Bạn tìm thông tin gì?

Category Archives: Các loại tôm

Israel: Nuôi tôm công nghiệp RAS trên cạn

Sau 3 năm nghiên cứu tại các trung tâm R&D ở Israel, Công ty Công nghệ NTTS AquaMaof đã ứng dụng thành công công nghệ RAS nuôi tôm công nghiệp trên cạn với tỷ lệ sống cao và sạch bệnh. Công nghệ này sẽ có mặt trên thị trường toàn cầu vào năm sau.

AquaMaof, công ty công nghệ nuôi thủy sản RAS trong nhà hàng đầu thế giới đang thực hiện dự án phát triển hệ thống nuôi tôm trên cạn tại miền nam Israel. Là một doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghệ NTTS, AquaMaof đã ứng dụng thành công công nghệ RAS độc quyền của hãng để nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô công nghiệp với kết quả tỷ lệ sống cao và sạch bệnh.

Đến nay, AquaMaof đã đạt hơn 300 triệu USD từ giao dịch mua bán trên toàn cầu, đi đầu ngành công nghiệp nuôi thủy sản trên cạn với hàng chục cơ sở sản xuất trên khắp thế giới. Công nghệ RAS của AquaMaof cung cấp một giải pháp nuôi và thu hoạch có trách nhiệm với cá và các loại hải sản.

Protein trong tôm, cá luôn tốt cho sức khỏe hơn các loại thịt khác. Do đó, nhu cầu tiêu thụ tôm và thủy sản ngày một tăng cao trên toàn cầu. Tính riêng khối lượng, thị trường tôm tiêu thụ khoảng 4,66 triệu tấn tôm vào cuối năm 2018 và dự kiến tăng lên 5,83 triệu tấn vào năm 2024. Tuy nhiên, các ao nuôi tôm truyền thống không đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nói trên do dịch bệnh bùng phát liên tục và tỷ lệ tôm chết cao. Từ đó, nhu cầu phát triển công nghệ nuôi tôm trên cạn bắt đầu tăng.

AquaMaof đã phát triển giải pháp khắc phục thành công các thách thức nói trên. Sau 3 năm nghiên cứu, Công ty tuyên bố đã sẵn sàng ra mắt công nghệ nuôi tôm trên cạn RAS vào đầu năm sau. Trong hệ thống này, AquaMaof nuôi tôm mật độ cao thành công, đạt tỷ lệ sống cao, FCR thấp và trong một môi trường hoàn toàn sạch bệnh với số lượng vi khuẩn được tìm thấy trong nước bể nuôi cực kỳ thấp. Ngoài ra, công nghệ mới của AquaMaof giúp kiểm soát màu sắc của tôm và di truyền của chúng thuận lợi, thúc đẩy sản xuất tôm chất lượng cao. Công nghệ mới của hãng cũng tạo điều kiện thu hoạch tỉa theo kích cỡ khác nhau, trong khi vẫn duy trì chi phí vận hành trang trại ở mức thấp.

“Cách đây 3 năm, chúng tôi đã bắt đầu nhận ra nhu cầu tiêu thụ tôm trên toàn cầu ngày càng gia tăng, cũng như nhiều thách thức mà ngành nuôi tôm truyền thống đang phải đối mặt. Chúng tôi quyết định ứng dụng công nghệ tích hợp RAS trong môi trường khép kín, giúp giải quyết các thách thức của ngành nuôi tôm truyền thống hiện nay, và trở thành công ty đầu tiên trên thế giới vượt qua được các nhược điểm của hệ thống nuôi tôm truyền thống như nuôi tôm mật độ cao nhưng không tác động tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng; đồng thời vẫn duy trì môi trường sạch bệnh” theo David Hazut, Tổng Giám đốc AquaMaof.

AquaMaof cũng tuyên bố công nghệ RAS cung cấp giải pháp nuôi và thu hoạch có trách nhiệm với nhiều đối tượng nuôi, ngoài con tôm. AquaMaof cũng xúc tiến nuôi thủy sản bền vững từ công nghệ tái sử dụng nước đã được cấp bằng độc quyền sáng chế và tiêu thụ ít năng lượng. Toàn bộ hệ thống nuôi của hãng đều nói không với kháng sinh, hóa chất hoặc hormone. Với công nghệ RAS tích hợp của AquaMaof, nông dân có thể nuôi tôm quanh năm. Các công nghệ của hãng đã có mặt tại Ba Lan, Nga, Nhật Bản, Đức, Slovakia, Na Uy và Đông Nam Á.

Dũng Nguyên (Theo Intrafish)

Sản lượng tôm của Ấn Độ thực sự tăng trong năm 2019

Sản lượng tôm ở Ấn Độ đã tiếp tục tăng trong năm 2019, trái với một số báo cáo. Điều này đã gây ngạc nhiên cho nhiều người, trong đó có Anil Kumar – Giám đốc của Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Thủy sản (MPEDA).

Sản lượng tôm của Ấn Độ thực sự tăng trong năm 2019

Ảnh minh họa

“Chúng tôi đã từng dự đoán là sản lượng sẽ giảm thêm 20-25%”, ông Kumar đã phát biểu như vậy tại Hội nghị Tôm 2019 của Infofish (tổ chức tại Bangkok, Thái Lan).

“Nhưng thật ngạc nhiên khi chúng tôi nhìn vào kết quả nửa đầu năm tài chính từ tháng 4 đến tháng 9, về sản lượng, đã tăng nhẹ”. Mọi người đều dự đoán rằng giá đã giảm từ năm ngoái. Từng rộ lên tin đồn về dịch bệnh bùng phát ở đó, nhưng tin tốt là dữ liệu thực tế cho thấy sản xuất đã tăng lên.

