Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Có thể chữa hoàn toàn bệnh phân trắng trên tôm không?

trị phân trắng
Lysozyme trong lòng trắng trứng gà có tính kháng khuẩn.

Bổ sung lysozyme từ lòng trắng trứng gà đẩy lùi phân trắng trên tôm một cách hiệu quả.

Tôm thẻ chân trắng là loài được nuôi nhiều nhất hiện nay trong hệ thống nuôi trồng thủy sản trên toàn cầu. Tuy nhiên Hội chứng gan tụy cấp tính (EMS) và Hội chứng Phân trắng (WFS) đang gây hại rất lớn cho tôm nuôi. Trong đó, phân trắng là hiện tượng xảy ra quanh năm, khi môi trường nuôi ô nhiễm là lại thấy nhiều dải phân trắng dài xuất hiện trong vó, gan tôm nhạt màu, tôm bị ốp thân, thức ăn không tiêu hóa được, đầy trong đường ruột. Từ đó làm tỷ lệ sống thấp và năng suất nuôi giảm đáng kể. Ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) được cho là nguyên nhân gây ra hội chứng này. Tuy nhiên một số báo cáo chứng minh chưa hẳn EHP là nguyên nhân chính gây nên phân trắng. Khi đa số tôm bị phân trắng được phát hiện có EHP trong gan tụy thì những con tôm nhiễm EHP lại chưa chắc xuất hiện những dấu hiệu của hội chứng phân trắng.

Khi tôm bị bệnh phân trắng, tỷ lệ vibrio được phát hiện cao gấp đôi so với bình thường trong ruột tôm. Điều này chứng tỏ vibrio cũng góp phần vào hệ thống tác nhân của Hội chứng phân trắng. Người nuôi thường dùng kháng sinh trong trường hợp tôm bị phân trắng, tuy nhiên kháng sinh sẽ tạo ra những vi khuẩn kháng kháng sinh, đây là mối quan tâm lớn hiện nay trên toàn thế giới. Một số biện pháp theo hướng an toàn sinh học đang được nghiên cứu và dần áp dụng là một điều đáng vui cho sự phát triển của nghề nuôi tôm. Chế phẩm sinh học hay các chất phụ gia đã được trộn vào thức ăn và cho thấy khả năng ngăn ngừa và kiểm soát được mầm bệnh một cách hiệu quả.

Lysozyme là chất có tiềm năng rất lớn để thay thế kháng sinh, có khả năng thủy phân thành tế bào peptidolycan của vi khuẩn. Lysozyme có nhiều trong các dung dịch và các mô sinh học, trong đó có lòng trắng trứng. Chất này đang được sử dụng rộng rãi để bổ sung vào trong thức ăn và cho kết quả kháng khuẩn vượt trội trong ngành chăn nuôi và một số loài thủy sản. Như việc cải thiện hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn Aeromonas hydrophyla trên cua; tăng sức đề kháng và tăng tỉ lệ sống khi được bổ sung trên cá hồi. Nhưng chưa có nghiên cứu lysozyme sẽ ngăn ngừa những bệnh truyền nhiễm. Do đó, người ta đánh giá hiệu quả của lysozyme trong lòng trắng trứng với việc ức chế chủng vibrio và xem xét biểu hiện của các gen trong  hệ miễn dịch cũng như chống oxy hóa trên tôm thẻ chân trắng. Hơn nữa cũng để xác định nồng độ tối ưu của lysozyme nên được bổ sung là bao nhiêu? Từ đó có bước đi mới để hạn chế việc sử dụng kháng sinh và phòng bệnh phân trắng.

Chuẩn bị lysozyme từ lòng trắng trứng chia thành 5 nghiệm thức: đối chứng, 0.005, 0.025, 0.125, 0.625 g/kg thức ăn cho tôm PL12 đã được xét nghiệm sạch bệnh, không nhiễm vibrio, cho ăn liên tục trong 4 tuần các nghiệm thức trên với tỷ lệ 10% trọng lượng thân.

Sau đó thu và nuôi cấy vibrio trên tôm ở những môi trường chuyên biệt , định danh và định lượng các loài xuất hiện. Thực hiên xét nghiệm PCR để xem xét biểu hiện của những gen quy định chức năng miễn dịch và chống oxy hóa. Đồng thời , đánh giá hiệu suất tăng trưởng, FCR của tôm thí nghiệm. Phân tích thống kê để đưa ra kết quả.

Kết quả cho thấy nghiệm thức 0,125g/kg và 0,625g/kg thức ăn thể hiện hoạt tính kháng khuẩn mạnh nhất, hoạt động mạnh mẽ trong hệ tiêu hóa, làm các chủng vibrio sụt giảm đáng kể, nhất là nhóm khuẩn lạc xanh (vibrio parahaemolyticus và vibrio harveyi). Ngoài ra các chất chống oxy hóa trong gan tụy, các gen biểu hiện miễn dịch cũng gia tăng nhanh về số lượng.

Tỷ lệ sống và bất cứ chỉ số tăng trưởng nào cũng không thay đổi, không có tác dụng phụ xảy ra. Khi đưa vào tôm đã bị bệnh phân trắng 6 tuần, sau 5 ngày cho ăn lysozyme, không còn thấy phân trắng khi bổ sung 0,125g/kg thức ăn và cũng không có dấu hiệu tái phát ở thời gian sau đó. Điều này chứng minh lysozyme là chất đẩy lùi được phân trắng hiệu quả ở liều 0,125g/kg thức ăn trở lên.

Cụ thể lysozyme vào trong cơ thể tôm sẽ kích thích hoạt động thực bào. Hơn thế nữa, lysozyme còn có khả năng phá vỡ cấu trúc của màng peptidoglycan của vi khuẩn gram âm, từ đó làm chết vi khuẩn. Những chủng vibrio khuẩn lạc xanh (gây hại nặng hơn) do không thể sử dụng đường sucrose giảm số lượng nhiều hơn so với nhóm tạo khuẩn lạc vàng. Trong hệ miễn dịch, lysozyme đã tăng cường hoạt động của enzyme phenoloxidase  liên quan đến quá trình melanin hóa kết tụ vi khuẩn lại và tiêu diệt.

