Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đang bị trì trệ, sản lượng tôm xuất khẩu bị tồn đọng lớn.
Hôm nay (ngày 6/7), Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy Cà Mau lần thứ 27, khóa XV về việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm và phương hướng thời gian tới.
Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm ở Cà Mau đang tồn đọng lượng hàng rất lớn.
Theo đó, hạn hán nặng nề trong mùa khô vừa qua đã làm 25.600 hecta tôm nuôi bị nhiễm bệnh nhưng sản lượng thủy sản của tỉnh Cà Mau vẫn đạt khoảng 293.000 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành thủy sản đang gặp khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh hiện đạt hơn 374 triệu USD, giảm hơn 12% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và xuất khẩu vẫn bị ách tắc. Khoảng 19.000 tấn tôm đang tồn đọng trong các kho của doanh nghiệp. Thực trạng trên đã làm giá tôm xuống thấp và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Mặc dù khó khăn nhưng tỉnh Cà Mau không thay đổi các chỉ tiêu phát triển kinh tế đã đề ra. Trong khó khăn, phải tìm ra các giải pháp để đảm bảo tăng trưởng trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: “Chúng ta phải có những giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, những khó khăn. Những chỗ nào đột phá, đẩy mạnh lên được thì tập trung vào để bù lại những nơi bị thiệt hại. Chỉ có như vậy chúng ta mới duy trì tình hình, mới không tăng trưởng âm. Chúng ta phải tăng trưởng, mặc dù không lớn nhưng với tinh thần quyết tâm cao nhất, để đạt những kết quả tốt nhất”./.
Dịch bệnh kéo dài, tôm chậm lớn, khiến vụ nuôi tôm chính trong năm của nông dân huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị sụt giảm mạnh về sản lượng, giá bán cũng giảm mạnh.
Gia đình anh Hoàng Xuân Huy ở xóm Mai Giang 1, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) thả nuôi 80 vạn con tôm giống trong vụ 1. Được anh chăm sóc khoa học, cẩn thận và thường xuyên giữ nước trong ao được sạch sẽ… Mặc dù vậy, tôm nuôi của gia đình anh vẫn mắc phải bệnh phân trắng, hồng thân, chậm phát triển. Qua 4 tháng thả nuôi, nhưng sản lượng tôm chỉ đạt được 4 tấn trên tổng diện tích 8.000 m2, giảm 7 – 8 tấn so vụ 1 năm 2019.
Đặc biệt, tôm mất mùa nhưng nguồn thức ăn, thuốc men trong nuôi trồng thủy sản vẫn tăng khiến gia đình anh Huy càng thêm thua lỗ. Hiện tại, tôm loại 70 con/kg, chỉ bán với giá 100 nghìn đồng, giảm 40 nghìn, tôm loại 50 con/kg có giá 110 – 120 nghìn đồng, giảm 60 nghìn đồng, loại 30 con/kg chỉ có giá 170 – 180 nghìn đồng, giảm từ 110 – 120 nghìn đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Quỳnh Bảng là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất huyện Quỳnh Lưu với hơn 186 ha. Tuy nhiên, vụ nuôi chính trong năm 2020 được xem là vụ nuôi khó khăn nhất. Toàn xã thu hoạch tôm vụ 1 được 350 tấn, giảm gần 200 tấn và 20 tỷ đồng so với nuôi tôm vụ 1 năm 2019.
Theo ông Hoàng Quang Dũng – Cán bộ nông nghiệp xã Quỳnh Bảng chia sẻ thì trong quá trình thả nuôi do môi trường nước, khí hậu thay đổi liên tục trong ngày; hơn nữa các con sông bị ô nhiễm, bồi lắng, chưa được nạo vét. Bên cạnh đó, nước từ các kênh mương sản xuất nông nghiệp và từ khu dân cư đổ ra sông, sau đó các hộ dân lấy nước vào ao xử lý để nuôi tôm; vì vậy nguồn nước không đảm bảo môi trường. Hơn nữa, chất lượng các giống tôm năm nay không đảm bảo, kéo theo thời gian nuôi dài, chi phí đầu tư lớn nên nên người nuôi tôm thua vốn.
