Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Giữa dịch Covid-19, doanh nghiệp lo thiếu tôm xuất khẩu

Thông tin nhiễu loạn về tình hình thị trường xuất khẩu trong dịch covid-19 làm cho bà con nông dân không dám triển khai nuôi tôm vụ mới.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 và hạn hán xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo lịch mùa vụ và khuyến cáo đối với nuôi tôm nước lợ, các địa phương đã chủ động điều chỉnh lịch mùa vụ, khuyến cáo kỹ thuật nuôi, quan trắc cảnh báo môi trường, tổ chức liên kết sản xuất cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của các tỉnh ĐBSCL ước trong quý I diện tích thả nuôi mới chỉ đạt 425.215 ha (bằng 85% so với cùng kỳ), chủ yếu là diện tích nuôi tôm quảng canh. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ 2 tháng đầu năm đạt 383,391 triệu USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ 2019).

Tin đồn về thị trường gây bất lợi cho người nuôi tôm

Sáng nay (3/4), trao đổi với VOV, ông Trương Hữu Thông – Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH Thông Thuận cho biết: Thông tin nhiễu loạn về tình hình thị trường xuất khẩu trong dịch covid-19 làm cho bà con nông dân không dám triển khai nuôi.

Hiện tại, Công ty Thông Thuận có 3 nhà máy chế biến, nuôi tôm giống, tôm thịt. Thị trường Nhật 35%, châu Âu 40%, Mỹ hơn 10 %, các thị trường khác khoảng 7-10%. Hiện tại, thị trường bị ảnh hưởng khoảng hơn 20% do khách đề nghị giao hàng chậm, còn chưa bị ảnh hưởng gì lắm.

“Thế nhưng các thông tin đồn đại khách không mua tôm, thị trường đóng cửa giao dịch dẫn đến đại lý, ngân hàng, các tổ chức tín dụng không cho vay, đặc biệt không thu mua được khiến dân không dám nuôi tôm. Các thông tin này làm thị trường rối loạn” –ông Trương Hữu Thông cho biết.

Trong lúc có thông tin thị trường nông sản bị ngưng trệ, ngành hàng tôm lại không nằm trong xu thế này, mặc dù có chậm giao hàng nhưng nguyên liệu trong  nước chưa đáp ứng được cho các nhà máy, đơn hàng. Đơn cử, công suất của Thông Thuận mỗi tháng xuất 8 triệu USD, thành nguyên liệu mỗi ngày khoảng 40-50 tấn nhưng nay không đủ nguyên liệu sản xuất.

giua dich covid-19, doanh nghiep lo thieu tom xuat khau hinh 1
Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của Công ty Thông Thuận

Theo chia sẻ của ông Thông, hiện nay, Trung Quốc, Ấn Độ đều giảm nuôi do dịch bệnh nên nói chung nguồn cung sắp tới trên thế giới rất yếu. Các cơ quan quản lý cần tổ chức, tuyên truyền để bà con nghe được thông tin chính thống. Những ngày gần đây  họ toàn nghe thông tin qua mạng, đồn thổi là cấm xe, dừng xuất khẩu đi châu Âu, Nhật, Mỹ, không bán được hàng, ngân hàng không cho vay… nên người nuôi tôm sợ lỗ. Giá bán tôm hiện nay đang tốt nhưng thông tin của DN đến người dân rất khó.

Nhiều nông dân kêu rằng do hạn mặn mà không dám thả tôm, nhưng ông Trương Hữu Thông cho rằng, đây chỉ là một lý do rất nhỏ, “vì chúng tôi vẫn nuôi bình thường và cam kết bao tiêu đầu ra cho nông dân”.

Nhu cầu tôm trên thế giới sẽ tăng mạnh

Trong những tháng đầu năm 2020, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, từ đầu tháng 3/2020 khi dịch bệnh lan rộng gây hậu quả nghiệm trọng tại Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… đã làm ra tăng khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhất là các sản phẩm thủy sản tươi sống.

Để ứng phó với tình hình này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tham mưu, Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp nỗ lực không ngừng tổ chức sản xuất theo diễn biến tình hình dịch bệnh đối với thị trường nhập khẩu truyền thống và tìm kiếm các thị trường mới cho sản phẩm thủy sản trong đó có sản phẩm tôm nước lợ nhằm khai thác cao nhất tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm thủy sản nước ta.

giua dich covid-19, doanh nghiep lo thieu tom xuat khau hinh 2

Nhằm ổn định sản xuất, tránh những thông tin bất lợi, chủ động tận dụng và đón bắt cơ hội trong sản xuất, nuôi tôm nước lợ năm 2020, ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, đơn vị này đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trung ương ven biển, các Hội, Hiệp hội liên quan đến sản xuất tôm nước lợ và các đơn vị liên quan cần thông tin kịp thời và chỉ đạo sản xuất thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn và dịch Covid-19 để hoàn thành kế hoạch sản xuất tôm nước lợ các tháng đầu năm và cả năm 2020.

