Được sự hỗ trợ kinh phí của Sở KH&CN TPHCM, HTX Thuận Yến (xã An Thới Đông, Cần Giờ) đã đầu tư kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE. Mô hình này giúp tôm có tỉ lệ sống trên 80% và cho năng suất cao hơn cách nuôi ao truyền thống từ 30 – 40%.
Ở “thủ phủ” nuôi tôm, điện luôn đi trước một bước
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành “thủ phủ” nuôi tôm như kỳ vọng của Chính phủ, ngành Điện luôn đóng vai trò quan trọng. Trong những năm qua, Công ty Điện lực Bạc Liêu luôn “đi trước một bước” để góp phần đưa mục tiêu này trở thành sự thật.
Trong thời gian qua, tình hình cung cấp điện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu luôn ổn định, Công ty không thực hiện điều hòa phụ tải theo công suất, sản lượng phân bổ, chỉ thực hiện cắt điện công tác bảo trì, sửa chữa lưới điện theo kế hoạch, đáp ứng đủ điện cho tất cả các thành phần phụ tải.
Gần đây tình hình nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu bùng phát, phần lớn không nằm trong quy hoạch của tỉnh làm cho tình hình cung ứng điện gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể là việc cung cấp điện phục vụ các hộ dân nuôi tôm theo mùa vụ gặp nhiều khó khăn như: Các hộ dân nuôi nhỏ lẻ, thời vụ thả tôm đồng loạt làm cho phụ tải tăng đột biến gây quá tải cục bộ.
Trước đây, lưới điện nông thôn chỉ được đầu tư 1 pha phục vụ thắp sáng, mặc dù đơn vị đã đầu tư nâng cấp rất nhiều công trình từ 1 pha lên 3 pha nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng điện 3 pha để phục vụ nuôi tôm ngày càng tăng. Một số công trình lưới điện 1 pha hiện hữu không thể thực hiện nâng cấp lên 3 pha do nguồn vốn đầu tư xây dựng có giới hạn.
Nhận thức rõ vai trò của ngành điện trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, Công ty Điện lực Bạc Liêu luôn xác định nhiệm vụ vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện, đảm bảo cung cấp đủ điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là quan trọng hàng đầu. Đặc biệt đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm công nghệ cao.
Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Công ty Điện lực Bạc Liêu đảm bảo cấp điện phục vụ nuôi tôm, góp phần hoàn thành kế hoạch tăng trưởng GRDP của tỉnh Bạc Liêu. Đưa “Bạc Liêu sớm trở thành thủ phủ của ngành tôm Việt Nam” đúng như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ.
Chú trọng đầu tư nâng cấp lưới điện
Tuy nhiên, để biến mục tiêu đó thành sự thật đòi hỏi công tác đầu tư lưới điện phải rất được chú trọng. Trong thực tế thì công tác quy hoạch khu vực nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chưa được triển khai. Thời gian qua, để đảm bảo nhu cầu cấp bách về điện cho nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Công ty đã tập trung cải tạo, phát triển lưới điện khu vực nuôi tôm, ổn định điện áp vùng sâu, vùng xa, cụ thể:
Tính từ năm 2015 đến nay, Công ty Điện lực Bạc Liêu đã triển khai cải tạo lưới điện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu phục vụ cho nhu cầu nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp gồm 01 dự án và 03 công trình với khối lượng đầu tư: 133,17 km đường dây trung áp; 201,08 km đường dây hạ áp; tổng dung lượng là 20,13 MVA, với tổng giá trị đầu tư 117,9 tỷ đồng. Hiện tại, 01 dự án đã hoàn thành trong năm 2016 và 03 công trình còn lại đang thực hiện dự kiến hoàn thành trong quý II/2020.
Dự kiến năm 2020, kế hoạch đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu với tổng giá trị đầu tư 847,244 tỷ đồng, trong đó, 01 trạm biến áp và lưới điện 110 kV tổng giá trị đầu tư 435,654 tỷ đồng dự kiến triển khai và thi công hoàn thành trong năm 2020; lưới điện phân phối tổng giá trị đầu tư 411,59 tỷ đồng.
Có thể nói, trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2015 – 2019, ngành điện đã tận dụng tối đa mọi nguồn vốn (vốn vay, vốn tự có…) để đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu với khối lượng đầu tư 133,17 km đường dây trung áp; 201,08 km đường dây hạ áp; tổng dung lượng trạm biến áp 20,13MVA, với tổng giá trị đầu tư khoảng 117,9 tỷ đồng để phục vụ cho nhu cầu nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp cấp thiết trên địa bàn tỉnh, đáp ứng cấp điện cho khoảng 3.425 hộ dân, tổng diện tích là 4.037,6 ha.
Tiết kiệm điện trên mỗi vuông tôm
Giai đoạn 2018 – 2019, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tôm tham khảo và áp dụng 2 mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm đã được đánh giá và xác nhận khả năng tiết kiệm điện do Tổng công ty triển khai thí điểm tại Sóc Trăng (mô hình Thay thế gối đỡ chữ U bằng con lăn đỡ trục quay và mô hình Đồng trục hóa mô tơ với dàn quạt và sử dụng con lăn trục quay thay thế gối đỡ chữ U).
