Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Sản xuất điện cực cho pin từ… vỏ tôm?

Vỏ đầu tôm.
Các nhà khoa học đang muốn tận dụng một nguồn vật liệu phế thải – vỏ tôm để sản xuất điện cực cho pin vanadium.

Vỏ tôm và pin, nghe có vẻ không liên quan đến nhau nhưng nghiên cứu mới đây có thể khiến bạn ngạc nhiên.

Một dự án được các nhà khoa học Tây Ban Nha và các cộng tác viên tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã đề xuất sử dụng chitin (tên gọi khác là kitin, một chất được tìm thấy nhiều ở loài giáp xác) trong vỏ tôm để sản xuất điện cực cho pin lưu lượng oxi hóa khử vanadium. Kết quả nghiên cứu được công bố trên trang web của Hội Hóa học Hoa Kỳ (ACS).

“Chúng tôi đề xuất sản xuất điện cực cho pin lưu lượng vanadium từ chitin, một chất có nhiều trong vỏ tôm, ngoài thành phần cacbon, nó còn chứa cả nitơ” – ông Martin-Martinez, một kỹ sư hóa học cũng là một trong những tác giả của nghiên cứu trên cho biết.

“Không giống như pin lithium, pin vanadium được sử dụng trong ngành công nghiệp máy móc tự động, mặc dù chúng không cung cấp được điện năng cao nhưng dòng pin này lại lưu trữ năng lượng rất tốt với một chi phí thấp. Đây là điều kiện lý tưởng để lưu trữ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, – những nguồn năng lượng phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và không thể sản xuất một cách liên tục” – ông Martin nói.

Martin-Martinez, một chuyên gia trong việc phát triển các vật liệu từ những nguồn sinh học đã chỉ ra rằng các điện cực carbon thường được sử dụng để làm cho dòng điện di chuyển từ cực này sang cực còn lại dễ dàng hơn.

“Chúng tôi đã sản xuất các điện cực này từ chitin, một vật liệu có trong vỏ tôm. Chitin là một phân tử polysaccharide, tương tự như cellulose, được tìm thấy trong lớp vỏ của động vật giáp xác và côn trùng” – ông giải thích.

Cải thiện hiệu suất

Theo ông Martin, về đặc tính của chitin, ngoài cacbon, nó còn có nitơ, được hợp nhất vào cấu trúc của điện cực trong quá trình sản xuất, cải thiện hiệu suất của chúng. Thông số này đã được trình bày chi tiết trong bài nghiên cứu trên.

Thực tế, nhóm nghiên cứu đã chứng minh lợi ích của nitơ trong cấu trúc hóa học của điện cực, nơi nó dễ dàng chuyển điện tích giữa các ion vanadium. “Đương nhiên, có những điện cực cacbon có thể đem lại hiệu suất tốt hơn nhưng trọng tâm của dự án này là sản xuất các điện cực từ vật liệu phế thải. Trong trường hợp này là chất chitin chiết xuất từ vỏ tôm” – ông Martin nói. Ngoài hiệu suất tốt, ông còn nhấn mạnh ưu điểm chi phí thấp và bền vững của loại vật liệu này.

Hiện tại, các điện cực loại này được chế tạo từ sợi cacbon (carbonized polyacrylonitrile), một loại polymer tổng hợp và chúng khá là đắt tiền. Do đó, việc sản xuất nó từ một sản phẩm phế thải như chitin theo như quan điểm của Martin thì đây là một sự thay thế khả thi hơn.

Thanh Ngọc Viettimes

Dân Đồng Tháp Mười lại “xé rào” nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt

Đào ao nuôi tôm
Một ao tôm đang hình thành chuẩn bị thả giống tại xã Tân Lập.

Mặc dù Đồng Tháp Mười (khu vực tỉnh Long An) là vùng ngọt hóa, nhưng thời gian qua hàng loạt diện tích đất lúa đã được bà con nông dân chuyển thành ao nuôi tôm thẻ chân trắng.

Năm 2019, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng Đồng Tháp Mười là con số 0. Đến tháng 3/2020, số diện tích này đã tăng vọt lên 57,2ha, tập trung tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa  và Mộc Hóa.

Trong đó, theo kết quả khảo sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An mới đây, hiện tại xã Tân Lập (huyện Mộc Hóa) có 12 hộ đang nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 20,7ha.

