Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Ngành thủy sản khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19

chế biến tôm
Doanh nghiệp thủy sản đang thực hiện nhiều giải pháp giảm thiệt hại do dịch

Các doanh nghiệp thủy sản đang thực hiện nhiều giải pháp giảm thiệt hại do dịch như: bố trí tài chính, nguồn lực hợp lý, cân đối lại thị trường.

Dịch Covid-19 lan nhanh trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến những thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới của Việt Nam như: Mỹ, Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Pháp… Chính sách cách ly người dân và giãn cách xã hội cũng như giao thông ngưng trệ khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thị trường của ngành thủy sản biến động mạnh, giá hầu hết thủy sản các loại đều bị sụt giảm.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý 1, ngành thủy sản không chỉ đối phó với dịch Covid-19 mà còn có hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long – nơi sản lượng thủy sản sản xuất, xuất khẩu chiếm tỷ trọng nhiều nhất. Ngành đã linh hoạt trong chỉ đạo và điều hành. Từ tháng 12/2019, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương về bố trí mùa vụ và các giải pháp để ứng phó, thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn.

Về tác động của dịch Covid-19 đối với các mặt hàng như: tôm hùm, ốc hương, cá song, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn kỹ thuật cho bà con giảm mật độ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nuôi phù hợp nhằm giảm giá thành nhưng vẫn duy trì chất lượng sản phẩm để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Tổng cục sẽ tiếp tục thông tin về thị trường, nắm bắt để cân đối cung cầu và khả năng cung ứng của Việt Nam. Để giúp các địa phương tổ chức sản, xuất theo kế hoạch của lãnh đạo bộ ngay khi thông báo giãn cách xã hội chấm dứt, Bộ sẽ tổ chức hội nghị với các các địa phương. Trước mắt tập trung vào những đối tượng chủ lực là hội nghị về phát triển tôm, ngành hàng cá tra, phát triển ngành hàng khai thác nhằm mục tiêu giữa Bộ và các địa phương nhằm có phương án sản xuất tốt nhất để bà con ngư dân phục hồi sản xuất và tận dụng được thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Cũng theo Tổng cục Thủy sản, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành thủy sản vẫn có những cơ hội về thị trường. Cụ thể, ngành cá tra có thể tận dụng thời cơ các loại cá thịt trắng khác đang tăng giá mạnh, khiến cho các nhà máy chế biến của Liên minh Châu Âu (EU) có thể sẽ cân nhắc thay thế một phần bằng cá tra, nhất là khi thuế nhập khẩu cá tra từ Việt Nam vào EU giảm từ 5% xuống 0% nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA).

Minh Long – VOV

Nuôi tôm 3 giai đoạn, xu thế tất yếu

thu tôm
Việc áp dụng công nghệ mới này giúp nâng cao lợi nhuận sản xuất lên 15 – 20% so với nuôi tôm trực tiếp truyền thống. Ảnh: Võ Dũng.

Nếu giá thành nuôi trực tiếp là 85.000 – 90.000đ/kg thì nuôi 3 giai đoạn chỉ nằm ở mức 70.000đ/kg, giảm chi phí và an toàn hơn nhiều so với nuôi truyền thống.

Thay đổi để tồn tại

Năm 2009 Hợp tác xã (HTX) Xuân Thành, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khởi nghiệp bằng 3ha đất cát ven biển thuê của xã. Thời điểm ấy, nuôi tôm là khái niệm khá mới mẻ với những người muốn làm giàu từ nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết chưa có nhiều biến động, môi trường nước tương đối sạch nên hầu như nuôi vụ nào “ăn chắc” vụ đó.

Sau khi tích góp được “vốn lận lưng”, năm 2015 HTX tiếp tục thuê thêm 8ha mở rộng diện tích nuôi trồng. Những năm sau đó, vẫn áp dụng kỹ thuật nuôi trực tiếp (lấy giống từ cơ sở sản xuất về thả xuống hồ nuôi đến khi thu hoạch) nhưng gần đây, thời tiết mưa nắng thất thường, nguồn nước ô nhiễm hơn nên HTX phải đầu tư thêm hạ tầng chuyển đổi sang công nghệ nuôi 3 giai đoạn.

Cụ thể, khoảng 1 triệu con tôm giống mua về được dèo trong bể 100m3 (khoảng 10 – 15m2); sau khi nuôi được 25 – 30 ngày tiến hành chuyển sang hồ nuôi thứ nhất (2.000m2); tiếp tục nuôi 30 – 40 ngày, tôm phát triển ổn định thì chuyển ra 2 hồ nuôi giai đoạn 3 (mỗi hồ 2.000m2).

