Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Nắng nóng gay gắt khiến hàng nghìn ha tôm nuôi thiệt hại

Tôm thẻ chân trắng
Nắng nóng gay gắt khiến cho tôm nuôi tại nhiều tỉnh miền Tây thiệt hại nặng.

Nắng nóng gay gắt khiến cho tôm nuôi tại nhiều tỉnh miền Tây thiệt hại nặng. Người nuôi tôm rơi vào khó khăn, nhất là tình trạng giá tôm nguyên liệu giảm do ảnh hưởng COVID-19 thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Chánh, xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, Bạc Liêu cho biết: “Gần tháng trước, thấy trời mưa, tưởng đã chuyển mùa nên đã cải tạo ao đầm thả giống. Nào ngờ từ khi thả tôm xuống đến nay nắng nóng gay gắt khiến tôm nuôi chết hàng loạt”.

Tại xã Long Điền Đông A có hàng chục hecta tôm nuôi thiệt hại do nắng nóng. Nhiều người dân mất trắng lượng giống đã thả dù theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp vẫn đúng lịch thời vụ.

Theo Sở NNPTNT Bạc Liêu, diện tích thiệt hại do nắng nóng đã lên đến trên 3.000ha, chủ yếu ở mô hình quảng canh.

Tại Cà Mau, nắng nóng, khô hạn làm lượng nước trong ao tôm giảm nhanh, độ mặn tăng cao đã khiến cho trên 25.000ha tôm nuôi giảm năng suất.

Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau lý giải: “Trời nắng nóng khiến nhiệt độ ao tôm tăng cao trong khi hệ thống thủy lợi nhiều nơi bị sạt lở đất, sụp lún khiến việc lấy nước cũng khó khăn”.

Trong khi đó, tại Sóc Trăng, nắng nóng liên tiếp nhiều ngày qua khiến tôm nuôi tại Thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên có hiện tượng chậm lớn. Theo Phòng kinh tế hạ tầng Thị xã Vĩnh Châu nếu tình trạng nắng nóng kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến năng suất của trên 28.000ha diện tích thả tôm của thị xã.

Nhật Hồ Lao Động

VASEP: Dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản

VASEP: Dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản

Trong các sản phẩm xuất khẩu giá trị cá tra giảm mạnh nhất trên 29%, mực bạch tuộc giảm 24%, cá ngừ giảm 10% trong khi xuất khẩu tôm còn duy trì mức tăng nhẹ 1,8%.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, quý I/2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn giới, nhất là những nước đang nhập khẩu nhiều thủy sản của Việt Nam khiến kết quả xuất khẩu thủy sản của cả nước giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2019 đạt 1,62 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản, có thể được coi như là cơ hội và thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam.

Những thị trường bị tác động giảm nhiều nhất gồm Trung Quốc, giảm 27%, EU giảm 16%, Hàn Quốc giảm 11% và ASEAN giảm gần 7%. Xu hướng của thị trường tiêu dùng thế giới thay đổi do tác động của dịch Covid, lệnh cấm, lệnh phong tỏa của nhiều quốc gia và nỗi lo sợ của người tiêu dùng khiến nhu cầu tiêu thụ trong phân khúc dịch vụ thực phẩm giảm mạnh.

Thu nhập của người tiêu dùng giảm nên tiêu thụ các sản phẩm cao cấp có xu hướng giảm, tác động giảm giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản. Trong các sản phẩm xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất trên 29%, mực bạch tuộc giảm 24%, cá ngừ giảm 10% trong khi xuất khẩu tôm còn duy trì mức tăng nhẹ 1,8%.

Theo VASEP, dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, đơn hàng bị sụt giảm, hoạt động vận chuyển, vận tải hàng hóa bị trì hoãn, tắc nghẽn tại các cảng, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ/tồn kho trong bối cảnh doanh nghiệp phải gia tăng tối đa trách nhiệm xã hội với chuỗi và với người lao động khiến doanh nghiệp chịu nhiều khó khăn và các sức ép lớn trong đợt dịch Covid-19.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản, có thể được coi như là cơ hội và thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam.

