Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Ông bác sĩ của tôm cá

Bác sĩ tôm cá
TS Trần Ngọc Tuấn tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NVCC.

Bình thường bệnh nhân sẽ tự đến bác sĩ để khám nhưng với TS Trần Ngọc Tuấn thì ngược lại, vì khách hàng của ông là những con tôm, cá, cua.

“Bác sĩ thủy sản” là biệt danh được người dân vùng Vĩnh Thuận, Kiên Giang gắn cho TS Trần Ngọc Tuấn (35 tuổi) bởi tài “bắt” nhanh bệnh của các loài thủy sản ngay tại ao qua quan sát màu nước và thói quen bất thường của chúng.

Để kiểm tra dấu hiệu thiếu oxy trong nước, anh Tuấn xem thức ăn của tôm, cá có bị dư thừa không. Nếu tôm hay bơi trên mặt nước vào ban ngày, nhưng cá bơi hỗn loạn vào buổi chiều tối, điều này chứng tỏ chúng đang sốc, có thể do oxy hòa tan thấp và nhiệt độ trong nước cao. Khi màu nước thay đổi đột ngột sang màu trắng sữa đục, nguyên nhân do tảo chết, vi khuẩn chiếm nhiều trong nước, như thế các loài tôm, cá dễ mắc bệnh đường ruột. Nhưng nếu nước quá trong, tảo có thể bị thiếu dinh dưỡng hoặc nhiễm phèn, không tốt cho tôm, cá.

“Tôm, cá mỗi mùa mỗi bệnh. Những biện pháp cơ bản này chỉ cần quan sát cũng biết chính xác tình trạng sức khỏe của chúng giúp bà con nông dân dễ dàng áp dụng mà không phản khoa học”, anh Tuấn nói. Nhiều lần anh phải túc trực 2-3 ngày tại ao vì có trường hợp tôm, cá không thể hiện ngay tình trạng bệnh của chúng, mà phải quan sát hành vi trong nhiều ngày. Trong quá trình đó anh cũng hướng dẫn bà con những kinh nghiệm cơ bản. Nhờ vậy có những ao tôm, ao cá trong làng đã cải thiện năng suất và chất lượng giống ươm.

Sinh ra tại Vĩnh Thuận, Kiên Giang, ký ức thời cấp ba của anh Tuấn là những lần đi bắt tôm, cá với lũ bạn. Thời điểm vào đầu năm 2000, phong trào nuôi thâm canh các loài thủy sản bắt đầu phát triển và mở rộng nhiều vùng ở Kiên Giang, trong đó có huyện Vĩnh Thuận quê anh.

Theo phong trào, nhiều hộ dân quê anh còn bỏ số vốn lớn, đến cửa hàng vật tư nông nghiệp để mua giống tôm, cá, trong khi cả người bán và người nuôi đều không có đủ kiến thức chuyên môn về biểu hiện và cách xử lý bệnh. Một số hộ gia đình vì thế mà chịu lỗ, có nhà mất trắng vụ tôm năm đó.

Thấy các cô, bác hàng xóm vất vả nhưng kết quả thu được sau vụ tôm là những tờ giấy vay nợ bù lỗ, anh Tuấn nghĩ nếu ở quê có kỹ sư thủy sản về phổ biến kiến thức nuôi, cách xử lý bệnh tôm, cá thì lúc đó đâu phải thất thu và chịu lỗ như này.

Đang là học sinh cuối cấp, Tuấn quyết định thi vào trường Đại học Cần Thơ, chuyên ngành Bệnh học thủy sản, với mong muốn sau này, chính mình sẽ giúp bà con nông dân có thêm kiến thức nuôi tôm, cá, cải thiện cuộc sống vùng quê.

Càng đi sâu vào ngành học, Tuấn càng cảm thấy con đường này phù hợp với bản thân. Vì thế, từ khi là sinh viên năm 3, anh được thầy cô tin tưởng, cho tham gia những dự án lớn, trong đó có nghiên cứu vi sinh vật trong môi trường ươm tôm càng xanh giống, tham gia các trại thực nghiệm về ươm và nuôi tôm.