Theo ông Hồ Quang Dũng, Giám đốc HTX Xuân Thành, tính ưu việt của nuôi tôm 3 giai đoạn là kiểm soát được tỷ lệ sống của tôm ngay tại bể dèo; tiết kiệm chi phí đầu tư từ 20 – 25% so với nuôi trực tiếp truyền thống.

“Nếu giá thành nuôi trực tiếp là 85.000 – 90.000đ/kg thì nuôi 3 giai đoạn chỉ nằm ở mức 70.000đ/kg. Như vậy, một cân tôm người nuôi có thể lãi thêm 15.000 – 20.000đ so với nuôi truyền thống. Tính như vậy để thấy rằng, việc thay đổi công nghệ nuôi tôm 3 giai đoạn là xu thế tất yếu để tồn tại”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Hồ Quang Dũng cho biết thêm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu ra không ổn định nên HTX thả nuôi mật độ thấp, năng suất thu hoạch bình quân đạt 20 – 25 tấn/ha.

“Nếu nuôi đúng mật độ, năng suất có những vụ đạt đến 40 tấn/ha. Với 32 hồ/6ha thường xuyên thả nuôi luân phiên, doanh thu mỗi năm của HTX đạt 20 – 25 tỷ đồng”, ông Dũng nói.

Chia sẻ kinh nghiệm hơn 10 năm “bá chủ” nghề nuôi tôm ở Hà Tĩnh, ông Dũng bảo, yếu tố con người và công nghệ là chìa khóa thành công của HTX. Nuôi tôm lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng cực kỳ lớn. Người quản lý, cán bộ kỹ thuật như một “bác sỹ”, nếu không tâm huyết, không nhanh nhạy, bám sát con tôm để “bắt bệnh” thì sẽ thất bại một sớm một chiều.

Tuy diện tích nuôi của HTX không phải lớn nhưng riêng đội ngũ quản lý, kỹ thuật đã lên đến gần 10 người; công nhân trực tiếp đứng hồ là 20 người.


Để duy trì hoạt động sản xuất, HTX Xuân Thành đầu tư thêm 10 bể dèo tôm chuyển đổi sang công nghệ nuôi 3 giai đoạn. Ảnh: Võ Dũng.

Vụ tôm Xuân Hè giảm 28% diện tích

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho giá tôm tại Hà Tĩnh giảm từ 20.000 – 25.000đ/kg, tổng sản lượng tiêu thụ cũng giảm sút 30 – 40%. Do đó, vụ tôm Xuân Hè 2020, người nuôi trồng tại các địa phương thả giống có phần dè dặt.

Ông Lưu Quang Cần, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho hay, theo kế hoạch, năm 2020 có khoảng 1.500 hộ nuôi tôm với diện tích thả nuôi đề ra là 2.750ha. Tuy nhiên, hiện diện tích xuống giống mới đạt hơn 1.000ha (giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019), tập trung chủ yếu ở các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà…

Nguyên nhân một phần do nhu cầu tiêu thụ giảm sút, phần khác ảnh hưởng của việc cách ly xã hội, các phương tiện vận tải (đặc biệt là hàng không) hoạt động ít, ảnh hưởng đến việc vận chuyển con giống tôm từ các tỉnh phía Nam (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu…) về sản xuất.

Ngoài ra, thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả vật tư đầu vào tăng cao cũng gây khó khăn cho các hộ dân tái đầu tư sản xuất.

Được biết, sản lượng tôm nuôi ở Hà Tĩnh 4 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 339 tấn, dư sức phục vụ thị trường nội tỉnh và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Bình.

Để duy trì, phát triển nghề nuôi tôm trên địa bàn trong bối cảnh thị trường bấp bênh hiện nay, ông Lưu Quang Cần cho rằng, các huyện, thị xã cần khuyến cáo người dân nuôi rải vụ, không thả giống đồng loạt vụ Xuân Hè như những năm trước đây. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư nuôi tôm vụ Đông để tăng lợi nhuận, do giá tôm vụ Đông nội tỉnh thường cao hơn vụ Xuân Hè từ 20 – 30%.

Thanh Nga – Võ Dũng Nông nghiệp Việt Nam

Với giá tôm chạm đáy, nhà sản xuất Ecuador lo ngại phá sản

Tôm thẻ
Nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm nhỏ ở Ecuador lo ngại phá sản

Giá tôm xuất tại trang trại ở Ecuador đã giảm 0,1 – 0,5 USD/kg trong vụ thu hoạch gần nhất, bắt đầu từ ngày 10/4, khiến nhiều nhà sản xuất qui mỏ nhỏ lo ngại phá sản.

Giá tôm Ecuador giảm sâu

Giá tôm nguyên liệu tại Ecuador ở mức 3,6 USD/kg đối với tôm loại 30 – 40 con/kg; 3,2 USD/kg cho loại 40 – 50 con/kg; 3 USD/kg cho loại 50 – 60 con/kg; 2,8 USD/kg cho loại 60-70 con/kg và 2,4 USD/kg cho loại 70-80 con/kg.