Theo đó, thách thức đầu tiên có thể kể đến là sức mua từ các thị trường giảm và phục hồi “thận trọng”, sẽ có 1 số doanh nghiệp bị đào thải (đóng cửa/phá sản hay bán lại cho nhà đầu tư khác). Đồng thời, nợ xấu có thể sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến cả các ngành có liên quan (bảo hiểm, ngân hàng, các ngành phụ trợ như sản xuất thuốc, hóa chất, bao bì vật tư,…), chi phí sản xuất tăng cao. Tình trạng treo ao xảy ra với quy mô không nhỏ khiến nguyên liệu càng thêm thiếu hụt trong tương lai và giá nguyên liệu sẽ tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lượng tồn kho tăng và tình trạng thiếu hụt kho lạnh tiếp tục gia tăng,…

Bên cạnh những khó khăn vẫn còn nhiều cơ hội của ngành thủy sản để thích ứng, phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới. Theo đó, niềm tin của các nhà đầu tư với Việt Nam và với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể hiện nay và sau dịch Covid (quyết sách và phương châm chống dịch hiệu quả, an sinh xã hội kèm phát triển kinh tế). Các quốc gia cạnh tranh thủy sản chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuado phải phong tỏa cách ly chống dịch, giảm đáng kể đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu; Indonesia hay Philipin, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất để duy trì nguồn cung cho thế giới. VASEP cho rằng đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam.

Ngoài ra, sẽ có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là sau khi xảy ra “chiến tranh” thương mại Mỹ – Trung và dịch Covid -19. Các sản phẩm thủy sản tiện dụng (RTC và RTE) có giá trị gia tăng có xu hướng được ưa chuộng hơn trên thị trường thế giới. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản (sản xuất thuốc, hóa chất, bao bì vật tư, trang thiết bị, dụng cụ cho NTTS, chế biến,…) có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp thủy sản chủ động hơn trong sản xuất…

VASEP dự báo, diễn biến dịch bệnh Covid còn đang rất phức tạp tại các nước trên thế giới, do vậy, trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm. Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn/hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi.

Xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 và cả quý II sẽ chưa thể hồi phục vì một số thị trường vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, nhất là thị trường EU. Xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chưa thể hồi phục được như trước thời điểm có dịch. Các nước ở tâm điểm dịch có thể sẽ nới lỏng phong tỏa, nhưng việc giao dịch chưa thể thông suốt và hồi phục ngay.

Xuất khẩu thủy sản quý II được VASEP dự báo sẽ tiếp tục giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 2,0 tỷ USD, sau đó sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV, kết quả cả năm 2020 sẽ đạt 8,26-8,30 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.

Minh Ngọc

Theo Nhịp sống kinh tế

Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn ‘cháy hàng’

Gần đây, trên chợ mạng xuất hiện nhiều tiểu thương rao bán tôm sú khổng lồ có kích cỡ ngang ngửa tôm hùm. Điều đặc biệt là dù giá lên tới hơn triệu đồng nhưng mặt hàng này vẫn cháy hàng do có quá đông bà nội trợ đặt mua.

Cụ thể, trên một group mua bán thực phẩm lớn ở Hà Nội, một facebook tên H.T đã đăng tải rao bán tôm sú siêu to khổng lồ to gần bằng “cổ tay”.

Tiểu thương này cho biết, đây là loại tôm sú được đánh bắt tự nhiên và cấp đông ngay lúc sống hoặc ướp đá tươi. Chính bởi thế loại tôm này rất tươi ngon. Hơn nữa, do tôm tự nhiên, không phải tôm nuôi nên số lượng có hạn vì hiếm. Bởi thế, muốn ăn loại tôm này, khách phải order trước 2-3 ngày mới trả hàng 1 lần được.

Ngoài ra, loại tôm sú khổng lồ này có kích cỡ siêu khủng, chỉ từ 3- 6 con/kg và được bán với mức giá hấp dẫn: “Loại tôm sú kích cỡ 3-4 con/kg có giá bán 1180k. Loại kích cỡ 5-6 con/kg thì có giá 1130k”.

Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'

Trên chợ mạng, rất nhiều tiểu thương bán hải sản khác cũng đang rao bán loại tôm sú siêu khủng này. Chị Trần Thị Thanh (Vạn Phúc, Hà Nội) một người bán hải sản ở Hà Nội gần 1 tuần nay cũng rao bán mặt hàng tôm sú kích cỡ khủng.

Theo chị Thanh cho biết, gần 1 tuần nay, hễ cứ thấy nhà chị rao bán tôm sú loại khủng này là khách quen vào đặt hàng mua hết ngay. Do đây là loại tôm sú thuộc dòng lâu năm nên trọng lượng tôm rất to. Có những chú tôm sú dài trên 30 cm: “Khi ăn thì thịt của chúng rất chắc, ngọt, thơm, khác hẳn với những con tôm sú nuôi hoặc những chú tôm sú kích cỡ bé. Vì thế, dù có giá hơn triệu đồng/kg nhưng khách sành ăn là mê nên không tiếc tiền đặt mua. Nhà mình toàn phải khất hàng trả khách vì mặt hàng này quá khan hiếm, không lấy về được nhiều”.

Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'
Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'
Những tôm sú có kích cỡ 3-4 con/1kg được bán với giá xấp xỉ 1,2 triệu đồng vẫn cháy hàng do loại tôm này khan hiếm. (Ảnh minh họa)

Tiểu thương buôn bán hải sản này cũng tiết lộ, loại tôm sú này thường sống 1-3 năm ở các rừng đước miền Tây, Bến Tre. Những ngư dân miền Tây thường săn tôm sú tự nhiên rất khó khăn: “Mình thấy các ngư dân săn tôm sú thiên nhiên bảo, mẻ nào trúng đậm lắm mới được khoảng gần chục kg. Còn thường chỉ được 1-2kg. Vì thế, mình tuy có nhiều mối gom giỏi lắm cũng chỉ gom được 2-3kg/tuần về bán cho khách quen”.

Kích cỡ tôm sú cũng có rất nhiều kích cỡ. Những chú tôm sú kích cỡ 3-5 con/kg được chị Thanh bán với giá hơn triệu đồng. Riêng những tôm sú có kích cỡ nhỏ hơn được bán giá mềm hơn: “Ngoài những nhà có điều kiện đặt mua tôm sú cỡ đại thì đa số khách mua hay mua loại tôm sú có kích cỡ 7-10 con/kg. Những loại tôm sú kích cỡ này mình bán với giá từ 900-700 ngàn đồng/kg. Loại kích cỡ này thì khách cũng phải đặt mua sớm mới gom được hàng để trả”.

Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'
Tôm sú khổng lồ ngang cổ tay giá hơn triệu đồng/kg vẫn 'cháy hàng'
Ngoài những nhà có điều kiện đặt mua tôm sú cỡ đại thì đa số khách mua hay mua loại tôm sú có kích cỡ 7-10 con/kg. (Ảnh minh họa)

Chị Hạnh, 35 tuổi – một người thích ăn hải sản cũng cho biết, chị vừa đặt mua 1kg tôm sú kích cỡ khổng lồ về. Dự định giữa tuần này chị sẽ nhận được hàng.

Theo bà nội trợ sành ăn này tiết lộ: “Vì nhà mình rất thích ăn thủy hải sản nên hay mua tôm cá ăn. Bởi thế bản thân không ngại chi tiền triệu để ăn bữa tôm sú tự nhiên khổng lồ này. Do loại tôm này khan hiếm, lại chỉ mùa này mới có hàng. Vì thế 1 năm bỏ tiền ra ăn 1 bữa ngon mình không tiếc. Loại tôm này nhiều thịt, dai, giòn, các con mình ăn sẽ thích. Nhà có 4 người nên mình mua loại 4 con/kg để mỗi người ăn một con đến no”.

Minh Anh- https://vietnamnet.vn/

Kênh khô cạn, hàng trăm hộ nuôi tôm “treo ao”

Hàng loạt tuyến kênh thủy lợi bị bồi lắng, khô cạn, nứt nẻ dẫn đến nhiều hộ nuôi tôm ở xã Long Điền, H.Đông Hải (Bạc Liêu) phải “treo ao”, bỏ đất hoang vì không có nước để bơm vào vuông.
Hàng trăm hộ dân ở xã Long Điền phải treo ao, bỏ đất trống do kênh thủy lợi kiệt nước	 /// Ảnh: Trần Thanh Phong
Hàng trăm hộ dân ở xã Long Điền phải treo ao, bỏ đất trống do kênh thủy lợi kiệt nước

