Bạn tìm thông tin gì?

Blog

8 phương pháp phòng và trị bệnh AHPND trên tôm

Tôm thẻ chân trắng
Phòng và điều trị bệnh trên tôm thẻ chân trắng

Ngành nuôi tôm ở Việt Nam đang bị đe doạ bởi sự bùng nổ của nhiều loại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh hoại tử gan tụy do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra, tỉ lệ chết lên đến 100% trong thời gian ngắn. Dưới đây là một số phương pháp để kiểm soát bệnh AHPND trong nuôi tôm.

1. Quản lý trang trại

Để giảm nguy cơ lây nhiễm VpAHPND, tôm gống phải đảm bảo sạch bệnh, có nguồn gốc cung cấp uy tín. Trong ao, VpAHPND có thể được tìm thấy dưới dạng màng sinh học trong trầm tích hoặc tồn tại dưới dạng vi khuẩn sống tự do. Chính vì thế, đáy ao phải được làm sạch bằng cách khử trùng, loại bỏ bùn, phơi khô và bón vôi trước khi thả giống để giảm nguy cơ nhiễm VpAHPND. 

Mức độ VpAHPND trong ao nuôi sẽ tăng hoặc giảm dựa trên lượng hữu cơ trong ao. Do đó, việc kiểm soát việc cho ăn là chìa khóa để số lượng VpAHPND ở mức thấp. Căng thẳng có thể làm ức chế hệ miễn dịch, làm tăng tính nhạy cảm của chúng với nhiễm trùng. Do đó, hạn chế stress và cải thiện sức khỏe tôm là rất quan trọng để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Điều này bao gồm việc duy trì các thông số chất lượng nước và mật độ nuôi tối ưu.

2. Bacteriophages

Do những vấn đề của việc sử dụng kháng sinh, liệu pháp phage đã trở thành một phương pháp thay thế đầy hứa hẹn để kiểm soát các bệnh do vi khuẩn. Thực khuẩn thể (bateriophages) là vi rút tiêu diệt vi khuẩn. Một trong những ưu điểm của việc sử dụng phage là chúng có khả năng tự tái tạo, chỉ tác động vào vi khuẩn mục tiêu, tương đối rẻ và dễ áp dụng trên ao nuôi (qua thức ăn hoặc thả trực tiếp vào nước). 

Liệu pháp phage đã chứng minh được thành công trong việc kiểm soát các bệnh do Vibrio trên tôm và cho thấy có tiềm năng kiểm soát bệnh AHPND. Trong một nghiên cứu, tôm được bổ sung thực khuẩn pVp-1 trước và sau khi tiếp xúc với VpAHPND cho thấy khả năng bảo vệ đáng kể, tỷ lệ tử vong 25-50%, trong khi các nhóm đối chứng (không được điều trị bằng thực khuẩn pVp-1, chỉ tiếp xúc với VpAHPND) cho thấy tỷ lệ tử vong là 100% (Jun và cộng sự, 2018). 

3. Chiết xuất thảo dược

Thảo dược có chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học, phổ kháng khuẩn rộng đối với nhiều tác nhân gây bệnh và không gây ra hiện tượng kháng khuẩn bao gồm: alkaloids, glycosides, polyphenols, và terpenes. Bên cạnh đó, thảo dược có sẵn tại địa phương, có thể dễ dàng tìm kiếm, khả năng phân hủy sinh học và không gây tác động bất lợi cho môi trường.

Chất chiết trà xanh được ghi nhận có hiệu quả kháng nhiều loài vi khuẩn gây bệnh ở động vật thủy sản. Cụ thể, dịch chiết trà xanh có khả năng ức chế vi khuẩn V. parahaemolyticus với đường kính vòng kháng khuẩn từ 14,4 đến 16,4 mm, do đó có tiềm năng kiểm soát V. parahaemolyticus trong quá trình ương tôm thẻ chân trắng ở giai đoạn giống (Kongchum et al., 2016). Trên thực tế, người nuôi tôm tỉnh Quảng Ninh và Nghệ An đã sử dụng diệp hạ châu bằng cách đun sôi và trộn vào thức ăn hàng ngày cho tôm để phòng bệnh gan tụy cấp và tăng cường miễn dịch cho tôm nuôi (Tran Thi Kim Chi et al., 2017).

