Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Các nhà máy vẫn cần nguồn tôm nguyên liệu

chế biến tôm
Mặc dù có bị chậm đơn, hủy đơn nhưng các nhà máy vẫn cần nguồn tôm nguyên liệu.

Trong lúc có thông tin thị trường nông sản bị ngưng trệ vì dịch Covid-19, ngành hàng tôm lại không nằm trong tình trạng này, mặc dù có chậm giao hàng, bị huỷ đơn hàng.

Minh chứng cho vấn đề này là việc hàng loạt các nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu ở Cà Mau không giảm nhân công, không cắt giảm ca làm, không giảm công suất hoạt động. Ngược lại, các nhà máy lại lo thiếu nguồn cung ứng tôm nguyên liệu trong thời gian tới.

Giữ vững thị trường

Những tin đồn thất thiệt về cấm xe, dừng xuất khẩu thuỷ sản đi châu Âu, Nhật, Mỹ; không bán được hàng,… làm cho thời gian qua người nuôi tôm sợ lỗ không dám tái đầu tư.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Nhà máy Công ty cổ phần Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú (Công ty Minh Phú) Phường 8, TP Cà Mau Lê Văn Điệp chia sẻ, giá bán tôm hiện nay tuy giảm hơn so với trước nhưng không vì thế mà các doanh nghiệp ngưng thu mua; trong khi thông tin của doanh nghiệp đến người dân rất khó.

Những tháng đầu năm 2020, thị trường xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam chịu tác động mạnh của dịch Covid-19. Đặc biệt, từ đầu tháng 3/2020, khi dịch bệnh lan rộng gây hậu quả nghiêm trọng tại châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… đã làm tăng khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhất là các sản phẩm thuỷ sản tươi sống.

Để ứng phó với tình hình này, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp nỗ lực không ngừng tổ chức sản xuất theo diễn biến dịch bệnh đối với thị trường xuất, nhập khẩu truyền thống và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới cho sản phẩm thuỷ sản.

Giám đốc nhân sự Công ty Minh Phú Phan Văn Tâm cho biết: “Công ty không vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà giảm nhân công làm việc. Ngược lại, Ban Giám đốc công ty luôn quán triệt các giải pháp phòng dịch an toàn để đảm bảo nhân sự hơn 6.300 công nhân của nhà máy”.

Về hoạt động xuất khẩu của công ty, ông Lê Văn Điệp cho hay, tuy 3 tháng đầu năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu của nhà máy sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm trước; khách hàng huỷ đơn hàng khoảng 10% và lượng lớn kéo giãn thời gian giao nhận hàng, song, công ty vẫn thu mua tôm nguyên liệu trên địa bàn ổn định như trước đây.

Kho hàng của công ty với sức chứa 2.000 tấn nguyên liệu sau chế biến đến nay đã đầy, công ty còn phải liên kết với nhiều công ty khác để hợp đồng lưu kho lạnh nhằm giữ vững và ổn định lượng hàng hoá theo đơn hàng và cung ứng khách hàng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Cùng một quyết tâm không để hàng hoá khan hiếm sau dịch và ứ đọng trong mùa dịch, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến và dịch vụ thuỷ sản Cà Mau (CASES) Lê Quang Khánh cho biết: Đơn vị đã chủ động phương pháp làm việc với khách hàng. Chủ yếu là ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc qua môi trường mạng, qua điện thoại. Khi cần thiết, khách hàng đến kiểm tra hàng hoá thì phải đảm bảo các quy định bảo hộ, quy định phòng, chống dịch an toàn.

Cũng như các đơn vị khác, CASES cũng bị đối tác huỷ đơn hàng, hoãn thời gian giao hàng khoảng 20% sản lượng, tương đương 1.000 tấn, nhưng đơn vị vẫn tiếp tục sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng 80% lượng khách hàng còn lại và dự trù tình huống khan hàng, hút hàng thời gian tới.

Theo số liệu thống kê của các tỉnh ĐBSCL, ước trong quý I diện tích tôm (sú và thẻ) thả nuôi mới chỉ đạt 425.215 ha (bằng 85% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu là nuôi tôm quảng canh. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ 2 tháng đầu năm đạt 383,391 triệu USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2019).

Ở Cà Mau, tuy dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng không vì thế mà sản lượng khai thác và nuôi thuỷ sản của tỉnh giảm. Ước tính đến hết quý I/2020, sản lượng thuỷ sản của tỉnh đạt 146.500 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, sản lượng tôm nuôi đạt 88.000 tấn, tăng 1,2%. Bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh cũng tăng 19,7%; diện tích nuôi quảng canh cải tiến tăng 7,1%.