“Nông dân đang phải bán tôm với giá thậm chí thấp hơn chi phí sản xuất. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nó sẽ khiến nhiều người rơi vào tình trạng phá sản”, một đại diện trong ngành từ vùng Manabi trả lời báo Undercurrent News.

“Nếu chính phủ không tham gia và hỗ trợ chúng tôi, sẽ đến lúc tình trạng này không thể giải quyết và nông dân sẽ mắc nợ rất nhiều”.

Một bình luận trên diễn đàn dành cho các nhà sản xuất tôm ở Ecuador cũng có quan điểm tương tự. “Đây là những mức giá thấp nhất từ trước tới nay, một bối cảnh không mấy lạc quan cho ngành công nghiệp này”.

Ngành tôm của Ecuador vẫn mở cửa kinh doanh, nhưng chỉ hoạt động ở mức 30 – 50% công suất trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến số người tử vong tiếp tục tăng và chính phủ phải thi hành nhiều biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Ecuador đã ghi nhận 10.398 trường hợp nhiễm và 520 trường hợp tử vong tính đến ngày 22/4, trong đó gần 7.000 ca nhiễm và 232 ca tử vong xảy ra ở tỉnh Guayas.

Tuy nhiên, một số người dân Ecuador lo ngại tình hình còn tồi tệ hơn nhiều với số người chết trên thực tế vượt xa so với báo cáo.

“Người dân ước tính Ecuador hiện có khoảng 11.000 ca tử vong”, ông Juan Sole, Giám đốc thương mại của nhà cung cấp tôm Cartacua cho biết.

“Một số nhà máy chỉ hoạt động 20% công suất. Một số công ty đã phải đầu tư thêm tiền để đưa đón công nhân mỗi ngày vì hầu hết họ không muốn ra khỏi nhà.

Đại diện ngành từ Manabi cho biết thêm: “Các công ty liên tục nhận được đơn đặt hàng nhưng không có nhân công, đó là lí do tại sao tình hình ngày càng phức tạp hơn”.

“Hơn nữa, các hạn chế đi lại sẽ ngày càng thắt chặt vào tuần tới và chính phủ thông báo có thể sẽ tăng thế vì lợi ích của tất cả mọi người”.

Đối với các quốc gia nhập khẩu

Trên thực tế, Trung Quốc, quốc gia đang dần phục hồi sau đại dịch, trở thành nhà nhập khẩu tôm duy nhất của Ecuador trong vài tuần qua.

Vào tháng hai, 50% nhập khẩu trực tiếp tôm nước ấm của Trung Quốc đến từ Ecuador.

“Thị trường châu Âu hầu hết đã đóng cửa và Mỹ cũng ban bố tình trạng phong tỏa, đây là những thị trường tiêu thụ tôm chính”, ông Sole cho biết.

Mặc dù vậy, Nga vẫn tiếp tục nhập khẩu nhưng ở mức thấp hơn nhiều so với trước đó. Về phía thị trường Trung Quốc, nhu cầu tôm ngày càng tăng khi nước này bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế.

Ngoài ra, các nhà nhập khẩu tôm Trung Quốc có kế hoạch không mua hàng với số lượng lớn nhằm giữ giá càng thấp càng tốt.

Trái ngược với giá nông sản, chi phí vận chuyển và giá cước (CFR) ngày càng tăng. Trung Quốc sẽ tận dụng tối đa giá thấp và yêu cầu mức giá CFR như trước khi dịch bệnh bùng phát.

Theo ông Nelson Fernandes, Giám đốc của Golden Mar Seafoods – nhà nhập khẩu và phân phối tôm của tôm ở Nam Âu, mức giá CFR hiện ở mức trung bình từ 5,4 – 5,6 USD/kg.

“Mức giá CFR ở châu Âu là 5,8 USD/kg đối với tôm loại 30 – 40 con/kg vào cuối tháng 1. Vào tháng 2, Trung Quốc đã thực hiện biện pháp phong tỏa và giá giảm xuống khoảng 5,2 USD/kg. Thời điểm hiện tại, giá trung bình đạt 5,4 – 5,6 USD/kg.”

Giá CFR bao gồm thuế và chi phí đóng gói, xử lí và vận chuyển bổ sung. “Giá tôm xuất tại trang trại giảm không liên quan đến thương mại quốc tế”.

Ông Fernandes cũng cho biết Trung Quốc đang hạn chế các đơn đặt hàng tôm do tình trạng dư thừa, khiến giá CFR ở mức khoảng 5,8 USD/kg đối với tôm loại 30 – 40 con/kg. Sự gia tăng này là tạm thời và giá CFR tại Trung Quốc đang bắt đầu giảm trở lại.

