Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước

Nông nghiệp Bạc Liêu từng bước hướng đến ứng dụng công nghệ cao, nhất là trong nuôi tôm. Theo đó, tỉnh đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với mục tiêu: Làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, vùng Bán đảo Cà Mau, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, làm nòng cốt, động lực để “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.

Cục Thú y trao giấy chứng nhận cho Công ty Việt Úc – Bạc Liêu là cơ sở sản xuất tôm giống đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh.

HOÀN THIỆN KHU CÔNG NGHỆ CAO

Được sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Bạc Liêu đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, với quy mô diện tích gần 420ha, tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng. Với mục tiêu: Làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, vùng Bán đảo Cà Mau, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, làm nòng cốt, động lực để “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Đến nay, khu vực này đã xây dựng cơ bản hạ tầng giai đoạn 1 (chuẩn bị đón đợt đầu tiên gồm 9 doanh nghiệp vào hoạt động) và đang tiến hành các bước tiếp theo để sớm đưa vào vận hành khai thác.

Nhờ sự ủng hộ của Trung ương, sự quan tâm của ngành chức năng, sự nhanh nhạy trong nắm bắt, ứng dụng hiệu quả kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất của bà con nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp, những năm qua, sản lượng tôm của tỉnh không ngừng tăng. Năm 2020, sản lượng tôm ước đạt hơn 200.000 tấn, cao nhất từ trước tới nay, chiếm gần 19% sản lượng tôm của cả nước, góp phần mang lại kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 800 triệu USD. Sự tăng trưởng vượt bậc này chính là cơ sở vững chắc để Thủ tướng Chính phủ – Nguyễn Xuân Phúc đặt kỳ vọng trong tương lai gần, Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Bạc Liêu đang thu hút nhiều tập đoàn, công ty 100% vốn nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất ngành tôm; từ sản xuất con giống, vật tư kỹ thuật ngành tôm đến khâu chế biến xuất khẩu. Và sự ra đời của các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao trải dài 56km ven biển càng khẳng định tỉnh đã chọn hướng phát triển phù hợp trên vùng đất bãi bồi.

Đặc biệt, các hợp tác xã chuyên về nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao vùng ven biển Bạc Liêu cũng liên tiếp được thành lập, giờ đây không chỉ là nơi tập hợp nông dân đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và từng hộ xã viên, mà còn giải quyết việc làm, tạo cuộc sống ổn định cho hàng ngàn lao động các địa phương ở khu vực bãi bồi ven biển.

HƯỚNG ĐẾN XUẤT KHẨU TÔM NGUYÊN CON SANG ÚC

Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các nước nhập khẩu kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập khẩu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… nên đã làm ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh vẫn duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống trước đây để tiếp tục xuất khẩu như: Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông… và tiếp tục mở rộng thêm các thị trường mới ở các nước châu Á. Từ đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2020 tăng 11% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn tập trung vào mặt hàng thủy sản. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu vào thị trường châu Âu trong thời gian tới.

Hiện tỉnh đang hoàn tất cả thủ tục để xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống sạch bệnh, các vùng nuôi tôm an toàn sinh học… Tiên phong trong lĩnh vực này là Tập đoàn Việt – Úc.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra tôm nuôi theo mô hình công nghệ cao ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Ảnh: M.Đ

Năm 2021, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm, áp dụng khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các sản phẩm chủ lực; xây dựng và thực hiện chuỗi sản xuất tôm đạt chuẩn an toàn dịch bệnh để xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc và thị trường các nước…

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu 

Vai trò của nhóm vi khuẩn Bacillus spp trong quản lý môi trường ao nuôi thủy sản

Nuôi trồng thủy sản hiện đang là hoạt động sản xuất không thể thiếu nhằm thỏa mãn nhu cầu thực phẩm của con người. Tuy nhiên, hoạt động này gây suy thoái nhanh chất lượng nước do việc sử dụng thức ăn viên, giải phóng chất thải (phân và xác tôm cá,…) ra môi trường trong quá trình nuôi .

Có nhiều biện pháp để duy trì chất lượng nước ao nuôi, trong đó sử dụng chế phẩm sinh học (probiotics) chứng minh được có nhiều ưu thế hơn vì nó không chỉ cải thiện chất lượng nước mà còn mang lại nhiều lợi ích khác.

Bacillus là chế phẩm sinh học có các đặc điểm ưu việt hơn các chế phẩm sinh học khác bao gồm khả năng tạo bào tử và các chất chuyển hóa có hiệu quả chống lại nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ làm nổi bật vai trò của Bacillus trong việc cải thiện một số yếu tố chất lượng nước.