Như vậy việc bổ sung lysozyme từ lòng trắng trứng vào thức ăn tôm thẻ chân trắng đã làm giảm được sự tấn công của các mầm bệnh trên tôm. Lysozyme cũng đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc chống oxy hóa, cải thiện hoạt động miễn dịch và tăng tỷ lệ sống của tôm. Những kết quả trên cho thấy bổ sung lysozyme là một phương pháp hiệu quả để thay thế việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và đẩy lùi bệnh phân trắng một cách hiệu quả.

Hà Tử
https://tepbac.com/

Quảng Trị: Gấp rút chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới

Những ngày này, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang gấp rút hoàn thành việc cải tạo ao hồ, làm sạch môi trường ao nuôi, tu sửa đê bao và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho việc thả giống tôm. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của người nuôi cho vụ nuôi, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương cũng đang đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật, quan trắc, cảnh báo môi trường, khuyến cáo lịch thời vụ… nhằm hướng tới một vụ nuôi có hiệu quả cao.

Đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao nuôi tôm

Vừa tỉ mỉ kiểm tra lại hệ thống đê bao và cống thoát nước tại 2 ao nuôi tôm rộng hơn 1 ha của mình, ông Hoàng Anh Quát ở tại HTX Đông Giang 2, phường Đông Giang, TP. Đông Hà cho biết, vụ nuôi tôm 2019 vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh gan tụy và đường ruột nên gia đình ông thất bại nặng nề. Do vậy, bước vào vụ nuôi tôm năm 2020 này, mọi công đoạn đều được ông chuẩn bị kỹ càng hơn, nhất là khâu cải tạo ao nuôi. Theo ông Quát, dịch bệnh đối với nghề nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng nếu đã xảy ra thì rất khó chữa trị. Do vậy, để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi, khâu cải tạo ao nuôi phải đặt lên hàng đầu. Ngay từ cuối năm 2019 ông đã tháo cạn nước, vét lớp bùn thải đáy ao, phơi khô đáy, sau đó dùng vôi bột rải khắp ao để tiêu diệt mầm bệnh. “Vụ nuôi này tôi dự định thả nuôi khoảng 20 vạn con tôm sú giống. Để đảm bảo con giống có chất lượng tốt, tôi đã liên hệ với các đơn vị cung cấp giống có uy tín để đặt hàng trước, đến gần ngày thả giống sẽ vào tận nơi mang con giống đi kiểm tra, nếu đạt yêu cầu mới thả nuôi”, ông Quát cho hay.

Theo kế hoạch, diện tích nuôi tôm năm nay của HTX Đông Giang 2 là 26,56 ha, đối tượng nuôi chính là tôm sú. Để phấn đấu đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, ngay từ đầu vụ HTX đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi nâng cấp bờ bao, hệ thống cống, cải tạo ao nuôi, lựa chọn mua tôm giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, đã qua kiểm tra, kiểm dịch, thả nuôi, chăm sóc tôm đúng theo hướng dẫn kỹ thuật.

Giám đốc HTX Đông Giang 2 Hoàng Đình Anh cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, các hộ nuôi đã tiến hành tháo khô phơi đáy ao, rải vôi bột để trung hòa pH đất, diệt khuẩn… Năm nay, do nhận thức được tầm quan trọng của việc cải tạo ao nuôi trong quá trình sinh trưởng của tôm nên người dân đã đầu tư thời gian, kinh phí để cải tạo ao nuôi nhiều hơn. HTX cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi theo hướng bền vững, nuôi an toàn sinh học; tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể hộ nuôi về kế hoạch sản xuất thủy sản năm 2020. Yêu cầu 100% hộ nuôi phải thực hiện cải tạo ao nuôi đúng kỹ thuật trước khi tiến hành thả nuôi đúng thời vụ, đúng đối tượng. Khuyến cáo áp dụng quy trình nuôi tôm ít thay nước, chỉ cấp nước một lần vào đầu vụ nuôi, còn trong quá trình nuôi chỉ cấp thêm nước ngọt từ giếng khoan để hạn chế mầm bệnh, ấu trùng vẹm xanh từ bên ngoài xâm nhập vào ao nuôi.

“Trước khi bước vào vụ nuôi năm 2020, HTX đã tổ chức họp các tổ nuôi tôm cộng đồng để thống nhất quy chế của vụ nuôi này như chỉ được phép thả nuôi tôm sú; nuôi một vụ ăn chắc; tôm giống phải được lấy ở các cơ sở có uy tín, có kiểm dịch rõ ràng; có chế tài thưởng phạt nếu các hộ nuôi không thực hiện đúng quy chế mà tổ nuôi tôm cộng đồng đã thông qua. Về thời gian thả giống, ban đầu HTX dự kiến sẽ bắt đầu thả giống từ ngày 10 – 30/4/2020, tuy nhiên do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp nên HTX thống nhất sẽ thả giống chậm lại khoảng 10 – 15 ngày so với kế hoạch đã đề ra”, ông Anh thông tin.