Còn tại xã An Hòa có hơn 40 ha chuyên canh nuôi tôm, với hơn 200 hộ nuôi. Các hộ nuôi tôm ở địa phương này đều có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Mặc dù vậy, năm nay có nhiều yếu tố bất lợi tác động nên diện tích tôm mắc dịch bệnh khá nhiều. Đối với số ít diện tích tôm sống sót, kể cả các loại giống có thương hiệu, uy tín trên thị trường đều sinh trưởng, phát triển chậm.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tôm thương phẩm của An Hòa cũng như các xã khác trong toàn huyện không xuất khẩu được mà chỉ bán ở thị trường trong nước. Vì vậy, giá cả thấp và không ổn định nên người nuôi tôm ở đây thất thu lớn.Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản xã An Hòa cho biết: Tôm vụ chính trong năm 2020 ở An Hòa bà con đã thua lỗ nặng. Thời điểm này, HTX đã tham mưu cho UBND xã chỉ đạo ban quản lý điều tiết nước đảm bảo cho vụ nuôi thứ 2. Vận động bà con xử lý ao lắng đúng thời gian, đối với các kênh cấp nước đề nghị cấp trên tiếp tục nạo vét.
Vụ 1 năm 2020, sản lượng nuôi tôm của huyện Quỳnh Lưu hơn 1.000 tấn, đạt 30% so với kế hoạch năm. Do tác động của nhiều yếu tố nên việc nuôi tôm ở các địa phương ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn, chính vì vậy, bên cạnh sự chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc thả tôm vụ mới của thì người nuôi cũng mong cấp trên quản lý chặt chẽ về chất lượng nguồn thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường ao nuôi trồng thủy sản.
Ấn Độ có đường bờ biển dài 8.118 km trải dài 9 bang và 4 vùng lãnh thổ liên quan. Ngành nuôi tôm của Ấn Độ là một trong những ngành phát triển nhất và thu về một nguồn ngoại tệ lớn cho Ấn Độ. Nhu cầu nguồn protein từ động vật tăng do dịch Covid không chỉ tạo ra sự chuyển dịch trong nền kinh tế toàn cầu mà còn ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của nhiều người tiêu dùng trên thế giới.
Diện tích nuôi tôm của Ấn Độ hiện đạt trên 176.000 ha trong đó khoảng 160.000 ha (91%) được dùng để sản xuất tôm chân trắng và 14.080 ha (8%) dùng cho nuôi tôm sú và 1.760 ha (1%) dùng cho sản xuất tôm càng xanh.
Năm 2019, sản lượng tôm của Ấn Độ đạt 804.000 tấn, tăng 31% so với năm 2018 (615.692 tấn). XK tôm của Ấn Độ năm 2019 đạt 667.140 tấn, tăng 8% và chiếm 83% tổng sản lượng tôm của nước này năm 2019.
Trại ương giống
Theo Cơ quan Nuôi trồng Ven biển Ấn Độ (CAA), Ấn Độ có khoảng 311 trại ương tôm chân trắng bố mẹ sạch bệnh với công suất sản xuất hàng năm đạt 45 tỷ con tôm post. Khoảng 63.430 con tôm giống bố mẹ được NK vào Ấn Độ trong quý 1/2020. Tháng 3/2020, 16 tỷ con tôm post được sản xuất trong đó có khoảng 1,5 tỷ con bị hủy do người nuôi không mua trong giai đoạn phong tỏa do Covid-19. Điều này ảnh hưởng tới chu trình sản xuất tôm giống tại các trại nuôi. Ước tính có khoảng 4 tỷ con tôm post được sản xuất trong tháng 4/2020 trong thời điểm phong tỏa. Chính phủ Ấn Độ phong tỏa cả nước từ gần cuối tháng 3/2020 đến hết tháng 5/2020 để hạn chế dịch bệnh Covid lây lan. Trong thời gian đầu của đợt phong tỏa, các trại ương giống không thể sản xuất do thiếu nhân công và hậu cần, phương tiện vận chuyển để chuyển con giống tới những khu vực xa xôi.
Do lệnh phong tỏa, thiếu tôm giống bố mẹ sạch bệnh, sản lượng giống tại các trại ương giống giảm, nhu cầu tăng sau lệnh phong tỏa nên trong tháng 4 và 5, giá tôm giống đã tăng khoảng 30%. Chính quyền bang Andhra Pradesh đã quy định mức giá tối đa cho tôm post để hỗ trợ người nuôi vì dự báo nguồn cung vẫn thiếu hụt trong các tháng sau đó.
Nếu NK tôm giống bố mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu, các trại ương có thể phải dùng tôm giống chưa sạch bệnh để sản xuất tôm post, điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giống và tỉ lệ sống và có thể dẫn tới nguồn cung tôm post thiếu trầm trọng hơn sau tháng 5/2020.
Trại nuôi tôm
Quý 1 và đầu quý 2 hàng năm là thời điểm sôi động nhất để người dân thả tôm post. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa do Covid bắt đầu vào cuối tháng 3 đã ảnh hưởng lớn tới nguồn cung tôm post và tiến độ thả nuôi tại các ao, dẫn tới giá tôm nguyên liệu giảm mạnh.