Mô hình nuôi tôm thâm canh trên ao bạt hiện nay

Tăng oxy

Vi sinh vật sẽ sử dụng oxy trong quá trình khoáng hóa vật chất hữu cơ thành CO2, nước và các chất dinh dưỡng. CO2 và các chất dinh dưỡng sẽ được sử dụng trong quá trình quang hợp của thực vật phù du. Kết quả là oxy được sinh ra từ quá trình quang hợp. Mặt khác, do probiotics điều chỉnh oxy hòa tan sẽ giảm stress ở cá (thể hiện qua nồng độ cortisol) nên sẽ tiêu thụ oxy ít hơn.

Điều chỉnh pH và độ kiềm

Bacillus đẩy nhanh quá trình khoáng hóa các vật chất hữu cơ trong ao, tạo tiền đề cho chu trình quang hợp của thực vật. Tảo sử dụng CO2 nên làm gia tăng pH, ngoài ra tảo và một số thực vật có khả năng kết hợp Bicarbonate (HCO3) để lấy CO2 cho quá trình quang hợp của chúng và giải phóng CO32- và sự phóng thích Carbonate làm tăng pH. Ngoài ra, quá trình nitrit hóa NH4 + giải phóng các ion hydro (H+) góp phần vào quá trình axit hóa nước nuôi trồng thủy sản. Các nghiên cứu chỉ ra rằng B. megaterium duy trì độ kiềm của nuôi cá trôi (major carp) hoặc làm thay đổi pH của nước ao nuôi cá rô phi (trong điều kiện nước ao có tính axit thì Bacillus làm tăng pH, ngược lại trong điều kiện nước ao có tính kiềm thì Bacillus làm giảm pH là trung tính.

Chuyển đổi các hợp chất nitơ

Tổng amon (TAN) N-NO3, N-NOvà tổng đạm (TKN) là các dạng nitơ khác nhau được sử dụng bởi một số vi sinh vật bao gồm cả chế phẩm sinh học để chuyển hóa chúng, góp phần loại bỏ nitơ khỏi cột nước. Amon hóa, nitrit hóa, loại nitrit là các quá trình trong chu trình nitơ. Từ dạng nitơ ban đầu là xác của động thực vật hoặc chất thải của chúng ở dạng nitơ hữu cơ, được nấm hoặc vi khuẩn bao gồm các loài Bacillus chuyển thành amoni (NH4+) và amoniac (NH3) trong quá trình amon hóa. Amoni được chuyển đổi thành nitrit (NO2) và sau đó thành nitrat (NO3) chủ yếu do các loài Nitrosomonas và Nitrobacter tương ứng trong một quá trình gọi là nitrit hóa. Tiếp theo là quá trình chuyển đổi nitrat thành khí nitơ (N2) (khử nitơ), do đó loại bỏ nitơ khả dụng sinh học và trả lại khí quyển. Các nghiên cứu cũng cho thấy Bacillus velezensis AP193 làm giảm 75 % nitrat và 43 % tổng đạm (total nitrogen) trong ao nuôi cá da trơn.

Khác với Nitrosomonas và Nitrobacter (chủ yếu tham gia vào quá trình nitrat hóa và đôi khi khử nitơ), các loài Bacillus đóng vai trò quan trọng trong chu trình nitơ thông qua tất cả quá trình từ amon hóa, nitrit hóa và khử nitơ cũng như cố định nitơ. Ví dụ, Bacillus amyloliquefaciens DT đã chuyển nitơ hữu cơ thành amoni (và Bacillus cereus PB8 loại bỏ NO-2-N khỏi nước thải. Do đó, các loài Bacillus có thể loại bỏ các dạng nitơ khác nhau từ nước thải nuôi trồng thủy sản. Bacillus sẽ khoáng hóa các họp chất ni tơ thông qua quá trình nitrit hóa và loại nitrit (denitrification) để loại bỏ các hợp chất nitơ trong nước.Các nghiên cứu sinh lý về Bacillus spp. cũng cho thấy rằng Bacillus spp. có thể sử dụng nitrat và nitrit làm chất nhận điện tử và nguồn nitơ thay thế gtrong quá trình phát triển nên có thể làm ni tơ trong nước

Giảm lượng Phospho thải

Cũng giống như nitrat, sự tích tụ phosphat dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa trong ao nuôi. Phospho tồn tại trong nước dưới dạng các ion phosphat. Các nguồn chính chứa nhiều phospho trong nước nuôi là thức ăn cho cá và phân bón liên tục giải phóng ra môi trường ao, nên không thể ngăn chặn sự tích tụ phosphat mà chỉ có thể kiểm soát và điều chỉnh. Các loài Bacillus đã chứng minh khả năng sử dụng phosphat mạnh trong quá trình trao đổi chất, nên làm giảm phosphat trong nước. Thí nghiệm cũng chứng minh hỗn hợp B. subtilis, Bacillus mojavensis, và B. cereus giảm 81 % ion phosphat trong ao nuôi.

