Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Tôm Giống

Công nghệ mới trong sản xuất tôm giống

Chất lượng tôm giống là yếu tố tiên quyết cho một vụ nuôi thành công. Các công ty sản xuất giống tôm thẻ chân trắng vừa và nhỏ ở Việt Nam đều nhập tôm bố mẹ sạch bệnh của Công ty Shrimp Improvement Systems (SIS) hay Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã qua chọn lọc nhiều thế hệ. Vì thế quy trình công nghệ nuôi vỗ, sinh sản, ương nuôi ấu trùng, quản lý an toàn sinh học… của trại giống sẽ quyết định chất lượng tôm giống.

Ở khâu nuôi vỗ, các loại thức ăn cần thiết để tôm tái thành thục cần phải đảm bảo sạch bệnh. Do thức ăn nuôi vỗ tôm bố mẹ chủ yếu là mực, ốc mượn hồn, rươi, và moi nên cần thiết phải khử trùng virus trong các loại thức ăn tươi sống này trước khi cho ăn. Công nghệ vi bọt khí và ozone có thể giảm nồng độ vi khuẩn và virus trong thức ăn tươi sống.

Lắp đặt hệ thống nuôi tảo thu tự động (ví dụ: Tisochrysis lutea, tên cũ là Isochrysis galbana) nhằm cung cấp “nguồn sữa mẹ” chất lượng tốt với sản lượng ổn định cho ấu trùng Nauplius. Tảo được nuôi trong hệ thống kín và thu liên tục nên đảm bảo tinh sạch và mật độ cao. Việc bổ sung tảo chất lượng mật độ cao cũng sẽ giúp giảm tác động đến môi trường bể nuôi do ảnh hưởng của nước nuôi tảo.

Artemia mới nở sẽ không có nhiều dinh dưỡng nên để đủ dinh dưỡng, ấu trùng tôm phải bắt được nhiều Artemia, đồng nghĩa chúng sử dụng nhiều năng lượng hơn cho hoạt động bắt mồi. Vì thế cần phải cường hóa artemia với tảo, acid béo cần thiết hoặc một số nucleotide trước khi cho ấu trùng tôm ăn để đảm bảo thức ăn đủ dinh dưỡng với lượng ít nhất. Thức ăn công nghiệp cho các giai đoạn sau nên phối trộn một số loại thức ăn của các hãng uy tín. Bột moi (krill meal) là thức ăn bổ sung bắt buộc cho giai đoạn này để tôm có sức khỏe tốt nhất. Chế phẩm vi sinh và các vitamin cần thiết cũng có thể được bổ sung vào cả thức ăn công nghiệp và Artemia để tăng cường sức khỏe cho tôm giống. Chất lượng nước được kiểm soát bằng chế phẩm EM hoặc chế phẩm vi sinh khác. Mật độ vi sinh có lợi trong hệ thống cao giúp duy trì ổn định chất lượng nước và kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh. Nước đầu vào thay vì được diệt khuẩn bằng hóa chất như chlorine hay axit hữu cơ có thể được xử lý bằng công nghệ vi bọt khí và ozone. Ưu điểm của công nghệ vi bọt khí và ozone là hạn chế tồn dư những tạp chất trong hóa chất xử lý nước. Ngoài ra, hàm lượng ôxy hòa tan trong bể ương có thể được nâng lên 9 – 10 ppm nhờ hệ thống vi bọt khí thay vì mức 4 – 6 ppm của hệ thống thổi khí. Khi ôxy được đưa vào trong nước dưới dạng vi bọt khí ở mức micromét và nanomét thì chúng có thể tồn tại trong nước rất lâu, thay vì bay lên không khí như sục khí thông thường.

Khi đóng gói và vận chuyển tôm, ngoài việc giữ nhiệt độ 20 – 240C, hàm lượng ôxy cao hơn mức bão hòa trong nước sẽ giúp tôm post khỏe hơn và đi xa hơn. Ngoài ra, các khâu sản xuất cần được phân tích và tuân thủ theo hướng dẫn an toàn sinh học trong trại giống do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) hướng dẫn. Mẫu tôm cần được gửi tới các đơn vị có phòng lab đủ điều kiện để phân tích xét nghiệm PCR cho virus, vi khuẩn, và ký sinh trùng cho các giai đoạn.

