Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Không chủ quan dịch bệnh do virus Div trên tôm nước lợ

Bệnh do virus Div1 được xem là không nghiêm trọng trên tôm, song các chuyên gia cũng cảnh báo cần cảnh giác và có biện pháp ngăn ngừa phù hợp.

Theo Tổng cục Thủy sản, ngày 12/4/2020, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Trung Quốc đã thông tin về virus mới đang tấn công các trang trại nuôi tôm ở Quảng Đông Trung Quốc. Sau đó nhiều báo, trang mạng trong nước đã chia sẻ thông tin này.

Quan tìm hiểu thông tin từ các nhà khoa học và các tài liệu nghiên cứu trước đây liên quan đến nội dung này, Tổng cục Thuỷ sản cho biết: Virus này được biết đến với tên Decapod iridescent virus 1 (Div1) hay còn được gọi Shirmp hemocyte iridescent virus (SHIV). Loài virus mới thuộc họ Iridoviridae được tìm thấy đầu tiên trên tôm thẻ chân trắng nuôi ở tỉnh Chiết Giang và tôm càng xanh ở một số địa phương khác của Trung Quốc từ tháng 12 năm 2014.

Mặc dù được đánh giá không nghiêm trọng trên tôm nuôi, nhưng không chủ quan với bệnh do virus Div1. Ảnh: TL

Mặc dù được đánh giá không nghiêm trọng trên tôm nuôi, nhưng không chủ quan với bệnh do virus Div1. Ảnh: TL

Năm 2018, bệnh Div1 được ghi nhận chỉ xuất hiện ở Trung Quốc và Thái Lan. Bệnh xuất hiện trở lại ở tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc từ tháng 2 năm nay đã ảnh hưởng đến khoảng ¼ diện tích nuôi tôm ở tỉnh này.

Virus (Div1) tấn công vào tế bào máu trong mang, gan tụy và cơ của tôm. Khi tôm bị nhiễm Div1, tôm chìm xuống đáy ao, mềm vỏ và chuyển màu đỏ nhạt, dạ dày và ruột rỗng, bề mặt và mặt cắt gan tụy nhạt màu. Theo quan sát ban đầu, tôm bị nhiễm mạnh vào mùa đông.

Tác động của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn khi tôm bị bội nhiễm với vi khuẩn vibrio, trong ao có tảo bùng phát mạnh hoặc trời mưa kéo dài. Tôm ít bị nhiễm vào mùa hè, mùa thu, nhất là khi nhiệt độ trên 30 độ C. Một số nhận định ban đầu cho rằng, bệnh này được xem là không nghiêm trọng trên tôm nuôi so với các bệnh thường gặp khác như: đốm trắng, hoại tử gan tuỵ cấp, phân trắng, vi bào tử trùng; tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo cần cảnh giác và có biện pháp ngăn ngừa phù hợp.

Đến nay, nguồn gốc và cách truyền lây của virus vẫn chưa rõ ràng (một số thông tin cho rằng nguồn lây chủ yếu từ Dời tươi (giun nhiều tơ)) và chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả. Người nuôi đang áp dụng các biện pháp như: không cho người lạ vào cơ sở nuôi, khử khuẩn thường xuyên.

Một số nhà khoa học nhận định rằng, mức độ trầm trọng của dịch bệnh này ở Trung Quốc do phương pháp nuôi của họ còn thô sơ, lạc hậu (ao đất) và nhận định rằng dịch bệnh sẽ ít nguy hại hơn ở Việt Nam do công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng của Việt Nam phát triển cao (nuôi có kiểm soát trong nhà kính, ao lót bạt, nuôi an toàn sinh học…), hạn chế được mầm bệnh từ môi trường bên ngoài.

Để đối phó với dịch bệnh Div1 trên tôm nước lợ ở Việt Nam, một số nghiên cứu về dịch tễ, phương pháp chẩn đoán và thực nghiệm gây bệnh trên tôm nước lợ đang được triển khai.

Trước thông tin về dịch bệnh Div1 trên tôm nước lợ nuôi ở Trung Quốc, Tổng cục Thuỷ sản xin đề xuất và kiến nghị Bộ NN-PTNT giao Cục Thú y tham mưu giải pháp kiểm soát nhập tôm bố mẹ, tôm giống, Dời tươi từ Trung Quốc, Thái Lan…; thực hiện điều tra dịch tễ học của bệnh Div1 ở một số vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm ở Việt Nam.

