Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Dấu hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc

Khi dịch bệnh covid-19 trên Trung Quốc đang có dấu hiệu hết dịch với tình hình xuất hiện virus lạ trên tôm. Nên việc phải nhập khẩu tôm từ các thị trường khác tăng lên. Dẫn đến việc xuất khẩu thủy sản nước ta có dấu hiệu tích cực tại thị trường Trung Quốc.

xuất khẩu tôm
xuất khẩu tôm (ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc có kết quả tích cực; các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh… do đó, nhu cầu tiêu thụ thủy sản, đặc biệt là tôm sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục hoạt động sản xuất.

Cũng theo VASEP, chỉ trong nửa đầu tháng 3-2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt gần 13 triệu USD, tăng 1 triệu USD so với cả tháng 2. Đầu tháng 4, các đơn hàng cũng bắt đầu tăng, đặc biệt là mặt hàng tôm, cá tra… Dự báo, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong các tháng tới có thể tăng 40-50%.

Nguồn: hanoimoi

Ấn Độ gỡ lệnh phong toả đối với ngành thuỷ sản

Tôm thẻ chân trắng
Ngành tôm Ấn Độ đã “trở lại” sao thời gian giãn cách xã hội

Ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản Ấn Độ được miễn trừ đối với các biện pháp phong tỏa quốc gia chính phủ liên bang áp đặt vào tháng 3 để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID–19.

Ngày 10/4, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã ban hành một phụ lục cho hướng dẫn hợp nhất vào ngày 24/3, qua đó thông báo dỡ bỏ các hạn chế đối với ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Theo sắc lệnh mới này, mọi hoạt động, bao gồm nuôi, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, đóng gói, đóng đông, bán và tiếp thị, trại giống, nhà máy thức ăn và hồ thủy sản thương mại không còn bị cấm hoạt động.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động của các công nhân trong ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản và các ngành công nghiệp liên quan.

Tuy nhiên, các ngành này phải áp dụng nghiêm ngặt các quy định như giãn cách xã hội và các biện pháp đảm bảo vệ sinh như rửa tay, đeo khẩu trang… khi công nhân làm việc.

Chủ các cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm cho sự an toàn của công nhân trong quá trình sản xuất dưới sự giám sát nghiêm ngặt của chính quyền cấp tỉnh. Tuy nhiên, sẽ không có nhiều ngư nhân ra khơi bởi mùa đánh bắt đã gần hết.

Lệnh miễn trừ này được đưa ra trong bối cảnh lệnh phong tỏa 21 ngày của Ấn Độ đã và đang gây ra sự đứt đoạn trong chuỗi cung ứng các hàng hóa thiết yếu, bao gồm thủy hải sản.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ấn Độ, Shri Ajay Kumar Bhalla, cho rằng một số ngành công nghiệp vừa quan trọng đối với lợi ích quốc gia và vừa có thể hoạt động mà vẫn chấp hành được các qui định phòng chống dịch bệnh và ông cũng đã gửi thông báo về các ngành hàng được quyền miễn trừ cho các cơ quan chức năng.

Trước đó, lệnh cấm hoạt động đối với các phương tiện vận chuyển, kho đông lạnh, cảng đánh cá và nhà máy chế biến khiến cho ngư dân không thể bán được hải sản. Ngư dân quận Raigad thuộc bang Maharashtra đã phải thả lại khoảng 100.000 tấn hải sản về vùng biển đã đánh bắt.

Ngày 14/4, Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc có thể được kéo dài thêm so với lệnh phong tỏa 21 ngày thông báo trước đó.

H.Mĩ Kinh tế & Tiêu dùng

Cần xử lý tạm thời khi thị trường tôm hùm gặp bế tắc

tôm hùm
Thị trường tiêu thụ tôm hùm rơi vào bế tắc

Hơn 3 tháng qua, thị trường tiêu thụ tôm hùm liên tục nằm trong tình trạng bế tắc, trong khi đây là loại thủy sản có chi phí nuôi lớn, giá trị cao.

Hiện tại, giá tôm hùm ở mức thấp chưa từng thấy, nhưng lại không có nhiều người đến các vùng nuôi để thu mua. Người nuôi tôm hùm đang trong tình cảnh khó xử: xuất bán tôm hùm thì không được mà giữ lại thì không còn chi phí để nuôi cầm cự. Vậy lúc này, hướng xử lý trước mắt như thế nào?

Cả vùng biển phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa dày đặc  những lồng tôm hùm bỏ trống. Mọi năm, lứa tôm hùm này vừa xuất, thì người nuôi đã tranh thủ tìm mua con giống, thả nuôi lứa mới. Nhưng, bây giờ, nhiều người e dè. Tôm hùm đến kỳ xuất bán nhưng chẳng có người đến mua, hoặc nếu có mua thì số lượng không nhiều, giá lại ở mức tồi tệ. Tôm hùm xanh, kích cỡ 3-4 con một kg,  lâu nay thường có giá 800 ngàn đồng, giờ chỉ còn 450- 500 ngàn đồng. Chi phí nuôi lớn, thời gian nuôi đến cả năm nên lâu nay, tôm hùm nằm trong nhóm các mặt hàng thủy sản cao cấp. Trong sản lượng tôm hùm mỗi năm khoảng 2 ngàn tấn thì 80% là được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Còn lại được tiêu thụ chủ yếu ở các nhà hàng trong nước. Cà hai hướng tiêu thụ tôm hùm đều gặp ách tắc do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Lúc này, người nuôi tôm hùm nếu bán tháo thì lỗ vốn. Nhưng, nếu nuôi lưu giữ trong thời gian dài thì khó lòng xoay xở đủ chi phí. Tính bình quân cứ 1000 con tôm hùm, mỗi ngày, tiền thức ăn không dưới nửa triệu đồng. Ở vùng nuôi tôm hùm tỉnh Khánh Hòa, hiện vẫn còn 360 tấn tôm hùm chưa xuất bán dù đã đến kỳ. Trong khi chờ việc xuất bán tôm hùm sang Trung Quốc thông suốt trở lại, thì lúc này,mối quan tâm hàng đầu của người nuôi tôm hùm là làm sao có đủ vốn để nuôi cầm cự, Trong khi lâu nay, nhiều người đã nuôi tôm hùm từ tiền vay, bạc mượn.

Tấn Quýnh – Phạm Việt VTV

Nuôi tôm gặp khó vì thông tin thất thiệt

Hành vi trục lợi trên sự cả tin của người nông dân ở một bộ phận thương lái đã khiến cho nhiều vùng nuôi tôm náo loạn. Từ việc bán con giống giả đến ép giá trong mua tôm thương phẩm liên tục diễn ra. Câu chuyện không mới nhưng luôn mang tính thời sự.

Tôm giống nhiều “không”

Sản xuất tôm giống chất lượng tốt đòi hỏi rất nhiều chi phí, đồng nghĩa giá đầu ra của con giống cũng cao. Chính vì vậy, không phải người nuôi tôm nào cũng chịu được “nhiệt”, nhiều người nuôi nhỏ lẻ, vốn đầu tư thấp chấp nhận may rủi khi mua tôm giống không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường. Có cầu thì ắt có cung và tôm giống “rởm” vẫn xuất hiện đều đặn. Ngành chức năng vào cuộc quyết liệt và liên tục, thế nhưng vẫn không xử lý được triệt để.

Đầu tháng 3 vừa qua, Đoàn Thanh tra của Tổng cục Thủy sản và Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) kiểm tra, phát hiện 2 công ty tại Ninh Thuận vi phạm trong sản xuất giống thủy sản. Cụ thể, các lô hàng của Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Phong Phú VN không có kiểm dịch, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ương dưỡng tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống được cơ quan chức năng cấp.

Còn vi phạm của Công ty TNHH Giống thủy sản Phát Đông Thành là chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định. Công ty này sau đó bị phạt hành chính 70 triệu đồng.

Cùng với việc “triệt phá” tận gốc, ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra trên các tuyến đường, các phương tiện vận chuyển tôm giống. Tháng 4/2017, thanh tra liên ngành tại Bạc Liêu tiến hành nhiều cuộc kiểm tra trên tuyến Quốc lộ 1A, phát hiện không ít xe chở tôm giống từ các tỉnh miền Trung vào Bạc Liêu và Cà Mau, số lượng hơn 6 triệu con tôm giống không có kiểm dịch. Tháng 3/2018, đoàn kiểm tra liên ngành thủy sản đã kiểm tra đột xuất và phát hiện 6 xe tải chở tôm giống lậu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, số lượng tôm giống là 10 triệu con không rõ nguồn gốc, không giấy kiểm dịch, nhãn mác.

Tháng 2 vừa qua, trong 3 đêm (từ ngày 18 đến 21/2), trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, đoàn kiểm tra của Tổng cục Thủy sản phát hiện 15 phương tiện chở 21 lô hàng tôm giống (20 triệu con) không có giấy chứng nhận kiểm dịch giống thủy sản.

Đây là những vụ việc điển hình được phát hiện, còn có lọt những lô hàng nào không thì theo nhiều người nhận định, khả năng cao là có. Bởi cứ sau đợt thả tôm giống một thời gian, không ít hộ nuôi nhỏ lẻ được lên báo vì ao tôm thiệt hại, đa phần đều không đề cập đến nguồn nhập con giống. Còn những người nuôi tôm thành công mỗi vụ, họ đều sẵn sàng chia sẻ địa chỉ của các công ty phân phối con giống cho ao nuôi của mình. Một sự việc điển hình về “tiền nào của nấy”.

 

Tôm thương phẩm bị ép giá

Mới đây tại Cà Mau, người nuôi tôm lại đứng ngồi không yên khi giá TTCT sụt giảm, người nuôi lỗ nặng. Cụ thể, tôm cỡ 100 con/kg được thương lái thu mua mức giá 77.000 – 80.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 128.000 đồng/kg. Với giá bán này, người nuôi không có lãi.

Thông tin được đồn thổi là doanh nghiệp ngừng thu mua do khó khăn trong xuất khẩu vì ảnh hưởng của COVID-19, giá bán tôm giảm lập tức gây hiện tượng domino, khiến nhiều người nuôi thu hoạch bán vội khiến sản lượng tôm trên thị trường tăng đột biến, giá bán vì thế không có cơ hội quay đầu, còn thương lái thì thỏa sức làm giá. Điển hình là việc thương lái hợp đồng mua tôm của người dân cho giá trong ngày, đáng nói là mỗi buổi một giá, điều này tác động lớn đến tâm lý người nuôi tôm. Người vững thì chưa vội tin, đợi nguồn thông tin chính xác, còn người sợ thì lập tức bán vì lo rằng giá ngày mai không còn như vậy và không có người mua.

Cứ như thế, thông tin truyền từ thương lái đã khiến cho vùng tôm náo loạn. Nhiều ao nuôi chưa đến kỳ thu hoạch cũng ào ạt kéo lưới, tôm bé – giá thấp đã khiến cho họ mất đi số tiền lãi vốn đáng được hưởng, đồng thời còn khiến thị trường rơi vào bất ổn, khi lúc thừa lúc thiếu. Trong khi đó, thông tin từ lãnh đạo Sở NN&PTNT Cà Mau cho thấy, không có chuyện doanh nghiệp ngừng mua tôm, họ vẫn thu mua bình thường. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang chịu tác động khi áp lực thu mua tăng đột biến và lưu trữ kho rất lớn.

Cùng sự việc này năm trước cũng khiến người nuôi tôm tiếc hùi hụi vì “non gan”. Hàng loạt địa phương ùn ùn bán tôm cỡ nhỏ khiến giá giảm xuống mức 70.000 đồng/kg cỡ tôm 100 con/kg, người nuôi thua đậm, trong khi đó tôm cỡ lớn vẫn được thu mua bình thường và thời gian sau, tôm cỡ nào cũng có giá. Sự việc này xảy ra tại các tỉnh trọng điểm nuôi ở ĐBSCL như Bạc Liêu, Trà Vinh… Nguyên nhân được cho là việc nhiều nước sản xuất tôm lớn thu hoạch, sản lượng tôm trên toàn cầu dư, giá bán xu hướng đi xuống và chưa có dấu hiệu dừng.