ẢNH: TRẦN THANH PHONG

Ngậm ngùi “treo ao”, bỏ xứ đi làm thuê

Tuyến kênh Tư Cồ thuộc ấp Hòa 1, xã Long Điền, H.Đông Hải có chiều dài gần 4 km nhưng hiện nay phần lớn đã khô cạn, nứt nẻ, bồi lắng, chỉ có vài đoạn còn nước tù đọng, ô nhiễm… người dân không thể bơm vào ao để nuôi tôm. Do kênh thủy lợi khô cạn nên gần 2 năm qua, 40/68 ha đất của 80 hộ dân ở ấp này không thể nuôi tôm, cua, cá, người dân đành ngậm ngùi “treo ao”, để đất trống, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhiều người phải bỏ xứ đi làm thuê kiếm sống.
Ông Trần Phi Sơn (ấp Hòa 1) cho biết thấy kênh thủy lợi bị bồi lắng nghiêm trọng, người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ nạo vét để dẫn nước vào nuôi tôm. Thế nhưng, gần 2 năm trôi qua, tuyến kênh Tư Cồ ngày càng bồi lắng, có đoạn bồi lắng cao hơn cả mặt vuông tôm… mà vẫn chưa được khơi thông.
Cùng cảnh ngộ nêu trên, hàng chục hộ dân ở xóm Lung Củi, ấp Hòa Thạnh, xã Long Điền cũng ngậm ngùi nhìn đất bỏ hoang vì không có nguồn nước bơm vào ao tôm. Ông Dương Bạch Trung (ấp Hòa Thạnh) cho biết trước đây không có kênh thủy lợi, 23 hộ dân ở đây chủ động mua phần đất của một gia đình để làm kênh phục vụ sản xuất. Những năm gần đây, tuyến kênh này bồi lắng, khô cạn nên người dân không có nguồn nước để nuôi tôm. “Tuyến kênh này dài hơn
1 km nhưng chỉ có vài hộ đầu nguồn mới đủ nước nuôi tôm, còn lại bỏ đất trống. Bà con nhiều lần kiến nghị địa phương sớm tiến hành nạo vét tuyến kênh dẫn nước vào vuông để nuôi tôm, nhưng chờ mãi vẫn chưa được địa phương quan tâm đầu tư nạo vét”, ông Trung than thở.

Chờ phân bổ vốn

Ngày 2.5, trao đổi với PV Thanh Niên về phản ánh của người dân đối với hệ thống kênh thủy lợi bồi lắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, ông Quách Chí Nguyện, Chủ tịch UBND xã Long Điền, cho biết hiện trên địa bàn xã có 4 tuyến kênh bị bồi lắng, khô cạn ảnh hưởng đến hàng trăm hộ nuôi tôm của xã gồm: kênh Tư Cồ, Thọ Điền, Đầu Láng và Lung Củi.
Theo ông Nguyện, thường sau 3 năm, kênh thủy lợi được nạo vét một lần để dẫn nước phục vụ bà con nuôi tôm. Do những tuyến kênh này giáp nguồn nước nên tốc độ bồi lắng rất nhanh, có tuyến chỉ sau vài tháng nạo vét đã bồi lắng, khô cạn. Sau khi bà con phản ánh, kiến nghị, địa phương đã khảo sát, lập danh mục dự án, đề nghị huyện xem xét phân bổ nguồn kinh phí để sớm nạo vét, khơi thông dòng chảy, đáp ứng đủ nguồn nước nuôi tôm cho người dân. “Các tuyến kênh trên có nguồn vốn đầu tư lớn, do huyện và tỉnh quản lý đầu tư. Do đó, địa phương sẽ đôn đốc, kiến nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai nạo vét, khắc phục tình trạng người dân “treo ao”, bỏ đất hoang, nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn và khôi phục sản xuất”, ông Nguyện nói.
Nguồn : https://thanhnien.vn/

Những kỹ thuật đơn giản giúp nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả cao

Hiện nay việc nuôi tôm càng xanh xen canh với lúa đang rất được ưa chuộng tại cá tỉnh miền tây như Đồng Tháp, An Giang… Nhưng để nuôi tôm hiệu qua cần có những kỹ thuật nuôi nhất định, như lựa chọn con giống, thức ăn, dinh  dưỡng…

Một điều đáng lưu ý là trong quá trình nuôi. Tùy theo lúa tuổi, kích cỡ tôm càng xanh mà chọn loại thức ăn và cho ăn “bổ sung” tại những vị trí cố định rải đều trên ruộng lúa, bằng các loại thức ăn viên của tôm, các loại cá tạp làm sạch băm nhỏ, hoặc khoai lang, khoai mì, dừa khô xắt miếng nhỏ… với số lượng hợp lý và nên cho ăn “bổ sung” thêm vào những thời điểm đa số tôm vừa lột xác xong để giúp tôm có đủ dinh dưỡng, sung sức mà tìm mồi ăn cho mau lớn.

Để giúp tôm càng xanh có nơi trú ẩn khi lột xác lớn lên mà không bị những con cứng vỏ tấn công. nhằm đảm bảo số lượng đầu con, thì trong quá trình nuôi nên chọn những loại cây bụi nhỏ, như cây lứt, sậy, thốt nốt, cành nhánh tre trúc hay các loại cây khác, phơi khô để dành, tới mùa thả tôm thì bó thành nhiều bó nhỏ chừng nửa ôm thả rải rác vào mương ruộng hay những nơi đất trũng nước sâu để tôm trú ngụ khi lột. Đây là giải pháp kỹ thuật tuy đơn giản nhưng rất cần thiết và cho kết quả tốt, hiệu quả kinh tế sẽ càng tăng cao.