Linh Giang Kinh tế & Tiêu dụng

Cải tiến thiết bị, khắc phục tai nạn điện trong nuôi tôm

mô-tơ cải tiến
Chiếc mô-tơ cải tiến được bảo vệ bởi lớp inox và có thể điều chỉnh tốc độ vòng quay cung cấp oxy cho tôm theo ý muốn.

Ông Huỳnh Xuân Diện (Cà Mau) cải tiến chiếc mô-tơ điện xoay chiều 220V thành mô-tơ điện một chiều 48V; kết hợp với bộ điều tốc để điều chỉnh vòng quay của hệ thống quạt, giảm tình trạng tai nạn điện trong nuôi tôm.

Để nuôi tôm đạt hiệu quả, ông Huỳnh Xuân Diện, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, đã cải tiến thành công chiếc mô-tơ chạy quạt tạo oxy cho tôm nuôi, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Mô-tơ này không chỉ hoạt động hiệu quả, tiết kiệm chi phí tiền điện, mà còn khắc phục được tai nạn điện cho người nuôi tôm.

Hiện nay, những người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn huyện Cái Nước đang sử dụng dòng diện xoay chiều 220V, cung cấp cho mô-tơ chạy quạt tạo oxy cho tôm nuôi. Nhưng do bất cẩn trong quá trình sử dụng, có không ít trường hợp bị tai nạn điện, dẫn đến tử vong.

Để khắc phục tai nạn điện trong nuôi tôm, ông Huỳnh Xuân Diện cùng các cộng sự cải tiến thành công chiếc mô-tơ điện xoay chiều 220V, trở thành mô-tơ điện một chiều 48V; kết hợp với bộ điều tốc để điều chỉnh vòng quay của hệ thống quạt tạo oxy cho tôm nuôi theo ý muốn, tạo ra lượng oxy phù hợp cho tôm nuôi ở từng giai đoạn. Còn khi vận hành, dùng tay chạm trực tiếp vào thiết bị vẫn an toàn, không bị điện giật, khắc phục được tình trạng tai nạn điện trong nuôi tôm.

Qua ứng dụng thực tiễn trong sản xuất, mô-tơ sử dụng dòng điện một chiều 48V do ông Diện cải tiến không chỉ hoạt động hiệu quả, tiết kiệm chi phí tiền điện, khi kết hợp nguồn tôm giống chất lượng, sau hai tháng thả nuôi tôm đạt trọng lượng từ 50 – 60 con/kg. Với ao nuôi, tôm 250m2, dự kiến sau khi thu hoạch, trừ chi phí sẽ có lãi ít nhất 200 triệu đồng. Ông Diện cho biết: “Hiện nay mình đang thí điểm mô hình nuôi tôm, bắt tôm giống của Công ty TNHH đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, kết hợp sử dụng mô-tơ cải tiến dòng một chiều 48V chạy quạt tạo oxy cho tôm nuôi, thấy tốc độ tôm phát triển rất nhanh. Sau gần 2 tháng thả nuôi, tôm đạt trọng lượng trung bình từ 50 – 60 con/kg, đã tiết kiệm được chi phí, người nuôi tôm có lãi khá cao. Điều này cho thấy, khi sử dụng nguồn tôm giống chất lượng, kết hợp sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, cho dù giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu trên thị trường sụt giảm còn 70 ngàn đồng/kg, người nuôi tôm cũng không sợ thua lỗ”.


Chiếc mô-tơ cải tiến được ông Huỳnh Xuân Diện ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Sau khi cải tiến thành công mô-tơ dòng điện một chiều sử dụng nguồn điện 48V, ông Huỳnh Xuân Diện còn có ý tưởng ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời, cung cấp cho mô-tơ để chạy quạt tạo oxy cho tôm nuôi. Khi ấy, người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh không phải tốn kém chi phí đầu tư hạ thế lưới điện, máy phát điện dự phòng và hàng tháng không phải chi trả tiền điện, người nuôi tôm sẽ không còn gánh nặng chi phí sản xuất như hiện nay.

Anh Nguyễn Văn Dương (ấp Hợp Tác Xã, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước), là một trong những hộ dân có thâm niên trong nghề nuôi tôm siêu thâm canh. Sau khi tham quan thực tế chiếc mô-tơ cải tiến của anh Huỳnh Xuân Diện, đang hoạt động cung cấp oxy cho tôm nuôi, anh hết sức tâm đắc và cho rằng: “Anh Diện cải tiến chiếc mô-tơ này hết sức hữu ích, sẽ giúp người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí tiền điện, không còn lo sợ tai nạn do điện giật, tôi sẽ ứng dụng cho dàn ao tôm của gia đình để nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Việt Tiến Đất Mũi

Div1 không phải là hiểm họa của ngành tôm toàn cầu

Virus decapod iridescent (Div1) bùng phát tại Trung Quốc, hay còn được gọi là virus hemocyte iridescent (SHIV) không phải là một hiểm họa với ngành tôm toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại về khả năng virus này biến chủng, và gây tỷ lệ chết cao hơn trên tôm.