Tại huyện Triệu Phong, một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh với hơn 550 ha, trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trần Văn Nhuận cho biết, điều đáng mừng là những năm trở lại đây, người nuôi tôm đã nhận thức được tầm quan trọng của việc cải tạo ao nuôi nên đã đầu tư thời gian, kinh phí để cải tạo ao đầm nhiều hơn. Đặc biệt, nhiều hộ đã tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như nuôi tôm trong nhà kính, ao nổi, nuôi tôm hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Biofloc… nhờ vậy năng suất, sản lượng tôm nuôi tăng đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hộ nuôi chưa chấp hành nghiêm các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Một số người dân xử lý ao nuôi không bảo đảm yêu cầu, không tuân thủ lịch thời vụ, sử dụng con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch để thả nuôi…, do đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Theo ông Nhuận, để khắc phục những vấn đề nêu trên, bên cạnh tham mưu UBND huyện những chính sách hỗ trợ người nuôi tôm, Phòng Nông nghiệp và PTNT còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản trong việc cử cán bộ kỹ thuật tăng cường bám sát cơ sở, giám sát tại các vùng nuôi trọng điểm, kiên quyết không cho các hộ dân thả giống khi các điều kiện nuôi không đảm bảo và khi chưa đến thời vụ cho phép. Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường nước và thông báo rộng rãi đến người nuôi để chủ động trong việc chọn thời điểm lấy nước, thả giống phù hợp. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý vật tư thủy sản nhằm hạn chế tình trạng thuốc, hóa chất giả, kém chất lượng; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh tuân thủ quy định của pháp luật trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa thủy sản…, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.

Theo ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, sở đã có hướng dẫn về khung lịch thời vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2020. Theo đó, tại các vùng nuôi ven sông, với đối tượng nuôi là tôm sú chỉ nên nuôi một vụ trong năm; thời gian thả giống từ ngày 15/4 và kết thúc trước ngày 30/6. Với đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng có thể nuôi từ 1 – 2 vụ trong năm; thời gian thả giống từ ngày 15/4 đến 30/6 đối với vùng có bờ ao thấp, dễ bị ngập lụt; đối với vùng không bị ngập lụt, có nguồn nước ngọt dự trữ thời gian thả giống kéo dài từ 15/4 đến trước ngày 31/10; tuyệt đối không được thả nuôi vào thời gian từ ngày 1/11 năm trước đến trước ngày 15/4 năm sau để tránh thời tiết rét kéo dài làm tôm nuôi chậm lớn và dễ phát sinh dịch bệnh. Tại các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát có thể nuôi 2 vụ trong năm; thời gian thả giống từ sau ngày 15/3 đến kết thúc trước ngày 31/10. Riêng đối với các cơ sở nuôi có mái che, có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo không chịu ảnh hưởng của thời tiết, chủ động kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường, dịch bệnh có thể thả giống quanh năm. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân bổ 18.000 kg hóa chất để các địa phương tiêu độc, khử trùng vùng nuôi thủy sản nhằm phòng trừ dịch bệnh đầu vụ nuôi mới.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Cách diệt ký sinh trùng trên tôm Gregarine (gây bệnh phân trắng)

Ký sinh trùng Gregarine có khả năng gây tổn thương, tắc nghẽn, thậm chí làm tổn thương niêm mạc ruột tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus có hại xâm nhập. Gregarine chính là nguyên nhân sơ khởi gây bệnh phân trắng trên tôm. Bài viết này sẽ cùng bà con tìm hiểu tổng quan về Gregarine cũng như cách diệt ký sinh trùng trên tôm Gregarine một cách an toàn và hiệu quả nhất.

Tổng quan về ký sinh trùng trên tôm Gregarine

Gregarine là nguyên sinh động vật (protozoa), sống ký sinh trong mô và ống tiêu hóa của nhiều loại động vật không xương sống, chúng được phát hiện trong đường ruột tôm ở hầu hết các trường hợp tôm bị bệnh phân trắng, khi kiểm tra đường ruột tôm dưới kính hiển vi. Gregarine thường ở dạng trophozoite (giai đoạn tư dưỡng) bám trên niêm mạc ruột của tôm hoặc dạng gametocyst (dạng kén) sống ký sinh trong ống tiêu hóa của tôm.

Nội ký sinh trùng trên tôm Gregarines trong ruột

Nội ký sinh trùng trên tôm Gregarines trong ruột

Gregarines cơ thể phân làm 2 – 3 đốt, mỗi đốt có một nhân riêng. Đối cuối cùng có giác hút giúp chúng có thể bám vào thành dạ dày và ruột của tôm. Ký chủ trung gian của Gregarine là ốc và các loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, tôm sẽ bị nhiễm ký sinh trùng khi ăn phải. . .Tôm bị nhiễm kí sinh trùng gregarine làm tôm chậm lớn, FCR cao, gây tổn thương, tắc nghẽn ruột, thậm chí gây tổn thương niêm mạc ruột, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại xâm nhập gây ra nhiều bệnh khác nhau, phổ biến nhất là bệnh phân trắng trên tôm.

Bệnh ký sinh trùng lây nhiễm qua các vật chủ trung gian. Khi bị bệnh, tôm có các dấu hiệu như chậm lớn, FCR cao, các dấu hiệu của bệnh phân trắng. Người nuôi rất khó nhận biết bằng mắt thường, chỉ quan sát thấy đường ruột có màu vàng hoặc vàng nâu khi tách ruột khỏi cơ thể. Chúng ta chỉ có thể phát hiện chính xác khi xem ruột tôm dưới kính hiển vi, từ đó có cách diệt ký sinh trùng trên tôm hiệu quả.

Cách phòng bệnh ký sinh trùng trên tôm

  • Lựa chọn giống có nguồn gốc xuất xứ, sạch bệnh, xét nghiệm PCR để sàng lọc những con bị nhiễm bệnh.
  • Xử lý ao nuôi kỹ lưỡng, sên vét đáy ao.
  • Cấp nước sạch vào ao, sử dụng túi lọc để ngăn chặn ấu trùng ốc, các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
  • Bổ sung chế phẩm sinh học ScienChain lợi khuẩn đường ruột cho tôm.
  • Định kỳ xét nghiệm PCR Pockit để phát hiện nhanh mầm bệnh.
Phòng ký sinh trùng ở tôm

Cải tạo ao kỹ lưỡng trước vụ nuôi

Cách diệt ký sinh trùng trên tôm

Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu sử dụng tỏi trong điều trị ký sinh trung và ghi nhận được kết quả tốt. Trong báo cáo của Chutchawanchaipan và ctv (2004) về hiệu quả của việc xay tỏi tươi để giảm số lượng ký sinh trùng từ ruột của tôm sú. Tiến hành trộn 10gr tỏi tươi với 1 kg thức ăn cho tôm, trộn cùng 20ml chitosan, và cho tôm ăn ở 3 ao đất trong 5 tuần. Tôm được lấy mẫu trước khi cho ăn tỏi và mỗi tuần sau khi bắt đầu cho ăn tỏi, mỗi lần 20 con, để kiểm tra số lượng gregarines trong ruột của tôm nuôi sử dụng kỹ thuật mô. Kết quả ghi nhận số lượng tôm nhiễm gregarines giảm 100% sau khi ăn tỏi theo chế độ ăn uống trong 4 tuần liên tục.