“Các đơn vị làm việc với các doanh nghiệp chế biến, Hội/Hiệp hội, HTX/THT, người nuôi và chính quyền địa phương trên địa bàn nhằm nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin; tổ chức sản xuất, chế biến và hoạch định kế hoạch tiêu thụ sản phẩm phù hợp với diễn biến thực tế trong và sau khi dịch bệnh kết thúc. Bên cạnh đó, khuyến cáo doanh nghiệp, người dân tối ưu hoá chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn để có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho chế biến. Đối với tôm nuôi đến kỳ thu hoạch cần hỗ trợ người dân kết nối với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm. Đối với các cơ sở đang nuôi với mật độ dầy, tôm kích thước nhỏ cần san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất” – ông Trần Đình Luân cho biết.

Tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã có kết quả tích cực, các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục các hoạt động sản xuất như trước khi có dịch.

Dự báo của VASEP, mặt hàng tôm xuất khẩu ở các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cầm cự này bằng cách duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6 – 7 khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm.

Cũng theo VASEP, thị trường xuất khẩu thuỷ sản thế giới có nhiều tín hiệu tích cực, cụ thể tại thị trường Mỹ, doanh số bán lẻ các loại sản phẩm thủy sản tươi, đông lạnh và thủy sản có thể bảo quản lâu (shelf-stable) đều tăng mạnh tại các chuỗi siêu thị của Mỹ trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng./.

An Nhi/VOV.VN

Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng chứng nhận để “trốn” kiểm kháng sinh

Tôm
Trung Quốc có dùng dán nhãn tôm đánh bắt cho tôm nuôi hay không?

Mỹ cáo buộc Trung Quốc trộn lẫn tôm đánh bắt tự nhiên với tôm nuôi để trốn tránh quy định kiểm tra dư lượng kháng sinh.

Liên minh Tôm miền Nam có trụ sở tại Florida đang yêu cầu các nhà lập pháp Mỹ thu hồi chứng nhận khai thác tôm hoang dã đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Các lô sản phẩm tôm được Trung Quốc dán nhãn tôm đánh bắt tự nhiên bị cáo buộc là trộn lẫn với tôm nuôi để đánh lừa kiểm tra dư lượng kháng sinh.

Chứng nhận này nằm trong chương trình bảo tồn rùa biển của Mỹ, yêu cầu các tàu đánh bắt tôm thương mại phải sử dụng thiết bị loại trừ rùa biển (TEDs) để ngăn chặn gây tai nạn cho rùa biển do mắc phải lưới kéo tôm. Chương 609 của Luật 101-162 Mỹ quy định việc cấm nhập khẩu tôm và các sản phẩm tôm được đánh bắt bằng phương pháp có thể ảnh hưởng bất lợi tới các loài rùa biển. Mỹ cũng cấm nhập khẩu tôm từ tất cả các nước không được chứng nhận, trừ khi chúng là tôm nuôi hoặc được đánh bắt ở các vùng nước lạnh, nơi không thể tìm thấy rùa biển hoặc bằng các kỹ thuật khai thác chuyên dụng không đe doạ tới rùa biển.

Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp chứng nhận tôm đánh bắt tự nhiên của Trung Quốc không gây hại cho quần thể rùa biển hoang dã. Tuy nhiên, Liên minh Tôm miền Nam cho rằng số lượng tôm đánh bắt tự nhiên nhập khẩu từ Trung Quốc là quá nhiều và bất hợp lý, phía Trung Quốc có thể đã lạm dụng chứng nhận này khi giả mạo tôm nuôi thành tôm đánh bắt tự nhiên. Vì những quy định nhập khẩu của FDA đối với tôm chỉ áp dụng cho tôm nuôi, khi dán nhãn tôm đánh bắt tự nhiên thì Trung Quốc sẽ dễ dàng vượt qua quy định kiểm tra kháng sinh.

Ngoài ra, một số nhóm bảo tồn rùa biển có trụ sở tại Trung Quốc cho rằng các thiết bị làm hại rùa thật ra vẫn chưa được lắp đặt phổ biến các tàu đánh cá Trung Quốc. Ngoài ra, việc mở rộng nuôi trồng thủy sản ven bờ cũng xâm chiếm môi trường sống của rùa biển. Nếu tất cả các cáo buộc được chứng minh là sự thật thì Trung Quốc đã không thực hiện tốt cam kết và có thể sẽ bị thu hồi chứng nhận khai thác tôm có bảo vệ rùa biển.