Ngoài ra, có 6 hộ đã đào ao nhưng chưa nuôi thả tôm với tổng diện tích 3,4ha tại ấp 3 và ấp 7. Năm 2019, tại xã này mới có 7 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích hơn chục ha.

Tháng 11/2019, trao đổi về việc nông dân trên địa bàn huyện đào ao nuôi tôm, ông Lâm Hòa Xứng – Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa cho biết: Quan điểm của huyện, với những hộ đã lỡ đào ao nuôi tôm sẽ hướng dẫn xử lý, đảm bảo môi trường trong khi nuôi. Còn từ đây nếu hộ nào phát sinh nuôi tôm sẽ xử lý nghiêm.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Long An, việc để xảy ra tình trạng bà con nông dân “xé rào” nuôi tôm thẻ chân trắng trách nhiệm lớn thuộc về chính quyền địa phương.

Tôm thẻ chân trắng vốn sống trong môi trường nước có độ mặn, nên mô hình “nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt” thực chất vẫn phải tạo độ mặn cho nước.

Với đặc tính của tôm sống ở vùng đáy, nên người dân chỉ cần làm mặn vùng đáy ao, vùng nước mặt vẫn ngọt hoàn toàn.

Để làm mặn vùng đáy, hiện người dân thường thả muối hột xuống đáy ao hoặc khoan giếng lấy nước mặn tầng ngầm (độ mặn tỷ lệ 1/1.000).

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, việc người dân khoan giếng lấy nước mặn từ tầng ngầm để nuôi tôm, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tầng nước ngọt, tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến lún đất, nhiễm mặn vùng ngọt hóa.

Nguy hiểm hơn, việc tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều hộ dân vùng Đồng Tháp Mười.

Vừa qua, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Sở TNMT tham mưu văn bản và hướng dẫn cụ thể  phòng TNMT các huyện tổ chức thực hiện và xử lý các hộ vi phạm việc khoan giếng nước trái phép.

Đồng thời, UBND tỉnh Long An chỉ đạo Sở NNPTNT phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức Hội thảo “Nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt tại vùng Đồng Tháp Mười” cho bà con nông dân đang nuôi tôm.

Trước đó, vào tháng 11/2019, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và UBND huyện không chủ trương nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt.

Trần Cửu Long Dân Việt

Xử lý tôm giống chưa qua kiểm dịch: Giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm

Hiện nay, Bạc Liêu đang bước vào vụ nuôi tôm mới, vì vậy nhu cầu con giống là rất lớn. Lợi dụng thời điểm này, các cơ sở sản xuất tôm giống ngoài tỉnh đã vận chuyển con giống chưa qua kiểm dịch về Bạc Liêu để tiêu thụ.

Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, Thanh tra Sở NN&PTNT và đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tổ chức ra quân kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt hành chính, tịch thu và tiêu hủy toàn bộ số tôm giống chưa qua kiểm dịch.

Lực lượng chức năng kiểm tra xe vận chuyển tôm giống nhập tỉnh trên tuyến Quốc lộ 1A.

NHIỀU LÔ TÔM GIỐNG NHẬP TỈNH CHƯA QUA KIỂM DỊCH

Khoảng 0 giờ trở về sáng là thời điểm các phương tiện ngoài tỉnh vận chuyển tôm giống tập kết vào chợ tôm ở TX. Giá Rai rồi phân ra, chuyển đi các vùng nông thôn trong tỉnh để tiêu thụ. Điều đáng nói, số lượng lớn tôm giống được vận chuyển vào tỉnh không đảm bảo chất lượng. Mới đây, Thanh tra Sở NN&PTNT và đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã phát hiện và xử lý một phương tiện vận chuyển tôm giống chưa qua kiểm dịch vào địa bàn tỉnh. Cụ thể, xe mang biển kiểm soát 85C-042.87 do tài xế Thái Duy Quang điều khiển, vận chuyển 2 lô tôm giống với 1,2 triệu con từ tỉnh Ninh Thuận vào Bạc Liêu để tiêu thụ nhưng không có nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, hoặc có nhãn mác của cơ sở tôm giống nhưng lại không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Lực lượng chức năng đã lập biển bản và phạt hành chính 7 triệu đồng; hình thức khắc phục hậu quả là tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số tôm post giống theo quy định.

