Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Tôm Cà Mau lao đao vì dịch bệnh

Giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau đang giảm sâu chưa từng thấy trong gần hai năm trở lại đây. Tình cảnh trên khiến người nuôi tôm lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan…

Hoạ vô đơn chí

Mùa này, nông dân các huyện vùng mặn phía Nam của tỉnh Cà Mau bắt đầu thu hoạch vụ tôm đầu tiên trong năm. Trên những cánh đồng tôm mênh mông nước ở huyện Phú Tân, Đầm Dơi, Cái Nước…, những chiếc quạt nước vẫn quay đều để cung cấp ôxy cho những ao tôm đến lứa thu hoạch. Tuy nhiên, thương lái chẳng ngó ngàng thu mua.

Trường hợp của ông Trần Minh Đương, ngụ ấp Tân Long B, xã Tân Dân (huyện Đầm Dơi) là một thí dụ. Ông Đương nuôi năm ao tôm thẻ theo hình thức siêu thâm canh (mỗi ao từ 1.000-1.200 m2) và hiện có hai ao đã qua giai đoạn ba tháng, đến lứa thu hoạch, đạt kích cỡ khoảng 50 con/1kg. Mấy ngày nay, ông Đương điện thoại kêu thương lái vô mua tôm nhưng vẫn bặt vô âm tính. Ông Đương bức xúc: “Mọi khi tôm có giá, thương lái vô nài nỉ, thậm chí đặt trước tiền cọc để mình bán cho họ. Nhưng giờ giá tôm giảm sâu, họ hứa lần hứa lữa chẳng thèm vô mua. Kiểu này hổng biết bán tôm cho ai luôn, còn để lại thì lấy tiền đâu trả nợ cho đại lý thức ăn, thuốc thủy sản”.

Cùng tình cảnh trên, ông Hà Văn Hùm (ngụ ấp Tân Thành A, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi), có 1/3 ao nuôi tôm thẻ siêu thâm canh đến kỳ thu hoạch nhưng gặp cảnh giá rẻ như cho. Bấm đốt ngón tay, ông Hùm nhẩm tính, so với cách nay gần một tháng, giá tôm thẻ công nghiệp hiện đã giảm từ 20.000-30.000 đ/kg. “Giá thấp quá nên tôi định tỉa thưa (thu hoạch trước khoảng 50% ao tôm-PV) nhưng hổm rày không có lái nào hỏi mua cả”. Ông Hùm giọng buồn so.

Cũng theo ông Hùm, trong tình thế không bán được tôm, gia đình ông phải kéo dài thời gian nuôi thêm từ 30-45 ngày. Tới thời gian nêu trên, dù giá có thấp cỡ nào thì người nuôi cũng phải thu hoạch chứ không thể nuôi thêm được nữa. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, bản thân ông Hùm cũng chưa tiên liệu được điều gì. Ông bày tỏ lo lắng: “Giá tôm hiện tại ngang bằng chi phí đầu tư để có được 1kg tôm. Nếu bán được xem như phá huề. Nhưng nuôi tôm vất vả lắm, hơn ba tháng trời ròng rã, huề xem như lỗ vốn”.

Đồng tôm thâm canh Cà Mau đến lứa thu hoạch nhưng khó bán bởi giá giảm sâu.

Đầm Dơi là vùng nuôi tôm trọng điểm ở Cà Mau, với hơn 70.000 ha. Do nhiều nguyên nhân, trong hơn ba năm gần đây, hiếm khi người nuôi tôm có được một vụ tôm suôn sẻ. Ông Kiều Minh Tấn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi), cũng là một trong hai nông hộ đầu tiên ở xã thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, phân tích: Với tỷ lệ nuôi thành công về sản lượng chiếm từ bằng đến hơn 80%, nếu tôm nguyên liệu có mức giá ổn định, thì mỗi ao tôm (khoảng 1.200m2), hộ nuôi có lời từ 200-300 triệu đồng mỗi vụ nuôi. Tuy nhiên, giá tôm “nhảy múa” liên tục, nhất là vào cao điểm thu hoạch, giá thường xuống thấp”, ông Tấn chia sẻ.

Các vùng chuyên tôm ít bị tác động bởi hạn hán, xâm nhập mặn như vùng ngọt phía bắc của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, nông hộ nuôi tôm ở Cà Mau đang chịu cái nạn được coi là “từ trên trời rơi xuống”. Tôm không bị dịch bệnh nhưng dịch bệnh trên người đang tác động bất lợi đến giá tôm. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg hiện chỉ còn từ 160.000 – 180.000 đồng/kg; sú loại 30 con/1kg giá từ 120-130.000đ. Trong khi, tôm thẻ (nuôi công nghiệp) loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 70.000 đồng/kg; thẻ loại 50 con/kg còn khoảng 105.000 đồng. So với hai tuần trước đó, giá tôm sú giảm khoảng 100.000đ/kg và hơn 20.000 đồng đối với mặt hàng tôm thẻ.

Trước tình cảnh giá tôm giảm sâu, ông Trần Văn Của (có hơn 1ha đất nuôi tôm sú quảng canh ở ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam) cho biết sẽ tạm ngừng việc thu hoạch tôm. Ông nói trong tâm trạng bất an: “Chờ dịch bệnh qua đi xem tình hình có cải thiện không rồi tính tiếp”.

Những hộ nuôi tôm quảng canh như ông Của, tôm có thể chậm thu hoạch trong thời gian dài từ 2-3 tháng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, với những hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ở Cà Mau, việc kéo dài vụ nuôi đồng nghĩa với việc người nuôi sẽ bỏ thêm tiền để cho tôm ăn, tiền điện chạy quạt nước, tiền vi sinh xử lý nước và tất tần tật nhiều thứ khác. Do đó, nếu tình hình dịch bệnh thuyên giảm và giá tôm không cải thiện, thì kịch bản “treo đầm” có thể sẽ diễn ra trên diện rộng ở vùng nuôi tôm trọng điểm quốc gia.

“Giá tôm nguyên liệu hiện giảm chưa từng thấy trong vòng hai năm trở lại đây. Trong điều kiện các loại vật tư đầu vào không giảm, thì với giá hiện tại, người nuôi tôm ở Cà Mau dù đạt về sản lượng nhưng vẫn không có lãi” – Thạc sĩ Mã Huy, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Cà Mau.

