Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Xuất khẩu tôm sang Mỹ và Nhật Bản tăng vọt giữa đại dịch COVID-19

Quí I/2020, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trưởng tốt nhất trong top 5 thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam, trong khi Nhật Bản vươn lên là thị trường số 1 nhập khẩu tôm Việt.

Số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết kim ngạch xuất khẩu tôm 3 tháng đầu năm đạt 628,6 triệu USD, tăng nhẹ 1,8% so với cùng kì năm 2019.

Trong đó, Mỹ đứng thứ hai về nhập khẩu tôm của Việt Nam với mức tăng trưởng khả quan nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu đạt 41,3 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kì năm ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với quí I/2019.

Theo VASEP dịch COVID-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3/2020 khiến hoạt động nhập khẩu hàng hóa trong đó có tôm vào thị trường này bị đình trệ. Nhu cầu nhập khẩu cũng giảm do giảm mạnh tiêu thụ ở phân khúc dịch vụ thực phẩm do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tôm ở phân khúc bán lẻ vẫn tăng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ EZ… để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.

Trong khi đó, Nhật Bản vươn lên là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong quý đầu năm nay khi chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam. Trong đó, riêng tháng 2 tăng trưởng 63% so với cùng kì năm 2019.

Tính chung b tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 132 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kì năm trước.

Tuy nhiên các thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam khác như EU, Hàn Quốc, Trung Quốc giảm lần lượt 16%, 6,3% và 6,4% so với tháng 3 năm ngoái do tác động của dịch bệnh COVID-19.

VASEP cho rằng tình hình dịch bệnh cũng chưa thể dự đoán được sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, tôm thuộc nhóm thực phẩm thiết yếu với mức giá dễ chịu nên nhu cầu tiêu thụ vẫn có trên thế giới và nội địa trong thời gian tới. Tình hình chống dịch ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ.

Khi các nước sản xuất tôm chính như Ấn Độ và Ecuador cũng đang gặp khó khăn về sản lượng do dịch bệnh, thời tiết, Việt Nam cần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, sản xuất đón đầu khi dịch bệnh được khống chế, các nước nhập khẩu tôm chính đang thực hiện các gói kích cầu… thì nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng cao và hy vọng giá sẽ tăng theo.

Như Huỳnh

Thái Bình: Làm giàu từ nuôi tôm thẻ chân trắng

Bằng sự nỗ lực và tinh thần học hỏi không ngừng, anh Nguyễn Văn Nhàn, thôn Đức Cường, xã Nam Cường (Tiền Hải) đã vượt qua nhiều gian khó, vươn lên làm giàu từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình mới nhà bạt mang lại hiệu quả kinh tế cao

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, với tinh thần chịu khó, anh Nhàn đã đi lao động ở nhiều địa phương tích lũy kinh nghiệm về phát triển kinh tế. Bằng con mắt quan sát tinh tế, anh Nhàn nhận thấy đa phần là các hộ dân nuôi thủy sản ở địa phương mới chỉ dừng lại nuôi tôm trên diện tích ao đất, lợi nhuận thu về không cao bởi việc nuôi trồng phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Suy nghĩ đó đã thôi thúc anh Nhàn chuyển hướng quyết định áp dụng công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình nuôi tôm trong nhà bạt công nghệ cao. Để nuôi tôm theo mô hình mới, anh Nhàn cải tạo ao của gia đình, nhận đấu thầu thêm đất, mua trang thiết bị. Trên diện tích khoảng 8 sào, anh Nhàn đào thành 2 ao nuôi tôm. Anh mua nguyên vật liệu về tự xây dựng lắp đặt nhà bạt, chi phí hết khoảng 150 triệu đồng.

Xác định, để gắn bó với con tôm lâu dài phải có kiến thức, do đó anh Nhàn đã tham quan các mô hình nuôi tôm nhà bạt ở Quảng Ninh, tìm đọc thêm các tài liệu trên sách báo, nghe đài, xem các chương trình truyền hình phổ biến cách nuôi tôm thẻ chân trắng. Với bản chất cẩn thận, chịu khó, lúc đầu cho tôm ăn theo hình thức trực tiếp, thủ công, anh thấy khá vất vả mà lượng thức ăn dư thừa nhiều. Đặc biệt, anh tìm tòi, nghiên cứu chế thành công máy cho tôm ăn theo giờ. Việc cho tôm ăn bằng máy vừa giảm bớt nhân công, thức ăn lại đều khắp ao, không bị dư thừa, tôm ăn liên tục, lớn nhanh, đều đẹp, không bị nhiễm bệnh. Vụ nuôi đầu thắng lợi ngoài sự mong đợi càng củng cố thêm quyết tâm của anh Nhàn. Nuôi tôm trong nhà bạt giúp anh Nhàn một năm nuôi được 3 vụ, trung bình cho một lứa tôm thương phẩm chỉ khoảng 70 ngày, riêng vụ đông có dài ngày hơn, khoảng 80 ngày.

Anh Nhàn thu hoạch tôm vụ xuân hè năm 2019.

Anh Nhàn thu hoạch tôm vụ xuân hè năm 2019.

Có thể bạn quan tâm

Theo anh Nhàn: “Nuôi tôm như đánh bạc với trời”, vì vậy không chỉ phụ thuộc vào thời tiết mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố con giống, chăm sóc, thời vụ nên tôm nuôi thường phải sử dụng kháng sinh, không quản lý được thức ăn, rủi ro cao. Nuôi tôm nhà bạt công nghệ cao tuy mật độ thả nuôi dày 200 con giống/m2 so với 80 con giống/m2 khi nuôi trong ao đất nhưng quản lý được thức ăn, môi trường ao nuôi, tôm phát triển đồng đều đạt tỷ lệ thành công lên đến 90%, năng suất tôm tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống, đạt trên 30 tấn/ha.

Anh Nhàn cho biết thêm: Mặc dù có đầu tư nhiều vốn, như trải bạt, máy tạo ôxy, máy xử lý nước, máy tự động cho tôm ăn vẫn mang lại hiệu quả cao hơn so với các mô hình nuôi tôm khác. Ngoài ra, mô hình nuôi nhà bạt công nghệ cao còn đòi hỏi hộ nuôi phải biết thiết kế kỹ thuật công trình, cao trình, hệ thống cống xả, vận hành thay nước… Trong quá trình nuôi, thường xuyên bổ sung vitamin, khoáng và kiểm soát chất lượng nước ao nuôi. Tôm thẻ chân trắng rất dễ nuôi nhưng cũng thường xuyên xuất hiện bệnh như: đốm trắng, gan, thận…, nên phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước, phân tôm. Đặc biệt đầu tiên là phải lựa chọn con giống có bảo đảm chất lượng, biết cân bằng dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của tôm, giữ môi trường ao nuôi ổn định, không bị ô nhiễm, đồng thời thường xuyên áp dụng công nghệ mới vào quá trình nuôi tôm.

Năm 2019, anh đã thắng lợi cả 3 vụ tôm liên tiếp. Riêng vụ đông sản lượng tôm đạt trên 4 tấn/8 sào, trừ chi phí anh thu lãi trên 400 triệu đồng.

Nguồn: Mạnh Thắng/Báo Thái Bình

Nhu cầu tôm thế giới đang trên đà tăng, nông dân Việt đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn cung nguyên liệu

Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con cần khẩn trương thả nuôi để tận dụng tốt những cơ hội xuất khẩu, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng hơn, vì một vụ tôm thường kéo dài khoảng 90-100 ngày.

Hồi giữa tháng 2, khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp ở nước ta, cửa khẩu bị tạm đóng, cũng là lúc người nông dân lao đao vì mất kênh xuất khẩu. Không lâu sau, phong trào giải cứu nông sản lại nổi lên, nhằm hỗ trợ bà con tiêu thụ một số sản phẩm như thanh long, dưa hấu và tôm.

Tôm hùm đại dương, tôm hùm xanh rồi tôm hùm baby được các nhà bán lẻ và người tiêu dùng trong nước cứu trợ, với giá giảm có khi đến gần 50%. Tuy việc giải cứu đã phần nào giúp giảm thiệt hại cho nông dân nhưng nỗi lo về dịch bệnh, thị trường tiêu thụ dường như vẫn còn nguyên.

