Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tin Tức Ngành

Đài Loan tăng mua tôm Việt

Theo thống kê của ITC, Việt Nam đứng thứ 2 trong top các thị trường tôm xuất vào Đài Loan.

9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đạt 41,9 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ 2018. Đây là mức tăng tốt nhất trong top 10 thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam.

dai loan tang mua tom viet

Đài Loan ưa chuộng tôm sú từ Việt Nam, chủ yếu như tôm sú nguyên con tươi đông lạnh, tôm sú nguyên con tươi xẻ bướm đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú PUD đông lạnh. Tôm sú nguyên con tươi đông lạnh xuất sang Đài Loan có giá 6-8 USD một kg. Bên cạnh đó, Đài Loan cũng nhập từ Việt Nam tôm chân trắng thịt đông lạnh, tôm chân trắng PTO nobashi, tôm chân trắng PD luộc đông lạnh, tôm chân trắng sushi hấp đông lạnh…

Theo thống kê của ITC, Việt Nam đứng thứ 2 trong top các thị trường tôm xuất vào Đài Loan, chiếm 16,6%.

Sáu tháng đầu năm, trong top 4 nguồn cung chính, nhập khẩu tôm vào Đài Loan từ Việt Nam và Honduras tăng trưởng tốt trong khi tôm từ Thái Lan sụt giảm mạnh.

Tỷ trọng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Đài Loan chưa tăng như kỳ vọng là do thuế nhập vào thị trường này còn cao (khoảng 20%), đồng thời thị trường này áp dụng quy định khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thường xuyên điều chỉnh, sửa đổi.

Tuy nhiên, Đài Loan là thị trường nhiều tiềm năng cho tôm Việt Nam với thị hiếu đa dạng, cộng đồng người Việt khá đông đảo. Nhu cầu nhập tôm của Đài Loan cũng có xu hướng tăng những năm gần đây.

Đầu tháng 10/2019, Cơ quan Quản lý Thực phẩm Dược phẩm Đài Loan đã công bố danh sách 638 nhà máy, công ty thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường này.

Người Đài Loan thường ít dự trữ thực phẩm, do đó đóng gói hàng hóa nên nhỏ gọn, thiết kế đẹp mắt, kèm đầy đủ hướng dẫn sử dụng.

“Chạy” theo thịt lợn, giá tôm vụ thu – đông tăng 30%

Hơn một tuần nay, giá tôm bất ngờ tăng mạnh khiến cho người nuôi tôm vụ thu đông Hà Tĩnh rất phấn khởi. Nhiều vùng nuôi tôm đang tập trung chăm sóc chờ ngày thu hoạch.

Vùng nuôi tôm của một công ty ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) hiện đang tiến hành thu hoạch tỉa tôm vụ thu – đông, công ty cho biết: Vụ tôm thu – đông của công ty có diện tích hơn 2,5 ha với 10 ao nuôi. Sau 80 ngày thả giống, đến nay, tôm đã bắt đầu bước vào kỳ thu hoạch. Ước tính, vụ tôm này cho sản lượng khá cao, khoảng 25 tấn tôm thương phẩm.


Nông dân Hà Tĩnh thu tỉa tôm vụ thu – đông.

“Năm nay, công ty đổi mới công nghệ sản xuất giống, du nhập tôm bố mẹ từ Mỹ về nên đạt năng suất cao. Hiện, công ty đang cho thu hoạch với nhiều kích cỡ tôm khác nhau, trong đó có loại đạt 48 – 50 con/kg. Điều đáng nói, giá tôm hiện tại đang tăng mạnh, tôm có kích cỡ 40 – 50 con/kg bán với giá hơn 200 nghìn đồng/kg; cỡ tôm 60 – 70 con/kg bán với giá 180.000 đồng/kg; 80 – 90 con/kg bán với giá 150.000 đồng/kg… Tính bình quân, giá tôm hiện tại tăng khoảng 30%” – Giám đốc công ty này cho biết thêm.