Xuất khẩu hẹp đầu ra vì Covid-19

Cà Mau được xem là “thủ phủ” nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, với tổng diện tích nuôi hơn 280.000 ha, tổng sản lượng tôm đạt khoảng 200 nghìn tấn mỗi năm. Trong đó, có các hình thức nuôi, như: Quảng canh kết hợp (hơn 62.000 ha); quảng canh cải tiến (khoảng 140.000 ha); Tôm-lúa (hơn 38.000 ha), tôm-rừng (hơn 30.700 ha) và hơn 8.700 ha tôm bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh. Chỉ riêng loại hình nuôi tôm siêu thâm canh, từ vài chục ha ban đầu, đến nay Cà Mau đã phát triển lên hơn 2.500 ha với 2.476 hộ nuôi, năng suất bình quân từ 40-50 tấn/ha.

Tôm Cà Mau giảm giá sâu tác động bất lợi đến người nuôi tôm.

Với vùng nuôi rộng lớn nêu trên và việc phát triển mạnh các hình thức nuôi có sự can thiệp của tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thì ước tính, mỗi năm nông hộ Cà Mau tiêu tốn vài nghìn tỷ đồng mua thức ăn cho con tôm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cà Mau vẫn chưa có được nhà máy sản xuất thức ăn mà phải nhập tỉnh, kể cả một số nguyên liệu thiết yếu phục vụ đầu vào trong quá trình nuôi tôm, như: Vôi, bạt lót đáy ao, ống nhựa, nhiều loại vi sinh và thuốc chuyên dùng trong thuỷ sản… Đó cũng là một trong những bất lợi mà người nuôi tôm ở Cà Mau gặp phải trong nhiều năm qua. Kéo theo đó là giá thành đầu vào luôn trong tình trạng “mất kiểm soát”. Trong khi đó, con tôm phần lớn phụ thuộc vào xuất khẩu qua hệ thống các nhà máy chế biến thủy sản.

Ông Phạm Thế Tài, Nguyên Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Người nuôi tôm luôn thiệt thòi vì không quyết định được giá đầu ra”. Ông Tài phân tích: Vật tư đầu vào chiếm khoảng 70% chi phí cho một vụ nuôi, đặc biệt là các hình thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh. Tuy nhiên, giá của vật tư hiếm khi nào giảm mà luôn trong tình trạng tăng, đặc biệt là các mặt hàng thuốc thuỷ sản và thức ăn cho tôm, bởi doanh nghiệp triết khấu hoa hồng khá cao cho hệ thống phân phối và đại lý. “Trong tình thế đó, năm nào xuất khẩu thuận lợi, giá tôm nhích lên thì nông dân “dễ thở”, bằng ngược lại người nuôi tôm lãnh đủ hoặc nai lưng “làm mọi” cho nhà sản xuất”, ông Tài chia sẻ.

Chế biến tôm đang có dấu hiệu sa sút do thị trường xuất khẩu bị bó hẹp vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đánh giá của đa phần người nuôi tôm, giá nhiều mặt hàng đầu vào hiện không tăng nhưng giá tôm giảm sâu do dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, khiến thị trường xuất khẩu bị bó hẹp. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường cho biết: Ban đầu là Trung Quốc, sau đó đến châu Âu và bây giờ toàn thế giới đã bị ảnh hưởng dịch Covid-19, khiến thị trường xuất khẩu bị co hẹp dần. “Không bán được hàng, không có vốn xoay vòng, trong khi, mỗi tháng công ty gánh chi phí hoạt động vài tỷ đồng”.

Cùng nhìn nhận trên, ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty thủy sản Anh Khoa (tỉnh Cà Mau) bổ sung: Một trong những khó khăn nhất hiện nay là ngân hàng nhà nước triển khai thông tư 01 về giảm lãi, giãn lãi,…nhưng chưa đúng nhu cầu thực sự của doanh nghiệp. “Doanh nghiệp đang cần vốn để khôi phục sản xuất, thu mua hàng thủy sản nhưng một số chính sách từ hệ thống ngân hàng triển khai rất chậm”, ông Trung nêu quan điểm.

Tình hình dịch Covid-19 đã và đang tác động bất lợi đến các mặt kinh tế và đời sống xã hội. Tại Cà Mau, con tôm là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng nhiều đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu thỷ sản của tỉnh hiện giảm hơn 50% so với cùng kỳ, gia tăng lượng hàng tồn kho. Đây cũng là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu tôm những tháng đầu năm 2020 của tỉnh Cà Mau giảm 15 – 20% so với cùng kỳ. Chính vì thế, việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không thể chậm trễ, góp phần bình ổn giá tôm. Về lâu dài, để giá tôm bình ổn, Cà Mau nói riêng và người nuôi tôm nước lợ các tỉnh ven biển cả nước nói chung rất cần sự đầu tư của Nhà nước về chuỗi cung ứng vật tư đầu vào tại các vùng nuôi tôm trọng điểm nhằm kiểm soát tốt giá thành đầu vào, giảm thiểu chi phí trong nuôi tôm. Có như thế, con tôm Cà Mau và của Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh và rộng đường “xuất ngoại”.

Cả hệ thống chính trị của tỉnh đang tập trung cùng lúc nhiều nhiệm vụ trọng tâm (chỉ đạo đại hội Đảng các cấp, giảm thiểu, khắc phục hạn-mặn, dịch bệnh Covid-19) nên rất cần sự chia sẻ, hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là trong việc cung cấp các thông tin cần thiết về sản lượng, hàng tồn kho, số lượng công nhân, giá mua nguyên liệu, sản lượng hợp đồng đã ký, đăng ký tạm trữ, minh bạch giá cả thu mua,… Đó cũng là cơ sở để tới đây tỉnh có đề xuất tới Trung ương nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử.