Công ty cũng đã triển khai hỗ trợ 342 con lăn tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại huyện Hòa Bình, cũng như vận động khách hàng áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện khác trong sản xuất như: Lắp đặt tụ bù điện tại các motor chạy quạt; Thay thế các động cơ có hiệu suất thấp hoặc động cơ quấn lại bằng động cơ tiết kiệm điện có hiệu suất cao; Lắp đặt biến tần để điều chỉnh tốc độ động cơ; Sử dụng đèn compact, đèn led, đèn năng lượng mặt trời trong chiếu sáng; Thay thế dây dẫn không đảm bảo chất lượng và gây sụt áp lớn bằng dây dẫn chất lượng, …
Bên cạnh đó, Công ty còn tích cực tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tôm áp dụng mô hình sử dụng điện năng lượng mặt trời trong nuôi tôm nhằm giúp người nuôi tôm chủ động trong việc cấp điện cho sản xuất, tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời với cường độ nắng cao tại tỉnh, giảm tổn thất điện năng trên đường dây từ nguồn đến phụ tải, đặc biệt khi vào mùa thả tôm nuôi đồng loạt cũng hạn chế làm phụ tải tăng đột biến gây quá tải cục bộ lưới điện.
Theo đánh giá của Công ty, phần lớn các hộ nuôi tôm đã áp dụng các biện pháp và các mô hình tiết kiệm điện mà Công ty hướng dẫn và đem lại hiệu quả trong sản xuất, riêng đối với mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm “Thay thế gối đỡ chữ U bằng con lăn đỡ trục quay” tỷ lệ áp dụng đạt khoảng 95%. Trong năm 2018 – 2019, Công ty cũng đã vận động được 7 khách hàng nuôi tôm tham gia lắp đặt và sử dụng điện năng lượng mặt trời để phục vụ sản xuất, với tổng công suất lắp đặt là 56,98 kWp.
Theo thống kê, khối lượng đường dây cấp điện cho khu vực nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu như sau:
– Đường dây trung áp: 789,8 km, trong đó: 1 pha 359,03 km và 3 pha 430,77 km;
– Đường dây hạ áp: 862,29 km, trong đó: 1 pha 555,04 km và 3 pha 307,25 km;
– Dung lượng trạm biến áp: 121.797,5 kVA/1.473 trạm, trong đó: trạm 1 pha 60.282,5 kVA/1.064 trạm và trạm 3 pha 61.515 kVA/409 trạm.
Tổng số hộ sử dụng điện nuôi tôm 9.166 khách hàng, sản lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng khoảng 16 triệu kW.h, chiếm tỷ trọng bình quân 20% so với sản lượng điện thương phẩm.
Tháo gỡ khó khăn trong nuôi tôm nước lợ
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong nuôi tôm nước lợ đang được Bộ NN-PTNT triển khai nhằm hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn.
- Nắng hạn gay gắt, nuôi tôm bất lợi
- Khó khăn đầu mùa tôm
- Khuyến cáo nuôi tôm nước lợ
- Dịch bệnh tôm nuôi bùng phát
Theo số liệu thống kê của các tỉnh ĐBSCL, ước trong quý I diện tích thả nuôi mới chỉ đạt 425.215 ha (bằng 85% so với cùng kỳ), chủ yếu là diện tích nuôi tôm quảng canh. Kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ 2 tháng đầu năm đạt 383,391 triệu USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ 2019).
Mặc dù, tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã có kết quả tích cực, các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm theo dự báo của VASEP sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục các hoạt động sản xuất như trước khi có dịch.
Tuy nhiên, dịch bệnh đang lan rộng gây hậu quả nghêm trọng tại Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc,… đã ảnh hưởng rất lớn và làm gia tăng khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhất là các sản phẩm thủy sản tươi sống.
Bên cạnh đó, tình hình hạn hán xâm nhập mặn tại các tỉnh ĐBSCL vẫn còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực nuôi tôm nước lợ của nước ta.
Trước những diễn biến trên, nhằm ổn định sản xuất, tránh những thông tin bất lợi, chủ động tận dụng và đón bắt cơ hội trong sản xuất, nuôi tôm nước lợ năm 2020, Tổng cục Thuỷ sản đã có công văn gửi Sở NN-PTNT các tỉnh/thành phố trung ương ven biển, các Hội, Hiệp hội liên quan đến sản xuất tôm nước lợ và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung như sau:
Trước mắt cần thông tin kịp thời và chỉ đạo sản xuất thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn và dịch Covid-19 để hoàn thành kế hoạch sản xuất tôm nước lợ các tháng đầu năm và cả năm 2020, trong đó lưu ý:
Các cơ quan chức năng cần làm việc với các doanh nghiệp chế biến, Hội/Hiệp hội, HTX/THT, người nuôi và chính quyền địa phương trên địa bàn nhằm nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin; tổ chức sản xuất, chế biến và hoạch định kế hoạch tiêu thụ sản phẩm phù hợp với diễn biến thực tế trong và sau khi dịch bệnh kết thúc.
Áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn để có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho chế biến.
Đối với tôm nuôi đến kỳ thu hoạch cần hỗ trợ người dân kết nối với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm.
Đối với các cơ sở đang nuôi với mật độ dầy, tôm kích thước nhỏ cần san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất.
Đối với diện tích chuẩn bị thả giống cần khuyến cáo người nuôi tiếp tục rải vụ, thả giống với mật độ thưa, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để hạn chế rủi ro, hạ giá thành nhằm chuẩn bị tốt nguồn tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trong quý II/2020 và các tháng tiếp theo.
Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung để kịp thời khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi.
Kiểm soát tốt chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản; điều kiện cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (bao gồm kiểm soát việc sử dụng ethoxyquin theo quy định của EU).
Triển khai nghiêm việc đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo quy định của Luật Thủy sản 2017.
Thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản ở địa phương, kịp thời thông tin tới doanh nghiệp và người nuôi tôm biết diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất thích ứng trước các biến động mới.
Phối hợp với các đơn vị chức năng như quản lý thị trường, công an,… để quản lý chặt các khâu trong chuỗi sản xuất tôm. Kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, thông tin sai sự thật gây tâm lý hoang mang, thiệt hại cho người sản xuất và tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với các Hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời đến các cơ quan liên quan để doanh nghiệp và người dân yên tâm sản xuất, tăng sản lượng thu mua, chế biến và tạm trữ tôm khi gặp những khó khăn trong xuất khẩu. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong nước để thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Các Hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tôm giống và thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cần có giải pháp hỗ trợ cụ thể chia sẻ khó khăn cùng người nuôi nhằm ổn định sản xuất.
Nguồn :https://nongnghiep.vn/
Tôm sú tự nhiên ‘khổng lồ’ rầm rộ về Sài Gòn, giá rẻ chưa từng thấy
Giá tôm sú “khổng lồ” chỉ còn 390.000 đồng/kg, đây là mức giá giảm sâu kỷ lục. Nhiều người đã tận dụng cơ hội “săn” loại tôm này về ăn.
Anh Minh Đức (ngụ quận 3) cho biết, anh và bạn bè đang “săn” tôm sú tự nhiên loại lớn về ăn vì giá đã giảm xuống “đáy”, chưa đến 400.000 đồng/kg. Đây là cơ hội mua tôm giá rẻ không phải lúc nào cũng có.
“Đợt này đang dịch Covid-19 nên nhiều người bán tôm sú giá mềm lắm. Tôi với một số đồng nghiệp rủ nhau đặt chung 5kg về ăn dần”, anh Đức nói.
Tôm sú “khổng lồ” loại 10 con/1kg. Ảnh: Đại Việt
Chị Trần Phương Liên (ngụ quận 4) chia sẻ, chị chuyên kinh doanh tôm, cua, cá online. Chị chưa bao giờ thấy tôm sú tự nhiên cỡ lớn lại rẻ như thời điểm này. Tôm sú loại 10 con/1kg đang được chị bán ra với giá chỉ 390.000 đồng/kg.
Trong khi đó, vào thời điểm trước dịch, tôm sú “cỡ đại” không dưới 450.000 đồng/kg.
“Đây là loại tôm sú sinh trưởng tự nhiên ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Mỗi lần nhập tôm, tôi chỉ mua được gần chục ký tôm “khổng lồ”. Tôm loại lớn rất hiếm nên có bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu”, chị Liên nói.
Theo chị Liên, tại thời điểm này, muốn gửi được tôm từ Cà Mau lên TPHCM cũng gặp rất nhiều khó khăn do việc hạn chế đi lại. Người nông dân phải vừa canh con nước để bắt tôm, vừa canh phương tiện để gửi tôm lên thành phố.
Tôm sú tự nhiên kích cỡ lớn có số lượng không nhiều và hiếm hoi trên thị trường. Ảnh: Đại Việt
Anh Vũ Văn Khôi, một người kinh doanh hải sản tại quận 10 cho biết, tôm sú “khổng lồ” còn có loại lớn hơn là 4 – 5 con/kg. Giá loại tôm này ở thời điểm chưa dịch khoảng 800.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng 650.000 – 700.000 đồng/kg.
“Tôm sú khổng lồ đang có mức giá không tưởng. Nhiều người thấy giá rẻ nên cũng đặt hàng trước với tôi. Thế nhưng, loại tôm lớn có số lượng rất hạn chế, bởi mỗi con tôm muốn nặng từ 100 – 250g phải mất từ 1 – 3 năm”, anh Khôi nói.
Tôm sú có vỏ mỏng, nhiều thịt hơn so với nhiều loại tôm khác nên được người sành ăn ưa chuộng. Ảnh: Đại Việt
Ông Võ Nguyễn Khánh Nguyên, một người nuôi tôm ở Bến Tre chia sẻ, tôm sú “khổng lồ” chủ yếu là tôm sống trong các hồ, đập tự nhiên và ăn thức ăn trong tự nhiên.
