Trong quá trình sản xuất, ông đã chuẩn bị chu đáo những kỹ thuật cơ bản như: chuẩn bị ao, kiểm tra các yếu tố môi trường, thả giống trong ao ươm, sau đó sang qua ruộng nuôi. Có thể nói, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực phù hợp với vùng chuyển đổi có độ mặn thấp, chi phí đầu tư thấp, ít dịch bệnh, giảm rủi ro, thu nhập khá, điều quan trọng là tôm có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh. Được biết, vụ năm trước cũng từ con tôm càng xanh toàn đực, gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng.
Điểm mới của mô hình này là áp dụng kỹ thuật bẻ càng cho tôm càng xanh. Sau khi thả nuôi từ 60 – 75 ngày có thể tiến hành bẻ càng nhằm giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, tôm phát triển đồng đều, giảm tỷ lệ hao hụt, đạt giá bán cao. Tuy nhiên, việc bẻ càng phải áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật: vị trí bẻ ở khớp gần cơ thể, tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng một cách tự nhiên.
Việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, cùng với việc đầu tư phát triển sản xuất đúng mức sẽ tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao hiệu quả của mô hình nuôi, tăng thu nhập cho nông dân. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh, khai thác tốt nguồn tài nguyên sẵn có ở địa phương, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường.