Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Thay vì chọn đực, nuôi tôm càng xanh toàn cái có hiệu quả hơn không?

tôm cành xanh toàn cái
Nuôi tôm toàn cái là một lựa chọn để có một vụ tôm thành công và đồng nhất.

Israel phát triển kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn cái, thích hợp nuôi mật độ cao hơn nuôi toàn đực.

Tôm càng xanh toàn đực là kỹ thuật đang được áp dụng rộng rãi nhằm cải thiện tốc độ sinh trưởng và kích cỡ thu hoạch. Tuy nhiên nuôi tôm càng xanh toàn đực chỉ phù hợp với diện tích rộng, hình thức nuôi xen canh, quảng canh. Để phát triển nuôi tôm càng xanh có hiệu quả cao hơn, các nhà khoa học Israel đã nghĩ đến hướng phát triển ngược lại: là nuôi tôm càng xanh toàn cái.

Nghiên cứu cho thấy rằng đối với tôm càng xanh, việc nuôi tôm toàn cái là một phương pháp bền vững để sản xuất một vụ tôm thành công và đồng nhất. Quần thể tôm càng xanh toàn cái có kích thước đồng đều và ít hung dữ, phù hợp để phát triển mô hình nuôi quy mô công nghiệp với diện tích nhỏ và mật độ cao.

Quần thể tôm càng toàn cái được tạo ra bằng kỹ thuật di truyền, tác động ngược dòng quá trình sinh sản tạo ra sự thay đổi ở tôm cái sinh sản khiến chúng sinh ra tôm chỉ có giới tính cái. Nhiễm sắc thể xác định giới tính của tôm càng xanh hoạt động theo cách tương tự ở người: có tín hiệu nhiễm sắc thể (nghĩ là nhiễm sắc thể X/Y) được quyết định bởi một cơ quan tạo ra hormone kiểm soát sự phát triển của giới tính đực và cái. Nhưng không giống như ở con người, tôm càng xanh cái cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển giới tính của thế hệ tiếp theo.

Sử dụng đặc điểm di truyền giới tính của tôm càng xanh, các nhà khoa học tiến hành lấy một số tế bào từ cơ quan sản xuất hormone ở tôm đực, sau đó tiêm vào tôm cái non, hormone sẽ khiến chúng phát triển thành con đực nhưng về mặt di truyền vẫn là con cái. Giống như tôm đực tự nhiên, chúng có thể giao phối bình thường với những con cái khác, con của các cặp tôm này sẽ phát triển thành tôm cái bất kể chúng mang nhiễm sắc thể nào, quần thể tôm toàn cái có đặc điểm tăng trưởng nhanh, kích thước lớn vượt trội và đồng đều. Kỹ thuật này liên quan đến một số thao tác đáng kể về sinh học, vì vậy sản phẩm có thể không được xem là thuần tự nhiên. Tuy nhiên, không giống như những thực phẩm biến đổi gen, quá trình sản xuất tôm càng xanh giống sinh ra đàn con đơn tính không làm cho vật liệu di truyền tự nhiên của tôm bị ảnh hưởng, vì vậy an toàn khi dùng làm thực phẩm.

Các nhà khoa học cũng sử dụng kỹ thuật tương tự để phát triển công nghệ song song tạo ra tôm giống có khả năng sinh ra tôm toàn đực. Dù là nuôi tôm càng xanh toàn đực hay toàn cái thì quần thể tôm càng xanh đơn tính giúp loại bỏ sự cạnh tranh giữa những con đực, khắc phục các vấn đề tôm hao hụt và tốc độ tăng trưởng chậm. Loại bỏ các tác nhân kích thích các hành vi hung hăng cũng làm giảm căng thẳng, giúp tôm tập trung sử dụng dinh dưỡng cho quá tăng trưởng. Điều này có thể cải thiện sản lượng tới 45%, nghĩa là có thể tăng 50 – 60% thu nhập cho người nuôi.

Lựa chọn nuôi tôm càng xanh toàn đực hay toàn cái còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: hình thức nuôi, trình độ phát triển kỹ thuật hỗ trợ, vốn đầu tư ban đầu… Đánh giá sơ bộ, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thích hợp nuôi mật độ thấp, ít đầu tư với hình thức xen canh, quảng canh. Trong khi đó, nuôi tôm càng xanh toàn cái phù hợp mô hình thâm canh, mật độ dày với vốn đầu tư cao hơn.