Xuất khẩu tôm của Trung Quốc đến thị trường Mỹ đã giảm 60% trong năm 2019 do mức thuế cao hơn và thay đổi xu hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đứng thứ bảy về tổng lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ. Tuy hầu hết tôm đánh bắt tự nhiên ở Trung Quốc được tiêu thụ trong thị trường nội địa nhưng nguy cơ bị rút chứng nhận khai thác tôm có bảo vệ rùa biển cũng sẽ tác động đến ngành tôm Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh khó tìm thị trường xuất khẩu do dịch bệnh như hiện nay.

Hoài An-https://tepbac.com/

Nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa

Khuyến nông
Cán bộ khuyến nông và nông dân đánh giá mô hình.

Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã tổng kết mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa chuyển đổi tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Bố Trạch.

Năm 2018, Trung tâm triển khai nuôi thử nghiệm tôm càng xanh toàn đực ở vùng phá Hạc Hải của 2 xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) và Võ Ninh (huyện Quảng Ninh ).

Đến năm 2019, Trung tâm tiếp tục triển khai hỗ trợ nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh tại xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch).

Mô hình được triển khai tại hộ ông Trần Văn Nghĩa, quy mô 1,2 ha và hộ ông Phan Văn Thanh, quy mô 0,7 ha. Các điểm nuôi đều là vùng chiêm trũng nhiễm mặn, trước đây trồng lúa nhưng hiệu quả thấp.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm hướng dẫn bà con tiến hành bơm cạn, tu sửa bờ ao, cống thoát nước, vét bớt lớp bùn đáy và để lại phần cỏ năn để tôm lên trú ẩn, bắt và diệt ốc, diệt cá tạp bằng thuốc Saponin, bón vôi khử trùng, sau 4-5 ngày mới tiến hành cấp nước cho ao.

Nước được lọc qua lưới lọc mịn. Sau khi cán bộ kỹ thuật kiểm tra kỹ lưỡng các thông số, yếu tố môi trường ao nuôi bảo đảm, bà con mới tiến hành thả giống.

Giống tôm càng xanh toàn đực được mua tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, cơ cở sản xuất giống tại Bạc Liêu. Tôm giống khi thả có kích cỡ PL15, bơi lội khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng. Mật độ thả 10 con/ m2

Sau 6 tháng thả nuôi, trọng lượng tôm thu hoạch trung bình khoảng 25 con/kg, với tỷ lệ sống trên 50%, giá bán khoảng 200.000 – 230.000 đồng/kg.

Theo các chủ hộ nuôi thì giống tôm càng xanh toàn đực phù hợp với đặc điểm sinh thái vùng nuôi nhiễm mặn. Trong quá trình nuôi, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, chưa thấy dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.

Nguyễn Trung Hiểu Nông nghiệp Việt Nam

Hệ thống kho lạnh quá tải, không còn chỗ chứa cá tra, tôm

Hệ thống kho lạnh quá tải, không còn chỗ chứa cá tra, tôm

Hiệp hội Chế biến và Xuất Khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa “khẩn thiết” báo cáo lên Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường để kiến nghị Thủ tướng, có cơ chế đầu tư kho lạnh, vì hiện thệ thống các kho chưa đã “căng hết bụng”, không còn chỗ chứa cá tra, tôm trong mùa dịch COVID-19.

Hệ thống kho lạnh quá tải, không còn chỗ chứa cá tra, tôm - 1

Hệ thống kho lạnh của các DN thủy sản hiện đã đầy, không còn chỗ để chứa thêm nguyên liệu cá tra, tôm thu mua của dân.

Trong văn bản gửi tới Bộ trưởng NN&PTNT hôm nay (2/4), Vasep cho rằng, hệ thống kho lạnh là một mắt xích cốt lõi đối với cả chuỗi sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, cho cả bối cảnh vượt qua đại dịch trước mắt và cả tầm chiến lược cho ngành hàng trong tương lai.

Trong bối cảnh khó khăn, ách tắc như đại dịch COVID-19 hiện nay, kho lạnh trữ hàng càng cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên Việt Nam đang thiếu kho lạnh trầm trọng. Các DN không thể thu mua được hơn nguồn nguyên liệu tôm, cá mà cho bà con nông, ngư dân, cũng như khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn chủ động khi thế giới có nhu cầu lớn trở lại.

Vasep cho hay, do việc đầu tư kho lạnh trữ thủy sản mất chi phí khá lớn nên công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn còn chưa theo kịp được nhu cầu của ngành. Hiệp hội này đề nghị Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho phát triển kho lạnh.

Cụ thể, cần hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với các kho lạnh có công suất tối thiểu là 5.000 pallet (dùng để kê hàng hóa) trở lên. Ngoài ra, cần hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập DN cho 2 năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành.