Cơ hội và thách thức của tôm Việt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

NDĐT – Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phần lớn hoạt động xuất khẩu (XK) hàng hóa đều bị gián đoạn. Mặc dù vậy, ba tháng đầu năm, XK tôm Việt Nam đạt 628,6 triệu USD, tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng khích lệ đối với các doanh nghiệp (DN) XK tôm Việt Nam.

Cơ hội và thách thức của tôm Việt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Ba tháng đầu năm, xuất khẩu tôm tăng nhẹ 1,8% so cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ tăng 18,2%

Theo Hiệp Hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 3 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 41,3 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ đứng thứ hai về nhập khẩu (NK) tôm của Việt Nam. Lũy kế ba tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong tốp 5 thị trường NK tôm chính của Việt Nam.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), thông thường, Mỹ đặt hàng nhập khẩu tôm trước khoảng hai tháng. Do đó việc nhập khẩu tôm trong hai tháng đầu năm 2020 không chịu tác động của dịch Covid-19. Mỹ tăng mạnh nhập khẩu tôm trong hai tháng đầu năm 2020 do nhu cầu cuối năm 2019 tăng mạnh khi kinh tế nước này khả quan, giá tôm ở mức hợp lý và doanh thu bán tôm cho doanh nghiệp dịch vụ thực phẩm của Mỹ tăng. Ngoài ra, các công ty có xu hướng chuẩn bị nguồn hàng cho kỳ nghỉ lễ Phục sinh và xu hướng tiêu dùng mùa hè đang tăng mạnh.

Dịch Covid-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3-2020 khiến hoạt động NK hàng hóa trong đó có tôm vào thị trường này bị đình trệ. Nhu cầu NK cũng giảm do giảm mạnh tiêu thụ ở phân khúc dịch vụ thực phẩm do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ tôm ở phân khúc bán lẻ vẫn tăng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Trong khi đó, nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ là Ấn Độ, cũng là đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ, đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa nhằm hạn chế dịch Covid-19 lây lan ở Ấn Độ bắt đầu từ 23-3 và kéo dài đến 3-5 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nước này khi tháng 3 là tháng cao điểm để thả giống vụ hè. Người nuôi tôm ở Ấn Độ gặp khó khăn về nguồn cung và vận chuyển tôm giống trong khi đầu ra bị tắc, không có người chăm sóc tôm vì lệnh phong tỏa, giá tôm nguyên liệu giảm sâu. Do Lệnh phong tỏa, một số nhà máy chế biến của Ấn Độ chỉ có thể hoạt động 50% số lượng công nhân. Nên XK tôm của Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 3-2020 bị ảnh hưởng.

Bảo đảm nguồn cung nguyên liệu, sản xuất khi hết dịch

Vasep khuyến nghị, trong khi dịch bệnh trên toàn thế giới vẫn chưa được khống chế và chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, cả người nuôi và DN vẫn đang nỗ lực cố gắng để vượt qua khó khăn. Người nuôi tôm cũng đang cần sự hỗ trợ khống chế kịp thời dịch bệnh trên tôm, nhất là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp, bởi nếu không rất dễ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu tôm khi thị trường tôm hồi phục.

Tình hình dịch bệnh cũng chưa thể dự đoán được sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, tôm thuộc nhóm thực phẩm thiết yếu với mức giá dễ chịu nên nhu cầu tiêu thụ vẫn có trên thế giới và nội địa trong thời gian tới. Tình hình phòng, chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ. Khi các nước sản xuất chính như Ấn Độ và Ecuador cũng đang gặp khó khăn về sản lượng do dịch bệnh, thời tiết, Việt Nam cần bảo đảm nguồn cung nguyên liệu, sản xuất đón đầu khi dịch bệnh được khống chế, các nước nhập khẩu tôm chính đang thực hiện các gói kích cầu… thì nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng cao và hy vọng giá sẽ tăng theo.

Hiện nay, do dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, các nước như EU, Australia, Hàn Quốc… đều áp dụng các biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế đi lại nên ảnh hưởng đến việc giao hàng, theo đó, giá tôm nguyên liệu có xu hướng giảm trong quý đầu năm nay. Người nuôi cần chọn lựa phương án thu hoạch tôm phù hợp. Nếu tôm nuôi không đạt, nông dân nên thu hoạch sớm để không bị thua lỗ. Nếu tôm đang ở giai đoạn có kích cỡ nhỏ và phát triển tốt thì nên tiếp tục nuôi tôm lên kích cỡ lớn hơn để bán với giá cao hơn.

