Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Nuôi ghép tôm sú với cá đối mục: Năng suất cao, sạch môi trường

Cá đối nục
Cá đối mục trong mô hình nuôi ghép vào thời điểm thu hoạch.

Nuôi tôm sú kết hợp cá đối mục mang lại kết quả tích cực trong việc cải thiện môi trường nuôi tôm bền vững trong ao đìa.

Trong quá trình nuôi tôm, vấn đề người nuôi thường xuyên gặp phải là thức ăn thừa, rong tảo phát triển quá mức làm biến động môi trường ao nuôi, khiến tôm chậm lớn hoặc bị bệnh. Đề tài nuôi tôm sú kết hợp cá đối mục vừa được Trung tâm Khuyến nông tỉnh thử nghiệm đã mang lại kết quả tích cực trong việc cải thiện môi trường nuôi tôm bền vững trong ao đìa.

Năng suất cao hơn

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai đề tài khoa học cấp cơ sở “Nuôi kết hợp tôm sú với cá đối mục”, tại Trại Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Ninh Lộc, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa. Quá trình triển khai cho thấy, môi trường ao nuôi ổn định hơn, năng suất tôm, cá cao hơn so với nuôi đơn 1 đối tượng.

Kỹ sư Nguyễn Thị Hương Thảo – Phó Phụ trách Phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài được thực hiện ở 2 ao nuôi bằng đất, diện tích mỗi ao gần 2.000m2. Trước khi thả giống tôm, ao nuôi đã được cải tạo kỹ lưỡng gồm các khâu như: tháo cạn nước, rải vôi bột, bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy ao, phơi đáy ao. Trong trường hợp ao lót bạt thì chỉ cần vệ sinh bạt sạch sẽ. Sau đó, tiến hành lấy nước vào ao khi thủy triều lên cao, rồi diệt tạp, gây màu nước; khi nước có màu xanh và đo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp thì tiến hành thả giống tôm.

Tôm giống PL15 (chiều dài 13 – 15mm) được thả nuôi với mật độ 10 con/m2, cá đối mục giống đạt kích cỡ 4 – 6cm, thả nuôi với mật độ 0,5 con/m2; sau khi thả tôm khoảng 15 ngày thì tiến hành thả cá đối mục. Tôm, cá giống mua ở cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn vệ sinh thú y. Tại mô hình thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thả 20.000 con tôm sú giống và 1.000 con cá đối mục.

Sau thời gian nuôi 5 tháng, sản lượng tôm đạt 655kg, tỷ lệ sống hơn 70%, cỡ tôm thu hoạch trung bình 43 con/kg, năng suất trung bình đạt 1,6 tấn/ha. Với cá, sau 5 tháng nuôi có thể đạt 0,4 – 0,5kg/con và thu tỉa dần, đến 6 tháng nuôi đạt trọng lượng bình quân 0,5 con/kg thu toàn bộ. Tổng cộng các đợt thu trên 2 ao nuôi trong phạm vi đề tài cho về sản lượng 687kg cá, tỷ lệ sống 70%, cỡ cá thu hoạch trung bình 0,5kg/con, năng suất 1,7 tấn/ha. Điều quan trọng là tỷ lệ sống của cá và tôm đều ở mức cao nhờ môi trường nuôi luôn ổn định.

Từ kết quả đề tài, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trạm Khuyến nông thị xã Ninh Hòa tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi kết hợp tôm sú với cá đối mục cho hàng trăm nông dân các xã, phường: Ninh Hải, Ninh Hà, Ninh Ích, Ninh Lộc. Tại đây, các học viên đã được cung cấp kiến thức về quy trình nuôi kết hợp tôm sú và cá đối mục trong toàn bộ các công đoạn, từ quá trình chuẩn bị ao nuôi, chọn con giống, thả giống, chăm sóc quản lý tôm, cá trong suốt quá trình nuôi, thu hoạch.

