Người dân Bạc Liêu thường xuyên theo dõi, chăm sóc ao tôm trước thiên tai bất lợi. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN |
Tuy nhiên, trong những năm gần đây nghề nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bạc Liêu nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Trước những khó khăn này, người nông dân đang dần áp dụng nhiều mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính; mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến; mô hình nuôi tôm siêu thâm canh; mô hình nuôi tôm bán thâm canh; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt…
Đi tiên phong trong phong trào nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Một thành viên Hải Nguyên, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, Chi nhánh Công ty cổ phần Việt Úc – Bạc Liêu, Công ty TNHH Một thành viên Huy Long An – Bạc Liêu, Công ty cổ phần CP Việt Nam – Chi nhánh Bạc Liêu,…
Hiện nay, tại Bạc Liêu mô hình CPF – Combine là một trong những mô hình nuôi tôm cho hiệu quả cao được nhiều người dân áp dụng. Đây là mô hình được chuyển giao từ Công ty cổ phần CP Việt Nam.
Mô hình CPF Combine khép kín từ khâu con giống có chất lượng cao tới quy trình nuôi theo hai bước áp dụng hệ thống an toàn sinh học thân thiện với môi trường đồng thời có nhà máy bao tiêu sản phẩm giúp người nuôi tôm yên tâm sản xuất kinh doanh. Theo đánh giá của nhiều hộ dân, mô hình CPF Combine đã giảm bớt sự tác động của thời tiết trong giai đoạn tôm còn nhỏ, từ đó tăng được tỷ lệ sống và tăng sức khỏe của tôm, sản lượng tôm tăng đạt hiệu quả cao, thịt tôm chất lượng…
Theo Tiến sỹ Prakan Chiarahkhongman, Trung tâm nghiên cứu Thủy sản Thái Lan, mô hình CPF Combine giúp giảm được các loại bệnh cho tôm trong quá trình nuôi; chủ động thời gian thả nuôi, ít lệ thuộc vào thời tiết mùa vụ như phương pháp nuôi truyền thống; tăng tỷ lệ sống và năng suất cao hơn.
Cùng với đó, các tiêu chuẩn của ao nuôi sẽ được kiểm tra thường xuyên mỗi ngày, như: độ kiềm, độ pH, độ cứng, calci, magnesium… cho phù hợp với sự phát triển ổn định của con tôm; đáy ao được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày bằng việc hút chất bẩn trong ao. Bên cạnh việc tuân thủ kỹ thuật nuôi, ngay từ khâu đầu vào như con giống, thức ăn phải đảm bảo có nguồn gốc và an toàn, đặc biệt trong suốt quá trình nuôi, người nuôi hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất kháng sinh. Đến giai đoạn thu hoạch, trước khi xuất bán, con tôm sẽ được kiểm tra các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng.
Theo quy trình kỹ thuật mới, công tác quản lý được thực hiện nghiêm ngặt, chủ yếu ứng dụng các thiết bị, máy móc trong quá trình kiểm tra chăm sóc nên mật độ nuôi cao hơn nhiều so cách nuôi truyền thống. Đối với mô hình truyền thống, với diện tích mặt nước nuôi 3.000 – 4.000 m2, năng suất bình quân đạt 5 – 6 tấn tôm/vụ, còn theo mô hình CPF Combine, ao nuôi nhỏ từ 1.000 – 1.200 m2 mặt nước nuôi, năng suất bình quân đạt 6 – 10 tấn/1.000 m2/vụ.
Ông Nguyễn Văn An (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) cho biết, với diện tích 2.500m2 áp dụng mô hình nuôi CPF Combine, trong 118 ngày cho thu hoạch 18 con/kg, năng suất đạt 60,4 tấn/ha, lợi nhuận gần 1,7 tỷ đồng/vụ.
Ông Phạm Tiến Hải (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) cũng với mô hình CPF Combine áp dụng cho 2.000m2, sau 98 ngày nuôi cho sản lượng đạt 17,7 tấn, năng suất 88,5 tấn/ha. Ông thu lợi nhuận hơn 1,2 tỷ đồng/vụ.
Phó Tổng giám đốc kinh doanh miền Tây – Công ty cổ phần CP Việt Nam Nguyễn Vĩnh Phú cho biết, khi người dân áp dụng mô hình CPF Combine, công ty sẽ cung cấp đội ngũ nhân viên kỹ thuật để giúp người nuôi tôm thực hiện mô hình, cung cấp con giống chất lượng và bao tiêu sản phẩm; người nuôi chỉ đầu tư vốn xây dựng ao nuôi, sử dụng nhà lưới, lót bạt đáy ao, máy vận hành xử lý nước… đúng theo quy chuẩn của mô hình CPF Combine dưới sự giám sát và hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật CP Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Phú, mô hình nuôi tôm CPF Combine hiện đang được phát triển tại nhiều vùng nuôi tôm trong cả nước như: Quảng Ninh, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… Công ty cũng có trại giống tại Quảng Bình, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang đang hoạt động với công suất 15 tỷ postlarvae/năm. “Từ nay đến năm 2025, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này từ 10.000 đến 25.000 ao nuôi”, ông Nguyễn Vĩnh Phú khẳng định.
Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi tôm 140.000 ha; trong đó nuôi tôm siêu thâm canh 1.845 ha với 1.575 ao/hồ nuôi (1.335 ao lót bạt và 240 hồ nổi tròn).