Thanh tra Sở NN&PTNT lập biên bản xử phạt các phương tiện vận chuyển tôm giống vào tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Chỉ tính riêng trong hai tuần cuối tháng 6/2020, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã phát hiện, xử lý 5 xe vận chuyển tôm giống vào tỉnh, tổng cộng có 6 lô tôm giống với gần 2,1 triệu con không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Toàn bộ số tôm giống này buộc phải tiêu hủy vì vi phạm Nghị định số 04 của Chính phủ.

Tôm giống chưa qua kiểm dịch thường mang các mầm bệnh nguy hiểm và gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Trong khi đó, ngành chức năng địa phương chưa có các thiết bị để xét nghiệm chất lượng tôm nhập tỉnh. Do vậy, mạnh tay xử lý, buộc tiêu hủy tôm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhập vào tỉnh là việc làm cần thiết, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm.

Tiêu hủy tôm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhập tỉnh. Ảnh: M.Đ

XỬ LÝ NGHIÊM ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÔM GIỐNG

Nghị định số 04 của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 18/2/2020. Điểm mới của nghị định này là bên cạnh việc phạt tiền, sẽ tịch thu và tiêu hủy bắt buộc đối với số lô tôm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch, thay vì buộc kiểm dịch lại như các quy định trước đây. Tuy nhiên, vấn đề khó trong công tác kiểm tra tôm giống chưa kiểm dịch nhập tỉnh là sau khi có một xe vi phạm bị xử lý, thì các đối tượng thông tin cho nhau để các xe còn lại tạm dừng di chuyển, hay rẽ sang tuyến đường khác, hoặc chuyển hàng sang các phương tiện không dùng chuyên chở tôm giống hòng qua mặt lực lượng kiểm tra.

Khẳng định sẽ quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra để nâng cao chất lượng tôm giống trong thời gian tới, ông Hà Văn Buôl – Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết: “Thường bước vào mùa vụ thả tôm, các phương tiện vận chuyển tôm giống từ các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa vào tiêu thụ ở Bạc Liêu và Cà Mau. Trong đó có rất nhiều phương tiện vận chuyển tôm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Tỉnh sẽ cương quyết xử phạt hành chính mỗi trường hợp từ 6 – 8 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả là tiêu hủy toàn bộ số tôm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch”.

Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên của khu vực ĐBSCL thực hiện việc tịch thu và tiêu hủy toàn bộ tôm giống nhập tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Việc làm này đã góp phần nâng cao chất lượng tôm giống, giảm thiệt hại và rủi ro cho người nuôi tôm.

MINH CHÂU

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng: Trong sản xuất nông nghiệp, khâu giống là cực kỳ quan trọng. Vụ mùa có thành công hay không, khâu giống quyết định đến 40 – 50%. Ngành Nông nghiệp là trụ đỡ cho phát triển kinh tế của tỉnh, do vậy phải quản lý chặt chẽ khâu giống, nhất là chất lượng tôm giống. Tổng cục Thủy sản chọn Bạc Liêu làm điểm chỉ đạo trong việc xử lý tịch thu và tiêu hủy tôm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Theo đó, tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và mở các đợt kiểm tra, nếu phát hiện các lô giống nhập tỉnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không giấy kiểm dịch là tiêu hủy. Đây là đòn bẩy để ngành Nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Nguồn :http://www.baobaclieu.vn/

Năng suất cao nhờ công nghệ

nuôi trồng thủy sản công nghệ cao
Nhiều địa phương đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản công nghệ cao

Những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật đã tác động tích cực vào lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản. Qua đó, giúp ngành thủy sản nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng đang là hướng đi tất yếu hiện nay. Nắm bắt xu thế này, thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ vào nuôi trồng, chế biến, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình nuôi tôm, cá công nghệ cao xuất hiện ngày một nhiều hơn ở các địa phương như Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh Bạc Liêu, Bình Thuận…