Góp phần cải tạo ao đìa

Theo nhiều ngư dân, tôm sú là một trong những giống tôm không quá khó nuôi nhưng đòi hỏi môi trường nuôi phải sạch, ổn định. Vì thế, nếu việc xử lý môi trường trong suốt quá trình từ thả giống đến thu hoạch tôm không tốt, tôm dễ bị bệnh, chết, tỷ lệ hao hụt cao, hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí không ít hộ nuôi tôm phải chịu lỗ. Cá đối mục có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng thích nghi tốt ngay trong điều kiện môi trường nuôi có sự chênh lệch lớn về độ mặn, nhiệt độ, mức độ ô nhiễm…

Kỹ sư Nguyễn Thị Hương Thảo cho biết, dựa trên đặc tính của 2 đối tượng nuôi này, trung tâm đã triển khai mô hình nuôi kết hợp tôm sú với cá đối mục. Trong ao nuôi, cá đối mục tận dụng tốt nguồn rong, tảo và một phần thức ăn thừa cùng mùn bã hữu cơ trong ao, giúp môi trường nước nuôi sạch hơn và ít bị biến động, giảm thiểu dịch bệnh, từ đó giảm được chi phí về thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi hầu hết các hệ thống ao, đìa nuôi tôm trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng như hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý, lắng lọc nước bài bản. Hơn nữa, do sự phát triển nuôi tôm ồ ạt, tự phát, thiếu quy hoạch trong những năm trước đây đã làm cho chất lượng môi trường ao nuôi ngày càng suy thoái, dịch bệnh phát sinh làm cho tôm nuôi chết hàng loạt. Nhiều ngư dân đã bất lực trong vấn đề nuôi tôm, nhiều ao hồ phải bỏ hoang vì nuôi thua lỗ dẫn đến nợ nần và thiếu vốn đầu tư. Một trong những giải pháp cho vấn đề hạn chế ô nhiễm môi trường và nuôi bền vững là nuôi kết hợp nhiều đối tượng không cạnh tranh thức ăn của nhau, thậm chí hỗ trợ cho nhau phát triển. Giải pháp nuôi kết hợp tôm sú với cá đối mục phần nào giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong ao nuôi tôm, tăng thu nhập cho nguời dân trên một đơn vị diện tích.

Theo ông Lê Bá Ninh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề tài đã đạt được mục tiêu, đó là đưa ra một trong những lựa chọn, giải pháp cho người nuôi tôm hạn chế ô nhiễm môi trường và nuôi bền vững; đồng thời mang về thu nhập ổn định hơn cho người nuôi trồng thủy sản. Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành tập huấn, phổ biến mô hình đến người nuôi trên địa bàn tỉnh.

Hồng Đăng Báo Khánh Hòa

Kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua dự trữ thủy sản cỡ lớn

Tôm sú
Nhu cầu thủy sản sẽ tăng mạnh sau dịch Covid-19, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để đón đầu thị trường.

Đề xuất này được ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản đưa ra trong hội nghị trực tuyến với Thủ tướng sáng 9/5.

Theo ông Hòe, dịch Covid-19 tác động mạnh đến nhiều quốc gia là thị trường chính tiêu thụ thủy sản đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp và nông, ngư dân trong chuỗi sản xuất thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, với phương châm vừa sản xuất vừa chống dịch, đến nay có thể nói ngành thủy sản Việt Nam đã vượt qua được dịch Covid-19 và đang hướng tới mục tiêu phục hồi nhanh với phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm nay không giảm so với 2019.

Cụ thể, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu dạt 8,6 tỷ USD, trong đó tôm đạt 3,8 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ 2019 để bù đắp cho phần thiếu hụt của xuất khẩu cá tra. Với ngành hải sản khai thác có thể duy trì mức 3,2 tỷ USD như năm ngoái.

Với những diễn biến thời gian qua, Hiệp hội nhận định có các cơ hội, thứ nhất sau các chính sách chống dịch hiệu quả, niềm tin của các nhà đầu tư, các tập đoàn bán lẻ  đối với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể. Ngoài ra, doanh nghiệp và người dân tin tưởng và tiếp tục thả nuôi, sản xuất trong dịch để có thể nắm bắt tốt các cơ hội sau dịch.

Bên cạnh đó, các quốc gia sản xuất thủy sản lớn đang bị kẹt trong dịch Covid-19 và có độ trễ đáng kể so với Việt Nam và đây cơ hội cho chúng ta. Cơ hội tiếp theo là chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu của thủy sản hầu như không phụ thuộc vào Trung Quốc và các ngành hàng phụ trợ phát triển tại Việt Nam giúp các doanh nghiệp thủy sản chủ động hơn trong hoạt động.