HỮU TÙNG
Nguồn tin: Nhân Dân

Nhu cầu nhập khẩu tôm giảm do Covid-19

Tính đến hết tháng 2/2020, XK tôm Việt Nam tăng nhẹ 2,6% đạt 383 triệu USD, chủ yếu nhờ thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc vẫn chưa bị biến động nhiều, NK vẫn tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, XK sang Trung Quốc và EU giảm lần lượt 37% và 15% do tác động của dịch Covid-19.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK tôm của Việt Nam trong tháng 2/2020 đạt 194,5 triệu USD, tăng 39,5% so với tháng 2/2019. Hai tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 383,4 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 2/2020, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc giảm gần 60% trong khi XK sang các thị trường chính khác như Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc đều tăng.

Nhật Bản là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 20,6% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. XK tôm sang Nhật Bản trong tháng 2/2020 vẫn khá ổn định, đạt 43,6 triệu USD, tăng 63% so với tháng 2/2019. XK tôm sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm đạt 78,8 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2019.

XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 2/2020 đạt 36,3 triệu USD, tăng 42%. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay đạt 74,2 triệu USD, tăng 22,3%. Trong 2 tháng đầu năm nay, tại thị trường Mỹ, nhu cầu giao dịch tập trung cho phân khúc siêu thị, nhưng hiện nay tôm Ấn Độ và Ecuador cũng đang bán khá mạnh vào Mỹ với giá thấp hơn, do họ không XK được đi Trung Quốc, do vậy DN tôm khó thu mua được tôm nguyên liệu với giá hợp lý để cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador.

XK tôm Việt Nam sang thị trường NK lớn thứ 3, EU đạt 64,9 triệu USD trong 2 tháng đầu năm nay, giảm 15,4%.

Từ tháng 3/2020, Châu Âu bắt đầu trở thành tâm dịch mới của Covid-19, dịch bệnh đã lây lan nhanh ra toàn khu vực với các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Italy, Tây Ban Nha, Đức…XK hàng hóa sang thị trường này chịu ảnh hưởng nặng nề, các nhà NK thông báo hoãn, dừng đơn hàng. Một số DN XK tôm sang thị trường này bị hoãn hoặc dừng đơn hàng do nhà NK không bán được hàng và tồn kho cao. Dù nhu cầu NK vẫn có nhưng tình hình bùng phát dịch như hiện nay, DN chưa thể có kế hoạch cụ thể nào ngoài việc phải chờ đợi.

XK tôm Việt Nam sang Hàn Quốc 2 tháng đầu năm nay đạt hơn 46 triệu USD, tăng 12,4%. Thị trường Hàn Quốc chưa bị ảnh hưởng nhiều trong 2 tháng đầu năm nhưng sẽ phải chịu tác động khá dài. Nếu ngành tôm duy trì sản xuất ở mức độ chấp nhận được, dự trữ một phần cầm cự ít nhất đến tháng 6 thì hy vọng XK sang thị trường này sẽ ổn định.

Trong tháng 2 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc giảm 51% đạt hơn 10 triệu USD. Hai tháng đầu năm nay, XK tôm sang tôm sang thị trường này giảm 37,5% đạt gần 39 triệu USD. XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm bị tác động mạnh nhất do dịch Covid trầm trọng. DN đang chờ đợi đến tháng 4 XK tôm sang Trung Quốc sẽ dần khôi phục trở lại và sẽ tập trung xuất chính ngạch đường biển để ổn định.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, phần lớn các DN XK tôm cho biết, tỷ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30-50%. Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy từ 20-40%, các đơn hàng mới có được rất ít. Các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu tại thị trường Châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc…Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do Chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch Covid-19. Khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm cũng ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, các DN cũng khó khăn không ít trong di chuyển và thực hiện các hoạt động liên quan đến việc XNK hàng hóa.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, DN thủy sản đang mong chờ các giải pháp tháo gỡ khó khăn về phí công đoàn, thuế thu nhập doanh nghiệp, các chi phí liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh… để vượt qua đại dịch.

Về mặt nguyên liệu tôm, trong khi các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng DN vượt qua giai đoạn cầm cự này bằng cách duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6-tháng 7 khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và XK, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm. Người nuôi cũng cần được tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ để có biện pháp duy trì nuôi như kéo dài thời gian hoặc thả giống mật độ thưa hơn…hoặc một số biện pháp khác để cầm cự và giữ ổn định nguyên liệu.

Đối với vấn đề hạn mặn, ở giai đoạn thả giống, bà con nông dân nên chủ động lấy nước ngọt vào ao chứa để dự trữ, hạn chế thả giống hoặc thả chậm đón mùa mưa. Nếu thả, người nuôi nên lựa chọn nguồn tôm giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ; thực hiện nuôi 2 – 3 giai đoạn; chỉ thả giống khi nhiệt độ nước dưới 30 độ C, vào sáng sớm hoặc chiều mát; thả nuôi mật độ phù hợp với mô hình nuôi của mình.

Kim Thu
Nguồn tin: Vasep

Ngành tôm nuôi sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19

Tôm sẽ là một trong những mặt hàng thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi Covid-19. Vẫn còn quá sớm để đưa ra con số dự báo sản lượng tôm toàn cầu 2020, nhưng virus corona bùng phát có nguy cơ làm đảo ngược mọi dự đoán trước đây về tốc độ tăng trưởng cũng như sự sụt giảm của ngành tôm toàn cầu 2020.

Tháng 10/2019, GOAL dự báo sản lượng tôm toàn cầu tiếp tục tăng trong vài năm tới, với 5% vào năm 2020 lên trên 5 triệu tấn. Tại Hội nghị thị trường thủy sản toàn cầu (GSMC) tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại Mỹ, các chuyên gia cũng dự báo sản lượng tôm năm 2020 sẽ tăng lên trên 4 triệu tấn. Mức dự báo của GSMC thấp hơn GOAL nhưng cả hai đều cho rằng sản lượng tôm tăng mạnh tại Ecuador và Ấn Độ – 2 nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới.

 

Điều kiện thị trường khó khăn

Đặc điểm rõ nét của thị trường tôm toàn cầu ngay từ hồi đầu năm đó là nguồn cung dư thừa và giá thấp. Virus corona xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc, sau đó lan sang châu Âu vào đúng mùa tiêu thụ tôm mạnh nhất trong năm.

Cuối năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020, các hãng xuất khẩu tôm của Ecuador đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc vốn tiêu thụ 60% nguồn tôm của nước này.