Điển hình, như mô hình nuôi tôm trên cát công nghệ cao tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho thu nhập 2 – 3 tỷ đồng/ha/năm. Điều đáng nói, nhờ áp dụng công nghệ mới, các bãi cát hoang chói nắng, những nương sắn cằn cọc dọc bờ biển trước đây của Xuân Phổ, nay đã trở thành những cánh đồng nuôi tôm công nghiệp trù phú. Tôm được nuôi ở đây là tôm thẻ chân trắng. Loại tôm này có khả năng chịu đựng sự thay đổi về môi trường tốt hơn so với các đối tượng thủy sản khác, đặc biệt là thời gian nuôi ngắn hơn (3 tháng/vụ). Bên cạnh đó, các hộ nuôi phải đầu tư xây dựng nhà bạt, hệ thống quạt nước, máy sục khí để đảm bảo chống chịu các điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi và đảm bảo cho việc hô hấp của tôm. Quy trình nuôi cũng rất nghiêm ngặt, từ xây dựng ao đầm, cải tạo ao, chăm sóc… đến xử lý môi trường…

Cũng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, Cà Mau đã gia tăng tổng sản lượng tôm nuôi (tôm sú, tôm thẻ), đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Nhật Bản, Mỹ, Úc, Canada, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Hay, tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa đã mở ra sự phát triển bền vững mô hình nuôi cá chim vây vàng quy mô công nghiệp. Với quy mô 10ha mặt nước và 1.000m3 mặt đất, đây là trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019, sản lượng hơn 200 tấn cá thương phẩm (kích cỡ 0,5 – 1kg/con), mỗi vụ nuôi 8 – 10 tháng, doanh thu đạt khoảng 25 tỷ đồng/vụ…

Theo các chuyên gia, với nguồn lực nội tại, Việt Nam đã vươn lên Top 4 quốc gia sản xuất và cung ứng thực phẩm thủy sản hàng đầu trên thế giới, với những mặt hàng có giá trị và uy tín cao như tôm, cá tra, cà ngừ; đồng thời, nằm trong Top 10 ngành hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn hàng năm cho đất nước. Sản lượng thủy sản đưa vào chế biến xuất khẩu và nội địa khoảng 4,5 – 5 triệu tấn; tiêu thụ dạng tươi, sống khoảng 2 triệu tấn. Trong thành tích chung đó, khoa học và công nghệ đã góp một phần không nhỏ, giúp duy trì năng lực nuôi trồng, chế biến, cung cấp đa dạng thủy sản cho thế giới và trong nước. Đây vẫn tiếp tục là động lực quan trọng đưa ngành thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả hơn, nhất là trong những năm tới, kinh tế Việt Nam phát triển mạnh và thị trường 100 triệu dân sẽ có nhu cầu rất lớn về thủy sản chế biến cũng như thủy sản chất lượng cao.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho rằng, thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần thúc đẩy, hỗ trợ mạnh cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thủy sản. Cụ thể, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nuôi tôm ở Việt Nam nhằm giúp người nuôi tôm tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin (kỹ thuật nuôi, giá cả và thông tin thị trường), kết nối thị trường (trao đổi hàng hóa, mua sắm thiết bị, công nghệ), trao đổi kinh nghiệm; triển khai sàn giao dịch điện tử cho con giống…Quỳnh Nga Công Thương

Quảng Nam: Nuôi an toàn sinh học để cứu nghề nuôi tôm!

ao nuôi tôm
Nuôi tôm an toàn sinh học trở nên cấp thiết tại Quảng Nam. Ảnh: Việt Nguyễn.

Trong bối cảnh dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ thường xuyên xảy ra thì việc áp dụng các giải pháp nuôi tôm an toàn sinh học là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững.

Cần thay đổi

Nuôi tôm nước lợ đang bước vào vụ 2 nhưng phần lớn cánh đồng nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều lại tiêu điều. Theo Sở NN&PTNT, chưa có thống kê cụ thể về số diện tích nuôi tôm nước lợ bị hoang hóa vì nuôi quảng canh, vụ này nông hộ bỏ trống ao nuôi nhưng ở vụ khác thì lại đầu tư sản xuất.