Chưa kể đến, nhu cầu về thực phẩm, đặc biệt là thủy sản dự báo sẽ tăng mạnh sau dịch Covid-19.

Theo ông Trương Đình Hòe, trong ngắn hạn VASEP có 5 kiến nghị, thứ nhất đẩy mạnh hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp, trong đó Ngân hàng nhà nước nghiên cứu, hỗ trợ hạn mức tín dụng cho các đơn vị có nhu cầu thực sự mua các sản phẩm thủy sản cỡ lớn của nông dân để dự trữ, dành bán sau dịch.

Thứ hai, Chính phủ và các bộ hỗ trợ Bộ NN-PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai hỗ trợ tối đa cho nông, ngư dân để có thể thả nuôi và khai thác biển trở lại từ tháng 5 để đón đầu cơ hội thị trường vào tháng 7-8/2020.

Thứ ba, hỗ trợ về an sinh, vốn để doanh nghiệp thủy sản có thể đẩy mạnh tuyển dụng lao động. Thứ tư, kiến nghị Chính phủ xem xét thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường dịch vụ công điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Cuối cùng, ông Hòe kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chính sách để doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận dự án đầu tư nuôi do dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, ví dụ như đầu tư kho lạnh để trữ hàng.

Về lâu dài, Tổng Thư ký VASEP đề xuất thêm cần có sự hỗ trợ để các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển thị trường, hỗ trợ phát triển và tăng sức cạnh tranh cho ngành thủy sản, tiếp theo là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào nuôi trồng và nghiên cứu và xây dựng chiến lược đầu tư cho nông thủy sản khu vực biên giới để phát triển thị trường Trung Quốc bền vững hơn nữa.

Tùng Đinh Nông nghiệp Việt Nam

Ảnh hưởng của giới tính lên sự bắt mồi của tôm thẻ chân trắng

Giới tính tôm
Giới tính đóng vai trò quan trọng trong sự bắt mồi của tôm thẻ chân trắng.

Bạn biết không? Tôm thẻ đực hoạt động bơi lội, bắt mồi rất mạnh trong khi tôm cái lại “rất lười biếng”.

Tôm thẻ chân trắng hiện tại là loài được nuôi nhiều nhất trong ngành thủy sản. Rất nhiều nghiên cứu đã và đang được tiến hành để cải thiện sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế của những mô hình nuôi. Hầu như các động vật sống ngoài tự nhiên đều thể hiện nhiều tập tính, đặc điểm chuyên biệt hơn khi nuôi trong môi trường nhân tạo. Và đương nhiên tôm thẻ chân trắng khi nuôi trong ao cũng gặp nhiều khó khăn trong việc quan sát những tập tính này. Sự phân biệt giới tính ở tôm chỉ xảy ra khi tôm đạt cỡ 10-17g. Một số nghiên cứu chứng minh tôm đực và cái sẽ có khác biệt trong các tập tính ăn.. Đối với con cái, sau chu kỳ lột vỏ thì sức ăn và khả năng tiêu hóa cao hơn so với con đực.

Mặc dù sống trong cùng một điều kiện, cùng một thông số chất chất lượng nước nhưng những con tôm có giới tính khác nhau sẽ khác biệt về hành vi ăn mồi, khả năng cảm giác và khả năng thích nghi với môi trường sống. Khám phá sâu hơn về những khác biệt này có thể cải thiện hơn nữa quá trình sản xuất của người nuôi. Nhờ vào sự phát hiện này mà tương lai sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng cao hơn, tiêu hóa thức ăn và cải thiện khả năng miễn dịch của tôm nuôi một cách tốt hơn. Mục đích của nghiên cứu này là kiểm tra việc ảnh hưởng của giới tính đến chế độ cho ăn trên tôm thẻ chân trắng. Sau nghiên cứu này hy vọng rằng sẽ hiểu rõ được tầm quan trọng của giới tính tôm thẻ chân trắng mà lâu nay đã bị bỏ quên trong suốt quá trình nuôi.

Tôm thẻ chân trắng được thu ở một hệ thống nuôi tuần hoàn kín trong một cơ sở tại Vương Quốc Anh. Tỷ lệ gồm 10 con đực và 10 con cái chuyển đến hệ thống bể thí nghiệm nuôi riêng. Người ta lắp camera để quan sát và ghi nhận sự khác biệt về hành vi ăn mồi của tôm thẻ chân trắng đực và cái. Sau đó xem xét video và đưa ra giải thích về các hành vi khác nhau của tôm đực và cái khi chúng bắt mồi. Các cảm giác khác nhau cũng được quan sát như tín hiệu của râu, độ nhạy của mắt và những trạng thái khác ở cả hai giới tính.