Đối với tôm nuôi công nghiệp thì người nuôi tôm sẽ bán tôm khi chúng đạt kích cỡ 20 – 25 con/kg.
“Con tôm nuôi lâu quá sẽ không có lời nên người nuôi sẽ bán tôm khi chúng đạt trọng lượng tiêu chuẩn. Tôm tự nhiên thì số lượng ít, kích cỡ không đều nên có giá cao hơn tôm nuôi. Tuy nhiên, nếu tôm tự nhiên loại 10 con/kg bán với giá 390.000 đồng thì đây là mức giá rất rẻ”, ông Nguyên nói.
Theo Dân trí
Tôm hùm xanh giá rẻ bán đầy vỉa hè Hà Nội, người dân hiếu kỳ tranh nhau mua
Mấy ngày này, dọc đoạn đường Phúc La (Hà Đông) lần đầu tiên hải sản “nhà giàu” được các tiểu thương mang ra tận… vỉa hè để bày bán. Loại tôm hùm này được giới thiệu là tôm hùm Khánh Hòa trong đợt giải cứu nên bán với giá không lợi nhuận.
Vốn không phải mặt hàng bình dân được bày bán tràn lan tại các chợ dân sinh hay trên vỉa hè, song nhiều ngày nay, tôm hùm xanh được các tiểu thương tại Hà Nội nhập về bán với giá tương đối rẻ.
Xuất hiện bất ngờ trên vỉa hè đường Phúc La (Văn Phú, Hà Đông), những con tôm hùm siêu to thu hút sự hiếu kỳ của người dân khi lần đầu tiên thấy loại hải sản “nhà giàu” xuống phố.
Tôm hùm lần đầu xuất hiện trên vỉa hè đường Phúc La – Văn Phú (Hà Đông) thu hút sự quan tâm của người qua đường.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên đoạn đường này, có khoảng 3 quầy bán tôm hùm cơ động bày ra trên vỉa hè. Mỗi quầy có khoảng 30 con là 3 loại tôm hùm với kích cỡ khác nhau. Lần đầu tiên ở đây xuất hiện những điểm bán tôm hùm như thế này.
3 loại tôm được bày bán có kích thước to dần tương đương với giá thành: Loại 1 từ 0,4 – 0,6kg/con có giá 790.000đ/kg; loại 2 từ 0,3 – 0,4kg/con có giá 650.000đ/kg và loại 3 từ 0,2 – 0,3kg/con có giá khoảng 500.000đ/kg.
Có 3 loại tôm hùm theo kích thước lớn dần tương đương với giá thành khác nhau của mỗi loại.
Theo anh Hiếu, người bán tôm hùm ở đây cho biết loại tôm hùm này là tôm hùm Khánh Hòa đang trong đợt giải cứu nên bán với giá rẻ hơn một nửa so với giá gốc. Anh Hiếu cùng mấy người bạn liên hệ được với các thương lái số lượng lớn nên nhập về bán thử.
Trước đây, anh Hiếu chuyên bán hải sản tại các chợ đầu mối Hà Nội, nhưng từ khi nhập được mối tôm hùm giá tốt, anh tranh thủ buổi chiều muộn mang ra vỉa hè gần nhà bán tôm kiếm thêm thu nhập.
Do chỉ nhập số lượng nhỏ nên một số tiểu thương mang ra vỉa hè bán thay vì bán trong các chợ hải sản.
Bảng giá tôm hùm hấp dẫn thu hút sự chú ý của người qua đường.
Mỗi ngày, những người bán tôm vỉa hè như anh Hiếu chỉ nhập từ 25 – 30 con để đảm bảo tiêu thụ ngay trong ngày. Người đàn ông này cũng cho biết thêm, trong chợ dân sinh và các chợ thực phẩm đầu mối hiện nay có khá nhiều người đã bán thêm tôm hùm nên độ cạnh tranh cao. Anh mang ra vỉa hè nơi có đông người qua lại, nhiều người lần đầu tiên tận mắt thấy tôm hùm nên hiếu kỳ muốn ăn thử, sức mua tốt.
Quang cảnh chưa từng thấy của một quầy bán tôm hùm – loại hải sản từng được coi chỉ dành cho giới nhà giàu.
Trung bình mỗi người chỉ mua 1 đến 2 con về ăn thử cho biết, thi thoảng gặp khách “sộp” mua từ 5 – 6 con tôm loại to. Nhờ vậy, chỉ ngồi vỉa hè khoảng 3 tiếng từ 16-19h chiều, tiểu thương đã có thể tiêu thụ hết gần 30 con tôm hùm, dễ dàng thu về tiền triệu mỗi ngày.
Chất lượng những con tôm này được người bán hàng tự tin khẳng định là tôm tươi có thế sống 5-6 tiếng ở nhiệt độ thường; tôm chắc thịt đúng chuẩn tôm hùm Khánh Hòa và chỉ có số lượng nhỏ để bán trong ngày chứ không có nguồn nhập đều.
