Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khiến nhiều diện tích nuôi tôm bị thiệt hại

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tiến độ mùa vụ thả nuôi thủy sản của tỉnh diễn ra chậm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Giá tôm thẻ chân trắng và tôm sú ở Trà Vinh liên tục giảm. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Nguyên nhân chính do ngay từ đầu năm, thời tiết nắng nóng gay gắt, độ mặn nguồn nước sông Tiền tăng cao đột ngột và kéo dài, môi trường nước không ổn định nên ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân chậm thả con giống thủy sản vào thời điểm từ tháng 1 – 2.

Nhưng do thời tiết, môi trường nước bất lợi, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm làm môi trường nước trong ao không ổn định đã gây thiệt hại cho tôm nuôi của tỉnh trong 3 tháng đầu năm với số lượng trên 560 triệu con tôm sú và tôm thẻ chân trắng với diện tích gần 720 ha. Tôm chết hầu hết do bị nhiễm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy và bệnh đường ruột.

Hiện tại thời tiết và độ mặn nước sông đã giảm nên ngành nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích nông dân nuôi thủy sản vùng nước mặn và lợ tập trung vệ sinh ao nuôi để thả con giống để đảm bảo theo lịch thời vụ thả nuôi thủy sản năm 2020.

Từ đầu tháng 4 đến nay, nông dân ở các vùng ngập mặn thuộc huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải đang tập trung thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nghêu, sò huyết, với số lượng hơn 240 triệu con giống; trong đó, số lượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng chiếm 226 triệu con.

Tính đến nay, mùa vụ nuôi trồng thủy sản vùng ngập mặn trong tỉnh Trà Vinh đã thả nuôi được hơn 815 triệu con tôm sú giống và gần 1,5 tỷ con tôm thẻ chân trắng trên tổng diện tích gần 15.500 ha. Ngoài ra, nông dân còn thả nuôi được hơn 170 triệu con cua biển giống, với diện tích gần 12.500 ha.

Phúc Sơn (TTXVN)

Thủ phủ tôm gặp khó vì COVID-19 và khô hạn

Người nuôi tôm “treo” ao chờ... thời. Ảnh: Nhật Hồ
Người nuôi tôm “treo” ao chờ… thời. Ảnh: Nhật Hồ

Tôm hùm giảm “kịch sàn” với giá rẻ chưa từng có vẫn khó bán: Đâu là nguyên nhân?

Giá tôm tùm mặc dù đã giảm “kịch sàn” với giá rẻ chưa từng có, nhưng để giải cứu 1kg tôm hùm thì người mua mất cả tháng nhịn chợ đối với người có thu nhập trung bình.

Anh Nguyễn Huy Tùng, chủ cửa hàng chuyên bán hải sản tại Kim Giang (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vào cuối tháng 2, phong trào “giải cứu” tôm hùm được đông đảo người dân Hà Nội tham gia vì đa số họ chưa từng thưởng thức tôm hùm nên háo hức “ăn cho biết”.

 tom hum giam “kich san” voi gia re chua tung co van kho ban: dau la nguyen nhan? hinh anh 1

Tôm hùm được coi là món ăn cao cấp, xa xỉ với giá thành cao chuyên phục vụ xuất khẩu và nhà hàng nay được bán tràn lan trên khắp các chợ.

“Đợt đó, cứ 2 ngày cửa hàng tôi nhập khoảng 1,5 tấn tôm hùm xanh, hàng ra đến đâu hết đến đó, không đủ cung cấp cho các mối buôn. Giá bán lẻ ra thị trường với size 3-4 con/kg ở mức 750.000 đồng/kg còn không có mà mua. Thế nhưng, hiện tại, giá tôm giảm thêm 100.000 đồng/kg mà khách không mấy mặn mà, lượng khách giảm đến 80% nên cửa hàng tôi mỗi ngày chỉ bán được khoảng 1 tạ”, anh Tùng nói.

Theo anh Tùng, lượng mua giảm vì trước đây, tôm hùm chỉ nuôi để phục vụ xuất khẩu và cung cấp cho nhà hàng phục vụ khách du lịch, những cửa hàng bán hải sản nhỏ lẻ muốn bán cũng không có. Vì vậy, khi có thông tin “giải cứu”, tôm hùm được đăng bán tràn ngập mạng xã hội và các cửa hàng bán hải sản khắp Hà Nội thì người dân đổ xô đi mua về ăn cho biết. Khi biết rồi thì dù ngon cũng sẽ không thể ăn mãi được vì dù giá rẻ đến 50% đi nữa thì tôm hùm vẫn là món ăn “thượng lưu”, giá thành cao.

 tom hum giam “kich san” voi gia re chua tung co van kho ban: dau la nguyen nhan? hinh anh 2

Theo anh Tùng, giá tôm hùm hiện tại rẻ hơn cả thời điểm “giải cứu” nhưng người tiêu dùng cũng không được mặn mà.

