Bạn tìm thông tin gì?

Blog

“Thấm đòn” Covid-19, nhiều doanh nghiệp thủy sản sẽ không thể trụ nổi

"Thấm đòn" Covid-19, nhiều doanh nghiệp thủy sản sẽ không thể trụ nổi

Ảnh minh họa.

Hiện nay chỉ có 30-50% tỷ lệ các đơn hàng vẫn tiến hành giao cho khách đúng tiến độ, trong khi đó tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng là 20-40%, yêu cầu hủy là 20-30%.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp hội viên của VASEP, do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt trong giai đoạn hai tuần đầu tháng 3/2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.

Nhiều doanh nghiệp đưa ra nhận định rằng, tháng 1/2020 mới là thời điểm bắt đầu cho giai đoạn ách tắc trong hoạt động thương mại thủy sản. Từ tháng 3 này khi dịch bệnh tăng tốc và lan tỏa ở mức độ chóng mặt sẽ kéo theo những hệ quả nặng nề ngày càng trầm trọng hơn.

Trước tình hình này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) để hiểu rõ tác động của dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động của các doanh nghiệp và ngành thủy sản.

Thấm đòn Covid-19, nhiều doanh nghiệp thủy sản sẽ không thể trụ nổi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

PV: Dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như hoạt động tiêu thụ, giá cả nhiều ngành, trong đó có ngành thủy sản. Phía Hiệp hội đánh giá dịch Covid-19 sẽ tác động như thế nào đến ngành thủy sản trong thời gian tới thưa ông?

Ông Trương Đình Hoè: Dịch covid-19 đã lây lan và ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nó đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và nền kinh tế thế giới. Đặc biệt dịch đã bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ,… đây là cũng là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Vì vậy ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã bị những ảnh hưởng rõ rệt, ước tính xuất khẩu thủy sản riêng trong tháng 3/2020 chỉ đạt 549 triệu USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ, trong đó tại các thị trường trọng điểm đều giảm mạnh, lần lượt là: Châu Âu giảm sâu nhất (-40%), Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24% và Nhật Bản giảm 19%, riêng tại thị trường Mỹ do dịch Covid-19 bùng phát trễ hơn các thị trường khác nên kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm tương đối nhẹ hơn -8,6% và tạm thời các sản phẩm thủy sản Việt Nam vẫn giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ.

Tuy nhiên với diễn biến dịch bệnh còn đang phức tạp tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, do vậy trong vài tháng tới đây tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm. Doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng xuất khẩu sụt giảm, bị hoãn hoặc hủy các đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán không thuận lợi, sẽ có nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ) sẽ không thể trụ nổi.

PV: Dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu xuất khẩu ngành thủy sản năm nay thưa ông?

Ông Trương Đình Hoè: Như đã nói, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục sụt giảm. Do đó với kế hoạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD trong năm 2020 cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp, hiện nay chỉ có 30-50% tỷ lệ các đơn hàng vẫn tiến hành giao cho khách đúng tiến độ, trong đó tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng là 20-40%, yêu cầu hủy là 20-30%, và các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng thường là: Trung Quốc, Châu Âu và Hàn Quốc.,.. Đặc biệt tại thị trường EU chủ yếu các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy, sản phẩm cá tra ít bị ảnh hưởng một phần do giá cả rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị.

PV: Để giảm bớt những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, phía Hiệp hội có khuyến cáo gì với doanh nghiệp hay không?

Ông Trương Đình Hoè: Những tác động bởi dịch Covid-19 đối với tình hình xuất khẩu thủy sản là không thể tránh khỏi và các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu tình hình dịch bệnh không thể được kiểm soát tốt. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay các doanh nghiệp hoàn toàn bị động, cách tốt nhất là doanh nghiệp phải tự tổ chức lại (từ kế hoạch sản xuất, lao động, thị trường xuất khẩu…) để giảm chi phí và tiếp tục hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, cố gắng duy trì các hoạt động sản xuất của nhà máy nhằm tiếp tục đáp ứng các đơn hàng đúng theo tiến độ.

Phía VASEP vẫn thường xuyên tập hợp ý kiến doanh nghiệp về những khó khăn vướng mắc do ảnh hưởng của Covid-19 để có thể đề xuất lên Chính phủ những giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này.

