ra hiện tượng tảo nở hoa và dẫn tới sự phát triển của các mầm bệnh cơ hội cho tôm.

Thú vị hơn là cộng đồng động vật phù du sẽ có nhiều biến động hơn cộng đồng thực vật trong ao. Điều đó có thể là do sự thích nghi tốt của vi khuẩn ở nhiều môi trường khác nhau làm cho chúng  phân tán rộng rãi. Nhưng cộng đồng thực vật phù du lại thể hiện sự mạnh mẽ hơn rất nhiều trước những thay đổi của môi trường. Đã có thêm một sự hiểu biết rõ hơn về hệ sinh thái ao nuôi tôm, từ đó những điều chỉnh hợp lý sẽ được thiết lập hướng tới sự ổn định của toàn hệ thống. Và cung cấp những hướng tiềm năng nhằm mục đích tối ưu hóa và phát triển các chiến lược quản lý những nguồn tài nguyên có sẵn trong ao.

Hà Tử – https://tepbac.com/