Ngày 12/4, South China Morning Post đăng thông tin về một đợt bùng phát virus Div1 tại miền Nam Trung Quốc và nhấn mạnh dịch bệnh này khiến người nuôi tôm tại đây đều phải khiếp sợ. Theo ghi nhận của hãng tin này, ¼ diện tích ao nuôi tôm tại tỉnh Quảng Đông bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt còn nông dân thì bất lực đứng nhìn.

Sau đó, Cơ quan NTTS ven biển Ấn Độ đã yêu cầu tất cả hãng nhập khẩu tôm và trại tôm giống tại Ấn Độ phải cảnh giác cao độ với virus Div1. Một chuyên gia làm việc cho một trong những công ty nuôi tôm lớn nhất Ấn Độ đã chia sẻ với Undercurrentews: suốt 24 giờ qua, chuyên gia này nhận được email liên tục hỏi về đợt bùng phát Div1.

Giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu tăng

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng khả năng về các đợt bùng phát SHIV ngoài Trung Quốc chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ. Mặc dù ngày càng có nhiều nghiên cứu và tài liệu khoa học khẳng định sự lây lan SHIV và độc lực của virus.

Nguồn gốc lây lan Div1 tại Trung Quốc vẫn chưa được làm rõ, nhưng có nhiều khả năng do các trại giống đã không sử dụng tôm bố mẹ sạch bệnh. Theo chuyên gia nói trên, virus SHIV cũng được phát hiện trong giun nhiều tơ Trung Quốc – nguồn thức ăn sống mà các trại giống Trung Quốc thường sử dụng cho ấu trùng tôm. Do đó, giun nhiều tơ đã trở thành một vật trung gian mang mầm bệnh cho tôm post và làm dịch bệnh bùng phát tại tỉnh Quảng Đông hồi đầu tháng 4 vừa qua.

SHIV được phát hiện lần đầu vào năm 2014 tại Zhejiang, Trung Quốc. Từng được cảnh báo là một dịch bệnh “hủy diệt”, nhưng thực tế thì không như vậy. Tuy nhiên, rất nhiều công ty nuôi tôm tại khu vực Đông Nam Á cũng từng rất lo ngại về dịch bệnh này. Cũng như họ đã từng rất lo lắng khi virus gây bệnh hoại tử cơ (IMNV) xuất hiện ở Indonesia và lan khắp Đông Nam Á. Tới nay, dịch bệnh này vẫn bám riết ngành tôm Indonesia, và xa hơn là Brazil.

Tôm thẻ nhiễm SHIV phát triển các triệu chứng khi trưởng thành, thông thường trong 30 ngày nuôi đầu tiên sau khi thả vào ao. Những triệu chứng này gồm teo gan tụy, màu nhạt dần, dạ dày và ruột rỗng, vỏ mềm, theo Liên minh NTTS toàn cầu (GAA) ghi nhận năm 2014. Theo GAA, tôm bị nhiễm bệnh sẽ chết hàng loạt. Trong một email gửi Undercurrentnews, GAA cho biết nhóm nghiên cứu của tổ chức này tại Trung Quốc đang điều tra các báo cáo mới đây về đợt bùng phát Div1 tại Quảng Đông.

Các chuyên gia của GAA cũng cho rằng đợt virus gây ra đợt bùng phát Div1 tại tỉnh Quảng Đông là một chủng virus mới. Chưa có nhiều tài liệu khoa học làm rõ các chủng virus SHIV nhưng tháng 2/2020,  GAA đã ghi nhận trường hợp xuất hiện virus Div1 trong tôm càng xanh tại Trung Quốc. Đáng chú ý, số tôm càng xanh này đang được nuôi ghép với tôm thẻ. Điều này đặt ra giả thiết, Div1 lây từ tôm thẻ sang tôm càng xanh và virus gây đợt bùng phát Div1 mới đây tại Trung Quốc có thể là virus bị biến chủng và có khả năng gây ra tỷ lệ chết trên tôm cao hơn. Tuy nhiên, SHIV là một virus DNA, nó có thể biến chủng thấp hơn virus đầu vàng – một virus RNA.