Hoài An – https://tepbac.com/

Ảnh hưởng của mật độ tảo trong ao nuôi tôm nước lợ

Hỏi: Mật độ tảo có ảnh hưởng như thế nào trong ao nuôi tôm nước lợ, hướng dẫn cách điều chỉnh mật độ tảo phù hợp?

(Nguyễn Văn Hùng, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Mật độ tảo phù hợp tạo thuận lợi cho tôm sinh trưởng tốt. Mật độ quá cao kết hợp độ kiềm thấp dưới 80 mg/l sẽ làm pH biến động lớn trong ngày và ôxy ban đêm < 3 mg/l. Mật độ tảo quá cao dẫn tới hiện tượng nở hoa và gây ô nhiễm môi trường. Mật độ tảo thấp cũng không thuận lợi cho tôm phát triển. Cần duy trì mật độ tảo vừa phải, tương ứng với độ trong từ 30 – 45 cm.

Nếu mật độ tảo cao, thay 20 – 30% nước ao nuôi bằng nước sạch hoặc dùng chế phẩm sinh học diệt tảo (liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì sản phẩm), sau đó đánh men vi sinh để phân hủy xác tảo, xi phông đáy và bổ sung nước mới sạch giúp ổn định môi trường.

Nếu mật độ tảo thấp, sử dụng đạm (0,2 – 0,4 kg/1.000 m3) kết hợp lân P2O5 (0,3 – 0,6 kg/1.000 m3) hòa tan tạt đều khắp ao, những ao khó lên màu bón thêm bột zeolite hoặc dolomite liều lượng 7 – 10 kg/1.000 m3.

Hỏi: TTCT nuôi trong ao được 2 tháng, có hiện tượng phát sáng vào ban đêm. Xin hỏi cách phòng trị?

(Hoàng Duy Bình, P. An Bình, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

Trả lời:

Nguyên nhân gây hiện tượng phát sáng là ao bị ô nhiễm, do Vi khuẩn Vibrio harveyi; hoặc tảo 2 roi Dinoflagellate; hàm lượng photpho trong nước, đất tăng cao.

Do vi khuẩn: Xử lý nguồn nước bằng hóa chất diệt khuẩn là iotdine 30%, liều lượng: 2 lít/1.000 m3; bổ sung vitamin và chế phẩm sinh học trộn vào thức ăn cho tôm ăn, nhằm nâng cao sức đề kháng và khả năng tiêu hóa của tôm; Bổ sung nước ngọt làm giảm độ mặn trong nước ao nuôi xuống dưới 15‰ để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

Do tảo và photpho cao: Ban đêm quan sát ao thấy có hiện tượng chớp tắt như sao đêm; tôm di chuyển cũng thấy những vệt sáng màu xanh. Sử dụng nước vôi trong, vì Ion Ca2+ có khả năng kết hợp với PO43- tạo thành Ca3(PO4)2 và kết tủa lân xuống đáy ao, làm giảm sự phát triển của tảo trong ao. Liều lượng: 30 kg CaO/1.000 m3 nước ao nuôi. Cách làm: Hòa tan CaO trong nước, để trong thời gian 10 – 12h, lấy nước trong, té xuống ao nuôi vào thời điểm 2 – 3h sáng.

Hỏi: Xin hỏi ngưỡng nhiệt độ thích hợp của các loài tôm nuôi?

(Lê Thành Nam, xã Vĩnh Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang)

Trả lời:

Mỗi loài tôm có ngưỡng nhiệt độ khác nhau, như tôm càng xanh sẽ chết nếu nhiệt độ nước xuống 13 – 140C kéo dài, tôm sú sống tốt ở nhiệt độ 350C nhưng tỷ lệ sống chỉ còn 60% nếu nhiệt độ tăng lên 37,50C và giảm tiếp xuống 40% nếu nhiệt độ tăng lên 400C. Nhiệt độ thích hợp nhất là 28 – 320C đối với tôm sú nuôi thương phẩm. Với tôm lớt (Penaeus merguiensis) ở 340C tỷ lệ sống 100%; ở 360C chỉ còn 50% tôm hoạt động bình thường, 5% tôm chết; ở 380C 50% tôm chết, ở 400C 75% tôm chết. Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei), nhiệt độ nước thích hợp nhất là 25 – 320C,  không vượt quá 33,50C, không thấp dưới 180C.

Tin tức Thủy sản nhiều người đọc nhất

Vì sao tôm bố mẹ của C.P. Group có chất lượng tốt nhất thế giới?

