Đa dạng cây trồng
|
Vườn dừa xen vuông tôm
|
|
|
Ông Nguyễn Thành Kiên, một hộ nuôi tôm ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho hay, ông vừa mới xổ một vuông tôm sú, loại 30-40 con/kg. Thu hoạch được hơn 30kg tôm nhưng ông Kiên chỉ thu về chưa được 4 triệu đồng. Tính ra, giá tôm ông Kiên bán chỉ khoảng 135.000 đồng/kg.
Trước đó vài tuần, ông Kiên còn bán được với giá hơn 200.000 đồng/kg với loại tôm cùng kích cỡ.
Giá tôm nguyên liệu giảm thấp
“Thương lái không mặn mà lắm chuyện thu mua tôm, do nhà máy giảm công suất. Công nhân làm tôm trong vùng cũng về quê tránh dịch nhiều lắm”, ông Kiên giải thích.
Tại các vùng nuôi tôm khác ở ĐBSCL như Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ…, giá tôm nguyên liệu cũng đang ở mức thấp. Nhiều hộ nuôi tôm cho biết, giá tôm thẻ loại 100 con/kg hiện chỉ còn 65.000 – 70.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này đã thấp hơn giá thành sản xuất từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Nhẩm, một hộ nuôi tôm ở huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) chia sẻ, nghề nuôi tôm không phải ai cũng đạt được mức lợi nhuận như nhau. Tùy vào kinh nghiệm và khả năng nắm bắt, áp dụng kỹ thuật vào quá trình nuôi mà sẽ cho hiệu quả kinh tế khác nhau.
Tuy nhiên, theo ông Nhẩm, với mức giá và tình hình tiêu thụ như hiện nay, rất nhiều hộ nuôi tôm đang phải đối mặt với rủi ro thua lỗ. Nhiều vuông tôm đã thu hoạch nhưng nông dân không dám thả giống vụ mới.
Nếu là tôm thẻ, nuôi ao đất đạt cỡ 100 con/kg thì giá thu mua phải đạt 80.000 đồng/kg nông dân mới có lời. “Với giá thu mua tôm nguyên liệu hiện nay, bà con chưa dám thả vụ mới!”, ông Nhẩm cho biết.
Nhiều hộ nuôi tôm đang đối diện với rủi ro thua lỗ
Ông Trần Hoàng Em – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (Casep) cũng thông tin, chỉ trong một thời gian ngắn mà giá tôm đã giảm rất sâu. Hiện người dân sắp bước vào thu hoạch tôm, tuy nhiên giá tôm sú 20 con/kg hiện chỉ còn khoảng 180.000 – 200.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm khoảng 60.000-70.000/kg đồng so với thời điểm trước Tết.
Giá tôm thẻ chân trắng nuôi ao phủ bạt loại 100 con/kg có giá từ 70.000 – 75.000 đồng, giảm 20.000 đồng/kg, nuôi ao đất giá hiện còn 65.000 – 75.000 đồng/kg, giảm khoảng 15.000 đồng/kg.
Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng nhận định, hiện nay, giá tôm, cá tra nguyên liệu đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá, thu hoạch sớm. Trong khi đó, một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm do bị hoãn, hủy hoặc không ký kết được đơn hàng mới.
Các kho lạnh để trữ hàng tồn kho cũng đang trong tình trạng bị đầy hàng tồn và thiếu kho. Nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL phải tìm ra đến các tỉnh miền Trung để thuê kho lạnh, tạm trữ tôm nguyên liệu chưa xuất khẩu được.
Một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm do bị hoãn, hủy hoặc không ký kết được đơn hàng mới.
Việc tiêu thụ khó khăn đã dẫn đến việc giá thu mua tôm giảm, nhiều hộ nuôi treo ao. “Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu vào cuối năm, khi dịch bệnh hết, nhu cầu tăng lại nếu người nuôi hạn chế hoặc bỏ ao vì không trụ được ở giai đoạn này”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhận định.
Cũng theo VASEP, diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn đang rất phức tạp tại các nước trên thế giới. Do vậy, trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu thủy sản chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm. Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn, hủy đơn hàng. Cùng với đó là vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi, sẽ có không ít doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, không thể trụ vững vì thiếu vốn để duy trì, để quay vòng kinh doanh.