“Chỉ được thời gian đầu, mọi người tò mò mua về ăn thử 1-2 lần cùng với ý nghĩa giải cứu nên mặt hàng tôm hùm luôn trong trạng thái cháy hàng. Giờ thì nhà hàng, quán ăn không được phép mở cửa, xe cộ hạn chế đi lại nên lượng tiêu thụ giảm đáng kể. Trước đây, mỗi ngày có khoảng 20 đơn hàng đi tỉnh, giờ mỗi ngày được khoảng 2 đơn vì không gửi xe được, chỉ giao các đơn đặt hàng online xung quanh Hà Nội”, anh Tùng phân tích.

Kinh doanh hải sản hơn 4 năm, anh Tùng cho biết, đây là năm khó khăn nhất, không chỉ lượng tiêu thụ tôm hùm xanh bị ảnh hưởng mà các loại hải sản khác tại cửa hàng như tôm hùm bông, tôm hùm Alaska, cua hoàng đế (Kinh Carb) cũng giảm giá mà lượng tiêu thụ giảm đi rõ rệt.

 tom hum giam “kich san” voi gia re chua tung co van kho ban: dau la nguyen nhan? hinh anh 3

Giá tôm hùm xanh tại thị trường giao động từ 600-800.000 đồng/kg tùy size.

Theo quan sát, tại Hệ thống hải sản và thực phẩm sạch Sói Biển, giá tôm hùm size 3-4 con/kg đang được bán với giá 759.000 đồng/kg, giảm 140.000 đồng/kg so với tháng trước

Để tiêu thụ tôm hùm, nhà hàng lẩu Đức Trọc (Trương Định, Hà Nội) cũng đã nhận chế biến hải sản tươi và ship tận nhà bằng chính đội ngũ nhân viên của nhà hàng với giá 659.000 đồng/kg tôm hùm tươi sống

Theo chị Phạm Giang (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), với mức giá “giải cứu” này dù rẻ hơn trước rất nhiêu nhưng vẫn khá cao so với thu nhập và chi tiêu thường nhật của nhiều người. “Như gia đình tôi có 4 người, thu nhập của hai vợ chồng khoảng 20 triệu/ tháng thì chi phí mỗi bữa ăn chính khoảng 100.000 đồng, ăn sáng khoảng 50.000 đồng. Mỗi tháng, riêng tiền ăn là 8 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác. Để ăn 1kg  tôm hùm với giá 650.000 đồng/kg thì đồng nghĩa với việc “nhịn” trong khoảng 3 ngày”.

 tom hum giam “kich san” voi gia re chua tung co van kho ban: dau la nguyen nhan? hinh anh 4

Thậm chí giá tôm hùm được đăng bán với giá 35.000 đồng/con, size 10-14 con/kg, 450.000 đồng/kg với size 3 con/kg.

“Dù giá rẻ nhưng đối với những người thu nhập thấp thì ăn một bữa tôm hùm vẫn là xa vời đối với họ. Với mỗi suất ăn chỉ khoảng 20.000 đồng thì 1kg tôm hùm bằng gần một tháng “đi chợ”. Trong khi đó, tôm hùm chỉ ăn chơi, không thể ăn với cơm thay thức ăn như thịt, cá, trứng… nên nhà tôi chỉ dám ăn một lần cho biết thôi, giờ có giảm nữa cũng chịu”, chị Giang phân tích.

Người tiêu dùng khi nghe cụm từ “giải cứu” thường nghĩ giá rẻ, nhưng thực tế giá tôm hùm chỉ giảm một mức nhất định ở sản phẩm tôm hùm xanh. Tại vùng nuôi thị xã Sông Cầu (Phú Yên), tôm hùm xanh cũng rớt giá xuống còn khoảng 500 nghìn/kg, thấp hơn 200-300 nghìn đồng so với trước đây. Tuy nhiên, khi đến tay người tiêu dùng thì giá tôm hùm vẫn ở mức cao, chênh lệch từ 150-200.000 đồng/kg do khâu khai thác, vận chuyển, bảo quản tốn quá nhiều chi phí.
Khánh An- http://danviet.vn/

Hóa chất PAC là gì? Ứng dụng phổ biến trong nuôi tôm

Hóa chất PAC được sử dụng phổ biến trong đời sống, đặc biệt trong xử lý nước, sản phẩm được sản xuất bởi nhiều nước khác nhau như Việt Trì, Trung Quốc, Séc, Nhật Bản, Ấn Độ,.. Ở bài viết này sẽ giúp bà tìm hiểu hóa chất PAC là gì và những ứng dụng tuyệt vời của PAC trong nuôi tôm

Định nghĩa hóa chất PAC là gì?