Tại Hội nghị Lãnh đạo Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GOAL), được tổ chức vào tháng 10 vừa qua (tại Chennai, Ấn Độ), sản lượng tôm của Ấn Độ được dự báo là sẽ giảm vào năm 2019. GOAL dự đoán sản lượng Ấn Độ sẽ duy trì ở mức 600.000 tấn trong các năm 2019, 2020, giảm mạnh so với 700.000 tấn của năm 2018.

Theo dữ liệu của Kumar, sản lượng tôm của Ấn Độ hiện đạt gần 700.000 tấn cho tất cả các loài, trong đó có đến 90% là tôm chân trắng vannamei. Sản lượng đang tăng lên do mức độ mở rộng quy mô diện tích cũng như việc sử dụng năng suất cao hơn trên diện tích hiện tại 172.000 ha.

Một số bang như Gujarat chỉ sản xuất một vụ mỗi năm, trong khi các bang khác thì sản xuất từ hai vụ trở lên, do đó số trại nuôi đang có xu hướng tăng lên, dẫn đến kết quả sản lượng tôm của Ấn Độ tăng.

“Việc tăng diện tích vẫn đang diễn ra, nhưng không nhanh như trước. Việc sản xuất tôm chân trắng vannamei bắt đầu từ năm 2009-2010 thì gia tăng nhanh chóng trong ba hoặc bốn năm nay. Hiện tại, tốc độ gia tăng trong khu vực đã giảm xuống, nhưng năng suất trên mỗi ha diện tích trong mỗi năm lại tăng lên”, ông Kumar cho biết.

Manoj M Sharma, Giám đốc Công ty Nuôi tôm Mayank Aquaculture, đã chia sẻ với các thành viên trong Hội nghị Tôm rằng, thông qua các hình ảnh vệ tinh trước và sau, sẽ biết được quy mô trang trại nuôi tôm đã được mở rộng ở Gujarat.

Tại Hội nghị Tôm Infofish, Cui He – Chủ tịch Liên minh Chế biến thủy sản và Thị trường của Trung Quốc cho biết, các bức ảnh được chụp cho Google Earth trên ba khu vực nuôi tôm (Dumas, Olpad và Mandroi) đã cho thấy: Trong khoảng thời gian 2004-2018, các cụm ao nhỏ đã chuyển thành những mảng lớn màu xanh lá cây thể hiện quy mô diện tích ao dành cho nuôi tôm. Trong khi Ấn Độ vẫn còn diện tích để mở rộng sản xuất thì Trung Quốc lại không còn. “Việc mở rộng diện tích nuôi tôm ở Trung Quốc là bất khả thi”, Cui He nói.

Ấn Độ lên kế hoạch xây dựng mạng lưới phòng thí nghiệm để giải quyết vấn đề dịch bệnh

Không chỉ mở rộng diện tích nuôi để tăng sản lượng, Ấn Độ còn tăng cường các biện pháp phòng trị bệnh tôm, Kumar nói.

Giám đốc Điều hành MPEDA cho biết, là một phần trong Chương trình năm bước để khắc phục dịch bệnh tôm, Ấn Độ sẽ đầu tư một mạng lưới các phòng thí nghiệm nhằm cung cấp các dịch vụ nghiên cứu và tư vấn kỹ thuật cho người nuôi tôm.

Kumar cho biết, Chính phủ đang đặt mục tiêu xây dựng 100 phòng thí nghiệm “Aqua One” tại năm bang quan trọng ven biển Ấn Độ, được xây dựng như một phần trong quan hệ hợp tác công-tư.

Mối đe dọa lớn nhất của ngành tôm Ấn Độ là bệnh đốm trắng và ký sinh trùng enterocytozoon hepatopenaei (EHP), được phát hiện lần lượt 8% và 6% trong tổng số mẫu hàng năm.

Tại hội nghị, Kumar đã chia sẻ những cái có thể quan sát được. “Trong suốt vụ đông, từ tháng 8 đến cuối tháng 11, chúng tôi đã phát hiện có nhiều đốm trắng xuất hiện hơn; và trong suốt vụ mùa hè kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7, chúng tôi nhận thấy có nhiều vấn đề liên quan đến EHP hơn”.

Chính phủ đã công bố thành lập một Cơ sở Kiểm dịch Thủy sản tại Sân bay Chennai (ở tỉnh Tamil Nadu) là sân bay duy nhất của Ấn Độ cho phép nhập khẩu thủy sản bố mẹ từ nước ngoài.

Ngoài ra, cũng trong Chương trình Giám sát Dịch bệnh Quốc gia, bảy viện nghiên cứu quốc gia đã bắt đầu gặp gỡ người nuôi tôm và tổ chức các buổi tư vấn, thúc đẩy thực hành quản lý tốt (best management practices). Kumar còn tuyên bố hiện 10.000 nông dân ở Andhra Pradesh (bang nuôi tôm lớn nhất ở Ấn Độ) đã được áp dụng tư vấn, hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh theo cách này.

MPEDA cũng có nhiều kế hoạch đang được triển khai nhằm loại bỏ việc sử dụng kháng sinh trong hệ thống nuôi tôm ở Ấn Độ.

Đối với những người mới bắt đầu nuôi tôm, MPEDA đang có kế hoạch giới thiệu một chương trình chứng nhận mới, khuyến khích các trại sản xuất giống sử dụng thức ăn không kháng sinh. Trong năm nay, Tổ chức này đã vận hành một trại sản xuất thử nghiệm với chín bể, cố gắng chứng minh cho nông dân địa phương thấy rằng có thể sản xuất ấu trùng tôm mà không cần dùng đến kháng sinh, thông qua sự kết hợp giữa vi khuẩn và chế phẩm sinh học (men vi sinh). Kết quả sẽ có vào cuối tháng 1/2020.