Theo phản ánh của VTV, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang hạn chế nuôi thả tôm vụ mới hoặc với số lượng ít hơn, vì lo ngại dịch bệnh khiến việc tiêu thụ khó khăn.

tom-5553-1587384552.jpg

Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con cần khẩn trương thả nuôi tôm để tận dụng tốt những cơ hội xuất khẩu. Ảnh: Reuters.

Chưa hết, những tin đồn gần đây cũng gây bất lợi cho người nuôi tôm.

“Các thông tin đồn đại khách không mua tôm, thị trường đóng cửa giao dịch dẫn đến đại lý, ngân hàng, các tổ chức tín dụng không cho vay, đặc biệt không thu mua được khiến dân không dám nuôi tôm. Các thông tin này làm thị trường rối loạn”, ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH Thông Thuận, chia sẻ với VOV.

Vị này cho biết, người nông dân nghe ngóng những thông tin qua mạng, đồn thổi rằng cấm xe, dừng xuất khẩu đi châu Âu, Nhật, Mỹ, không bán được hàng, ngân hàng không cho vay… nên họ sợ lỗ. Giá bán tôm hiện nay đang tốt nhưng thông tin của doanh nghiệp đến người dân rất khó.

Trong khi thực tế, xuất khẩu tôm nước ta đang trên đà hồi phục. Quý I, xuất khẩu tôm đạt kim ngạch hơn 617 triệu USD, không những không giảm mà còn tăng nhẹ 0,77% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ hai tháng đầu năm đạt 383,391 triệu USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ 2019).

Các thị trường lớn cũng đang tăng cường nhập khẩu mặt hàng thủy sản này từ Việt Nam.

Theo ông Thông, nếu như thị trường nông sản đang bị ngưng trệ thì ngành tôm lại nằm ngoài xu thế đó. Dù có hiện tượng đối tác đề nghị chậm giao hàng nhưng ngay trong trong nước, nguyên liệu còn chưa đáp ứng được cho các nhà máy, đơn hàng. Đơn cử, công suất của Thông Thuận mỗi tháng xuất 8 triệu USD, thành nguyên liệu mỗi ngày khoảng 40-50 tấn nhưng nay không đủ nguyên liệu sản xuất.

Trả lời VTV, một chủ doanh nghiệp chế biến thủy sản khác cũng cho hay: “Mỗi ngày, nhà máy cần từ 30 đến 40 tấn tôm nguyên liệu. Nếu như cùng kỳ năm ngoái, tôm loại 20-30 con/kg rất dễ mua thì nay lại vô cùng khan hiếm.”

Ông Đăng Văn Hiến, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Trường Phú, Bạc Liêu, nhận định: “Giá tôm trong một tháng đã tăng 7-10%. Tôi dự đoán mức giá sẽ còn tiến triển tốt hơn trong thời gian tới.”

Dự báo 2-3 tháng tới, nhu cầu tiêu thụ tôm tiếp tục tăng cao, khi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, Hàn Quốc đều đang được khống chế tốt. Mỹ hay Châu Âu cũng đang nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục các hoạt động sản xuất như trước khi có dịch.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con cần khẩn trương thả nuôi để tận dụng tốt nhưng cơ hội xuất khẩu, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng hơn, vì một vụ tôm thường kéo dài khoảng 90-100 ngày.

Theo Trí Thức Trẻ

Kịch bản nào cho giá tôm 2020?

Năm 2020, dịch Covid-19 phát tán, tạo nên những biến số biến động bất thường để hình thành các giá trị mới. Con tôm sẽ có giá như thế nào có lẽ bị chi phối bởi yếu tố này mà ra…

Hiện nay do dịch bệnh đầu vụ do thời tiết và tình hình Covid khiến việc thả giống tôm nuôi chậm lạiNếu tình huống Covid vãn hồi sớm, giá tôm trong nước sẽ tăng mạnh hơn các nước. (Ảnh minh họa)

Tổng giám đốc quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cho rằng, tác động của Covid-19 còn tàn khốc hơn khủng hoảng kinh tế thế giới 2008. Nhận xét khái quát này có bi quan lắm hay không, chưa có đáp án nhưng nền kinh tế thế giới đang chuyển sang giai đoạn trì trệ chỉ sau ba tháng Covid-19 phát tán.