Tỷ lệ tôm nhiễm Gregarines trước và sau khi cho ăn tỏi kết hợp chế độ ăn:

Thời gian (tuần) Tỷ lệ tôm nhiễm ký sinh trùng Gregarines (%)
Ao 1 Ao 2 Ao 3
Trước khi bổ sung tỏi vào thức ăn 100 90 85
100 100 90
1 30 65 40
2 10 15 10
3 0 15 15
4 0 0 0
5 0 0 0

Hình sự xuất hiện của ký sinh trùng Gregarines trong ruột tôm sau khi cho ăn tỏi 2 tuần

Ký sinh trùng trong ruột tôm
  • A: Gregarines tồn tại trong ruột giữa của tôm trước khi cho ăn tỏi kết hợp chế độ ăn.
  • B: Gregarines sống trong ruột giữa của tôm trong 2 tuần sau khi cho ăn tỏi xay kết hợp chế độ ăn.
  • C: Không còn Gregarines trong ruột giữa của tôm ở 4 tuần sau khi cho ăn tỏi xay kết hợp chế độ ăn.

Bà con có thê lựa chọn sản phẩm Vinalic- chiết xuất thảo dược có chưa dịch trích tỏi để phòng ngừa và điều trị ký sinh trùng Gregarines hiệu quả.

Kỹ sư – Huỳnh Quốc Khánh

Nguồn : https://drtom.vn/

Đồng hành cùng ngành Thủy sản ‘thời COVID’

Trước khó khăn của ngành Thủy sản, ngay từ đầu năm 2020, tỉnh Cà Mau đã có nhiều động thái để đưa ra giải pháp đón đầu tình hình. Đặc biệt, tại buổi họp mặt doanh nghiệp (DN) đầu năm, với sự tham gia của nhiều “nhà” trong chuỗi liên kết sản xuất ngành hàng tôm Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã có nhiều gợi mở kỳ quyết. Các ngân hàng thương mại cũng mang nhiều trọng trách hơn trong việc đồng hành và gỡ khó cho ngành Thủy sản. Đến nay, trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, các “nhà” đã phát huy tốt vai trò, nhất là khi cả nước đang chung tay gỡ khó cho con tôm thời COVID-19.

Tiềm năng cũng là thách thức

Là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước, với khoảng 302.000ha, sản lượng tôm nuôi hàng năm của Cà Mau đạt trên 300 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt gần 1,2 tỷ USD. Nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản còn là nguồn sinh kế cho hàng ngàn hộ dân và tạo nhiều việc làm ổn định trong các nhà máy chế biến thủy sản và các ngành thương mại, dịch vụ.

Theo Sở Công thương Cà Mau, năm 2019 sản lượng chế biến tôm ước đạt hơn 157.419 tấn. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 1.168 triệu USD, đạt 97% kế hoạch. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 thời gian gần đây và những động thái của Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng, xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau đang gặp khó khăn.

Thực hiện ý kiến của Thường trực UBND tỉnh Cà Mau, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có những chỉ đạo về tình hình sản xuất hết sức kịp thời và nhanh chóng, mang lại hiệu quả nhất định, trong đó có việc đề nghị Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TP. Cà Mau phối hợp với các đơn vị thuộc Sở có giải pháp chỉ đạo sản xuất phù hợp ở địa phương. Đồng thời, nắm tình hình biến động giá cả các sản phẩm nông nghiệp có xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, khẩn trương báo cáo về Sở để tổng hợp báo cáo Thường trực UBND tỉnh. Định kỳ thứ 2 hằng tuần, Phòng NN&PTNT các huyện và Phòng Kinh tế TP. Cà Mau báo cáo thêm nội dung giá một số sản phẩm ngư, nông, lâm nghiệp về các chi cục chuyên ngành, thuộc Sở NN&PTNT, để tổng hợp theo lĩnh vực.

Do đầu năm các DN mới đi vào hoạt động nên số hợp đồng phát sinh chưa nhiều, nếu dịch COVID-19 kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường Trung Quốc và lan sang các thị trường lân cận, tác động trực tiếp đến các DN chế biến thủy sản xuất khẩu của địa phương. Nguy cơ bị hủy các đơn hàng (do các nước thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa kinh doanh) sẽ gây khó khăn về tài chính, hàng hóa tồn kho đối với DN trong nước. Điều này sẽ tác động đến việc thu mua tôm nguyên liệu của các DN chế biến thủy sản và sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ nuôi tôm, nhất là về giá thành.

Tỉnh Cà Mau đang nỗ lực hết mình vì ngành kinh tế thủy sản.

Từ sự chủ động…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch COVID-19 để kịp thời thông tin đến các DN trên địa bàn tỉnh để chủ động kế hoạch sản xuất, chế biến các mặt hàng phục vụ xuất khẩu. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cả thị trường, trong đó có giá cả tôm nguyên liệu.