Giảm vật chất hữu cơ

Nồng độ chất hữu cơ cao là một vấn đề phổ biến trong chất lượng nước nuôi trồng thủy sản. Các loài Bacillus có thể cải thiện chất lượng nước ao thông qua việc phân cắt chất hữu cơ thành các đơn vị nhỏ hơn. Bacillus chuyển đổi chất hữu cơ thành COmột cách hiệu quả (CO2 lần lượt được vi khuẩn β- và γ-proteobacteria sử dụng làm nguồn cacbon). Trong khi các vi khuẩn khác chuyển đổi phần lớn chất hữu cơ thành nhớt hoặc tăng sinh khối vi khuẩn. Bacillus chủ yếu được sử dụng để loại bỏ lượng chất hữu cơ trong nuôi trồng thủy sản do đó tái chế chất dinh dưỡng trong cột nước và giảm tích tụ bùn đáy ao.

Quản lý mầm bệnh

Nghiên cứu ở quy mô thí nghiệm đã chứng minh rằng các loài Bacillus có thể làm giảm hoặc ngăn chặn sự gia tăng của mầm bệnh thông qua việc sản xuất bacteriocin, sản xuất enzyme phá hủy màng tế bào, sản xuất kháng sinh, cạnh tranh vị trí bám dính, chất dinh dưỡng và năng lượng,…

Duy trì quần xã vi sinh vật trong ao cũng là một thuộc tính của các loài Bacillus. Điều này đảm bảo rằng không có loài nào chiếm ưu thế, đặc biệt là các loài vi sinh vật gây bệnh. Do đó Bacillus đảm bảo sự cân bằng của quần thể vi sinh vật.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn trên ao bạt ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Nguồn : http://nguoinuoitom.vn/

6 cách giúp tôm cá sống sót qua rét đậm rét hại

ao nuôi tôm
Cần chống rét cho tôm cá qua những ngày rét đậm, rét hại.

Để tránh ảnh hưởng do thời tiết rét đậm, rét hại, người nuôi trồng thủy sản cần thực hiện 7 biện pháp chăm sóc, quản lý, chống rét cho tôm cá các đối tượng thủy sản nuôi qua đông.

1. Về ao nuôi, người dân nên thiết kế mái che phủ toàn bộ diện tích nuôi bằng bạt ni – lông để tránh gió lùa, giúp điều chỉnh nhiệt độ tốt hơn và phòng được bệnh đốm trắng trên tôm trong giai đoạn chuyển mùa ở vụ đông.

2. Thả bèo tây che phủ khoảng 2/3 diện tích mặt ao để chắn gió, kết hợp dùng sọt nén rơm dìm xuống góc ao làm chỗ trú ẩn cho cá.

3. Nâng cao mực nước trong ao từ 1,5 – 2m để duy trì nhiệt độ nước ổn định. 

4. Tùy vào nhiệt độ môi trường và giai đoạn sinh trưởng của đối tượng nuôi cần điều chỉnh thức ăn cho phù hợp, bổ sung độ đạm tối thiểu 28%, vitamin C, B-Complex vào thức ăn để tăng sức đề kháng, thời gian cho cá ăn từ 9 – 10 giờ hoặc 14 giờ hàng ngày.

5. Đối với cá lồng nuôi trên sông, khi rét đậm, rét hại xảy ra nên di chuyển lồng bè đến các eo, ngách kín gió, hoặc neo hạ lồng xuống sâu hơn.

6. Thường xuyên treo các túi vôi xung quanh lồng để khử trùng nước và hạn chế dịch bệnh.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình), hiện nay toàn tỉnh Thái Bình có gần 60ha diện tích nuôi tôm thẻ qua đông (trong đó: huyện Tiền Hải hơn 36ha, huyện Thái Thụy hơn 23ha).

Toàn tỉnh Thái Bình hiện có diện tích nuôi cá nước ngọt chưa thu hoạch là 1.072ha; diện tích nuôi cá nước lợ tại huyện Thái Thụy khoảng 600ha; ngoài ra, người dân các huyện, thành phố nuôi 611 lồng cá trên sông với tổng thể tích gần 66.204 mét khối.

Minh Quân –  Báo Thái Bình

Phòng và điều trị bệnh sữa trên tôm hùm trong mùa mưa

Bệnh sữa trên tôm hùm
Bệnh sữa trên tôm hùm hay còn gọi theo tên địa phương là bệnh tôm sữa, bệnh đục thân.