Tháng 2/2020, trong khi Trung Quốc thực hiện lệnh phong tỏa nhiều nơi để ngăn chặn virus lây lan, lượng tôm Ecuador xuất khẩu sang Mỹ đã tăng 19,4% so cùng kỳ năm ngoái, một phần do giá thấp hơn. Suốt gần 2 tháng kiểm dịch để ngăn chặn corona, tiêu thụ tôm tại Trung Quốc giảm mạnh. Dù vậy, xuất khẩu tôm của Ecuador trong tháng 2, gồm cả xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng so cùng kỳ năm ngoái. Ngay sau đó, virus corona lan nhanh từ Trung Quốc sang châu Âu, Mỹ và hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh.

Italy, quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi corona, tới nay cũng phải áp dụng nhiều biện pháp trên toàn quốc, tương tự Trung Quốc để kìm hãm sự bùng phát dịch bệnh như phong tỏa nhiều nơi và yêu cầu cư dân ở nhà. Điều này cũng tác động tiêu cực tới lĩnh vực nhập khẩu thủy, hải sản trị giá 4,7 tỷ EUR/năm của Italy, trong đó có 10% là nhập khẩu tôm. Nếu hoạt động nhập khẩu tôm bị tê liệt trên phạm vi toàn cầu, thì nhiều nhà sản xuất sẽ chẳng mấy chốc sụp đổ, theo một doanh nghiệp thu mua và chế biến tôm tại Ecuador.

Virus corona đang lan nhanh tại Mỹ, nơi 50% lượng tôm được tiêu thụ tại các kênh dịch vụ ẩm thực, trong khi tỷ lệ này ở châu Âu là 20n- 30%. Lượng đơn đặt hàng giảm suốt nửa đầu năm sẽ ảnh hưởng đến giá tôm vào nửa cuối năm. Hoạt động nuôi tôm tại Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á sẽ bị thu hẹp do COVID-19. Trong khi đó các công ty tại Ecuador cũng sẽ bị ảnh hưởng dù họ đang tích cực kêu gọi chính phủ trợ giúp. Những hãng sản xuất lớn hơn tại quốc gia Mỹ Latinh này có thể phải kìm hãm thời gian thu hoạch, giữ tôm trong ao. Thực tế, Ecuador còn không có cơ sở hạ tầng để chứa tôm. Tùy vào vụ thu hoạch, nhà sản xuất tại đây chỉ có khả năng tích trữ tôm tối đa 1 tuần.

Tại Ấn Độ, thu nhập của các hộ nông dân nhỏ lẻ sẽ giảm còn các công ty chế biến tôm cũng ảnh hưởng nặng do giá tôm lao dốc kéo theo tình trạng nông dân giảm thả nuôi 30 – 50%. Rất nhiều nông dân dường như đã không thả nuôi suốt thời gian COVID-19 hoành hành, theo thông tin từ Hội chợ thủy sản quốc tế Ấn Độ 2020 tại Kochi. Điều này có nghĩa giá tôm đã giảm rất mạnh trong thời gian có dịch COVID-19.

Tuần trước, giá tôm thẻ size 40 mua tại ao ở Andhra Pradesh khoảng 330 INR/kg (4,39 USD), giảm 14% so tuần 10; size 60 giá 240 INR/kg, giảm 21%. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa 21 ngày tại Ấn Độ cũng đẩy nguồn cung tôm vụ thu hoạch tháng 4 rơi vào tình trạng bất ổn. Dù các trại nuôi đều được xếp vào nhóm ngành nghề thiết yếu, nhiều nhà máy đóng gói và chế biến vẫn đang đóng cửa. Tại bang Kerala và Gujurat, tất cả các bộ phận thuộc chuỗi cung ứng thủy hải sản gồm trại giống, thức ăn, vận chuyển con giống vẫn được phép hoạt động suốt thời gian phong tỏa. Tuy nhiên, do lượng lao động ít ỏi nên họ cũng phải đóng cửa.

 

Giá tôm sẽ vọt lên sau khi cung giảm?

Các hãng tôm tại Ecuador cho rằng tình trạng giá tôm duy trì ở mức thấp suốt thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến nông dân Ecuador mà cả Ấn Độ, Thái Lan và các nước nuôi tôm khác. Nhiều nông dân không thể trụ vững.

Hầu hết các nước châu Âu đã áp dụng lệnh hạn chế đi lại. Mới đây nhất là Anh cũng đã tuyên bố phong tỏa vào ngày 24/3. Mỹ cũng phong tỏa trên diện rộng để ngăn chặn lây lan corona. Trong những ngày này, chính quyền các nước châu Âu, Mỹ và phần còn lại của thế giới đã bắt buộc các quán bar và các nhà hàng đóng cửa khiến các đơn đặt hàng thủy sản bị hủy và giá lại giảm sâu hơn.

Cầu hỏi đặt ra là cororna sẽ ảnh hưởng thế nào đến cung/cầu, ai và ngành nào sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất? Có thể căn cứ vào hiệu quả chi phí và vốn đầu tư để tìm ra câu trả lời. Một số hãng sản xuất tôm vẫn đủ khả năng để trụ vững, tiếp tục sản xuất dù giá thấp, còn các hãng khác thì bất lực.

Kịch bản thường thấy là ngay sau khi nguồn cung giảm mạnh, giá tôm có thể tăng vọt. Một số nước nhập khẩu tôm có thể chớp thời cơ giá rẻ ngay tại thời điểm bây giờ để tích trữ tôm.

Các hãng tôm Ecuador đang kỳ vọng ngành tôm năm 2020 có thể đạt doanh thu xuất khẩu ấn tượng 2 tỷ USD sang Trung Quốc như năm ngoái, bất chấp các tác động của COVID-19. Các đơn đặt hàng từ Trung Quốc đã xuất hiện trở lại cũng mang lại hy vọng cho các hãng tôm Ecuador.

Nhưng khi thị trường tôm Trung Quốc đang phục hồi, thì đơn hàng đi châu Âu và Mỹ lại giảm mạnh do corona khiến giá tôm không thể quay đầu và vẫn duy trì ở mức thấp hơn cả giá tháng 1 đầu năm khoảng 30 – 40%. Ngành tôm nuôi toàn cầu sẽ còn mất mát nhiều, bởi tháng 7 đến tháng 9 thường là mùa tiêu thụ cao điểm trong năm.