Chính quyền địa phương được lệnh tăng cường tuyên truyền cho người dân nắm bắt, hiểu rõ tình hình, tránh tình trạng bán “lúa non” làm mất lợi nhuận và thị trường xáo trộn, thế nhưng, có vẻ thông tin từ thương lái đến với người nuôi tôm lại nhanh hơn nên cứ đến hẹn lại lên, bất cập lại xảy ra.

Câu chuyện về thông tin thất thiệt cứ lặp lại liên tục, mặc dù được cảnh cáo là sẽ xử lý nghiêm những người tung tin. Vậy nhưng, việc điểm mặt chỉ tên người phao tin vẫn chưa có, tin chính thống thì đến muộn khiến sự việc này dường như đã trở thành căn bệnh mãn tính.

Phan Thảo

Kiên Giang: thất mùa vì dịch bệnh và hạn mặn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ đầu vụ đến nay, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh hơn 4.240 ha tại 28 xã, thị trấn thuộc 8/9 huyện, thành phố có nuôi tôm nước lợ, trong đó thiệt hại do tôm bị sốc môi trường 3.834 ha, diện tích còn lại do dịch bệnh gây hại.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết: “Dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt, xuất hiện mưa trái mùa, dao động nhiệt độ trong ngày lớn… ảnh hưởng bất lợi đến nuôi tôm. Tình hình dịch bệnh xảy ra gây hại tôm nuôi chưa có dấu hiệu dừng lại, giá tôm nguyên liệu hiện đang ở mức thấp do bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm. Nhiều doanh nghiệp nuôi tôm trên địa bàn trong tình trạng sản xuất cầm chừng.”

tôm bệnh chết
ảnh minh họa

Để ngăn chặn và hạn chế tình trạng tôm nuôi bị thiệt hại, nuôi tôm ổn định trong thời gian tới, ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương vùng nuôi tôm trọng điểm tiếp tục tăng cường các giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong nuôi trồng thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ tình hình nuôi tôm trên địa bàn, tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất tôm trong điều kiện khó khăn về hạn mặn và dịch bệnh, tăng cường công tác quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh, kịp thời thông tin đến người nuôi để chủ động sản xuất.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay trong nuôi tôm nước lợ là qua quan trắc môi trường của ngành chức năng tỉnh, trên các kênh cấp nước phục vụ nuôi tôm nước lợ ở vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long Xuyên độ mặn ở mức cao, kể cả những kênh cấp nước nằm sâu trong nội đồng độ mặn hơn 14‰, đặc biệt có 8/20 điểm độ mặn 25‰ và tại điểm quan trắc Vàm Thứ 6 Biển (An Biên), độ mặn 36‰. Độ mặn này trong nguồn nước không thích hợp cho nuôi tôm và ảnh hưởng bất lợi đến sự sinh trưởng, phát triển của tôm nuôi.

Trước mắt, tổ chức có hiệu quả công tác phòng chống, dập tắt ổ dịch bệnh, khắc phục hậu quả do sốc môi trường, dịch bệnh gây hại tôm nuôi. Khuyến cáo nông dân trang bị máy móc, dụng cụ đo các thông số môi trường nước phục vụ nuôi tôm và thường xuyên kiểm tra các chỉ số môi trường như: Độ mặn, pH, kiềm, oxy hòa tan, NH3… để kịp thời phát hiện và có các biện pháp can thiệp để hạn chế thiệt hại. Theo dõi chặt chẽ sức khỏe của tôm, nhất là sau những cơn mưa trái mùa, đầu mùa để kịp thời can thiệp, xử lý những tình huống bất thường trên đàn tôm nuôi.