Chất lượng tôm hùm được bán ở vỉa hè.
Đợt “giải cứu” tôm hùm trong 2 tháng nay khiến giá tôm hùm đắt đỏ trước kia giảm còn một nửa. Tôm hùm không chỉ xuất hiện trong các nhà hàng sang trọng, là món ăn chỉ dành cho giới nhà giàu mà bây giờ xuất hiện tràn lan tại các chợ dân sinh, chợ hải sản thông thường, thậm chí ngay trên… vỉa hè.
Giá tôm hùm giảm mạnh và chất lượng vẫn đảm bảo đã góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng cùng người dân trong nước. Đây cũng là cơ hội giúp những người có thu nhập trung bình được trải nghiệm ăn thử loại hải sản đắt đỏ.
Nguồn: http://danviet.vn
Thị trường tôm thế giới sẽ sôi động trở lại sau quý 2?
Virus corona xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc, sau đó lan sang Châu Âu vào đúng mùa tiêu thụ tôm mạnh nhất trong năm.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam virus Corona bùng phát đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất và thương mại tôm toàn cầu, khiến nguồn cung dư và giá thấp, theo đánh giá của ông Gorjan Nikolik – chuyên gia phân tích tại Rabobank. Virus corona xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc, sau đó lan sang Châu Âu vào đúng mùa tiêu thụ tôm mạnh nhất trong năm.
Cho tới nay, dịch bệnh này đã và đang tiếp tục ảnh hưởng rõ rệt hơn tới hoạt động nuôi trồng, thương mại tôm của một số thị trường nguồn cung lớn trên thế giới như: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia,Thái Lan… và cả Việt Nam.
Cuối năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020, các hãng xuất khẩu tôm của Ecuador đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc vốn tiêu thụ 60% nguồn tôm của nước này.
Tháng 2/2020, trong khi Trung Quốc thực hiện lệnh phong tỏa nhiều nơi để ngăn chặn virus lây lan, lượng tôm Ecuador xuất khẩu sang Mỹ đã tăng 19,4% so cùng kỳ năm ngoái, một phần do giá thấp hơn. Suốt gần 2 tháng kiểm dịch để ngăn chặn corona, tiêu thụ tôm tại Trung Quốc giảm mạnh. Dù vậy, xuất khẩu tôm của Ecuador trong tháng 2, gồm cả xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng so cùng kỳ năm ngoái.
Dịch COVI_19 ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm. |
Ngay sau đó, virus corona lan nhanh từ Trung Quốc sang châu Âu, Mỹ và hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh. Italy, quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi corona, tới nay cũng phải áp dụng nhiều biện pháp trên toàn quốc, tương tự Trung Quốc để kìm hãm sự bùng phát dịch bệnh như phong tỏa nhiều nơi và yêu cầu cư dân ở nhà. Điều này cũng tác động tiêu cực tới lĩnh vực nhập khẩu thủy, hải sản trị giá 4,7 tỷ EUR/năm của Italy, trong đó có 10% là nhập khẩu tôm. Nếu hoạt động nhập khẩu tôm bị tê liệt trên phạm vi toàn cầu, thì nhiều nhà sản xuất ở Ecuador sẽ chẳng mấy chốc sụp đổ, theo một doanh nghiệp thu mua và chế biến tôm tại Ecuador.
Virus corona đang lan nhanh tại Mỹ, nơi 50% lượng tôm được tiêu thụ tại các kênh dịch vụ ẩm thực, trong khi tỷ lệ này ở châu Âu là 20%- 30%. Lượng đơn đặt hàng giảm suốt nửa đầu năm sẽ ảnh hưởng đến giá tôm vào nửa cuối năm. Hoạt động nuôi tôm tại Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và phần còn lại của Đông Nam Á sẽ bị thu hẹp do Covid-19. Trong khi đó các công ty tại Ecuador cũng sẽ bị ảnh hưởng dù họ đang tích cực kêu gọi chính phủ trợ giúp. Những hãng sản xuất lớn hơn tại quốc gia Mỹ Latinh này có thể phải kìm hãm thời gian thu hoạch, giữ tôm trong ao. Thực tế, Ecuador còn không có cơ sở hạ tầng để chứa tôm. Tùy vào vụ thu hoạch, nhà sản xuất tại đây chỉ có khả năng tích trữ tôm tối đa 1 tuần.
Tại Ấn Độ, thu nhập của các hộ nông dân nhỏ lẻ sẽ giảm còn các công ty chế biến tôm cũng ảnh hưởng nặng do giá tôm lao dốc kéo theo tình trạng nông dân giảm thả nuôi 30 – 50%. Rất nhiều nông dân dường như đã không thả nuôi suốt thời gian Covid-19 hoành hành, theo thông tin từ Hội chợ thủy sản quốc tế Ấn Độ 2020 tại Kochi. Điều này có nghĩa giá tôm đã giảm rất mạnh trong thời gian có dịch Covid-19.