Tình trạng giá thấp vẫn kéo dài chưa biết hồi kết. Doanh số bán hàng và thu nhập chắc chắn sẽ giảm. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến các chiến lược tìm kiếm nguồn hàng và chế biến của các công ty.

Ecuador đặt mọi hy vọng vào thị trường Trung Quốc dù tốc độ phục hồi chậm chạp. Tuy nhiên, khi sức tiêu thụ tại châu Âu và Mỹ đang giảm, thì cả tôm Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia cũng đều nhắm đến thị trường Trung Quốc. Do đó, giá tôm sẽ khó có khả năng tăng trong ngắn hạn.

Huy động vốn cho ngành tôm là điều rất nan giải. Giá tôm bán ra hiện không bù nổi chi phí sản xuất. Đây là tình trạng chung tại Ecuador, Ấn Độ hay Thái Lan. Giá càng giảm sâu, sự phục hồi của ngành tôm càng mong manh. Dù hiện tượng này chỉ là tạm thời, song không một ai có thể biết chính xác nó sẽ kéo dài bao lâu.

Gorjan Nikolik – Chuyên gia phân tích tại Rabobank
Nguồn : http://thuysanvietnam.com.vn/

Giá tôm ĐBSCL giảm mạnh

Chiều 26-3, theo Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL cho biết, liên tục những ngày qua giá tôm nguyên liệu giảm rất mạnh khiến nhiều hộ nuôi tôm lo lắng.
Cụ thể, tôm thẻ loại 100 con/kg sụt chỉ còn 65.000- 70.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 20.000- 25.000 đồng so cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn giá thành sản xuất từ 10.000- 15.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg giá còn 130.000- 140.000 đồng/kg, mức giá khá thấp…

Nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, được các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL lý giải, là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều thị trường nhập khẩu tôm trên thế giới giảm mạnh, từ đó các đơn hàng xuất khẩu cũng giảm theo, bình quân 30-50%.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 việc xuất khẩu tôm gặp khó khăn, dẫn tới giá tôm ở ĐBSCL giảm mạnh

Cùng với việc giảm giá, thì nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL đang khốn đốn khi thời tiết bất lợi khiến tôm bị bệnh và chết khá nhiều. Tại Trà Vinh, những ngày qua có 446 hộ thả nuôi tôm sú bị thiệt hại trên diện tích 165 ha, với số lượng giống 58,4 triệu con; có 701 hộ thả nuôi tôm thẻ bị thiệt hại trên diện tích 203 ha, với số lượng giống 145 triệu con… Nhiều hộ nuôi cho biết, tôm chết do thời tiết thay đổi đột ngột, ban ngày nắng quá nóng và lạnh dần vào đêm; đồng thời do độ mặn lên sớm hơn so với cùng kỳ, làm cho môi trường ao nuôi biến động gây thiệt hại đến tôm nuôi. Đa phần tôm chết ở giai đoạn 20 – 45 ngày tuổi, với các bệnh đốm trắng, đỏ thân, hoại tử gan tụy.

Thời tiết diễn biến bất lợi cho tôm nuôi

Hiện tại, Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL, khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi yếu tố môi trường trong ao nuôi, diễn biến thời tiết, độ mặn… để có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.

Theo SGGP

Đối phó hạn, mặn trong nuôi tôm nước lợ

(Thủy sản Việt Nam) – Tình trạng hạn mặn tại ĐBSCL năm nay diễn ra sớm và nghiêm trọng hơn năm 2016 (một trong những năm hạn mặn lịch sử), ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nuôi tôm nước lợ. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình trạng xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào giữa tháng 3 (11 – 13/3). Ranh mặn 4 g/l ảnh hưởng sâu nhất 60 – 78 km, có nơi lên tới 100 – 110 km.

Thời điểm hạn mặn gay gắt này ẩn chứa nhiều rủi ro về dịch bệnh… người nuôi cần chú ý theo dõi quan trắc môi trường để có kế hoạch ứng phó kịp thời.

Ảnh hưởng của hạn mặn

So với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ xuống giống năm nay chậm hơn hẳn do tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt hiện nay khiến người nuôi lo ngại về nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Sự thay đổi của các yếu tố môi trường tạo áp lực không nhỏ lên hệ miễn dịch của tôm, đặc biệt là độ mặn và nhiệt độ. Độ mặn thích hợp để nuôi TTCT là từ 5 – 15 ppt, vượt khỏi ngưỡng này khiến quá trình trao đổi chất của tôm bị xáo trộn, đặc biệt ảnh hưởng đến chu kỳ lột vỏ của tôm. Trong khi, nắng nóng thường đi kèm với hạn mặn khiến ao nuôi trở thành nơi lý tưởng để hệ vi sinh có hại phát triển mạnh mẽ. Các yếu tố này làm cho tôm nuôi dễ mắc các bệnh như đốm trắng, đầu vàng, phát sáng và EMS/AHPND…

Skretting cung cấp đầy đủ mọi sản phẩm và công cụ quản lý giúp người nuôi ứng phó xâm nhập mặn hiệu quả. Ảnh: SK

Biện pháp ứng phó tức thời

Giai đoạn thả giống

Chủ động lấy nước ngọt vào ao chứa để dự trữ, hạn chế thả giống hoặc thả chậm đón mùa mưa là những khuyến cáo hàng đầu. Nếu thả, người nuôi nên lựa chọn nguồn tôm giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ; thực hiện nuôi 2 – 3 giai đoạn; chỉ thả giống khi nhiệt độ nước dưới 300C (sáng sớm hoặc chiều mát); thả nuôi mật độ phù hợp với mô hình nuôi của mình. An toàn sinh học, quản lý chất lượng môi trường và quản lý thức ăn ở giai đoạn này rất quan trọng. Trong đó, PL là thức ăn chất lượng cao đặc biệt phù hợp cho giai đoạn ương (vèo) này. Đây là sản phẩm không chỉ cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho tôm giai đoạn này mà còn góp phần đáng kể vào duy trì chất lượng nước nuôi nhờ kết cấu đặc biệt, giúp bà con hạn chế thay nước trong bối cảnh nguồn nước ngọt khan hiếm như hiện nay.