Công ty Điện lực Cà Mau gia hạn thời gian thanh toán tiền điện của DN từ 7 ngày lên 15 ngày và sau 2 lần thông báo kể từ lần thông báo đầu tiên, không áp dụng tính lãi suất chậm trả nếu các DN thanh toán tiền điện theo đúng thời gian thỏa thuận với ngành Điện (chỉ áp dụng giải pháp hỗ trợ nêu trên cho các DN có giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có tỷ trọng chiếm từ 30% trở lên so với tổng kim ngạch xuất khẩu của từng DN, sau khi có văn bản đề nghị hỗ trợ của DN.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các DN xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi công nợ, không xuất được hàng hóa do tình hình cấm biên; đồng thời, phải mua nguyên liệu nuôi trồng, khai thác thủy sản của nông dân nên hàng sẽ tồn kho còn nhiều. Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ thiệt hại khó khăn của DN và người dân: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và hỗ trợ lãi vay theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo ghi nhận, phần lớn dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến các DN có tỷ trọng xuất khẩu lớn, thị trường truyền thống tại Trung Quốc, còn các thị trường khác tương đối ổn định. Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường Trung Quốc và lan tỏa đến các thị trường lân cận, tác động xấu đến các DN xuất khẩu của tỉnh: Nguy cơ bị hủy các đơn hàng do các nước thực hiện biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa kinh doanh dẫn đến các DN gặp khó khăn về tài chính, tồn kho hàng hóa… dẫn đến việc giảm sản lượng thu mua nguyên liệu tôm, ảnh hưởng đến các hộ nuôi tôm, nhất là giá thành giảm.

Thời điểm hiện nay, việc nuôi tôm của người dân được tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

…Đến sự bền vững

Mới đây, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh (TC,STC) và xây dựng liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020. Theo đó, nội dung và biện pháp thực hiện của kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với những hộ nuôi TC,STC và những hộ có điều kiện nuôi theo từng địa bàn để tuyên truyền trực tiếp, lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch hoạt động khuyến nông… để đăng ký nuôi TC,STC trong năm 2020; tiến hành rà soát thống kê, phân loại diện tích nuôi TC, STC hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh; ứng dụng khoa học công nghệ…

Thông qua đó, nhằm rà soát, củng cố nâng cao hiệu quả diện tích nuôi tôm TC,STC hiện có trong toàn tỉnh để có biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất; rà soát nhu cầu phát triển nuôi tôm TC,STC của các DN, tổ chức, cá nhân để có biện pháp hỗ trợ phát triển, nâng cao hiệu quả trong năm 2020 và những năm tiếp theo; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát động, hỗ trợ DN và người dân phát triển nuôi tôm TC,STC tập trung quy mô lớn gắn với liên kết chuỗi sản phẩm; nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững; phát triển nuôi tôm TC,STC theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, gắn với bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng; nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng thời, huy động các nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là DN, ngân hàng vào phát triển nuôi tôm TC,STC, gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị, giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi ích cho người dân, DN và nền kinh tế của tỉnh.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Cà Mau, ông Trần Hoàng Khởi: “Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các ngân hàng thương mại cùng phối hợp với các DN nắm lại tình hình cụ thể, để có phương hướng, giải pháp hỗ trợ cho các DN giảm mức lãi suất thanh toán cho một số DN thủy sản có lô hàng tạm dừng xuất khẩu do ảnh hưởng dịch COVID-19”.

Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi

Trí tuệ nhân tạo trong nuôi trồng thủy sản

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo ra những cải tiến to lớn về hiệu quả và bền vững đối với ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu. Những ứng dụng thực tế của AI trong các hệ thống vận hành tốt nhất hiện nay là minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất cho nhận định trên.

Trí tuệ nhân tạo là những cỗ máy tiên tiến, hiện đại bậc nhất không ngừng được nâng cấp, phát triển. Nhờ AI, mọi thứ đã thay đổi mạnh mẽ kể từ năm 2010 và AI đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người. Chẳng hạn, bạn không cần phải lái xe đến thành phố lớn để mua cuốn sách mà bạn yêu thích, chỉ bằng một vài cú nhấp chuột, nó sẽ được chuyển đến trước nhà bạn trong thời gian rất ngắn, bạn cũng có thể di chuyển đến một địa điểm hoàn toàn mới, nơi mà bạn chưa từng đặt chân đến bao giờ dễ dàng và nhanh chóng nhờ sự kỳ diệu của Waze hay Google Maps …

Bằng nhiều tiện ích mang lại, AI đã trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc củng cố các ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

TỐI ƯU HOẠT ĐỘNG CHO ĂN ĐỐI VỚI TÔM, CÁ

Thức ăn là một trong những đầu mục chi phí lớn nhất và tốn kém nhất đối với người nuôi tôm, cá. Chính vì thế, tối ưu hóa được việc cho ăn hiệu quả đồng nghĩa với người nuôi sẽ giảm được chi phí và tăng lợi nhuận. Tuy nhiên một thực trạng phổ biến vẫn tiếp diễn trong khâu cho tôm, cá ăn hiện nay đó là các phương pháp cho ăn không có chiến lược khoa học, tùy tiện, thủ công và phụ thuộc nhiều vào người nuôi.

Từ đó, yêu cầu về một chế độ ăn tinh chỉnh là rất quan trọng, bởi nếu lượng thức ăn cho ăn quá ít sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu, gây làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển và tăng sinh khối của tôm, cá. Trong khi đó, việc cho ăn quá nhiều cũng không tốt, lượng thức ăn sử dụng nhiều hơn làm tăng chi phí. Chưa kể đến một loạt những tác hại liên đới khác như thức ăn dư thừa sẽ phân tán lơ lửng trong nước, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước nuôi và gây ô nhiễm nguồn nước của cả vùng, địa phương.