Tóm lại, các trại tôm hoàn toàn có thể nâng cao sức khỏe tôm giống của mình khi áp dụng phù hợp các công nghệ vi bọt khí, ozone, vi sinh và nuôi tảo thu liên tục với quản lý an toàn sinh học chặt chẽ.

Tôm giống vụ nuôi mới: Giá tăng, chất lượng phải tăng

Giá tôm tăng đã khiến người nuôi bớt nhọc nhằn. Tranh thủ giá cao, nhiều địa phương bắt đầu thả nuôi vụ mới. Vấn đề con giống lại tiếp tục được đặt ra cả về số lượng và chất lượng.

Tại nhiều địa phương, giá tôm giống đang tăng do nhu cầu tăng cao khi tôm nguyên liệu đang khan. Tại Bạc Liêu, giá tôm thẻ chân trắng (TTCT) ở mức 40 – 70 đồng/con, có nơi giá 80 – 90 đồng/con.

Trong khi đó, ở Cà Mau, giá tôm giống cũng tăng nhẹ. Toàn tỉnh hiện có hơn 600 trại sản xuất tôm sú giống, mỗi năm sản xuất được 8 – 9 tỷ con tôm post, đáp ứng 50% nhu cầu sản xuất trong tỉnh, còn lại phải nhập từ Bạc Liêu, Bến Tre, Phú Yên… Ông Quách Nhật Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết: Mỗi năm, tỉnh cần khoảng 2,5 tỷ con TTCT giống. Nhu cầu tôm giống đang tăng trong vụ nuôi mới. Tôm giống được mua tại Công ty TNHH Việt – Úc tăng 4 – 5 đồng/con. Giá tôm giống của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam 86 – 90 đồng/con. Ngoài ra, do doanh nghiệp phải tăng chi phí đầu vào, bỏ thêm tiền mua ghe chở nước ngọt về trại giống, khiến giá tôm giống tăng 2 – 3 đồng/con. Chất lượng con giống sản xuất trong tỉnh được kiểm tra theo nơi sản xuất, xét nghiệm cụ thể… Nhưng, lượng tôm giống nhập từ ngoài tỉnh về chất lượng kém vẫn chiếm gần 30%.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Khởi, cho biết: Tỉnh còn thiếu nguồn tôm giống đảm bảo chất lượng; người nuôi mua tôm giống bên ngoài về, tỷ lệ đạt chất lượng chỉ gần 20%, nhiều tôm giống chưa được kiểm soát, dẫn đến dịch bệnh trong quá trình nuôi. Còn tại Bến Tre, theo Chi cục NTTS tỉnh, diện tích nuôi TTCT tăng gần 3 lần nhưng giá tôm cơ bản vẫn tương đương vụ nuôi trước. Giá tôm sú giống 70 – 80 đồng/con, TTCT 80 – 100 đồng/con. Toàn tỉnh có 8 trại sản xuất tôm giống, đáp ứng 30% nhu cầu trong tỉnh; mỗi năm tỉnh cần nhập 5 tỷ con tôm giống (tôm sú và TTCT). Lượng giống nhập về không đạt chất lượng chiếm 10 – 15%.

 

Trong khi đó, theo Công ty TNHH Việt – Úc, nhu cầu TTCT giống tăng 20% so với năm 2013. Hiện, Công ty thiếu khoảng 500 triệu con TTCT giống. Nhiều đơn hàng đã được đặt trước hàng tháng, tuy nhiên, trong 1,5 – 2 tháng, nhà cung cấp tôm bố mẹ mới có hàng.

Nếu thiếu giống TTCT sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như một số doanh nghiêp, trại không có nguồn tôm bố mẹ sẽ cho tôm đẻ quá thời gian và số lần quy định hoặc một số cơ sở tự gia hóa tôm bố mẹ và phát tán, vi phạm quy định quản lý của Nhà nước… Mỗi năm nước ta phải nhập khẩu hàng vạn cặp tôm bố mẹ, giá mỗi cặp 20 – 60 USD, nhưng chất lượng gần như không kiểm tra được.