KỸ THUẬT NUÔI TÔM CÀNG XANH (ảnh minh họa)

Lựa chọn con giống

Hiện nay, công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực và nhiều cơ sở tôm giống sản xuất có kết quả, có bán ra thị trường cho người nuôi ở Đồng Tháp, An Giang… Trước các vụ nuôi, bà con nông dân Cà Mau nên tiếp cận, đặt hàng để có được nguồn giống nhiều ưu thế này về nuôi trên ruộng nhà mình, nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa – tôm càng xanh.

Trường hợp không có được nguồn giống tôm càng xanh toàn đực thì nên tranh thủ tìm và đặt hàng sớm để bắt nguồn tôm giống các đợt sản xuất đầu năm, rồi tạo ao hay khu nuôi vèo và thả sớm vào ruộng lúa ngay sau khi sạ, cấy. Như thế tôm sẽ có đủ thời gian lớn, khi bắt khai thác cuối vụ sẽ có năng suất, sản lượng lớn hơn và chất lượng tôm thương phẩm cũng tốt hơn, bán được giá cao hơn.

Kỹ thuật thu hoạch

Về thu tỉa, nên chọn bắt những con thuộc loại nhất – nhì là tôm lớn 5 – 7 con/kg hay dưới 10 con/kg để bán được giá cao, chọn thả lại tiếp tục nuôi vỗ những con chưa đủ kích cỡ thương phẩm. Nhưng nếu khách hàng có nhu cầu tôm loại nhì – ba thì ưu tiên bắt những con tôm cái đang ôm trứng hay loại đực càng lửa (càng có màu ửng đỏ) vì chúng sẽ không lớn thêm bao nhiêu. Chừa lại những con không mang trứng, đặc biệt là loại càng xanh (càng có màu ửng xanh) vì chúng còn lớn thêm rất đáng kể, nhất là con đực càng xanh nếu có đủ thức ăn có thể đạt trọng lượng loại thượng hạng 200 – 300 g/con vào cuối mùa khi thu hoạch. Hãy cố gắng chọn chừa lại loại tôm nhỏ chưa mang trứng và loại càng xanh để có thể nuôi vỗ nâng kích cỡ thương phẩm nhằm tăng thêm thu nhập.

Khu ruộng hay ao nuôi vỗ cần chuẩn bị sẵn có nguồn nước ngọt – lợ phù hợp với nước ruộng nuôi để thả ngay những con tôm lựa chừa lại, sau đó có thể bổ sung nước ngọt bù bốc hơi hay cứ để cho nước mặn ngấm dần tự nhiên vào khu nuôi vỗ, hoặc khi cần thiết thì có thể châm bù từ từ nước có độ mặn tăng dần (không làm độ mặn tăng đột ngột), vì tôm càng xanh chịu đựng được và vẫn lớn ở vùng nước có độ mặn dưới 10‰. Điều quan trọng là giai đoạn nuôi vỗ này mật số con khá cao và thời gian thường ngắn do chờ khi nào được giá thì bán ngay nên phải cho ăn thúc bằng các loại thức ăn thích hợp, phải chuẩn bị thật nhiều bó chà cho tôm trú ngụ khi lột xác để khỏi bị ăn nhau.

KS. NGUYỄN VĂN THƯỚC Nguồn: Khoa Học Phổ Thông

Hiểu biết về tôm sú giống – Phần 1: Kinh nghiệm lựa chọn và thả giống

Thả tôm giống.
Thả tôm giống. Ảnh: Đặng Tuấn.

Khi đi mua tôm giống làm thế nào để nhận biết được là giống tốt hay xấu? Vận chuyển đường xa thì phải làm sao để con giống khỏe và thích nghi với môi trường trong ao nuôi?

Chất lượng tôm giống là yếu tố tiên quyết cho một vụ nuôi thành công, vì vậy Tép Bạc đã tổng hợp các vấn đề trong tôm giống nói chung và tôm sú nói riêng để giúp người nuôi có cái nhìn bao quát hơn, từ đó tăng thêm tỉ lệ thành công của vụ nuôi.

Vấn đề lựa chọn giống tốt và kỹ thuật thả giống vốn đã quen thuộc với những hộ nuôi tôm nhưng một số khía cạnh thường bị bỏ qua dẫn đến năng suất chưa cao. Những thông tin dưới đây cung cấp thêm kinh nghiệm lựa chọn giống và kỹ thuật thả để đạt hiệu quả tốt nhất.

Tiêu chuẩn chọn tôm sú giống

Tôm giống tốt là yếu tố rất quan trọng để đạt năng suất cao trong khi nuôi và phòng tránh được các loại bệnh gây ra cho tôm.