Xuất phát với nền tảng kiến thức vững chắc và kinh nghiệm từ những chuyến thực tế, tốt nghiệp đại học năm 2006, anh cùng mấy người bạn quyết định mở trang trại sản xuất giống tôm càng xanh. Từ khâu làm ao, xử lý môi trường nước đến công đoạn chọn giống tôm và chuẩn bị thức ăn, đều do anh và nhóm bạn lên kế hoạch. Mùa đầu, tôm khoẻ và phát triển nhanh nên trang trại của anh đã bán đi được những tấn tôm càng xanh đầu tiên. Hai năm đầu, trang trại tôm kinh doanh tốt, cho năng suất cao. Anh Tuấn tự tin rằng thời điểm đó, trang trại của anh là một trong những địa điểm nuôi tôm càng xanh giỏi nhất vùng Vĩnh Thuận, được nhiều người đến hỏi thăm và tham khảo.

Nuôi tôm sinh lời, anh quyết định mở rộng thêm diện tích trang trại và số lượng tôm càng xanh được ươm. Nhưng rồi tai họa bất ngờ ập tới.

Khoảng năm 2008, như mọi ngày, vào sáng sớm, anh Tuấn lên trang trại chuẩn bị cho tôm ăn. Ném thức ăn xuống ao, chỉ số ít tôm nhảy lên đớp mồi. Nghĩ thời tiết thay đổi, tôm không lên ăn, anh không kiểm tra kỹ mà chỉ xem lại nguồn nước bơm vào ao có đủ hay không. Hai hôm sau, tôm nổi trắng mặt ao khiến anh Tuấn không khỏi sững sờ. Anh suy sụp. Nghĩ rằng nguyên nhân chắc chắn không thể đến từ nguồn thức ăn, nhưng anh vẫn không thể hiểu tôm mắc bệnh gì mà có thể lây nhanh đến thế.

Nhờ thầy cô thời đại học có thâm niên trong lĩnh vực, kết hợp tìm đọc các tài liệu, anh tìm ra nguyên nhân do một loại vi nấm ký sinh trên động vật thủy sản, gây bệnh đường ruột. Thời điểm đó, thông tin trong nước về triệu chứng và cách chữa trị khi tôm mắc vi nấm ký sinh này còn hạn chế. Dù muốn duy trì trang trại, nhưng không có khả năng bù lỗ và tiếp tục ươm giống, anh đành phải dừng hoạt động kinh doanh.

Không chịu từ bỏ sau “cú ngã”, anh quyết định đi theo con đường nghiên cứu để tìm ra cách chữa trị loại bệnh do vi nấm ký sinh gây ra.

Trở lại trường Đại học Cần Thơ để học Thạc sĩ ngành nuôi trồng thủy sản, anh nghiên cứu các bệnh vi nấm và bệnh vi khuẩn trên tôm, cá. Một số kết quả nghiên cứu của anh đã công bố quốc tế. Cơ duyên lại đến trong một hội nghị về thủy sản tại trường năm 2008, anh gặp giáo sư trường Đai học Nông nghiệp Huazhong, nổi tiếng nghiên cứu về lĩnh vực di truyền chọn giống trên cá ở Trung Quốc. Cách nói chuyện của vị giáo sư về những vấn đề nghiên cứu mà anh đang quan tâm, anh muốn đến Trung Quốc nghiên cứu.


TS Tuấn nhận giải Quả cầu vàng 2019 hôm 6/7 tại Hà Nội. Ảnh: NX.

Sau hai năm học Tiến sĩ từ 2013, anh Tuấn giành được học bổng toàn phần nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Thủy sinh vật học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, một viện chuyên sâu về thủy sản uy tín tại Trung Quốc. Tại đây hướng nghiên cứu của anh là những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột của động vật thủy sản dưới tác động điều kiện môi trường khác nhau, chọn lọc các nhóm hợp chất tiền sinh học phù hợp, giúp nâng cao khả năng phát triển các nhóm vi sinh vật sống hữu ích trong đường ruột vật chủ, cải thiện tiêu hóa thức ăn, tăng tỉ lệ sống ở động vật thủy sản.