Theo Vasep, hiện giá tôm, cá tra nguyên liệu giảm mạnh do người nuôi lo sợ giá tiếp tục giảm nên thu hoạch sớm. Trong khi, DN tạm thời ngưng mua nguyên liệu do các đơn hàng bị hoãn, hủy và không có các đơn hàng mới. Mặt khác, kho lạnh của DN đã bị đầy vì chứa hàng tồn kho nên không còn chỗ chứa được nguyên liệu.

Nhiều kho lạnh đã được các DN cá tra thuê để trữ nguyên liệu cá, nên các DN tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải chuyển thuê kho lạnh ở miền Trung để trữ nguyên liệu tôm và hỗ trợ mua tôm nguyên liệu cho người dân.

Theo Vasep, đến nay, do dịch COVID-19, tỷ lệ các đơn hàng xuất khẩu đã ký bị khách yêu cầu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%).

Các thị trường có yêu cầu hoãn, hủy đơn hàng nhiều nhất là EU, Hàn Quốc và Trung Quốc (từ tháng 3, Trung Quốc bắt đầu có dần các đơn hàng trở lại); con số này ít hơn ở các thị trường Nhật, Mỹ, Nga.

Đặc biệt tại thị trường châu Âu phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng, mặt hàng cá tra chịu tác động ít hơn do giá tiêu thụ rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị.

Đối với các đơn hàng trong quý II, quý III/2002, Vasep cho biết, việc ký kết các đơn hàng mới cũng rất khó khăn, đặc biệt tại các nhóm thị trường chính như Mỹ, Nhật, EU… Nhiều DN vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới trong quý II, quý III, một số doanh nghiệp khác có được đơn hàng mới nhưng không nhiều.

Trước đó, cả ba hiệp hội, gồm Vasep cùng hiệp Dệt May Việt Nam (Vitas) và Da giày -Túi xách Việt Nam (Lefaso) -ba ngành hàng xuất khẩu gần 80 tỷ USD năm qua, cùng ký văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các bộ ngành về tháo gỡ khó khăn cho DN trong lĩnh vực do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Theo Phạm Anh (Tiền Phong)

Khó đoán định tương lai ngành tôm

Ngành tôm thế giới đang hứng chịu hậu quả của “bão” COVID-19, giá tôm trên toàn cầu giảm mạnh. Theo đánh giá, mức giá bán hiện tại vẫn đảm bảo lãi cho người nuôi. Tuy nhiên, câu chuyện của con tôm sắp tới như thế nào thì chưa ai dám khẳng định.

Cơ hội vẫn còn

Nhìn nhận về tình hình thị trường tôm thời gian gần đây, ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) cho biết, cho đến giờ này tình hình vẫn chưa đến mức xấu dù giá tôm có giảm, bởi với mức giá như hiện tại, nếu đạt năng suất người nuôi vẫn sống được với nghề. Liên quan đến ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo ông Phẩm là có tác động đến giá tôm ở hiện tại, nhưng xa hơn vẫn rất khó đoán định được. Ông Phẩm chia sẻ: “Giá tôm gần đây cũng bình thường dù có giảm đôi chút do ảnh hưởng từ dịch tại các nước nhập khẩu. Cũng có những nhà nhập khẩu mua thêm, có nhà nhập khẩu đề nghị đình lại và cũng có nhà nhập khẩu yêu cầu xuất gấp các đơn hàng cho họ. Do đó, nếu nói tôm tồn kho lớn hiện nay theo tôi là chưa có tính thuyết phục, bởi các nhà máy ở Sóc Trăng cũng như trong khu vực ĐBSCL hiện vẫn đang hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu bình thường”.

Ảnh minh họa

Khẳng định thêm về việc các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động ổn định và giá tôm vẫn còn ở mức có lợi cho người nuôi, bảng giá thu mua tôm thẻ của Stapimex ngày 26/3 cho thấy, tôm cỡ 45 – 100 con/kg đã tăng lên từ 1.000 đến vài nghìn đồng/kg, riêng tôm cỡ lớn (20 – 30 con/kg) vẫn giữ ở mức khá cao. Còn theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, hiện giá tôm đang tăng trở lại ở hầu hết các cỡ và doanh nghiệp đang thu mua TTCT loại 30 con/kg với giá 135.000 đồng/kg.

Trong khi các doanh nghiệp Sóc Trăng khẳng định vẫn hoạt động bình thường và thu mua tôm với giá đảm bảo lợi nhuận khá cho người nuôi thì các doanh nghiệp thủy sản của tỉnh Cà Mau lại đang gặp khó. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh thông tin, dù Trung Quốc tuyên bố mở cửa thị trường trở lại, nhưng việc thông quan vẫn chưa nhiều, trong khi thị trường châu Âu và Mỹ đều ngưng đơn hàng. Tình hình trên khiến phần lớn doanh nghiệp trong tỉnh ngưng mua, hoặc mua cầm chừng, vì không biết bán cho ai, còn nếu trữ lại cũng chưa biết tới đây thị trường sẽ ra sao; thậm chí một số doanh nghiệp không còn vốn để thu mua do chưa giải phóng được hàng tồn kho.