PV: Ông dự báo bức tranh của ngành thủy sản năm nay thế nào: Về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, về tình hình sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ trong nước?

Ông Trương Đình Hoè: Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát tốt tại các nước lớn cũng là thị trường lớn của xuất khẩu thủy sản thì trong năm 2020 dự đoán tất cả các ngành nghề không lạc quan cho lắm, trong đó có ngành thủy sản. Dù cho dịch bệnh có thể được kiểm soát tốt trong cuối quý II/2020 thì các thị trường cũng cần có thời gian để hồi phục trở lại. Người dân cũng cần phải ổn định lại đời sống của họ, mặc dù nói thực phẩm là cần thiết nhưng lúc này người tiêu dùng sẽ cân nhắc hơn và những sản phẩm giá rẻ sẽ có cơ hội mở rộng thị phần tiêu thụ.

Nhìn chung trong năm 2020 này, các doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động sản xuất và xuất khẩu cầm chừng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó khăn hơn nếu dịch bệnh còn kéo dài thêm vài tháng nữa. Đối với thị trường nội địa cũng không dễ dàng khi có rất nhiều doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động duy trì, tình trạng công nhân bị mất việc, giảm lương,…do đó tình hình tiêu dùng trong nước cũng sẽ sụt giảm đáng kể.

Với hy vọng đến cuối quý II/2020 toàn thế giới có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, không còn lây lan, để các thị trường có thời gian hồi phục trở lại và hy vọng ngành thủy sản Việt Nam có thể dần khôi phục trở lại vào những tháng cuối năm.

Quỳnh Anh

Theo Nhịp sống kinh tế

Các trường hợp “Bệnh đốm trắng” trên tôm nuôi

ào giai đoạn giao mùa như hiện nay, tôm nuôi bắt đầu bước vào giai đoạn xuất hiện bệnh đốm trắng. Khác với bệnh hoại tử gan tụy cấp AHPND xảy ra tập trung vào mùa nắng nóng, bệnh đốm trắng ngược lại xảy ra ở giai đoạn mùa lạnh, khi nhiệt độ xuống thấp dưới 32 độ C.

Bệnh đốm trắng được biết đến từ lâu và là một bệnh nguy hiểm cho nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào tôm bị đốm trắng cũng gây ra tình trạng chết cấp tính (có thể đạt đến tỷ lệ chết 100%) trong vòng 2 – 3 ngày.

Vào năm 1997, bằng những nghiên cứu thực nghiệm tại Thailand, giáo sư Chalor Limsuwan và cộng sự tại trường Đại học Kasesart đã xác định và mô tả kỹ bốn trường hợp tôm bị bệnh đốm trắng khác nhau.

Với những thông tin bên dưới, hy vọng có thể hỗ trợ người nuôi có thể xác định rõ các vấn đề về đốm trắng nếu gặp phải trong ao nuôi của mình, qua đó có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.

TRƯỜNG HỢP 1:

Nếu phát hiện tôm bệnh tấp mé ở giai đoạn trong tháng nuôi đầu đến 12 gram có những đốm trắng rõ ràng dưới vỏ đầu ngực và trên đốt bụng (đặc biệt ở đốt đuôi), ngoài ra tôm giảm ăn rõ rệt, kiểm tra PCR sau đó cho kết quả dương tính và kiểm tra mô học cho thấy mô bị nhiễm virus đốm trắng điển hình thì không thể làm bất cứ gì cho trường hợp này. Mọi nỗ lực khống chế bệnh hầu như đều không mang lại hiệu quả vì những con tôm khỏe mạnh bắt đầu ăn những con tôm chết, chúng sẽ nhanh chóng bị nhiễm virus đốm trắng và chết cấp tính với tỷ lệ cao – có thể đạt 100% – ngay sau đó trong 02 – 03 ngày.

ảnh bệnh đốm trắng trên tôm

TRƯỜNG HỢP 2:

Tôm nuôi xuất hiện những đốm trắng trên vỏ đầu ngực nhưng vẫn ăn bình thường, trong trường hợp này, có khả năng đàn tôm không nhiễm virus đốm trắng. Điều này càng đặc biệt đúng, nếu như người nuôi không phát hiện có tôm yếu tấp mé. Kiểm tra PCR những con tôm “bị đốm trắng” này cho kết quả âm tính. Kiểm tra mô bệnh học cho thất các mô bình thường.