Cụ thể gần nửa dân số thế giới bị cách ly nhiều hình thức; nhiều quốc gia khó khăn trong việc ngăn chống sự phát tán bệnh này; nhiều ngành kinh tế bị tê liệt… Khẳng định tốc độ phát triển GDP sẽ giảm khá mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Trong phạm vi hẹp, xoay quanh con tôm, nhận xét nêu ra có hai yếu tố cơ bản là cung và cầu; trên hai phạm vi thế giới và trong nước để tìm ra kịch bản giá con tôm năm nay.

Yếu tố cung, tập trung nhận xét về các cường quốc nuôi tôm.

Trung Quốc và Ấn Độ đang phong toả quy mô quốc gia. Điều này khiến chuỗi cung ứng hình thành con tôm bị gián đoạn, cắt khúc. Trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu lao động cho nuôi lẫn chế biến. Khả năng hai quốc gia này giảm sản lượng tôm rất lớn, ít ra 20%. Nếu tình hình Covid kéo dài hết quý II, mức sụt giảm sẽ cao hơn.

Indonesia, Ecuador, Thái Lan đều bị ảnh hưởng bởi Covid với mức độ nhẹ hơn, riêng Ecuador đang giới nghiêm vì dịch bệnh lây lan khá phức tạp. Chắc chắn các quốc gia này đều bị tác động trong nuôi lẫn chế biến. Sản lượng tôm không thể tăng mà chỉ giảm, dù ít hay nhiều.

Việt Nam, tuy có nửa tháng phong toả xã hội, nhưng về tâm lý cũng làm người nuôi lo âu về đầu ra. Mặt khác, hiện nay thời tiết khá khắc nghiệt, biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm là 10 độ, dễ gây sốc con tôm. Từ đó tôm dễ bị nhiễm bệnh. Nhất là bệnh đốm trắng và vi bào tử trùng khiến người nuôi tôm chùng tay thả nuôi giai đoạn hiện nay.

Nhận xét chung, tình hình cung tôm 2020 phạm vi toàn cầu là giảm khá mạnh so năm trước.

Yếu tố cầu: Phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19. Covid đang làm hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu lao động các nước tiên tiến thất nghiệp. Một số không nhỏ lao động giảm thu nhập vì giảm việc.

Nếu Covid kéo dài đến cuối năm, một số người dân, không nhỏ, kéo dài thời gian phải ở nhà, dẫn đến sức tiêu thụ càng giảm, kể cả thực phẩm thiết yếu. Vì hạn chế thu nhập, người dân phải tiết kiệm mọi chi tiêu.

Nếu Covid được giải quyết cơ bản cuối quý II, kinh tế thế giới sẽ hồi phục nhanh vì sự phấn khởi vượt qua đại nạn. Sự phấn khởi đó có thể như cái lò xo ở một số ngành kinh tế. Và có thể lan toả qua lĩnh vực tiêu dùng, coi như bù đắp thời gian dài bị đè nén, dù thu nhập chưa hồi phục ngay!

Xét cung cầu tôm phạm vi trong nước, sẽ thấy thêm yếu tố tác động là thời tiết sắp tới đây, nhất là trong tháng 5, tháng cao điểm thả tôm nuôi. Nếu lúc đó thời tiết mát dịu, nhiệt độ ngày đêm không còn chênh lệch nhiều, người nuôi sẽ an tâm thả giống nhiều hơn.

Tổng quan, kịch bản nào cho giá tôm trong nước năm 2020 phụ thuộc vào diễn biến Covid và thời tiết sắp tới đây. Theo dự báo, thông lệ hàng năm, tới đầu mùa mưa thời tiết luôn chuyển mát dịu, tác động tích cực tới sự sinh trưởng tôm nuôi. Như vậy, yếu tố Covid trở thành mối quan tâm nhiều nhất.