Do tình hình dịch Covid phức tạp các các thị trường tiêu thụ và dịch bệnh trên tôm bùng phát, người nuôi tôm đã phải gấp rút thu hoạch. Phần lớn người nuôi, thả nuôi giữa tháng 1 và đầu tháng 3 đã thu hoạch hết, thậm chí tôm còn chưa đủ lớn. Tính đến tháng 4/2020, khoảng 70% diện tích nuôi tôm của Ấn Độ đã được thu hoạch và sẵn sàng thả nuôi mới.
Giá tại đầm tôm Ấn Độ khá ổn định từ tháng 1 đến tuần đầu tháng 3/2020. Tuy nhiên, giá bắt đầu giảm trong tuần thứ 2 của tháng 3 và tiếp tục giảm đến tuần thứ 3 của tháng 4.
Giá tôm cỡ 30-40 con giảm trong đầu tháng 5/2020 trong khi cỡ khác tăng. Tôm cỡ lớn này được sử dụng nhiều trong các nhà hàng (70% vẫn đóng cửa trên toàn thế giới do Covid). Tôm cỡ trung bình được XK sang Trung Quốc và các nước khác để tiêu thụ trong nước.
Người nuôi tôm Ấn Độ đang bắt đầu khôi phục sản xuất sau thời gian giá giảm mạnh. Giá tôm đã bắt đầu phục hồi trong tuần cuối tháng 4. Giới chức bang Andhra Pradesh tuyên bố sẽ đảm bảo mức giá tối thiểu để hỗ trợ người nuôi. Ước tính có 60-70% người nuôi thả nuôi lại vào tháng 5 và 6/2020 nên nguồn cung tôm post chất lượng có thể bị thiếu hụt.
Thức ăn nuôi tôm
Năm 2019, Ấn Độ có hơn 30 công ty sản xuất thức ăn nuôi tôm, sản xuất 1,2 triệu tấn mỗi năm. Trong quý đầu năm 2020, khoảng 350.000 tấn thức ăn cho tôm được sản xuất, sản lượng tháng 4/2020 ước đạt 80.000 tấn, giảm 40% so với tháng 4/2019. Với sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ, chuỗi nguồn cung đang dần hồi phục.
Sản xuất bột cá (một trong những thành phần trong sản xuất thức ăn nuôi tôm) và dầu cá của Ấn Độ trong quý 1/2020 giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng các thành phần này sẽ tăng khi hoạt động thả nuôi của người dân tăng.
XK tôm Ấn Độ
XK tôm Ấn Độ tăng liên tục trong những năm qua. Năm 2019, XK tôm Ấn Độ đạt 5 tỷ USD. Nước này hiện có khoảng 366 công ty XK thủy sản được MPEDA chứng nhận và 60 cơ sở kho lạnh. Quý I/2020, có 230.000 tấn tôm được sản xuất trong đó 180.500 tấn được XK.
Thị trường NK tôm lớn nhất của Ấn Độ trong quý I/2020 là Mỹ với khoảng 68.894 tấn, tiếp đó là 24.848 tấn sang Trung Quốc. EU và Nhật Bản lần lượt là các thị trường NK lớn thứ 3 và 4. Nhật Bản đã giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra tôm sú NK, điều này có thể hỗ trợ XK tôm Ấn Độ sang Nhật Bản năm 2020.
XK tôm Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 4 năm nay tăng 25% đạt 4.480 tấn. Các chuyên gia cho rằng XK tôm Ấn Độ sang Mỹ có thể tăng những tháng tới do nhu cầu tăng ở thị trường bán lẻ Mỹ.
Tiêu thụ tôm ở kênh bán lẻ ở Mỹ và EU tăng trong tháng 4 và 5 vì người dân tích trữ nhiều thực phẩm hơn do lo sợ thiếu hụt nguồn cung thực phẩm.
XK tôm Ấn Độ sang Mỹ bị tác động bởi thuế chống bán phá giá tăng và Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản của Mỹ (SIMP). SIMP yêu cầu tôm XK vào Mỹ phải đảm bảo yêu cầu về dữ liệu toàn bộ chuỗi cung ứng từ thu hoạch đến XK sang Mỹ.
Ngành tôm Ấn Độ hiện cần nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ về tài chính để đảm bảo phát triển bền vững. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người nuôi đảm bảo các biện pháp thực hành quản lý ao nuôi và nguồn thức ăn nuôi tôm tốt hơn, cân nhắc áp dụng thả nuôi mật độ thấp với sự tập trung vào tôm cỡ trung để phục vụ thị trường trong nước và quốc tế.