Khi mua tôm giống, cần lựa chọn con giống đồng đều, cùng kích cỡ, khoảng 12mm. Tôm sú có 6 đốt ở bụng, các đốt này càng dài càng tốt và tôm sẽ lớn nhanh. Tôm có đuôi, râu hình dáng chữ V và góc hai râu sát nhau như góc chữ V là tôm khoẻ. Các chân ở phần đuôi gọi là chân đuôi hay đuôi, khi bơi xoè rộng, khoảng cách giữa 4 chân ở phần đuôi càng xa càng tốt… Cơ thịt bụng tôm co đều đặn, căng bóng mới tạo được dáng vẻ đẹp cho tôm.

Không có vật lạ như nấm, vi khuẩn, hay nguyên sinh động vật bám ở chân, bụng, đuôi, vỏ và mang tôm. Những vật lạ này sẽ làm tôm bị ngạt và không lột xác được. Màu sắc tôm tươi sáng, vỏ mỏng, có màu tro đen đến đen, đầu thân cân đối là con giống tốt.

Tôm bơi ngược dòng rất khoẻ khi đảo nước trong chậu hoặc bám chắc khi bị dòng nước cuốn đi. Nếu có 10 trong số 200 con thả mà trôi theo dòng nước là giống tôm yếu, tôm xấu. Tôm phàm ăn, ăn tạp, chân ngực bắt giữ mồi tốt là con giống tốt. Tôm có khả năng chịu đựng tốt khi dùng formol. Số tôm bị chết ít (5/150 con) khi dùng formol 1cc/10 lít nước, đó là giống tốt.

Sau khi chọn lựa tôm giống theo các tiêu chuẩn trên, trước khi thả tôm vào ao, phải tắm vô trùng cho tôm rồi thả tôm giống vào ao hoặc ương tiếp 15- 20 ngày, sau đó tuyển chọn tiếp lần nữa mới thả nuôi sẽ đảm bảo hơn.

Tuyển chọn lại những con tôm khoẻ, xoè đuôi ra hết cỡ khi bơi. Những con thích bơi ngược dòng nước thả vào ao là tốt nhất. Mật độ thả trung bình 5- 7con/m2 với nuôi quảng canh và 30 – 50 con nếu nuôi thâm canh.

Kỹ thuật thả tôm giống

Kỹ thuật thả tôm giống rất quan trọng đến sự thích nghi và sức khỏe của tôm sau khi được chuyển từ môi trường này đến môi trường khác.

Mật độ: Nếu diện tích ruộng nuôi từ 0,5-1,0ha thì thả 3-4 con/m2. Diện tích nhỏ hơn 0,5ha thì thả 5-10 con/m2.

Phương pháp thả giống: Thả giống đúng kỹ thuật sẽ góp phần tăng tỷ lệ sống của đàn tôm. Nên thả tôm vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Không nên thả tôm vào lúc trời mưa hay trong điều kiện môi trường ao nuôi chưa thích hợp. Thả tôm vào đầu hướng gió để tôm dễ phân tán khắp ao.

Có 2 cách thả tôm tốt như sau:

Cách 1: Các bọc tôm mới chuyển về được thả trên mặt ao trong khoảng 10-15 phút để cân bằng nhiệt độ trong và ngoài bọc, sau đó mở bọc cho tôm bơi ra từ từ. Phương pháp này áp dụng cho trường hợp độ mặn của nước trong và ngoài bọc tôm chênh lệch nhau không quá 5‰. Cần làm cầu gần mặt nước để có thể mở bọc thả tôm dễ dàng, tránh lội xuống làm đục nước ao.

Cách 2: Thường áp dụng cho trường hợp độ mặn của nước trong bọc tôm và độ mặn của nước ao chênh lệch quá 5‰. Tôm mới chuyển về cần một thời gian thuần hóa ngay tại ao để tôm thích nghi dần với độ mặn của nước ao và các yếu tố môi trường khác.

Cần chuẩn bị một số thau lớn dung tích khoảng 20 lít và máy sục khí. Đổ các bọc tôm vào thau, khoảng 10.000 con/thau và sục khí. Cho thêm nước ao vào thau từ từ để tôm thích nghi dần. Sau 10 – 15 phút nghiêng thau cho tôm bơi ra từ từ. Có thể ước lượng tỷ lệ sống của đàn tôm bằng cách dùng lưới vào diện tích 2-3m2 và sâu 1m đặt ngay trong ao, thả vào lưới 1.000 – 2.000 tôm bột, cho tôm ăn bình thường. Sau 3-5 ngày kéo lưới vèo lên đếm và xác định tỷ lệ tôm còn lại.