Vùng nuôi tôm trên cát ở xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) có khoảng 20 ha nuôi vụ thu – đông. Chủ đầm tôm Trần Văn Ngô ở xóm Bắc Hòa cho biết: Vụ tôm này anh thả hơn 1 triệu con vào nuôi 3 ao với diện tích gần 1 ha. Đến thời diểm này, tôm nuôi đã đạt kích cỡ gần 80 con/kg, khoảng gần tháng nữa sẽ cho thu hoạch.

Qua các kênh thông tin được biết, giá tôm hiện tại tăng cao nên anh rất phấn khởi. Để vụ nuôi thành công, anh đang tập trung chăm sóc, phòng bệnh cho tôm. Với sản lượng ước đạt 15 tấn, vụ tôm này gia đình anh sẽ thu về hơn 2 tỷ đồng.


Vụ thu – đông chủ yếu là nuôi ở các vùng nuôi tôm công nghệ cao trên cát.

Nuôi tôm vụ thu – đông ở tỉnh Hà Tĩnh mặc dù rủi ro cao do thời tiết, dịch bệnh nhưng giá trị mang lại sau thu hoạch rất lớn. Bởi vậy, tôm vụ này được nuôi chủ yếu tại các vùng nuôi tôm công nghệ cao trên cát. Đây là những vùng nuôi được đầu tư kỹ lưỡng và tuân thủ lịch thời vụ, là những yếu tố hết sức quan trọng để giành thắng lợi trong vụ tôm này…

Ông Lưu Quang Cần – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Toàn tỉnh có gần 3.000 ha nuôi tôm nhưng vụ thu – đông chỉ có khoảng 300 ha đủ điều kiện, rải rác ở các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, Kỳ Anh…

Bình thường, giá tôm vụ thu – đông cũng cao hơn so với vụ xuân hè nhưng gần một tuần lại nay, giá tăng mạnh, bình quân khoảng 30%. Trước tình hình giá thịt lợn tăng “đột biến” như hiện nay, nhận định giá tôm thương phẩm sẽ tiếp tục duy trì và tăng mạnh, nhất là vào dịp cuối năm. Đây thực sự là tín hiệu vui cho người dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

“Tuy nhiên, phần lớn diện tích thả nuôi tôm – thu đông thời điểm này chưa đến kỳ thu hoạch, vì vậy, người nuôi phải hết sức thận trọng bởi thời tiết diễn biến bất thường. Đặc biệt, biên độ, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn, không thích hợp với điều kiện phát triển của tôm, nhưng lại là điều kiện thích hợp cho mầm bệnh phát sinh. Bởi vậy, phải theo dõi, chăm sóc kỹ lưỡng, đảm bảo tốt các quy trình kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh tốt thì mới thành công ” – ông Cần khuyến cáo.

Công nghệ mới trong sản xuất tôm giống

Chất lượng tôm giống là yếu tố tiên quyết cho một vụ nuôi thành công. Các công ty sản xuất giống tôm thẻ chân trắng vừa và nhỏ ở Việt Nam đều nhập tôm bố mẹ sạch bệnh của Công ty Shrimp Improvement Systems (SIS) hay Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã qua chọn lọc nhiều thế hệ. Vì thế quy trình công nghệ nuôi vỗ, sinh sản, ương nuôi ấu trùng, quản lý an toàn sinh học… của trại giống sẽ quyết định chất lượng tôm giống.

Ở khâu nuôi vỗ, các loại thức ăn cần thiết để tôm tái thành thục cần phải đảm bảo sạch bệnh. Do thức ăn nuôi vỗ tôm bố mẹ chủ yếu là mực, ốc mượn hồn, rươi, và moi nên cần thiết phải khử trùng virus trong các loại thức ăn tươi sống này trước khi cho ăn. Công nghệ vi bọt khí và ozone có thể giảm nồng độ vi khuẩn và virus trong thức ăn tươi sống.