Hiện, SHIV chưa được liệt kê vào danh sách dịch bệnh gây hại sức khỏe vật nuôi của Tổ chứ Thú y Thế giới (OIE). Do đó, trong hầu hết các chương trình giống bố mẹ sẽ không xét nghiệm dịch bệnh này và phần lớn chính phủ các nước cũng không yêu cầu xét nghiệm Div1. Tuy nhiên, với nhiều chuyên gia thì đây lại là một kẽ hở và đôi khi gây ra sự chủ quan trước Div1 hay SHIV.

Mi Lan
Theo Undercurrentnews

Shrimp Improvement Systems: Chung tay cùng ngành tôm Việt

 Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức to lớn đối với ngành thủy sản toàn cầu, làm sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông David Leong (ảnh), CEO của Công ty SIS để hiểu thêm về thực trạng của thị trường sản xuất tôm cũng như những dự báo trong thời gian tới.

Ông có thể cho biết những hoạt động của SIS trong quý đầu của năm 2020?

2020 là một năm bận rộn đối với SIS. Chúng tôi tiếp tục triển khai các hoạt động với nhiều sáng kiến từ năm 2019, như tăng cường công tác hỗ trợ kỹ thuật, ra mắt sản phẩm mới.

Đại dịch COVID-19 có những tác động tiêu cực đến an ninh lương thực toàn cầu nói chung và NTTS nói riêng như thế nào, thưa ông?

COVID-19 là căn bệnh của con người. Nó tác động lên an ninh lương thực toàn cầu chỉ trong khâu hậu cần và phân phối. Dịch bệnh đã làm chậm quá trình giao dịch thương mại và cung cấp sản phẩm. Cụ thể, khả năng vận hành của ngành vận tải trong hoạt động cung cấp đầu vào bị hạn chế bởi các chính sách của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này. Đây được coi là một vấn đề ngắn hạn khi ngành vận tải làm việc với cường độ cao để thích ứng với các quy định tạm thời này.

An ninh lương thực toàn cầu luôn bị đe dọa ngay cả trước khi COVID-19 bắt đầu. Những thách thức phải đối mặt ngay cả sau đại dịch này là cách chúng ta đảm bảo nguồn lương thực cung cấp cho dân số ngày càng tăng và việc cắt giảm lượng khí thải carbon. Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thay đổi khí hậu cấp tính trên khắp thế giới và những thay đổi này tác động trực tiếp đến ngành sản xuất thực phẩm và NTTS. Chúng tôi đã nhận thấy tình hình nghiêm trọng của hạn hán trong một vài tháng gần đây tại khu vực miền Nam Việt Nam cũng như trong năm 2016. Con người đang phải đối mặt với những gì họ gây ra. Vì vậy, chúng tôi phải đưa ra rất nhiều cân nhắc trong việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên để sản xuất, đặc biệt là trong NTTS.

Đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản kiểm tra tại SIS. Ảnh: SIS

Vậy theo ông, tình hình dịch COVID-19 ở thời điểm hiện tại và trong tương lai sẽ tác động tới ngành sản xuất tôm và chuỗi cung ứng thủy sản tại thị trường Việt Nam ra sao?

Việt Nam chủ yếu là quốc gia xuất khẩu tôm và các mặt hàng thực phẩm thủy sản khác; do đó, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động vận tải xuất khẩu tươi và đông lạnh. COVID-19 chắc chắn đã phá vỡ chuỗi phân phối toàn cầu, tuy nhiên chúng ta có thể thấy được sự điều chỉnh và đổi mới trong chuỗi cung ứng với nỗ lực to lớn nhằm lấy lại các kênh phân phối và tiếp tục hoạt động cung ứng. Mỗi thách thức mới đến sẽ là một cơ hội mới, Việt Nam luôn thể hiện khả năng thích ứng, đổi mới và đây là thời điểm để thực hiện điều đó.

Có rất nhiều hệ quả như chúng ta đề cập tại đây. Toàn bộ chuỗi cung ứng đang bị bao vây khi việc áp dụng các biện pháp phong tỏa được thực hiện ở nhiều quốc gia, các chuyến bay bị hạn chế do việc sụt giảm lượng hành khách. SIS cũng bị ảnh hưởng bởi điều này, chúng tôi phải đẩy các chuyến hàng của mình đến hôm sau bởi tình hình không chắc chắn. Để duy trì việc phân phối các nguồn cung ứng quan trọng trên toàn cầu, các hãng hàng không hiện đang hoạt động hết công suất nhằm đáp ứng nhu cầu của toàn thế giới, trong khi nhiều hãng hàng không dân dụng đã phải thay đổi cách thức hoạt động bằng cách bắt đầu đưa máy bay chở khách đi chở hàng. Chúng ta sẽ thấy những đình trệ dần được gỡ rối, các quốc gia sẽ từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa và chắc chắn sẽ tìm thấy chút ánh sáng phía cuối đường hầm.