CPF-Turbo G19: Giống tôm thẻ chân trắng của C.P những năm qua luôn duy trì được sức hút, trở thành sự lựa chọn số 1 của người nuôi tôm do có thể nuôi được kích cỡ lớn 15 – 20 con/kg, tôm nhanh lớn, sức đề kháng mạnh, tỷ lệ sống cao. Vậy điều gì đã làm nên sự khác biệt này để giúp C.P vượt xa so với các đối thủ khác?

Chương trình chọn lọc tôm  bố mẹ của Tập đoàn C.P.

Tập đoàn C.P. Thái Lan đã có tầm nhìn từ rất sớm về sự phát triển của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. C.P đã có những bước đi tiên phong trong việc chọn lọc tôm thẻ chân trắng khi thành lập Trung tâm cải tiến di truyền tôm (Shrimp Genetic Improvement Center) vào năm 2002.

Chương trình chọn lọc gen với quy mô lớn và ứng dụng những công nghệ hiện đại tân tiến nhất trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Nguồn tôm bố mẹ đượcchọn từ nhiều vùng địa lý trên khắp thế giới, tập trung vào các tiêu chí như:

+ Tăng tỷ lệ sống

+ Sức đề kháng mạnh

+ Tốc độ lớn nhanh

+ Tôm sạch bệnh

Từ các nguồn này, tôm được phân lập và nuôi theo dõi theo từng gia đình để tránh quan hệ họ hàng, cận huyết.

Sau đó, ở mỗi thế hệ sẽ chọn lọc ra cá thể ưu tú nhất trong những gia đình cho kết quả tốt nhất để lưu trữ lại và chọn lọc tiếp ở thế hệ sau.

Hiện tại, tôm giống C.P đã được chọn lọc tới thế hệ thứ 19. Do đó các đàn tôm giống của C.P được phân phối dưới tên thương mại là CPF-Turbo G19.

Việc Tập đoàn C.P.Thái Lan khởi động chương trình chọn lọc di truyền tôm thẻ chân trắng từ rất sớm đã giúp phân tách và lưu trữ được những gen thuần chủng và ưu tú nhất. Bên cạnh đó với điểm mạnh về công nghệ sinh học và di truyền học cùng các trang thiết bị hiện đại đã giúp Tập đoàn C.P. Thái Lan đạt được các thành công to lớn trong việc sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà C.P trở thành tôm giống tốt nhất trên thế giới.

Trung tâm nghiên cứu phát triển tôm bố mẹ của Tập đoàn C.P tại Thái Lan

Tại Việt Nam, tôm giống CPF-Turbo G19 do Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam sản xuất và phân phối được sản xuất từ nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu độc quyền 100% từ tập đoàn C.P. Thái Lan. Kế thừa kết quả của thành tựu gần 20 năm chọn lọc và gia hóa, tôm giống CPF-Turbo G19 có tốc độ lớn nhanh, sức đề kháng mạnh, nuôi được kích cỡ lớn 15 – 20 con/kg.

Sử dụng tôm giống (PL12) để nuôi thành tôm bố mẹ có được không?

Theo Tiến sĩ Robin McIntosh, chuyên gia nghiên cứu tôm bố mẹ hàng đầu trên thế giới, ông dẫn chứng thời điểm của năm 2000 – 2001 ngành nuôi tôm thẻ chân trắng trên thế giới khi ấy, chủ yếu là tại Trung Quốc đã từng gặp rất nhiều khó khăn, vụ mùa thất bại, tôm chậm lớn và đến nay ngành nuôi tôm Trung Quốc vẫn chưa thể gượng nổi. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ việc không quản lý được nguồn tôm giống khi tôm bố mẹ được lấy từ các ao đầm và trại giống để nuôi dưỡng thành tôm bố mẹ rồi cho đẻ lại. Việc làm này là hết sức nguy hiểm do các vấn đề có thể kể tới như:

+ Tôm bị nhiễm mầm bệnh trong quá trình nuôi.

+ Tôm nuôi làm bố mẹ bị cận huyết hoặc có quan hệ họ hàng.

+ Tôm giống sản xuất ra khi nuôi dễ có khả năng mang sẵn mầm bệnh, tôm còi cọc, chậm lớn.