Hóa chất keo tụ PAC (poly aluminium chloride) có công thức phân tử là [Al2(OH)nCl6-n]m. Đây là loại hóa chất keo tụ, chất trợ lắng trong xử lý nước cấp, nước thải và nước nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm giúp kết lắng các hợp chất keo tụ và các chất lơ lửng, giúp loại bỏ hoàn toàn các chất hữu cơ, vi khuẩn, virus có trong nước.

Thành phần PAC có chứa đến 28 – 32 % hàm lượng nhôm, đem đến khả năng keo tụ các loại chất bẩn có trong nước một cách hiệu quả mà không gây hại đến chất lượng nước và môi trường xung quanh. Hóa chất PAC tồn tại ở dạng bột và dạng lỏng. Dạng bột có màu vàng chanh, dạng lỏng có màu vàng nâu. Tùy vào nhu cầu sử dụng mà bạn có thể lựa chọn cho mình sản phẩm phù hợp.

Hóa chất keo tụ PAC dạng bột màu vàng chanh

Hóa chất keo tụ PAC dạng bột màu vàng chanh

Tính chất hóa học của PAC

Chắc hẳn đến đây bạn đã hiểu hóa chất PAC là gì? Bên cạnh đó, bạn cũng cần tìm hiểu chi tiết về những ưu điểm của hóa chất PAC, cụ thể như:

  • Sử dụng PAC giúp tăng độ trong của nước, kéo dài chu kỳ lọc, tăng chất lượng nước sau lọc hiệu quả.
  • PAC hoạt động tốt trong độ pH từ 6.5 – 8.5.
  • Vận chuyển, cất giữ và định lượng PAC một cách dễ dàng.
  • Dễ dàng hòa tan trong nước với bất kỳ tỷ lệ nào.
  • Thời gian keo tụ nhanh chóng.
  • Liều lượng sử dụng thấp, tiết kiệm chi phí, bông cặn to, dễ lắng.
  • Các thao tác sử dụng đơn giản, ai cũng có thể thực hiện được.
PAC sử dụng phổ biến trong xử lý nước

PAC sử dụng phổ biến trong xử lý nước

Ứng dụng hóa chất PAC trong nuôi tôm

  • Xử lý nước cấp, nước thải trong nuôi tôm.
  • Tăng hàm lượng oxy hòa tan trong nước, đồng thời giảm các khí độc NH3, NO2, H2S và COD.
  • Sản phẩm an toàn, không gây ảnh hưởng đến các sinh vật phù du và sinh vật đáy trong ao nuôi.
  • Ức chế tảo lam phát triển giúp tôm sinh trưởng nhanh, giảm hệ số thức ăn.
  • Tăng độ trong của nước, giúp tăng khả năng bắt mồi cho tôm, giảm hệ số thức ăn.

Liều lượng sử dụng

Liều lượng PAC sử dụng cho 1 m3 nước sông, ao, hồ là 1- 4 g PAC đối với nước đục thấp (50- 400 mg/l), là 5-6 g PAC đối với nước đục trung bình (500- 700 mg/l) và là 7- 10 g PAC đối với nước đục cao (800-1.200 mg/l).Hóa chất PAC Việt Trì cung cấp bởi Dr.Tom=> Lưu ý: PAC có hiệu quả mạnh nên chỉ cần một lượng nhỏ để xử lý nước, không nên dùng quá liều sẽ gây lãng phí. PAC chỉ được sử dụng trong xử lý nguồn nước cấp hoặc nước thải nuôi tôm. Tuyệt đối không sử dụng trong giai đoạn giữa và cuối của vụ nuôi.

Nguồn : https://drtom.vn/

Hướng dẫn thiết kế ao nuôi tôm công nghiệp đúng chuẩn

Thiết kế ao nuôi tôm công nghiệp là bước quan trọng, quyết  định đến 99% sự thành bài của vụ nuôi. Bài viết này sẽ hướng dẫn bà con cách thiết kế ao nuôi tôm mới nhất năm 2020, đang được nhiều hộ nuôi áp dụng cho năng suất cao.

Quy trình thiết kế ao nuôi tôm công nghiệp

1. Khảo sát mặt bằng ao nuôi tôm

Khảo sát mặt bằng là bước đóng vai trò quan trọng, giúp người nuôi dễ nhận định được những khó khăn và thuận lợi khi tiến hành thiết kế ao nuôi tôm công nghiệp.