4. Sử dụng probiotic

Chế phẩm sinh học đối kháng với V. parahaemolyticus là một chiến lược thay thế cho thuốc kháng sinh và là xu hướng chung để kiểm soát bệnh AHPND. Probiotics được bổ sung vào thức ăn hoặc nước để: cải thiện chất lượng nước, tăng cường phản ứng sinh lý và miễn dịch cho tôm và giảm sử dụng hóa chất và kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Chúng có thể sử dụng một mình hoặc kết hợp với prebiotics hoặc chất kích thích miễn dịch (như β-1,3-glucan). Các probiotic được sử dụng trong nuôi tôm hầu hết thuộc nhóm: Bacillus, Lactobacillus, Enterococcus, Saccharomyces… 


Bệnh AHPND trên tôm nuôi

Tại Việt Nam, Bacillus là nhóm vi khuẩn được sử dụng phổ biến bởi các đặc tính: cạnh tranh với các vi khuẩn gây bệnh và sản sinh ra chất kháng khuẩn (bacteriocins). Đặc biệt, một nghiên cứu đã chứng minh Bacilllus licheniformis có khả năng đối kháng với V. parahaemolyticus gây AHPND bằng phương pháp khuếch tán đĩa với đường kính vòng kháng khuẩn là 15 mm. B.licheniformis ở nồng độ 105, 106, 107 CFU/mL có thể ức chế hoàn toàn sự phát triển của V. parahaemolyticus ở nồng độ 104, 105, 106, 107 CFU/mL trong 24 giờ.

5. Nuôi kết hợp

Nuôi ghép cũng là một phương pháp phổ biến và khá hiệu quả trong việc giảm AHPND (Tran et al. 2014). Ở Việt Nam, nuôi ghép cá rô phi rất phổ biến, bao gồm việc nuôi chung cá rô phi với tôm hay luân canh cá rô phi-tôm. Các tác dụng của cá rô phi có thể kể đến như: làm sạch đáy ao; ăn tôm chết do đó ngăn chặn lây truyền bệnh qua đường ăn thịt đồng loại; kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi và tảo để hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh.

6. Sử dụng hệ sợi nấm

Theo Trần Minh Long và Phạm Thị Hoa (2018), việc sử dụng hệ sợi nấm kiểm soát dịch bệnh AHPND trên tôm với lợi thế chi phí thấp và thân thiện với môi trường là một phương pháp đầy tiềm năng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ sợi nấm Pycnoporus sanguineus có khả năng loại bỏ 99% vi khuẩn V.parahaemolyticus, mặc dù tỉ lệ sống của tôm thẻ còn thấp, khoảng 65% sau thí nghiệm.

7. Chất kích thích miễn dịch và vaccine

Tăng cường hệ thống miễn dịch của tôm thông qua “Vắc xin” Vibrio đã được nghiên cứu từ đầu những năm 90. Những phát hiện ban đầu về sự tồn tại của một hệ thống miễn dịch thích ứng thay thế ở tôm đã khiến việc tiêm phòng trở nên hứa hẹn hơn. Vắc xin Vibrio duy nhất được biết đến là AquaVac™ Vibromax™ của một công ty có trụ sở tại Anh. Nó chứa mầm bệnh vibrio bất hoạt, chống lại V.anguillarum, V.harveyi, V.parahaemolyticus và V.vulnificus ở tôm. Wongtavatchai và cộng sự. (2010) báo cáo tôm post sú và thẻ, được cho ăn Artemia có Vibromax™ trong 10 ngày liên tục trước khi tiếp xúc với V.parahaemolyticus cho thấy sự tăng cường tăng trưởng và tỷ lệ sống.

Một nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Hoa và ctv (Khoa thủy sản, Đại học Cần Thơ) đã cho thấy thức ăn bổ sung IgYB giúp cải thiện tỉ lệ sống và tăng cường miễn dịch ở tôm thẻ khi cảm nhiễm với V. parahaemolyticus. Một lượng lớn IgY có thể được sản xuất dễ dàng với chi phí thấp, đã làm cho phương pháp này trở thành một công cụ đầy hứa hẹn để ngăn ngừa AHPND trong các trang trại.