Cùng với đó, đang giai đoạn cao điểm của mùa khô hạn, tại một số vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh xuất hiện những cơn mưa trái mùa vào buổi chiều và tối gây biến động đột ngột các yếu tố môi trường trong ao đầm, gây sốc môi trường dẫn đến thiệt hại tôm nuôi.

Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp theo mô hình 2 – 3 giai đoạn, nuôi tiết kiệm nước, an toàn sinh học. Nhân rộng mô hình nuôi tôm hữu cơ, nâng cao giá trị sản xuất, bền vững về môi trường ở loại hình tôm – lúa, tôm quảng canh – quảng canh cải tiến năng suất cao.

Cùng với đó, ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến để người dân nuôi tôm thực hiện tốt việc khai báo khi có ổ dịch xảy ra trên tôm nuôi, xử lý nghiêm đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định, làm phát tán mầm bệnh lây lan trên diện rộng.

Lê Huy Hải

Nguồn: vietlinh

Nuôi tôm không kháng sinh ở Khánh Hòa

nuôi tôm biofloc
Nhiều hộ nuôi của HTX Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú kiếm tiền tỷ/năm. Ảnh: Minh Hậu.

Nuôi tôm thẻ an toàn sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh là hướng đi mới của người nuôi tại Khánh Hòa.

HTX Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú, TX Ninh Hòa đang tiên phong khi đồng loạt nuôi tôm theo công nghệ Semi biofloc.

Mô hình nuôi bền vững

Ông Phạm Thanh Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phú, TX Ninh Hòa cho biết, toàn xã có 110 ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Những năm trước đây do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc nuôi tôm của người dân diễn ra không thuận lợi, nhất là nuôi tôm trên ao đất.

“Hầu hết người nuôi tôm trên ao đất trên địa bàn xã không hiệu quả kinh tế cao, nhiều người thiệt hại. Nguyên nhân do người nuôi thả nuôi không theo lịch thời vụ khuyến cáo và một số ít thả giống không có nguồn gốc.

Bên cạnh đó do hệ thống ao nuôi nhiều năm nên mầm bệnh tồn tại trong ao nhiều. Cộng với thời tiết diễn biến thất thường kết hợp với việc xử lý môi trường nước nuôi chưa triệt để, từ đó dễ phát sinh dịch bệnh”, ông Sinh đánh giá và cho biết thêm, để nuôi tôm bền vững hiện địa phương khuyến khích người nuôi áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến như: Công nghệ Biofloc, Semi Biofloc…

Vì các thành viên thuộc HTX Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú áp dụng công nghệ nuôi này rất hiệu quả. Không chỉ tạo ra sản phẩm tôm sạch do quá trình nuôi không dùng chất kháng sinh, mà còn góp phần bảo về môi trường.

“Bởi quá trình xả nước thải nuôi tôm ra môi trường được các hộ nuôi xử lý bài bản. Cụ thể, ban đầu nước thải ra ao chứa, sau đó đánh vôi xử lý, rồi ra ao nuôi thả cá, trước khi thả trực tiếp ra môi trường. Vấn đề này được cơ quan chức năng chuyên môn đánh giá cao”, ông Sinh bộc bạch.


Nhờ nuôi tôm an toàn sinh học, không sử dụng chất kháng sinh nên thương lái thu mua rất ứng ý. Ảnh: MH

Kiếm tiền tỷ

Ông Nguyễn Xuân Lê, Chủ tịch HĐQT HTX Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú, cho biết, HTX được thành lập giữa năm 2019 gồm 10 thành viên tham gia, với tổng diện ao nuôi trên 10 ha. Hiện tất các thành viên đều đồng loạt nuôi tôm an toàn sinh học theo công nghệ Semi biofloc.

Đây là công nghệ nuôi do ông Lê Minh Chính (xã Ninh Phú), Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú triển khai thành công nhiều năm qua, rồi hướng dẫn các thành viên.

Theo anh Lê Minh Chính, công nghệ nuôi tôm Semi biofloc được anh học hỏi từ Thái Lan, kết hợp nghiên cứu tài liệu dịch “Thực hành công nghệ Biofloc” của PGS.TS Hoàng Tùng và nhóm nghiên cứu ở ĐH Quốc gia TP.HCM.