Xuất khẩu thủy sản tháng 3 giảm gần 20%
Theo ước tính, xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 549 triệu USD. Nguyên nhân là do dịch Covid 19 lây lan mạnh trên toàn cầu khiến sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề. Tính đến hết tháng 3/2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14%. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất với mức giảm 31%, chủ yếu do giảm xuất sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm. Xuất khẩu tôm giảm nhẹ 4,3%, trong khi các mặt hàng hải sản cũng giảm sâu. Trong đó, xuất khẩu sang những thị trường lớn bị ảnh hưởng dịch bệnh đều giảm mạnh. EU có mức giảm sâu nhất với 40%, Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%… Xuất khẩu sang Mỹ giảm ít hơn các thị trường khác nhờ sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ. Trong tuần đầu tháng 3, doanh số bán lẻ thủy sản đóng hộp tại Mỹ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường Trung Quốc, theo phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản, thị trường Trung Quốc đã có nhu cầu nhập khẩu trở lại nhưng đơn đặt hàng không nhiều. Hơn nữa, khách hàng Trung Quốc muốn ép giá mặc dù giá chào bán sản phẩm đã thấp hơn so với trước dịch. |
Bài 2: Cần lộ trình vững bền
(Tiếp theo và hết) *
Hình thức nuôi tôm siêu thâm canh đã tạo được những đột phá và thu được thành công bước đầu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, mở rộng mô hình như thế nào lại là câu chuyện cần tính toán kỹ, có lộ trình bền vững, nhất là trong điều kiện còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, năng lực chế biến, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật của khu vực hiện nay.
Không dễ nhân rộng mô hình
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh thật sự mang lại hiệu quả cao, nhưng việc áp dụng trong thực tế lại không hề dễ dàng do những đòi hỏi khắt khe về khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư, xử lý chất thải… Riêng về vốn, để thực hiện mô hình này, người dân phải đầu tư khoảng 700 triệu đồng/ha nên không phải ai cũng có điều kiện làm. Hiện nay, trong các chính sách phát triển nông nghiệp có những quy định ưu tiên cho vay vốn nhưng riêng với nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, các ngân hàng thường rất ngại cho vay. Ông Lê Hoàng Kiếm, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình (Cà Mau) hiện đang nuôi tôm quảng canh cho biết: Dù rất muốn chuyển sang mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh nhưng nguồn vốn vay từ ngân hàng cũng không thể đủ để người nuôi tôm đầu tư bài bản. Trong khi đó, sản xuất tôm phụ thuộc nhiều vào thời tiết, biến đổi khí hậu; tình hình dịch bệnh luôn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, chưa có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả. Nếu cứ làm theo phong trào mà không tìm hiểu kỹ sẽ rất nguy hiểm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội, mặc dù nuôi tôm siêu thâm canh đạt hiệu quả kinh tế vượt trội so với các hình thức nuôi khác, nhưng nhiều người nuôi tôm chưa có ý thức coi trọng việc bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra, khảo sát thực tế tại nhiều vùng nuôi cho thấy, các hộ nuôi chưa tuân thủ tốt những quy định về bảo vệ môi trường, trong đó, việc bố trí hệ thống xử lý, chất thải, nước thải chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Đáng chú ý, một khâu hết sức quan trọng trong chuỗi hình thành giá trị tôm là chế biến lại đang mất cân đối, khập khiễng. Tại khu vực ĐBSCL, ngoài Cà Mau có 30 doanh nghiệp với 32 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm, công suất 250 nghìn tấn tôm nguyên liệu/năm và Bạc Liêu có khoảng 10 nhà máy chế biến tôm thì ở các địa phương khác khâu chế biến tôm đều chưa phát triển. Thí dụ như Bến Tre có 13 nhà máy chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu với công suất thiết kế 150 nghìn tấn/năm nhưng chủ yếu chế biến các sản phẩm từ cá tra, nghêu mà chưa có nhà máy chế biến tôm. Gần như toàn bộ sản lượng tôm thu hoạch phải chở sang Sóc Trăng, Trà Vinh hay Bạc Liêu để chế biến. Do chưa có nhà máy chế biến tôm cho nên người nuôi chủ yếu bán cho thương lái vận chuyển đến các nhà máy trong khu vực để tiêu thụ hoặc bán ở các chợ. Vì thế, giá tôm nguyên liệu thấp hơn một số vùng trong khu vực, không đủ bù đắp chi phí cao cho hình thức nuôi công nghệ cao…
Theo thống kê của các địa phương, việc chuyển đổi từ các mô hình nuôi trồng cũ sang nuôi tôm siêu thâm canh hiện mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Tại Cà Mau có 280 nghìn ha nuôi tôm thì mới có khoảng 9.500 ha nuôi siêu thâm canh, Bạc Liêu có gần 130 nghìn ha thì mới có khoảng 8.000 ha và Bến Tre có 35 nghìn ha thì mới có 11.500 ha nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh.