Kết quả là tôm đực hoạt động nhiều hơn tôm cái, tôm cái phần lớn thời gian không hề hoạt động và đương nhiên là chúng dành rất ít thời gian để di chuyển và bắt mồi, tuy nhiên sự hấp thu dinh dưỡng ở con cái tốt hơn nên chúng có vẻ lớn con hơn so với con đực ở cùng giai đoạn. Các hành vi cảm ứng như mắt, râu đều không có sự khác biệt. Con đực tiêu thụ nhiều thức ăn hơn nhưng kích cỡ lại nhỏ hơn con cái có lẽ là do chúng hoạt động mạnh hơn và tiêu tốn nhiều năng lượng hơn. Chính vì vậy mà con cái thường lớn con hơn con đực chăng?

Ở đây người ta kiểm tra sự bắt mồi của tôm thẻ chân trắng liên quan đến giới tính, từ đó giải thích được tại sao lại thiếu hiệu quả trong quá trình nuôi tôm. Con đực thường tham gia nhiều vào quá trình bắt mồi và tập trung nhiều ở những nơi có thức ăn như nhá, con đực cũng bơi lội, thám hiểm nhiều hơn con cái. Ngược lại, con cái lại không thường hoạt động và ít bị thu hút vào các vị trí nhiều thức ăn. Và vì không hoạt động nên con cái tiêu tốn ít năng lượng hơn so với con đực, năng lượng giữ lại để thúc đẩy tăng trọng.

Thời gian con đực ăn mồi dài hơn gấp 4 lần so với con cái. Ngoài ra con đực cũng tỏ ra hung dữ hơn khi cạnh tranh thức ăn, bắt mồi. Do đó, người ta nghĩ tới việc loại bỏ con đực ra khỏi quần thể, để con cái có đầy đủ tiềm năng hơn để phát triển cơ thể của chúng. Trong nghiên cứu này, người ta chọn những con đực và cái có cùng kích thước, tuy nhiên sau khi nuôi một thời gian thì lại thấy có sự chênh lệch về kích thước của chúng. Tuy nhiên ở tôm cái, sự nhạy cảm với các yếu tố gây stress là cao hơn,  tỷ lệ kháng bệnh cũng như tỷ lệ sống đều thấp hơn so với con đực.

Nghiên cứu chứng minh được rằng giới tính đóng vai trò quan trọng trong sự bắt mồi của tôm thẻ chân trắng. Tôm đực dành nhiều thời gian để bắt mồi hơn trong khi  tôm cái hầu như không hoạt động. Con cái thì thường căng thẳng nhiều hơn con đực. Sự khác biệt về hành vi giữa con đực và con cái sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của tôm trong quá trình cho ăn.

Hà Tử – https://tepbac.com/

Tôm Việt Nam xuất khẩu trên 100 thị trường

Thu hoạch tôm
Thu hoạch tôm ở Sóc Trăng. Ảnh: Nhật Tân.

Năm 2019, tôm Việt Nam xuất khẩu sang 102 thị trường, đạt kim ngạch 3,36 tỷ USD, phấn đấu năm 2020 đạt 3,5 tỷ USD.

Ngày 8/5, tại Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, tổng diện tích tôm thả nuôi đạt 705.545 ha (trong đó tôm sú 603.855 ha, tôm thẻ chân trắng 97.865 ha), đạt sản lượng 823.851 tấn. Xuất khẩu tôm 2019 đạt 3,36 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018.

Trong quý I/2020, diện tích tôm thả nuôi được khoảng 481.534 ha, đạt 71,1% so với kế hoạch năm 2020. Trong đó tôm sú thả 457.420 ha, tôm thẻ 22.132 ha. Đến ngày 30/4, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 168.6000 tấn, trong đó tôm sú 65.000 tấn, còn lại là tôm thẻ.

Đến cuối tháng 3/2020, kim ngạch xuất khẩu tôm các loại đạt 591,083 triệu USD (giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó tôm chân trắng đạt 417,216 triệu USD, tôm sú 112,948 triệu USD (giảm 23% so với cùng kỳ năm 2019).