Vì sao lại có sự trái chiều giữa Cà Mau với Sóc Trăng và một số tỉnh khác trong khu vực? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết nguyên nhân chính làm cho giá tôm ở Cà Mau giảm mạnh so với các tỉnh khác một phần là do thị trường tiêu thụ tôm của hầu hết các doanh nghiệp thủy sản tại đây là từ Trung Quốc, đặc biệt là con tôm sú, một sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong khi, từ trước Tết Nguyên đán, dịch COVID-19 đã hoành hành mạnh ở Trung Quốc buộc thị trường này phải đóng cửa và chỉ mới mở lại thời gian gần đây, nhưng việc thông quan vẫn rất hạn chế. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, do nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc là Ecuador cũng đang gặp khó khăn về thời tiết và dịch bệnh nên nhiều khả năng con tôm Việt Nam sẽ rộng cửa hơn khi vào thị trường này trong thời gian tới.

Sự thất thường của giá tôm từ đầu vụ đến nay cùng với diễn biến thời tiết bất lợi khiến người nuôi tôm lo lắng, dẫn đến tiến độ thả nuôi có phần chậm lại. Nhưng nếu thả tôm ở thời điểm này liệu có đảm bảo được mức giá tốt khi thu hoạch hay không vẫn là bài toán khó đối với người nuôi. Giả sử sau 3 – 4 tháng tới các nước khống chế dịch COVID-19 thành công, cũng chưa ai dám chắc nhu cầu thị trường khi đó sẽ tăng.

 

Xoay chuyển thị trường

Trung Quốc nằm trong top 6 thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất tôm cũng đã có những phương án tìm kiếm, mở rộng thị trường. Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7/2020 được kỳ vọng sẽ mở rộng cánh cửa hơn cho tôm Việt Nam tới thị trường EU. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt và áp dụng linh hoạt quy tắc tại “sân chơi” EVFTA, minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, nỗ lực tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác có ký kết hiệp định thương mại tự do, tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan.

Mặt khác, theo đại diện VASEP, trong xuất khẩu tôm, để đảm bảo tính cạnh tranh thì việc kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào và đảm bảo theo các tiêu chuẩn quốc tế là rất quan trọng; trong khi, điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm Việt lâu nay vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế. Để khắc phục điều này, người dân cần liên tục trao đổi với đầu mối thu mua cũng như với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để nắm bắt nhu cầu, chất lượng; đồng thời cân nhắc vấn đề tài chính để nuôi trồng như thế nào cho hiệu quả.

>> Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau: “10 ngày trở lại đây, giá tôm sú loại 20 – 40 con/kg ở Cà Mau đã giảm 40.000 – 50.000 đồng/kg, còn TTCT cũng giảm 10.000 – 20.000 đồng/kg, thậm chí TTCT cỡ nhỏ tìm doanh nghiệp mua rất khó. Tỉnh đã tuyên truyền để người dân không nên hoang mang dẫn đến tình trạng thu hoạch ồ ạt càng làm cho giá tôm giảm mạnh thêm và đề xuất Chính phủ can thiệp bằng gói tín dụng để doanh nghiệp mua trữ tôm…”.

An Xuyên –Thủy sản Việt Nam

Những người nông dân nhạy bén, linh hoạt

Sống với hạn mặn, người nông dân không chỉ dựa vào kinh nghiệm, cần cù, siêng năng, có những mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; còn đòi hỏi sự nhạy bén với thị trường và dám nghĩ, dám làm.
Vuông tôm của ông Diệp Văn Thận nằm giáp nhiều diện tích mía  /// Đình Tuyển