Covid kéo dài, sức cầu giảm, giá tôm không tăng nhưng cũng không giảm nhiều vì mức cung chung giảm.

Covid ổn thoả trong quý II, nhu cầu tôm trở lại bình thường, giá tôm sẽ tăng theo.

Đó là nhận xét chung, cụ thể giá tôm trong nước sắp tới diễn tiến như thế nào, có một số điểm lưu ý:

Giá tôm trong nước có quan hệ cung cầu riêng, đôi khi không theo quan hệ cung cầu thế giới. Chúng ta hay gọi là tình trạng đắt đồng ế chợ.

Hiện nay do dịch bệnh đầu vụ do thời tiết và tình hình Covid khiến việc thả giống tôm nuôi chậm lại. Điều này khiến giá tôm trong nước sẽ biến động hình sin do thiếu hụt cục bộ, nhất là giai đoạn từ tháng 5 tới sẽ thiếu nguồn cung do hiện nay thả giống nuôi chậm.

Nếu tình huống Covid vãn hồi sớm, giá tôm trong nước sẽ tăng mạnh hơn các nước, do trình độ chế biến của ta cao. Điều này dẫn tới nhiều sản phẩm vào được các hệ thống phân phối cấp cao, giá cả tốt. Nhà chế biến và người nuôi có thể chia sẻ nhau.

Nếu tình huống Covid kéo dài, người nuôi sẽ giảm việc thả giống nuôi. Mức cung trong nước sẽ giảm, dẫn đến giá cả nếu có giảm, cũng chỉ giảm nhẹ vì mức cung chung đã giảm.

Tóm lại, Covid có tác động cơ bản giá tôm tới đây. Tuy nhiên, người nuôi thuỷ sản của ta nhiều kinh nghiệm và năng động trong thả nuôi. Họ có thể dừng thả nuôi tôm, chuyển qua nuôi thuỷ sản khác nếu thấy nuôi tôm không hiệu quả. Tuy nhiên, nhận xét chung dù Covid tác động kéo dài bao lâu, giá tôm cũng sẽ khá ổn, cơ bản do cung giảm. Nếu giá có giảm, sẽ không nhiều nhưng xu thế giá tăng là xu thế mạnh hơn.

TS Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch Vasep, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Nguồn : https://thuonghieucongluan.com.vn/

Nhiều hộ nuôi tôm ở Nghệ An mất trắng hàng trăm triệu do dịch bệnh đầu vụ

Trước khi thả tôm giống để nuôi vụ chính, bà con ở Nghệ An đã xử lý ao đầm, sẵn sàng các điều kiện khá bài bản nhưng dịch bệnh vẫn xuất hiện gây thiệt hại ngay từ đầu vụ nuôi.

Xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) có hơn 186 ha nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung ở thôn Mai Giang 1, Nông trường Trịnh Môn… Theo ghi nhận, đến thời điểm này, bà con ở đây đã thả trên 80% diện tích ao nuôi nhưng đã có hàng chục ha phải xử lý lại toàn bộ để thả tiếp vụ mới do dịch bệnh.

Ông Vũ Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng cho biết, chưa năm nào, người dân nuôi tôm vụ 1 lại khó khăn như hiện nay. Mới đầu vụ đã xuất hiện dịch bệnh liên tiếp ở tôm; tại 1 hộ ở vùng  Nông trường Trịnh Môn đã phát hiện tôm bệnh đốm trắng với diện tích 0,5 ha. Sau đó, nhiều hộ khác cũng có tôm bị dịch bệnh buộc phải xử lý lại toàn bộ để thả nuôi vụ mới.