  • Chọn vị trí ao nuôi đảm bảo an toàn, tiện lợi dễ dàng tháo cấp nước.
  • Mặt bằng phải phẳng, tạo điều kiện thuận lợi khi cải tạo ao.
  • Vị trí thuận tiện cho việc  chăm sóc, vận chuyển giai đoạn nuôi  sang ao tôm thương phẩm.
Thiết kế ao nuôi tôm công nghiệp

Mặt bằng ao nuôi đảm bảo bằng phẳng, vị trị địa lý thuận lợi

2. Chọn quy trình nuôi

Ở bài viết này, Dr.Tom sẽ hướng dẫn bà con thiết kế ao nuôi tôm công nghiệp vào quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn công nghệ SERMI-BIOFLOC.

Loại 1:

  • 01 ao lắng thô, 01 ao sẵn sàng, 02 ao xử lý.
  • 02 ao ương: 100m2, 04 ao nuôi: 900m2.

+> Tỉ lệ sống: 85%

+>  Mật độ nuôi: 300 con/m2.

+> Địa điểm: Nơi có nguồn nước tốt, đường rộng và có điện.

Loại 2:

  • 1 ao lắng thô, 1 hệ thống xử lý, 2 ao sẵn sàng.
  • 1 ao ương: 300m2, 2 ao nuôi: 1200m2.

+> Tỉ lệ sống: 85%

+>  Mật độ nuôi: 300 con/m2.

3. Thiết kế ao nuôi tôm công nghiệp

— Một hệ thống ao nuôi cần được thiết kế đầy đủ ao lắng thô, ao sẵn sàng, ao xử lý, ao ương và ao nuôi tôm. Thiếu một trong những ao này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước ao tôm.

— Ao ương thiết kế có mái che nhà kính đầy đủ là tốt nhất.

— Hệ thống ao nuôi phải đảm bảo có hệ thống xi phong tự động, hệ thống quạt nước và oxy dưới ao. Hầu hết các ao được thiết kế dạng tròn để dễ dàng gom chất thải. Lưu ý đặt quạt nước không quá mạnh để cho chất hữu cơ có thời gian lắng tụ và đặc biệt là oxy trong ao phải đầy đủ.

Xem chi tiết => Xi phong đáy ao là gì? Các loại hình xi phông phổ biến năm 2020

— Trong trường hợp ao nuôi bị nhiễm EHP thì bước khử trùng cần được thực hiện cẩn thận. Lựa chọn phương pháp khử trùng thích hợp cho lần nuôi tiếp theo. Dr.Tom khuyến cao, nên sử dụng NaOH nồng độ > 0.5N để khử trùng bể bê tổng hoặc bể lót bạt HDPE. Sử dụng CaO để khử trùng ao đất với tỉ lệ 0.5 – 1kg cho 1m2. Bên cạnh đó, cần tiến hành xét nghiệm PCR Pockit để xem tôm giống có bị nhiễm EHP không trước khi nuôi.

* Sơ đồ ao nuôi loại 1:

Mô hình ao nuôi tôm công nghiệp 

Mô hình ao nuôi tôm công nghiệp 02 ao ương: 100m2, 04 ao nuôi: 900m2

4. Quy trình xử lý nước

  • Đầu tiên nước được lấy từ sông lúc triều cường cao nhất đưa vào ao lắng thô qua lưới lọc để cho phù sa lắng tự nhiên.
  • Tại ao lắng thô ta sẽ bơm nước qua hệ thống xử lý nước nhanh và châm thuốc tím từ 5-10ppm theo máy định lượng châm trực tiếp vào đường ống.
  • Sau đó nước sẽ được chảy tràng qua ao xử lý qua túi lọc mịn và bơm clorine trực tiếp vào đường ống đ nồng độ 30ppm để diệt khuẩn (chú ý pH phải thấp)..
  • Kiểm tra nồng độ clorine nếu còn clorine ta có thể trung hòa bằng Natrithiosunfat đảm sau khi ổn sẽ cấp vào ao sẳn sàng qua lưới lọc sau đó xử lý EDTA nồng độ 5-10ppm để lắng tụ các kim loại nặng, tiếp tục xử lý các yếu tố môi trường như bằng Dolomit, soda lạnh (kiềm 180mg/l) khoáng chất cho phù đạt hàm lượng thích hợp cho tôm nếu nước để lâu mới cấp vào ao  nên diệt khuẩn lại bằng clorine nồng độ 2ppm sau đó mới sử dụng.
  • Sau khi đã xử lý nước phù hợp các chỉ tiêu môi trường nuôi tôm thẻ, tiến hành cấp vào ao ương qua hệ thống lọc than hoạt tính vì tôm giai đoạn nhỏ nên phải đảm bảo nước được sạch và khi khử clorine có thể sinh ra các phức hợp gây độc cũng như kim loại nặng nên lọc qua than hoạt tính một lần nữa. Sau đó cấy vi sinh và gây màu nước và tiến hành ương giống.
Hệ thống xử lý nước ao nuôi tôm công nghiệp