Phiên bản thử nghiệm (của giấy chứng nhận tôm giống) đã được thử nghiệm tại 20 trại sản xuất tôm giống của Ấn Độ, sau đó sẽ chính thức vận hành từ tháng 1 năm 2020. Các hướng dẫn sản xuất tôm giống “không kháng sinh” sẽ được đúc rút từ kết quả của các cuộc thử nghiệm mà MPEDA đã tiến hành trong năm nay, sau đó có thể được sử dụng như một minh chứng về thực hành tốt nhất của các trại sản xuất tôm giống thử nghiệm. Dữ liệu sau đó sẽ được cập nhật vào một hệ thống công khai, minh bạch và được bảo mật an toàn.

Chương trình thí điểm dự kiến kéo dài trong vòng 8 tháng. Chứng nhận đầy đủ sẽ được công bố vào năm 2021. Theo đồng Giám đốc của MPEDA, một khi các trại sản xuất tôm giống áp dụng chứng nhận mới thành công, thì sẽ có một phiên bản riêng được đưa ra, áp dụng cho những người nuôi tôm.

Trước mắt, các lực lượng kiểm tra, giám sát cấp nhà nước đã bắt đầu tổ chức kiểm tra thường xuyên các trại sản xuất tôm giống và các nhà cung cấp nguyên liệu thủy sản, với các khoản phạt mạnh áp dụng với các nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất bị phát hiện bán các sản phẩm không nhãn mác, hoặc sản phẩm chứa kháng sinh.

Kumar cho biết, kể từ khi chương trình bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái, các lực lượng đặc nhiệm đã tiến hành kiểm tra tổng cộng 479 trại sản xuất tôm giống và 1.029 cửa hàng thủy sản.

Ngọc Thúy (Theo undercurrentnews)

Kinh nghiệm chài tôm kiểm tra định kỳ

Chài lấy mẫu kiểm tra tôm định kỳ là công cụ quan trọng hỗ trợ sản xuất và quản lý sức khỏe tôm nuôi. Tuy nhiên, do nhiều lí do, việc chài lấy mẫu có thể chính xác hoặc không. Vậy nên, cần phải xác định các yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của chài lấy mẫu tôm và có phương pháp hạn chế sai sót.

Chài lấy mẫu kiểm tra tôm định kỳ là công cụ quan trọng hỗ trợ sản xuất và quản lý sức khỏe tôm nuôi. Tuy nhiên, do nhiều lí do, việc chài lấy mẫu có thể chính xác hoặc không. Vậy nên, cần phải xác định các yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của chài lấy mẫu tôm và có phương pháp hạn chế sai sót.

thuysan247.com

Ước tính số lượng và tỉ lệ sống có thể khá chính xác nếu thực hiện đúng hoặc có thể không chính xác do nhiều lí do.

1. Tại sao cần lấy mẫu tôm kiểm tra định kỳ

Kiểm tra mẫu tôm định kỳ nhằm cung cấp các thông tin tổng quát về đàn tôm thông qua việc quan sát số nhỏ cá thể lấy mẫu, từ đó giúp giám sát đàn tôm như xác định trọng lượng trung bình của từng cá thể, ước tính số lượng và trọng lượng đàn tôm, đánh giá tình trạng sức khỏe chung và kiểm tra kí sinh trùng hoặc các mầm bệnh tiềm ẩn

Lấy mẫu tôm thường thực hiện bằng cách dùng chày. Quản lý sàng ăn đúng cách cũng có thể ước lượng khá chính xác lượng tôm có trong ao dựa vào lượng thức ăn hằng ngày so với phần trăm trọng lượng thân.

Lấy mẫu thường thực hiện 1 – 2 tuần/lần.

2. Chài lấy mẫu đánh giá sức khỏe

Tôm nuôi cần được lấy mẫu hàng tuần, thậm chí hàng ngày nếu cần thiết, và thường xuyên kiểm tra các tổn thương như các đốm, dị dạng, hoại tử do vi khuẩn, đỏ đuôi, phụ bộ, tình trạng ăn và hoạt động.

Nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường cần tiến hành kiểm tra ngay, bao gồm kiểm tra lâm sàng, làm mô bệnh học và nếu cần thiết có thể chạy PCR. Mục tiêu việc này là để xác định bất kỳ vấn đề hoặc các bệnh ngay lúc bắt đầu, thời gian và nguồn nhiểm, và ngay lập tức giải quyết vấn đề

Kiểm tra trực quan mẫu tôm thường có thể phát hiện triệu chứng tổng quát của bệnh. Trong ảnh là tôm thẻ 30 ngày bị đốm trắng, nhìn thấy rõ trên giáp đầu ngực. Hình bên trái là đốm trắng dưới kính hiển vi.

Có 2 phương pháp lấy mẫu: ngẫu nhiên và chọn lọc.

Trong phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên, tôm được lấy mà không có chọn lựa, trong chài hoặc sàng ăn. Phương pháp này thường áp dụng nhằm đánh giá tỷ lệ tôm bệnh trong đàn.

Trong phương pháp lấy mẫu chọn lọc tôm được lấy dựa trên các dấu hiệu hoặc hoạt động bất thường như không có thức ăn trong dạ dày – ruột, bơi lội bất thường, tăng thời gian tập trung gần mặt nước quanh bờ, tôm có màu khác thường, xuất hiện các đốm,…Phương pháp chọn lọc dùng khi chuẩn đoán bệnh. Không lấy tôm chết, lấy những con bệnh hoặc sắp chết.