8. Các dòng tôm kháng bệnh

Các dòng tôm kháng bệnh đã được phát triển thành công và hiệu quả trong việc kiểm soát các bệnh do vi rút ở tôm, chẳng hạn như vi rút hội chứng Taura (TSV). Một chiến lược tương tự để phát triển các dòng kháng AHPND có thể được thực hiện, các dòng tôm có thể kháng AHPND nếu chúng có thể hạn chế sự xâm nhập của VpAHPND hoặc kháng độc tố PirABvp của vi khuẩn. Hiện tại, các chương trình chọn tạo giống tôm thẻ kháng AHPND đang được tiến hành ở Mexico và Thái Lan. Đặc biệt, chương trình chăn nuôi CP Thái Lan đã báo cáo tỷ lệ sống sót trong điều kiện thử thách được cải thiện từ 30% lên 85%.

Nhìn chung, để giảm thiểu rủi ro AHPND trong nuôi tôm, chúng ta phải có một cách tiếp cận tổng thể bao gồm: an toàn sinh học, chất lượng tôm giống, đa dạng hệ vi sinh trong cả ruột và ao tôm và quản lý môi trường nuôi tốt.

Sương Phạm – https://tepbac.com/

Sóc Trăng thắng lớn vụ tôm nuôi nước lợ năm 2020

thu hoạch tôm
Vụ nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng thắng lớn, vượt 12% kế hoạch. Ảnh: Thúy Liễu

Sóc Trăng là tỉnh chuyên về sản xuất nông nghiệp, với 3 vùng nước ngọt, lợ, mặn nên phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Để phát triển kinh tế nông nghiệp, tỉnh xác định cây lúa, con tôm là kinh tế mũi nhọn. Riêng đối với con tôm, tỉnh đã quy hoạch vùng nuôi tại các địa phương và phát triển các mô hình nuôi tôm hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi và liên kết doanh nghiệp bao tiêu tôm thương phẩm sau thu hoạch…

Với việc quy hoạch vùng nuôi, lịch xuống giống phù hợp cùng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hộ nuôi nên đã khống chế tỷ lệ tôm nuôi thiệt hại dưới 10%. Qua đó, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020, tỉnh Sóc Trăng thắng lớn, sản lượng tôm đạt hơn 187.000 tấn, vượt 12% kế hoạch.

Đảm bảo vụ tôm nuôi thành công

Theo thống kê của ngành chuyên môn, vụ tôm nuôi nước lợ năm 2020, tỉnh Sóc Trăng thả nuôi hơn 51.400ha, trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 37.000ha (chiếm 72% diện tích thả nuôi), tôm sú hơn 14.300ha, mùa vụ bắt đầu từ ngày 20-1-2020 và kết thúc vào ngày 30-9-2020. Theo đó, diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh và bán thâm canh chiếm hơn 94% và trong suốt mùa vụ nuôi, tỷ lệ diện tích tôm nuôi bị thiệt hại dưới 10%, năng suất năm 2020 ở mức trung bình cao hơn so cùng kỳ các năm trước nhờ người dân ý thức trong việc chọn con giống, cải tạo ao nuôi kỹ trước vụ nuôi, áp dụng các mô hình nuôi tôm lót bạt, nuôi tôm 2, 3 giai đoạn, đặc biệt hộ nuôi tuân thủ lịch mùa vụ. Nhờ đó, tôm nuôi được đảm bảo và phát triển tốt nên sản lượng tôm sau thu hoạch đạt với tổng sản lượng ước hơn 187.000 tấn, vượt 12% kế hoạch, cao hơn 24% so cùng kỳ năm 2019.

Để vụ nuôi tôm 2020 thành công, ngành nông nghiệp đã triển khai hàng loạt các kế hoạch trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Theo đó, ngành chú trọng việc xây dựng khung lịch mùa vụ thả nuôi phù hợp cho từng địa phương, xây dựng các mô hình trình diễn nhằm khuyến cáo cũng như đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hộ dân học hỏi làm theo, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, kiểm tra chất lượng con giống nhập tỉnh và quan trắc môi trường nước, dịch bệnh tại các vùng nuôi nhằm kiểm soát tốt môi trường nước để từ đó đưa ra các khuyến cáo kịp thời cho người nuôi.

Khâu quan trọng góp phần cho vụ tôm đạt kết quả tốt là kỹ thuật nuôi tôm, vì vậy ngành nông nghiệp chỉ đạo đơn vị liên quan tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và các cuộc hội thảo với sự góp mặt của các nhà khoa học đến từ các viện, trường nhằm giải đáp các thắc mắc của hộ nuôi tôm về vấn đề dịch bệnh gặp phải trên tôm và nêu các giải pháp hữu hiệu phòng trừ các loại dịch bệnh thường gặp trên tôm, giúp hộ nuôi phòng ngừa tốt các loại dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tôm nuôi tại hộ.