Những năm học tiến sĩ, các nghiên cứu của anh tập trung chủ yếu thủy sản nước ngọt, bản thân anh muốn nâng cao sự hiểu biết đối với đối tượng nuôi trên biển, như vậy sẽ phù hợp hơn với nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn của Đồng bằng sông Cửu Long và quê hương anh. Vì thế Viện Khoa học biển, trường Đại học Shantou (Trung Quốc) là đích đến cho nghiên cứu sau tiến sĩ lần thứ 2 của anh từ năm 2018 đến nay.

Mới đây TS Tuấn tìm ra hai hợp chất tiền sinh học, gồm galactooligosaccharides và resistant starch. Hai hợp chất này có tiềm năng hỗ trợ quá trình nuôi cua biển nhờ thúc đẩy thay đổi cấu trúc các nhóm vi sinh vật đường ruột và tăng lượng vật chất chuyển hóa (acid béo mạch ngắn) sản sinh sau quá trình lên men trong điều kiện phòng thí nghiệm, từ đây có thể gián tiếp tăng cường khả năng miễn dịch của cua biển. “Đây là những bước đầu cho dự định chế tạo thuốc hoặc một sản phẩm thương mại giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột của động vật thủy sản mà tôi đang ấp ủ”, anh nói.

Nhờ những công trình nghiên cứu nổi bật và có tiềm năng ứng dụng, anh là một trong những nhà khoa học trẻ tiêu biểu được nhận giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu Vàng 2019 trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Khoảng thời gian này trở về quê nhà do Covid-19, TS Tuấn có cơ hội được hỗ trợ bà con nông dân, tư vấn cách xử lý những vấn đề liên quan tới sức khỏe các loài thủy sản. Nghiên cứu về lĩnh vực thủy sản nhiều năm qua, anh luôn mong được trở về Việt Nam, mang kiến thức nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ bà con nông dân.

Nguyễn Xuân VnExpress

Nguồn khoáng vi lượng trong thức ăn thủy sản

 Giá trị dinh dưỡng của thức ăn bị chi phối bởi thành phần thức ăn và sự cân bằng của các vi chất dinh dưỡng bổ sung, nguồn cung các loại axit amin (AA), axit béo, vitamin, chất khoáng – những yếu tố tác động lên hiệu quả sử dụng thức ăn, tăng trưởng, sức khỏe vật nuôi và chất lượng của sản phẩm cuối cùng khi tới tay khách hàng.

Thực vật và protein phụ phẩm chăn nuôi

NRC (2011) đã đề xuất cắt giảm bột cá và tăng sử dụng các thành phần thức ăn có nguồn gốc thực vật trong thức ăn nuôi tôm và cá. Qua dự án ARRAINA, Viện Hàn lâm châu Âu và ngành thủy sản đã hợp tác đánh giá các đề xuất dinh dưỡng về thức ăn của cá, cụ thể là giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn bột cá. Các thử nghiệm trên cá hồi Atlantic đã chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa mức kẽm bổ sung trong khẩu phần thức ăn chứa đạm thực vật và mức kẽm cần thiết trong các khẩu phần ăn tinh chế hoặc bán tinh. Hàm lượng kẽm được NRC (2011) đề xuất trên 37 – 65 mg/kg thức ăn. So sánh thành phần khoáng vi lượng của các nguồn protein khác nhau với protein của bột cá thì thấy một số hạn chế đáng kể về kẽm, selen, và sắt.

Các chức năng trao đổi chất cơ bản của bột cá, ngoài điều hòa áp suất thẩm thấu, đều giống nhau giữa các vật nuôi. Đó là những yếu tố chủ chốt trong việc kích hoạt chức năng của hormones và hàng trăm enzyme, là nền tảng cho sự phát triển và chức năng của xương, thần kinh, cơ quan sinh sản cũng như điều chỉnh và kích hoạt hệ thống miễn dịch. Khoáng vi lượng cũng quan trọng trong sản xuất và bảo vệ biểu mô, do đó ảnh hưởng đến da, mắt, mang, vây, vảy và đường ruột của vật nuôi. Kẽm là khoáng vi lượng được biết đến nhiều nhất nhờ các tác động thúc đẩy tăng trưởng, điều chỉnh đáp ứng miễn dịch, tăng đề kháng, giảm khả năng mắc bệnh cườm mắt và giảm kích ứng ôxy hóa. Ngoài ra, kẽm đóng vai trò thiết yếu trong quá trình làm lành vết thương và thúc đẩy hàn gắn biểu mô ở người (Lin et al., 2018) và cá (Ogino and Yang, 1979; Hughes, 1985, Jensen et al., 2015; Gerd et al., 2018). Sự thiếu hụt selen cũng làm tăng tỷ lệ chết, thiếu máu, loạn dưỡng cơ, suy giảm hoạt tính glutathone peroxidase và giảm tăng trưởng, sức khỏe toàn diện của nhiều vật nuôi thủy sản (NRC, 2011).