Tôm bệnh thường biểu hiện như sau:

  • Mềm vỏ, trống ruột, ruột đứt đoạn
  • Ngã nghiêng (nằm nghiêng) nhanh chóng sau khi chài lên
  • Đục cơ trước 10 phút (khi chài lên) và thường xuyên xuất hiện đục cơ tại ao.

Bảng 1: Lượng tôm lấy mẫu ngẫu nhiên để xác định tỷ lệ nhiễm bệnh trong đàn (Theo Brock và Main 1994).

Tỷ lệ mầm bệnh/ bệnh trong đàn Lượng tôm kiểm tra
1% hoặc nhiều hơn 300
2% hoặc nhiều hơn 160
5% hoặc nhiều hơn 60
10% hoặc nhiều hơn 30

Theo Brock và Main (1994), 5 – 10 tôm có triệu chứng là đủ để chuẩn đoán bệnh, nhưng nếu lấy mẫu để đánh giá sự hiện diện của mầm bệnh hay tình trạng nhiễm bệnh tiềm ẩn (như IHHNV, TSV, WSSV) thì nên áp dụng bảng 1.

 

3. Chài kiểm tra lượng tôm trong ao

  • Ước tính tổng số lượng tôm trong ao theo công thức:

  • Hoặc dựa vào lượng thức ăn theo trọng lượng thân để tính khối lượng tôm trong ao:

4. Sai số trong lấy mẫu

Kết quả ước tính lượng tôm và tỉ lệ sống có thể chính xác nếu thực hiện đúng hoặc rất không chính xác do nhiều nguyên nhân.

  • Chù kỳ trăng:

Tại khu vực có sự khác nhau lớn về cường độ triều do chu kì mặt trăng, hoạt động của tôm rất khác nhau suốt kỳ nước cường (lúc rằm và đầu tháng) và nước kém (lúc trăng non và trăng già). Tôm thường năng động hơn trong kỳ trăng.

Nói chung, để nâng cao độ chính xác, lấy mẫu nên được thực hiện sau khi hạ thấp mực nước ao, thực hiện bởi người có kinh nghiệm, sử dụng chài lớn và lấy tại nhiều vị trí trong ao.

  • Loài tôm nuôi:

Phân bố và tập tính của mỗi loài nuôi rất khác nhau. Clifford (1998) mô tả rằng tôm xanh (L. stylirostris) có xu hướng phân bố không đồng nhất trong các ao, thường xuyên tụ tập thành các cụm, đặc biệt là trong các ao nông. Ông nói, “Sự phân bố không đồng đều của tôm tạo ra sự khác biệt lớn trong lượng tôm lấy mẫu và khó ước lượng chính xác tỉ lệ sống.”

  • Mật độ và kích cỡ tôm:

Tôm nhỏ hơn thường tập trung tại vùng cạn của ao nên phải lấy mẫu đều khắp các khu vực ao. Ngoài ra, tôm lớn nhanh hơn, dễ dàng thoát khỏi lưới nên tôm chài lên thường có kích thước nhỏ hơn thực tế. Ví dụ, có ao khi chài lấy mẫu 1 ngày trước thu hoạch, trọng lượng trung bình của tôm là 18g. Vào ngày tháo nước thu hoạch, trọng lượng tôm trung bình đạt 20 – 21g.

Độ chính xác của việc lấy mẫu sẽ tăng theo mật độ tôm nuôi.

  • Đáy ao:

Đáy không bằng phẳng sẽ gây sai số khi lấy mẫu. Chài không phủ kín vùng đáy gồ ghề có thể làm tôm thoát ra, hoặc đáy có nhiều rễ cây có thể gây vướng chài, hay tôm đào hang trên đáy mềm và trốn thoát. Khi này, đòi hỏi phải hiệu chỉnh cao sau khi thu mẫu.

  • Nước ao:

Dòng chảy: nước chảy (như trong quá trình trao đổi nước) làm tôm phân bố không đồng đều, thường tụ tập gần dòng chảy.

DO: trong những ao hàm lượng oxy hòa tan (DO) thấp, tôm có thường phân bố không đều, thường ở gần mặt nước hoặc khu vực cạn giàu oxy

Nhiệt độ: nước lạnh làm tôm chậm hơn nên, có thể làm cho lượng tôm chài được nhiều hơn so với lúc nhiệt độ nước tối ưu

Độ sâu: nước càng sâu, chài xuống đáy càng chậm, khả năng tôm thoát ra càng nhiều

  • Chài dùng lấy mẫu

Nếu số liệu chài mẫu dùng để so sánh thì mỗi ao, mỗi vụ nên chỉ sử dụng một chài duy nhất. Có 2 loại chài là chài rút và chài bung, nên dùng chài rút vì nó đóng hoàn toàn – ngăn tôm thoát ra.

Nên dùng chài lớn nhất và nặng nhất có thể. Mắt lưới đề nghị 0,3 – 0,6cm (1/4- to 1/8-inch) cho tôm ấu niên và 0,9 cm (3/8-inch) cho tôm lớn. Giữa các ao trong 1 vụ nên dùng chài có kích thước giống nhau để tiện so sánh kết quả.

Thêm nữa, độ mở đường kính của chài khi xuống nước rất khác nhau và ảnh hưởng lớn đến kết quả. Cần xác định diện tích phủ chài bằng cách thực hiện vài lần trong ao nước trong có độ sâu từ 50 – 100cm, sau đó đo và tính diện tích phủ trung bình. Điều này còn giúp tính ra hệ số điều chỉnh cho những cỡ chài khác nhau dựa trên lượng tôm ước tính khi thu mẫu và lượng tôm thu hoạch thực tế. Theo thực nghiệm sau thu hoạch, diện tích bao phủ của chài tới đáy ao chỉ bằng 30% diện tích ước lượng. Thêm nữa, ao sâu khác nhau thì diện tích bao phủ khác nhau.