Tiếp nối thắng lợi cho vụ tôm nuôi năm 2021

Trên cơ sở thành công vụ tôm nuôi nước lợ năm 2020, tỉnh triển khai kế hoạch năm 2021 với diện tích thả nuôi tôm là 51.000ha, sản lượng 172.000 tấn. Qua đó, để đạt và vượt kế hoạch tỉnh đề ra về diện tích và sản lượng tôm nuôi nước lợ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã nêu một số giải pháp, như: Ngành nông nghiệp sẽ tổ chức lại sản xuất tôm nuôi nước lợ theo hướng tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ; củng cố và thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác để tập trung những hộ nuôi nhỏ lẻ với nhau, tạo ra sản lượng tôm nuôi lớn cùng kích cỡ, chất lượng thuận lợi trong khâu liên kết với công ty, doanh nghiệp phục vụ thị trường xuất khẩu, quản lý tôm nuôi theo khung lịch mùa vụ, xây dựng các mô hình trình diễn thí điểm để người nuôi áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả phù hợp tình hình thực tế địa phương…

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp các ngành, các địa phương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, về: thủy lợi, điện nhằm phục vụ vùng nuôi tôm của tỉnh; xây dựng khung lịch thời vụ hợp lý cho từng vùng, phối hợp địa phương bám sát vùng nuôi; theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm trên địa bàn tỉnh để hạn chế diện tích thiệt hại; hướng dẫn hộ nuôi tôm thực hiện quy trình kỹ thuật được tổng kết từ các mô hình thành công; đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đầy đủ về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người nuôi không sử dụng các loại thuốc hóa chất trong phòng bệnh, chỉ sử dụng thuốc hóa chất có trong danh mục được phép lưu hành…

Thúy Liễu Báo Sóc Trăng

Đầu năm doanh nghiệp thủy sản đã ‘chóng mặt’ vì các loại giá

Bắt đầu vào năm 2021, không chỉ cước phí tàu biển tiếp tục tăng phi mã, nhiều chi phí đầu vào cho sản xuất, chế biến thủy sản cũng tăng “chóng mặt” theo. Trước tình hình này, các DN thủy sản đang “đứng ngồi không yên”.

Theo phản ánh của nhiều DN thủy sản, tháng 1/2021, cước tàu đi EU đã tăng từ 145 – 276% (tùy theo cảng). Tháng 12/2020, giá cước cảng chính là 2.850 USD/cont thì bước sang tháng sau đã tăng lên 7.000 USD/cont (tăng 145%), một số hãng cũng tăng từ 2.800 USD/cont lên 10.550 USD/cont (tăng 276%). Mặc dù tỷ lệ tăng không lớn như EU, nhưng giá cước đi Mỹ vốn đã cao thì nay cao hơn nữa: giá đi các cảng bờ Tây tăng 14%, từ 3.500 USD/cont (tháng 12/2020) lên 4.000 USD/cont (tháng 1/2021); đi bờ Đông cũng tăng từ 14-19%, 4.900 USD/cont lên 5.600 – 5.850 USD/cont. Giá cước tàu đi Nhật bản cũng tăng từ 50 – 100 USD/cont.

Trong nước, các mặt hàng thiết yếu và chính phục vụ cho hoạt động của các nhà máy cũng tăng từ 8-25%. Điển hình như, giá mặt hàng găng tay cao su, nhựa trong tháng 1/2021 đã tăng từ 8-9% so với tháng trước; băng keo tăng 15%. Lượng lớn bao bì để đóng gói hàng giá cũng tăng từ 7 – 9,8%. Trong tháng 12/2020, giá sản phẩm dầu nành đã tăng 10% thì sang tháng 1/2021 lại tăng tiếp 9% nữa.

Một số mặt hàng hóa chất vuông tôm như: clorine trong vòng 3 tháng (tháng 8/2020 – 1/2021) đã tăng 3,6%, trung bình 1.230 USD/tấn) lên 1.274 USD/tấn. Một số sản phẩm hóa chất khác như: CaCl2 (Calcium chloride) tăng 20%; MgCl2 (Magie clorua) tăng 25%; oxy viên cũng tăng từ 15.800 đ/kg lên 17.250 đ/kg (tăng gần 10%).