Từ chuyến công tác của Tổng cục Thủy sản vào đầu tháng 12/2019 tại Công ty Charoen Pokphand Foods Public Company Limited (C.P. Group) đã đưa ra các kết luận đánh giá cao về chương trình sản xuất tôm bố mẹ của C.P hoàn chỉnh từ cơ sở hạ tầng, điều kiện an toàn sinh học cho đến đội ngũ nhân sự đào tạo bài bản, đáp ứng điều kiện xuất khẩu tôm bố mẹ sang Việt Nam. Việc kiểm soát các bệnh nguy hiểm theo đúng khuyến cáo của OIE (cơ quan quốc tế về dịch bệnh động vật).

Nếu tại Việt Nam, tôm sú có thể coi là ví dụ tiêu biểu nhất để minh chứng cho sự suy thoái chất lượng nguồn tôm giống do tôm bố mẹ bị cận huyết, dẫn đến tôm bị còi cọc chậm lớn, nhiễm bệnh nguy hiểm. Về khía cạnh chuyên môn, nuôi gia hóa tôm tôm bố mẹ là một quá trình hết sức phức tạp, khó khăn, đòi hỏi khả năng áp dụng an toàn sinh học ở mức cao nhất, phải chủ động được năng lực tầm soát và kiểm tra dịch bệnh. Nuôi gia hóa tôm bố mẹ dường như chỉ phù hợp cho những tập đoàn lớn, có năng lực tài chính mạnh vì là đây một quá trình lâu dài hàng chục năm mới cho ra kết quả, nó tốn nhiều rất thời gian công sức, tiền bạc, đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn cho các trung tâm nghiên cứu, trang thiết bị hiện đại, nhân lực tay nghề cao, chuyên gia giỏi…

Nguyễn Long An -http://www.thuysanvietnam.com.vn/

Giải pháp tổng hợp kiểm soát bệnh EMS, EHP và WFD ở tôm

Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh ở tôm nuôi diễn biến ngày càng phức tạp; bên cạnh những bệnh nguy hiểm do virus gây ra, các bệnh có sự kết hợp của nhiều tác nhân gây bệnh như EMS, EHP và WFD ngày càng phổ biến. Đặc điểm dịch tễ của những bệnh này là lây lan rất nhanh, phát triển phức tạp và khó kiểm soát. Vì vậy, hậu quả gây ra là rất nghiêm trọng.

Các bệnh chính

Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (EMS/AHPNS)

EMS/AHPND trên  tôm nước lợ hiện đang là một trong những bệnh nguy hiểm khiến tôm chết hàng loạt trong khoảng thời gian rất ngắn. Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã công bố tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm là dòng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus mang gen độc (Vp AHPND). Các dòng vi khuẩn gây bệnh này mang plasmid chứa gen mã hóa cho độc tố vi khuẩn. AHPNS được công bố tại Trung Quốc, Việt Nam vào năm 2010, Malaysia (2011), Thái Lan (2012), Mexico (2013) và Philippine (2014). Bệnh có tính chu kỳ, xuất hiện mạnh vào đầu mùa nóng (tháng 4 – 6 hàng năm). Các yếu tố môi trường như nồng độ chất dinh dưỡng cao trong nước ao, nhiệt độ nước cao và độ mặn thấp, ít hoặc không trao đổi nước, tích tụ trầm tích giàu hữu cơ do thức ăn thừa và phân tôm trong ao… được cho là các yếu tố gia tăng sự xuất hiện của dịch bệnh (OIE, 2019).


Tôm bị hoại tử gan

Bệnh thường xảy ra trong 45 ngày nuôi đầu, thậm chí có thể xảy ra ngay khi thả tôm giống vào ao nuôi trên cả hai đối tượng tôm sú và TTCT. Dấu hiệu của tôm bị AHPNS ở giai đoạn sớm là gan tụy có màu từ nhạt đến trắng và bị teo, dẫn đến có thể làm giảm kích thước của cơ quan này từ 50% trở lên. Trong giai đoạn cuối của bệnh, các vệt hoặc đốm đen do sự tích lũy melanin từ hoạt động của tế bào máu xuất hiện trong gan tụy. Tỷ lệ chết ở các ao nuôi tôm bị ảnh hưởng có thể đạt tới 100% trong vài ngày sau khi xảy ra bệnh.