  • Khu vực lấy mẫu

Vị trí lấy mẫu nên được đánh dấu bằng phao hoặc cột gỗ và nằm ngoài các kênh trong ao. Bình quân 5 vị trí/ha. Vị trí lấy mẫu càng nhiều, độ chính xác của kết quả càng cao.

  • Con người

Những người chài mẫu khác nhau có thể cho ra kết quả hoàn toàn khác nhau trong cùng 1 ao. Ngoài ra, cần xác định số lượng ao cần chài mẫu/người/ngày vì kết quả cũng sẽ bị ảnh hưởng khi người lấy mẫu mệt mỏi.

 

Lấy mẫu đúng sẽ đưa đến kết quả có tính đại diện cao

 

Để giảm sai số khi lấy mẫu, cần thực hiện các bước sau:

  • Tất cả các ao > 30 ngày tuổi cần được lấy mẫu hàng tuần tại 5 – 10 vị trí cố định cho mỗi hécta (ha).
  • Sử dụng chài có trọng lượng chì tối thiểu 3 kg. Nếu lấy mẫu trong ao cạn hay ao nươc trong, trọng lượng chì phải đạt 4 – 6 kg.
  • Nên chài vào sáng sớm hoặc ban đêm, khi tôm phân bố đều: tôm thẻ chân trắng rất năng động vào ban đêm và phân bố đều trong khi ban ngày chúng có xu hướng tìm góc ao sâu hơn nên cần chài quanh ao để có số liệu chính xác. Lượng tôm chài được nhiều nhất vào ban đêm từ 22h – 02h sáng, khi tôm rất năng động và thường nhìn thấy ở gần bờ ao. Lượng chài được ít nhất vào lúc 14h, lúc này khó nhìn thấy tôm nhất và ít hoạt động.
  • Nên chọn cùng một thời điểm giống nhau để chài tôm giữa các lần.
  • Không gây tiếng ồn gần điểm lấy mẫu hoặc tại nơi điểm lấy mẫu.
  • Không cho ăn hoặc thay nước ngay trước hoặc trong khi lấy mẫu.
  • Tránh thay người thiết bị và chu kỳ lấy mẫu.
  • Tính lượng tôm dựa trên số trung bình của 3 – 4 tuần lấy mẫu nhằm giảm các sai số.
Nguồn: Theo nghetomtep.com

Nghiên cứu men vi sinh mới phù hợp cho nuôi thủy sản mặn lợ

Phân lập vi khuẩn
Phân lập bọt biển.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu phân lập bọt biển để tìm ra chủng vi sinh phù hợp với nuôi trồng thủy sản nước mặn – lợ, nhằm khắc phục hạn chế của men vi sinh có nguồn gốc trên cạn khi dùng ở độ mặn và nhiệt độ cao.

Một số loài vi khuẩn làm tăng tỷ lệ tử vong ở tôm và gây thiệt hại kinh tế lớn. Nghiêm trọng nhất là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPND) do vi khuẩn Vibrio (V. parahaemolyticus) gây ra tỷ lệ chết đáng kể, có thể lên đến 100% trên tôm nuôi bị nhiễm bệnh tại nhiều quốc gia. Trong đó hiệu quả kiểm soát các dòng Vibrio spp. của kháng sinh và chất khử trùng khá hạn chế. Dẫn đến việc sử dụng men vi sinh làm công cụ kiểm soát dịch bệnh ngày càng được quan tâm và phổ biến.

Hiện tại, có rất nhiều men vi sinh thương mại, chủ yếu dựa trên các chủng vi khuẩn Lactobacillus và Bacillus. Thông qua việc thay đổi hệ vi sinh đường ruột trong tôm bằng cách tiết ra các chất kháng khuẩn, nhằm cạnh tranh chống lại mầm bệnh, ngăn chặn sự bám dính của chúng vào biểu mô ruột, cạnh tranh các chất dinh dưỡng cần thiết và chống độc.

Ở môi trường biển, dòng Vibrio spp. thuận lợi phát triển trong độ mặn và nhiệt độ cao, trong khi hầu hết các chủng men vi sinh thương mại hiện nay lại có nguồn gốc trên cạn, vì thế hiệu quả của chúng bị hạn chế. Theo Zhang et al. (2016), độ mặn làm thay đổi hệ vi sinh vật trong tôm, độ mặn càng cao thì Vibrio càng chiếm ưu thế, trong khi theo Vezzulli et al. (2013), nhiệt độ dưới 370C ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của Lactobacillus.

Cho nên, khám phá sinh học biển để phân lập vi khuẩn dùng làm chế phẩm sinh học trong nuôi thủy sản nước mặn – lợ là một giải pháp đầy hứa hẹn.


Men  vi sinh phân lập từ bọt biển là một giải pháp đầy hứa hẹn cho nuôi trồng thủy sản.

Pseudovibrio chiết xuất từ bọt biển

Động vật không xương sống dưới biển, đặc biệt là bọt biển, chứa các cộng đồng vi sinh vật rất đa dạng. Trong số các vi khuẩn biển có thể nuôi cấy thì nổi bật là chi Pseudovibrio nhờ tính linh hoạt có thể tạo ra hoạt tính sinh học chống lại đa dạng các vi khuẩn Gram âm và Gram dương như: E. coli, Bacillus subtilis, Kluyveromyces marxianus, Salmonella enterica, Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) và Clostridium difficile.