Ổn định việc làm cho công nhân

Trưởng phòng quản lý chất lượng Công ty TNHH Quang Bình (thị trấn Sông Đốc), ông Lê Trung An cho biết: Công ty không cắt giảm công nhân mà chia theo ca làm để đảm bảo khoảng cách an toàn cho công nhân ở xưởng theo quy định phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, công ty còn quán triệt công nhân phải tuân thủ nghiêm giờ tan ca về gia đình trong việc hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người. Hiện, công ty vẫn đảm bảo giờ làm, thu nhập ổn định cho công nhân của công ty.

Phó tổng giám đốc CASES Lê Quang Khánh khẳng định: “Công ty đã thống nhất các phương án phòng, chống dịch cho toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động. Với hơn 3.000 công nhân, chúng tôi quy định nghiêm túc giờ làm, giờ ăn, giờ về và ban hành quy chế kiểm tra chéo lẫn nhau”.

Ở khu nhà ăn của CASES, thay vì bố trí 2 buổi ăn như trước nay, giờ công ty kéo giãn giờ làm, chia thêm ca nên giờ ăn cũng chia thành 4 ca để giữ đúng khoảng cách khi ăn của công nhân và cán bộ nhân viên nhà máy.

Tổng giám đốc Nhà máy Công ty Minh Phú Lê Văn Điệp cho biết thêm: Hiện lượng lao động làm ngoài tỉnh trở về Cà Mau rất đông, đó là nguồn nhân lực dồi dào cho công ty trong thời gian tới. Song, vì lý do an toàn nên công ty chưa thông báo tuyển dụng. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, công ty sẽ tính đến phương án tăng công nhân, nâng công suất nhà máy để đảm bảo cung ứng hàng hoá ra thị trường.

Theo nhiều lãnh đạo công ty thuỷ sản ở Cà Mau, tuy dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ ở các nước đang bị dịch bệnh nặng như Mỹ, Trung Quốc, Nhật bản…, song lượng hàng hoá cung ứng (tôm) vẫn cần xuất hàng khi đường vận chuyển hàng hoá giao thương giữa các quốc gia này hoạt động trở lại. Bởi, trong thời gian phòng chống dịch, nhu cầu tiêu dùng của người dân sở tại vẫn tăng, nhất là các mặt hàng tôm chế biến loại vừa và nhỏ xuất bán ở các siêu thị.

Trong chuyến làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa qua, lãnh đạo các Công ty Quang Bình, Minh Phú, CASES… đều kiến nghị tỉnh cần có chủ trương và hoạch định nuôi, khai thác thuỷ sản của tỉnh để đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu cung ứng trong và sau dịch bệnh.

“Tình hình kiểm soát và khống chế dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã có kết quả tích cực, các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thuỷ sản, đặc biệt là tôm theo dự báo sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục hoạt động sản xuất như trước khi có dịch”, ông Lê Quang Khánh nhận định.

“Chúng tôi đảm bảo và cam kết sẽ mua toàn bộ tôm nguyên liệu trong bà con nông dân dù dịch bệnh đang diễn ra”, ông Lê Văn Điệp khẳng định.

Phong Phú Báo Cà Mau

Ngành tôm Cà Mau gặp khó

Cà Mau được xem là thủ phủ nuôi tôm của cả nước với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã và đang làm cho ngành tôm Cà Mau đứng trước nhiều khó khăn, người nuôi tôm, doanh nghiệp (DN) chế biến gặp rất nhiều khó khăn.

Cà Mau có 150.000 hộ nuôi tôm với tổng diện tích hơn 280.000 ha, tổng sản lượng tôm đạt khoảng 300.000 tấn/một năm. Trong đó, các hình thức nuôi, gồm: quảng canh kết hợp 62.000 ha; quảng canh cải tiến 140.000 ha; tôm-lúa 38.000 ha, tôm-rừng 30.700 ha và trên 8.700 ha tôm bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh. Chỉ riêng loại hình tôm siêu thâm canh, từ vài chục ha ban đầu, đến nay Cà Mau có hơn 2.500 ha với 2.476 hộ nuôi, năng suất bình quân từ 40-50 tấn/ha.

Thu hoạch tôm nuôi sinh thái tại huyện Năm Căn (Cà Mau).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người nuôi tôm ở Cà Mau đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì giá tôm biến động liên tục. Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Cà Mau, thương lái thu mua tôm tung tin đồn nhằm làm nhiễu loạn giá, thậm chí kéo giá xuống thấp, làm cho người nuôi hoang mang. Việc loạn giá theo chiều hướng đi xuống đã đẩy người nông dân lâm vào thế “bỏ thì thương, vương thì tội”, bán cũng không xong, để lại cũng chẳng yên lòng.