Bệnh sữa trên tôm hùm hay còn gọi theo tên địa phương là bệnh tôm sữa, bệnh đục thân. Bệnh do vi khuẩn ký sinh nội bào giống như Rickettsia gây ra.

Các loài tôm hùm dễ bị cảm nhiễm như tôm hùm bông, tôm hùm đá, tôm hùm tre được nuôi ở khu vực Nam Trung Bộ. Bệnh thường xuất hiện bắt đầu từ tháng 4, bùng phát vào giữa mùa mưa (tháng 9 – 10 âm lịch). Bệnh thường xuất hiện do tôm hùm ăn phải thức ăn bị ôi thiu, có mang mầm bệnh; từ tôm bị bệnh lây truyền sang tôm khỏe trong cùng một lồng hoặc gián tiếp qua môi trường nhiễm bệnh; từ lồng, bè có tôm bệnh sang lồng, bè khác trong vùng nuôi.

Khi tôm hùm mắc bệnh thường có các biểu hiện như: Tôm bệnh hoạt động kém, ít phản ứng với những tác động xung quanh, giảm ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn, sau 3-5 ngày bị nhiễm bệnh, các đốt ở phần bụng của tôm chuyển từ “trắng trong” sang “trắng đục”, mô cơ ở phần bụng chuyển sang màu trắng đục hay vàng đục, nhão, có mùi hôi, dịch tiết của cơ thể (bao gồm cả máu) có màu trắng đục như sữa, số lượng tế bào máu giảm nhiều so với tôm bình thường, máu khó đông, gan tụy chuyển màu nhợt nhạt và có trường hợp bị hoại tử, tôm chết sau khoảng thời gian trung bình 9-12 ngày kể khi nhiễm tác nhân gây bệnh.


Tôm hùm bị bệnh sữa.

Tùy điều kiện cụ thể để áp dụng các biện pháp phòng bệnh và phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm. Người nuôi có thể tham khảo một số phương pháp phòng bệnh tổng hợp sau:

– Vị trí đặt lồng, bè: Phải nằm trong ranh giới mặt nước được giao, cho thuê. Đáy lồng cách đáy biển ít nhất 01 mét vào lúc mực nước thủy triều thấp nhất. Đặt lồng nuôi tôm ở nơi có độ sâu tối thiểu khi triều thấp là 4m (đối với nuôi lồng găm) hoặc từ 4 – 8m (đối với nuôi lồng nổi). Cách xa các cửa sông để tránh nước ngọt từ sông đổ ra trong mùa mưa làm giảm độ mặn gây sốc hoặc có thể nước sông bị ô nhiễm, có các chất độc hại.

– Khoảng cách giữa các lồng, bè: Khoảng cách tối thiểu giữa các lồng trong cùng một bè hoặc cùng một cụm lồng là 01 mét, khoảng cách giữa các bè hoặc cùng một cụm lồng của 01 cơ sở nuôi không nhỏ hơn 50 mét.

– Mật độ lồng nuôi: 30 – 60 lồng/ha (đối với lồng có kích thước dài x rộng x cao = 3m x 3m x 1,5m).

– Lựa chọn tôm hùm giống đạt chất lượng tốt, khỏe mạnh; thời gian lưu giữ tôm giống từ thời điểm kết thúc khai thác ở biển đến thời điểm thả ương nuôi không quá 48 (bốn mươi tám) giờ.

– Giống nhập khẩu phải được kiểm dịch, nuôi cách ly, kiểm tra chất lượng; đối với giống nhập từ tỉnh khác phải có giấy kiểm dịch do cơ quan quản lý dịch bệnh thủy sản của địa phương nơi xuất giống cấp.

– Khi thả giống cần đảm bảo các điều kiện để tôm giống thích nghi với môi trường nước mới, không bị sốc nhiệt độ, độ mặn.

– Thức ăn tươi đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dùng trong nuôi trồng thủy sản, được bảo quản tốt, được sát trùng (có thể ngâm thuốc tím nồng độ 3 – 5 mg/l) trước khi cho tôm ăn.

– Bổ sung premix (các loại vitamin trong đó có vitamin C, axit amin, khoáng chất), men tiêu hóa, trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

– Không chứa các loại kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

– Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe tôm, loại bỏ cá thể yếu, vỏ lột xác và thức ăn dư thừa sau 2 đến 3 giờ cho ăn để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh, làm ô nhiễm cục bộ nền đáy và điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ. Định kỳ vệ sinh lồng nuôi tránh bị rong rêu bám làm bít lỗ lưới.

– Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

– Trong quá trình thao tác đánh bắt, phân cỡ đàn tôm cần nhẹ nhàng, tránh xây xát cho tôm. Nếu để tôm bị tổn thương, các vi sinh vật gây bệnh sẵn có trong môi trường dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua các vùng tổn thương này.

– Ghi nhật ký trong suốt quá trình nuôi bao gồm các thông tin về giống, thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học; tình hình sức khỏe tôm nuôi hàng ngày; ngày bán tôm, số lượng tôm bán, cơ sở thu mua.

– Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết.

Đào Mai Quốc Việt TTKN Phú Yên

Vibrio diabolicus – Vi khuẩn mới, gây bệnh trên thủy sản

Vibrio diabolicus
Phân lập Vibrio diabolicus trên đĩa thạch TCBS thì hầu hết khuẩn lạc có màu xanh lục. Ảnh minh họa.

V. diabolicus có nhiều điểm tương đồng với V. alginolyticus và V. parahaemolyticus.

Vibrio diabolicus, lần đầu tiên được phân lập ở độ sâu 2600m, trong khu vực đông Thái Bình Dương. Đây được xác định là một loài mới của chi Vibrio. Chúng có thể chống chịu được nhiều điều kiện khắc nghiệt dưới nước. Vi sinh vật này cũng có thể tạo ra polysaccharide, được sử dụng làm vật liệu chữa lành xương. Người ta nghi ngờ rằng vi khu, Vibrio diabolicus được phân lập từ biển sâu, rất xa các khu vực của hệ sinh thái biển và các hoạt ẩn này có từ thời cổ đại.

Ban đầu, Vibrio diabolicus không tìm thấy trong hoạt động của con người. Tuy nhiên gần đây, loài này đã được tìm thấy trong các khu vực nuôi trồng thủy sản. Trong các trại nuôi hàu, bào ngư, sò huyết ở các nước Đông Nam Á và Đông Á. Vibrio diabolicus tiến hóa tương tự như V. alginolyticus và V. parahaemolyticus, có thể gây bệnh cho người và động vật. Do vậy tìm hiểu các yếu tố độc lực, tính kháng kháng sinh và các đặc điểm sinh hóa của loài này hiện tại là một điều vô cùng cần thiết.

Người ta thu thập vi khuẩn này từ các mẫu ngọc trai ở một trang trại tại Trung Quốc. Sau khi phát triển 24h, ở nhiệt độ 25oC, trên đĩa thạch TCBS, thì khuẩn lạc Vibrio diabolicus hầu hết có màu xanh lục, một số ít có màu vàng. Thu khuẩn lạc thuần, rồi tiến hành phân tích phân tử và sinh hóa. Tìm thấy V. diabolicus có nhiều điểm tương đồng với V. alginolyticus và V. parahaemolyticus.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của NaCl đối với sự tăng trưởng thì có sự khác biệt giữa 3 chủng vi khuẩn V. diabolicusV. alginolyticus và V. parahaemolyticus. Các thử nghiệm về đặc tính sinh hóa giống nhau vì cùng thuộc chi Vibrio. Sau phân tích, chủng V. diabolicus này được đánh giá là rất nhạy cảm với norfloxacin, ceftriaxone, ofloxacin, ciprofloxacin, hợp chất sulfamethoxazole,  furazolidone, tetracycline, doxycycline, minocycline, chloramphenicol, cefamezin và ceftazidime. Nhưng lại kháng mạnh với peniciline, oxacillin, clindamycin và ampicillin. Tính nhạy cảm của chúng nhẹ hơn V. alginolyticus và V. parahaemolyticus.

Vibrio diabolicus - Vi khuẩn mới, gây bệnh trên thủy sản
Vibrio diabolicus – Vi khuẩn mới, gây bệnh trên thủy sản.

Lần đầu tiên tiến hành lây nhiễm, xác định độc lực của vi khuẩn V. diabolicus thực hiện trên rất nhiều loài cá. Kết quả cho thấy tỉ lệ cá chết rất thấp. Ngoài ra cũng không có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng hay các triệu chứng nào xuất hiện trên cá thí nghiệm. Tuy nhiên một loài động vật thân mềm sau khi tiêm vi khuẩn thì lại có tỷ lệ chết rất cao, tất cả cá thể thân mềm này đều chết trong vòng 8 ngày sau khi nhiễm. Trong thí nghiệm này, loài thân mềm được nuôi trong điều kiện nhiệt độ 25oC. Trường hợp tử vong đầu tiên được quan sát chỉ sau 1 ngày nhiễm trùng. Do đó, độc lực của vi khuẩn có thể phụ thuộc vào các chỉ tiêu môi trường, đặc biệt là nhiệt độ.