Hệ thống xử lý nước ao nuôi tôm công nghiệp

  • Các yếu tố môi trường
Yếu tố Khoảng thích hợp
Độ trong (cm) 30 – 45
Màu nước Vàng nâu,xanh nhạt
Độ mặn (‰) 10 – 25
Độ kiềm (mgCaCO3/L) 120-180
Ca Tùy theo độ mặn
Mg Tùy theo độ mặn
Kali Tùy theo độ mặn
Nhiệt độ oC 25-30
pH 7,5 – 8,5
CO2 (mg/L) 1 – 10
O2 (mg/L) 5 – 10
Độ cứng (mgCaCO3/L) 80 – 120
NH3/NH4 (mg/L) <0,1
NO2 Tùy theo độ mặn
H2S (mg/L) <0,03
Fe (mg/L) 0
Chlorophyll-a (ug/L) 50 – 200

Dự tính chi phí ao nuôi tôm công nghiệp

Dr.Tom sẽ hướng dẫn người nuôi hạch toán chi phí 01 ao nuôi cho mô hình nuôi loại 2:

+ 1 ao lắng thô, 1 hệ thống xử lý, 2 ao sẵn sàng.

+ 1 ao ương: 300m2, 2 ao nuôi: 1200m2.

Mật độ 300 con/m2
Diện tích 1.200 m2
Độ sâu 1.5 m
Thể tích 1.200 m3
Tổng Thả 360.000 pl
Tỉ lệ sống 85%
FCR 1.3
Tổng lượng thức ăn 13.260 kg
Thay nước 30%/ngày
Tổng lượng nước xử lý 32.400 khối
Số lượng thu 10.200 kg
Size Thu 30 con/kg
Gía 150.000 kg (size 30con/kg)
Doanh Thu 1.530.000.000
Chi Phí 530.060.000
Lợi Nhuận 999.940.000

Đây là cách tính chi phí cho một ao nuôi tôm công nghiệp. Tùy vào mô hình ao nuôi, diện tích các ao nuôi thương phẩm, mật độ thả mà chi phí và lợi nhuận sẽ khác nhau. Dr.Tom khuyến khích bà con áp dụng chuỗi sản phẩm Scienchain vào quá trình nuôi.
Nguồn : https://drtom.vn/

Covid-19: Xuất khẩu tôm điêu đứng, giá tôm giảm mạnh, nông dân khóc nghẹn bên ao tôm

DNVN – Dịch Covid-19 đã khiến người nuôi tôm tại Cà Mau như “ngồi trên đống lửa” khi giá tôm giảm rất mạnh. Không chỉ thế, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại địa phương cũng điêu đứng khi hàng chuyển đi nước ngoài không được, lượng tồn kho ngày càng nhiều.

Nông dân điêu đứng vì giá tôm giảm mạnh

Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 14.000 hộ dân nuôi tôm theo hình thức thâm canh và siêu thâm canh, với diện tích hơn 8.000 ha, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng.

Không giống như những vụ mùa trước, từ đầu năm 2020, người nuôi tôm tại Cà Mau rất phấn khởi bởi có mùa nuôi khá thuận lợi, ít dịch bệnh. Ai nấy đều tưởng rằng sẽ trúng vụ lớn, trừ các khoản chi phí cùng lãi ròng vài trăm triệu đồng.

Thế nhưng, niềm vui chưa tồn tại được bao lâu thì lại thay bằng nỗi hoang mang, lo lắng khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã làm cho giá tôm bị sụt giảm mạnh.

Tính tới thời điểm này, giá tôm thẻ chân trắng giảm từ 15.000 – 22.000 đồng; tôm sú giảm từ 70.000 đến 150.000 đồng so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do nhiều quốc gia ngừng nhập khẩu để tránh dịch bệnh Covid-19 lây lan. Tình trạng này dẫn đến nhiều hộ nuôi phải cân nhắc, tính toán kỹ lợi nhuận mới dám thu hoạch tôm.

Ông Trần Văn Việt (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) cho biết, với tôm thẻ chân trắng nuôi ao đất giá tôm từ 80.000 đồng/kg (loại 100 con) trở lên người nuôi mới có lời. Với giá tôm như hiện nay, dân nuôi đang lỗ.