Vuông tôm của ông Diệp Văn Thận nằm giáp nhiều diện tích mía

Đình Tuyển

Đa dạng cây trồng

Cũng ở vùng đất màu mỡ, hai mùa mặn – ngọt Cù Lao Dung (Sóc Trăng), trên tuyến lộ nông thôn từ ấp Trương Công Nhựt về trung tâm xã An Thạnh Đông, giữa bốn bề ruộng mía đã khô lá, vườn rau xanh mơn mởn trong nhà lưới của ông Nguyễn Văn Việt (60 tuổi) như một điểm nhấn nổi bật. Ông Việt cũng là nông dân tiêu biểu của xã An Thạnh Đông, khấm khá nhờ nhạy bén trong chuyển đổi cây trồng.
Nhà lưới rộng 6,5 công, trồng rau muống, xà lách, cải xanh, cải ngọt, rau tần ô, cải dún… là nguồn thu nhập chính trong tổng số 2,6 ha đất trồng trọt của gia đình ông Việt. Khu vườn được ông Việt quây nhà lưới để tránh côn trùng cũng như sâu bọ gây hại. Hệ thống tưới béc phun sương, tiết kiệm nước cũng được lắp đặt. Đó cũng là thứ công nghệ giúp ích rất nhiều cho ông Việt, đặc biệt là trong mùa hạn mặn dữ dội này bởi nguồn nước ngọt phải sử dụng chắt chiu. “Nhìn chung làm nghề này không quá cực nhưng không khỏe như trồng mía. Ví dụ như vụ mía 12 tháng, người ta xuống giống, bón phân, đánh lá vài lần cộng lại cùng lắm 1 tháng. Trong khi làm rau phải làm quanh năm bất kể nắng mưa”, ông Việt so sánh.
Sống chung với hạn mặn: Linh hoạt giữa hai mùa nước1

Khu vườn rau trong nhà lưới đem lại nguồn thu 1 – 2 triệu đồng mỗi ngày cho gia đình ông Việt

Gia đình ông có 5 lao động gần như đều dốc sức cho vườn rau hiện đem lại nguồn thu nhập 1 – 2 triệu đồng/ngày, vào những ngày lễ tết nguồn thu này có thể tăng gấp đôi. Trước khi đến với rau nhà lưới, quá trình chuyển đổi cây trồng của ông Việt cũng hao công, tốn sức vô cùng. Người đàn ông 60 tuổi này từng có đến 40 năm trồng củ sắn, khoai lang. Cách đây 5 năm ông mới chuyển dần sang trồng chanh, trồng mía nước và đi đầu trong xã làm mô hình trồng rau nhà lưới như hiện nay. Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó, giờ đây ngoài nguồn thu đều đặn từ rau, 1,3 công chanh mỗi năm cho ông Việt khoảng 3 tấn trái, trong đó 2 tấn ra trái nghịch vụ có giá bán tới 17.000 đồng/kg. Cùng với đó là 1,8 ha trồng mía nước. “Mới đây, mía bấp bênh quá, tôi đã thuê người xuống giống hơn 500 gốc dừa thay thế dần. Cây dừa có thể thu nhập không quá cao nhưng bù lại chi phí chăm sóc rất thấp, giá khá ổn định và đặc biệt là không sợ nhiễm mặn”, ông Việt nói và cho biết, theo kinh nghiệm của ông, khi địa phương chưa thể lo đầu ra ổn định cho một sản phẩm thì người nông dân cần nhạy bén “lấy ngắn nuôi dài”, đa dạng hóa cây trồng nếu diện tích đất sở hữu cho phép. Khi đó cây trồng ngắn ngày tuy tốn nhiều công sức nhưng mang lại nguồn thu mỗi ngày, còn cây lâu năm chính là thứ giúp nhà nông thu hoạch ổn định, lâu dài.

Vườn dừa xen vuông tôm

Tranh thủ giữa trưa, ông Diệp Văn Thận, Phó chủ tịch UBND xã An Thạnh Đông, H.Cù Lao Dung (Sóc Trăng), chạy xe máy ra thăm 3 vuông tôm rộng 1,1 ha của mình. Nhìn ra sông Cồn Cộc kế vuông tôm, ông Thận bảo, hiếm có nơi nào thuận lợi cho phát triển nuôi tôm nước lợ như xứ cù lao này. Năm nào cũng vậy, từ tháng 4 đến tháng 5, mùa mưa bắt đầu, nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về đẩy nước mặn ra biển. Tới tháng 10, 11 mùa khô bắt đầu thì độ mặn cũng gia tăng. Cứ thế, người dân nuôi tôm ở cù lao canh con nước sao cho vừa vặn từ 6 – 9‰ mà sản xuất quanh năm. Ông Thận kể, nhờ trước đây từng làm bí thư xã đoàn, có dịp đi nhiều nơi học hỏi các mô hình sản xuất tiêu biểu nên ông đã sớm thực hiện chuyển đổi cây trồng trên chính ruộng mía, vườn bưởi của mình. “Tự mình làm hiệu quả thì khi tuyên truyền, khuyến khích chuyển đổi cây trồng cũng dễ dàng thuận lợi hơn, bà con thấy có lợi ích rõ ràng thì sẽ tin và làm theo”, ông Thận nói.
Sống chung với hạn mặn: Linh hoạt giữa hai mùa nước2

Ngoài trồng rau, ông Việt trồng thêm chanh cho trái nghịch vụ để có thêm nguồn thu