Từ năm 2014 đến nay, anh vừa áp dụng vừa nghiên cứu cho phù hợp với thực tế từng vụ, nay đã hoàn thiện bài bản. Đồng thời áp dụng nuôi tôm theo 3 giai đoạn nên giá thành chỉ mất khoảng 60 ngàn đồng đã nuôi tôm đạt 100 con/kg.

Anh Chính giải thích: Công nghệ Semi Biofloc là làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo. Còn Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh.

Từ đó, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo ATTP. Nhờ vậy khi các thành viên thu hoạch tôm chỉ cần gọi là thương lái là đến ngay và họ rất tin tưởng vào sản phẩm, không cần test kháng sinh.

Cũng theo anh Chính, để nuôi tôm theo công nghệ này các ao nuôi đều lót bạt nền đáy và bờ ao kết hợp hệ thống xi phông tự động. Khu nuôi phải có ao chứa nước nước và ao xử lý chất thải bài bản. Ngoài hệ thống công trình ao nuôi, phải đầu tư máy phát điện, khu nuôi cây vi sinh dùng hỗn hợp nước, mật rỉ đường, vi sinh… tạo biofloc trong thùng phuy để đưa xuống ao nuôi…

Vì vậy, chi phí đầu tư cho 1ha khoảng 1 tỷ đồng (bao gồm công trình và thiết bị). Mặc dù chi phí cao nhưng quy trình này giúp người nuôi an toàn, hiệu quả hơn và mang tính bền vững cao.

Ông Nguyễn Xuân Lê đánh giá, công nghệ nuôi tôm này giúp các xã viên kiểm soát được dịch bệnh trên tôm khoảng 70-80% so và tỷ lệ thành công lên đến 80% so với nuôi trong ao đất. Nhờ vậy, nhiều thành viên nuôi tôm thuộc HTX kiếm tiền tỷ/năm.

Như gia đình ông Lê với tổng diện tích khu nuôi trên 1,2 ha, trong đó 6.000 m2 ao nuôi. Từ khi áp dụng công nghệ nuôi này mỗi năm nuôi 3 vụ ông thu hoạch với sản lượng khoảng 50 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí, ông lãi trên 1 tỷ đồng/năm.

Ông Phạm Thanh Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phú cho biết với hiệu quả nuôi tôm thẻ an toàn sinh học theo công nghệ Semi biofloc, hiện một số hộ trên địa bàn tiếp tục học hỏi lẫn nhau để nhân rộng. Mặt khác, nhiều hộ nuôi tôm trên ao đất họ cũng muốn áp dụng công nghệ nuôi này, tuy nhiên do vốn đầu tư ban đầu lớn, từ tiền tỷ trở lên nên quá khả năng tài chính. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các hộ nuôi vay vốn để đầu tư áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.

Kim Sơ – Minh Hậu Nông nghiệp Việt Nam

Dùng vi khuẩn từ vi tảo để ức chế bệnh hoại tử gan tụy

hoại tử gan tụy
Hoại tử gan tụy là một nỗi lo lớn với người nuôi tôm.

Sử dụng vi tảo Picochlorum sp. cộng sinh với một số vi khuẩn biển giúp ức chế vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy.

Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND – acute hepatopancreatic necrosis disease) thường xảy ra trên các ao nuôi tôm, bệnh phát triển nhanh, bắt đầu từ khoảng ngày thứ 8 sau khi thả nuôi, và tỷ lệ tôm chết cao nhất xảy ra trong 20 đến 30 ngày đầu tiên (lên đến 100%) trong quần thể tôm thẻ chân trắng và tôm sú, gây những tổn thất kinh tế nặng nề cho người nuôi.

Bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm được gây ra do chủng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có chứa các gen quy định độc tố PirA và PirB, cho đến nay vẫn chưa có một biện pháp phòng trị nào thực sự hiệu quả.