Cần những giải pháp trước mắt và lâu dài
Để mở rộng mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài. Giám đốc Sở Công thương Cà Mau Nguyễn Văn Đô cho rằng: Ngoài các tác động khách quan, ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm khu vực ĐBSCL muốn đi nhanh và vững chắc đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong nội tại. Thí dụ như tại Cà Mau, quy hoạch phát triển ngành tôm chưa được phê duyệt, phát triển còn mang tính tự phát, nhiều dự án nuôi tập trung quy mô lớn đã được đưa vào quy hoạch nhưng do thiếu nguồn vốn nên chậm được triển khai; kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi và xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Liên kết hợp tác sản xuất chậm phát triển và chưa bền vững, chủ yếu do thiếu cơ chế phù hợp, chưa hợp lý trong phân chia lợi ích và nhìn chung nông hộ chưa quan tâm, doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng và thúc đẩy các hình thức liên kết phát triển.
Theo Phó Chi cục trưởng Thủy sản Cà Mau Nguyễn Văn Trung, trước hết phải rà soát và quy hoạch lại ngành tôm để thích ứng biến đổi khí hậu, thí điểm áp dụng việc tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất tập trung; chú trọng phát triển những mô hình nuôi có ưu thế hiện nay. Tại Cà Mau, trong số các mô hình tôm – lúa (tôm hữu cơ); mô hình tôm – rừng (tôm sinh thái); mô hình ứng dụng công nghệ cao (siêu thâm canh); mô hình nuôi quảng canh cải tiến và quảng canh kết hợp (tôm và các giống khác như cua, cá, sò huyết…), tỉnh xác định để phát triển bền vững sẽ lấy loại hình tôm – rừng, tôm – lúa sinh thái làm bàn đạp nhưng để tăng sản lượng tôm, chính hình thức nuôi siêu thâm canh giữ vai trò quyết định, bởi mô hình nuôi này chỉ chiếm khoảng 3,5% diện tích, với khoảng 9.500 ha nhưng lại dẫn đầu về sản lượng so với các loại hình nuôi khác.
Trước mắt, để phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững, cần đẩy mạnh thực hiện liên kết chuỗi nhằm phát triển sản xuất quy mô lớn mà một số địa phương như Bến Tre đã bước đầu thực hiện bằng cách liên kết, hỗ trợ nhau trong việc tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi tôm, chú trọng đến nuôi tôm hữu cơ, nuôi sinh thái, nuôi tôm có trách nhiệm, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc để vượt qua các rào cản của những thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Tổ chức lại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức hợp tác các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung và liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đáng chú ý, ĐBSCL là khu vực đi đầu trong cả nước về nuôi trồng và chế biến tôm, do vậy phải xây dựng được những thương hiệu tôm mang tầm vóc khu vực và quốc gia trong thời gian tới. Việc xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam được xác định là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa các giải pháp thực hiện kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từng bước định vị, khẳng định vị thế về chất lượng, uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 2-4-2020.