Xpand – Thức ăn tăng trọng giúp người nuôi tôm chủ động hơn trong sản xuất

Quản lý ao nuôi

Để đối phó với hạn mặn, thiếu hụt nước ngọt nghiêm trọng ở giai đoạn nuôi tôm thương phẩm, người nuôi cần tiến hành gia cố bờ, cống để tránh hiện tượng rò rỉ, thẩm lậu, lắp đặt ao lắng đúng quy cách. Để hạn chế thay nước thường xuyên, giữ môi trường nuôi được ổn định và bảo vệ sức khỏe tôm trong quá trình nuôi, người nuôi cần chú ý xử lý nước và bùn đáy bằng các sản phẩm vi sinh như AOcare Control. Trong trường hợp cần phải sử dụng nước mới, nước lấy vào ao nuôi cần tiến hành diệt khuẩn lại; đồng thời các chỉ tiêu môi trường cũng cần được theo dõi và kiểm tra trước khi sử dụng, tránh làm môi trường nước ao nuôi bị thay đổi đột ngột.


Lorica – Thức ăn thủy sản đặc dụng cho các thời điểm bất lợi

Về dinh dưỡng, việc cho ăn cần được quản lý chặt chẽ trong thời điểm này. Cần lựa chọn và sử dụng loại thức ăn phù hợp (kích thước hạt, thành phần dinh dưỡng…), có thể giảm 15 – 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng. Bổ sung thêm Vitamin C, các khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào thức ăn cho tôm, để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ. Để tiện lợi nhất, bà con có thể sử dụng các dòng thức ăn chuyên dụng cho thời điểm bất lợi như Lorica. Đây là loại thức ăn không chỉ có thành phần dinh dưỡng cân đối, mà còn được bổ sung thêm các hợp chất hỗ trợ miễn dịch, tăng sức khỏe đường ruột, đặc biệt phù hợp với những giai đoạn dễ gây stress cho tôm như tình hình hạn mặn hiện nay.

Biện pháp ứng phó dài hạn

Các giải pháp công nghệ được xem là biện pháp lâu dài, giúp bà con thích ứng với những biến đổi ngày càng gay gắt của thời tiết; hệ thống nuôi tôm công nghệ cao ít thay nước nhằm hạn chế sử dụng nước suốt mùa khô đang được nhiều người quan tâm. Hiểu được giá trị của nguồn nước ngọt quý giá nhưng có hạn, Skretting đã liên tục đưa đến thị trường những sản phẩm đặc biệt giúp bà con linh hoạt ứng phó với tình hình thời tiết hiện nay như: Vi sinh cao cấp AOcare Control (chế phẩm sinh học xử lý nước và đáy ao nuôi), thức ăn tăng trọng Xpand (sản phẩm giúp rút ngắn thời gian nuôi tôm), thức ăn tăng cường sức đề kháng Lorica (giúp tôm chống chịu tác động của môi trường); cũng như công cụ dự đoán và quản lý vụ nuôi hiệu quả như phần mềm Aquasim.

AOcare Control – vi sinh cao cấp xử lý nước và đáy ao nuôi

Năm nay, hạn mặn đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản, đặc biệt là ngành tôm nước lợ. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ, nâng cao kỹ thuật chăm sóc và quản lý môi trường nuôi, đặc biệt là quản lý dinh dưỡng, tăng cường sử dụng vi sinh nhằm giữ chất lượng nước ổn định, từ đó tiết kiệm nước ngọt là những biện pháp ứng phó phù hợp, hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Bà con nuôi tôm ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, có thể liên hệ ngay với đội ngũ kỹ thuật của Skretting tại địa phương mình để được tư vấn biện pháp ứng phó hiệu quả và kịp thời nhất.


Skretting đồng hành cùng bà con vượt qua mùa hạn mặn 2020

>> Ông Trần Quang Đại, Giám đốc Dịch vụ kỹ thuật Skretting Việt Nam chia sẻ: “Mùa hạn mặn năm nay gay gắt hơn năm 2016 rõ rệt, nên bà con cần có những biện pháp ứng phó cấp thiết để bảo vệ đàn tôm. Hạn mặn kèm nắng nóng khiến tôm stress và là cơ hội cho Vibrio bùng phát, người nuôi cần chú ý giữ nền đáy sạch bằng cách đánh men vi sinh định kỳ, tránh để dư thừa thức ăn; quản lý màu nước sạch, ít có chất hữu cơ lơ lửng, độ trong 30 cm; quản lý hàm lượng ôxy hòa tan trên 5 mg/l ở tất cả các thời điểm trong ngày; pH dưới 8 và dao động trong ngày không quá 0,3; độ kiềm tối thiểu 100 mg CaCO3/l, NH3 dưới 0,1 mg/l và NO2 không vượt quá 0,5 mg/l’’.

Thanh Trúc – Skretting Việt Nam

Mỹ: Nhập khẩu tôm tháng 1 tăng mạnh

 Trong tháng đầu tiên của năm 2020, Mỹ đứng đầu trong danh sách các thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng tôm từ nhiều quốc gia.

Tăng vọt bất thường

Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng mạnh trong tháng đầu năm 2020 trong khi thị trường tôm Trung Quốc rơi vào trì trệ và gần như bị đóng băng do COVID-19 bùng phát. Các công ty sản xuất tôm tại Ấn Độ, Indonesia, Ecuador và Argentina vận chuyển tôm sang Mỹ nhiều hơn thường lệ. Dù việc tăng cường nhập khẩu tôm và corona có vẻ liên quan đến nhau, song nhiều nhà nhập khẩu và xuất khẩu tôm lại không nghĩ như vậy.

Mỹ đã nhập khẩu 65.109 tấn tôm, trị giá 566,2 triệu USD trong tháng 1/2020, tăng 19% khối lượng và 18% giá trị so tháng 1/2019, theo số liệu từ Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOOA). Giá trung bình của tất cả các mặt hàng tôm đạt 8,70 USD/kg, giảm 12% so mức 8,82 USD vào tháng 12/2018 và giảm 1% so giá tháng 1/2019.