Doanh nghiệp XK sang thị trường nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ EZ… để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.

THANH TRÀ – https://www.nhandan.com.vn/

Cà Mau: Tồn kho 17.000 tấn tôm, công ty bí bách, nông dân “méo mặt”

Thủy sản là kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây ảnh nghiêm trọng đến xuất khẩu tôm; khiến nhiều doanh nghiệp (DN), nông dân lao đao.

Xuất khẩu cầm chừng

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong quý I/2020, sản lượng xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 15.590 tấn, giảm 12% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 145,6 triệu USD, giảm 18% so cùng kỳ (tính đến ngày 15/4, lũy kế ước đạt 170,6 triệu USD, bằng 14,2% kế hoạch).

Điều đáng lo ngại là kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chủ yếu của tỉnh Cà Mau sụt giảm, cụ thể tính đến ngày 15/4, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ giảm 67%, Trung Quốc giảm 58%, Nga giảm 37%… (chủ yếu xuất khẩu trong tháng 1, tháng 2 và một số đơn hàng ký từ trước còn tồn sang tháng 3; các công ty hầu như không ký được các hợp đồng xuất khẩu mới).

 ca mau: ton kho 17.000 tan tom, cong ty bi bach, nong dan "meo mat" hinh anh 1

Hiện nay hầu hết các DN đang duy trì hoạt động để tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho nông dân và giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại chỗ. Ảnh: CTV.

Trong khi đó, theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, các DN sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là DN chế biến và xuất khẩu đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Hiện nay hầu hết các DN đang duy trì hoạt động sản xuất để tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho nông dân và giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại chỗ.

Theo ông Trần Văn Trung – Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thuỷ sản và xuất nhập khẩu Anh Khoa, quý I/2019, công ty xuất hàng qua thị trường Trung Quốc khoảng 10 triệu USD. Còn ở quý I/2020, công ty chỉ bán được 450.000 USD. Hiện công ty đang tồn 400 tấn tôm sú, tương đương 150 tỷ đồng và không còn kinh phí để thu mua tôm trong dân.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 68 DN tham gia xuất khẩu, trong đó có 29 DN có nhà máy chế biến thủy sản (39 nhà máy, tổng công suất 185.000 tấn/năm và trên 20.000 công nhân, lao động).

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hầu hết DN này gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh. Lượng hàng tồn kho và lưu kho của các DN chế biến khoảng 17.000 tấn (trong đó lưu kho khoảng 6.000 tấn), chiếm khoảng 70 – 75% sức chứa của các kho trên địa bàn, tổng giá trị hàng hóa ước tính 147 triệu USD.

Trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau nhận định, đối với trường hợp dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 5/2020, các DN chế biến thủy sản vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, thu mua sản xuất tạm trữ số lượng lớn, hầu như DN không có nguồn tài chính để thu mua tôm tiếp tục chế biến.

Dự báo sản lượng chế biến trong tháng 5 sẽ giảm khoảng 40% so với tháng 4, đến cuối tháng 8 mới có thể lấy lại đà tăng trưởng và trong quý IV/2020 sản lương chế biến tôm tăng trưởng trở lại.

Trong trường hợp dịch bệnh kết thúc vào cuối quý II hoặc cuối quý III, các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản phải đối diện với nhiều khó khăn hơn như: Sản lượng tồn kho lớn, không còn khả năng tài chính thu mua tôm nguyên liệu, gánh nặng chi phí ngày càng tăng dẫn đến việc cắt giảm mạnh lao động…

Nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm giá tôm sú, thẻ, chân trắng biến động. Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, hiện giá tôm nguyên liệu trên thị trường liên tục sụt giảm mạnh với mức dao động từ 20.000-70.000 đồng/kg so với trước khi phát sinh dịch bệnh; một số DN, thương lái thông báo ngừng mua hoặc mua với giá thấp. Dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ còn giảm trong thời gian tới.

 ca mau: ton kho 17.000 tan tom, cong ty bi bach, nong dan "meo mat" hinh anh 2

Nhiều nông dân lo lắng dịch Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng đến xuất khẩu, khiến giá tôm tiếp tục giảm. Ảnh: CTV.

Ông Trần Văn Tòng (ngụ xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi), cho hay: “Giá tôm nguyên liệu liên tục sụt giảm từ sau Tết khiến nông dân lo lắng; đặc biệt nhiều người nuôi tôm công nghiệp, thâm canh không dám thả nuôi. Trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp như hiện tại, người dân cần ngành chức năng đồng hành để có những khuyến cáo cho sản xuất, nhất là về lịch thời vụ, giá cả”.