Định hướng năm 2020, diện tích nuôi thả đạt 730.000 ha, trong đó tôm sú 620.000 ha, tôm thẻ 110.000 ha; sản lượng đạt 830.000 tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 550.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa cuối năm 2019, xuất khẩu tôm sang các thị trường có xu hướng khả quan hơn sau khi sụt giảm trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2020 khi lượng tồn kho của năm 2019 được giải quyết, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ sẽ tăng, giá xuất khẩu cũng sẽ hồi phục.

Trong năm 2019, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 102 thị trường, trong đó top 10 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN,Thụy Sỹ (chiếm 96,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam).

Việt Tường & Nhật Tân Zing

Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2020 phấn đấu đạt 3,5 tỉ USD

Ngày 08/5, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020. Đến dự có các đồng chí: Phan Văn Sáu – Bí thư Tỉnh ủy; Trần Văn Chuyện – Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Thanh Mừng – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Văn Hiểu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Nguyễn Xuân Cường dự và chỉ đạo Hội nghị.

         Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Chuyện – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nêu rõ: Với lợi thế về vị trí địa lý, với bờ biển dài hơn 700km, ĐBSCL có thế mạnh phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Cũng như các tỉnh ven biển ĐBSCL, kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ trung tâm, là thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng, trong đó tôm nước lợ chiếm tỷ trọng khá cao và tiềm năng phát triển vẫn còn khá lớn. Diện tích nuôi thủy sản của tỉnh năm 2019 đạt trên 78.000 ha, trong đó nuôi tôm nước lợ hơn 57.000 ha, chiếm gần 74%; tổng sản lượng nuôi và khai thác tôm nước lợ đạt trên 150.000 tấn, chiếm tỉ lệ 71%; xuất khẩu thủy sản đạt 630 triệu USD, chiếm 76% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2019, bên cạnh những thuận lợi, ngành tôm còn có một số diễn biến bất lợi cho ngành thủy sản như giá cả hàng hóa trên thế giới diễn biến phức tạp trong nửa đầu năm 2019; cạnh tranh thương mại gia tăng; giá nguyên liệu thủy sản giảm sụt, giá nhiên liệu tăng…

Năm 2019, tổng diện tích thả nuôi đạt 705.545 ha, bằng 97,9% so cùng kỳ năm 2019 (trong đó tôm sú 603.855 ha, tôm chân trắng 97.865 ha). Sản lượng thu hoạch đạt 823.851 tấn, bằng 110,5% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu tôm đạt 3,36 tỉ USD, giảm 5,4% so với năm 2018. Mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng, nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020.

Trong quý I/2020, diện tích tôm thả nuôi được khoảng 481.534 ha (bằng 84,9% so cùng kỳ năm 2019, đạt 71,1% so với kế hoạch năm 2020), trong đó tôm sú là 457.420 ha (bằng 85,3% so với cùng kỳ năm 2019), tôm chân trắng 22.132 ha (bằng 79% so với cùng kỳ năm 2019). Đến ngày 30/4, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 168,6 nghìn tấn (bằng 94,4% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 21.7% so với kế hoạch năm 2020), trong đó tôm sú đạt 65 nghìn tấn, tôm chân trắng đạt 103,6 nghìn tấn. Tính đến ngày 31/3/2020, kim ngạch xuất khẩu tôm các loại đạt 591,083 triệu USD (giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó tôm chân trắng đạt 417,216 triệu USD, tôm sú 112,948 triệu USD (giảm 23% so với cùng kỳ năm 2019).

Định hướng năm 2020, diện tích nuôi thả đạt 730.000 ha, trong đó tôm sú 620.000 ha, tôm thẻ 110.000 ha; sản lượng đạt 830.000 tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 550.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỉ USD.

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa cuối năm 2019, xuất khẩu tôm sang các thị trường có xu hướng khả quan hơn sau khi sụt giảm trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2020 khi lượng tồn kho của năm 2019 được giải quyết, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ sẽ tăng, giá xuất khẩu cũng sẽ hồi phục. Năm 2019, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 102 thị trường, trong đó Top 10 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam là EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN, Thụy Sỹ (chiếm 96,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam).