Tuần trước, giá tôm thẻ size 40 mua tại ao ở Andhra Pradesh khoảng 330 INR/kg (4,39 USD), giảm 14% so tuần 10; size 60 giá 240 INR/kg, giảm 21%. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa 21 ngày tại Ấn Độ cũng đẩy nguồn cung tôm vụ thu hoạch tháng 4 rơi vào tình trạng bất ổn. Dù các trại nuôi đều được xếp vào nhóm ngành nghề thiết yếu, nhiều nhà máy đóng gói và chế biến vẫn đang đóng cửa. Tại bang Kerala và Gujurat, tất cả các bộ phận thuộc chuỗi cung ứng thủy hải sản gồm trại giống, thức ăn, vận chuyển con giống vẫn được phép hoạt động suốt thời gian phong tỏa. Tuy nhiên, do lượng lao động ít ỏi nên họ cũng phải đóng cửa.
Liệu giá tôm có tăng sau khi cung giảm? Các hãng tôm tại Ecuador cho rằng tình trạng giá tôm duy trì ở mức thấp suốt thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến nông dân Ecuador mà cả Ấn Độ, Thái Lan và các nước nuôi tôm khác. Nhiều nông dân không thể trụ vững.
Các hãng tôm Ecuador đang kỳ vọng ngành tôm năm 2020 có thể đạt doanh thu xuất khẩu ấn tượng 2 tỷ USD sang Trung Quốc như năm ngoái, bất chấp các tác động của Covid-19. Các đơn đặt hàng từ Trung Quốc đã xuất hiện trở lại cũng mang lại hy vọng cho các hãng tôm Ecuador. Nhưng khi thị trường tôm Trung Quốc đang phục hồi, thì đơn hàng đi Châu Âu và Mỹ lại giảm mạnh do corona khiến giá tôm vẫn ở mức thấp.
Huy động vốn cho ngành tôm là điều rất nan giải. Giá tôm bán ra hiện không bù nổi chi phí sản xuất. Đây là tình trạng chung tại Ecuador, Ấn Độ hay Thái Lan.
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những tác động không nhỏ do dịch bệnh Covid-19 gây ra như bị hoãn, thậm chí bị hủy đơn hàng, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường giảm trong khi vẫn phải duy trì việc làm cho công nhân và thanh toán nhiều khoản thuế, chi phí đầu vào…
Tuy nhiên, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm cách vượt qua khó khăn như đa dạng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh bán hàng cho các kênh siêu thị, giao hàng tại nhà, chế biến sâu để bán cho phân khúc bán lẻ thay cho phân khúc dịch vụ thực phẩm đang sụt giảm mạnh. Trong 2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm vào 2 thị trường lớn là Trung Quốc không giảm nhiều, nhập khẩu vào Mỹ tăng do doanh số bán tôm phân khúc bán lẻ tăng mạnh, cũng là một điểm tích cực.
Giới chuyên môn cũng kỳ vọng hết quý 2, dịch bệnh lắng xuống và nhu cầu thị trường sẽ sôi động trở lại. Doanh nghiệp đang chờ các chính sách của Nhà nước để được xây dựng kho lạnh trữ hàng, chủ động được nguồn nguyên liệu khi thế giới có nhu cầu trở lại. Nhất là khi các nước nuôi tôm lớn như Ecuador và Ấn Độ cũng đang gặp nhiều khó khăn và giảm thả nuôi.
Bệnh vi bào tử trùng trên tôm thẻ chân trắng
Kể từ khi Cục thủy sản (Department of Fisheries) – thuộc Bộ Nông Nghiệp Thái Lan (Ministry of Agriculture and Cooperatives) cho phép nhập khẩu tôm chân trắng để nuôi thương phẩm vào năm 2012, sản lượng tôm chân trắng nuôi thâm canh đã tăng trưởng dữ dội.
Bất chấp ảnh hưởng của bệnh tôm do virus như đốm trắng, đầu vàng và Taura – nguyên nhân gây thất mùa nghiêm trọng tại một số vùng nuôi – sản lượng tôm chân trắng năm 2009 đã đạt đến 540.000 tấn.
Một bệnh khác là bệnh vi bào tử trùng gây ra bởi ký sinh trùng Microsporidian mặc dù không có tỷ lệ chết nghiêm trọng nhưng tôm bị nhiễm bệnh thường có màu sắc cơ trắng đục đã gây ra những thiệt hại kinh tế đáng kể cho người nuôi. Tần suất phổ biến cao của bệnh do vi bào tử trùng đối với các quần thể tôm hoang dã đã được báo cáo phát hiện trên một số giống tôm he. Tôm bệnh được xác định bằng dấu hiệu biến đổi màu sắc cơ thịt sang dạng trắng sữa hoặc mờ đục. Tôm bệnh do vi bào tử trùng được biết đến với tên tiếng Anh là “cotton shrimp” (tôm bông gòn) hoặc “Milky shrimp” (tôm sữa) và tiếng Thái là “White back” (tôm lưng trắng) (Donyadol và cộng sự, 1985; Limsuwan, 1991; Flegel và cộng sự, 1992). Ở Thái Lan, vi bào tử trùng phân lập từ tôm sú (Black tiger shrimp – Penaeus monodon) và tôm bạc thẻ (banana shrimp – Penaeus merguiensis) bị bệnh bước đầu được xác định là Agmasoma (Thelohania) panaei (Flegel và cộng sự, 1992). Trên tôm chân trắng, bệnh do vi bào tử trùng được báo cáo từ những ao nuôi thâm canh ở khu vực ven biển vào năm 2006.