Để khảo sát ảnh hưởng của nhiệt độ đến độc lực thì 1 thử nghiệm nhỏ cũng được thực hiện sau đó. Kết quả cho thấy, khả năng gây bệnh của V. diabolicus ở 15oC khác với ở 25oC. Cụ thể chỉ có 27% (4/15) cá tử vong sau khi tiêm vi khuẩn ở 15oC. Vì vậy, phần nào có thể kết luận rằng nhiệt độ chính là nguyên nhân làm vi khuẩn V. diabolicus lây lan nhanh hơn trên vật chủ.

Phân tích ở mức độ phân tử thì V. diabolicus có bộ gen liên kết khá chặt chẽ với hai chủng vi khuẩn V. alginolyticus và V. parahaemolyticus, hai loài gây bệnh nhiều nhất trên cá và tôm sống trong môi trường nước lợ và mặn. Vì vậy độc lực và các bệnh mà V. diabolicus gây ra cũng có thể có nhiều điểm giống với hai vi khuẩn V. alginolyticus và V. parahaemolyticus mang lại. Bộ gen của V. diabolicus có sự tương đồng đến 93,64% với V. alginolyticus và 86, 95% với V. parahaemolyticus.

Các kết quả trên cho thấy, ngoài gây hại trên thủy sản, V. diabolicus cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cho người. Tuy nhiên, cơ chế gây độc của vi khuẩn này vẫn chưa được tìm hiểu. Việc nghiên cứu khả năng gây bệnh này sẽ rất có lợi cho việc quản lý bệnh trên động vật thủy sản. Đồng thời cũng sẽ tạo điều kiện cho vấn đề nghiên cứu sự tiến hóa giữa V. diabolicus và những loài Vibrio gây bệnh (V. alginolyticus và V. parahaemolyticus) trong tương lai.

V. diabolicus – Một loài vi khuẩn mới được phân lập, trong nhóm Vibrio có khả năng gây bệnh tương tự như V. alginolyticus và V. parahaemolyticus. Và tất nhiên, rất cần có sự nghiên cứu nhiều hơn về khả năng gây bệnh và loài cảm nhiễm của vi khuẩn này, để có những biện pháp phòng bệnh kịp thời cho thủy sản. 
Báo cáo gốc: Isolation, identification and pathogenesis study of Vibrio diabolicus by JiayaoSong, Xiaoyu Liu, Cuiling Wu, Yu Zhang, Ke Fan, Xiaodong Zhang, Yongwei Wei.

Hà Tử – https://tepbac.com/

Điều trị bệnh phân trắng trên tôm bằng chiết xuất túi mực ống

Bệnh phân trắng trên tôm
Mực từ túi mực ống là một khám phá thú vị trong điều trị bệnh phân trắng trên tôm.

Chiết xuất mực được lấy từ túi mực ống giúp tôm thẻ chống lại mầm bệnh phân trắng cũng như kích thích hệ thống miễn dịch của tôm.

Bệnh phân trắng trên tôm (WFS) làm giảm tốc độ tăng trưởng và giảm năng suất do tôm tiết ra phân trắng nổi trên mặt nước ao, gan tụy bị mềm và động vật nguyên sinh bám lớp vỏ ngoài. Sự bất thường này làm tôm giảm sự thèm ăn, chậm tăng trưởng do hấp thụ chất dinh dưỡng bị rối loạn, kích thước tôm chênh lệch, tăng tỷ lệ chết. Bệnh phân trắng trên tôm (WFS) thường xuất hiện trong trang trại nuôi mật độ nuôi cao, chất lượng nước kém, đáy ao kém và sinh vật phù du cao. Ngoài ra, nguyên nhân gây ra phân trắng là tương tác của gregarine với vi khuẩn Vibrio sp. Bệnh này thường xảy ra ở tôm sử dụng thức ăn công nghiệp và ít xảy ra trong ao nuôi tự nhiên. 

Mọi người đã quen với việc sử dụng hóa chất và kháng sinh để điều trị bệnh phân trắng trên tôm, nhưng tất cả đều mang lại tác động tiêu cực vì dư lượng trong tôm có thể làm giảm giá trị kinh tế và gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Một giải pháp thay thế khác là sử dụng chất tự nhiên có chứa kháng thể để ngăn ngừa và điều trị bệnh phân trắng. Axit oleic trong chất chuyển hóa của mực, giống như chiết xuất mực, có thể ức chế vi khuẩn sống, sau đó phá vỡ thành tế bào vi khuẩn. Do đó, nghiên cứu này sẽ đánh giá tác dụng trị bệnh phân trắng trên tôm nhờ chiết xuất mực từ mực ống.

mực ống
Mực ống trong tự nhiên.