Một số dấu hiệu cho thấy tôm khỏe và thích nghi với môi trường ao nuôi là không có tôm chết khi thuần trong thau, tôm bơi lội linh hoạt, bám thành thau. Tôm sau khi thả xuống ao thì bơi chìm xuống đáy ao, không bám theo mí nước, không nổi trên mặt nước.

Kinh nghiệm chọn và thả tôm giống

1. Đánh giá tôm giống

Đánh giá bằng cảm quan

Quan sát bầy tôm giống để xem tôm có khỏe hay không. Vì sức khỏe của con tôm có thể biểu hiện bên ngoài qua hoạt động, hình dạng, màu sắc. Một bầy tôm giống khỏe thì phải đồng màu, đồng cỡ, không dị dạng. Đầu tôm không bị cụt, hoặc là quẹo cong qua một bên (thường gọi là bị “te đầu”). Con tôm giống tốt phải có râu khép, đuôi xòe (giai đoạn P12, P13).

Để kiểm tra hoạt động của tôm, có thể bỏ tôm vào trong thau khi tôm phân bố đều, gõ nhẹ vào thành thau, nếu thấy tôm búng lên rất nhanh và khi quay nhẹ dòng nước tôm có khuynh hướng bơi ngược dòng hoặc quay đầu lại tức là tôm khỏe. Quan sát khả năng bắt mồi của con tôm bằng cách dùng một cái ly thủy tinh, múc tôm lên quan sát ra phía ngoài ánh sáng, nếu thấy ruột của tôm có thức ăn liên tục thì đó là tôm khỏe, nếu ruột tôm trống rỗng hoặc bị đứt khúc tức là tôm đã bắt mồi kém hoặc thiếu thức ăn và như thế tôm giống không được tốt.

Đánh giá sức khỏe bên trong

Có thể đánh giá gián tiếp sức khỏe của tôm giống thông qua kỹ thuật gây sốc bằng hóa chất thông thường là Formaldehyd (hay formol) nồng độ 200ppm (200 phần triệu) trong vòng nửa giờ. Dùng đựng 10 lít nước pha vào 2cc formol, sau đó thả vào khoảng 100-200 con tôm giống. Nửa giờ sau đếm số tôm chết lắng ở dưới đáy xô, nếu số tôm chết không quá 5% số tôm thả vào thì bầy tôm đó đạt yêu cầu.

Nếu thực hiện được 2 khâu nêu trên thì có thể yên tâm về chất lượng tôm giống mang đi thả nuôi. Tuy nhiên, để cho chính xác hơn trong một số mô hình nuôi có đầu tư cao như mô hình nuôi bán thâm canh và thâm canh thì bà con nên tiến hành thêm một bước kiểm tra theo kỹ thuật PCR.

2. Lưu ý khi vận chuyển tôm giống đi xa

Mật độ tôm giống vừa phải, thường khoảng 1.000 con tôm/1lít nước.

Nhiệt độ vận chuyển khoảng 20 –22⁰C, không nên vận chuyển lúc trời nóng vì sẽ làm tôm bị hao hụt và yếu đi.

Thời gian vận chuyển tốt nhất trong vòng 5 tiếng đồng hồ, nếu vận chuyển đi xa có xe bảo ôn bảo đảm được nhiệt độ thì thời gian vận chuyển tối đa khoảng 18 tiếng đồng hồ.

Trước khi thả tôm xuống ao nuôi, chúng ta cần kiểm tra độ mặn và nhiệt độ của nước mà chúng ta vận chuyển tôm giống và nước ao nuôi. Nếu độ mặn chênh lệch không quá 3‰ thì có thể tiến hành thả tôm nhưng phải cân bằng nhiệt độ. Nếu độ mặn hơn 3‰, phải cân bằng cách lấy nước ở dưới ao nuôi tôm cho chảy từ từ vào cái xô hay cái thau đựng tôm giống với tốc độ làm sao hạ độ mặn xuống khoảng 1 -2‰ trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Sau khi trung hòa được độ mặn giữa bên trong xô và bên ngoài ao chúng ta có thể tiến hành thả tôm.

Để cho tôm quen với môi trường nước ao, nên đặt thau dưới ao cho nước vào từ từ để cân bằng nhiệt. Nếu tôm ở trong bao thì nên để bao tôm trên mặt nước khoảng 15 phút cho nhiệt độ nước bên trong và bên ngoài bằng nhau sau đó chúng ta sẽ thả.

Ngoài chất lượng tôm giống tốt và vận chuyển thuần hóa đúng kỹ thuật, để có tỷ lệ tôm sống cao đòi hỏi ao nuôi phải được cải tạo thật kỹ, sạch và nước ao phải được gây màu đầy đủ khoảng 30-35cm.