Trong năm 2020, do việc thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất làm căn cứ tính tiền thuê đất cũng đẩy giá thuế đất của DN từ 2-4 lần so với trước. Ngoài ra cuối năm ngoái, đề án thu phí sử dụng công trình khu vực cửa khẩu, cảng biển được thông qua, tuy mức phí không lớn nhưng lại có tác động dây chuyền rất lớn tới các DN về mọi mặt. Nhân thời điểm và cơ hội này, các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, logistic có cớ đua nhau “thổi” giá. Việc tăng phí tàu biển cũng là một trong những phản ứng mang tính domino này.

Covid-19 vẫn còn đang ảnh hưởng nặng nề tới nhiều nền kinh tế lớn, nhiều nhà NK và XK đang phải động viên và chia sẻ nhau khó khăn để vượt qua. Doanh nghiệp thủy sản đang cố gắng duy trì việc làm cho hàng ngàn lao động tại các nhà máy chế biến. Nhu cầu NK tại các thị trường lớn tới đầu năm 2021 vẫn còn ẩn chứa nhiều bấp bênh, công suất nhà máy cũng đã phải giảm đáng kể theo các đơn hàng. Chỉ còn ít ngày nữa sẽ tới kỳ nghỉ Tết nguyên đán, các DN thủy sản vẫn đang nỗ lực hết sức nhằm đẩy mạnh đơn hàng, đảm bảo trả lương, chăm lo đời sống cho người lao động trước nghỉ lễ. Tuy nhiên, những chi phí sản xuất đang đội lên lại chồng chất thêm khó khăn cho các DN thủy sản.

Nguồn tin: Vasep

Đề tài nuôi tôm, nuôi cua, nuôi sò huyết đạt hiệu quả thực tế

tôm thẻ semi - biofloc
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn theo quy trình công nghệ semi – biofloc tại xã Phú Tân (huyện Phú Tân) cho hiệu quả cao, đang được nhân rộng tại địa phương.

Năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) bàn giao 9 đề tài và dự án cấp Trung ương và cấp tỉnh cho các huyện, TP Cà Mau tiến hành triển khai nhân rộng. Nhờ đó, nông dân trong tỉnh được tiếp cận, ứng dụng KH&CN vào các mô hình sản xuất trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Hiệu quả trên từng mô hình

Các mô hình cho hiệu quả cao ở giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm trong năm 2020 gồm:

  • Dự án nuôi tôm chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn theo quy trình công nghệ semi-biofloc tại xã Phú Tân (huyện Phú Tân)
  • Nuôi sò huyết kết hợp tôm sú trong vuông nuôi quảng canh tại các xã: Ðất Mới, Hiệp Tùng và Hàng Vịnh (huyện Năm Căn)
  • Mô hình nuôi cua biển quảng canh cải tiến 2 giai đoạn tại xã Tân Lộc Bắc (huyện Thới Bình)
  • Ứng dụng công nghệ biofloc nhằm tăng tỷ lệ sống của tôm sú trong giai đoạn ương giống từ 1,2-1,5 cm lên 3-4 cm tại huyện Cái Nước
  • Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 3 giai đoạn trên vùng đất lúa – tôm tại xã Khánh Thuận (huyện U Minh)… 

Những mô hình từ các dự án trên đều bám sát thực tế, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tại buổi lễ tổng kết hoạt động KH&CN năm 2020, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Thân Ðức Hưởng, đánh giá: “Hoạt động thông tin KH&CN bám sát theo yêu cầu, nhiệm vụ, chức năng phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thông tin khoa học và công nghệ, tuyên truyền và phổ biến các tiến bộ KH&CN trên các phương tiện truyền thông, cung cấp các thông tin cơ sở dữ liệu công nghệ, đặc biệt là kết quả chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, các giống cây, con mới, để bà con nông dân các vùng nông thôn tiếp cận nghiên cứu học tập, ứng dụng vào sản xuất. Chất lượng thông tin KH&CN ngày càng được nâng cao”.