Lắp đặt hệ thống nuôi tảo thu tự động (ví dụ: Tisochrysis lutea, tên cũ là Isochrysis galbana) nhằm cung cấp “nguồn sữa mẹ” chất lượng tốt với sản lượng ổn định cho ấu trùng Nauplius. Tảo được nuôi trong hệ thống kín và thu liên tục nên đảm bảo tinh sạch và mật độ cao. Việc bổ sung tảo chất lượng mật độ cao cũng sẽ giúp giảm tác động đến môi trường bể nuôi do ảnh hưởng của nước nuôi tảo.

Artemia mới nở sẽ không có nhiều dinh dưỡng nên để đủ dinh dưỡng, ấu trùng tôm phải bắt được nhiều Artemia, đồng nghĩa chúng sử dụng nhiều năng lượng hơn cho hoạt động bắt mồi. Vì thế cần phải cường hóa artemia với tảo, acid béo cần thiết hoặc một số nucleotide trước khi cho ấu trùng tôm ăn để đảm bảo thức ăn đủ dinh dưỡng với lượng ít nhất. Thức ăn công nghiệp cho các giai đoạn sau nên phối trộn một số loại thức ăn của các hãng uy tín. Bột moi (krill meal) là thức ăn bổ sung bắt buộc cho giai đoạn này để tôm có sức khỏe tốt nhất. Chế phẩm vi sinh và các vitamin cần thiết cũng có thể được bổ sung vào cả thức ăn công nghiệp và Artemia để tăng cường sức khỏe cho tôm giống. Chất lượng nước được kiểm soát bằng chế phẩm EM hoặc chế phẩm vi sinh khác. Mật độ vi sinh có lợi trong hệ thống cao giúp duy trì ổn định chất lượng nước và kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh. Nước đầu vào thay vì được diệt khuẩn bằng hóa chất như chlorine hay axit hữu cơ có thể được xử lý bằng công nghệ vi bọt khí và ozone. Ưu điểm của công nghệ vi bọt khí và ozone là hạn chế tồn dư những tạp chất trong hóa chất xử lý nước. Ngoài ra, hàm lượng ôxy hòa tan trong bể ương có thể được nâng lên 9 – 10 ppm nhờ hệ thống vi bọt khí thay vì mức 4 – 6 ppm của hệ thống thổi khí. Khi ôxy được đưa vào trong nước dưới dạng vi bọt khí ở mức micromét và nanomét thì chúng có thể tồn tại trong nước rất lâu, thay vì bay lên không khí như sục khí thông thường.

Khi đóng gói và vận chuyển tôm, ngoài việc giữ nhiệt độ 20 – 240C, hàm lượng ôxy cao hơn mức bão hòa trong nước sẽ giúp tôm post khỏe hơn và đi xa hơn. Ngoài ra, các khâu sản xuất cần được phân tích và tuân thủ theo hướng dẫn an toàn sinh học trong trại giống do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) hướng dẫn. Mẫu tôm cần được gửi tới các đơn vị có phòng lab đủ điều kiện để phân tích xét nghiệm PCR cho virus, vi khuẩn, và ký sinh trùng cho các giai đoạn.

Tóm lại, các trại tôm hoàn toàn có thể nâng cao sức khỏe tôm giống của mình khi áp dụng phù hợp các công nghệ vi bọt khí, ozone, vi sinh và nuôi tảo thu liên tục với quản lý an toàn sinh học chặt chẽ.

Xuất khẩu tôm vẫn trên đà giảm

Xuất khẩu tôm sang nhiều thị trường chính giảm sâu, khiến kim ngạch xuất khẩu tôm trong 2019 giảm, khó đạt được kế hoạch đề ra.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Vệt Nam (VASEP), sau khi giảm trong tháng 9/2019, XK tôm Việt Nam trong tháng 10 tiếp tục giảm, tuy nhiên mức giảm đã chậm hơn so với tháng 9. Kim ngạch XK tôm trong 10 tháng đạt 2,8 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

XK tôm Việt Nam sang thị trường EU- thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam tăng trưởng dương duy nhất trong tháng 7, các tháng còn lại đều tăng trưởng âm. Trong 10 tháng năm nay, XK tôm sang EU đạt 580,8 triệu USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU (Anh, Hà Lan, Đức), XK sang Anh và Hà Lan giảm 2 con số, lần lượt 15,5% và 37,6%, XK sang Đức giảm 5,6%.