Cả 3 nguồn cung tôm truyền thống và lớn nhất cho thị trường Mỹ đều tăng cường xuất tôm sang nước này, theo NOOA. Cụ thể, Ấn Độ đã xuất khẩu 28.231 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 244,6 triệu USD trong tháng 1/2020, tăng 31% khối lượng và 33% giá trị, với giá trung bình là 8,67 USD/kg, tăng 0,14 USD/kg so giá cùng kỳ năm ngoái. Indonesia cung cấp cho Mỹ 13.239 tấn tôm, trị giá 117,1 triệu USD, tăng 24% khối lượng và 21% giá trị. Giá xuất khẩu tôm trung bình của Indonesia đạt 8,85 USD/kg, thấp hơn giá cùng kỳ năm ngoái 0,17 USD/kg. Nguồn cung lớn thứ 3 là Ecuador, với 8.431 tấn tôm xuất khẩu sang Mỹ, tăng vọt 64% khối lượng và 62% giá trị, giá trung bình 6,27 USD/kg, thấp hơn giá cùng kỳ năm ngoái chỉ 0,06 USD/kg.

Những dữ liệu thống kê về nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 1/2020 khiến nhiều người không tránh khỏi sự ngạc nhiên vì quá bất thường, theo Donelse Berger, Phó Giám đốc công ty Lotus Seafood tại Seattle, Washington, một doanh nghiệp nhập khẩu tôm lâu đời tại Mỹ.

Trong khi tháng 10 và tháng 11 hàng năm mới có sự tăng vọt đột biến, thì tháng 1 năm nay lại ghi nhận lượng tôm nhập khẩu tăng bất thường. Tuy nhiên, tôm được giao đến thị trường Mỹ trong tháng 1 nằm trong những đơn hàng trước đó 2 tháng, cách xa thời điểm bùng phát COVID-19 tại Trung Quốc. Nên không thể khẳng định lượng tôm này được Mỹ đặt mua để phục vụ thị trường do COVID-19 bùng phát. Thật khó tin khi Mỹ mua nhiều tôm hơn với giá không hề rẻ, ông Donelse Berger cho biết. Dù vậy ông vẫn tin dữ liệu thống kê của NOOA chính xác.

Jim Gulkin, Tổng Giám đốc Tập đoàn Siam Canada không nhận thấy sự liên quan giữa COVID -19 và động thái nhập khẩu tôm bất thường tại Mỹ. Số liệu nhập khẩu tôm trong tháng 1 của Mỹ thực sự không phải do virus corona, ông Jim khẳng định. Theo quan điểm của tôi, nguyên nhân có thể do một vài lô hàng phục vụ lễ Giáng sinh bị chậm giao, tháng 1 mới đến được thị trường Mỹ, cộng với việc Mỹ muốn lấp đầy các kho hàng dự trữ. Điều này làm cho lượng tôm nhập khẩu vào Mỹ dường như tăng vọt bất thường nhưng kỳ thực nó không hề phản ánh sự thay đổi nào trên thị trường Mỹ.

Một công ty nhập khẩu tôm Ấn Độ vào Mỹ cũng khẳng định COVID -19 không thể chi phối xu hướng thị trường tôm Mỹ trong tháng 1 vừa qua. Theo công ty này, nhu cầu tiêu thụ tôm tại Mỹ vào thời điểm cuối năm 2019 rất mạnh, vì kinh tế ổn định, giá tôm hợp lý và lượng tôm tiêu thụ tại các chuỗi dịch vụ thực phẩm đều tăng cao. Ngoài ra, nhiều công ty cũng nỗ lực chuẩn bị trước hàng cho mùa chay sẽ diễn ra vào tháng 4 hàng năm và xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm vào mùa hè. Theo công ty này, nhìn chung giá tôm giảm so năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ có Ấn Độ gần đây đã xuất khẩu rất nhiều tôm cỡ lớn 16 – 20 đến 20 – 25 sang Mỹ, khiến giá tôm trung bình dường như tăng cao hơn năm ngoái.

 

Vượt thị trường tôm Trung Quốc?

Năm 2019, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới, với 718.000 tấn, trị giá 4,4 tỷ USD, vượt 462.000 tấn so với năm 2018, theo Undercurrentnews. Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa tính đến lượng lớn tôm chuyển tải qua Việt Nam không thống kê chính thức được. Tính riêng tháng 12/2019, Trung Quốc đã nhập khẩu 97.000 tấn tôm. Trong năm này, các nguồn cung tôm lớn nhất tại thị trường Trung Quốc gồm Ecuador (322.636 tấn), Ấn Độ (155.027 tấn), Argentina (35.099 tấn) và Indonesia (9.269 tấn).

Những công ty xuất khẩu tôm cũng đang đứng ngồi không yên tại Trung Quốc. Họ đang nỗ lực để vượt qua các vấn đề cơ sở hạ tầng thương mại. Nhiều cảng biển bị phong tỏa, giao thông đi lại trong nước bị kìm hãm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản của người dân Trung Quốc sụt giảm mạnh, dẫn đến nguồn cung hàng hóa bị ứ đọng và tràn ngập thị trường toàn cầu, theo Pavethra Ponniah, Phó Giám đốc ngân hàng đầu tư ICRA, Ấn Độ.

Ngoài nhu cầu tiêu thụ giảm, giao thông trong nước bị phong tỏa dẫn đến hàng hóa ùn ứ tại cảng, trong kho hàng và cả nhà máy chế biến làm nhiều mặt hàng thủy, hải sản tươi sống bị hư hỏng nặng. Các cảng biển vẫn chưa thông quan trở lại trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, số phận các container hàng thủy, hải sản vẫn chưa thể định đoạt.

Nhiều hãng chế biến và kinh doanh tôm Ấn Độ tại sự kiện Hội chợ triển lãm thủy hải sản quốc tế Kochi tổ chức hồi đầu tháng 2 cho biết giá tôm đã giảm tới 0,5 USD/kg. Tôm Ecuador giảm 15 – 23% tùy cỡ, mặc dù vậy xuất khẩu tôm của Ấn Độ vẫn tăng trưởng ngoạn mục trong cuối tháng trước.