Tôm bị nhiễm bệnh phân trắng được chia làm ba nghiệm thức có bổ sung chiết xuất mực tương ứng các độ mặn là A (24 ppt), B (27 ppt), C (30 ppt), và nhóm đối chứng không sử dụng chiết xuất mực.

Mực được lấy từ túi mực và giữ tươi trong tủ lạnh trước khi sử dụng. Sau đó tiến hành bổ sung 8ppm chiết xuất mực trong nước ấm được phun vào thức ăn cho tôm sau đó giữ nó trong 24 giờ trong nhiệt độ phòng. Sử dụng chiết xuất mực ảnh hưởng đến tôm ở nhiều khía cạnh như: Enzyme tiêu hóa, THC (tổng tế bào máu), tế bào hồng cầu khác biệt (DHC), tỷ lệ sống,…

Enzyme tiêu hóa 

Việc cung cấp chiết xuất mực đã ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa của tôm ở các độ mặn khác nhau và kết quả cho thấy hoạt động các enzyme ở nghiệm thức độ mặn 27 ppt (nghiệm thức B) là cao nhất, điều này là do hoạt động kháng sinh trong dịch mực kết hợp độ mặn thích hợp đã làm tăng hoạt động của các enzyme. Cụ thể enzyme  protease tăng lên đến 378×10-3 U/ml, amylase 4,029×10-3 U/ml và lipase 3,613×10-3 U/ml.

TreatmentProteaseLypaseAmylase
A0.058a1.557a1.457a
B0.126b3.613b4.029b
C0.068a2.387ab1.930a
K+ (positive control)0.020a1.223a1.173a

THC (tổng tế bào máu)

Kết thúc thí nghiệm, số lượng tổng tế bào máu và từng loại tế bào bị ảnh hưởng đáng kể, ngoại trừ các tế bào bán hạt. Tế bào máu là công cụ bảo vệ đầu tiên ở động vật không xương sống thông qua hoạt động thực bào, đóng gói chất lạ và hình thành nốt sần.

Một nghiên cứu trước đây đã cho thấy chiết xuất mực ống có chất kháng khuẩn, chống oxy hóa, kháng virus như alkaloid (betaine và choline) và axit cinnamic có thể được sử dụng như là chất kích thích miễn dịch và kích thích tế bào máu tôm hoạt hóa. Do đó, trong nghiên cứu này các nhóm nghiệm thức sử dụng chiết xuất mực đều cho thấy tổng tế bào máu cao hơn so với nhóm đối chứng, đặc biệt là nhóm nghiệm thức có độ mặn 27ppm với THC là 11,89 x 10tế bào/ml.


“Thu hoạch” mực từ mực ống.

Tế bào hồng cầu khác biệt (DHC) 

Tế bào máu được phân loại dựa vào kích thước của tế bào và sự hiện diện của các hạt bên trong tế bào chất. Tế bào máu ở tôm được chia làm 3 loại: tế bào không hạt, tế bào bán hạt và tế bào hạt. 

Kết quả cho thấy chỉ có tế bào không hạt và tế bào hạt bị ảnh hưởng đáng kể bởi chiết xuất mực. Tế bào không hạt và tế bào bán hạt của tôm thẻ có vai trò quan trọng trong quá trình thực bào vi khuẩn và các hạt nhân tạo, trong khi tế bào hạt có vai trò trong việc sản sinh, dự trữ và sản xuất các hợp chất kháng khuẩn đặc biệt là dự trữ prophenoloxydase (proPO). Tăng cường hệ miễn dịch không đặc hiệu đã chứng tỏ hệ thống phòng thủ của tôm vẫn đang hoạt động thông qua việc kích hoạt hệ thống proPO. Ở nghiệm thức độ mặn 27 ppt, hoạt động thực bào có xu hướng tuyến tính với số lượng tế bào. Tế bào không hạt đạt giá trị cao nhất tăng từ 32,083% lên 39,090%, tế bào hạt là 21,43% và tế bào bán hạt là 47,74%.

Bên cạnh đó, sốc độ mặn sẽ làm rối loạn quá trình trao đổi chất của tôm, có thể làm giảm hệ thống miễn dịch và tạo cơ hội cho mầm bệnh xâm nhập. Một nghiên cứu đã chứng minh các loại tế bào máu được kích hoạt khi bổ sung chiết mực ống có chất kháng thể chống lại mầm bệnh trong môi trường nuôi đặc biệt là sự hiện diện của vi khuẩn V. Harveyii. Hàm lượng melanin trong chiết xuất mực cũng có chức năng kháng khuẩn (Fitrial & Khotimah, 2017).