Theo VASEP, EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 21% XK tôm của Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, XK tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020. Tuy nhiên, XK sang thị trường này trong nửa cuối năm chưa thể phục hồi.

Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam sau EU, chiếm 19,7% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. XK tôm Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng dương trong 4 tháng từ tháng 5 đến tháng 8, giảm trong tháng 9/2019 và tăng trưởng dương trở lại trong tháng 10/2019. XK tôm sang Mỹ trong 10 tháng đạt 548,2 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đã tích cực hơn nhờ tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang có xu hướng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm chân trắng lớn nhất Việt Nam. Về cơ cấu XK tôm Việt Nam sang Mỹ, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn 83,3%, tôm sú chỉ chiếm 12,6%. 9 tháng đầu năm nay, XK tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh sang Mỹ tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả khả quan về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ trong POR 13 đã góp phần tạo động lực cho các DN XK tôm của Việt Nam sang thị trường này. XK tôm Việt Nam sang Mỹ dự kiến tăng khoảng 5% trong quý cuối năm nay.

XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 10/2019 đạt 56,3 triệu USD, tăng 20,4%. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong số 6 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam. Tính tới tháng 10 năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 438,6 triệu USD, tăng 8,7%.

Đầu năm 2019, Trung Quốc siết chặt thương mại đường biên mậu đồng thời Trung Quốc cũng tăng mạnh NK tôm từ Ecuador và Ấn Độ, khiến XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc những tháng đầu năm sụt giảm.

Kể từ tháng 5/2019 đến nay, nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc từ Việt Nam cao hơn, doanh nghiệp cũng đã bắt kịp yêu cầu thị trường nên XK tôm Việt Nam sang thị trường này đã liên tục đạt được các mức tăng trưởng dương.

XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc từ nay đến cuối năm dự kiến vẫn duy trì đà tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu tôm từ Trung Quốc vẫn cao để phục vụ Tết Nguyên đán.

Theo nhận định của VASEP, XK tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào những tháng cuối năm khi lượng tồn kho giảm. Tuy nhiên, XK sang thị trường EU những tháng cuối năm chưa thể phục hồi. Cạnh tranh về giá tôm vẫn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp XK tôm Việt Nam cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018.

Tính chi phí nuôi như thế nào hiệu quả (phần 2)

Các bác thường tính chi phí nuôi như thế nào, có như thế này ko:

Sau mỗi đợt thu hoạch, chúng ta thường xem lại toàn bộ qui trình nuôi, thực tế trong thời điểm thu tỉa cách tốt nhất để biết được lơi nhuận là có một hệ thống sổ sách chặt chẽ để nắm bắt được chi phí nuôi trên đầu con nhanh chóng.
Xem bảng để thấy được các hạng mục ảnh hưởng đến giá nuôi của con tôm cho DOC 50

Tổng chi phí nuôi cho DOC 50 ngày rơi vào từ 83,000 VND đến 89,000 VND trong đó tỷ lệ của các mục sẽ là:
Tôm giống: 7%
Thức ăn: 35%
Xử lý / thuốc: 32%
Lương: 8%
Điện: 14%
Vật tư khác (vận chuyển, công nhật): 4%

Giá bán tôm 50 con ngày hôm đó : 122,000 VND
Vậy lợi nhuận sẽ là 30% hoặc thấp hơn nếu trong bất cứ chỉ số nào chúng ta không chỉnh kịp thời.

Tôm hùm nhập tăng giá vù vù, tôm hùm Việt bán ra với mức giá thấp

Gần về cuối năm, giá tôm hùm Alaska nhập khẩu và tôm hùm Việt Nam đều tăng cao. Tuy nhiên, người nuôi tôm hùm thương phẩm tại nhiều địa phương ven biển cho rằng mức giá bán hiện nay vẫn thấp so với công sức và chi phí bỏ ra.