Nguồn khoáng vi lượng và tính khả dụng

Những nghiên cứu gần đây của TS Sauer et al (2017) đã làm sáng tỏ nguyên nhân tại sao sinh khả dụng và hiệu quả của khoáng vi lượng phụ thuộc vào từng loại khoáng; hiệu lực của chúng phụ thuộc vào cách hấp thụ khác nhau, được sử dụng bởi các tế bào enterocyte. Trong một mô hình nghiên cứu, Sauer đã sử dụng các tế bào enterocyte ở người, biệt hóa bởi những đột biến trong ZIP4 – một chất vận chuyển sắt kẽm quan trọng để hấp thu vào đường ruột. Điều đáng nói là, không phát hiện sự suy giảm hấp thu kẽm khi nó có dạng phức hợp kẽm axit amin (ZnAA). Những phát hiện này chỉ ra ZnAA được hấp thu xen kẽ. Do đó, tổ hợp kim loại AA có lợi thế hấp thu hơn hẳn các dạng khoáng vô cơ, vì chúng được trung hòa tối thiểu bởi các thành phần dinh dưỡng như aixt phytic và sử dụng chất vận chuyển AA thay các vận chuyển ion kim loại thông thường. Lợi ích này làm cho ZnAA được hấp thu hiệu quả hơn và sinh khả dụng hiệu quả hơn với vật nuôi. Paripatananont và Lovell (1995) chỉ ra phức hợp kẽm-methionie (ZINPRO, a ZnAA) đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng của cá nheo Mỹ được cho ăn bằng thức ăn tinh chế chứa axit phytic.

Hiểu biết tốt hơn về chức năng của khoáng vi lượng và sinh khả dụng của khoáng vi lượng bổ sung, người nuôi sẽ chuẩn bị tốt hơn cho khâu điều chỉnh các mức khoáng vi lượng thích hợp trong NTTS.

Claudia Figueiredo Silva

Chuyên gia dinh dưỡng NTTS, Viện Nghiên cứu Zinpro Animal Nutrition, Inc, USA

Nguồn : http://thuysanvietnam.com.vn/

Bến Tre: Người nuôi tôm dè dặt thả nuôi

Tôm thẻ chân trắng
Người dân huyện Bình Đại cải tạo ao để chuẩn bị thả nuôi vụ tôm mới.

Trong thời gian qua, nuôi thủy sản, nhất là tôm biển trên địa bàn các huyện biển tỉnh Bến Tre gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng nắng nóng, hạn mặn kéo dài và dịch Covid-19.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm đã có 106 ha nuôi tôm thẻ chân trắng từ 20 đến 40 ngày tuổi bị thiệt hại. Mặc dù đã bắt đầu vào vụ nuôi mới nhưng đa số hộ nuôi còn thận trọng, chưa có kế hoạch thả giống.

Hiện tại, tổng diện tích thả nuôi ước đạt 35.635ha, đạt 75,82% kế hoạch, giảm 3,09% so với cùng kỳ. Trong đó, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh là 4.500ha, giảm 12,71 % so với cùng kỳ. Sản lượng tôm nuôi ước đạt 120.251 tấn, đạt 40,08% kế hoạch, giảm 4,03% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến không xuất khẩu được nên giá tôm nuôi giảm đáng kể, người nuôi không có lãi. Vì vậy, nhiều hộ nuôi thả với số lượng ít, cầm chừng chứ không đồng loạt như trước vì lo sợ dịch bệnh, giá giảm sẽ bị thua lỗ.

Ngành nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người nuôi thủy sản thực hiện tốt lịch thời vụ và xử lý tốt dịch bệnh; thực hiện quy trình quản lý hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh…

Thành Châu Báo Đồng Khởi

Tôm thẻ: Cho ăn tiết kiệm mà năng suất!

số lần cho tôm ăn
Cho tôm thẻ ăn thế nào để tăng năng suất?