Bệnh vi bào tử trùng (EHP)

Bệnh vi bào tử trùng Microsporidian trên tôm do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra, được phát hiện lần đầu vào năm 2009, tại Thái Lan  (Tourtip et al. 2009. J. Invertebr. Pathol. 102: 21-29). Khi tôm bị nhiễm bệnh, bằng mắt thường khó nhận biết; khi tôm đạt 2 – 3 g/con, có xu hướng giảm ăn, đường ruột và gan tụy kém, có xu hướng mềm vỏ. Bệnh không gây chết tôm hàng loạt như hoại tử gan tụy cấp nhưng lại khiến tôm chậm lớn do EHP ký sinh trong hệ thống ống gan tụy, ruột và làm cho tôm không hấp thụ được chất dinh dưỡng, tôm gầy yếu, giảm sản lượng và gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Có thể chỉ đạt 3 – 5 g/con sau 90 – 100 ngày nuôi.

Bệnh phân trắng (WFD)

Nghiên cứu mới nhất về bệnh phân trắng trên TTCT (Penaeus vannamei) (T12/2016). Vibrio là tác nhân chính gây ra bệnh phân trắng ở tôm. Thực tế chứng minh, tôm bị nhiễm EHP dễ có nguy cơ bị phân trắng và ngược lại. Diễn biến của tôm bị bệnh phân trắng thường được phân loại theo hai hướng: Có thể hồi phục được (chỉ có Vibrio) và không thể phục hồi (kết hợp EHP), đây là sự kết hợp nguy hiểm. Là loại bệnh khá phổ biến và thường gặp ở tôm từ giai đoạn tôm được 40 – 50 ngày tuổi trở lên.

Giải pháp kiểm soát

Trên thực tế, chưa có giải pháp nào được khẳng định là đem lại hiệu quả trị bệnh cao; vì vậy, những giải pháp được đưa ra dưới đây được coi là những giải pháp hữu hiệu nhất hiện tại nhằm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh EMS/AHPND, EHP và WFD.

Kiểm soát tôm bố mẹ: Để đảm bảo tôm bố mẹ không nhiễm EMS, EHP và WFD trước khi đưa vào sản xuất giống. Người nuôi nên kiểm tra con giống, xét nghiệm trước khi thả nuôi. Hiện nay, công cụ phát hiện EMS, EHP và WFD trong mẫu tôm bằng phương pháp PCR đang được ứng dụng rộng rãi, người nuôi có thể lấy mẫu phân, gan tụy tôm hoặc tôm post để gửi đi kiểm tra.

Sử dụng vaccine: Thử nghiệm vaccine tế bào vô hoạt bằng formaline cho thấy đối với tôm cỡ 5 – 7 g/con có khả năng sinh kháng thể với chủng Vibrio parahemolyticus gây bệnh AHPND  (Hirono và cs, 2016). Tuy nhiên, hiện nay chưa có loại vaccine thương mại nào cho bệnh này được công bố. Vì vậy, liệu pháp vaccine vẫn là một câu hỏi mở trong việc kiểm soát bệnh này (OIE).

Sử dụng thảo dược: Lavandula latifolia, Pinus sylvestris, Jasminum officinale, Citrus limon, Prunus avium, Violaodorata, Gardenia jasminoides, Cocos nucifera, Rosa damascene và Eucalyptus globulus để sản xuất một loại dầu trộn với thức ăn có tác dụng diệt Vibrio parahemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (Kumar và cs, 2016). Khi tôm đã nhiễm AHPND nếu sử dụng thảo dược này, tỷ lệ sống có thể đạt được trên 50%.

Sử dụng chế phẩm sinh học: Gồm các loài vi sinh là Lactobacillus casei, Saccharomyces cerevisiae, và Rhodopseudomonas palustris cho thấy có khả năng ức chế Vibrio parahemolyticus gây bệnh AHPND  sau 48 giờ (Pinoargote và Ravishankar, 2018).

Dùng hệ sợi nấm Pycnoporus sanguineus: Sử dụng hệ sợi nấm Pycnoporus sanguineus trong hệ thống nuôi tôm có khả năng loại bỏ 99% vi khuẩn V. Parahaemolyticus (Trần Minh Long và Phạm Thị Hoa, 2018).

Quản lý tốt ao nuôi: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO, 2016) đã khuyến cáo người nuôi cần đảm bảo an toàn sinh học và thực hành nuôi tôm tốt: Lựa chọn tôm giống không mang mầm bệnh AHPND; Sử dụng thức ăn hợp lý, không để thức ăn dư thừa trong ao nuôi; Thiết kế trang trại và ao nuôi tôm đảm bảo an toàn sinh học (sử dụng ao có diện tích nhỏ hơn, lót bạt bờ và đáy ao, thiết kế hệ thống xi phông đáy ao); Tăng diện tích ao chứa nước và thực hiện các biện pháp khử trùng, tiêu diệt động vật mang mầm bệnh ở ao chứa nước; Không sử dụng liều Chlorine quá cao để xử lý nước trước khi nuôi; Không thả tôm với mật độ quá cao vào giai đoạn nhiệt độ cao; Gièo ương tôm ở ao nhỏ trước khi thả ra ao nuôi thương phẩm; Dùng chế phẩm sinh học để chuẩn bị nước trước khi bơm vào ao nuôi; Kiểm soát các yếu tố môi trường và mầm bệnh định kỳ.