Trong trường hợp này, có thể các đốm trắng trên vỏ đầu ngực của tôm là kết quả của quá trình lắng đọng can – xi trên vỏ đầu ngực do tôm phải sống trong môi trường ao nuôi với pH cao kéo dài, pH buổi sáng thường đo được ở mức 8,3. Trong trường hợp này, cần hạ pH xuống dưới mức 8,0 nhưng phải trên 7,5 vào buổi sáng. Bằng cách này, trong lần lột xác kế tiếp, đốm trắng sẽ biến mất một cách tự nhiên. Hiện tại công ty sinh học tôm vàng cung cấp sản phẩm vitamin C15 hạ pH an toàn cho tôm.

TRƯỜNG HỢP 3:

Nếu tôm cập mé xuất hiện đốm trắng cùng với màu sắc nâu sậm hoặc mang dơ thì đấy không phải là do tôm bị nhiễm virus đốm trắng. Mặc dù tôm có thể giảm ăn nhẹ, nhưng phần lớn đàn tôm vẫn ăn bình thường. Kiểm tra PCR và mô học không phát hiện virus đốm trắng, tuy nhiên sẽ có sự xuất hiện của vi khuẩn trên nhiều cơ quan khác nhau của tôm. Trong trường hợp này, biện pháp tốt nhất là cố gắng loại bỏ hoàn toàn những con tôm bệnh ra khỏi ao nuôi và tiến hành cải thiện triệt để môi trường (chẳng hạn như giảm chất thải, giảm tảo …).

TRƯỜNG HỢP 4:

Thỉnh thoảng khi chài tôm, người nuôi thấy vài con tôm có hiện tượng đốm trắng trên vỏ đầu ngực. Tuy nhiên, những con tôm này vẫn hoạt động bình thường, không tấp mé và ăn tốt. Chúng thường xuất hiện ở giai đoạn cuối vụ nuôi trước khi thu hoạch. Kiểm tra PCR đốm trắng những con tôm này cho kết quả âm tính. Sau khi lột xác, đốm trắng hoàn toàn biết mất.

Nguồn: What kind of white spot kills shrimps  – Chalor Limsuwan – Khoa thủy sản – Đại học Kasesart – Thailand.  AAHRI Mewsletter Article – Volume 6 No.2, tháng 12/1997.

Dịch bởiKS NGUYỄN THÀNH QUANG THUẬN

Vì sao việc kiểm soát bệnh đốm trắng trên tôm nuôi gặp nhiều khó khăn

Bất kỳ ai đã từng nuôi tôm cũng đều biết rằng, bệnh đốm trắng có thể xóa sạch một trang trại trong vòng ba ngày. Tôm có thể vẫn khỏe mạnh, ăn bình thường nhưng sau đó thì nhanh chóng chết tất cả chỉ trong ba ngày. Những đợt dịch virus đốm trắng sau này có thể không nghiêm trọng về tỷ lệ chết, nhưng điều này không có nhiều ý nghĩa vì tôm vẫn chết với tỷ lệ lớn ở bất kỳ kích cỡ nào.

Vậy người nuôi có thể làm được những gì? Đầu tiên chúng ta cần xem xét một số thông tin sau đây:

  1. Cần ghi nhớ rằng, các trang trại nuôi tôm không phải là môi trường tự nhiên.Trong tự nhiên, tôm không sống trong các ao nuôi với mật độ cao và ăn thức ăn viên, chúng có môi trường sống cực kỳ “sang trọng” và mật độ rất thấp. Trong các ao nuôi mật độ rất thấp (chẳng hạn như môi trường nuôi quảng canh – người dịch), đốm trắng gần như không hiện diện bất chấp các biện pháp an toàn sinh học có được đảm bảo hay không. Nuôi với mật độ cao là nguyên nhân gây nên “stress” và điều này có lợi cho virus đốm trắng phát triển mạnh trong môi trường ao, sự lây lan cũng nhanh chóng hơn bởi mật độ nuôi cao hơn so với điều kiện sống trong tự nhiên, chẳng hạn những con tôm bị nhiễm bệnh trở nên yếu đi hoặc chết sẽ dễ dàng bị những con mạnh khỏe hơn ăn thịt.
  2. Virus đốm trắng có thể tồn tại và phát triển trong nhiều loại sinh vật khác nhau (từ hàng chục đến hàng trăm loại sinh vật). Các sinh vật này có thể là những động vật, ở đó virus đốm trắng có thể sống, nhân lên nhiều lần nhưng không làm cho vật chủ chết, chúng “thải” virus ra môi trường. Một số loài sinh vật khác có thể chết vì đốm trắng (chẳng hạn như cua, còng và các loài tôm khác). Những sinh vật bị nhiễm WSSV này – như đã nói ở trên – dễ dàng bị tiêu diệt bởi những con mạnh khỏe hơn và tôm nuôi trong ao qua đó tạo điều kiện tốt cho sự lây lan trong đàn.
  3. Virus có cấu trúc di truyền plasmid (vật chất di truyền DNA nằm trong tế bào chất, thay vì nằm trong nhân – người dịch). Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều biến thể khác nhau của virus có thể gây bệnh và lây nhiễm trong một đợt dịch. Có sự tồn tại của một áp lực chọn lọc mạnh mẽ giữa các biến thể này nhằm chống lại các biến thể virus có khả năng tiêu diệt tôm nuôi (vật chủ) quá nhanh. Điều này đã được quan sát và công nhận với nhiều loại bệnh khác nhau, không chỉ riêng với bệnh đốm trắng. Khi một tác nhân gây bệnh quá mạnh, chúng có xu hướng tự tiêu diệt. “Chiến lược dài hạn và tốt nhất”của mầm bệnh cho sự tồn tại của chính chúng là không tiêu diệt hoàn toàn vật chủ.
  4. Tôm nuôi không phải chỉ bị tiêu diệt bởi mầm bệnh đốm trắng đơn lẻ. Tôm nuôi rất nhạy cảm với các loại mầm bệnh khác nhau đặc biệt trong điều kiện bị “stress” và virus đốm trắng có thể phối hợp hoạt động với vi khuẩn, nấm, protozoa và các loại virus khác để gây bệnh chẳng hạn như cách chúng tạo ra các chất độc để tiêu diệt tôm nuôi.

Một số nguyên lý cơ bản về an toàn sinh học đã được phát triển để ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của virus đốm trắng, chẳng hạn như:

  1. Lọc, khử trùng nước trước khi đưa vào ao nuôi để đảm bảo sạch virus gây bệnh và không có các vật chủ mang mầm bệnh.
  2. Làm hàng rào ngăn chặn cua, còng (một dạng vật chủ mang mầm bệnh) xâm nhập vào ao nuôi.
  3. Thả giống sạch bệnh (SPF) vì tôm giống SPF thì không mang mầm bệnh virus.
  4. Khử trùng dụng cụ và hạn chế dùng chung vật dụng giữa các ao. Khử trùng xe cộ ra vào trang trại …
  5. Làm lưới chống chim vì chim có thể di chuyển từ ao này sang ao khác và có thể mang theo những con tôm bị bệnh mà chúng tiêu thụ dở dang.

Trên đây là những bước cơ bản của một thủ tục an toàn sinh học, tuy nhiên vấn đề đặt ra là vì sao biện pháp an toàn sinh học này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả, và tôm nuôi vẫn cứ bùng phát bệnh đốm trắng. Theo tác giả, có ba nguyên nhân chính sau đây:

  1. Đầu tiên, các nguyên tắc về khử trùng không được thực hiện đủ mạnh hoặc không đúng cách. Chlorine là chất khử trùng được sử dụng rộng rãi và phổ biến. Tuy nhiên, sai lầm của chúng ta là không đánh giá đầy đủ tác dụng của nó. Chlorine dễ dàng phản ứng với vật chất hữu cơ trong ao nuôi và qua đó làm suy giảm tác dụng của chúng. Sử dụng chlorine trong ao không lót bạt có thể diệt phần lớn virus trong môi trường nước nhưng “bể nước chứa virus” này không phải là mối nguy lớn nhất. Trong các ao lót bạt, hiệu quả chlorine có tăng lên, tuy nhiên tại nhiều ao, bạt lại không còn tốt hoặc không đạt chất lượng cần thiết dẫn đến việc “khuếch tán” các mầm bệnh vào bên dưới lớp bạt, điều này vô tình làm cho bên dưới lớp bạt trở thành một “bể chứa mầm bệnh” vĩnh viễn. Một số loại thuốc trừ sâu được sử dụng với niềm tin là có thể loại bỏ các vật chủ trung gian mang mầm bệnh, tuy nhiên thực tế chúng chỉ có khả năng loại bỏ bớt phần nào đó quần thể vật chủ này và hoàn toàn không thể tiêu diệt được trứng hoặc bào tử của chúng trong trầm tích ao hồ, thậm chí ngay cả trong môi trường nước.
  2. Giống sạch bệnh SPF có thể thực sự không phải là sạch bệnh. Có nhiều nguyên tắc nghiêm ngặt cần được thực hiện để tạo ra một đàn giống SPF bao gồm việc kiểm dịch và giám sát chặt chẽ đàn tôm bố mẹ. Có những bằng chứng cho thấy rằng, mầm bệnh đốm trắng có thể không hoạt động trong những con tôm mang mầm bệnh và kết quả PCR là âm tính, nhưng chúng có thể bộc phát tại một thời điểm thuận lợi ngay sau đó. Tôm giống được sản xuất trong một hệ thống mở có nguy cơ mang mầm bệnh rất cao và không phải là sạch bệnh.
  3. Một số sản phẩm được quảng cáo là có khả năng tiêu diệt virus đốm trắng nhưng thực tế thì không phải như vậy và người nuôi phải trả giá đắt cho những quảng cáo kiểu như vậy.

Vậy người nuôi cần phải làm gì?

  1. Phải thả giống thực sự sạch bệnh, và chúng phải được sản xuất từ từ những con tôm bố mẹ sạch bệnh trong hệ thống kín, quản lý và giám sát nghiêm ngặt. Những trang trại sản xuất như thế này phải tách biệt và không nằm gần vùng nuôi. Các thủ tục về an toàn sinh học cho trại giống phải phù hợp và trại giống nên tiêu hủy những con tôm yếu, tôm bệnh thay vì cố gắng làm giảm tỷ lệ chết của chúng.
  2. Xây dựng qui tắc khử trùng đặc thù riêng cho trang trại của bạn mà không cần phải bám sát những ứng dụng cơ bản, chẳng hạn cần phải loại bỏ lớp đất bề mặt ao nuôi, phơi ao kỹ trước khi lấy nước từng phần sau đó, sử dụng thuốc sát trùng với liều cực cao, gia cố bạt sau mỗi vụ nuôi hoặc sử dụng bạt thật sự có chất lượng.
  3. Làm giảm sự xâm nhập của virus vào ao nuôi(chẳng hạn như xây dựng một hàng rào an toàn sinh học ở mức cao trong trang trại của mình – người dịch), điều này cũng có thể giúp làm giảm độc lực của mầm bệnh.
  4. Lưu ý đến việc nuôi ghép với cá, vì cá có thể ăn tôm bệnh, tôm chết ngay và như thế chúng sẽ ngăn chặn việc lây lan bệnh trong bầy đàn.
  5. Thả nuôi với mật độ vừa phải, phù hợp với năng lực hệ thống của bạn. Bạn có thể thả ít tôm hơn nhưng bạn sẽ có tỷ lệ sống tốt hơn và thu hoạch tôm với kích cỡ lớn hơn

      Nguồn: http://www.aqua-in-tech.com/newman-publications.html

     Dịch bởi: KS NGUYỄN THÀNH QUANG THUẬN – VPAS JSC

Kiên Giang: Bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi

tôm chết
Chỉ hơn 10 ngày, Kiên Giang đã phát hiện thêm 79 ổ dịch đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi, với tổng diện tích thiệt hại hàng trăm ha. Ảnh: Trung Chánh.

 

Hạn hán và xâm nhập mặn đang ở giai đoạn đỉnh điểm, rất gay gắt, làm bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi.

Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang cho biết, từ ngày 19-31/3, đơn vị đã phát hiện thêm 79 ổ dịch đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi, với tổng diện tích thiệt hại được ghi nhận là 184,5 ha. Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 166 dịch bệnh tôm nuôi, với tổng diện tích thiệt hại 380 ha. Trong đó, đốm trắng là 287 ha, hoại tử gan tụy cấp tính 25 ha, sốc môi trường 67 ha.

