Một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 được UBND tỉnh giao cho ngành Nông nghiệp tỉnh là phát huy thế mạnh từ con tôm. Trong đó, mở rộng diện tích mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh được xác định là khâu đột phá.
Thu hoạch tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao ở TP. Bạc Liêu. Ảnh: L.D
Thực tiễn trong những năm qua đã chứng minh, con tôm đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, để tăng trưởng kinh tế năm nay đạt tốc độ tăng trưởng 12% thì sản lượng thủy sản phải đạt 403.000 tấn. Trong đó sản lượng tôm 203.000 tấn, tăng 48.000 tấn so với năm 2019 và tăng 3.000 tấn so với phương án đang thực hiện.
Để hoàn thành chỉ tiêu này, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tích cực thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước (sau khi có quyết định được phê duyệt của cấp thẩm quyền); xem đây là nội dung trọng tâm, quan trọng nhất trong việc phát triển ngành tôm Bạc Liêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan hoàn chỉnh các tiêu chí, điều kiện để sớm giao đất và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các công ty, doanh nghiệp (trong tháng 3/2020) đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (hiện nay đã có 25 công ty, doanh nghiệp đăng ký đầu tư tại đây).
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan chuẩn bị các điều kiện tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hiệu quả, bền vững (dự kiến tổ chức trong tháng 3/2020). Qua đó làm cơ sở để các ngân hàng thương mại thẩm định cho các hộ dân vay vốn mở rộng và phát triển nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai Đề án nâng cao năng suất tôm nuôi trong mô hình tôm lúa và Kế hoạch phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm – lúa vùng Bắc Quốc lộ 1A; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm – lúa năm 2020, định hướng đến năm 2025. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển nuôi tôm; mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh (đặc biệt là các công ty, doanh nghiệp); tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong dân; tăng cường các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường; phát triển mạnh nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng và bảo vệ rừng khu vực ven biển của tỉnh. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản (thủy lợi, giao thông, lưới điện…), nhất là các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung quy mô lớn, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, vùng sản xuất lúa – tôm.
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả; khuyến khích các công ty, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; tập huấn, tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật và các hỗ trợ khác để tăng năng suất tôm nuôi ở các mô hình nuôi: tôm – lúa, quảng canh cải tiến kết hợp. Mở rộng hình thức ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu giữa người sản xuất với các nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản. Tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; phân công cán bộ bám sát địa bàn để giúp bà con tổ chức sản xuất, phòng chống dịch bệnh và khôi phục sản xuất khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.
Cùng với đó, hướng dẫn người dân các biện pháp cải tạo ao, đầm, nhất là củng cố bờ bao chắc chắn. Khuyến khích bà con xây dựng ao lắng, xử lý nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi; không mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Tăng cường xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước, đo các thông số môi trường ở các xã trọng điểm, các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; cảnh báo những mầm bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong nuôi trồng thủy sản và đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục dịch hại, ô nhiễm môi trường.
Lưu Hoàng Ly
Giám đốc Sở NN&PTNT
Nguồn :http://www.baobaclieu.vn/