“Tôi chuyển sang tôm siêu thâm canh hơn 1 năm nay. Với những vụ nuôi trước đây vụ nào tôi cũng lãi vài trăm triệu đồng. Nhưng vụ nuôi này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến giá tôm giảm mạnh. Tôi đang phải lên hầm và chịu lỗ khoảng 200 triệu đồng. Nếu kéo dài thời gian nuôi, phát sinh thêm chi phí, mỗi ngày hơn 10 triệu đồng nên càng lỗ hơn”, ông Việt cho hay.

giá tôm nguyên liệu, nhất là tôm sú biến động rất mạnh, làm hàng trăm ngàn hộ dân nuôi tôm tại Cà Mau gặp nhiều khó khăn.

Dịch Covid-19 hoành hành khiến giá tôm nguyên liệu, nhất là tôm sú biến động rất mạnh, làm hàng ngàn hộ dân nuôi tôm tại Cà Mau gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, hộ ông Ngô Thành Cư (xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển) cũng đang hoang mang vì giá tôm giảm mạnh như hiện nay.

Ông Cư cho hay, gia đình ông có 2 ao nuôi tôm công nghiệp, mỗi ao khoảng 2.000m2, hiện nay tôm khoảng 110 con/kg. So với trước dịch bệnh Covid-19, với kích cỡ tôm này ông Cư thu hoạch đã có lãi, nhưng với giá tôm như hiện nay nếu thu hoạch sẽ lỗ nên ông phải nuôi cho tôm về khoảng 30 – 40/kg con mới dám thu hoạch. Mong lúc đó giá tôm phục hồi như trước khi xảy ra dịch thì mới có lời.

Hiện nay, một số hộ đã thu hoạch tôm trước khi dịch bệnh xảy ra cũng rất ít người thả tôm vụ mới, bởi không biết thời gian giá tôm phục hồi được như trước đây. Bà Phạm Thị Lành, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi nhẩm tính bị “mất” gần 1 triệu đồng so với đợt bắt tôm tháng trước.

“Tuần trước, tôi xổ vuông (thu hoạch-PV) hơn 30kg tôm sú, loại từ 30-40 con/kg thu về chưa tới 3,7 triệu đồng. Trong khi đó, hơn 1 tháng trước, tôi xổ chỉ 25 kg mà bán hơn 4,5 triệu đồng. Hiện tôm nuôi đang vào chính vụ nhưng với tình hình dịch Covid-19 đang hoành hành khiến giá tôm giảm như vậy, người nông dân còn đâu nữa mà ăn”, bà Lành nghẹn ngào.

Theo người nuôi tôm tại Cà Mau, chưa bao giờ trong một thời gian ngắn mà giá tôm giảm mạnh như hiện nay. Nếu dịch bệnh còn tiếp tục thì người nuôi tôm tại Cà Mau sẽ chưa dám xuống giống vụ mới. “Để theo dõi tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của các ngành chức năng tôi mới thả vụ mới”, ông Trần Văn Đức – người nuôi tôm tại huyện Đầm Dơi cho hay.

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm giảm sản lượng tới 40%

Việc giá tôm giảm là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 đang lây lan và bùng phát mạnh mẽ khiến cho việc xuất khẩu ngành hàng tôm của nhiều doanh nghiệp tại Càu Mau gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Trung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa cho biết, Công ty chủ yếu xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc (gần 99%), tuy nhiên trước tác động từ dịch Covid-19, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc thông quan sản phẩm đến thị trường Trung Quốc.

“Do ảnh hưởng dịch bệnh hàng hóa của công ty không thể xuất sang thị trường Trung Quốc, lượng hàng hóa tồn đọng tại kho rất nhiều khiến công ty gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, mong Chính phủ cũng như các ban ngành tìm hiểu những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản”, ông Trung kiến nghị.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Cà Mau đang gặp khó khăn do đầu ra ngày càng bị thu hẹp.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Cà Mau đang gặp khó khăn do đầu ra ngày càng bị thu hẹp.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường – chuyên về xuất khẩu mặt hàng tôm đông lạnh tại Cà Mau.

Trước đây, những tháng cao điểm công ty xuất khẩu 30 container, còn bình thường cũng khoảng 15 container. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mỗi tháng công ty chỉ xuất được 5 container. So với cùng kỳ, sản lượng hàng xuất khẩu chỉ bằng 40%.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường lý giải, nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu ngày càng bị thu hẹp. Cả 2 thị trường lớn nhất của đơn vị là EU và Hàn Quốc hiện gần như bị đóng băng hoàn toàn.