Theo Tổng cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân, trong điều kiện thực tế của ĐBSCL hiện nay, cần tính toán, cân nhắc kỹ trong việc nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, bởi mô hình này hiệu quả cao, nhưng đòi hỏi những điều kiện khắt khe về kỹ thuật, vốn đầu tư lớn và lượng chất thải cũng lớn, nếu không xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chính vì vậy, trước mắt chỉ nên phát triển mô hình này ở những nơi có đủ điều kiện và gắn với những cơ sở nuôi có đầy đủ điều kiện về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, đồng thời phải gắn với cơ sở chế biến, xuất khẩu…
Những ngày gần đây, giá tôm nguyên liệu, nhất là tôm sú biến động rất mạnh, làm hàng trăm ngàn hộ dân nuôi tôm vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng “thấm đòn” khi hàng xuất khẩu không được, hàng tồn kho ngày càng nhiều.
Giá tôm giảm làm người nuôi không có lợi nhuận
Giảm mạnh
Vừa thu hoạch đợt tôm sú vào con nước cuối tháng 2 (âm lịch) vừa qua, bà Phạm Thị Loan (xã An Trạch A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) nhẩm tính bị “mất” gần 800.000 đồng so với đợt bắt tôm vào con nước giữa tháng. Bà Loan nói: “Con nước vừa rồi, tôi xổ vuông hơn 30kg tôm sú, loại từ 30-40 con/kg, bán được gần 3,8 triệu đồng. Trong khi đó, con nước trước, tôi xổ chỉ 28kg mà bán hơn 4,5 triệu đồng. Hiện tôm nuôi đang vào chính vụ nhưng với giá tôm giảm như vậy, người nông dân còn đâu nữa mà ăn”.
Theo người nuôi tôm ven biển các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…, chưa bao giờ trong thời gian ngắn mà giá tôm giảm mạnh như hiện nay, mà giảm mạnh nhất là tôm sú. Chỉ hơn một tuần, giá tôm giảm kỷ lục khoảng 70.000 đồng/kg, còn so với cùng kỳ năm trước thì giá tôm sú (tùy loại) giảm từ 100.000 – 140.000 đồng.
Theo thống kê, giá tôm trong tuần thứ 3 (trong tháng 3-2020), tôm sú loại 20 con/kg giá 170.000 – 200.000 đồng/kg (giảm 60.000 đồng/kg so với tuần trước); tôm sú loại 30 con/kg giá 130.000 – 170.000 đồng/kg (giảm khoảng 70.000 đồng/kg); tôm sú loại 40 con/kg có giá khoảng 90.000 – 130.000 đồng/kg (giảm 40.000 đồng/kg). Riêng loại tôm thẻ chân trắng giảm nhẹ hơn, đối với loại 100 con/kg tôm thẻ chân trắng nuôi ao phủ bạt giá từ 72.000 – 78.000 đồng (giảm 20.000 đồng/kg), nuôi ao đất giá hiện còn 65.000 – 75.000 đồng/kg (giảm 16.000 đồng/kg).
Theo người dân, với giá như hiện nay, nhất là tôm thẻ chân trắng, người nuôi đối diện rủi ro rất cao. Ông Trần Văn Việt (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Tùy theo kinh nghiệm và am hiểu kỹ thuật mà nuôi trúng nhiều hay ít. Nhưng với cách nuôi ao đất hiện nay thì giá tôm từ 80.000 đồng/kg (loại 100 con) trở lên mới có lời. Với giá tôm như hiện nay, dân nuôi tôm treo ao đầy”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp và tình hình nuôi tôm trên địa bàn. Một số doanh nghiệp, thương lái ngừng mua hoặc mua hạn chế với giá thấp, làm cho giá tôm giảm bất thường. Người nuôi tôm hoang mang, lo không bán được tôm trong thời gian tới, không xác định được giá tôm trên thị trường, nên một số đã bán tôm khi chưa đến lứa thu hoạch với giá rất thấp.