Ông Châu Trung Trực (ngụ ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) cho biết, chưa bao giờ chứng kiến người nuôi tôm khó khăn đến vậy. Giá tôm giảm mạnh không đoán được thời điểm dừng. Nhà ông Trực có một ao 2.200m2 nuôi tôm siêu thâm canh, 6 vụ đầu gia đình ông đều thu lãi. Mới cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 1 tỷ, giờ ông Trực buộc phải bán khi tôm chỉ mới đạt 100 con/kg; giảm 50% sản lượng, lỗ 300 triệu đồng.

Nhiều năm qua, thị trường xuất khẩu chính của các DN chế biến tôm Cà Mau là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… hiện các thị trường truyền thống này đang bị dịch bệnh COVID-19 hoành hành, việc nhập khẩu hàng hóa từ các hợp đồng đã ký trước đều phải dừng lại. Mặc dù Chính phủ đã có những chủ trương tháo gỡ nhưng DN vẫn gặp khó khăn nghiêm trọng.

Với 68 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, trong đó 29 DN có 39 nhà máy chế biến tổng công suất 185.000 tấn/năm với 20.000 lao động, khó khăn về thị trường xuất khẩu đang làm các doanh nghiệp ngành tôm Cà Mau điêu đứng.

Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Anh Khoa, cho biết: “Quý 1-2019 kim ngạch xuất sang thị trường Trung Quốc khoảng 10 triệu USD. Nhưng quý 1-2020 chỉ bán được 450.000 USD. Lượng hàng tồn kho gồm 400 tấn tôm sú trị giá 150 tỷ đồng đã khiến công ty không thể tìm được nguồn vốn thu mua tôm trong dân, góp phần kích tăng giá tôm gỡ khó cho nông dân”.

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, đến quý 2-2020, nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến DN khó khăn hơn về thị trường xuất khẩu, kho lưu trữ hàng hóa, nguồn vốn, lao động, vốn thu mua tôm… ảnh hưởng rất lớn việc sản xuất của các hộ nuôi tôm. Do đó, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang được triển khai đi vào thực hiện; thông qua cơ hội hy vọng giải được bài toán khó khăn của ngành tôm Cà Mau.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, về phía tỉnh, các hội sở ngân hàng phản ứng khá nhanh so với tình hình chung cả nước. Chủ trương đã có nhưng việc cụ thể hóa chính sách còn chậm.

“DN có tồn tại được hay không là liên quan đến nông dân, nếu nông dân dừng sản xuất, DN sẽ thiếu nguyên liệu, không thể sản xuất. Do vậy, để duy trì sản xuất một cách ổn định, có hiệu quả thì trước tình thế này, DN phải lên tiếng, minh bạch thông tin thu mua để người nông dân nắm bắt, tránh tình trạng để thương lái thu mua với giá lung tung, làm hại đến lợi nhuận kinh tế người dân. Đồng thời, DN cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin, năng lực chế biến đối với ngân hàng để tạo đủ niềm tin cùng nhau gỡ khó trong điều kiện dịch bệnh này”, ông Sử nhấn mạnh.

Còn ông Trần Quốc Khởi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau, cho hay: “Theo Thông tư 01, hệ thống ngân hàng đang triển khai hỗ trợ trên 3 nội dung: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hỗ trợ miễn, giảm lãi, phí và hỗ trợ giữ nguyên nhóm nợ đối với các DN thủy sản đang gặp khó khăn. Trong đó, giảm, miễn lãi từ 0,5-1%. Tuy nhiên, hiện tiêu chí cho vay ưu đãi thì chưa được phổ biến, chưa có những hướng dẫn cụ thể…”.

Đ.Văn – H.Quân – http://cand.com.vn/

Xuất khẩu tôm tăng nhẹ trong 3 tháng đầu năm

KTCKVN – Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm đạt 628,6 triệu USD, tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, XK tôm sang thị trường Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng khả quan nhất trong số các thị trường nhập khẩu (NK) chính

Trong bối cảnh XK bị gián đoạn ở nhiều thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây là mức tăng trưởng khích lệ đối với các DN XK tôm Việt Nam.

Mỹ đứng thứ hai về NK tôm của Việt Nam. Tháng 3 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 41,3 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong top 5 thị trường NK tôm chính của Việt Nam.