Ông Tuấn cho hay, công ty vẫn phải đều đặn gánh chi phí hoạt động gần 4 tỷ đồng trong những tháng gần đây, trong đó, tiền điện mất đến 400 – 500 triệu đồng. Cũng vì vậy, lãnh đạo công ty đã có văn bản gửi Điện lực tỉnh Cà Mau đề nghị được giãn nộp tiền điện.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp và việc nuôi tôm trên địa bàn.

Tình trạng này làm cho người nuôi tôm hoang mang, lo không bán được tôm trong thời gian tới, không xác định được giá tôm trên thị trường, nên một số người dân đã bán tôm khi chưa đến lứa thu hoạch với giá rất thấp.

Hơn nữa, giá thành nuôi tôm thâm canh và nhất là siêu thâm canh của người dân còn quá cao, với việc giá giảm mạnh như hiện nay, nông dân sẽ không có lãi hoặc thua lỗ.

“Do vậy giải pháp trước mắt là nông dân cần chọn lựa phương án thu hoạch tôm phù hợp. Nếu tôm nuôi không đạt thì nông dân nên thu hoạch sớm để không bị thua lỗ. Nếu tôm đang ở giai đoạn tôm có kích cỡ nhỏ và phát triển tốt thì nên tiếp tục nuôi tôm lên kích cỡ lớn hơn để bán với giá cao hơn”, ông Bằng nói.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại ĐBSCL, dù các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc thông quan trở lại, nhưng lượng hàng chỉ nhỏ giọt, khi hàng vào nội địa cũng bị hạn chế việc di chuyển, mặt hàng tôm tiêu thụ được rất ít. Còn thị trường EU, do diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp, hiện các đơn hàng nhập khẩu tôm đã ký hầu hết đều bị tạm hoãn ít nhất đến hết tháng 4/2020 và không ký đơn hàng mới. Thị trường Mỹ hiện chưa biến động nhiều, vẫn còn duy trì nhập tôm Việt Nam nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu chững lại, các thị trường còn lại đều khó do dịch bệnh.

Kiến nghị giảm thuế, giảm giá điện cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện có khoảng 70%-80% tôm xuất đi các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu. 30% còn lại ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Dịch Covid 19 bùng phát tại Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ khiến nhiều thị trường lớn giảm nhập hàng hóa từ Trung Quốc. Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng xuất khẩu vào các nước khác trên thế giới, nhất là khi hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực vào tháng 7 tới đây.

Theo ông Trương Đình Hòe, Phó Tổng Thư Ký Hiệp Hội VASEP chia sẻ: “Kịch bản khó khăn nhất là dịch bệnh kéo dài đến cuối quý II. Nếu dịch bệnh chấm dứt sớm sẽ thuận lợi, hiện nay tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc cũng đang có chiều hướng kiểm soát tốt dần. Một lời khuyên đối với bà con nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi tình hình và trao đổi với người thu mua, doanh nghiệp để nắm bắt cụ thể nhu cầu để đảm bảo sau dịch có sẵn sàng nguồn nguyên liệu tốt nhất cung cấp cho thị trường.”

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả thị trường nhập khẩu hay trong nội tại ngành. Do vậy, quan trọng nhất là sự chung tay của nhà nước, doanh nghiệp, người nuôi, sự liên kết giữa các phân khúc sẽ tạo sức mạnh để giúp ngành vượt khó.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong di chuyển và hoạt động liên quan đến việc xuất nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không có các đơn hàng mới trong quý tiếp theo. Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Hiệp hội VASEP vừa kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo Chính phủ xet xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá điện cho nhà máy sản xuất, kho lạnh và gia hạn thời gian thanh toán tiền điện.

Phạm Đức – https://doanhnghiepvn.vn/

Hóa giải thách thức trong nuôi tôm

Bất lợi về thời tiết đã có những tác động mạnh đến con tôm nuôi. Sức đề kháng của con tôm bị giảm, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và gây hại trên nhiều diện tích nuôi ở khu vực ĐBSCL từ đầu vụ đến nay.

Thiệt hại ngày một tăng

Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, tình trạng nắng nóng kéo dài từ đầu vụ đến nay đã làm cho các vuông nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, đặc biệt là các vùng nằm sâu trong nội đồng thiếu lượng nước lưu thông, trao đổi khiến độ mặn trong vuông nuôi tăng trên 30‰ có nơi trên 40‰, nên tình trạng tôm chết cũng bắt đầu xảy ra. “Hiện tượng tôm chết lúc đầu chỉ xảy ra rải rác, nhưng gần đây có dấu hiệu tăng lên, nhất là khu vực vùng tôm – lúa trong nội đồng của huyện Thới Bình và U Minh. Tuy nhiên, qua xem xét mẫu tôm cho thấy, dù tôm chết có biểu hiện đỏ thân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt độ và độ mặn tăng cao. Dù vậy, chúng tôi vẫn chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc khẩn trương thu mẫu xét nghiệm, theo dõi sát tình hình để có những khuyến cáo kịp thời nhằm hạn chế thiệt hại” – ông Bằng thông tin.