Là nhà thiết lập hoạt động nghiên cứu, sản xuất tôm giống bố mẹ hàng đầu thế giới, SIS đối mặt với đại dịch COVID-19 ra sao?

SIS đã rất tích cực trong việc đối phó với dịch bệnh. Ngay cả trước khi COVID-19 được coi là đại dịch, SIS đã đưa ra các quy trình đảm bảo an toàn và sức khỏe của nhân viên cũng như duy trì các tiêu chuẩn sản xuất tôm bố mẹ chất lượng cao. Nhân viên của SIS đã làm việc không ngừng nghỉ trong thời gian này để tìm ra các tuyến vận chuyển hàng hóa mới và đàm phán với các công ty giao nhận cũng như đại lý hải quan nhằm đảm bảo tiến độ giao hàng kịp thời với chi phí tốt nhất.

Vậy, ông có lời khuyên nào để giảm thiểu rủi ro của đại dịch tới lĩnh vực sản xuất tôm?


Như mọi khi, SIS khuyến khích các chương trình an toàn sinh học mạnh mẽ, không chỉ cho tôm mà còn cho cả nhân viên. Giữ cho nhân viên khỏe mạnh cũng như con tôm phát triển ổn định trong toàn bộ quá trình sản xuất là điều không thể thiếu cho sự thành công của ngành.

Ngành tôm ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức vào thời điểm này, SIS có những chính sách gì trong việc giúp đỡ các trại giống cũng như người nông dân Việt Nam, thưa ông?

Do SIS duy trì tiêu chuẩn chất lượng cao, chúng tôi sẽ đảm bảo các trại sản xuất tôm giống Việt Nam và nông dân sẽ duy trì những sản phẩm của họ. Điều rất quan trọng tại thời điểm này là việc tập trung vào các mục tiêu của chúng tôi và không đánh mất những giá trị mà chúng tôi thêm vào các sản phẩm của mình.

Mỗi ngành công nghiệp hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức tại thời điểm này. Chúng tôi cũng không phải ngoại lệ, nhưng SIS đang xem xét một số hoạt động để chia sẻ với thị trường Việt Nam trong thời gian tới và chúng tôi hy vọng điều đó sẽ giúp ngành tôm Việt Nam phục hồi sản xuất. Hãy bình tĩnh!

Trân trọng cảm ơn ông!

>> SIS luôn được người nuôi tôm Việt Nam đánh giá là thương hiệu sản xuất tôm giống bố mẹ dẫn đầu, mang đến sự phát triển hiệu quả và bền vững cho ngành tôm Việt Nam; thông qua việc cung cấp tôm giống bố mẹ có nguồn gen tốt nhất để sản xuất ra tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh và đạt tốc độ tăng trưởng nhanh. Với mục tiêu phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam, mục tiêu của SIS là đưa ra những con giống toàn diện nhất nhằm hỗ trợ thị trường giúp Việt Nam đạt được các chỉ tiêu đề ra.


Tùng Bách

Thực hiện

Đâu là lợi thế của ngành tôm Việt Nam?

Với giá thành sản xuất cao, ngành tôm Việt Nam bị đánh giá là yếu thế khi cạnh tranh trên thị trường thế giới nên rất khó để cạnh tranh một cách song phẳng. Tuy nhiên, giá trị sản xuất và thị trường của con tôm Việt Nam ngày một tăng. Điều gì tạo nên sức mạnh của ngành tôm nước ta?

Tìm con đường riêng

Khi nói về tính cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam, gần như bao giờ cụm từ “giá thành cao” cũng luôn được nhắc đến đầu tiên và nhiều nhất. Đây là thực trạng chung, dù trình độ nuôi tôm của người dân Việt Nam không hề thua kém các nước nhưng do hầu hết chi phí đầu vào, như: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… đều cao hơn các nước, nên giá thành tôm nuôi của Việt Nam thường trội hơn 20 – 30%. Đây thực sự là một bất lợi lớn của ngành tôm, khi nó làm giảm sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam so với các nước. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, kể cả những thời điểm giá tôm thế giới xuống mức thấp điểm thì ngành tôm Việt Nam vẫn không ngừng tăng trưởng, trở thành một trong số ít quốc gia xuất khẩu tôm lớn trên thế giới. Vậy, bằng cách nào con tôm Việt Nam vượt qua được bất lợi trên?