Các mô hình trên sau vụ nuôi đều đạt chỉ tiêu, mục tiêu của dự án đề ra: Dự án nuôi tôm chân trắng thâm canh năng suất cao theo công nghệ semi – biofloc tại xã Tắc Vân (TP Cà Mau) đạt năng suất 51,68 tấn/ha/vụ (sản lượng thu hoạch của dự án đạt 14.470 kg/0,28 ha ao nuôi), kích cỡ tôm thương phẩm 40-45 con/kg sau 100 ngày nuôi. Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 3 giai đoạn trên vùng đất lúa – tôm tại xã Khánh Thuận (huyện U Minh) cho năng suất 501,63 kg/ha/vụ, kích cỡ tôm thương phẩm từ 30-50 con/kg… Những mô hình này đều cho lợi nhuận cao trước ảnh hưởng lớn của thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua.

Giám đốc Sở KH&CN Phan Tấn Thanh cho biết: “Có được hiệu quả trên là do thời gian qua công tác quản lý công nghệ được tăng cường, các dự án đầu tư đều có ý kiến về công nghệ; việc thẩm định công nghệ cho các dự án đầu tư được thực hiện đúng theo quy định, đảm bảo dự án đầu tư không sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao, cấm chuyển giao dự án đầu tư có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường. Qua đó, góp phần rất lớn cho các đề tài dự án đạt hiệu quả như mục tiêu đã đề ra”.

Thêm những mô hình mới

Theo ghi nhận thực tế từ các địa phương được Sở KH&CN triển khai, các mô hình, dự án cho hiệu quả cao chỉ giới hạn ở số lượng và quy mô nhỏ, khi bàn giao cho các địa phương triển khai nhân rộng gặp khó về nguồn kinh phí để thực hiện công tác nhân rộng, tạo sự lan toả trong dân, góp phần nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Năm Căn Nguyễn Thanh Chiến cho biết: “Thời gian qua, tình hình phát triển KH&CN trên địa bàn huyện Năm Căn thuận lợi và cho nhiều hiệu quả, đặc biệt là các mô hình sản xuất. Huyện cũng rất mong muốn có được nguồn vốn để triển khai mô hình lớn và quy mô, để người dân được tiếp cận KH&CN, kinh tế gia đình được nâng cao hơn. Ðó là những mong muốn của huyện trong năm 2021 này”.

Nhiều địa phương khác: Ngọc Hiển, Phú Tân, Ðầm Dơi hay Thới Bình đều mong muốn cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Sở KH&CN với các địa phương trong việc triển khai nguồn vốn cho các mô hình thuộc các đề tài và dự án đã được phê duyệt từ nguồn vốn KH&CN.

Giám đốc Sở KH&CN Phan Tấn Thanh khẳng định, những kết quả mà ngành KH&CN Cà Mau đã đạt được trong năm 2020 là nhờ sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sự đồng tâm, nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Ðó cũng chính là động lực để bước sang năm 2021, hoạt động KH&CN Cà Mau sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ.

Diệu Lữ Báo Cà Mau

Quản lý chất lượng con giống, đảm bảo hiệu quả nuôi tôm nước lợ

Quản lý chất lượng tôm giống
Các tỉnh ven biển ký kết quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ.

Ngày 22-1-2021, tại tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị quản lý giống tôm nước lợ và ký kết quy chế phối hợp thực hiện năm 2021 (ảnh). Đại diện lãnh đạo các cục, viện thuộc Bộ NN&PTNT, lãnh đạo sở NN&PTNT các tỉnh ven biển, doanh nghiệp tham dự.

Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước năm 2020 là 738.000ha, nhu cầu giống khoảng 130 tỉ con, trong đó 100 tỉ giống tôm thẻ chân trắng và 30 tỉ giống tôm sú. Số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống là 250.000 con với nguồn tôm giống bố mẹ để sản xuất là từ tự nhiên, nhập khẩu và chọn lai tạo trong nước. Đồng thời, cả nước có 2.224 cơ sở sản xuất tôm giống, sản xuất được 130 tỉ con giống, trong đó khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm là các tỉnh Nam Trung Bộ, hằng năm khu vực này cung cấp khoảng 56% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi cả nước. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cũng như công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giống thủy sản, thường xuyên thực hiện tốt tại các tỉnh. Hiệu quả nuôi tôm nước lợ phát triển tốt tại khu vực ĐBSCL