Hầu hết các huyện, thành phố có nuôi tôm đều xảy ra dịch bệnh, gồm: An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương, Gò Quao, Vĩnh Thuận và Hà Tiên.

Ngoài ra, theo ghi nhận từ Phòng NN-PTNT các huyện, có 670 ha tôm nuôi bị thiệt hại do yếu tố môi trường bất lợi, 76 ha bị thiệt hại nghi do bệnh đốm trắng, 12 ha thiệt hại nghi do bệnh hoại tử gan tụy cấp tính tại huyện Vĩnh Thuận và Kiên Lương.

Hiện nay, hạn hán và xâm nhập mặn đang ở giai đoạn đỉnh điểm, rất gay gắt, khả năng kéo dài. Cùng với việc một số vùng nuôi đã bắt đầu xuất hiện những cơn mưa trái mùa vào buổi chiều hoặc tối, làm biến động đột ngột các yếu tố môi trường trong ao nuôi, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của tôm. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển nên nguy cơ xảy ra thiệt hại do biến động bất lợi của các yếu tố môi trường và dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao.

Do đó, người nuôi tôm cần thường xuyên kiểm tra các chỉ số môi trường, để kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp nhằm hạn chế thiệt hại. Gia cố bờ bao, cống để tránh hiện tượng rò rỉ, thẩm lậu nước ra ngoài. Cần phải bố trí ao chứa, ao lắng để dự trữ nước nhằm chủ động trong việc thay nước bổ sung vào ao nuôi khi cần thiết.

Duy trì mực nước trong ao thích hợp với từng hình thức nuôi để hạn chế sự biến động đột ngột của các yếu tố môi trường, gây sốc cho tôm nuôi. Đối với ao nuôi thâm canh, bán phân canh phải duy trì nước trong ao tối thiểu từ 1,3 – 1,5 m, nuôi tôm – lúa, quảng canh cải tiến cần thiết phải duy trrì mực nước cao tối thiểu là 0,5 m tính từ mặt ruộng.

Đ.T.CHÁNH Nông nghiệp Việt Nam

Ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi trước khi vào vụ chính

Cải tạo ao
Người dân chuẩn bị ao cho vụ tôm mới.

Tại huyện Đông Hòa, vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh Phú Yên, đến thời điểm này, đa số các hộ nuôi đã thả xong tôm giống cho vụ nuôi mới.

Hiện nay, các tỉnh khu vực Nam Trung bộ đang thả tôm chính vụ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp. Thời tiết bất lợi, các địa phương thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bệnh tôm nuôi.

Tại huyện Đông Hòa, vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh Phú Yên, đến thời điểm này, đa số các hộ nuôi đã thả xong tôm giống cho vụ nuôi mới. Thời tiết nắng nóng liên tục kể từ đầu tháng 2 đến nay khiến việc thả tôm giống ở nhiều nơi bị chậm hơn mọi năm.

Ông Ngô Hồng Chí, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên lo lắng: “Đây là vụ chính của đồng này nhưng người ta không dám thả vì giá cả thấp, cộng với dịch bệnh nữa. Tôm dịch nhiều lắm, bị đỏ thân và rất khó lường trước. Thường tôm hay bị gan, mùa nắng thì bị phân trắng tảo”.

Để ngăn ngừa dịch bệnh trên tôm nuôi, các hộ nuôi tôm giảm mật độ thả ở Phú Yên đầu tư xử lý sạch hồ nuôi trước khi thả giống. Chi phí vệ sinh một hồ nuôi tôm nước lợ khoảng 2.000m2 tốn chừng 3 – 4 triệu đồng.

Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên cho biết: “Quan trọng nhất trong nuôi trồng thủy sản là nguồn nước mà nếu không chủ động thì rất khó. Còn trường hợp thiếu oxy cục bộ thì có thể sử dụng các viên oxy hoặc tăng cường máy sục khí, đó là những phương pháp đơn giản mà bà con có thể áp dụng.

Tuy nhiên về lâu dài thì chủ yếu vẫn là vấn đề thay nước để hạn chế lượng tảo và hạn chế các chất vi hữu cơ trong ao”.

Hiện, các trung tâm giống thủy sản ở khu vực Nam Trung bộ đã tăng cường công tác quan trắc môi trường mỗi tuần một lần thay vì mỗi tháng một lần như trước đây.