Cũng theo VASEP, Hiệp định thương mại EVFTA có hiệu lực sẽ tạo kỳ vọng cho con tôm Việt Nam sang thị trường EU nhiều hơn khi thuế giảm mạnh. Thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến vào EU sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh của Việt Nam có lợi thế rõ rệt so với các nước khác.

Quang cảnh Hội nghị

Đối với thị trường Mỹ, nơi chiếm tỉ trọng 19,5% xuất khẩu tôm của Việt Nam với kim ngạch năm 2019 ước đạt 646,6 triệu USD, nhu cầu mua tôm từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn khi nước này có xu hướng giảm lượng mua từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh từ Trung Quốc. Đặc biệt, trong tháng 3/2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Văn Hiểu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Năm 2019, diện tích nuôi thủy sản của Sóc Trăng đạt 78.968 ha, vượt 8,3% kế hoạch, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tôm nước lợ đạt 57.000 ha, vượt 15,7% kế hoạch, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018; diện tích thiệt hại tôm nước lợ là 5.085 ha, chiếm 8,8% diện tích, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước; thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Thủy sản nước ngọt 20.136 ha; thủy sản khác 1.152 ha (trong đó Artemia 720 ha). Sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 281.357/279.800 tấn, bằng 100,56% kế hoạch, tăng 9,16% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó sản lượng khai thác đạt 70.315 tấn; sản lượng nuôi đạt 211.042 tấn (trong đó tôm nước lợ đạt 150.355 tấn, đạt 108,5% kế hoạch, tăng 12,3% so với cùng kỳ, chiếm hơn 18% sản lượng của cả nước). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh năm 2019 đạt 630/830 triệu USD, chiếm 76% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Năm 2020, Sóc Trăng phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 317.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 167.000 tấn; kim ngạch thủy sản đạt 670/900 triệu USD (tăng 6,3% so với năm 2019). Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 236.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 900/1.200 triệu USD (tăng 34% so với năm 2020). Tính đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi được khoảng 11.200/50.000 ha, đạt 22%, bằng 78,9% so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích thu hoạch 1.500 ha, sản lượng đạt 8.957 tấn.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Lê Văn Hiểu cho biết: UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện các nhiệm vụ sau: Nuôi nước trước khi nuôi tôm; triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm giảm giá thành; tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình tôm – lúa để tiến tới triển khai Dự án phát triển vùng sản xuất lúa thơm – tôm sạch huyện Mỹ Xuyên; quản lý vùng nuôi đúng qui định Luật Thủy sản, thực hiện cấp mã số nhận diện ao nuôi các đối tượng nuôi chủ lực theo Nghị định số 26 của Chính phủ và Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt lịch thời vụ nuôi tôm; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo đủ nguồn nước cho các vùng nuôi…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển vùng sản xuất lúa thơm – tôm sạch huyện Mỹ Xuyên giai đoạn 2021-2025 với qui mô 17.000 ha, tổng mức đầu tư 500 tỉ đồng; dự án xây dựng mô hình thí điểm thủy lợi vùng chuyên canh nuôi tôm công nghệ cao khu vực huyện Trần Đề với qui mô 300 ha, tổng mức đầu tư 232 tỉ đồng.

Tác giả:Theo Soctrang.gov.vn

Xuất khẩu tôm sẽ bật tăng sau dịch

Dự báo xuất khẩu tôm sang EU, Mỹ sẽ tăng sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Ảnh: VASEP

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) dự báo xuất khẩu tôm sang thị trường Châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc… sẽ bật tăng sau đại dịch COVID-19. Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu tôm ở giai đoạn này.

Thị trường Mỹ và EU rộng mở

Bộ NNPTNT dự báo xuất khẩu tôm sang EU năm 2020 sẽ tăng khả quan vì ngành tôm có thể tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại (FTA). Theo đó, xuất khẩu tôm có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia, bởi có khả năng 3 nước này sẽ không tập trung cho thị trường EU khi mà sản lượng của họ dự báo không tăng trong năm nay.

Tại Hội nghị phát triển ngành hàng tôm năm 2020 tổ chức sáng 8.5.2020 tại Sóc Trăng, Tổng cục Thủy sản cho biết: Do dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc bị gián đoạn, các doanh nghiệp sẽ tìm cách tăng thị phần tại thị trường EU. Dự báo xuất khẩu tôm sang EU sẽ tăng khả quan nhất ở mức khoảng 15%, đạt 800 triệu USD trong năm 2020.