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để góp phần nâng cao chất lượng tôm giống cung cấp đến người nuôi cũng như thực hiện thành công mục tiêu đạt 10 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu tôm đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN&PTNT đến các địa phương nuôi thủy sản cần quản lý tốt giống tôm nước lợ bằng cách tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý con giống đầu vào cũng như rà soát việc cấp giấy chứng nhận vùng nuôi, cơ sở nuôi theo đúng quy định. Đồng thời, công tác kiểm soát dịch bệnh trên con giống tôm xuất tỉnh phải chặt chẽ đúng quy trình. Theo đó, các tỉnh cần tập trung ứng dụng khoa học công nghệ đưa vào sản xuất giống và quá trình chăn nuôi; đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện tốt công tác quản lý con giống; tăng cường công tác tuyên truyền về quản lý con giống đến các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã. Riêng với các doanh nghiệp sản xuất con giống tuân thủ đúng các quy định, luật định nhằm cung cấp con giống chất lượng ra thị trường, đảm bảo nuôi trồng có hiệu quả…H.Văn – Báo Cần Thơ

Lên men cám gạo kết hợp vi sinh để lấn át hại khuẩn

cám gạo lên men
Bổ sung cám gạo lên men kết hợp với vi khuẩn Bacillus và Lysinibacillus giúp gia tăng vi khuẩn có lợi và lấn át các loài hại khuẩn.

Ảnh hưởng của hỗn hợp cám gạo lên men và các loài vi sinh đến vi sinh đường ruột của tôm thẻ chân trắng.

Hệ vi sinh vật đường ruột có liên quan mật thiết đến tình trạng sức khỏe, chuyển hóa chất dinh dưỡng và hệ miễn dịch của động vật nuôi. Sau khi động vật được sinh ra, hệ vi sinh vật đường ruột của chúng dần dần được tập hợp lại. Sự tập hợp hệ vi sinh vật trong giai đoạn đầu đời có thể có tác động lâu dài đến sức khỏe vật chủ. Và có nhiều quan tâm đến mối quan hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và sự tăng trưởng hoặc sức khỏe của động vật thủy sản.

Thức ăn công nghiệp rất giàu dinh dưỡng, hàm lượng đạm cao nhưng không được tôm tiêu hóa và hấp thu một cách hiệu quả. Do đó, thức ăn được thải ra môi trường sẽ rất lãng phí và gây ô nhiễm môi trường nước chính vì thế thức ăn lên men chứa men vi sinh đã trở thành một giải pháp hiệu quả và tối ưu trong những năm gần đây. Thức ăn lên men bằng hỗn hợp vi khuẩn kích thích sự phát triển, tăng khả năng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng.

Cám gạo là những phụ phẩm chính từ gạo, chúng có thể chứa 40% carbohydrate và mức độ vừa phải của protein thô (12%) và lipid (21%). Hiện nay cám gạo lên men với probiotics được ứng dụng rộng rãi trong ương nuôi copepoda và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên nghiên cứu trên tôm thẻ chân trắng còn hạn chế nên nghiên cứu được tiến hành để đánh giá hỗn hợp cám gạo lên men và tổ hợp vi khuẩn Bacillus và Lysinibacillus (RB + BLb) đối với cấu trúc ruột và thành phần cộng đồng vi khuẩn trong đường ruột tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei), cũng như ảnh hưởng của nó đến hiệu suất tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng.

tôm thẻ chân trắng
Hỗn hợp cám gạo lên men bổ sung phối hợp các chủng vi sinh giúp tăng cường miễn dịch ở trên thẻ.

Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức bao gồm đối chứng, cám gạo lên men RB, hỗn hợp cám gạo lên men Bacillus và Lysinibacillus RB + BLb và hỗn hợp cám gạo lên men + chế phẩm sinh học thương mại (RB + Com). Cám gạo được lên men trước trong 24 giờ, được cho trực tiếp vào nước nuôi của tôm giống trong 4 tuần. Sau 4 tuần tôm sẻ được đánh giá tốc độ tăng trưởng, mô học, hình thái ruột và thành phần vi khuẩn trong đường ruột ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng.

Kết thúc thí nghiệm, nghiệm thức cám gạo lên men + vi khuẩn Bacillus có năng suất sinh trưởng và tỷ lệ sống tốt hơn so với lô đối chứng.