Xử lý khi tôm nhiễm bệnh EMS, WFD

Cần giảm lượng thức ăn cho ăn (50%, 3 –  5 ngày). Thay nước, xi phông thật kỹ, giảm mật độ tảo. Tăng 200% lượng vi sinh sử dụng trong nước – thức ăn, 200% chất bổ sung ngừa bệnh (acid hữu cơ, monoglyceride).

Thức ăn ủ men như sau:

Ủ vi sinh yếm khí: 100 L nước ngọt, 5 – 7 kg mật đường, 1 – 2 cám gạo, 1 – 2 kg các loại tinh bột/đạm khác: đậu nành, bột bắp, 200 g premix/khoáng, 100 – 200 g vi sinh xử lý nước. Ủ yếm khí 24 giờ. Đủ xử lý cho 10.000 m3 nước mỗi ngày (ao đất), 2.500 m3/ngày (ao bạt), 500 m3/ngày (ao dèo).

Ủ vi sinh hiếu khí: 100 L nước ngọt, 2 – 3 kg mật đường, 0,5 – 1 kg cám gạo, 0,5 – 1 kg bột bắp, bột đậu nành, 200 g khoáng/premix, 100 – 200 g vi sinh xử lý nước. Sục khí mạnh trong 24 tiếng. Đủ xử lý cho 10.000 m3 nước mỗi ngày (ao đất), 2.500 m3/ngày (ao bạt), 500 m3/ngày (ao dèo).

Lên men đậu nành: 10 L nước nấu sôi, 3 kg đậu nành xay bể/nhuyễn, 150 g mật đường. Nấu sôi và khuấy nhẹ trong 15 phút. Để nguội, trộn với 100 – 200 ml nước khóm tươi, 15 – 50 g vi sinh đường ruột. Cho ăn trực tiếp 5 – 10% nhu cầu thức ăn hoặc trộn trực tiếp vào thức ăn và cho ăn sao 30 phút. Có thể thay thế 10 – 15% thức ăn trong trường hợp tôm bị phân trắng hay EMS. Dinh dưỡng của đậu nành làm Vibrio không phát triển được; Làm sạch đường ruột tôm; Tăng cường lượng vi sinh, enzyme đường ruột, kích thích miễn dịch.

TS. Đoàn Quốc Khánh

Xác định được loại virus mới gần đây gây chết hàng loạt trong các trại tôm giống ở Trung Quốc

Các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định được loại virus mới gần đây đã gây chết hàng loạt trong các trại tôm giống tại nước này

Phân tích các mẫu được lấy từ các trại giống ở tỉnh Quảng Đông cho thấy sự hiện diện của một loại virus mới với bộ gien mới được phát hiện, He Jianguo – nhà khoa học tại Trạm Công nghệ Tôm và Cua Quốc gia của Trung Quốc – cho biết tại một cuộc hội thảo được tổ chức trực tuyến tại Trung Quốc tuần này.

Ông nói: “Phân tích đã chỉ ra rằng “glass post-larvae” là một loại virus RNA mới, nhỏ, được đặt tên tạm thời là virus gây hoại tử gan tụy và đường tiêu hóa (HINV)”. Ông cho biết thêm, nhóm nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguồn lây của HINV là từ tôm bố mẹ hay trong nước.

Triệu chứng do HINV gây ra cho tôm thẻ chân trắng là hậu ấu trùng (PL) gần như trong suốt hoàn toàn, giống như thủy tinh. HINV chủ yếu ảnh hưởng đến gan tụy, đường tiêu hóa và biểu bì. Thông thường, ở tôm bị bệnh, cơ thể bị mất màu và trong suốt. Gây tổn thương gan và hoại tử tuyến tụy và đường tiêu hóa. Tỷ lệ tử vong (đối với PL) là 100% sau 4 ngày xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, đối với PL khỏe mạnh, triệu chứng có thể không xuất hiện.