Hiện, giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg dao động 130.000 – 170.000 đồng/kg, giảm khoảng 25 – 40% so cùng kỳ. UBND tỉnh Cà Mau nhận định, các DN, thương lái ngừng mua hoặc hạn chế mua thủy sản với giá thấp, kết hợp với tình trạng một bộ phận người dân dừng thả nuôi do ảnh hưởng của hạn hán gây nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu khi hết dịch, thị trường được phục hồi.

Trong khi đó, theo ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, giá thành nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh của người dân còn quá cao. Giá tôm giảm mạnh như hiện nay, nông dân sẽ không có lãi hoặc thua lỗ.

Do đó, giải pháp trước mắt là nông dân cần chọn lựa phương án thu hoạch tôm phù hợp. Trường hợp tôm nuôi không đạt, nông dân nên thu hoạch sớm để không bị thua lỗ. Nếu tôm đang ở giai đoạn còn nhỏ và phát triển tốt thì nên tiếp tục nuôi tôm lên kích cỡ lớn hơn để bán với giá cao hơn.

 ca mau: ton kho 17.000 tan tom, cong ty bi bach, nong dan "meo mat" hinh anh 3

Giá tôm bấp bênh khiến nông dân e ngại xuống giống sẽ gây nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu. Ảnh: Chúc Ly.

Trước diễn biến khó khăn của xuất khẩu tôm, tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ sớm xem xét có gói tín dụng cho vay ưu đãi hỗ trợ DN để thu mua, tạm trữ nguyên liệu, hàng tồn kho thuỷ sản cho nông dân và đầu tư nâng công suất hệ thống kho lạnh bảo quản thuỷ sản.

Bên cạnh đó, hỗ trợ thêm lãi suất từ ngân sách nhà nước cho DN (hiện các ngân hàng chỉ hỗ trợ giảm từ 0,5-1% lãi suất cho vay); riêng đối với DN có quy mô nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cho vay với lãi suất ưu đãi 0%.

Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách bù giá thu mua tôm nguyên liệu để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất; chủ động triển khai ngay từ bây giờ chính sách khuyến khích xuất khẩu khi kiểm soát được dịch Covid-19.

Song song đó, Cà Mau kiến nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình sản xuất, lưu thông nông sản trong nước để kịp thời thông báo đến các DN và người dân chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất.