Ở thôn Phương Tân (xã Bình Nam, Thăng Bình), hộ ông Trần Thế Cảnh nuôi tôm thẻ chân trắng trên 4 ao nuôi có tổng diện tích 800m2. Điều đáng nói là ở cả 4 vụ nuôi trong năm 2019 và năm 2020 này, tôm nuôi của ông Cảnh đều chết hàng loạt, thua lỗ. Ông Cảnh nói, môi trường nước quanh khu vực sông Trường Giang chảy qua địa bàn quá ô nhiễm, cải tạo kiểu gì thì nước trong ao nuôi cũng không sạch, bệnh phát sinh, tấn công khiến tôm nuôi bị chết đột ngột. 

Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đáng báo động là trong quá trình nuôi tôm, nông hộ không xử lý chất thải mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài. Chất bẩn cộng với biến đổi thời tiết khiến chất lượng nguồn nước suy giảm mạnh. Nhiều nơi, nguồn nước nuôi tôm bị biến động, nhiễm mặn nghiêm trọng…

“Chỉ riêng những độc tố phát sinh ra trong ao nuôi tôm do nông hộ dùng hóa chất khiến tôm nuôi còi cọc, bị bệnh. Khi tôm bị bệnh, việc nông hộ sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh trong thời gian dài làm tăng mức độ kháng thuốc của vi khuẩn có trong hệ tiêu hóa tôm nuôi. Khi sức đề kháng của tôm không còn, tất yếu sẽ chết” – bà Phạm Thị Hoàng Tâm nói.

Theo Sở NN&PTNT, đã đến lúc nông hộ nuôi tôm cần thay đổi, tiếp cận theo hướng an toàn sinh học. Hệ thống này gồm nhiều quy trình, trước hết, sử dụng tôm giống có chất lượng tốt, được kiểm dịch. Trước khi nuôi tôm, ao nuôi cần được cải tạo kỹ càng. Trong quá trình nuôi tôm, nông hộ cần hạn chế tốt nhất các yếu tố có thể gây bệnh cho tôm. Thay nước trong ao được nông hộ xem là giải pháp đơn giản nhất để hạn chế sự cố. Tuy nhiên, việc để nước ra vô hệ thống liên tục, thiếu kiểm soát chặt chẽ tiềm ẩn nhiều khả năng lây nhiễm mầm bệnh. Giảm thiểu nước ra vào hệ thống nuôi là biện pháp chính để hạn chế sự xâm nhập của các mầm bệnh. Điều này giúp chất lượng nước lưu thông trong ao nuôi được ổn định, giảm áp lực lên sức khỏe của tôm nuôi.

Đồng bộ giải pháp

Ở các khu vực nuôi tôm quy mô lớn theo hướng công nghiệp trên địa bàn tỉnh, bất cứ ai cũng phải rửa tay chân bằng dung dịch sát khuẩn, sử dụng trang phục bảo hộ mới được vào các ao nuôi tôm.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh – phụ trách kỹ thuật của Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ (nuôi tôm ở thôn Kỳ Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) cho biết, sau khi kiểm định chất lượng tôm giống tốt, công đoạn theo dõi bệnh là một phần thiết yếu của chương trình nuôi tôm an toàn sinh học. Thức ăn dùng cho tôm nuôi phải sạch và tươi. Xử lý và lưu trữ thức ăn đúng cách sẽ làm giảm loại thức ăn mang mầm bệnh cho tôm nuôi. Nếu không may trong ao nuôi có tôm chết phải chôn cẩn thận để giảm nguy cơ phát sinh bệnh cho đàn tôm nuôi. Để các yếu tố trên phát huy hiệu quả, nhất thiết người nuôi tôm phải thiết kế, bố trí hệ thống các ao nuôi tôm liên hoàn, khoa học, tuân thủ chặt chẽ các quy định kiểm dịch cho tôm nuôi.

“Tuân thủ các nguyên tắc về an toàn sinh học và quản lý tốt nuôi tôm sẽ ngăn chặn được nhiều loại bệnh, khống chế dịch bệnh bùng phát, phá hoại tôm nuôi” – ông Vĩnh nói. 