Thiết lập nghiên cứu

Tổng cộng có chín mẫu bọt biển A. geradogreeni đã thu thập trong bốn môi trường sống ở độ sâu khác nhau từ 10-30 m ở vùng nước ven biển của tỉnh Santa Elena (Ecuador). Phân loại của các phân lập biểu hiện hoạt tính sinh học xác định dựa trên trình tự nucleotide của gen 16 rRNA. Với việc nuôi cấy Pseudovibrio thuần túy, các dịch độc dược được thực hiện trong môi trường Luria-Bertani với NSW và 20% glycerol, được lưu trữ ở -800C cho các thử nghiệm tiếp theo.

Kết quả và thảo luận

Các nhà nghiên cứu đã phân tách một số chủng P.denitrificans, thử nghiệm thử thách trong phòng thí nghiệm và trong ao nuôi.


Hiệu quả có lợi của chủng Pseudovibrio đối với tôm thẻ chân trắng (thời gian theo dõi: 108 ngày).

Hoạt tính kháng khuẩn của các chủng Pseudovibrio liên quan với quá trình chuyển hóa acid sulfuric và acid tropodithietic có thể tiêu diệt hoặc ức chế mầm bệnh Vibrio spp. ở ấu trùng cá biển. Ngoài ra, nhiệt độ và độ mặn là ưu thế để Pseudovibrio cạnh tranh với Vibrio spp. Vì Pseudovibrio là một loại vi khuẩn điển hình trong môi trường biển, có mức tăng trưởng tối ưu khoảng từ 25-310C.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hoạt tính sinh học chống lại V. parahaemolyticus, V. campbellii, V. Vulnificus và V. harveyi và chống lại chủng gây bệnh có độc tính cao của V. parahaemolyticus BA94C2 dương tính với PirA/PirB, độc tố liên quan đến bệnh lý AHPND trong nuôi tôm. Ngoài ra, các xét nghiệm được tiến hành ở giai đoạn ấu trùng tôm Postlarvae 3 ngày đã bị nhiễm V. harveyi cho thấy khả năng cạnh tranh của của P. denitrificans với mầm bệnh, giúp cải thiện tỷ lệ sống của PL.


A) Tỷ lệ sống của PL tôm thẻ nhiễm V. campbellii sau 5 ngày điều trị với Pseudovibrio.
B) Tỷ lệ sống của PL tôm thẻ nhiễm V. parahaemolyticus sau 5 ngày điều trị với Pseudovibrio.

Tác dụng của P. denitrificans đối với bệnh phát sáng ở tôm giống do các chủng Vibrio gây ra đã được chứng minh thông qua thí nghiệm thực tế trong sản xuất giống. Ngoài ra, P. denitrificans còn giúp tăng sản lượng, tỷ lệ sống, trọng lượng và năng suất thu hoạch tôm bình quân ở nuôi tôm thương phẩm.


Hiệu quả của các chủng P. denitrificans xâm chiếm và thay thế các chủng Vibrio trong tôm 48 giờ sau khi sử dụng P. denitrificans 

Hoạt tính sinh học của Pseudovibrio denitrificans qua các thí nghiệm invitro đã được khẳng định khả năng kháng khuẩn, ức chế mầm bệnh, nâng cao tỷ lệ sống của tôm cá nhiễm bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trong tương lai vẫn còn cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá nồng độ thực tế để áp dụng ở quy mô thương mại.

 

Theo CRISTÓBAL DOMÍNGUEZ-BORBOR và cộng sự.

Thanh An

2019 có thể là năm thứ 4 xuất siêu liên tiếp của Việt Nam

Tôm đông lạnh
Sản phẩm tôm xuất khẩu.

Với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, các chuyên gia thương mại dự kiến năm 2019 là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.

Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là đạt mức tăng trưởng tăng 7 – 8% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Mở rộng quy mô

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Mặc dù còn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 91,8% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 22,6 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng 10 nhưng lại tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước tăng 25,8% so với cùng kỳ, đạt 7,5 tỷ USD; khối doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu đạt 15,1 tỷ USD (bao gồm cả dầu thô), giảm 4,5% so với cùng kỳ.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, nếu tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 74,72 tỷ USD, tăng 18,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 166,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Không những thế, tỷ trọng của khối doanh nghiệp trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung cũng tăng lên mức 30,95% so với 29,16% của 11 tháng năm 2018.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11 đạt 22,5 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng 10/2019 và 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 232,308 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 98,2 tỷ USD, tăng 13,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,1 tỷ USD, tăng 3,1%.

Nhận định từ giới phân tích cho thấy: Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng, việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu khả quan và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mang lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho hay: Tính đến hết tháng 11 đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).

Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt và may mặc, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, giày dép các loại.

Hơn nữa, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô – đạt 3,8%).

Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%).

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, tất cả các nhóm thị trường Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy việc chủ động khai thác có hiệu quả các FTA này.

Ông Trần Thanh Hải cũng đưa ra ví dụ cụ thể như xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng 7,6%; Hàn Quốc tăng 10,1%; ASEAN tăng 2,5%; Nga tăng 9,1%; xuất khẩu sang New Zealand tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái…

Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hơn nữa, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong phát triển doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng như thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm hàng hóa.

Tạo thêm lực đẩy

Theo dự báo của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), thông thường kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng cuối năm thường đạt khá cao so với đầu năm do đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu trong cả năm như Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán ở Việt Nam và một số nước châu Á…

Do đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu sẽ không có nhiều biến động do ảnh hưởng từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế với 13 FTA được ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với nhiều nhà cung cấp khác nhờ hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ.

Đáng lưu ý, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết và dự kiến có hiệu lực năm 2020 đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới.

Tuy vậy, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức. Đó là EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, cạnh  tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, thuỷ sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế.