Vậy kỹ năng đo lường khi nào cho ăn và cho ăn bao nhiêu là hợp lý để đạt được hiệu quả nuôi trồng thủy sản tốt nhất? Để có được kiến thức và kinh nghiệm, theo cách làm thủ công, người nông dân mỗi ngày vẫn phải thường trực theo dõi (cả ngày lễ và cuối tuần) trong nhiều tháng, dành nhiều thời gian cho công việc hơn. Và không phải người dân nào cũng là một chuyên gia nuôi tôm, cá. Vậy, nếu để máy móc thay thế con người thực hiện tất cả các công việc này, bạn nghĩ thế nào. Thực tế, hiện nay đã có rất nhiều máy móc hiện đại, ứng dụng nền tảng công nghệ tân tiến để thay thế con người trong lĩnh vực thủy sản.

Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp cải thiện chất lượng vụ nuôi, nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận và đồng thời giải phóng sức lao động cho người nông dân nuôi tôm, cá

Công ty Observe Technologies cung cấp hệ thống xử lý nước dữ liệu và nghiên cứu ứng dụng AI để theo dõi khi cho tôm, cá ăn. Mục tiêu của họ là cung cấp cho người nông dân những hướng dẫn thực nghiệm và khách quan nhất về việc nên cho ăn bao nhiêu là hợp lý.

Một công ty khác có tên Efishery đã phát triển hệ thống sử dụng các cảm biến để phát hiện thời điểm có nhu cầu nạp thức ăn ở tôm, cá và kiểm soát các máy cấp thức ăn tự động điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với nhu cầu đó. Cách làm này không chỉ gọn nhẹ mà còn có thể làm giảm chi phí thức ăn lên tới 21%, công ty Efishery cho biết.

Công ty Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản của Nhật Bản và Singapore, Umitron Cell, đã cung cấp một bộ nạp thức ăn thông minh có thể điều khiển từ xa. Người nông dân sẽ dựa trên số liệu thu thập và hiển thị trên máy để từ đó cài đặt chế độ cho ăn hợp lý, tối ưu lịch trình cho ăn. Điều này sẽ giúp giảm chất thải trong quá trình cho ăn, tăng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn, cải thiện lợi nhuận và tính bền vững trong ki mang lại cho người nuôi nhiều thời gian hơn, giảm chi phí thuê lao động.

Các hệ thống AI đồng thời cũng xem xét các yếu tố liên quan khác như thời tiết, ánh sáng, nhiệt độ … giúp nông dân sản xuất nhiều sản phẩm tôm, cá với chi phí thấp hơn, tăng lợi nhuận đáng kể.

NGĂN NGỪA BỆNH TẬT, THEO DÕI GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

Bệnh trên thủy sản luôn là những mối lo đối với người nuôi. Bệnh trên tôm, cá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và chất lượng đầu ra…và cuối cùng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người nuôi và nền kinh tế nuôi trồng thủy sản của cả đất nước. Tuy nhiên, khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, bệnh tật trong ao nuôi tôm cá trở thành yếu tố có thể kiểm soát và dễ dàng phát hiện sớm. Các chương trình có thể dự đoán được sự bùng phát dịch bệnh trước khi chúng xảy ra bằng cách lưu ý các dữ liệu thu thập đầu vào từ ao nuôi, phản ánh tình hình và áp dụng các biện pháp phòng ngừa.

Vào tháng 4/ 2017, Na Uy đã ra mắt AquaCloud, một chương trình hoạt động dựa trên nền tảng đám mây nhằm giúp các nhà quản lý nghiên cứu về sức khỏe của cá nuôi, đối phó với loài rận biển, dự đoán hoặc thậm chí ngăn chặn sự phát triển của loài rận biển trong các lồng nuôi ngay từ giai đoạn đầu, tránh diễn biến xấu hơn, giảm chi phí phải bỏ ra để sử dụng các phương pháp điều trị y tế tốn kém, giảm tỷ lệ tỷ vong của các cá thể cá nuôi.

Công ty khởi nghiệp Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản Ấn Độ Aquaconnect cung cấp FarmMoJo, một ứng dụng di động giúp người nuôi tôm dự đoán bệnh và tăng cường quản lý chất lượng nước nuôi. Công nghệ thông minh này chính là chìa khóa để quản lý dịch bệnh và tăng năng suất ao tốt hơn.

Thiết bị trên không có điều khiển từ xa trang bị cảm biến cũng có thể thu thập các dữ liệu như pH, độ mặn, nồng độ oxy hòa tan, độ đục, chất ô nhiễm và thậm chí cả nhịp tim của các ấu trùng tôm, cá – tất cả đều có thể truy cập thông qua thiết bị di động thông minh này – Raj Somasundaram, Giám đốc điều hành Aquaconnect cho biết.

Và một trong những thiết bị sáng tạo nữa đó là SHOAL, sử dụng cá robot để phát hiện các nguồn ô nhiễm dưới nước ở trang trại và các cơ sở lân cận khác.

Cũng thông qua AI, người nuôi có thể chuyển đổi từ xa các thiết bị máy bơm, động cơ, thiết bị sục khí… để điều chỉnh phù hợp các thông số ao nuôi.

Ngay cả việc tối ưu hóa lợi nhuận kinh tế trong khi thu hoạch, mà hầu hết nông dân thường dựa trên kinh nghiệm hoặc lịch thu hoạch mùa vụ  được thông báo từ địa phương thì giờ đây việc này cũng sẽ được quyết định bằng máy móc. XpertSea ứng dụng thị giác máy tính, đồng thời lập trình tính toán sự tăng trưởng của tôm, giúp nông dân dự đoán thời kỳ thu hoạch có lợi nhất. Các kỹ thuật AI tiên tiến xác định chính xác khung thời gian thu hoạch tốt nhất bằng cách liên tục sử dụng dữ liệu của cả chu kỳ tăng trưởng trước đó.

Ảnh 1: XpertSea nền tảng trí tuệ thông minh nhân tạo sử dụng máy ảnh và học máy, được áp dụng cho thị giác máy tính để đếm số lượng, đo kích thước, cân nặng trong vài giây thông qua hình ảnh hiển thị của con tôm.