Nhớ lại quá trình thay đổi cây trồng của mình, ông Thận kể, trước năm 2000, gia đình ông sống nhờ vào 2 ha bưởi năm roi và 1,1 ha mía. Tới năm 2005, vườn bưởi già cỗi, ông Thận mua hơn 500 gốc dừa trồng xen vô liếp. Hơn 2 năm sau, vườn dừa cho trái miệt mài hằng năm, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình. “Điều đáng mừng là sức sống cây dừa rất mạnh, nước nhiễm mặn tưới không hề hấn gì mà công chăm sóc rất ít. Một năm lại cho thu hoạch lai rai 7 – 8 lần thành ra nguồn thu gần như tháng nào cũng có”, ông Thận nói và cho rằng dừa là một trong những cây trồng rất phù hợp với tình hình hạn mặn hiện nay.
Chỉ tay về vuông tôm vừa thu hoạch ít hôm, ông Thận nói tiếp, bước ngoặt lớn nhất của ông là năm 2014 khi đưa ra quyết định chuyển hơn 1,1 ha mía sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Đó là một quyết định táo bạo bởi để chuyển từ 1,1 ha đất trồng mía này thành 3 vuông tôm, ông đã phải bỏ ra hơn 300 triệu đồng thuê máy múc vuông, kéo điện, mua máy guồng nước… Đến nay, con tôm đã không phụ sự nhạy bén, dám nghĩ dám làm của ông Thận. Chính 3 vuông tôm đã giúp gia đình ông trở nên khá giả, kinh tế vững vàng. Ông cũng là hình mẫu để nhiều bà con họ hàng, nông dân trong xã học hỏi làm theo. Tuy nhiên, với tư cách một lãnh đạo xã, ông Thận tỏ ra băn khoăn, khi việc chuyển từ trồng trọt sang nuôi tôm vẫn là một thử thách quá lớn với nhiều nông dân. “Đó là nguồn vốn bỏ ra rất nhiều mà không phải nông dân nào cũng kham được, thành thử việc chuyển đổi từ cây trồng sang nuôi tôm ở xã An Thạnh Đông cũng chỉ có mức độ. Chưa kể rủi ro giá cả, dịch bệnh. Trúng giá có thể lời nhiều nhưng rủi mà thất bại thì cũng dễ lâm cảnh nợ nần”, Phó chủ tịch UBND xã An Thạnh Đông nói và đưa ra ví dụ: “Như tôi, hôm trước thu hoạch 1 ao được 3,2 tấn tôm, thương lái xuống mua nói do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá giảm. Mình lưỡng lự có 2 ngày, giá rớt từ 95.000 đồng/kg xuống còn 75.000 đồng/kg, tính ra mất 60 triệu đồng”.
Đất đai, con nước dù thuận lợi nhưng giá cả nông sản nói chung lại là điều nằm ngoài tầm với của người nông dân. Không chỉ ở Cù Lao Dung mà khắp miền Tây, mỗi năm nông dân ngoài phải ứng phó hạn, mặn, biến đổi khí hậu, mỗi vụ thu hoạch về lại thắc thỏm lo âu chuyện đầu ra. (còn tiếp)
Theo UBND xã An Thạnh Đông (H.Cù Lao Dung, Sóc Trăng), năm 2018, 2019 cả xã có 122 ha đất chuyển đổi cây trồng, chủ yếu là từ mía kém hiệu quả sang cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Riêng diện tích mía chuyển sang nuôi tôm là 51 ha, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của xã này lên 639 ha. Hằng năm giá tôm dao động từ 75.000 -100.000 đồng/kg, cao điểm có khi lên 140.000 đồng. Với giá thành nuôi tôm từ 70.000 – 75.000 đồng/kg thì giá bán tôm phải từ 100.000 đồng trở lên người nông dân mới thực sự có lợi nhuận.

Nỗi khổ của người nuôi tôm: Giá giảm, công nhân về quê tránh dịch

Sắp vào đợt thu hoạch chính vụ nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình chế biến, xuất khẩu thủy sản vẫn ảm đạm. Giá thu mua nguyên liệu trong nước vì thế cũng ở mức thấp, nhiều nông dân phải treo ao.

  

Ông Nguyễn Thành Kiên, một hộ nuôi tôm ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho hay, ông vừa mới xổ một vuông tôm sú, loại 30-40 con/kg. Thu hoạch được hơn 30kg tôm nhưng ông Kiên chỉ thu về chưa được 4 triệu đồng. Tính ra, giá tôm ông Kiên bán chỉ khoảng 135.000 đồng/kg.

Trước đó vài tuần, ông Kiên còn bán được với giá hơn 200.000 đồng/kg với loại tôm cùng kích cỡ.