Dịch Covid-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3/2020 khiến hoạt động NK hàng hóa trong đó có tôm vào thị trường này bị đình trệ. Nhu cầu NK cũng giảm do giảm mạnh tiêu thụ ở phân khúc Dịch vụ Thực phẩm do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tôm ở phân khúc bán lẻ vẫn tăng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. DN XK sang thị trường nên tập trung vào các sản phẩm Chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ EZ… để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.

xuat khau tom tang nhe trong 3 thang dau nam
Xuất khẩu tôm tăng nhẹ trong 3 tháng đầu năm

Nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ là Ấn Độ, cũng là đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ, đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa nhằm hạn chế dịch Covid lây lan ở Ấn Độ bắt đầu từ 23/3 và kéo dài đến 3/5 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nước này khi tháng 3 là tháng cao điểm để thả giống vụ hè. Người nuôi tôm ở Ấn Độ gặp khó khăn về nguồn cung và vận chuyển tôm giống trong khi đầu ra bị tắc, không có người chăm sóc tôm vì lệnh phong tỏa, giá tôm nguyên liệu giảm sâu. Do Lệnh phong tỏa, một số nhà máy chế biến của Ấn Độ chỉ có thể hoạt động 50% số lượng công nhân. Nên XK tôm của Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 3/2020 bị ảnh hưởng.

Chiếm 21% tổng giá trị XK tôm Việt Nam, Nhật Bản vươn lên là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam trong quý đầu năm nay nhờ tăng trưởng mạnh NK tôm từ Việt Nam trong tháng 2/2020 với mức tăng trưởng 63% so với cùng kỳ năm 2019. Quý 1 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 132 triệu USD, tăng 8,4% so với quý 1/2019.

XK tôm Việt Nam sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc trong tháng 3 năm nay vẫn giảm lần lượt 16%, 6,3% và 6,4% so với tháng 3 năm ngoái do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Trong khi dịch bệnh trên toàn thế giới vẫn chưa được khống chế và chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, cả người nuôi và DN vẫn đang nỗ lực cố gắng để vượt qua khó khăn. Người nuôi tôm cũng đang cần sự hỗ trợ khống chế kịp thời dịch bệnh trên tôm, nhất là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp, bởi nếu không rất dễ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu tôm khi thị trường tôm hồi phục.

Hiện nay do dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, các nước như EU, Australia, Hàn Quốc…đều áp dụng các biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế đi lại nên ảnh hưởng đến việc giao hàng, theo đó, giá tôm nguyên liệu có xu hướng giảm trong quý đầu năm nay. Người nuôi cần chọn lựa phương án thu hoạch tôm phù hợp. Nếu tôm nuôi không đạt, nông dân nên thu hoạch sớm để không bị thua lỗ. Nếu tôm đang ở giai đoạn có kích cỡ nhỏ và phát triển tốt thì nên tiếp tục nuôi tôm lên kích cỡ lớn hơn để bán với giá cao hơn.

Tình hình dịch bệnh cũng chưa thể dự đoán được sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, tôm thuộc nhóm thực phẩm thiết yếu với mức giá dễ chịu nên nhu cầu tiêu thụ vẫn có trên thế giới và nội địa trong thời gian tới. Tình hình chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ. Khi các nước sản xuất chính như Ấn Độ và Ecuador cũng đang gặp khó khăn về sản lượng do dịch bệnh, thời tiết, Việt Nam cần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, sản xuất đón đầu khi dịch bệnh được khống chế, các nước nhập khẩu tôm chính đang thực hiện các gói kích cầu… thì nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng cao và hy vọng giá sẽ tăng theo.

Minh Dương- https://kinhtechungkhoan.vn/

Ế như… tôm tươi

Nuôi tôm trên cá
Nuôi tôm trên cát tại TT-Huế đang gặp khó khăn về thị trường

Do thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, trên 1.200 tấn tôm thương phẩm ở “thủ phủ” nuôi tôm trên cát ven biển huyện Phong Điền (TT-Huế), rơi vào tình cảnh tiêu thụ ì ạch, ế ẩm chưa từng thấy

Thua lỗ hàng trăm tỷ vì tôm

Những ngày này, tại vùng Ngũ Điền (huyện Phong Điền) – nơi diện tích hồ tôm thẻ chân trắng chiếm đến 90% trong toàn tỉnh, với khoảng 400ha ao hồ nuôi, hàng trăm chủ hồ nuôi như ngồi trên lửa. Từ khi tôm nuôi bước vào giai đoạn cho thu hoạch, cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Thị trường tiêu thụ ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khiến các thương lái dừng thu mua tôm nuôi trên địa bàn TT-Huế.