Hàng tồn kho tăng
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại ĐBSCL, dù các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc thông quan trở lại, nhưng lượng hàng chỉ nhỏ giọt, khi hàng vào nội địa cũng bị hạn chế việc di chuyển, mặt hàng tôm tiêu thụ được rất ít. Còn thị trường EU, do diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp, hiện các đơn hàng nhập khẩu tôm đã ký hầu hết đều bị tạm hoãn ít nhất đến hết tháng 4-2020 và không ký đơn hàng mới. Thị trường Mỹ hiện chưa biến động nhiều, vẫn còn duy trì nhập tôm Việt Nam nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu chững lại, các thị trường còn lại đều khó do dịch bệnh.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết do dịch Covid-19 nên tất cả các thị trường xuất khẩu tôm đều ảnh hưởng. Về phía tỉnh, hội, ngành thủy sản dù đã phản ứng nhanh và chủ động, nhưng do tình hình khách quan nên các chính sách ban hành chưa đủ, việc cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn chậm.
Trước thực tế như vậy, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các đơn vị có liên quan thiết kế mẫu để thu thập thông tin từ các doanh nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh: về công suất thiết kế, công suất đang chế biến, hàng tồn kho theo hợp đồng, số lượng công nhân, năng lực chế biến, thị trường, số lượng và sản lượng chế biến, khả năng lưu kho đăng ký trữ. Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan nắm tình hình đang thả nuôi, dự báo thu hoạch, giá cả thu mua tôm nguyên liệu tại các đại lý… để có giải pháp phù hợp, đồng thời kiến nghị Trung ương có những chính sách phù hợp đối với các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu.
TẤN THÁI
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Người nuôi tôm ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu gặp khó. Đầu vụ thả giống, trước diễn biến xấu dịch bệnh Covid-19 các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản dự báo chặng đường đầy cam go.
Sớm đầu hè, nắng sớm ban mai đã phả hơi nóng trên dọc con đường Nam sông Hậu chạy về phía cửa biển Trần Đề. Nối tiếp những ao tôm giăng giăng bên phía ngoài đê sông ở địa phận Long Phú (Sóc Trăng) vòng ra Mỏ Ó (huyện Trần Đề, Sóc Trăng). Đi dọc ven biển Đông thuộc thị xã Vĩnh Châu… cả một vùng nuôi tôm rộng lớn nhưng không khí vào mùa thả giống lại khá im vắng.
Chị Ly, chủ hộ nuôi tôm ở phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu có 40 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ đầu vụ tới nay nhà chị mới thả giống chừng vài ba ao. Bên mái hiên nhà, nắng gió hầm hập, chị cho hay, mấy năm trước vào độ này nhà chị và bà con trong xóm đã vào vụ thả nuôi gần một tháng. Nhưng năm nay hạn mặn gay gắt chưa từng thấy, bà con lo sợ rủi ro. Có người thả tôm sớm chừng được hơn 20 ngày, lo lắng ngày đêm mà tôm vẫn hư phải xổ bỏ. Nếu nuôi tôm ráng cầm cự qua hơn một tháng có thể vớt vát 300-400 con/kg còn gỡ được chút vốn. Ra chợ chợ thấy bán tôm thẻ non cỡ 200 kg/con là tôm nuôi được gần 1,5 tháng, sắp bị hư nên người nuôi bán vội. Nhiều hộ nuôi tôm nấn ná chờ giữa tháng 4 mưa sa, hạ bớt độ mặn mới vào vụ.
Theo chị Ly, lúc này một số hộ lân cận đo độ mặn ngoài sông định lấy nước vào ao, mặn lên tới 30‰. Trong khi độ mặn nuôi thả tôm theo khuyến cáo của cán bộ thủy sản địa phương và kinh nghiệm nuôi tôm là từ 10-12 ‰ là thích hợp. Nhưng chậm thả tôm nuôi lúc này còn thêm lý do nữa là giá tôm thấp quá. Tôm cỡ 100 con/kg giá nhà máy thu mua 76.000 đ/kg. Hơn nữa nhà máy chế biến chỉ thu mua cầm chừng, trữ kho, do tình hình xuất khẩu chưa mạnh.
Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho rằng: Thời tiết nắng nóng, độ mặn tăng cao khiến cho bà con nuôi tôm lo ngại các bệnh dễ gây tổn thất nhất là bệnh đốm trắng, đỏ thân, bệnh gan tụy cấp và ngán nhất là bệnh mới vi bào tử trùng nuôi tôm hoài không lớn. Vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng có khung lịch thời vụ năm 2020 bắt đầu từ ngày 20/1 kết thúc ngày 30/9. Hiện đã bước vào vụ nuôi tôm nước lợ, diện tích thả nuôi xấp xỉ tương đương so với cùng kỳ. Phần lớn diện tích còn lại bà con vẫn tập trung cải tạo và lấy nước vào chuẩn bị xử lý. Theo dõi tình hình xâm nhập mặn hiện nay nước mặn đã đi sâu các khu vực nội đồng, nhưng chưa gây thiệt hại đến tôm nước lợ.
Ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 toàn cầu khiến cho kinh tế nhiều ngành nghề khó dự đoán trước. Trong đó xuất khẩu thủy sản qua 2 tháng đầu năm vẫn giữ nhịp xuất khẩu đều, nhưng bước vào tháng 3 tình hình phát tín hiệu báo động.
Các trại nuôi tôm có điều kiện đã sớm vào vụ. Ảnh: XT.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ Phần Thực phẩm Sao Ta nhận định: Đến nay tình huống ngày càng xấu hơn. Các đơn hàng nguyên năm lùi ngày thảo luận, bởi do lo phòng chống Covid-19. Nghe thông tin thì khách hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc có yêu cầu lùi ngày giao hàng. Riêng công ty Sao Ta thì chưa bị. Trong tháng 4, tháng 5 sắp tới tôm vào mùa nhưng diễn biến thị trường tôm hiện thời chưa nói lên điều gì khi Covid-19 chưa có dự báo lúc nào kết thúc. Thực trạng hiện nay là tôm tươi đang giảm giá khá mạnh do hạn chế nhu cầu. Song song tôm nuôi đang gặp dịch bệnh khá nặng, nhất là vùng Sóc Trăng.
Theo ông Lực, hiện nay tình hình thị trường xuất khẩu đang vô cùng khó khăn. EU đóng cửa biên giới, dân ở trong nhà. Nhà hàng không khách, sức tiêu thụ giảm. Tình hình Hoa Kỳ khả năng tương tự. Riêng Nhật Bản còn ổn định.
“Trong tình hình căng thẳng giữa mùa đề phòng dịch bệnh, vấn đề căn bản là làm thế nào giữ ổn định cho doanh nghiệp trụ vững, vượt qua. Hiện Sao Ta đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, kiểm tra hàng ngày. Do diễn biến Covid-19 có xu hướng xấu lên, mọi điều đều có khả năng xảy ra, nên chúng tôi đang triển khai xây dựng kịch bản ứng phó tình huống xấu nhất xảy ra nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Các khách hàng cũng đang lo âu về tình hình tiêu thụ tôm, cho nên chúng tôi chưa có thể dự liệu những gì xa hơn”, ông Lực nói.
Dù tình hình đang đối mặt nhiều khó khăn nhưng rất may vùng nuôi tôm chưa vào vụ và tôm thu hoạch chưa nhiều. Các nhà máy chưa áp lực phải thu mua tôm nguyên liệu nhiều. Tôm chưa chưa ứ đọng, tồn kho. Doanh nghiệp thủy sản chưa kẹt vốn nhiều. Nếu như thị trường Trung Quốc sớm hết dịch sẽ có lợi. Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi, ngành cá tra sẽ hưởng lợi nhiều hơn ngành tôm.
Nhiều công ty xuất khẩu thủy sản nhận hàng loạt yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu tại thị trường châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại còn lo thiếu nguyên liệu khi thị trường phục hồi.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã gửi Công văn số 33/2020 tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Hải quan, hai tháng đầu năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 991 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất xuất khẩu, ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường Trung Quốc trong hai tháng đầu năm, khiến kim ngạch xuất sang thị trường này giảm mạnh 44%. Xuất khẩu sang EU cũng giảm mạnh 20%, các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỉ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký của doanh nghiệp thủy sản chỉ chiếm 30%-50%. Trong khi đó, tỉ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỉ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20%-40% và 20%-30%).
Các thị trường có tỉ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu tại thị trường châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Nga,… cũng có các đơn hàng bị hoãn và hủy nhưng không nhiều như nhóm thị trường kể trên.