DẤU HIỆU LÂM SÀNG
Tôm được phát hiện nhiễm vi bào tử trùng microsporidian lần đầu vào giai đoạn 15 – 20 ngày sau khi thả giống trong ao nuôi. Tôm nhiễm bệnh có nhiều phần trên cơ thể chuyển sang màu trắng đục hay màu sữa. Khi tôm lớn dấu hiệu lâm sàng này càng dễ dàng quan sát hơn, đặc biệt ở phần lưng từ gan tụy đến phần giữa thân. Tuy nhiên, vài con cũng bị đục cơ ở phần đốt cuối cơ thể (Hình 1).
Những đám, vệt lớn màu trắng đục trên những con tôm bị nhiễm bệnh cho thấy chúng thay thế cơ thịt cũng như những cơ quan khác như gan tụy, dạ dày và cơ quan bạch huyết (Lymphoid organ) (Hình 2).
Quan sát dưới kính hiển vi điện tử cho thấy mỗi túi bào tử chứa (sporophorous vesicle) chứa tám bào tử Thelohania hoặc Agmasoma (Hình 3) tương tự như vi bào tử trùng microsporidian trong báo cáo trước đây trên tôm sú của tác giả Limsuwan (1991), Flegel và cộng sự (1992). Quan sát dưới kính hiển vi điện tử cho thấy những khối lớn màu trắng chứa nhiều túi bào tử.
SỰ THAY ĐỔI MÔ BỆNH HỌC CỦA TÔM BỊ NHIỄM VI BÀO TỬ TRÙNG
Sự thay đổi mô bệnh học trên những con tôm bị bệnh từ hệ gan tụy và cơ thịt của nhóm tôm bị nhiễm bệnh sau 30 ngày thả nuôi cho thấy những đám màu trắng lớn của vi bào tử trùng microsporiadian dần dần thay thế hệ gan tụy và các cơ quan khác bao gồm dạ dày và phần cơ bụng trong khi nhóm những con tôm bị nhiễm vi bào tử trùng ở phần cơ cho thấy cơ bị thay thế dần bởi vi bào tử trùng. Ở giai đoạn 45, 60, 75, 90, 105 và 120 ngày tuổi thay đổi mô bệnh học cho thấy sự lây nhiễm vi bào tử trùng càng trở nên nghiêm trọng hơn khi chúng gần như thay thế hoàn toàn hệ gan tụy. Ống gan tụy của những con tôm bị nhiễm bệnh nặng bị giãn rộng và hoại tử.
SỰ LƯU HÀNH VÀ TÍNH NGHIÊM TRỌNG CỦA BỆNH
Sự lưu hành của bệnh vi bào tử trùng được quan sát trong 03 ao nuôi tôm thâm canh tôm thẻ chân trắng không xử lý nước để loại bỏ cá khi thả nuôi cho thấy tỷ lệ lưu hành bệnh cao nhất là 25 – 28% ở giai đoạn 60 ngày tuổi (Bảng 1). Sau đó, tỷ lệ bệnh giảm nhẹ ở giai đoạn 80 – 90 ngày tuổi và đột ngột suy giảm nhanh chóng ở giai đoạn 105 ngày tuổi. Khi tôm được thu hoạch, tỷ lệ nhiễm bệnh chỉ còn 3.0 – 4.2%. Sau khi bệnh xuất hiện lần đầu tiên sau thả giống 15 – 20 ngày, số lượng tôm nhiễm bệnh quan sát được ngày càng tăng cho đến 60 ngày tuổi có thể bởi vì ở tôm lớn thì vi bào tử trùng thay thế phần lớn cơ thịt và các cơ quan khác, do đó mà những mảng trắng đục sẽ dễ dàng quan sát hơn trên tôm còn nhỏ. Điều này rất đáng quan tâm vì tỷ lệ phần trăm tôm bệnh quan sát trong sàng ăn tăng trong suốt vụ nuôi. Tôm bị nhiễm vi bào tử trùng microsporodian nặng thường bị mềm vỏ và chậm lớn hơn những con tôm mạnh khỏe. Tỷ lệ phần trăm tôm bị nhiễm bệnh trong sàng ăn và trong chài kiểm tra cũng được so sánh, kết quả chỉ ra rõ ràng rằng tỷ lệ phát hiện tôm bệnh trong chài thắp hơn rất nhiều so với tỷ lê tôm bệnh trong sàng ăn. Điều này cho thấy những con tôm bị bệnh thì không thể cạnh tranh với những con tôm mạnh khỏe trong thời gian cho ăn, vì thế chúng thường tìm đến sàng ăn. Chính vì thế mà việc đánh giá tỷ lệ tôm bệnh bằng cách chài sẽ chính xác hơn là đánh giá qua sàng ăn.