Xã Phong Hải, huyện Phong Điền, một trong những vùng trọng điểm nuôi tôm trên cát của tỉnh TT-Huế hiện ước được mức thiệt hại từ 130 đến 150 tỷ đồng. Ông Nguyễn Cát (người nuôi tôm xã Phong Hải) cho biết, vụ tôm đầu năm nay, hộ này nuôi 3 hồ với tổng diện tích khoảng 1 ha. Sản lượng tôm ước đạt trên dưới 30 tấn không bán được mà vẫn phải nuôi giữ trong ao, tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng/ngày. Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, hộ ông Cát tiêu tốn khoảng 1,5 tỷ đồng.

Tình cảnh của ông Cát cũng là tình trạng chung của các hộ nuôi tôm ở các xã khác thuộc huyện Phong Điền.

Theo những người nuôi tôm, bên cạnh việc không tiêu thụ được, thì giá tôm cũng rớt thảm hại. Trước đây, khi tôm nuôi đạt kích cỡ 50 con/kg, mức giá luôn ổn định từ 240.000 -250.000 đồng, tôm nhỏ hơn từ 160.000 -200.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra, giá thu mua tôm nuôi đã “tuột dốc không phanh”. Loại tôm 50 con/kg chỉ còn 150.000 đồng, những loại khác bán ở mức bèo bọt từ 100.000 -120.000 đồng/kg.

Gõ cửa doanh nghiệp nhờ “giải cứu” tôm

Theo ông Trương Văn Giang, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế, trước khi xảy ra dịch bệnh, hầu hết người nuôi tôm trên cát tại tỉnh này đều có lãi. Thậm chí, có những hộ lãi từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ, nên tại TT-Huế hiện có đến 1.200 tấn tôm thương phẩm ở vùng cát ven biển bí đầu ra. Với tình hình giá tôm rất thấp, ước mức thiệt hại, thua lỗ toàn vùng lên đến hàng trăm tỷ đồng nếu không có biện pháp “giải cứu”.

Trước tình hình giá tôm biến động mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh, đẩy người nuôi vào tình trạng thua lỗ trầm trọng, mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế đã chỉ đạo các ban ngành chức năng và UBND huyện Phong Điền tiến hành làm việc với Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P) – chi nhánh đóng tại Phong Điền, để tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ tôm nuôi.

Qua làm việc, bước đầu, tin vui là Cty C.P đồng ý thu mua sản phẩm tồn đọng cho dân.

Ngọc Văn Tiền Phong

Trường ĐH Trà Vinh sản xuất thành công tôm sú bố mẹ sạch bệnh

tôm sú bố mẹ
Trường ĐH Trà Vinh sản xuất thành công tôm sú bố mẹ sạch bệnh.

Đây là Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm cấp Bộ do TS Huỳnh Kim Hường – Phó Trưởng khoa Nông nghiệp – Thủy sản (Trường ĐH Trà Vinh) phụ trách chính cùng nhóm giảng viên.

Trường ĐH Trà Vinh vừa diễn ra buổi đánh giá giai đoạn II và nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu tạo ra nguồn tôm sú bố mẹ sạch bệnh phục vụ cho các trại sản xuất giống ở tỉnh Trà Vinh”. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm cấp Bộ và do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư và tài trợ kinh phí.‎

Đề tài “Nghiên cứu tạo ra nguồn tôm sú bố mẹ sạch bệnh phục vụ cho các trại sản xuất giống ở tỉnh Trà Vinh” do TS Huỳnh Kim Hường – Phó Trưởng khoa Nông nghiệp – Thủy sản (Trường ĐH Trà Vinh) phụ trách chính cùng nhóm giảng viên.

Kỹ thuật nuôi tôm sú bố mẹ sạch bệnh được nghiên cứu thành công và ứng dụng rộng rãi sẽ đóng góp quan trọng trong cung cấp tôm giống chất lượng cao tại Trà Vinh nói riêng cũng như ĐBSCL nói chung.


Tôm bố mẹ sạch bệnh được xác nhận bởi Chi cục Thú y vùng VI.

