Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP – cho biết, thời điểm này, cùng với tinh thần phấn khởi do Quốc hội vừa phê chuẩn EVFTA, các DN ngành thủy sản đang tích cực hoàn thiện những tiêu chuẩn cần thiết để tận dụng triệt để lợi thế từ EVFTA. “Ngành thủy sản có lợi ích lớn khi EVFTA có hiệu lực về thuế quan, bởi khi đó, nhiều dòng hàng chủ lực sẽ giảm thuế suất về 0% ngay lập tức. Như vậy, mặt hàng tôm hay cá tra sẽ có lợi thế trên thị trường EU” – ông Hòe nhận xét.
Tiềm năng từ thị trường EU
Các thống kê từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong vòng 3 năm trở lại đây, kim ngạch XK thủy sản sang EU luôn duy trì ở mức trên 1 tỷ USD. Năm 2017, đạt 1,46 tỷ USD; năm 2018, tăng nhẹ lên 1,47 tỷ USD và năm 2019, dù ảnh hưởng từ thẻ vàng khai thác hải sản (IUU) nhưng XK thủy sản vẫn trên 1,2 tỷ USD. Ngành thủy sản đã đặt mục tiêu năm 2020, kim ngạch XK vào thị trường EU sẽ đạt 2 tỷ USD với kỳ vọng EVFTA được thực thi sớm.
Tuy nhiên, đầu năm nay, dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra đã khiến tiêu thụ mặt hàng này sụt giảm và Hiệp định EVFTA dù được phê chuẩn cũng cần thời gian hiện thực hóa. Chính vì thế, ngành thủy sản buộc phải dời mục tiêu này sang năm 2021 và sẽ có những kế hoạch cụ thể để phát triển thị trường EU tương xứng với khả năng của DN trong ngành.
Với việc Hiệp định EVFTA chính thức được phê chuẩn, ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu năm 2021, xuất khẩu (XK) vào thị trường EU sẽ đạt trên 2 tỷ USD. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các DN trong ngành đang gấp rút khắc phục những điểm yếu, tận dụng cơ hội bứt phá.
Những tiêu chuẩn khắc khe
Bà Cao Lệ Quyên, Phó Viện trưởng VIFEP cho biết, thị trường EU là một trong những thị trường lớn, quan trọng đối với xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong những năm gần đây và dự báo tiếp tục là thị trường tiềm năng cho thuỷ sản Việt Nam trong những năm tới. Tuy nhiên, thị trường EU có những yêu cầu đặc thù, quy định chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để thúc đẩy hoạt động thương mại thuỷ sản giữa Việt Nam và EU, rất cần đẩy mạnh sự hiểu biết lẫn nhau. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam rất cần hiểu rõ về các chứng nhận và chính sách của EU đối với xuất nhập khẩu thuỷ sản.các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần đảm bảo đủ các điều kiện buộc như: GlobalGAP (Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), tiêu chuẩn của ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản quốc tế), tiêu chuẩn của MSC (Hội đồng quản lý biển), BRC (tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm)… Ngoài ra, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên có một số chứng nhận tự nguyện khác như BAP (nuôi trồng thủy sản tốt), IFS (độ an toàn).
Đối với DN thủy sản, thời gian qua, dù ít nhiều bị tác động bởi dịch bệnh khiến XK sụt giảm, song hầu hết vẫn chuẩn bị tốt từ vùng nuôi, chứng nhận an toàn thực phẩm cho tới hạ tầng logistics để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đơn cử, Tập đoàn Việt Úc, Công ty TNHH MTV Nam Việt, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi đã đầu tư vùng nuôi cá tra theo Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long do tỉnh An Giang chủ trì triển khai.
Hiện, các DN này đều quy hoạch vùng nuôi theo chuẩn công nghệ cao, đạt các tiêu chí khắt khe nhằm có sản phẩm cá tra XK tốt nhất.Với kinh nghiệm XK hơn chục năm vào EU, bà Nguyễn Thị Ánh – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sông Tiền (SOTICO) – dự báo, thủy sản là sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu nên dù dịch có kéo dài, thị trường vẫn cần. Thêm vào đó, khi EVFTA có hiệu lực, sẽ tạo cú huých cho XK. Để tận dụng lợi thế, SOTICO đã quy hoạch vùng nuôi, xây dựng các chứng chỉ theo tiêu chuẩn của thị trường EU nên hoàn toàn tự tin có thể đáp ứng các tiêu chí theo cam kết của EVFTA.
Nguồn: baoquocte,vn
Thùy Dương – baocongthuong