Phần mềm quản lý trực tuyến sử dụng trí tuệ thông minh nhân tạo để thu thập, nhập liệu, lưu trữ và xử lý dữ liệu thực địa cung cấp cho các chuyên gia trong ngành và cả người nông dân nuôi trồng những hiểu biết dựa trên dữ liệu trong toàn bộ chu trình sản xuất. Nền tảng này không chỉ được sử dụng bởi nông dân mà còn cho các doanh nghiệp thức ăn, y tế, di truyền. Điểm ưu việt thứ hai của giải pháp đó là thu thập dữ liệu quan trọng, sau đó sử dụng máy ảnh thị giác và thiết bị hỗ trợ khác để đếm, đo kích thước và cân động vật chỉ trong vài giây (ảnh 1).

Thông qua giải pháp kép này, nông dân có thể theo dõi sự tăng trưởng tôm cá trong cả quá trình nuôi trồng, chế độ cho ăn và thêm 20 thông số khác liên quan đến nguồn nước nuôi. Hệ thống cũng có thể dự đoán tăng trưởng của tôm trước 14 ngày, dựa trên dựa trên dữ liệu hiện có. Thuận tiện hơn nữa, công nghệ thậm chí còn kết hợp dữ liệu tăng trưởng của tôm với giá cả thị trường, giúp nông dân dễ dàng đưa ra quyết định chính xác hơn để đạt được mức lợi nhuận tối ưu nhất.

Hiện tại, hơn 600 nông dân và các khách hàng đã tiếp nhận và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số XpertSea. Chỉ riêng trong năm 2019, nền tảng công nghệ này đã xử lý hơn 2.3 tỷ điểm dữ liệu và tối ưu hóa hiệu suất của 6.000 vụ mùa.

TỔNG KẾT

Mặc dù AI phát huy tính hữu dụng lớn trong nuôi trồng thủy sản thì vẫn có một chặng đường dài tiếp theo cần nghiên cứu, phát triển và phổ biến rộng rãi hơn nữa những cỗ máy thônh minh này tới người nuôi trồng thủy sản toàn cầu.

Có lẽ chúng ta sẽ không thấy các trang trại cá, tôm được quản lý hoàn toàn bằng máy móc mà không có bàn tay của của con người bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, nắm bắt và đầu tư vào công nghệ AI cộng với tự động hóa có thể thúc đẩy tốc độ phát triển đáng kinh ngạc với ngành thủy sản, làm tăng sản lượng toàn cầu đáp ứng tốt hơn nhu cầu dân số ngày càng tăng nhanh, đồng thời giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường của các hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Lương Thảo (lược dịch)

Nguồn: Thefishsite.com

Ngành tôm xuất khẩu: Chủ động lợi thế ngay sau mùa dịch

Ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam được nhận định không chịu tác động từ dịch Covid-19 và ở thời điểm này, các doanh nghiệp cùng người nuôi tôm đều đang chuẩn bị sẵn sàng về con giống, nuôi trồng để đón đầu những cơ hội mà ngành này sẽ có được trong năm 2020.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – chia sẻ, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành tôm Việt Nam đã hi vọng có 1 năm thuận lợi trong xuất khẩu và tới nay dự báo này vẫn không thay đổi.

Lý do được ông Hòe cho biết do chúng ta đang chuẩn bị tốt cho Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa mới được thông qua. Thêm đó tôm xuất khẩu cũng có những tín hiệu tốt từ thị trường Hoa Kỳ khi đạt mức thuế thấp, có thể xuất khẩu được và ở thị trường Nhật Bản chúng ta đang nhà cung cấp lớn cho nước này…

Con giống có yếu tố quan trọng hàng đầu trong nuôi tôm

Theo VASEP, dịch Covid-19 xảy ra và nhanh chóng lan ra trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ khiến hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng song với ngành tôm thì ngược lại. Nguyên nhân do quý I-2020 chưa phải là mùa vụ chính của ngành tôm mà phải đến tháng 4, tháng 5 trở đi ngành tôm mới bước vào niên vụ chính. Ngoài ra, khi dịch bùng phát tại Trung Quốc đã khiến nhiều thị trường lớn giảm nhập hàng hóa từ Trung Quốc nên cũng có thể coi là cơ hội cho tôm Việt tận dụng để tăng xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong xuất khẩu tôm, để đảm bảo tính cạnh tranh thì việc kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào và đảm bảo theo các tiêu chuẩn quốc tế là rất quan trọng. Trong khi đó điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm Việt lâu nay vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế.

Để khắc phục điểm yếu này, ông Trương Đình Hòe cho rằng người nông dân cần phải liên tục trao đổi với đầu mối thu mua cũng như với các DN chế biến xuất khẩu nhằm nắm bắt nhu cầu, chất lượng; đồng thời cân nhắc vấn đề tài chính để xem xét nuôi trồng như thế nào cho hiệu quả.

Chuẩn bị tốt nguyên liệu tôm đầu vào sẽ giúp ngành tôm đón đầu cơ hội sau mùa dịch

Là một trong những chủ nuôi tôm lớn nhất tại Bình Thuận, ông Lê Anh Tuấn cho biết, dù dịch bệnh đang diễn ra nhưng gia đình ông vẫn nuôi thả tôm theo đặt hàng của DN. Quá trình nuôi thực hiện theo đúng tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc và hướng dẫn của DN. Theo ông Tuấn, trong nuôi tôm con giống có yếu tố quan trọng hàng đầu nên ông đã lựa chọn rất kỹ con giống để tránh dịch bệnh, giảm thiểu nhiều chi phí khác. Từ đó giúp tôm thành phẩm bán ra có giá cạnh tranh, chất lượng tốt nhất.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Bá Sự – Phó Tổng giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Việt Úc cho biết, DN này đã và đang có chính sách hỗ trợ tôm giống cho nông dân cũng như có khuyến cáo người nuôi nên thả tôm bây giờ để đón đầu cơ hội. Ngoài ra, Việt Úc còn khuyến cáo bà con nuôi tôm sạch, tôm truy xuất nguồn gốc để xuất sang Châu Âu do chúng ta đã ký kết với họ để thực hiện hiệp định tự do.