Tỷ lệ sống (SR) 

Tỷ lệ sống cao nhất là 85,73% ở nghiệm thức B (độ mặn 27 ppt) vì độ mặn thích hợp và các hợp chất kháng khuẩn trong chiết xuất mực ống có thể đã ức chế mầm bệnh, làm giảm căng thẳng cho tôm do đó tăng tỷ lệ sống cũng như tăng trưởng của tôm.

Mực được tạo ra từ các loài cephalopod là một chất lỏng có màu đen được tiết ra để giúp bảo vệ cơ thể mực. Mỗi loài trong họ này có thể tạo ra các loại mực có màu hơi khác nhau và nó phổ biến với nhiều tên gọi chẳng hạn như mực ống, mực nang, mực đen, mực cephalopod và mực bạch tuộc. Mực ống chứa một số lượng lớn các chất dinh dưỡng đặc biệt là chất chống oxy hóa. Màu xanh – đen nổi bật của mực ống là do sự hiện diện của một lượng lớn melanin. Sắc tố melanin được tạo ra trong các tế bào trưởng thành của tuyến mực có trong đáy túi mực. 

Chiết xuất mực ống ở độ mặn 27 ppt đã giúp tôm thẻ chống lại mầm bệnh phân trắng trên tôm do đó tăng tỷ lệ sống của tôm mắc bệnh bằng cách tăng cường hoạt động của các enzyme protease, amylase và lipase, cũng như hệ thống miễn dịch không đặc hiệu thông qua tổng tế bào máu và số lượng từng loại tế bào máu.

Curative impacts of squid (Loligo sp.) ink extract on haemocyte, digestive enzymes and CypA gene expression of Vaname Shrimp (Litopenaeus vannamei) against white faeces syndrome (WFS) by Mohamad Fadjar, Sri Andayani, Nafa Aulia Ramadani, Yashinta Maulita Marbun, Ivana Agustin, Ilham Bayu Satria, Laksono Radityo Suwandi.
Sương Phạm – https://tepbac.com/

Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh nhưng người nuôi đã hết tôm

chế biến tôm
Các nhà máy tại ĐBSCL thu mua tôm nguyên liệu với giá rất cao vào đầu năm 2021 (ảnh Nhật Hồ)

Tôm sú, tôm thẻ chân trắng đều tăng giá mạnh vào đầu năm 2021. Trong khi đó, nhiều người dân đã hết tôm bán. Theo dự đoán của VASEP, giá tôm sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021 bất chấp dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiếp diễn.

Hiện tại, tại Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… thương lái cùng nhà máy chế biến thủy sản thu mua tôm nguyên liệu với giá rất cao. Giá tôm thẻ chân trắng size 50 con hiện ở mức 140.000 đồng/kg, size 80 con 113.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg so với tháng trước. Đây được cho là mức giá cao so với nhiều năm trở lại đây.

Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hội nuôi tôm Bạc Liêu cho biết: “Giá tôm nguyên liệu cao, nhưng người nuôi trong các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng gần như đã hết tôm”.

Trong khi đó, Công ty TNHH Thủy Sản Anh Khoa, Cà Mau cho biết tại Cà Mau, hiện giá tôm sú nguyên liệu đã tăng hơn 20% so với hồi tháng 12.

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) – cho biết, năm nay nhiều doanh nghiệp muốn đẩy tốc độ tăng trưởng cả năm nên đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian vừa qua. Việc xuất khẩu tôm “được mùa” cũng khiến cho nguồn tôm dự trữ của các doanh nghiệp giảm mạnh, không thể bù đắp kịp do mùa vụ tôm cũng sắp kết thúc. Ông Võ Văn Phục nêu: “Hiện giá tôm đã tăng ở mức 2 con số so với hồi tháng 10. Với mức giá nguyên liệu tăng cao như hiện nay, những doanh nghiệp không có hàng dự trữ để cung ứng theo hợp đồng sẽ rất khó khăn”.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cho đến cuối tháng 10.2020 giá tôm ở mức thấp khiến người dân hạn chế thả mới. Do đó, thời điểm đầu năm 2021, nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ thiếu hụt, giá tôm sẽ tiếp tục tăng nếu thị trường tiêu thụ không có nhiều biến động bất lợi.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất khi tăng 15%, đạt 4,4 tỉ USD. Sự ra đời của vaccine cùng với lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt, sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu tôm năm 2021. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ tôm không vì thế mà tăng mạnh ngay lập tức, mà sẽ tăng từ từ cho đến cuối quý I năm 2021 khi tiêu thụ tôm tại kênh nhà hàng, khách sạn sẽ bùng nổ trở lại vì người dân không còn lo ngại dịch bệnh COVID-19.

Nhật Hồ Báo Lao Động