Chú thích:
A – Vi bào tử trùng nhiễm trên hệ gan tụy và cơ lưng bụng.
B – Vi bào tử trùng chỉ nhiễm trên cơ lưng bụng.
Tỷ lệ lưu hành bệnh đat đến 28% ở ao 03 sau 60 ngày thả nuôi. Sau 60 ngày, những con tôm bị nhiễm bệnh nặng sẽ chết dần vì các cơ quan bao gồm hệ gan tụy, cơ quan bạch huyết, dạ dày và cơ lưng bụng bị hư tổn nghiêm trọng dẫn đến việc suy giảm chức năng sinh lý bình thường của tôm và bị ăn bởi những con tôm khỏe mạnh khác. Hơn nữa, sau 60 ngày thì không còn xuất hiện tôm mới bị nhiễm bệnh do đó tỷ lệ nhiễm bệnh không gia tăng khi chài kiểm tra và khi thu hoạch thì không phát hiện dấu hiệu lâm sàng ban đầu của tôm bị nhiễm bệnh mặc dù nước từ ao chứa được sử dụng để thay nước trong quá trình nuôi không được xử lý.
Kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng sự nhiễm vi bào tử trùng xảy ra sau giai đoạn lây nhiễm bào tử ở giai đoạn tôm giống (bào tử bị ăn bởi tôm giống). Điều kiện môi trường trong giai đoạn giống phù hợp hơn cho sự lây nhiễm vi bào tử trùng so với điều kiện môi trường sau 60 ngày thả nuôi hoặc cũng có thể tôm lớn có khả năng đề kháng tốt hơn với vi bào tử trùng.
ẢNH HƯỞNG CỦA BỆNH ĐẾN TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG
Báo cáo của Prasertsri và cộng sự cho thấy tôm thẻ chân trắng bị nhiễm vi bào tử trùng trên gan tụy và trên cơ bụng đều có trọng lượng thấp nhất một cách có ý nghĩa so với tôm chỉ bị nhiễm trên cơ bụng và tôm khỏe mạnh tại thời điểm lấy mẫu là giai đoạn 45 ngày sau khi thả giống và trong suốt thời gian 120 ngày nuôi. Tôm chỉ bị nhiễm vi bào tử trùng trên cơ bụng thì có trọng lượng thấp hơn một cách có ý nghĩa so với tôm mạnh khỏe. Tôm bị bệnh nặng, đặc biệt là với những con bị nhiễm trên cả hệ gan tụy và cơ thì bị mềm vỏ và chậm phát triển hơn so với những nhóm còn lại. Mặc khác những con tôm bị bệnh nặng rất yếu vì vi bào tử trùng đã xấm chiếm phần lớn hệ gan tụy và những cơ quan cần thiết cho sự sống quan trọng khác. Chính vì thế mà tôm sẽ giảm ăn, giảm trao đổi chất và chậm phát triển. Khi tôm vào giai đoạn tuổi 75 – 105 ngày, tỷ lệ lưu hành bệnh giảm rõ rệt trong chài kiểm tra vì chúng đã chết dần và bị ăn thịt bởi những con tôm khỏe mạnh. Sau khi thu hoạch vào ngày 120, sản lượng và tỷ lệ sống có liên quan đến tỷ lệ cảm nhiễm vi bào tử trùng. Ao 2 có sản lượng cao nhất vì tỷ lệ nhiểm bệnh thấp nhất.
GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA BỆNH VI BÀO TỬ TRÙNG
Calcium hypochloride (chlorine) ở nồng độ 18 mg/l (ppm) dùng sử lý nước có hiệu quả đối với bào tử microsporidian. Tỷ lệ lưu hành bệnh khách biệt có ý nghĩa giữa ao được xứ lý nước (5,4%) so với ao không xử lý nước (25,2%). Tuy nhiên, một số bào tử vi bào tử trùng vẫn sống sót bất chấp tác dụng của chlorine (Limsuwan và cộng sự, 2008). Hàm lượng cao của cặn bã và vật chất hữu cơ có thể làm giảm độc lực của chlorine và qua đó cũng giảm tác dụng tiêu diệt các giai đoạn cảm nhiễm của vi bào tử trùng. pH cao cũng là nguyên nhân làm giảm độc lực của chlorine (Zillich, 1972; Floyd, 1979). Giải pháp ngăn ngừa bệnh này bao gồm cả việc loại bỏ những vật chủ trung gian mang mầm bệnh đặc biệt là các loài cá trong những vùng nuôi tôm đã bùng phát bệnh trước đó trước khi thả giống.
Bài viết được thực hiện bởi: GSTS Chalor Limsuwan – Trung tâm nghiên cứu thương mại thủy sản (ABRC) – Khoa thủy sản – Trường Đại học Kasesart – Thailand
Nguồn: http://www.asianaquaculturenetwork.com
Lược dịch bởi: KS NGUYỄN THÀNH QUANG THUẬN – https://sinhhoctomvang.vn/