Ảnh minh họa

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho rằng: “Đó là nhờ ở trình độ chế biến và sự đa dạng sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam”. Theo ông Lực, trình độ chế biến của các doanh nghiệp tôm nước ta hiện thuộc hàng “chiếu trên” so với nhiều nước sản xuất tôm lớn trên thế giới. Ông Lực chia sẻ thêm: “Đơn cử như thị trường Nhật Bản, sản phẩm tôm Việt luôn có giá khá tốt, nhưng đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ cao trong quá trình chế biến, nên muốn bán được hàng vào thị trường này, ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm có phải có tính thẩm mỹ cao, mà điều này thì Sao Ta và nhiều doanh nghiệp thủy sản khác rất lợi thế nhờ trình độ tay nghề chế biến của công nhân Việt Nam rất khéo léo”. Ngoài sản phẩm tôm, Sao Ta còn chế biến bánh Kaki-Agi truyền thống của Nhật Bản để xuất khẩu vào thị trường này với doanh số vài triệu USD/năm.

Tại Sóc Trăng, hầu hết các doanh nghiệp chế biến tôm lớn như: Khánh Sủng, Stapimex, Sao Ta, Vinacleanfood, Tài Kim Anh… đều đã đầu tư máy móc công nghệ chế biến tôm hiện đại để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ các phân khúc thị trường cao cấp trên thế giới. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) chia sẻ: “Nhu cầu tiêu dùng thế giới ngày càng cao, buộc các nhà máy chế biến phải thay đổi để đáp ứng. Ngay từ ngày đầu mới thành lập, chúng tôi đã xác định hướng đi chủ lực là sản phẩm chế biến có hàm lượng giá trị gia tăng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính nhờ hướng đi đúng đắn này mà hiện nay sản phẩm của Vinacleanfood đã có mặt tại hầu hết thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc”.

Các phân khúc thị trường cao cấp tại EU, Mỹ hay Nhật Bản đều có được giá tốt và ổn định, nhưng theo các doanh nghiệp, ngoài Việt Nam và Thái Lan, hiện có rất ít quốc gia đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường này. Chính từ lợi thế trên nên có những thời điểm giá tôm thế giới xuống thấp, người nuôi tôm một số nước thua lỗ, nhưng ngành tôm Việt Nam vẫn vượt qua, doanh nghiệp và người nuôi tôm vẫn bảo toàn được nguồn vốn, một số có lãi. Đơn cử như trong hai năm liên tiếp 2018 – 2019, những tháng đầu năm, giá tôm rớt thê thảm, nhưng các doanh nghiệp tôm vẫn có được thị trường tiêu thụ tốt, giúp ngành tôm nhanh chóng phục hồi và về đích trong những tháng cuối năm. Hay như những tháng đầu năm 2020 này, thị trường tôm thế giới liên tục biến động do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn và nhất là dịch COVID-19, nhưng giá tôm trong nước vẫn được giữ vững và đang tăng trở lại cũng là nhờ một phần ở việc chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp từ các sản phẩm chế biến sâu.

 

Then chốt là công nghệ

Mặc dù, ngành công nghiệp chế biến đang mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp tôm, tuy nhiên, do giá nguyên liệu ở Việt Nam đang cao hơn giá thế giới từ 1 – 2 USD/kg nên phần lợi nhuận này cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong ngành phải mạnh tay đầu tư thiết bị, công nghệ mới trong nuôi trồng, chế biến nhằm hạ giá thành; cùng đó, đầu tư vào công nghệ, đưa một phần robot, máy móc tự động vào trong quá trình chế biến để thay thế lượng lao động thiếu hụt. Nhiều phân đoạn trước đây được thực hiện bằng tay thì nay chuyển sang hoàn toàn bằng máy móc tự động.

Theo nhận định của ông Hồ Quốc Lực, hiện một số nước cũng đã đầu tư máy móc, công nghệ chế biến. Do đó, để đảm bảo tính cạnh tranh cho sản phẩm tôm Việt Nam, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến, ngành chức năng và người nuôi tôm cần áp dụng các biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao tỷ lệ thành công, diện tích nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế và giảm giá thành trong nuôi tôm.

Đại diện VASEP cho biết, các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu cần tích lũy vốn để phát triển công nghệ, nhằm gia tăng tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô và bán thành phẩm. Cần quy định chỉ doanh nghiệp có đủ vốn, dây chuyền công nghệ, có cơ cấu sản phẩm xuất khẩu đạt tối thiểu 50% hàng giá trị gia tăng mới được hoạt động. Ngoài ra, do đặc thù ngành tôm mang tính mùa vụ rất cao nên cần tạo cơ chế thông thoáng cho việc nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, sản xuất hàng giá trị gia tăng tái xuất khẩu, tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho người lao động.

>> Những tháng đầu năm 2020, thị trường tôm thế giới liên tục biến động do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn và nhất là dịch COVID-19, nhưng giá tôm trong nước vẫn ổn và đang tăng trở lại cũng là nhờ một phần ở việc chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp từ các sản phẩm chế biến sâu.

Mai Trường – http://www.thuysanvietnam.com.vn/