Chi Picochlorum sp. (Trebouxiophyceae, Chlorophyta) được biết đến là một loại vi tảo lục, kích thước nhỏ, đơn bào, có khả năng tạo ra lipid nội bào cao và có thể tăng trưởng mạnh trong các điều kiện môi trường nuôi cấy bất lợi. Picochlorum giàu lipid, protein và nhiều acid béo không bão hòa, là một vi tảo tiềm năng cho các ứng dụng sinh học và nhiên liệu sinh học. Picochlorum sp. còn được biết đến với hàm lượng cao carotene, acid amin và lipid giàu acid béo thiết yếu, tiềm năng cho sự sản xuất thực phẩm chức năng và dược phẩm.


Cấu trúc tế bào của Picochlorum sp.

Vi tảo Picochlorum sp. có hàm lượng lipid tổng cao giàu acid béo thiết yếu, omega-3 và omega-6 được xem như một nguyên liệu đầy hứa hẹn cho dinh dưỡng của con người, nuôi trồng thủy sản và sản xuất nhiên liệu sinh học. Picochlorum sp. có khả năng tăng trưởng mạnh và tích lũy lipid cao trong các điều kiện nuôi cấy khác nhau. Ngoài ra, vi tảo còn là nguồn thức ăn cho động vật phù du, ấu trùng cá, tôm thẻ chân trắng… giúp phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản, có khả năng xử lí nguồn nước và khí thải, giúp giảm thiểu các vấn đề ô nhiễm môi trường.

Thêm nữa hoạt động chống Vibrio của vi tảo Picochlorum sp. bắt nguồn từ mối quan hệ cộng sinh với một số vi khuẩn biển vì vậy nghiên cứu phân lập một số chủng Labrenzia, Muricauda và Arenibacter nuôi cấy để tăng cường đáng kể tác dụng ức chế Vibrio.

Nghiên cứu này so sánh khả năng kìm hãm kìm hãm sự phát triển V. parahaemolyticus. vi khuẩn phân lập từ tảo Picochlorum sp., chia thành các nhóm thí nghiệm khác nhau: Labrenzia sp., Muricauda sp., Arenibacter sp. và tổng 3 loại vi khuẩn này.

Thí nghiệm 1 được thực hiện bằng phương pháp cho ăn: Labrenzia sp, Muricauda sp, Arenibacter sp và tổng 3 loại vi khuẩn ở các nồng độ 0%, 0.2%, 0.5%, 0.8% trong vòng 20 ngày sau đó cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio và xác định tỷ lệ sống của tôm.

Thí nghiệm 2 bằng phương pháp ngâm: Tôm được ngâm với vi khuẩn tương tự như ở thí nghiệm 1 với các nồng độ từ 0, 10, 50, 100ml và sau đó cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus và xác định tỷ lệ sống của tôm.

Qua thí nghiệm cho thấy vi tảo Picochlorum sp. cộng đồng vi khuẩn bao gồm Labrenzia sp, Muricauda sp và Arenibacter sp ức chế đáng kể sự tăng trưởng của vi khuẩn V. parahaemolyticus. Đồng thời các chỉ tiêu miễn dịch như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu cho thấy sự gia tăng ở nghiệm thức này. Qua đó, cho thấy bổ sung cộng đồng vi khuẩn có khả năng kích thích miễn dịch giúp tăng cường sức đề kháng chống lại vi khuẩn V. parahaemolyticus.

Khi dùng với vi tảo cộng sinh với cả 3 vi khuẩn trên, cả việc cho ăn (0,8% trọng lượng cơ thể tôm / ngày) và ngâm (10 ml/ 30L nước bể/ngày) đều mang lại hiệu quả bảo vệ, do đó chứng minh rằng bổ sung có tiềm năng để cải thiện kiểm soát AHPND. Trong hai phương pháp, phương pháp cho ăn phù hợp hơn với nuôi tôm lớn ngoài trời, trong khi ngâm được tìm thấy là phù hợp cho nuôi tôm hậu ấu trùng trong nhà.

NHƯ HUỲNH Lược dịch