Nếu như khoảng 1 tháng trước đây, giá tôm hùm Alaska nhập khẩu dao động từ 950.000 – 1.100.000 đồng/kg với tất cả các size từ 0,5kg – 5kg thì hiện giá loại tôm này đã tăng 100.000 – 200.000 đồng/kg, lên 1.050.000 – 1.250.000 đồng/kg.

Trao đổi với chị Thanh Thủy, nhân viên tại một công ty nhập khẩu hải sản Canada tại Hà Nội, chị cho biết, khoảng 1 tháng trước đây giá tôm hùm Alaska công ty chị để cho các đại lý là 900.000 đồng/kg tất cả các size, thì hiện nay giá là 1.010.000 đồng/kg, còn bán lẻ ra ngoài là 1.060.000 đồng/kg.

Tôm hùm nhập tăng giá vù vù, tôm hùm Việt bán ra với mức giá thấp - 1

Càng về cuối năm giá tôm hùm Alaska càng tăng cao

“Từ giờ đến Tết giá tôm hùm Alaska sẽ còn tăng cao. Giá thay đổi theo mỗi đợt hàng về, nhưng chắc sẽ tăng lên khoảng 100.000 – 200.000 đồng/kg nữa. Hiện bên Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu tôm hùm Alaska với số lượng lớn, nhiều khi không có hàng để lấy. Mỗi tuần công ty tôi nhập 2 đợt, mỗi đợt không dưới nửa tấn, mà vừa rồi đợt Quốc khánh Trung Quốc còn không nhập được cân nào. Đợt Tết dương lịch sắp tới phải cạnh tranh gay gắt với bên Trung Quốc, không biết có nhập được hàng không nữa, trong khi nhiều đại lý ở các tỉnh đã đặt hàng số lượng lớn từ bây giờ. Vì vậy, giá tôm hùm Alaska từ nay đến cuối năm chỉ tăng chứ không giảm”, chị Thủy cho biết.

Trong khi giá tôm hùm nhập khẩu tăng cao thì giá tôm hùm thương phẩm trong nước cũng tăng, nhưng người nuôi tôm hùm tại nhiều địa phương ven biển cho rằng mức giá này vẫn thấp so với công sức và chi phí bỏ ra.

Trao đổi với chị Thu Nga, một người bán tôm hùm thương phẩm tại Phú Yên, chị cho biết giá tôm hùm xanh hiện chị bán cho khách lẻ là 900.000 đồng/kg size 2-3 lạng; 1,1 triệu/kg size 4-5 lạng và gần 2 triệu/kg size 1kg đổ lên.

Tôm hùm nhập tăng giá vù vù, tôm hùm Việt bán ra với mức giá thấp - 3

Tôm hùm Việt tăng giá, nhưng vẫn thấp hơn giá cùng kỳ năm ngoái 200.000- 300.000 đồng/kg

“Mấy hôm nay tôm hùm bắt đầu lên giá, size từ 1kg trở lên trước chỉ 1,3 triệu/kg thì giờ đã lên gần 2 triệu/kg rồi. Các size khác tăng từ 100.000 – 200.000 đồng/kg. Sắp tới giá tôm sẽ còn tăng nữa”, chị Nga cho biết.

Tuy nhiên, theo chị Nga, hầu như người nuôi tôm hùm thương phẩm tại Phú Yên không nuôi tôm lâu vì các thương lái không mua tôm size từ 4 lạng trở lên, hoặc nếu mua sẽ ép giá xuống thấp, trong khi càng nuôi lâu thì chi phí thức ăn sẽ càng tăng cao.

Chính vì vậy, tôm hùm cứ được 2-3 lạng là người nuôi thu hoạch hết để bán. Lượng tôm size từ 1kg trở lên rất hiếm. “Giá tôm hùm đang tăng, nhưng vẫn thấp hơn năm ngoái từ 200.000 – 300.000 đồng/kg, không bõ gì so với công sức và chi phí bỏ ra!”, chị Nga nhận định.