Về lâu dài, cần chủ động tôm bố mẹ giống, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc chọn tôm có nguồn gốc rõ ràng, tôm bố mẹ sau 2 lần đẻ không nên sử dụng tiếp để gây giống. Trước mắt, người nuôi tôm nên có hợp đồng với các doanh nghiệp, trại giống, đại lý cung cấp tôm giống đạt yêu cầu chất lượng; được xét nghiệm bệnh và qua kiểm dịch để đảm bảo chất lượng trước khi thả nuôi.

Phương tiện mới đo lường tôm bố mẹ

Một dự án phát triển công nghệ tầm nhìn dưới nước để đo lường tôm bố mẹ đã được đưa ra, sau khi ký thỏa thuận giữa Hendrix Genetic và Plant & Food Research được thực hiện.

Để chọn chính xác động vật phù hợp làm bố mẹ sinh sản, các nhà di truyền học cần theo dõi các đặc điểm chính, bao gồm trọng lượng cơ thể và hình thái học (kích thước và hình dạng). Tuy nhiên, trong NTTS, việc thu thập dữ liệu trên từng động vật mang lại những thách thức đáng kể. Các phương pháp thông thường như cân nặng tốn nhiều công sức và có thể ảnh hưởng đến phúc lợi động vật. Công nghệ tầm nhìn dưới nước cung cấp một giải pháp để xác định, đo lường và chọn lọc giống chính xác và hiệu quả.

Plant & Food Research đã phát triển các quy trình dựa trên hình ảnh mới để tự động đo lường một loạt các tính trạng ở thủy sản. Hệ thống thông lượng cao sử dụng các đặc điểm phân biệt đặc trưng của loài, chẳng hạn như tạo hình trực quan gần giống với dấu vân tay, để xác định các cá nhân và theo dõi sự phát triển của chúng theo thời gian. Thông tin này có thể được sử dụng để xác định các cá nhân có những đặc điểm phù hợp nhằm cung cấp tiềm năng là cha mẹ trong các chương trình nhân giống NTTS. Dự án phát triển sẽ đánh giá khả năng tồn tại của công nghệ này trong môi trường thương mại bằng cách thực hiện một số trường hợp thử nghiệm trong cá hồi.

TS Robbert Blonk, Giám đốc R&D NTTS của Hendrix Genetic nói: “Thu thập dữ liệu chính xác và theo dõi các cá nhân trong NTTS là chìa khóa. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Plant & Food Research để triển khai công nghệ tiên tiến của họ để tiếp tục phát triển các chương trình nhân giống của chúng tôi”.

TS Maren Wellenreuther, Trưởng nhóm khoa học sản xuất thủy sản cho Plant & Food Research thông tin thêm, công nghệ tầm nhìn dưới nước có tiềm năng cho một bước nhảy vọt lớn về độ chính xác trong chăn nuôi và cải thiện gen hơn nữa. “Chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển công nghệ này và thấy nó được các đối tác trong ngành như Hendrix Genetic áp dụng” – ông nói.

Với chuyên môn kết hợp trong chăn nuôi, di truyền và công nghệ, các đối tác sẽ phát triển hơn nữa các kỹ thuật có khả năng cải thiện tần số và độ chính xác trong các phép đo tính trạng theo kết quả phúc lợi động vật được nâng cao. Dự án này sẽ tăng độ chính xác của lựa chọn trong chăn nuôi, trong đó chuyển thành các sản phẩm lành mạnh, hiệu quả cho toàn bộ ngành NTTS.

Hendrix Geneticcó trụ sở tại Hà Lan, là một công ty chăn nuôi đa loài hàng đầu với các hoạt động chính ở gà tây, gia cầm truyền thống, lợn, cá hồi Đại Tây Dương, cá hồi coho, cá hồi cầu vồng và nuôi tôm. Được hỗ trợ bởi danh mục đầu tư mạnh mẽ của các thương hiệu hàng đầu, Hendrix Genetic cung cấp chuyên môn và nguồn lực cho các nhà sản xuất tại hơn 100 quốc gia, với các hoạt động và liên doanh tại 25 quốc gia và hơn 3.400 nhân viên trên toàn thế giới.