Từ những kết quả nghiên cứu giai đoạn I, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Trà Vinh đã tiến hành giai đoạn II của đề tài. Đến nay, tại trại thực nghiệm Trường ĐH Trà Vinh đã có 390 con tôm giống bố mẹ được sản xuất thành công. Vượt mức chỉ tiêu giao mục tiêu giao ban đầu là 300 con…

TS Huỳnh Kim Hường, Phó Trưởng khoa Nông nghiệp – Thủy sản, Trường ĐH Trà Vinh cho biết: “Mỗi giai đoạn nuôi, nhóm nghiên cứu đều có kiểm tra các loại bệnh thông thường trên tôm và đều gửi cơ Chi cục thú y vùng VI kiểm tra và xác nhận. Giai đoạn II này chúng tôi thực hiện nuôi chỉ trong 12 tháng. Rút ngắn được 1 tháng so với giai đoạn I”.

Quá trình nghiên cứu thành công từ giai đoạn I, II đến nay, trại giống thực nghiệm của Trường ĐH Trà Vinh đã cung cấp khoảng 2 triệu post tôm sú giống. Tỷ lệ tôm sinh trưởng đạt rất tốt.


Kỹ thuật nuôi tôm sú bố mẹ sạch bệnh được nghiên cứu thành công và ứng dụng rộng rãi.

TS. Nguyễn Minh Thành, ĐH Quốc tế TP HCM – Chuyên gia đánh giá đề tài của Bộ NN-PTNT, nhận xét: “Đề tài tôm sú bố mẹ thực hiện tại ĐH Trà Vinh đã cho những kết quả ngoài mong đợi, đạt kết quả tốt và vượt so với chỉ tiêu được giao. Tôm bố mẹ được nuôi trong môi trường trang trại thì rất là khó, đây là lần đầu tiên được nhóm nghiên cứu của ĐH Trà Vinh thực hiện. Chất lượng tôm mẹ cũng như tôm bố đều vượt yêu cầu,‎ sẽ đảm bảo cung cấp được tôm bố mẹ sạch bệnh, cũng như giá cả phải chăng cho nông dân‎”.

Bà Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh cho biết: “Sự thành công của đề tài sẽ giúp ĐH Trà Vinh đáp ứng tốt nhu cầu giống tôm rất lớn cho nông dân không chỉ ở Trà Vinh mà cả vùng ĐBSCL”.

Đ. Khởi Đại học Trà Vinh

Chật vật với hàng tồn kho, doanh nghiệp thủy sản chiến đấu để sống còn

Tôm đông lạnh
Tôm đông lạnh chưa qua chế biến.

Với nhiều doanh nghiệp thủy sản, hàng tồn kho là mặt hàng có tính… “nhạy cảm” cao, bởi đây là sản phẩm nhanh xuống cấp nếu phải lưu kho lâu ngày. Chưa kể, chi phí lưu kho các loại mặt hàng này cũng cao do phải vận hành hệ thống kho lạnh để bảo quản…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 1, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, các đơn hàng của doanh nghiệp thủy sản bị hủy, trì trệ, bị trả về… là chuyện diễn ra thường xuyên. Vì vậy, chi phí lưu kho của các doanh nghiệp cũng tăng lên; chưa kể trong báo cáo tài chính, phần hàng tồn kho giảm giá trị phải trích lập dự phòng khiến vòng quay tài chính của các doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Hàng tồn kho kéo “sụt” lợi nhuận

Công ty CP Camimex Group (HoSE: CMX) mới đây đã công bố BCTC kiểm toán năm 2019 với mức lãi ròng sụt giảm tới gần 63 tỷ đồng sau kiểm toán. Theo đó, kết thúc năm 2019 Camimex đạt 951 tỷ đồng doanh thu (DT) thuần giảm 10,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 77,7 tỷ đồng giảm gần 44% so với con số hơn 140 tỷ đồng được doanh nghiệp này công bố tại báo cáo tự lập. Điểm đáng chú ý với CMX trong BCTC là giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp tại thời điểm ngày 31/12/2019 có giá trị 581 tỷ đồng, tăng tới 38% so với đầu năm. Đây là con số đã trừ phần trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 30 tỷ đồng.

Càng đặc biệt hơn, giá trị hàng tồn kho phải trích lập dự phòng sau kiểm toán đã tăng thêm gần gấp đôi so với số liệu được ghi nhận tại báo cáo tài chính do doanh nghiệp tự lập trước đó (16,8 tỷ đồng).

Theo giải thích của doanh nghiệp, lợi nhuận sụt giảm sau kiểm toán là do kết quả hoạt động tài chính giảm gần 47 tỷ đồng do điều chỉnh thay đổi tài sản góp vốn vào công ty con năm 2013; giảm thêm 13,7 tỷ đồng do kiểm toán trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Ngoài ra chi phí quản lý và chi phí bán hàng cũng được điều chỉnh tăng làm lợi nhuận giảm hơn gần 2,6 tỷ đồng nữa.