Triệu chứng tôm nuôi 2 tháng chậm lớn và hàng chục ha tôm vụ 1 ở Quỳnh Lưu buộc phải xử lý để tiếp tục thả nuôi. Ảnh: Việt Hùng

Theo thống kê từ UBND xã Quỳnh Bảng, hiện địa phương có khoảng 25 – 30 ha tôm bị dịch bệnh, riêng tôm bị đốm trắng là 0,5 ha; còn lại tôm bị bệnh nuôi chậm lớn gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đơn cử như hộ các ông Nguyễn Khắc Đức, Hồ Thái Hưng, Hồ Đình Đạo… đều nuôi 2 ao, mỗi ao 3.000 – 5.000 m2; sau 2 – 3 tháng nuôi đáng ra gần thu hoạch nhưng tôm vẫn không lớn, chỉ bằng con tép. Nếu tính thiệt hại về giống, chi phí thức ăn thì mỗi hộ mất trắng trên 100 triệu đồng.

Còn tại vùng nuôi tôm ở xã An Hòa (Quỳnh Lưu), mặc dù bà con ở đây thả nuôi chậm hơn nhưng vẫn không tránh khỏi dịch bệnh. Nhiều hộ đầu tư hàng chục triệu đồng, công chăm sóc nay mất trắng. Ông Nguyễn Văn Tráng là một trong những hộ có quy trình nuôi tôm khá bài bản nhưng vụ thả nuôi này cũng gặp bất lợi do tôm bị dịch bệnh.

Theo ông Tráng, đầu tháng 3 dương lịch, gia đình ông tiến hành thả nuôi 26.000 con tôm giống tại ao số 1 để ươm, khi tôm lớn sẽ cho vào những ao khác. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng nuôi, tuân thủ quy trình chăm sóc nhưng tôm vẫn không lớn. Khoảng 15 ngày sau, ông tiếp tục mua giống về thả nuôi để mong sao kéo lại vốn đầu tư bỏ ra…

Ông Nguyễn Văn Tráng, hộ nuôi tôm ở xã An Hòa (Quỳnh Lưu) kiểm tra ao, bổ sung thức ăn phòng bệnh cho tôm. Ảnh: Việt Hùng

“Nuôi tôm nhiều năm nhưng đây là vụ nuôi gây nhiều khó khăn nhất cho bà con. Lúc thả nuôi thì thời tiết nắng, thuận lợi để tôm sinh trưởng nhưng thời gian vừa rồi, mưa lạnh thất thường khiến môi trường thay đổi làm con tôm phát bệnh, chậm lớn. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ xung quanh cũng mất khoảng 60 – 70 triệu đồng tiền giống và chi phí”, ông Tráng nói.

Toàn huyện Quỳnh Lưu có 460 ha nuôi tôm tập trung ở các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, An Hòa… Tính đến ngày 14/4, tổng diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh, chậm lớn khoảng hơn 35 ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã Quỳnh Bảng và An Hòa. Được biết, ngoài tác động của thời tiết thì nguyên nhân dẫn đến tôm chậm lớn là do thức ăn kém chất lượng, không đủ dinh dưỡng; con giống yếu; tôm nhiễm bệnh còi; nhiễm phân trắng, đặc biệt mật độ thả nuôi dày cũng là nguyên nhân khiến tôm chậm lớn.

Các hộ nuôi tôm phải thật chủ động khi bước vào vụ nuôi tôm, bởi đây là vụ quyết định đến năng suất, sản lượng và kinh tế của cả năm. Khi thấy thời tiết thuận lợi bà con mới thả nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch cho tôm nuôi trong ao, tăng cường khoáng chất, vitamin để đảm bảo sức đề kháng cho tôm. Đối với các ao nuôi có tôm bị dịch bệnh thì buộc người dân phải xử lý môi trường theo quy trình, không xả ra môi trường ngoài để hạn chế lây lan dịch bệnh cho vùng nuôi tôm khác…

Ông Bùi Xuân Trúc-  Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu

Tại thị xã Hoàng Mai, mới đầu vụ thả tôm nhưng một số vùng nuôi ở các phường Quỳnh Xuân, Quỳnh Liên.. cũng xuất hiện tôm bị dịch bệnh.
Ông Hoàng Ngọc Thủy – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai cho biết, để đảm bảo cho vụ nuôi tôm thành công, bên cạnh việc chọn mua con giống chất lượng, thị xã khuyến cáo bà con cần chú ý xuống giống theo lịch thời vụ.
Không chỉ dịch bệnh những hộ nuôi tôm vừa qua cũng bị giảm lợi nhuận do giá tôm thương phẩm giảm khoảng 20% so với trước.