Không những thế, việc kiểm soát chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đang là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ. Trong khi đó, giá các mặt hàng nông, thuỷ sản đang trong xu hướng giảm.

Mặt khác, xuất khẩu sang Mỹ tăng nhanh trong thời gian qua có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam.

Vì thế, để xuất khẩu tự tin cán đích, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát biến động tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung để chủ động trong điều hành và có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.

Mặt khác, chú trọng tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.

Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Bộ Công Thương cũng sẽ có những biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.

Hơn nữa, Bộ chú trọng việc tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu; đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước. Tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Đặc biệt, Bộ Công Thương chú trọng kiểm soát chặt chẽ toàn bộ hàng hóa trước khi nhập khẩu, tạm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo không gắn, cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam.

Uyên Hương Báo Tin Tức

Nan giải bài toán xả thải từ nuôi tôm

Nuôi tôm thâm canh
Mô hình nuôi siêu thâm canh phát triển nhưng người nuôi chưa đảm bảo khâu xử lý nước thải.

Thời gian qua, hình thức nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh tạo bước đột phá khá mạnh, góp phần tăng năng suất, sản lượng tôm cho toàn huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, mô hình này đang là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người dân và các cơ quan hữu quan khi người nuôi xả thải ra môi trường.

Hiện nay, toàn xã Hàng Vịnh có 37 hộ nuôi tôm siêu thâm canh, với tổng diện tích 38,48 ha, trong đó đang thả nuôi gần 5 ha, đạt khoảng 35%. Tuy nhiên, việc nuôi theo hình thức này chưa đảm bảo an toàn về điện, đặc biệt là việc xả thải trực tiếp ra môi trường.

Bí thư Chi bộ Ấp 4, xã Hàng Vịnh Nguyễn Thành Nhân cho rằng, điện, môi trường là 2 tiêu chí quan trọng trong nuôi tôm siêu thâm canh. Bởi điện liên quan đến an toàn tính mạng con người, còn môi trường thì ảnh hưởng đến việc nuôi tôm của người dân xung quanh và tình hình sản xuất, sinh hoạt nói chung của bà con trong vùng. Ông Nhân bức xúc: “Người nuôi xả thải xuống sông vào ban đêm, khoảng 1-2 giờ khuya, chứ không ai làm ban ngày. Giờ đó nếu liên hệ lực lượng làm nhiệm vụ đến kiểm tra thì không có ai trực sẵn. Từ đó không xử lý được. Theo tôi, nhìn thấy nước xả ra có mùi thối, màu đen thì phạt được rồi, đâu cần phải định lượng gì”.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Năm Căn Nguyễn Đức Trung nhìn nhận, thực trạng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh xả thải ra môi trường diễn ra trong thời gian dài và nhiều bà con đã kiến nghị đến các cơ quan chuyên môn. Mặc dù tình hình này có giảm hơn so với trước nhưng vẫn còn người cố tình vi phạm, trong khi ngành chức năng chưa có giải pháp giải quyết căn cơ. “Tôi đã làm việc với xã, phân cấp công việc rõ ràng. Ở xã cũng thành lập các tổ, đội. Quá trình kiểm tra, phát hiện những hộ nuôi sai quy định buộc cam kết, lần 1, lần 2, nếu tiếp tục thì xử lý hành chính”, ông Trung cho biết.

“Theo quy định về phân cấp của UBND tỉnh Cà Mau, xã cấp giấy công nhận đủ điều kiện, Phòng NN&PTNT sẽ tổ chức hậu kiểm tra. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, đa số làm không đúng quy hoạch. Thực trạng này huyện đã có báo cáo về các sở, ngành liên quan”, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Tô Hoài Phương cho biết.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, hiện nay toàn huyện có 285 hộ đang nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, với diện tích gần 265 ha, trong đó có 66 hộ nuôi ngoài quy hoạch; Trên 280 hộ ngưng nuôi, nghỉ nuôi với diện tích trên 200 ha, trong số này có khoảng 120 hộ nuôi ngoài quy hoạch.

Từ đầu năm đến nay có 7 trường hợp bị xử phạt hành chính do không đảm bảo điều kiện ao xử lý nước thải và xả thải không qua xử lý, trong khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện đang diễn biến phức tạp. Dịch bệnh ảnh hưởng đến gần 3.200 ha đất tôm nuôi quảng canh truyền thống, 567 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến và gần 34 ha nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Ngoài tác động từ các yếu tố như thời tiết thất thường, con giống, quy trình nuôi chưa được kiểm soát tốt…, việc xả thải không qua xử lý ra môi trường được xem là nguyên nhân dễ dẫn đến dịch bệnh trên tôm.

Văn Tưởng Báo Cà Mau

Những tỷ phú nuôi tôm công nghệ vùng nước lợ

nuôi tôm lót bạt
Mô hình tôm lót bạt đáy ao và che lưới bên trên của ông Đại ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch.

Nhiều người vùng ven sông Đồng Nai, khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai giàu lên nhanh chóng nhờ nuôi tôm công nghệ lót bạt đáy ao.

Anh Nguyễn Huy Bình, ở ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, là một trong những người nuôi tôm giỏi nhất xã. Mặc dù chỉ mới áp dụng nuôi tôm lót bạt đáy ao từ 3 năm nay, nhưng 3 ao tôm với diện tích 5.000m2, đã mang về cho gia đình anh mỗi năm vài tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Từng là một cán bộ ngành nông nghiệp xã, năm 2014, anh quyết định xin nghỉ về nhà nuôi tôm. Ban đầu anh đào ao nuôi tôm theo cách truyền thống là nuôi trong ao đất. Kinh nghiệm không có, và gần như chẳng áp dụng khoa học kỹ thuật gì, anh chỉ học lỏm những người đi trước rồi về làm theo. Hậu quả là thất bại liên tiếp mấy vụ. Đến năm 2017, sau khi tìm tòi, nghiên cứu tài liệu và tham quan những mô hình nuôi tôm thành công, anh mới chuyển sang nuôi tôm lót bạt đáy ao. Cũng từ đây, anh thành công liên tiếp cho đến nay.