Đặc biệt tại thị trường châu Âu phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng.
Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do Chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch COVID-19. Khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm cũng ngừng hoạt động.
Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới trong quý II, quý III-2020, một số doanh nghiệp khác có được đơn hàng mới nhưng không nhiều.
Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản ở cả ba nhóm hàng (tôm, cá tra, hải sản khai thác) đều gặp khó khăn trong vấn đề tài chính vì doanh nghiệp thu hồi tiền hàng từ khách hàng chậm và rất chậm. Doanh thu xuất khẩu giảm mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp không xoay vòng được vốn, không có tiền trả các khoản vay lãi suất cao của ngân hàng.
Hiện tình hình ngập mặn tại các tỉnh ĐBSCL đang ảnh hưởng đến việc nuôi trồng nguyên liệu thủy sản cho chế biến và xuất khẩu. Kho lạnh của doanh nghiệp đã bị đầy vì chứa hàng tồn kho nên không chứa được nguyên liệu.
Nhiều kho lạnh đã được các doanh nghiệp cá tra thuê để trữ nguyên liệu cá tra, dẫn đến các doanh nghiệp tôm không còn hay thuê được kho lạnh để trữ nguyên liệu tôm buộc các doanh nghiệp tôm tại ĐBSCL đang phải chuyển thuê kho lạnh ở miền Trung để trữ nguyên liệu tôm và hỗ trợ mua tôm nguyên liệu cho người dân.
Nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng bị thiếu hụt. Với các doanh nghiệp hải sản khai thác, nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị thiếu khoảng 50%. Với các doanh nghiệp tôm hiện đang ngưng nhập tôm do không còn kho lạnh chứa (cả kho của doanh nghiệp và kho thuê) và các đơn hàng bị giảm.
Trong thời gian tới, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất xuất khẩu được phục hồi thì nguồn nguyên liệu hiện có cũng chỉ có thể đáp ứng được 50%-70% nhu cầu sản xuất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển các container hàng hóa xuất nhập khẩu vì nhiều chuyến tàu bị trì hoãn nhiều ngày, thậm chí bị hủy chuyến. Các hãng tàu biển cắt giảm các chuyến tàu, thay đổi hành trình và cảng đến làm cho thời gian vận chuyển dài, doanh nghiệp bị phát sinh nhiều chi phí.
Trước tình hình khó khăn, Vasep kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo hoặc có ý kiến đề nghị với Chính phủ và các bộ xem xét đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động miễn nộp kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) trong năm 2020 và tạm dừng việc đóng bảo hiểm xã hội đến cuối năm 2020, không tính lãi nộp chậm.
Vasep kiến nghị xem xét giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020; xem xét giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện; tạm ngưng thu phí BOT đến hết năm 2020 để giảm chi phí vận chuyển.
Ngoài ra, Vasep mong muốn các bộ, ngành giảm tần suất và số lượng các cuộc thanh tra – kiểm tra thường xuyên và đột xuất nhằm giảm áp lực về thời gian và nhân lực cho các doanh nghiệp thủy sản.
Doanh nghiệp thủy sản đề xuất gói hỗ trợ cho vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận với gói vay lãi suất ưu đãi này; đề nghị các ngân hàng cho gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất.
Bên cạnh đó, Vasep đề xuất Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích xuất khẩu cho bối cảnh năm 2020-2021, giảm thiểu các thủ tục hành chính.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất xuất khẩu của các doanh nghiệp sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT có kế hoạch và quy hoạch về vùng nuôi nguyên liệu tôm, cá tra; hỗ trợ cho người nuôi để khuyến khích người nuôi tiếp tục thả giống mới trong thời gian này; sửa đổi và cải cách các quy định kiểm soát nhập khẩu hàng thủy sản cho mục đích xuất khẩu.
Hàng chục ha nuôi tôm nước lợ trên địa bàn Phú Yên bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp do thời tiết bất lợi, môi trường không đảm bảo…
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Phú Yên, cho biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh thả gần 870 ha tôm nước lợ.