Ông Trần Hưng Lợi, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Phú Yên cho biết, đây là căn cứ để đánh giá mức độ ô nhiễm hay sự xuất hiện của những chỉ số bất thường về môi trường nước ở các vùng nuôi nhằm cảnh báo sớm để có biện pháp xử lý.

“Chúng tôi sẽ tích ra những chỉ số gần, khuyến cáo ngắn gọn nhất gửi tin nhắn qua VNPT, thông báo người dân biết được là hiện nay ở môi trường nước vùng đó thì chỉ tiêu ở ngưỡng nào. Như vậy và ngưỡng nào xấu chúng tôi cũng khuyến cáo luôn nên làm như thế nào để vệ sinh môi trường tốt hơn” – ông Trần Hưng Lợi cho biết.

Nhã Uyên VOV

Giải pháp giúp tôm nước lợ ứng phó COVID-19

Theo Tổng cục Thủy sản, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát mạnh trên thế giới, thế nhưng hiện nhiều nước đã khống chế dịch bệnh có kết quả tích cực, dự báo sắp tới, nhu cầu tôm sẽ tăng, ngành tôm cần chuẩn bị để nắm cơ hội.

Theo dự báo của VASEP, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục hoạt động sản xuất như trước khi có dịch. Nhằm ổn định sản xuất, chủ động tận dụng và đón bắt cơ hội trong sản xuất, nuôi tôm nước lợ năm 2020, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố trung ương ven biển, các hội, hiệp hội liên quan đến sản xuất tôm nước lợ và các đơn vị khẩn trương thông tin kịp thời và chỉ đạo sản xuất thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn và dịch COVID-19 để hoàn thành kế hoạch sản xuất tôm nước lợ các tháng đầu năm và cả năm 2020; Thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở địa phương, kịp thời thông tin tới doanh nghiệp và người nuôi tôm biết diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất thích ứng trước các biến động mới.

Nhu cầu tiêu thụ tôm dự báo sẽ tăng mạnh sau khi khôi phục hoạt động sản xuất. Nguồn ảnh: tintucnongnghiep.com

Cùng đó, phối hợp với các đơn vị chức năng như quản lý thị trường, công an.. để quản lý chặt các khâu trong chuỗi sản xuất tôm. Kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, thông tin sai sự thật gây tâm lý hoang mang, thiệt hại cho người sản xuất và tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời đến các cơ quan liên quan để doanh nghiệp và người dân yên tâm sản xuất, tăng sản lượng thu mua, chế biến và tạm trữ tôm khi gặp khó khăn trong xuất khẩu…

Nguồn: Thủy sản Việt Nam

Ngỡ ngàng tôm sú tự nhiên khổng lồ giá rẻ chưa từng có, 10 con/kg chỉ 280.000 đồng

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá tôm sú xuống thấp chưa từng có. Tại Cà Mau, tôm sú tự nhiên size 10 con/kg được bán với giá chỉ 280.000 đồng/kg.

Là chủ một vựa tôm lớn tại Cà Mau, anh Trường cho biết giá tôm hiện tại xuống thấp chưa từng có. “Trước đây, tôm sú Cà Mau chủ yếu được các Công ty, xí nghiệp thu mua để xuất khẩu. Hiện tại do lượng xuất khẩu giảm, các kho đông lạnh của các xí nghiệp cũng không còn chỗ chứa nên tôm rất rẻ. Với size 10 con/kg, trước đây được bán với giá khoảng 450.000 đồng/kg thì mấy ngày nay chỉ bán được với giá 280.000 đồng/kg, size 20 con/kg chỉ còn 240.000 đồng/kg. Để tiêu thụ tôm, thương lái phải đăng bài bán online và giao buôn cho các chợ đầu mối thủy hải sản khắp các nơi”, anh Trường cho hay.

Ngỡ ngàng tôm sú tự nhiên khổng lồ giá rẻ chưa từng có, 10 con/kg chỉ 280.000 đồng - 1

Loại tôm sú “khổng lồ” hiện nay được bán với giá rẻ chưa từng có.