Có thể thấy, với tổng giá vốn hàng bán năm 2019 đạt 750,5 tỷ đồng, thì với tổng hàng tồn kho hiện tại (581 tỷ đồng), nếu duy trì tốc độ bán hàng như năm 2019, doanh nghiệp sẽ mất ít nhất 3 quý để “xả” hết hàng. Đồng nghĩa với việc chi phí lưu kho, giảm giá trị… có thể sẽ tăng mạnh gây nên áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong năm 2020.


Chế biến thủy sản tại một DN trực thuộc tập đoàn PAN (Ảnh: IT).

Không chỉ có Camimex, nhiều doanh nghiệp thủy sản khác cũng có giá trị hàng tồn kho tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tại Công ty CP Thủy sản Mekong (HoSE: AAM), theo BCTC quý I vừa được doanh nghiệp này công bố, tổng tài sản cuối quý I của doanh nghiệp đạt gần 220 tỷ đồng, nhưng phần lớn nằm ở hàng tồn kho với giá trị 112 tỷ đồng. Về kết quả kinh doanh, doanh thu trong quý của doanh nghiệp giảm 8% xuống 41 tỷ đồng, giá vốn ở mức cao khiến lợi nhuận gộp giảm 44% còn hơn 5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về 666 triệu đồng, giảm 79% so với cùng kỳ.

Tương tự, với Công ty CP Nam Việt (HoSe: ANV; Navico), tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng tài sản của ANV ở mức 4.134 tỷ đồng, tăng 21% so với hồi đầu năm, song phần lớn tài sản là hàng tồn kho với 1.583 tỷ đồng. Theo doanh nghiệp này, tình hình khó khăn chung do dịch Covid-19 nên năm 2020 dự tính doanh thu của đơn vị giảm 33%, lãi giảm 71,5%, lần lượt với giá trị 3.000 tỷ đồng và 200 tỷ đồng.

Với “ông lớn” Vĩnh Hoàn, kết thúc quý 1/2020, giá trị tổng tài sản của Vĩnh Hoàn đạt 6.440 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với thời điểm đầu kì, trong đó chỉ tiêu hàng tồn kho cũng đang ở mức khá cao với giá trị 1.340 tỷ đồng…

Ngành thủy sản phải “chiến đấu” mỗi ngày để sống còn

Tính đến giữa tháng 4, ngành thủy sản Việt Nam mới nhận được một số tín hiệu tốt từ thị trường Trung Quốc, trong khi đó, các thị trường lớn khác như châu Âu, châu Á, Nam Mỹ… lại đang cắt giảm sản lượng vô thời hạn do dịch Covid-19. Do vậy, trong vài tháng tới đây tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm. “Nhìn chung, việc Trung Quốc hồi phục và mở cửa trở lại là tín hiệu đáng mừng trong cơn bĩ cực hiện nay của ngành thủy sản Việt. Song, khó khăn vẫn sẽ tiếp diễn khi dịch bệnh còn tiếp tục phức tạp trên thế giới và doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng xuất khẩu sụt giảm, bị hoãn hoặc hủy các đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, thanh toán không thuận lợi,… Vì thế, khả năng sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể trụ nổi…”, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo.


Công nhân sơ chế tôm tại nhà máy.

Vì vậy, đối với các doanh nghiệp thủy sản, việc duy trì dòng tiền trở thành bài toán sống còn khi nguồn thu bị cắt giảm mạnh và dịch Covid-19 còn kéo dài.

Tại Công ty thủy sản Nam Việt (Navico, ANV), đại diện doanh nghiệp này cho biết: “Trung Quốc có mở cửa trở lại nhưng tồn kho vẫn còn nhiều, do đó chưa thể nói ngay lập tức xuất khẩu có thể đạt được mức tăng trưởng như trước đây. Khi khách hàng châu Âu, Mỹ… tiếp tục đóng cửa vì dịch, do đó, ANV vẫn đang chiến đấu từng ngày trong việc tăng thu, bán hàng, đặc biệt là duy trì dòng tiền thật tốt (giữ dòng tiền vay thấp, cắt giảm các chi phí…) trong thời gian này. Đồng thời, ANV cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc phục hồi mạnh khi dịch qua đi”.