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để nuôi tôm an toàn sinh học hiệu quả, nông hộ cần áp dụng các chế phẩm sinh học được làm từ chuối, ổi, sả… Ngoài tác dụng đối với con tôm, chế phẩm sinh học còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm khi xuất khẩu. Chế phẩm sinh học có 2 nhóm chính là dùng để xử lý nước ao nuôi và hỗ trợ hệ tiêu hóa cho tôm. Chế phẩm sinh học được sử dụng theo nhiều cách, đưa vào cơ thể tôm qua đường thức ăn hoặc bổ sung trực tiếp vào ao nuôi để tăng cường phân hủy sinh học, tạo môi trường thân thiện, tăng khả năng sống cho tôm…

“Chế phẩm sinh học có kết quả tốt và đạt kỳ vọng khi ao nuôi được quản lý tốt và dùng các chủng vi sinh vật đã thông qua chọn lọc kỹ lưỡng, phù hợp với môi trường nuôi tôm” – ông Ngô Tấn nói.

Đăng Cao Báo Quảng Nam

Hậu Giang: Vào vụ thu hoạch tôm trên đất lúa

Tôm sú
Người dân Hậu Giang vào vụ thu hoạch tôm nuôi luân canh trên đất trồng lúa.

Những ngày này, nông dân ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đang bước vào vụ thu hoạch tôm sú trên đất lúa. Dù chỉ mới đầu vụ nhưng năng suất tôm năm nay đạt khá làm nhiều hộ nuôi tôm phấn khởi.

Lương Nghĩa là một trong những xã chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn ở huyện Long Mỹ, việc sản xuất 2 vụ lúa/năm như trước gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với khu vực ngoài đê bao có diện tích trên 222ha. Hình thức nuôi tôm sú luân canh trên đất trồng lúa từ nhiều năm nay đã giúp người dân khai thác được nguồn nước mặn, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trên ruộng nuôi tôm để tăng thu nhập so với độc canh cây lúa. 2 vụ tôm năm 2017 và năm 2018 được đánh giá chưa đạt hiệu quả cao như kỳ vọng do xâm nhập mặn trễ, ảnh hưởng tiến độ thả giống, nồng độ mặn thấp và thời gian xâm nhập ngắn làm hạn chế sự tăng trưởng của tôm. Năm nay, trước diễn biến mặn xâm nhập vừa qua, người dân ước tính năng suất tôm có thể tăng hơn so với 2 vụ trước.

Giống như các hộ nuôi tôm ở ấp 6, mấy hôm nay gia đình ông Nguyễn Văn Núi bắt đầu những đợt “xổ” tôm đầu tiên. Dù diện tích mặt ruộng của gia đình rộng khoảng 2ha ở vùng ngoài đê bao nhưng những năm trước ông Núi chưa mặn mà đầu tư vào nuôi tôm. Đầu năm nay thấy dự báo nồng độ mặn ở mức khá cao nên ông mạnh dạn mua 15.000 tôm giống về thả, khi đó độ mặn đang ở mức khoảng 5-6‰. Ngay từ đầu vụ, dù chưa là thành viên hợp tác xã nhưng ông Núi tích cực tham gia lớp tập huấn kỹ thuật, học hỏi những xã viên có kinh nghiệm và tự tìm hiểu thêm kỹ thuật qua mạng.

Trong quá trình nuôi, ông Núi còn chủ động bổ sung thêm thức ăn để tôm mau lớn. Sau gần 3 tháng thả nuôi, ông đã xổ 2 đợt, mỗi đợt trung bình 30kg. Với trọng lượng tôm đã đạt khoảng 50 con/kg, thương lái mua tại ruộng với mức giá khoảng 130.000 đồng/kg, ông thu về 8 triệu đồng chỉ sau 2 đợt. Tuy mức giá này chưa cao như mong đợi nhưng bù lại năng suất tôm đạt khá, theo tính toán đến cuối vụ thu hoạch sẽ vào khoảng 300kg/ha. Ông Núi cho hay: “Ngay từ bây giờ, tôi đã chuẩn bị đắp bờ làm ao mới để vụ sau thả tôm post (tôm giống) vào ương nuôi trước khoảng 20 ngày khi đạt kích cỡ mới cho lên ruộng. Bên cạnh điều kiện tự nhiên thì yếu tố kỹ thuật và chọn mua giống từ cơ sở có uy tín, có kiểm định của ngành chức năng sẽ quyết định đến năng suất tôm”.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Thành Thái cũng tất bật chuẩn bị dụng cụ để xổ tôm. Lịch thu hoạch tôm theo con nước rong hàng tháng thường rơi vào những ngày rằm hoặc cuối tháng âm lịch. Ông Thái phấn khởi cho hay dù mới thu hoạch 1 lần được 18kg nhưng ông bán được giá trên 150.000 đồng/kg do mỗi ký khoảng trên dưới 40 con. Chưa hết, trước khi thu hoạch tôm ông đã bắt tép nhỏ, thủy sản khác sống trên ruộng để bán, chỉ tốn công nhưng cũng thu về hơn 1 triệu đồng. Làm 1 vụ lúa – 1 vụ tôm đã 6-7 năm nay nhưng ông Thái cũng chưa hài lòng với kinh nghiệm hiện có. Năm nay, ông còn đăng ký tham gia hợp tác xã để tiếp tục học hỏi thêm kỹ thuật, áp dụng vào các vụ nuôi sau để tăng năng suất và chất lượng tôm nuôi.