Hơn nữa, các phân tích mô học cho thấy rằng tôm được điều trị bằng Bacillus và Lysinibacillus đã cải thiện tình trạng dinh dưỡng so với các phương pháp điều trị khác, bằng cách làm tăng dự trữ lipid của tế bào biểu mô gan tụy.

Phân tích thành phần quần xã vi khuẩn trong đường ruột tôm thẻ cho thấy các họ phổ biến nhất là Rhodobacteraceae, Vibrionaceae và Flavobacteriaceae. Nghiệm thức cám gạo lên men kết hợp với chế phẩm sinh học thương mại cho thấy số lượng Rhodobacteraceae nhiều hơn các nghiệm thức còn lại, số lượng Vibrionaceae được tìm thấy nhiều ở nghiệm thức được xử lý bằng cám gạo chưa lên men (RB) hoặc RB + Com, khi so sánh với nghiệm thức đối chứng và nghiệm thức bổ sung cám gạo lên men+ hỗn hợp Bacillus và Lysinibacillus.

Số lượng họ Flavobacteriaceae thấp hơn đáng kể ở nghiệm thức RB + BLb và RB + Com so với nhóm đối chứng và nghiệm thức bổ sung cám gạo lên men.

Những kết quả này có thể giải thích một phần cơ chế hoạt động mà nhờ đó việc sử dụng cám gạo lên men với một nhóm vi khuẩn probiotic mang lại những tác động có lợi cho nuôi tôm, góp phần đa dạng thành phần vi sinh đường ruột.

Kết quả từ nghiên cứu cho thấy bổ sung cám gạo lên men kết hợp với vi khuẩn Bacillus  Lysinibacillus giúp gia tăng vi khuẩn có lợi trong đường ruột và lấn áp được các loài vi khuẩn gây hại. Do mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và hệ thống miễn dịch của vật chủ, người ta thường cho rằng sự giảm đa dạng vi khuẩn trong ruột có thể là nguyên nhân dẫn đến sự khởi phát bệnh.

Báo cáo gốc: Effect of rice bran fermented with Bacillus and Lysinibacillus species on dynamic microbial activity of Pacific white shrimp (Penaeus vannamei). doi.org/10.1016/j.aquaculture.2020.735958
Như Huỳnh – https://tepbac.com/

Rộn ràng mùa tôm càng xanh trên đất lúa Cà Mau

Tôm càng xanh.
Người dân cho biết nuôi tôm càng rất nhàn, chỉ thả giống không cần cho ăn hay chăm sóc.

Người dân huyện Thới Bình, Cà Mau đang vào vụ thu hoạch tôm càng xanh đón Tết với năng suất đạt khá cao nên người dân có vụ mùa thành công.

Huyện Thới Bình là vùng chuyên canh lúa – tôm lớn nhất tỉnh Cà Mau, với diện tích hơn 20.000 ha.

Vài năm trở lại đây, người dân địa phương bắt đầu thả thêm tôm càng xanh khi làm vụ lúa để tăng thu nhập.

Ban đầu chỉ vài nông hộ thực hiện, nhưng vụ mùa năm nay khoảng 60 – 70% diện tích đất làm lúa – tôm của huyện được thả xen tôm càng.

Hiện đang là chính vụ thu hoạch tôm càng xanh của người dân địa phương.

Sau khoảng 5 tháng nuôi người dân sẽ thu hoạch. Năng suất tôm đạt trung bình khoảng 200 kg/ha, những hộ trúng mùa có thể đạt năng suất gấp đôi.

Gia đình anh Phan Văn Khải (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) vừa thu hoạch 300 kg tôm càng trên diện tích gần 1,5 ha đất canh tác.

Để thu hoạch tôm càng, người dân tát bớt nước trong vuông.

Sau đó, dùng vỏ máy (phương tiện lưu thông đường thủy) đẩy sình đục dưới đáy vuông lên thì tôm tự động bơi lên và tấp vào mé bờ.

Với diện tích canh tác lớn, người dân địa phương cùng hỗ trợ nhau thu hoạch tôm.

Những tiếng cười nói rôm rả của bà con báo hiệu vụ mùa thành công.

Tuy nhiên, giá tôm năm nay thấp nên niềm vui của nhà nông không trọn vẹn.

Hiện tôm càng loại 1 được thu mua với giá 105.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ khoảng 10%.

Mỗi vụ tôm càng thả xem trong vụ lúa giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu hàng chục triệu đồng.

Trần Hiếu VOV