Cụ thể, huyện Đông Hòa 255ha, huyện Tuy An 307ha và TX Sông Cầu 307ha. Tuy nhiên đã có hơn 45ha nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp.
Ghi nhận tại vùng nuôi ở hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa) ở vụ 1/2020, nhiều người nuôi bị thiệt hại do tôm bị bệnh.
Gia đình ông Trần Minh Chánh thả nuôi với diện tích khoảng 1,4 ha tôm chân trắng tại vùng nuôi thuộc thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam. Mặc dù đã cải tạo ao và chọn giống có nguồn gốc để thả, song tôm nuôi vẫn xảy ra dịch bệnh.
Ông Chánh cho biết, ban đầu thả giống do gặp thời tiết nắng nóng nên tôm chậm phát triển. Đến 1,5 tháng, tôm nuôi có dấu hiệu bị bệnh như bỏ ăn, bơi lờ đờ nên gia đình đã mua thuốc để điều trị. Song tôm bị bệnh không thuyên giảm, vẫn chết nhiều nên gia đình đành thu non.
“Vụ nuôi này gia đình tôi lỗ vốn hàng chục triệu đồng”, ông Chánh nói.
Hộ nuôi gần bên ông Chánh là gia đình ông Nguyễn Tuấn cũng bị thiệt hại do tôm bị bệnh. Ông Tuấn cho biết, gia đình thả hơn 1 ha tôm. Nuôi gần 2 tháng thì tôm bị bệnh rồi chết dần chết mòn. Thấy vậy, gia đình đành thu hoạch non, ước thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.
Còn ông Nguyễn Bảy, một người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (Đông Hòa) cho biết, đa số người nuôi tôm vụ 1/2020 ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch đều không thành công. Bởi tôm nuôi không phát triển.
Gia đình ông Bảy có 2 ao, với tổng diện tích thả nuôi gần 1,6 ha. Nhưng sau 3 tháng thả nuôi thu hoạch chỉ hòa vốn, dù tôm không bị bệnh. Nguyên nhân có thể thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài khiến tôm sinh trưởng và phát triển kém, chậm lớn.
Tại huyện Tuy An, từ đầu năm đến nay, người dân đã thả nuôi hơn 300ha tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Tuy nhiên đến nay, hơn 26ha tôm tại vùng nuôi xã An Ninh Đông, An Ninh Tây và An Cư bị bệnh và mất trắng.
Trước tình hình tôm bị bệnh, Chi cục Chăn nuôi và thú y đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn địa phương và người nuôi thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. UBND tỉnh đã phân bổ 21 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20% cho các địa phương để sát trùng phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người nuôi cần tuân thủ các quy định trong nuôi trồng thủy sản.
Về nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi, ông Lâm cho rằng do thời tiết bất lợi, môi trường biến động làm sức đề kháng của thủy sản nuôi suy giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập gây bệnh.
Bên cạnh đó, môi trường nhiều vùng nuôi trên địa bàn bị suy thoái, ô nhiễm bởi chất thải hữu cơ tích tụ, tồn động trong vùng nuôi không được rửa trôi.
Ngoài ra, ý thức một số hộ nuôi còn kém, chưa có sự đoàn kết trong công tác bảo vệ môi trường, chưa quan tâm đến việc kiểm dịch con giống, chưa chấp hành các khuyến cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành.
“Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều hộ nuôi không báo cáo cho cơ quan chức năng mà tự ý thu hoạch và không xử lý mầm bệnh trước khi xả thải ra môi trường làm lây lan dịch bệnh”, ông Lân nói và cho biết thêm, hiện nay nhiều vùng nuôi có hệ thống công trình nuôi không đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.
Hầu hết không có ao lắng, ao xử lý nước cấp, lấy nước trực tiếp từ ngoài vào ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước chưa riêng biệt… cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên lưu ý các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện đúng các quy định trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời có khuyến cáo kịp thời để công tác phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi đạt hiệu quả.
Về phía Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho người nuôi về công tác phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản. Cũng như giám sát, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh thủy sản để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ hóa chất sát trùng xử lý, khống chế dịch bệnh nhằm tránh lây lan…