Diện tích nuôi tôm sú tại xã Lương Nghĩa khoảng 87ha, phần lớn nằm ngoài đê bao. Địa phương đã thành lập Hợp tác xã tôm – lúa Tân Tiến với 14 thành viên, dự kiến năm nay sẽ kết nạp thêm 6 thành viên. Ông Lâm Văn Việt, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ, thông tin từ đầu vụ nuôi tôm đơn vị phối hợp với địa phương tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sú luân canh đất trồng lúa cho bà con trong và ngoài hợp tác xã. Các hộ nuôi tôm đã cơ bản nắm được quy trình kỹ thuật nuôi, cải tạo ruộng, chọn giống đến chăm sóc, quản lý.

Thời vụ tôm sú trên địa bàn thường rơi vào khoảng tháng 3 đến tháng 9. Sau đó là giai đoạn rửa mặn để chuẩn bị đất cho vụ trồng lúa. Sau vụ nuôi tôm, chất thải hữu cơ còn trên ruộng sẽ giúp đất màu mỡ, chỉ cần bón một lượng nhỏ phân là đủ nhu cầu nên giảm chi phí sản xuất lúa. Để quản lý tốt tôm trên ruộng, nhất là vào mùa mưa, Chi cục Thủy sản tỉnh còn khuyến cáo đến các hộ đang thu hoạch tôm kiểm tra và gia cố bờ bao, cống cấp thoát nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát tôm. Sau các cơn mưa lớn nên rút bớt nước tầng mặt để hạn chế hiện tượng phân tầng nước trong ruộng. Chủ động nguồn nước, lấy nước có độ mặn thích hợp vào ruộng trước và thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để có kế hoạch điều tiết nước thích hợp.

Thiên Ngọc Báo Hậu Giang

Ecuador và Trung Quốc ký thỏa thuận về an toàn sinh học trong nuôi tôm

Nuôi tôm thẻ
An toàn sinh học là hướng phát triển để nuôi tôm bền vững

Mới đây Trung Quốc và Ecuador đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển ngành tôm Ecuador thông qua việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học

Vào ngày 18/6, Viện Nghiên cứu Thủy sản Yellow Sea (Yellow Sea Fisheries Research Institute – YSFRI) và Phòng Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia Ecuador (The National Chamber of Aquaculture of Ecuador – CNA) đã ký thỏa thuận hợp tác để cải thiện ngành công nghiệp sản xuất tôm Ecuador thông qua việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học mới.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Ecuador và cũng là thị trường chiến lược quan trọng của đa số các nước xuất khẩu tôm, do đó đây là ký kết quan trọng với Ecuador để tăng cường thương mại cũng như nhận được sự đầu tư từ Trung Quốc.

YSFRI là phòng thí nghiệm của Tổ chức Thú y Thế giới về hội chứng đốm trắng và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu trên tôm, dưới sự hỗ trợ của YSFRI, Ecuador sẽ kiểm soát tốt hơn các dịch bệnh nguy hiểm trên tôm. Đây là cơ hội để nước này áp dụng công nghệ trong các lĩnh vực phát triển nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh và phát hiện mầm bệnh.

Ông Jose Antonio Camposano – chủ tịch của CNA, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Ông cho rằng: “Đây sẽ là cú hích mạnh cho ngành tôm Ecuador, rõ ràng nhất là cải thiện về việc làm và tính bền vững trong sản xuất tôm của Ecuador”.

Hoài An – https://tepbac.com/