Nguồn:http://danviet.vn/

Sau đại dịch, xuất khẩu thuỷ sản sẽ tự tin tăng trưởng tốt

Hai mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra được dự báo sẽ có nhiều triển vọng về XK trong thời gian tới, góp phần đưa kim ngạch XK thuỷ sản bật tăng sau đại dịch.
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực cá tra kỳ vọng sẽ tăng trưởng dương
Mặt hàng xuất khẩu chủ lực cá tra kỳ vọng sẽ tăng trưởng dương
Tự tin vào chất lượng xuất khẩu
Tự tin vào chất lượng nguyên liệu chế biến hàng XK, nhiều DN chế biến, XK thuỷ sản cho rằng, sản phẩm của Việt Nam sẽ có ưu thế để bật tăng sau đại dịch. Theo TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, hiện nay do dịch bệnh đầu vụ  và tình hình dịch Covid-19 khiến việc thả giống tôm nuôi chậm lại. Điều này khiến giá tôm trong nước sẽ biến động hình sin do thiếu hụt cục bộ, nhất là giai đoạn từ tháng 5 tới sẽ thiếu nguồn cung.
Tuy nhiên, theo ông Lực, nếu tình huống Covid-19 vãn hồi sớm, giá tôm trong nước sẽ tăng mạnh hơn các nước, do trình độ chế biến của DN Việt Nam cao. Điều này dẫn tới nhiều sản phẩm vào được các hệ thống phân phối cấp cao, giá cả tốt. “Dù Covid tác động kéo dài bao lâu, giá tôm cũng sẽ khá ổn, cơ bản do cung giảm. Nếu giá có giảm, sẽ không nhiều nhưng xu thế giá tăng là xu thế mạnh hơn”- ông Lực nhận định.
Với XK tôm của Công ty CP thực phẩm Sao Ta, đến nay DN đã có đủ đơn hàng XK cho quý II/2020, nên DN chủ động được nguồn cung, ứng dụng công nghệ 4.0 để nuôi trồng, chế biến sản phẩm XK, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu.
Trong diễn biến cung về XK thuỷ sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, XK tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm 2020 đạt 628,6 triệu USD, tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Điểm nhấn trong XK tôm đó là, XK tôm sang thị trường Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng khả quan nhất trong số các thị trường NK chính. Trong bối cảnh XK bị gián đoạn ở nhiều thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây là mức tăng trưởng khích lệ đối với các doanh nghiệp XK tôm Việt Nam.
Mỹ đứng thứ 2 về NK tôm của Việt Nam. Tháng 3 năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 41,3 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong top 5 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.
Để XK tôm sang thị trường này đạt kết quả tốt nhất, VASEP khuyên cáo, doanh nghiệp XK sang thị trường Mỹ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ… để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.
Bên cạnh đó, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 132 triệu USD, tăng 8,4% so với quý 1/2019.
Khi các nước sản xuất chính như Ấn Độ và Ecuador cũng đang gặp khó khăn về sản lượng do dịch bệnh, thời tiết, Việt Nam cần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, sản xuất sản phẩm cất lượng cao đón đầu khi dịch bệnh được khống chế, các nước nhập khẩu tôm chính đang thực hiện các gói kích cầu… thì nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ tăng cao và hy vọng giá sẽ tăng theo- VASEP khuyến cáo.
Kỳ vọng tăng trưởng dương
Đối với mặt hàng cá tra, bức tranh XK đang sáng hơn khi chứng kiến giá trị XK cá tra sang hai thị trường lớn là Trung Quốc – Hồng Kông và Mỹ tăng trưởng khá tốt. Trong đó, tháng 3/2020, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông đã tăng 109% so với tháng 1/2020.
Theo VASEP, 3 tháng đầu năm nay, tổng giá trị XK cá tra đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm trước. Suốt quý đầu năm nay, Covid-19 đã tác động không nhỏ tới XK cá tra Việt Nam sang nhiều thị trường. Tính đến hết tháng 3/2020, giá trị XK sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt 63,2 triệu USD, chiếm 18,9% tổng giá trị XK cá tra, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, đây là mức XK lạc quan so với những ngày đầu năm – thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Riêng tháng 3/2020, giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc- Hồng Kong đạt 34,7 triệu USD, tăng hơn 109% so với tháng 1/2020. Trung Quốc – Hồng Kông trở lại là thị trường XK cá tra lớn nhất của DN Việt Nam trong quý I năm nay.
VASEP dự báo trong quý II/2020, XK cá tra sang thị trường lớn nhất này sẽ khôi phục mạnh và tăng từ 30-40% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với thị trường Mỹ, hiện Việt Nam có trên 30 doanh nghiệp tham gia XK cá tra sang thị trường Mỹ, trong đó, 3 doanh nghiệp lớn nhất là: VINH HOAN CORP, BIEN DONG SEAFOOD và VD FOOD LTD. Theo VASEP, nếu không bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong giao dịch thương mại, có lẽ quý đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ khả quan hơn nhiều so với mức giảm liên tiếp ở năm ngoái. Tính riêng tháng 3/2020, giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt 23 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù, giá trị XK cá tra trong 3 tháng đầu năm nay vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 61,7 triệu USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước), nhưng trong các tháng đầu năm đã cho thấy phản ứng tích cực từ thị trường này. Các doanh nghiệp hy vọng trong quý II, giá trị XK cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ vượt lên mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, sự gián đoạn XK cá tra sang thị trường lớn Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới. Đây cũng sẽ cơ hội tốt để DN mở rộng thị phần XK sau đại dịch.
Theo Báo Hải Quan

Cần cơ chế quản lý sát sao các trại nuôi tôm

ao tôm
Câu chuyện quản lý là vấn đề muôn thuở trong nuôi tôm.

Trong những năm gần đây, nuôi tôm ở Việt Nam đã phát triển mạnh và trở thành ngành kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, đây cũng là ngành nuôi trồng thủy sản tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do sử dụng nhiều các loại hóa chất, kháng sinh trong cải tạo…

Ô nhiễm nhiều

Những ngày đầu tháng 4/2020, người dân tại biển Đề Gi (Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định) phát hiện nhiều hộ nuôi tôm dùng ống nhựa nối vào hồ nuôi tôm để xả thải trực tiếp ra biển gây ô nhiễm môi trường. Các hồ nuôi tôm này được đầu tư xây dựng bài bản nhưng không đảm bảo yếu tố môi trường. Nước thải nuôi tôm từ hố chứa nước thải được xả thẳng ra biển qua các ống nhựa lắp đặt thủ công.