Nhập tôm sú từ Cà Mau lên TP.HCM bán lẻ, anh Hà cho biết cách đây 1 tháng, tôm sú size 10 con được bán với giá khoảng 550.000 đồng/kg, nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, tôm rớt giá chưa từng có. “Size 6-7 con/kg tôi chỉ bán được giá 450.000 đồng/kg, size 10-12 con/kg thì chỉ còn 390.000 đồng/kg. Người dân nuôi tôm bán tận gốc còn rẻ nữa, chỉ tầm 320.00 đồng/kg thôi, giá rẻ do thương lái thu mua ít, nhưng người dân cần tiền, tôm lại đến thời điểm phải thu hoạch để xổ nước thả lứa mới nên bắt buộc phải bán”, anh Hà phân tích.
“Giảm giá mạnh nhất là tôm sú cỡ “đại” từ 6-15 con/kg, còn các loại khác chỉ xuống tầm 40-60.000 đồng/kg, vì loại tôm to thường được nhà hàng cao cấp thu mua, nay nhà hàng đóng cửa hết, chỉ bán lẻ cho dân, mà giá cao dân họ không ăn nên giá rất rẻ”, anh Hà nói thêm.

Ngỡ ngàng tôm sú tự nhiên khổng lồ giá rẻ chưa từng có, 10 con/kg chỉ 280.000 đồng - 2

Tôm sú size to giảm giá mạnh nhất từ trước đến nay.

Tại Hà Nội, giá tôm sú “khổng lồ” vẫn được bán với giá cao do khâu vận chuyển tốn quá nhiều chi phí. Anh Phương, chủ cửa hàng bán đồ hải sản tại Trung Văn (Hà Nội) chia sẻ, giá tôm sú size 10 con được cửa hàng anh bán với giá 580.000 đồng/kg, khách cần mua phải đặt trước ít nhất 1 ngày mới có.

“Tôm sú “khổng lồ” này được nuôi theo phương pháp quảng canh ở Cà Mau, trước đây giá phải gần 1 triệu/kg. Hiện nay, giá rẻ gần 1 nửa nhưng muốn mua phải mua qua các vựa hải sản lớn, rồi đóng thùng, chuyển hàng qua đường hàng không, ra tận sân bay lấy về bán nên dù trong đó có rẻ thì ra đến Hà Nội cũng không thể rẻ hơn được”, anh Phương phân tích.

Tôm Sú quảng canh được nuôi trong môi trường tự nhiên, chúng phải sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên vốn có trong môi trường chúng sống và thích nghi. Do đó, trong một lô tôm có thể nhận thấy đường ruột của chúng có nhiều màu sắc khác nhau (đen, đỏ, nâu, xanh, vàng…), tùy thuộc vào loại thức ăn mà chúng kiếm được. Tôm nuôi theo phương thức quảng canh thường mật độ tôm trong ao ít do dựa hoàn toàn vào nguồn thức ăn tự nhiên.

Ngỡ ngàng tôm sú tự nhiên khổng lồ giá rẻ chưa từng có, 10 con/kg chỉ 280.000 đồng - 3

 Một người dân “khoe” giá tôm sú chỉ 300.000 đồng loại 10 con/kg thu hút hàng nghìn lượt quan tâm theo dõi của mọi người.

Theo tìm hiểu, hiện nay trên thị trường, giá tôm sú loại 20 con/kg giá 170.000 – 200.000 đồng/kg (giảm 60.000 đồng/kg so với tuần trước); tôm sú loại 30 con/kg giá 130.000 – 170.000 đồng/kg (giảm khoảng 70.000 đồng/kg); tôm sú loại 40 con/kg có giá khoảng 90.000 – 130.000 đồng/kg (giảm 40.000 đồng/kg).

Cà Mau được xem là “thủ phủ” nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, với tổng diện tích nuôi hơn 280.000 ha, tổng sản lượng tôm đạt khoảng 200 nghìn tấn mỗi năm.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp và tình hình nuôi tôm trên địa bàn. Một số doanh nghiệp, thương lái ngừng mua hoặc mua hạn chế với giá thấp, làm cho giá tôm giảm bất thường. Người nuôi tôm hoang mang, lo không bán được tôm trong thời gian tới, không xác định được giá tôm trên thị trường, nên một số đã bán tôm khi chưa đến lứa thu hoạch với giá rất thấp

Theo Khánh An (Dân Việt)