Tại thị trường Mỹ, nhu cầu tiêu thụ tôm nuôi đang tăng nhanh. “Doanh số bán tôm trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm ở Mỹ dự kiến đạt 300 triệu pao năm 2020, tăng khoảng 8% so với năm 2019. Nhu cầu tiêu thụ tôm nuôi tăng ở Mỹ vì giá cua và tôm hùm tăng mạnh” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định.

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung khiến Mỹ tăng thuế 25% đối với 250 tỉ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong đó có sản phẩm tôm. Xuất khẩu tôm của Trung Quốc sang Mỹ càng thêm khó khăn, tạo cơ hội cho các nguồn cung đối thủ của Trung Quốc trên thị trường Mỹ, trong đó có Việt Nam.

“Hiện nay, mặt hàng tôm bao bột từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc trên thị trường Mỹ” – ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là hiện nay Mỹ đang áp dụng Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, theo đó, Mỹ yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ đối với hàng thủy sản nhập khẩu nhằm ngăn chặn các sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát, hoặc giả mạo xâm nhập thị trường Mỹ.

Từ hơn 1 năm nay, để được nhập khẩu tôm vào Mỹ, các nhà nhập khẩu buộc phải có Giấy phép Thương mại Thủy sản Quốc tế. Quy định này cũng gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ.

Bộ NNPTNT đã đưa ra nhiều kịch bản để tìm giải pháp phù hợp. Với kịch bản tích cực nhất, nếu kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá giai đoạn 14 (POR 14) vẫn khả quan như POR13, thì xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự báo sẽ tăng 7%, đạt 700 triệu USD trong năm 2020. Khó khăn hơn ở thị trường Châu Á

Về thị trường Nhật Bản, nhiều thông số cho thấy, khả năng Nhật Bản sẽ không tăng nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong đó có tôm trong năm 2020. Dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong năm 2020 có thể chỉ tương đương với năm 2019 với khoảng 618 – 620 triệu USD.

Đối với thị trường Trung Quốc, sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ thay đổi thói quen ăn uống, hạn chế ăn thực phẩm tươi sống. Dự báo nhu cầu tôm đông lạnh cũng như các loại thủy sản đông lạnh khác sẽ tăng trở lại từ quý II năm nay với mức tăng trưởng 10%, giá trị kim ngạch khoảng 600 triệu USD.

KHÁNH VŨ – Lao Động

Tôm chết chưa rõ nguyên nhân tăng gấp gần 6 lần

Sáng ngày 8.5, tại Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020. Hiện người nuôi quan tâm là tình trạng tôm chết không rõ nguyên nhân tăng cao bất thường từ đầu năm 2020 đến nay.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm 2019 ngành tôm nước lợ có sự phát triển. Tuy nhiên, bước vào đầu năm 2020, ngành tôm cũng gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và nắng nóng, hạn mặn kéo dài. Bộ trưởng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị… đưa ra giải pháp để ngành tôm tiếp tục phát triển trong năm 2020.

Con số được Tổng cục thủy sản, Bộ NNPTNT đưa ra tại hội nghị một cách rất cụ thể: Từ đầu năm 2020 đến nay, có đến gần 16.000ha tôm nuôi bị thiệt hại. Cơ quan này chia ra rất rõ, thiệt hại do bệnh 900ha; do môi trường 469ha; chưa rõ nguyên nhân 14.490ha.

Tôm chết không rõ nguyên nhân tăng bất thường khiến người nuôi lo lắng. Ảnh: Nhật Hồ

So với đầu vụ tôm năm 2019, diện tích thiệt hại tăng gấp 3,3 lần, trong đó thiệt hại chưa rõ nguyên nhân tăng gấp 5,83 lần. Có đến 16 tỉnh thành xuất hiện tôm chết không rõ nguyên nhân, trong đó Cà Mau là tỉnh có nhiều diện tích tôm chết chưa rõ nguyên nhất nhất.

Trong khi đó, xuất khẩu tôm những tháng đầu năm 2020 cũng giảm đáng kể ở mặt hàng tôm sú, chỉ đạt trên 112 triệu USD, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Về giá tôm nguyên liệu cũng giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2020.

NHẬT HỒ  – Lao Động