Khảo sát giá tôm hùm xanh tại các cửa hàng hải sản tại Hà Nội, size từ 0,2 – 0,89kg/con được bán với giá 1,5 – 1,7 triệu/kg; size từ 0,9 – 1,15 kg/con giá từ 2 – 2,350 triệu/kg; size 1,16 – 1,69kg/con giá 2,5 – 2,7 triệu/kg; size 1,7 – 2kg giá từ 3 – 3,2 triệu/kg.

Xử lý nước thế nào hiệu quả

Cách xử lý nước trước khi thả tôm giống an toàn
Thứ hai – 29/05/2017 15:38
Xử lý nước trước khi thả tôm rất quan trọng vì chỉ cần xử lý không đúng cách có thể ảnh hưởng cả vụ nuôi, cách xử lý nước trước khi thả tôm phải tuần tự hợp lý mới có thể giúp giống phát triển an toàn, khỏe mạnh.

Tại sao phải xử lý nước trước khi thả tôm?
– Vì Mầm bệnh gây hại còn xót lại ở vụ nuôi trước đó có thể gây hại cho tôm giống

– Mầm bệnh từ nguồn nước được cấp vào ao nuôi nếu không xử lý sẽ vô cùng nguy hiểm.

– Bên cạnh đó việc xử lý nước còn tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm phát triển nhanh chóng trong giai đoạn đầu, giảm chi phí thức ăn từ đó tăng lợi nhuận.

Xử lý mầm bệnh trong nước ao nuôi
– Bước 1: Cấp nước vào ao lắng qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp. Để lắng 3 – 7 ngày.

– Bước 2: Kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng, cá tạp nở thành ấu trùng bằng cách chạy quạt nước liên tục 2 – 3 ngày.

chay quat nuoc de au trung no

– Bước 3: Sử dụng Chlorine nồ độ 20-30 ppm (20-30kg/1.000m3 nước) để diệt tạp, diệt khuẩn nước ao lắng vào buổi sáng (khoảng 8h) hoặc buổi chiều ( khoảng 16h). Ngoài ra có thể sử dụng một số hoá chất có thể dùng để diệt tạp, diệt khuẩn nước:

+ Thuốc tím (KMnO4): 20 – 50 kg/ha, tạt đều khắp ao và để ít nhất sau 24 giờ mới gây màu nước.

+ BKC (Benzalkonium Chlorinde) ≥ 50%: là 3 – 5ppm (30 – 50kg/ha).

+ Hợp chất Iodine ≥ 10%: 1 – 3 lít/1.000 m3 nước.

Lưu ý: Chỉ sử dụng một trong các hoá chất: hoặc thuốc tím, hoặc Chlorine , hoặc BKC, hoặc Iodine. Nếu sử dụng Chlorine để diệt trùng thì trước đó từ 3 – 5 ngày không nên sử dụng vôi vì vôi làm tăng pH, giảm khả năng diệt trùng của Chlorine.

– Bước 4: Quạt nước liên tục trong 10 ngày để phân hủy dư lượng Chlorine. Kiểm tra dư lượng chlorine trong nước bằng thuốc thử.

– Bước 5: Thả cá rô phi vào ao chứa: 50kg cá rô phi đơn tính, cở cá 50gr/con/3.000m2.

– Bước 6: Lấy nước từ ao chứa đã được xử lý vào ao nuôi qua túi lọc.

Lưu ý:

+ Đối với ao chứa duy trì nuôi cá rô phi liên tục trong suốt quá trình.

+ Không lấy nước vào ao khi: (1) nước ngoài kênh/mương có nhiều váng bọt, màng nhầy, nhiều phù sa; (2) nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh; (3) nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm.

Gây màu nước trong ao trước khi thả giống.
– Ở bước này bà con có thể xem bài viết cách gây màu nước trong ao nuôi tôm để gây màu nước phù hợp cho sự sinh trường và phát triển của tôm giống.

Chúc bà con xử lý nước trước khi thả tôm thành công và có vụ nuôi thắng lợi!