 

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ vẫn khả quan, bất chấp đại dịch

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ tính đến 15/3 vừa qua đạt gần 93 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ tính đến 15/3 vừa qua đạt gần 93 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Sở dĩ xuất khẩu tôm tăng như vậy là thời điểm này dịch bệnh chưa bùng phát mạnh ở Mỹ.

Dịch Covid-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3/2020 khiến hoạt động nhập khẩu hàng hóa, trong đó có tôm vào thị trường này bị gián đoạn. Nhu cầu nhập khẩu, lượng tiêu thụ cũng giảm mạnh do việc thắt chặt để kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tôm ở phân khúc bán lẻ vẫn tăng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ vẫn khả quan, bất chấp đại dịch - Ảnh 1.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho hay, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như: tôm dễ bóc vỏ, tôm tẩm bột… để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.

Vasep dự báo lạc quan, nếu hết quý 2/2020, dịch Covid-19 ở Mỹ được khống chế, kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá giai đoạn rà soát lần thứ 14 (POR 14) vẫn khả quan như giai đoạn trước (POR13) thì xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự báo sẽ tăng 3% đạt khoảng 675 triệu USD trong năm 2020.

Theo Thủy Chung – VOV

Một số khuyến cáo khi nuôi tôm thẻ thời điểm giao mùa

Tôm thẻ chân trắng
Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tôm đặc biệt trong thời điểm giao mùa.

Lưu ý khi nuôi tôm trong thời điểm giao mùa, điều kiện môi trường biến động lớn.

Cuối tháng 4 đầu tháng 5 là thời điểm giao mùa thường xuyên xuất hiện mưa lớn, giông lốc; biên độ dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm rất cao, ban ngày có thể lên trên 32oC, về đêm giảm xuống dưới 22oC làm cho môi trường nước ao nuôi tôm luôn biến động. Điều này ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm thậm chí có thể chết tôm tại các ao nuôi.

Vì vậy để giảm thiểu rủi ro, gây thiệt hại cho người nuôi tôm đặc biệt các ao đang nuôi tôm chuẩn bị thu hoạch, người nuôi cần chú ý:

Trong quá trình nuôi

1. Luôn đảm bảo mực nước trong ao luôn duy trì từ 1,8 -2 mét; Chạy sục khí, quạt nước đảm bảo oxy trong nước đạt trên 4mg/l.

2. Duy trì môi trường nước ao ổn định luôn đảm bảo pH 7,0-8,2; độ kiềm từ 120-180 mg/l; độ mặn trong khoảng 15-20‰.

3. Định kỳ 5-7 ngày bổ sung men vi sinh có gốc Bacillus để ổn định môi trường ao nuôi

4. Thức ăn cho tôm đảm bảo chất lượng ngoài ra bổ sung thêm các loại men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, khoáng vi lượng và một số vitamin C, B1 cần thiết để tăng sức đề kháng cho tôm.


Tạt khoáng để duy trì ổn định môi trường ao nuôi.

Khi gặp thời tiết bất lợi (mưa to, giông bão, nhiệt độ giảm thấp)

1. Tăng thời gian chạy sục khí, quạt nước.

2. Dừng hoặc giảm lượng thức ăn cho tôm ăn so với các bữa ăn trước. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe, khả năng bắt mồi của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

3. Bờ ao cao và chắc chắn đảm bảo nước mưa từ trên bờ không chảy xuống ao gây đục và ô nhiễm nước ao. Ngoài ra cần bổ sung thêm khoáng Dolomite và vôi CaO té đều khắp mặt ao để duy trì pH 7,0-8,2; độ kiềm từ 120-180 mg/l; độ mặn trong khoảng 15-20‰.

4. Khi thời tiết, môi trường nước ao nuôi ổn định tiến hành cho tôm ăn lại bình thường theo nhu cầu của tôm.

Xuân Trường Trung tâm Khuyến nông Quốc gia