Cũng liên quan đến nước thải từ các trại nuôi tôm bức tử môi trường, giữa tháng 3 vừa qua, người dân tại thôn Nam Cương, xã An Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận) cũng phản ánh tình trạng này. Cụ thể, trước đây, nước thải của các trại nuôi tôm trên địa bàn được gom hết về một hồ để lắng lọc và xử lý tạp chất, rồi mới xả thải ra biển. Tuy nhiên, thời gian gần đây không làm như vậy nữa, nước thải chưa qua xử lý của các trại đều chảy thẳng ra biển.

Tình trạng các trại nuôi tôm thương phẩm xả nước thải trực tiếp ra biển đã diễn ra suốt thời gian qua, xả liên tục cả ngày và đêm, gây lở bờ cát và ô nhiễm biển trên diện rộng. Dòng nước thải này không chỉ  “bức tử” môi trường biển hàng ngày mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thủy sản và ngư dân sinh sống trên vùng biển này. Thực tế, các loại hóa chất trong nuôi tôm sẽ khiến môi trường suy thoái, chất lượng nước suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến chính những người nuôi tôm.

Ngoài ra, thức ăn thừa, phân tôm và quá trình chuyển hoá dinh dưỡng là nguồn gốc chủ yếu của các chất gây ô nhiễm ở các trại nuôi tôm quản lý kém.

Ghi nhận tại hai vùng nuôi Dân Phú – Xuân Phương và Phước Lý – Xuân Yên của Phú Yên cho biết, kết quả quan trắc đột xuất môi trường nước tại vùng nuôi tôm này có nhiều dấu hiệu bất thường.

Nguyên nhân, theo Trung tâm giống (Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên) là hoạt động cho tôm hùm ăn đã phát sinh một khối lượng lớn thức ăn dư thừa thải ra môi trường, khiến nguồn nước bị ô nhiễm, nhất là tầng đáy; một số vùng nước không lưu thông được; thời tiết nắng nóng kéo dài, hiện tượng tảo nở hoa cũng gây ra nhiều bất lợi đối với vùng nuôi…

Câu chuyện muôn thủa

Vấn đề ô nhiễm do nuôi tôm công nghiệp đã được đề ra từ lâu. Chính phủ đã có những khuyến khích lẫn chế tài xử phạt đối với những doanh nghiệp, hộ nuôi gây ô nhiễm môi trường. Các biện pháp này của Chính phủ tỏ ra hữu dụng khi nhiều doanh nghiệp và người nuôi tôm xây dựng bài bản hệ thống xử lý thải trước khi xả ra môi trường.

Song, với thực tế ngành chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, việc xử lý chất thải, nước thải chưa được quan tâm, hầu hết các hộ chưa có mô hình xử lý chất thải, nước thải đạt yêu cầu.  Đa số các hộ nuôi tôm chưa thực hiện nghiêm các quy định về BVMT, có chỗ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải nhưng chưa vận hành thường xuyên.

Tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường, hoặc có xử lý nhưng chưa đạt chuẩn trước khi xả thải còn phổ biến. Chỉ có một số ít doanh nghiệp và hộ sử dụng hầm ủ biogas để xử lý nước thải, bùn thải và vỏ tôm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, quy mô hầm biogas còn quá nhỏ so với lượng nước thải, chất thải xả ra trong vụ nuôi.

Cùng với đó, hệ thống thủy lợi phục vụ vùng nuôi chưa được xây dựng đồng bộ. Việc sử dụng cùng một dòng sông, kênh, mương để lấy nước và xả nước là nguyên nhân làm lây lan mầm bệnh. Việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở các huyện, thị xã còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn mặt nước và ảnh hưởng đến phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm.

Hệ quả là phần lớn các vụ ô nhiễm đều đã xảy ra lúc đấy chính quyền mới phát hiện. Và biện pháp duy nhất là xử phạt và khắc phục.