“Thức ăn tự nhiên là thức ăn tốt nhất cho tôm nhỏ và tôm nuôi thương phẩm”
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tôm trên toàn thế giới, sản lượng nuôi tôm tăng đến 33% từ năm 2010 đến năm 2015. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất là hình thức phổ biến nhất ở nhiều quốc gia ven biển. Khi đó, sự phong phú của các cộng đồng sinh vật phù du trong môi trường sẽ là nguồn thức ăn quan trọng cho tôm. Việc mở rộng các mô hình nuôi tôm hiện nay sẽ liên quan mật thiết đến chất lượng môi trường, mà vấn đề lớn là sự tích lũy quá nhiều chất dinh dưỡng, hầu hết là do mật độ thả nuôi quá cao và bổ sung quá nhiều thức ăn công nghiệp. Từ đó dẫn đến sự tích lũy của những chất thải hữu cơ trong lớp bùn đáy ao, kế đó là sự phát sinh nhiều độc tố ảnh hưởng đến tăng trưởng, phát triển, sinh sản của tôm nuôi và cuối cùng là cả quá trình sản xuất tôm.
Một cách để kiểm soát lượng thức ăn hiệu quả là đặt nhá/vó hay thường xuyên siphon đáy. Khi nuôi tôm trong ao đất, người ta thường chú trọng vào lượng thức ăn bổ sung mà lại ít quan tâm đến vai trò của các loại thức ăn tự nhiên có sẵn. Động vật phù du nói chung là những sinh vật nhỏ, không xương sống trong môi trường nước, đây là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời với nhiều acid amin thiết yếu cho tôm mà từ lâu đã bị bỏ quên và có rất ít nghiên cứu đi mở rộng về vấn đề này. Do đó, nếu làm rõ hơn về cấu trúc và chức năng của những quần thể động vật phù du này sẽ làm nền tảng cho việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường nuôi. Những sinh vật phản ứng nhanh với các tác nhân gây stress môi trường, chúng sẽ là các “nhà máy lọc sinh học” trong việc quản lý ao nuôi tôm.
Sự thay đổi cấu trúc và chức năng của những động vật phù du này có liên quan mật thiết đến tôm nuôi và mục đích thúc đẩy sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm. Theo thời gian, tôm lớn lên cũng là lúc cộng đồng sinh vật này có xu hướng thay đổi thành phần. Do vi khuẩn là chính là nguồn thức ăn của các động vật phù du này, thành phần thức ăn của tôm theo thời gian cũng thay đổi, lập tức làm hệ thống vi khuẩn cũng có hướng biến đổi thành phần. Thức ăn và vi khuẩn sẽ làm xáo trộn thành phần của quần thể động vật phù du. Nói cách khác sự thay đổi thành phần thức ăn theo giai đoạn của tôm sẽ làm thay đổi thành phần của quần thể động vật phù du trong ao.
Tôm suy cho cùng vẫn là loài ăn tạp, ngoài thức ăn công nghiệp được bổ sung từ bên ngoài thì hệ thống thức ăn tự nhiên trong ao là rất quan trọng với chúng, cung cấp nguồn protein phong phú cho việc thúc đẩy sự tăng trưởng. Ví như hệ thống biofloc, thức ăn công nghiệp chỉ ở một mức độ nhất định khi lượng floc được nuôi cấy sẽ vừa là thức ăn và là các nhà máy sinh học xử lý môi trường. Dù là hệ thống nuôi bình thường thì tôm cũng tìm kiếm nguồn thức ăn tự nhiên trong ao do thói quen và tập tính. Do đó, không thể phủ nhận vai trò của cả vi tảo và hệ thống động vật phù du đối với chế độ ăn hằng ngày của tôm.
Lượng chất thải trong ao sẽ tỉ lệ thuận với mật độ thả nuôi và có sự gia tăng số lượng đáng kể khi càng về thời điểm cuối vụ. Sự tích lũy chất hữu cơ quá nhiều sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy cho tôm nuôi, do có quá nhiều sinh vật (tảo, vi khuẩn…) phải sử dụng oxy cùng một lúc, khi đó nhiều loại khí độc dưới lớp nền đáy sẽ có cơ hội phát sinh. Tuy nhiên lượng động vật phù du lại giảm dần khi lượng oxy hòa tan ngày càng thấp, nhất là khu vực đáy ao. Một điều thú vị là hệ động vật này có thể sẽ cạnh tranh thức ăn đối với tôm. Đây lại được coi là một vai trò ý nghĩa khi kích thích sự tranh giành con mồi của tôm, làm tôm hoạt động mạnh hơn, tiêu thụ thức ăn nhiều hơn và đương nhiên là khỏe mạnh hơn
Quan trọng là vậy, tuy nhiên cần có thêm một số nghiên cứu nửa về quần thể những động vật phù du trên thì mới đến được bước phát triển bền vững của nghề nuôi tôm với chi phí đầu tư thấp. Điều này sẽ tối ưu hóa thức ăn đầu vào, bớt đi gánh nặng ô nhiễm với môi trường nuôi.