“Lót bạt đáy ao có thể nuôi 1 năm 4 vụ, còn nuôi ao đất thì có khi chỉ được 2 vụ/năm. Chưa kể, nuôi ao đất tiềm ẩn rủi ro rất lớn, năng suất kém. Tôi có 3 ao, tổng diện tích 5.000m2, từ đầu năm đến nay, tôi đã thu hoạch 3 vụ, được hơn 60 tấn tôm rồi. Vụ cuối năm tôi chuẩn bị thu hoạch trong vài ngày nữa, tôm hiện đạt kích cỡ 35 con/kg, ước đạt khoảng 25 – 26 tấn. Như vậy, năm nay 3 ao của tôi đạt năng suất khoảng 90 tấn tôm”, anh Bình cho biết.

Theo anh Bình, giá tôm từ đầu năm đến nay không ổn định, nhưng thay đổi theo hướng có lợi cho người nuôi. “thời điểm đầu năm, giá tôm loại 35-36 con 1kg có giá 145-150 ngàn đồng/kg, còn thời điểm hiện tại, giá đang là 180 ngàn đồng/kg. Bình quân vốn đầu tư cho 1 ký tôm khoảng 100 ngàn đồng. Như vậy, nếu giá 150 ngàn đồng/kg thì lãi 50 ngàn, giá 180 ngàn thì lãi 80 ngàn”, anh nói tiếp.

Để có thành công này, ngoài việc lót bạt đáy ao, anh Bình còn liên kết với các doanh nghiệp để được hỗ trợ về con giống đảm bảo chất lượng và tư vấn kỹ thuật. Theo anh Bình, để nuôi tôm thành công, ngoài việc phải lấy con giống đảm bảo, có nguồn gốc, còn phải áp dụng đúng và đủ quy trình kỹ thuật. Trong quá trình nuôi, cần đặc biệt chú trọng công tác phòng bệnh cho tôm bằng cách theo dõi chất lượng nước, vi sinh, độ pH, oxy, kiểm tra kháng thể cho tôm…

Ao tôm nuôi theo công nghệ lót bạt đáy ao của anh Nguyễn Huy Bình

Một trường hợp khác, là ông Nguyễn Trường Đại, ở ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, có 3.500m2 mặt nước, cũng thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao.

Ông Đại cho biết, trước đây ông nuôi tôm ao đất truyền thống, hiệu quả thấp mà rủi ro cao. Năm 2015, sau khi đi tham quan một loạt mô hình nuôi tôm công nghệ ở các tỉnh miền Tây, ông trở về đầu tư mô hình nuôi tôm lót bạt đáy ao.

Khi áp dụng mô hình nuôi công nghệ lót bạt, ông chỉ sử dụng 2/3 diện tích làm ao nuôi, còn lại làm ao giống. Ngoài lót đáy, ông cỏn làm lưới che phía trên không gian ao nuôi. Việc sử dụng lưới che đã làm giảm bớt nhiệt độ hồ nuôi do lưới đã hấp thu bớt một phần nhiệt nên nhiệt độ từ ánh nắng mặt trời, hồ nuôi luôn được đảm bảo nhiệt độ ở mức lý tưởng cho tôm phát triển. Ngoài ra, nhờ lưới che nên cũng tránh được ánh nắng trực tiếp chiếu xuống hồ hạn chế được sự phát triển của các loại tảo ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của con tôm.

“Mô hình này có ưu điểm lớn là chủ động kiểm soát môi trường nước nên hạn chế rủi ro dịch bệnh cho tôm. Sử dụng men vi sinh phòng bệnh cho tôm thay vì thuốc kháng sinh. Nhờ vậy, nên con tôm nhanh lớn, khoẻ mạnh, đặc biệt là không có dư lượng kháng sinh, đảm bảo sạch. Tôm thành phẩm của tôi thường đạt chất lượng loại 1, trọng lượng bình quân từ 30-35 con/kg, nên giá bán cao gấp rưỡi, gấp đôi so với các loại tôm nhỏ hơn và nuôi thông thường khác”, ông Đại nói.


Tôm nuôi theo công nghệ hạn chế dịch bệnh, phát triển nhanh, chất lượng đảm bảo nên giá cao hơn tôm nuôi truyền thống.

Theo ông Đại, công nghệ nuôi lót bạt có thể đạt 4 – 5 vụ/năm, chi phí đầu tư ban đầu không phải quá sức với nhiều người, khoảng 200 triệu đồng cho 1.000m2 mặt nước. Ao lót bạt đáy có thể thả mật độ đến 200 con tôm giống/m2, gấp 4 lần so ao cũ nên năng suất tôm thu hoạch cũng gấp nhiều lần so cách nuôi truyền thống.

Ngoài ra, công nghệ lót bạt đáy ao tiết kiệm diện tích đất hơn hẳn cách nuôi truyền thống. Trước đây, toàn bộ diện tích trên đều được ông đào ao và thả tôm nuôi cho đến khi thu hoạch. Nhưng với công nghệ mới, ông chỉ cần đầu tư lót bạt cho 2 ao nuôi; diện tích đất còn lại ông sử dụng làm ao ương để thả tôm giống, đến 1 tháng tuổi mới chuyển qua ao nuôi.

HỒNG THỦY – NGUYỄN THỦY Nông nghiệp Việt Nam