Rõ ràng, hiện nay còn thiếu những biện pháp quản lý sát sao về xử lý nước thải trong nuôi tôm. Trong khi đó, mới đây, trong văn bản trả lời cử tri Bạc Liêu về vấn đề ô nhiễm môi trường do nuôi tôm công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ đề ra các giải pháp chung chung như hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường…

Quốc Trọng Khoa học & Đời sống

Cà Mau: Ưu tiên cho vay thu mua nguyên liệu thủy sản tạm trữ

Tôm sú
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang cần nguồn lực tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ra công văn chỉ đạo về việc tập trung cho vay vốn để thu mua nguyên liệu tạm trữ của doanh nghiệp.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh khẩn trương rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương về tín dụng, đặc biệt là cho vay mới hoặc tăng hạn mức cho vay đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhằm khôi phục, duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Qua đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện việc cho vay đối với các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu thủy sản tạm trữ, nhằm tiêu thụ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, đánh bắt của người dân và giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, góp phần ổn định kinh tế – xã hội của tỉnh.

Hiện nay lượng hàng tồn kho và lưu kho của các doanh nghiệp chế biến hiện khoảng 17.000 tấn (trong đó lưu kho khoảng 6.000 tấn), chiếm khoảng 70-75% sức chứa của các kho trên địa bàn tỉnh, tổng giá trị hàng hóa ước tính 147 triệu USD.

Nhiều thị trường trọng điểm đều đã không còn nhập khẩu, trong khi đó tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các quốc gia này cũng chưa có dấu hiệu khả quan, vì vậy vấn đề đầu ra cho con tôm Cà Mau sẽ còn tiếp tục gặp khó.

Đã qua, các hệ thống ngân hàng thương mại cũng chỉ mới bước đầu thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nhu cầu thực tế hiện nay của các doanh nghiệp chế biến thủy sản là nguồn lực để tiếp tục duy trì hoạt động, trong đó tập trung thu mua nguyên liệu nhằm giữ cho nghề nuôi không bị “gãy”, cũng như lợi thế kinh tế biển, giải quyết được lao động trong tình cảnh khó khăn hiện nay, cố gắng duy trì, chờ ngày khôi phục thị trường sau dịch bệnh, đẩy mạnh xúc tiến, giữ vững ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực của địa phương…

Trần Nguyên Đất Mũi

Men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản

men vi sinh thủy sản
Men vi sinh giúp tăng cường miễn dịch trên động vật thủy sản

Sử dụng men vi sinh là một trong những phương pháp kiểm soát miễn dịch hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, được coi là chiến lược bổ sung, thay thế cho vắc-xin và hóa chất.

Chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản có tác dụng như là chất thúc đẩy tăng trưởng về dinh dưỡng, chất kích thích miễn dịch, nâng cao khả năng thích nghi với môi trường, có thể xem như là một phương thức dự phòng chống lại các bệnh truyền nhiễm.

Một số loài men vi sinh hiện đang được sử dụng trong nuôi thủy sản, bao gồm Lactobacillus, Enterococcus, Bacillus, Aeromonas, Alteromonas, Arthrobacter, Bifidobacterium, Clostridium, Microbacterium, Paenibacillus, Phaeobacter, Pseudoalteromonas, Pseudomonas, Rhodosporidium, Roseobacter, Streptomyces, Vibrio.

Vì sao men vi sinh lại có tác động tốt?

Các vi sinh vật có lợi trong ruột sẽ làm hạn chế sự bám dính và xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh vào đường tiêu hóa (GI). Các chất được sản xuất bởi các probiotics còn có thể đóng vai trò là chất đối kháng hoặc đóng góp enzyme vào hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, probiotics còn cạnh tranh với sắt với vi khuẩn gây bệnh. Đối với vi khuẩn gây bệnh, khả năng thu nhận sắt là rất quan trọng để tồn tại trong vật chủ, nhiều gen liên quan đến việc hấp thụ chất sắt có liên quan đến độc lực của vi khuẩn, khi nồng độ sắt thấp, vi khuẩn có thể sinh độc tố giết tế bào chủ để lấy sắt..

Siderophores – các chất có trọng lượng phân tử thấp được sản xuất bởi các chế phẩm sinh học hoặc nội tiết đường ruột có lợi – làm giảm sự tồn tại của sắt đối với vi khuẩn gây bệnh, vì siderophores có ái lực cao với ion sắt, một số vi khuẩn có thụ thể với siderophore của vi khuẩn khác và lấy sắt của chúng.