Năm ngoái, Mỹ vẫn là một thị trường lớn với mặt hàng tôm khi nhập khẩu  700.065 tấn tôm, mặc dù đã giảm 18.000 từ Trung Quốc, nhưng trị giá lên đến 6 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so năm trước đó. Nhà nhập khẩu tôm Ấn Độ tại Mỹ cho biết họ lo ngại thị trường Mỹ sẽ khủng hoảng do các ca nhiễm COVID -19 đang tăng dần. Tuy nhiên, theo công ty này, tín hiệu tích cực là nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người dân vẫn chưa suy yếu. Do đó, công ty này vẫn dồn lực vào xuất khẩu hàng khi tình hình dịch bệnh chưa diễn biến quá phức tạp và vượt tầm kiểm soát.
Tuấn Minh – http://thuysanvietnam.com.vn/
Theo Undercurrentnews

Dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp

Tôm chết
Người nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) kiểm tra và vớt tôm chết lên bờ để xử lý. Ảnh: ANH NGỌC

Từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh gần 870ha chủ yếu ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài và một số vùng nuôi không đảm bảo môi trường nên tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp.

Hiện Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp nhằm tránh lây lan và khuyến cáo người nuôi cần xử lý kỹ ao nuôi trước khi thả nuôi vụ 2/2020.

Hơn 45ha tôm nuôi bị bệnh

Vụ 1/2020, gia đình ông Trần Minh Chánh ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), thả nuôi tôm với diện tích khoảng 1,4ha tại vùng nuôi thuộc thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam. Dù ông đã cải tạo, xử lý hồ nuôi rất kỹ và chọn mua con giống ở cơ sở có uy tín nhưng bệnh trên tôm nuôi vẫn xảy ra. Ông Chánh cho biết: Lúc mới thả tôm giống, thời tiết bất lợi làm tôm chậm phát triển. Đến khoảng một tháng rưỡi, tôm nuôi có dấu hiệu bị bệnh nên gia đình đã mua thuốc để điều trị. Tuy nhiên, tôm không khỏi bệnh mà bắt đầu chết dần nên phải thu hoạch tôm non. Vụ nuôi này chúng tôi lỗ vốn hơn 20 triệu đồng…

Còn theo ông Nguyễn Bảy, người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa), ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), đa số người nuôi tôm vụ 1/2020 đều không thành công, bởi tôm nuôi không phát triển. “Gia đình tôi thả nuôi 2 hồ với diện tích gần 1,6ha, nhưng sau gần 3 tháng nuôi đến khi thu hoạch chỉ hòa vốn, dù tôm nuôi không bị bệnh. Nguyên nhân có thể là thời điểm thả tôm giống gặp thời tiết bất lợi, sức đề kháng của tôm bị yếu nên tôm nuôi không lớn”, ông Bảy nói.

Tại huyện Tuy An, từ đầu năm đến nay, người dân địa phương này đã thả nuôi hơn 300ha tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Do thời tiết bất lợi cộng với môi trường nước tại một số vùng nuôi không đảm bảo nên dịch bệnh trên tôm nuôi đã bùng phát tại một số vùng nuôi thuộc các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây và An Cư. Đến nay, hơn 26ha tôm nuôi bị bệnh và mất trắng.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT) cho biết: Từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh gần 870ha, trong đó huyện Đông Hòa 255ha, huyện Tuy An 307ha, TX Sông Cầu 307ha. Đến nay, ở Phú Yên đã có hơn 45ha nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú bị bệnh (Tuy An 26,2ha, Đông Hòa 18,1ha, Sông Cầu 0,7ha). Các loại bệnh xảy ra trên tôm nuôi chủ yếu là đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp. Chi cục Chăn nuôi và thú y đã tổ chức kiểm tra tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống tại các huyện, thị xã để đôn đốc, hướng dẫn địa phương và người nuôi thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. UBND tỉnh đã phân bổ 21 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% cho các địa phương để sát trùng phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

Không để dịch bệnh lây lan

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi là do thời tiết bất lợi, môi trường biến động làm sức đề kháng của thủy sản nuôi suy giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập gây bệnh. Mặt khác, hiện môi trường nhiều vùng nuôi ở Phú Yên bị suy thoái, ô nhiễm bởi chất thải hữu cơ tích tụ, tồn động trong vùng nuôi không được rửa trôi. Kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên từ đầu năm đến nay cho thấy, các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa phản ánh mức độ ô nhiễm môi trường nước tại các vùng nuôi tôm nước lợ ở Phú Yên đều vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Ngoài ra, hoạt động của các tổ cộng đồng nuôi tôm còn nhiều hạn chế, ý thức một số hộ nuôi còn kém, chưa có sự đoàn kết trong công tác bảo vệ môi trường, chưa quan tâm đến việc kiểm dịch con giống, chưa chấp hành các khuyến cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành.

“Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều hộ nuôi không báo cáo cho cơ quan chức năng mà tự ý thu hoạch và không xử lý mầm bệnh trước khi xả thải ra môi trường làm lây lan dịch bệnh. Thêm vào đó, hiện nay, nhiều vùng nuôi có hệ thống công trình nuôi không đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, hầu hết không có ao lắng, ao xử lý nước cấp, lấy nước trực tiếp từ ngoài vào ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước chưa riêng biệt… cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp”, ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Thời gian đến, các địa phương có nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện đúng các quy định trong nuôi trồng thủy sản và có khuyến cáo kịp thời để công tác phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi đạt hiệu quả. Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho người nuôi về công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản; giám sát, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh thủy sản để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ hóa chất sát trùng xử lý, khống chế ổ dịch triệt để, tránh lây lan. Đồng thời, các đơn vị này tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát giống thủy sản nhập về địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp con giống không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch và xét nghiệm bệnh. Con giống trước khi thả nuôi phải được kiểm dịch, xét nghiệm bệnh nguy hiểm, người nuôi cần khai báo khi thủy sản nuôi bị dịch bệnh và thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh. Các địa phương cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp xả thải ao nuôi thủy sản bị bệnh ra môi trường mà chưa xử lý làm lây lan dịch bệnh.

ANH NGỌC Báo Phú Yên