Nuôi tôm theo VietGAP mang lại hiệu quả bền vững

Ảnh minh họa

Tại Kiên Giang, nơi có 115.000 ha tôm đã được thả nuôi thiệt hại cũng bắt đầu xảy ra, nguyên nhân kết luận ban đầu là do thời tiết bất lợi làm cho tôm suy giảm sức đề kháng dẫn đến dịch bệnh tấn công và gây thiệt hại. ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang chia sẻ, trong tổng số 252 ha tôm nuôi bị thiệt hại, có trên 200 ha do bệnh đốm trắng, trên 14 ha do hoại tử gan tụy cấp tính, còn lại là do ảnh hưởng môi trường. Ông Xuyên cho biết: “Qua điều tra dịch tễ, chúng tôi phát hiện có 101 ổ dịch đốm trắng và 10 ổ dịch hoại tử gan tụy cấp tại 47 ấp, thuộc 21 xã của 6 huyện: An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương, Gò Quao và Vĩnh Thuận”.

Dù diện tích thả nuôi từ đầu vụ đến nay của Sóc Trăng chỉ mới hơn 6.000 ha, nhưng cũng ghi nhận có khoảng 115 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chủ yếu là do tác động biến đổi môi trường và dịch bệnh. Ông Đào Văn Bảy, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng thông tin: “Kết quả thu 10 mẫu (mẫu gộp) tại hầu hết các vùng nuôi trong tỉnh cho thấy đến 7 mẫu có mầm bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Với diễn biến thời tiết và độ mặn như hiện nay, rất dễ làm cho những dịch bệnh trên phát sinh và gây hại. Vì thế, ngay sau khi có kết quả quan trắc, chúng tôi đều đưa ra các cảnh báo sớm để người nuôi kịp thời phòng trị”. Thực tế, tại một số vùng nuôi của huyện Mỹ Xuyên, những ngày gần đây, tình trạng tôm chết bất thường cũng đã diễn ra.

 

Giải pháp ứng phó

Theo ThS Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, trong khoảng 1 tuần trở lại đây, độ mặn tuy có giảm nhưng nhìn chung vẫn còn cao hơn so cùng kỳ 4 – 18‰ và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn. Vì vậy, người nuôi không nên nóng vội mà chỉ thả nuôi mang tính thăm dò, khi nào thấy thuận lợi mới thả tiếp. Còn theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, nguy cơ thiệt hại tôm nuôi do biến động môi trường và dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao. Do đó, chính quyền địa phương và cán bộ khuyến nông cơ sở đang tập trung khuyến cáo người dân nên thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không xả nước ao tôm bệnh ra ngoài môi trường khi chưa xử lý tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, phải thông báo cho các hộ nuôi tôm xung quanh để có các biện pháp hạn chế lây lan dịch bệnh; đối với ao tôm đã bị bệnh, hộ nuôi phải cách ly tối thiểu 21 ngày sau khi xử lý mới được thả giống trở lại.

Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp bảo vệ tôm nuôi trong tình hình nắng nóng và độ mặn cao, ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết: “Với tình hình nắng nóng và độ mặn tăng nhanh, chúng tôi khuyến cáo các hộ nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến cần có ao xử lý nước để bổ sung kịp thời vào ao nuôi nhằm tránh nhiệt độ ao nuôi tăng, kéo theo độ mặn tăng gây sốc cho tôm dẫn đến thiệt hại. Ngoài ra, trước khi thả tôm, người nuôi cần ương tôm (dèo) khoảng 15 – 20 ngày, nếu quan sát thấy tôm khỏe mới thả ra ao nuôi”.

Theo đánh giá của ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL, dịch bệnh trên tôm xuất hiện chủ yếu là đốm trắng trên các mô hình nuôi quảng canh hay quảng canh cải tiến và một số mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh. Điều này được người nuôi đánh giá là khá bất thường, bởi bệnh đốm trắng thường chỉ xuất hiện nhiều trong mùa mưa, còn mùa nắng là thời điểm của bệnh gan tụy cấp.

>> Trước tác động ngày một rõ nét của thời tiết, dịch bệnh, nuôi tôm cần chú trọng ứng dụng công nghệ cũng như các mô hình nuôi tân tiến (nuôi siêu thâm canh, nuôi ba giai đoạn…).

An Xuyên- http://thuysanvietnam.com.vn/