Đặng Tuấn – https://tepbac.com/

Các doanh nghiệp lo ngại phá sản tại thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới

Ngành tôm của Ecuador vẫn mở cửa kinh doanh, nhưng chỉ hoạt động ở mức 30 – 50% công suất trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến số người tử vong tiếp tục tăng và chính phủ phải thi hành nhiều biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Khiến nhiều nhà sản xuất qui mỏ nhỏ lo ngại phá sản.

Ecuador đã ghi nhận 10.398 trường hợp nhiễm và 520 trường hợp tử vong tính đến ngày 22/4, trong đó gần 7.000 ca nhiễm và 232 ca tử vong xảy ra ở tỉnh Guayas. Tuy nhiên, một số người dân Ecuador lo ngại tình hình còn tồi tệ hơn nhiều với số người chết trên thực tế vượt xa so với báo cáo.

xuất khẩu tôm
Ảnh minh họa

Giá tôm bị ảnh hưởng di dịch bệnh

Giá tôm nguyên liệu tại Ecuador ở mức 3,6 USD/kg đối với tôm loại 30 – 40 con/kg; 3,2 USD/kg cho loại 40 – 50 con/kg; 3 USD/kg cho loại 50 – 60 con/kg; 2,8 USD/kg cho loại 60-70 con/kg và 2,4 USD/kg cho loại 70-80 con/kg.Giá tôm nguyên liệu tại Ecuador ở mức 3,6 USD/kg đối với tôm loại 30 – 40 con/kg; 3,2 USD/kg cho loại 40 – 50 con/kg; 3 USD/kg cho loại 50 – 60 con/kg; 2,8 USD/kg cho loại 60-70 con/kg và 2,4 USD/kg cho loại 70-80 con/kg.

Một bình luận trên diễn đàn dành cho các nhà sản xuất tôm ở Ecuador cũng có quan điểm tương tự. “Đây là những mức giá thấp nhất từ trước tới nay, một bối cảnh không mấy lạc quan cho ngành công nghiệp này”.

“Nông dân đang phải bán tôm với giá thậm chí thấp hơn chi phí sản xuất. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nó sẽ khiến nhiều người rơi vào tình trạng phá sản”, một đại diện trong ngành từ vùng Manabi trả lời báo Undercurrent News.

“Nếu chính phủ không tham gia và hỗ trợ chúng tôi, sẽ đến lúc tình trạng này không thể giải quyết và nông dân sẽ mắc nợ rất nhiều”.

Thị trường nhập khẩu cũng không khả quan

“Thị trường châu Âu hầu hết đã đóng cửa và Mỹ cũng ban bố tình trạng phong tỏa, đây là những thị trường tiêu thụ tôm chính”, ông Sole cho biết.

Mặc dù vậy, Nga vẫn tiếp tục nhập khẩu nhưng ở mức thấp hơn nhiều so với trước đó. Về phía thị trường Trung Quốc, nhu cầu tôm ngày càng tăng khi nước này bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế.

Trên thực tế, Trung Quốc, quốc gia đang dần phục hồi sau đại dịch, trở thành nhà nhập khẩu tôm duy nhất của Ecuador trong vài tuần qua.

Vào tháng hai, 50% nhập khẩu trực tiếp tôm nước ấm của Trung Quốc đến từ Ecuador.

Theo ông Nelson Fernandes, Giám đốc của Golden Mar Seafoods – nhà nhập khẩu và phân phối tôm của tôm ở Nam Âu, mức giá CFR hiện ở mức trung bình từ 5,4 – 5,6 USD/kg.

“Mức giá CFR ở châu Âu là 5,8 USD/kg đối với tôm loại 30 – 40 con/kg vào cuối tháng 1. Vào tháng 2, Trung Quốc đã thực hiện biện pháp phong tỏa và giá giảm xuống khoảng 5,2 USD/kg. Thời điểm hiện tại, giá trung bình đạt 5,4 – 5,6 USD/kg.”

Giá CFR bao gồm thuế và chi phí đóng gói, xử lí và vận chuyển bổ sung. “Giá tôm xuất tại trang trại giảm không liên quan đến thương mại quốc tế”.

Ông Fernandes cũng cho biết Trung Quốc đang hạn chế các đơn đặt hàng tôm do tình trạng dư thừa, khiến giá CFR ở mức khoảng 5,8 USD/kg đối với tôm loại 30 – 40 con/kg. Sự gia tăng này là tạm thời và giá CFR tại Trung Quốc đang bắt đầu giảm trở lại.

Linh Giang  Nguồn: Kinh tế & Tiêu dụng