Một phương thức khác là cải thiện khả năng miễn dịch, tăng hoạt động của đại thực bào và mức độ kháng thể. Probiotic có thể tăng cường khả năng miễn dịch của vật chủ và khả năng kháng bệnh của cá tôm đã nhận được nhiều sự quan tâm trong thập kỷ qua. Trong đó, vi khuẩn lactic (Lactic acid bacteria) và các chủng Bacillus được sử dụng thường xuyên, chúng kích thích phản ứng miễn dịch bẩm sinh và cải thiện khả năng chống nhiễm trùng đối với vi khuẩn gây bệnh. Cuối cùng, cải thiện chất lượng nước trong ao thông qua điều chế hệ vi sinh vật trong nước, cải thiện các thông số hóa lý của nước và kiểm soát mầm bệnh.

Sử dụng men vi sinh hiệu quả

Sử dụng men vi sinh phụ thuộc vào một số yếu tố, cơ bản bao gồm chủng men, mức độ liều lượng, hình thức bổ sung và thời gian áp dụng.

Lựa chọn chủng men phù hợp 

Việc lựa chọn các chủng men vi sinh tiềm năng dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, chẳng hạn như tăng trưởng chất nhầy, dung nạp axit và mật, sống sót trong dịch dạ dày, sản xuất enzyme ngoại bào, sản xuất các chất chống vi trùng, ức chế sự tăng trưởng của mầm bệnh và an toàn sinh học (hoạt tính tán huyết và mẫn cảm với kháng sinh). Độ bám dính vào niêm mạc ruột được coi là một tiêu chí lựa chọn quan trọng và là điều kiện tiên quyết cho tác dụng lâu dài của men vi sinh.

Ngoài men vi sinh, paraprobamel (thành phần thành tế bào) cũng có thể đóng vai trò thay thế cho việc sử dụng kháng sinh trong phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng do mầm bệnh gây ra. Cả men vi sinh và paraprobamel đều có thể liên kết trực tiếp với vi khuẩn gây bệnh, làm hạn chế sự bám dính và xâm nhập của mầm bệnh vào tế bào ruột.

Dùng qua chế độ ăn uống hoặc tắm

Bổ sung vào chế độ ăn uống là phương pháp quản lý phổ biến nhất. Thông thường, men vi sinh được áp dụng trong thức ăn dưới dạng nuôi cấy đông khô, đôi khi được trộn với lipid để thêm vào như một dạng bổ sung. Probiotic cũng có thể được thêm vào toàn bộ bể hoặc nước ao.

Đối với ấu trùng cá và động vật có vỏ, thức ăn sống (ví dụ như artemia) đã được chứng minh là một chất mang men vi sinh hiệu quả.

Kết hợp nhiều chủng vi sinh vật

Trước đây, hầu hết các nghiên cứu về chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản được sử dụng một cách hạn chế, nhưng hiện tại việc bổ sung kết hợp chế phẩm sinh học trong chế độ ăn cho động vật thủy sản trở nên phổ biến.

Ưu điểm của các chế phẩm đa chủng là chúng hoạt động tốt trong một loạt các điều kiện khác nhau, cũng như tác dụng với nhiều đối tượng nuôi.

Sử dụng vi khuẩn bất hoạt hoặc bào tử 

Trạng thái bào tử là cấu trúc được tạo ra bởi một vài chi vi khuẩn và chống lại nhiều yếu tố môi trường hoặc các tác động đến vi khuẩn. Các bào tử giúp vi khuẩn sống sót bằng cách chống lại những thay đổi cực đoan trong môi trường sống của chúng, bao gồm nhiệt độ khắc nghiệt, thiếu độ ẩm/khô hạn hoặc tiếp xúc với hóa chất và phóng xạ. Bào tử của lợi khuẩn có tác dụng tích cực trong việc điều hòa hệ miễn dịch, thiết lập lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Các bào tử vi khuẩn cũng có thể tồn tại ở mức độ dinh dưỡng thấp.

Tóm lại, men vi sinh hiệu quả vì hệ vi sinh vật đường ruột phụ thuộc vào khả năng tương tác của vi sinh vật trong hệ tiêu hóa, thông qua đó tác động đến tình trạng viêm nhiễm, chuyển hóa và miễn dịch. Mặc dù chúng ta không thể kết luận rằng chế phẩm sinh học có tốt hơn chất kích thích miễn dịch hoặc vắc-xin hay không, nhưng tác dụng có lợi của chúng đối với vật chủ và môi trường là không thể phủ nhận. Đây là một trong những phương pháp tiềm năng nhất hiện nay để tăng cường miễn dịch, giảm bớt tác động tiêu cực từ môi trường từ đó giúp kiểm soát bệnh trên cá tôm nuôi.

Đặng Tuấn – https://tepbac.com/