Tương tự, với kết quả lợi nhuận sau thuế trong quý 1 quí I giảm 51%, còn 152 tỷ đồng, “ông lớn” Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), mới đây đã xây dựng hai kịch bản đối với các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020. Theo đó, kịch bản thứ nhất, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 8.600 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm 2019, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tương ứng giảm 10%, còn 1.063 tỷ đồng. Ở kịch bản thứ hai, VHC đặt doanh thu và lãi sau thuế đạt 6.450 tỷ đồng và 800 tỷ đồng…

Quốc Hải Dân Việt

Ngược chiều thị trường nông sản, nhu cầu tôm thế giới đang trên đà tăng

Tôm thẻ chân trắng
Nhu cầu tôm thế giới đang trên đà tăng

Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con thả nuôi để tận dụng tốt những cơ hội xuất khẩu, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng hơn, vì một vụ tôm thường kéo dài khoảng 90-100 ngày.

Hồi giữa tháng 2, khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp ở nước ta, cửa khẩu bị tạm đóng, cũng là lúc người nông dân lao đao vì mất kênh xuất khẩu. Không lâu sau, phong trào giải cứu nông sản lại nổi lên, nhằm hỗ trợ bà con tiêu thụ một số sản phẩm như thanh long, dưa hấu và tôm.

Tôm hùm đại dương, tôm hùm xanh rồi tôm hùm baby được các nhà bán lẻ và người tiêu dùng trong nước cứu trợ, với giá giảm có khi đến gần 50%. Tuy việc giải cứu đã phần nào giúp giảm thiệt hại cho nông dân nhưng nỗi lo về dịch bệnh, thị trường tiêu thụ dường như vẫn còn nguyên.

Theo phản ánh của VTV, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang hạn chế nuôi thả tôm vụ mới hoặc với số lượng ít hơn, vì lo ngại dịch bệnh khiến việc tiêu thụ khó khăn.

Chưa hết, những tin đồn gần đây cũng gây bất lợi cho người nuôi tôm.

“Các thông tin đồn đại khách không mua tôm, thị trường đóng cửa giao dịch dẫn đến đại lý, ngân hàng, các tổ chức tín dụng không cho vay, đặc biệt không thu mua được khiến dân không dám nuôi tôm. Các thông tin này làm thị trường rối loạn”, ông Trương Hữu Thông – Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH Thông Thuận chia sẻ với VOV.

Vị này cho biết, người nông dân nghe ngóng những thông tin qua mạng, đồn thổi rằng cấm xe, dừng xuất khẩu đi châu Âu, Nhật, Mỹ, không bán được hàng, ngân hàng không cho vay… nên họ sợ lỗ. Giá bán tôm hiện nay đang tốt nhưng thông tin của doanh nghiệp đến người dân rất khó.

Trong khi thực tế, xuất khẩu tôm nước ta đang trên đà hồi phục. Quý I năm 2020, xuất khẩu tôm đạt kim ngạch hơn 617 triệu USD, không những không giảm mà còn tăng nhẹ 0,77% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ hai tháng đầu năm đạt 383,391 triệu USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ 2019).

Các thị trường lớn cũng đang tăng cường nhập khẩu mặt hàng thủy sản này từ Việt Nam.

Theo ông Thông, nếu như thị trường nông sản đang bị ngưng trệ thì ngành tôm lại nằm ngoài xu thế đó. Dù có hiện tượng đối tác đề nghị chậm giao hàng nhưng ngay trong trong nước, nguyên liệu còn chưa đáp ứng được cho các nhà máy, đơn hàng. Đơn cử, công suất của Thông Thuận mỗi tháng xuất 8 triệu USD, thành nguyên liệu mỗi ngày khoảng 40-50 tấn nhưng nay không đủ nguyên liệu sản xuất.

Trả lời VTV, một chủ doanh nghiệp chế biến thủy sản khác cũng cho hay: “Mỗi ngày, nhà máy cần từ 30 đến 40 tấn tôm nguyên liệu. Nếu như cùng kỳ năm ngoái, tôm loại 20-30 con/kg rất dễ mua thì nay lại vô cùng khan hiếm.”

Ông Đăng Văn Hiến, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Trường Phú, Bạc Liêu nhận định: “Giá tôm trong một tháng đã tăng 7-10%. Tôi dự đoán mức giá sẽ còn tiến triển tốt hơn trong thời gian tới.”

Dự báo 2-3 tháng tới, nhu cầu tiêu thụ tôm tiếp tục tăng cao, khi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, Hàn Quốc đều đang được khống chế tốt. Mỹ hay Châu Âu cũng đang nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục các hoạt động sản xuất như trước khi có dịch.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nên thả nuôi để tận dụng tốt nhưng cơ hội xuất khẩu, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng hơn, vì một vụ tôm thường kéo dài khoảng 90-100 ngày.

Nhịp sống kinh tế