Theo ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp, tôm chỉ cần nuôi từ 85-90 ngày là có thể thu hoạch. Và thời điểm này những hộ nuôi tôm tại các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bình Thuận… đều được trang bị các kiến thức cần thiết về kỹ thuật nuôi tôm cùng những lợi ích cho việc đẩy mạnh sản xuất trong giai đoạn này.

Các chuyên gia cũng cho biết thêm, mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả thị trường nhập khẩu hay trong nội tại ngành. Do vậy, các DN cần tập trung xây dựng các liên kết chuỗi từ khâu nuôi trồng nguyên liệu đến chế biến, nhằm kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…

Theo: Việt Linh

Hướng dẫn an toàn sinh học đối với điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ

Nhằm kiểm soát chất lượng tôm giống và bảo đảm an toàn thực phẩm, Tổng cục Thủy sản vừa ban hành Quyết định số 169/QĐ-TCTS-NTTS ngày 09/3/2020 về hướng dẫn thực hành an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ.

Theo đó, Tổng cục Thủy sản đã hướng dẫn những cách nhận diện mối nguy gây mất an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ và một số yêu cầu an toàn sinh học đối với điều kiện các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ.

Trong đó, về yêu cầu an toàn sinh học, các cơ sở ương sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ cần tuân thủ các yêu cầu như: Yêu cầu an toàn sinh học trong lựa chọn địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng; Yêu cầu an toàn sinh học đối với cơ sở hạ tầng của cơ sở; An toàn sinh học trong việc chuẩn bị thức ăn và bảo quản thức ăn cho tôm bố, mẹ và tôm giống; An toàn sinh học trong nhập kho, sử dụng và bảo quản các loại hóa chất, chế phẩm sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ; Yêu cầu về chương trình kiểm soát an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng.

Cụ thể, về địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng: cần lựa chọn làm địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ có diện tích đủ rộng, nền đất vững chắc, địa tầng ổn định, không bị ngập nước khi triều cường, không nằm trong vùng bị xói lở và phù hợp với quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh hoặc có văn bản đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền địa phương. Địa điểm xây dựng cơ sở không bị ảnh hưởng bởi các nguồn gây ô nhiễm và cần có nguồn điện lưới 3 pha ổn định, có máy phát điện dự phòng đủ công suất phục vụ cho sản xuất giống tôm nước lợ trong thời gian mất điện. Giao thông thuận tiện và an toàn trong vận chuyển tôm giống.

Đối với nguồn nước cấp cho cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ: Các chỉ tiêu môi trường của nguồn nước lấy vào cơ sở trước khi xử lý, đưa vào sản xuất đáp ứng yêu cầu sau: Đối với nước ngọt: QCVN 08-MT: 2015/BTNMT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, ban hành theo Thông tư số 65/2015/TTBTNMT ngày 21 tháng 12 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về yêu cầu an toàn sinh học đối với cơ sở hạ tầng của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ cần có khuôn viên xây dựng đầy đủ khu chức năng, bố trí các khu chức năng của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ hợp lý. Đối với khuôn viên Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ phải được ngăn cách với khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế biến; không bị ảnh hưởng bởi khu nuôi trồng thuỷ sản thương phẩm; ngăn chặn động vật gây hại và tránh được khói bụi từ bên ngoài vào khu vực sản xuất, ương dưỡng giống. Bố trí các khu chức năng trong cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ phải theo nguyên tắc một chiều (không ngang qua, không cắt chéo).

Bên cạnh đó, tài liệu cũng hướng dẫn những quy trình nhằm đảm bảo an toàn sinh học trong việc chuẩn bị thức ăn và bảo quản thức ăn cho tôm bố, mẹ và tôm giống như: Nơi nhân sinh khối tảo phải biệt lập với các khu vực khác của cơ sở sản xuất giống và được chia thành 2 khu: Khu giữ giống thuần và khu nhân sinh khối. Vị trí của nơi nhân sinh khối tảo cần có đủ ánh sáng, liền kề với khu vực ương dưỡng ấu trùng tôm. Thùng nhựa, túi ni lon nuôi tảo bằng vật liệu không gây độc, dung tích đủ cho tảo phát triển tốt và dễ làm vệ sinh, khử trùng.

Nơi ấp nở artemia cần tách biệt với các khu chức năng khác của cơ sở, có diện tích đủ rộng. Vị trí nên liền kề với khu vực ương nuôi ấu trùng (zoea, mysis, postlavae). Thùng, xô, vợt dùng trong ấp nở Artemia phải là chuyên dùng và dễ làm vệ sinh, khử trùng.

Không sử dụng kháng sinh trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ. Không sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chỉ nhập vào cơ sở những hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, thức ăn được phép lưu hành triên trị trường theo quy định của pháp luật và chất lượng đảm bảo. Sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật phải theo đúng chỉ dẫn về liều lượng, cách dùng ghi trên nhãn sản phẩm và hướng dẫn của nhà chuyên môn.

Đối với tôm bố mẹ khai thác từ tự nhiên: Có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y; quá trình vận chuyển đảm bảo tôm không bị nhiễm bệnh và luôn trong tình trạng khỏe mạnh. Đối vớ tôm bố mẹ được chọn tạo trong nước: Có nguồn gốc từ cơ sở đã được Tổng cục Thuỷ sản kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản (đố với giống bố mẹ); có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y; quá trình vận chuyển phải đảm bảo tôm luôn trong tình trạng khỏe mạnh. Đối vớ tôm bố mẹ nhập khẩu: Có nguồn gốc rõ ràng (tại các cơ sở đã được Tổng cục Thuỷ sản kiểm tra); có Giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y; có hồ sơ nhập khẩu; quá trình vận chuyển phải đảm bảo tôm luôn trong tình trạng khỏe mạnh.

Theo: Việt Linh