Ông He Jianguo nói: “Trong nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy HINV lây nhiễm và gây bệnh mạnh đối với PL. Nhưng đối với tôm trưởng thành, virus này sẽ không gây tử vong nhanh chóng, nhưng tôm vẫn có thể bị chết vì căn bệnh này”.

 

Năm nay, hiện tượng “glass post-larvae” đang là một vấn đề nghiêm trọng tại Trung Quốc, nó xuất hiện ở cả miền Bắc, Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc. Việc xác nhận một loại virus mới sau các báo cáo về sự bùng phát nghiêm trọng của DIV1, được biết đến như là shrimp hemocyte iridescent virus (SHIV) trên tôm tại Quảng Đông đã làm giá tôm trong nước ở Trung Quốc hiện cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

T.P – https://www.mard.gov.vn/ (dịch theo Undercurrentnews)

Đồng bằng sông Cửu Long nhiễm mặn, nuôi con gì hiệu quả?

Khái niệm “Nông nghiệp thuận thiên” đang được hiện thực hóa tại ĐBSCL, khi hàng loạt mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn ra đời.

Nuôi tôm trở thành lợi thế tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền. Ảnh: Trọng Linh.

Nuôi tôm trở thành lợi thế tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền. Ảnh: Trọng Linh.

Nuôi tôm thích ứng mặn

Chỉ chưa đầy 5 năm, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chứng kiến hai đợt thiên tai (hạn hán và xâm nhập mặn) vô cùng khốc liệt, khiến gần 500.000 ha bị thiệt hại. Gần 400.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Các chuyên gia khẳng định, đồng bằng sông Cửu Long là một trong 5 vùng chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, do nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán. Trước đây, hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của “vùng đất chín rồng” thường chú trọng vào cây lúa.

Nhiều nông dân ĐBSCL trở thành tỷ phú nhờ nuôi tôm. Ảnh: Trọng Linh.

Nhiều nông dân ĐBSCL trở thành tỷ phú nhờ nuôi tôm. Ảnh: Trọng Linh.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Phó Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, chúng ta phải chấp nhận 3 vùng sinh thái tồn tại khách quan tại đồng bằng sông Cửu Long đó là vùng nước mặn, vùng nước lợ và vùng nước ngọt.

Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã nhận thức rõ, thứ tự ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp của các tỉnh miền Tây Nam bộ giáp biển là thủy sản – trái cây rồi mới đến lúa.

Chúng ta đặt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Đây là bài toán khó, bởi hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm cần khối lượng nước ngọt khổng lồ. Trong khi đó, các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông như Lào và Trung Quốc đã và đang xây dựng 19 bậc thủy điện.

Campuchia cũng đang xây dựng hồ chứa thủy lợi khổng lồ với dung tích 80 tỷ m3 nước, lấy nguồn từ sông Mê Kông. Trong tương lai, nguồn nước ngọt tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngày càng khan hiếm.

Ước tính, để nuôi 1ha tôm cần khoảng 10.000 m3 nước và 1ha trồng lúa tiêu tốn khoảng 5.000m3 nước. Để khắc phục vấn đề này, một số doanh nghiệp đã tiếp cận được các loại giống tôm chịu độ mặn từ 25‰ đến 30‰. Những công nghệ nuôi tôm tuần hoàn nước đến 95%, do đó gần như không cần sử dụng nước ngọt để pha vào nước mặn nuôi tôm.

Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, đồng bằng sông Cửu Long đang manh nha những điểm sáng để hình thành ngành công nghiệp nuôi tôm, thay thế cho các ao nuôi truyền thống sử dụng nước lợ và nước ngọt.

Nuôi tôm năng suất 100 tấn/ha không khó

Trước đây, đạt được năng suất 15 tấn /ha ao chìm là thành công mỹ mãn với người nuôi tôm. Nhưng hiện nay nhiều hộ đã xây dựng ao tròn nổi để nuôi tôm, đem lại năng suất lên tới 100 tấn/ha. Đây là những tiến bộ kỹ thuật phát triển vượt bậc, có thể tiết kiệm được công vệ sinh đáy ao.

Bên cạnh đó, nhiều vùng nuôi tôm bị nhiễm bệnh là do khan hiếm nguồn nước sạch, chủ ao buộc phải tận dụng nguồn nước sẵn có tại kênh, rạch trong hệ thống thủy lợi không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Để giải quyết vấn đề này, trong tương lai, chúng ta cần lấy trực tiếp nước biển để nuôi tôm chứ không lấy nước trong kênh rạch. Ví dụ như ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang xây dựng trạm bơm lấy nước biển ở vùng Lộc An, sau đó dẫn nước mặn sâu vào đất liền 10km.