Giá tôm nguyên liệu giảm thấp

“Thương lái không mặn mà lắm chuyện thu mua tôm, do nhà máy giảm công suất. Công nhân làm tôm trong vùng cũng về quê tránh dịch nhiều lắm”, ông Kiên giải thích.

Tại các vùng nuôi tôm khác ở ĐBSCL như Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ…, giá tôm nguyên liệu cũng đang ở mức thấp. Nhiều hộ nuôi tôm cho biết, giá tôm thẻ loại 100 con/kg hiện chỉ còn 65.000 – 70.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này đã thấp hơn giá thành sản xuất từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Nhẩm, một hộ nuôi tôm ở huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) chia sẻ, nghề nuôi tôm không phải ai cũng đạt được mức lợi nhuận như nhau. Tùy vào kinh nghiệm và khả năng nắm bắt, áp dụng kỹ thuật vào quá trình nuôi mà sẽ cho hiệu quả kinh tế khác nhau.

Tuy nhiên, theo ông Nhẩm, với mức giá và tình hình tiêu thụ như hiện nay, rất nhiều hộ nuôi tôm đang phải đối mặt với rủi ro thua lỗ. Nhiều vuông tôm đã thu hoạch nhưng nông dân không dám thả giống vụ mới.

Nếu là tôm thẻ, nuôi ao đất đạt cỡ 100 con/kg thì giá thu mua phải đạt 80.000 đồng/kg nông dân mới có lời. “Với giá thu mua tôm nguyên liệu hiện nay, bà con chưa dám thả vụ mới!”, ông Nhẩm cho biết.

Nhiều hộ nuôi tôm đang đối diện với rủi ro thua lỗ

Ông Trần Hoàng Em – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (Casep) cũng thông tin, chỉ trong một thời gian ngắn mà giá tôm đã giảm rất sâu. Hiện người dân sắp bước vào thu hoạch tôm, tuy nhiên giá tôm sú 20 con/kg hiện chỉ còn khoảng 180.000 – 200.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm khoảng 60.000-70.000/kg đồng so với thời điểm trước Tết.

Giá tôm thẻ chân trắng nuôi ao phủ bạt loại 100 con/kg có giá từ 70.000 – 75.000 đồng, giảm 20.000 đồng/kg, nuôi ao đất giá hiện còn 65.000 – 75.000 đồng/kg, giảm khoảng 15.000 đồng/kg.

Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng nhận định, hiện nay, giá tôm, cá tra nguyên liệu đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá, thu hoạch sớm. Trong khi đó, một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm do bị hoãn, hủy hoặc không ký kết được đơn hàng mới.

Các kho lạnh để trữ hàng tồn kho cũng đang trong tình trạng bị đầy hàng tồn và thiếu kho. Nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL phải tìm ra đến các tỉnh miền Trung để thuê kho lạnh, tạm trữ tôm nguyên liệu chưa xuất khẩu được.

Một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm do bị hoãn, hủy hoặc không ký kết được đơn hàng mới.

Việc tiêu thụ khó khăn đã dẫn đến việc giá thu mua tôm giảm, nhiều hộ nuôi treo ao. “Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu vào cuối năm, khi dịch bệnh hết, nhu cầu tăng lại nếu người nuôi hạn chế hoặc bỏ ao vì không trụ được ở giai đoạn này”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhận định.

Cũng theo VASEP, diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn đang rất phức tạp tại các nước trên thế giới. Do vậy, trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu thủy sản chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm. Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn, hủy đơn hàng. Cùng với đó là vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi, sẽ có không ít doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, không thể trụ vững vì thiếu vốn để duy trì, để quay vòng kinh doanh.

Xuất khẩu thủy sản tháng 3 giảm gần 20%

Theo ước tính, xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 549 triệu USD. Nguyên nhân là do dịch Covid 19 lây lan mạnh trên toàn cầu khiến sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề.

Tính đến hết  tháng 3/2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14%. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất với mức giảm 31%, chủ yếu do giảm xuất sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm. Xuất khẩu tôm giảm nhẹ 4,3%, trong khi các mặt hàng hải sản cũng giảm sâu.

Trong đó, xuất khẩu sang những thị trường lớn bị ảnh hưởng dịch bệnh đều giảm mạnh. EU có mức giảm sâu nhất với 40%, Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%…

Xuất khẩu sang Mỹ giảm ít hơn các thị trường khác nhờ sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ. Trong tuần đầu tháng 3, doanh số bán lẻ thủy sản đóng hộp tại Mỹ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng thị trường Trung Quốc, theo phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản, thị trường Trung Quốc đã có nhu cầu nhập khẩu trở lại nhưng đơn đặt hàng không nhiều. Hơn nữa, khách hàng Trung Quốc muốn ép giá mặc dù giá chào bán sản phẩm đã thấp hơn so với trước dịch.