Và ở huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang), Chính phủ đang cho quy hoạch 10.000 ha công viên thủy sản, có hệ thống lấy nước biển và dẫn vào sâu đất liền 7km, để hình thành ngành công nghiệp cấp nước nuôi trồng thủy sản (giống như cấp nước sinh hoạt) bán cho các hộ nuôi tôm.

Toàn bộ hệ thống kênh tiêu thủy lợi hiện nay sẽ là kênh thải. Như vậy chúng ta sẽ tạo ra vùng sinh thái nuôi tôm rất thuận lợi. Đó là mô hình nuôi tôm bền vững, có thể nhân rộng trong tương lai để đem lại giá trị gia tăng cao cho người nông dân.

Nhiều diện tích tôm nuôi ở Hải Phòng bị nhiễm bệnh


Từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng xuất hiện dịch bệnh trên tôm trên diện rộng, hiện chưa có chiều hướng giảm, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Lây lan rộng nhất là bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, với tổng diện tích tôm nuôi nhiễm bệnh trên địa bàn thành phố 250,43 ha, diện tích nuôi tôm có nguy cơ nhiễm bệnh trên 503 ha.

Khởi điểm dịch bệnh bắt đầu từ xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Theo báo cáo từ các hộ nuôi tôm, từ đầu tháng 4/2020 tại một số đầm nuôi, tôm có dấu hiệu đỏ thân, bơi dạt bờ, kém ăn, chết…Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang kiểm tra, lấy 17 mẫu tôm tại 9 hộ nuôi gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm xác định nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm phát hiện cả 17 mẫu đều nhiễm bệnh đốm trắng, 3/17 mẫu nhiễm vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, 3/17 mẫu nhiễm vi khuẩn vibrio paraheamolyticus.

Tính đến ngày 21/4, tổng diện tích tôm mắc bệnh là 15 ha tại 11 hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Vinh Quang; ước tính thiệt hại khoảng 7,5 tỷ đồng.

Cùng với xã Vinh Quang, phường Tân Thành, quận Dương Kinh tính đến ngày 27/4, tổng diện tích tôm bị bệnh trên địa bàn quận 235,43 ha.

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm có diễn biến phức tạp, ông Phạm Văn Thép, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cho biết, Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Tiên Lãng, quận Dương Kinh và các huyện, quận có diện tích nuôi tôm trên địa bàn thành phố tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tôm nuôi.

Theo đó, đối với các cơ sở nhiễm bệnh giám sát chặt chẽ, hướng dẫn biện pháp khử trùng tiêu độc, tổ chức tiêu hủy ao tôm nhiễm bệnh, thu gom xác tôm chết chôn hủy theo quy định, không vận chuyển tôm nhiễm bệnh ra khỏi cơ sở.

Cùng với việc không xả thải nước từ cơ sở nhiễm bệnh chưa qua xử lý ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, các địa phương tiêu độc, khử trùng toàn bộ nước trong ao nuôi, dụng cụ liên quan bằng hóa chất có trong danh mục được phép.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng tổng hợp, báo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp 8.800 kg chlorine 65% min từ nguồn dự trữ Quốc gia hỗ trợ Hải Phòng phòng, chống dịch bệnh động vật và trình UBND thành phố quyết định cho sử dụng nguồn hóa chất dự phòng chống dịch thủy sản, xuất cấp cho huyện Tiên Lãng, quận Dương Kinh kịp thời tổ chức chống dịch theo quy định.

Đối với các cơ sở nuôi ở khu vực xung quanh chưa có bệnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống trên địa bàn. Yêu cầu các cơ sở khi nhập thủy sản giống về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và báo cáo chính quyền địa phương kế hoạch nhập thủy sản giống. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đối với những hộ nuôi thủy sản trên địa bàn….

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cũng kiến nghị thành phố kịp thời tăng cường nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản đáp ứng yêu cầu nuôi thâm canh, công nghiệp thân thiện, bền vững với môi trường tại các vùng nuôi trọng điểm và vùng sản xuất giống thủy sản; ưu tiên các hạng mục đầu tư xây dựng trạm điện, nạo vét kênh mương cấp thoát nước cho vùng nuôi tôm tập trung.

Hoàng Ngọc (TTXVN)