Chia nhỏ số lần cho ăn ra cộng với việc điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý sẽ cải thiện chất lượng tôm thẻ nuôi thương phẩm.

Nghề nuôi tôm thâm canh hiện nay ngày càng phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Cũng chính vì vậy mà sau khi một vụ nuôi kết thúc, thì chi phí thức ăn chiếm thị phần lớn nhất trong tổng chi phí nuôi. Cộng với việc chất lượng của môi trường sẽ được quyết định một phần nhờ vào lượng thức ăn bổ sung nhiều hay ít. Nếu quản lý tốt thức ăn thì chắc chắn sự tăng trưởng của tôm nuôi sẽ được cải thiện hơn và hạn chế được các tác động xấu đối với môi trường. Tần suất (số lần), thời gian, khẩu phần và phương pháp cho ăn sẽ tạo thành một chế độ quản lý về mặt dinh dưỡng tối ưu trong hệ thống nuôi tôm thâm canh.

Tôm nuôi thường được cho ăn chủ yếu vào ban ngày và tần suất cho ăn thường dao động từ hai đến bốn lần ngay cả trong các cơ sở nuôi siêu thâm canh trong nhà kín. Sự cho ăn này thường sơ sài, không quá chú ý đến cách thức cũng như quá trình sinh lý của tôm khi ăn. Tôm thẻ là loài ăn liên tục 24/24, chúng thường ham thích hoạt động về đêm hơn, do vậy các enzyme tiêu hóa cũng hoạt động mạnh hơn vào lúc này. Việc cho ăn sẽ có những thất thoát nhất định vì không phải lúc nào tôm cũng tiêu thụ được tất cả thức ăn bổ sung. Nhiều nghiên cứu chứng minh khi cho tôm ăn nhiều khoảng thời gian trong ngày với số lượng giảm đi sẽ tốt hơn rất nhiều so với phương pháp cho ăn truyền thống.

Tốc độ tăng trưởng và năng suất của tôm nuôi được cải thiện đáng kể khi tần suất cho ăn hàng ngày tăng từ ba lần lên sáu lần và hơn nữa lên đến mười hai lần, đương nhiên là sẽ chia nhỏ lượng thức ăn cho từng cử. Trong khi sử dụng máy cho ăn tự động đã mang lại những thành công nhất định, điều này không chỉ làm giảm thời gian và công cho ăn mà còn cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm. Ưu điểm của máy này là nó có thể cho ăn thường xuyên, bất kể thời điểm nào trong ngày.

Tình trạng dinh dưỡng và các phản ứng tiêu hóa của tôm là tốt hơn nhiều trong các hệ thống biofloc. Các hạt floc vừa đóng vai trò cung cấp dinh dưỡng vừa điều hoà hoạt động của các enzyme tiêu hóa. Và tần suất cho ăn trong mô hình nuôi biofloc này sẽ là nhân tố ảnh hưởng đến việc tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm. Thức ăn tự nhiên từ các hạt floc sẽ làm giảm lượng thức ăn công nghiệp. Từ đó, hạn chế được phần nào chi phí, kéo theo việc giảm bớt sự hao hụt thức ăn trong môi trường nước.

Các enzyme tiêu hóa hoạt động mạnh mẽ, nhất là lipase của tuyến tiêu hóa, protease và amylase trong dạ dày. Hoạt động của các enzyme tiêu hóa này sẽ bị kiểm soát bởi cả hệ thống tiêu hóa và nhịp độ sinh lý của tôm. Tuy nhiên tần suất cho ăn và cách cho ăn lại không ảnh hưởng đến hoạt động của các enzyme này. Do đó tôm có thể ăn và tiêu hóa hoàn toàn trong thời gian ngắn, không sợ bị ảnh hưởng bởi số lần cho ăn. Thức ăn tự nhiên có thể giúp tôm tiêu hóa tốt hơn khi cho ăn với tần suất cao, do rõ ràng là enzyme tiêu hóa hoạt động tốt hơn với các thức ăn này. Điều này cũng giải thích tại sao tăng tần suất cho ăn phù hợp trong hệ thống biofloc hơn.

Khả năng dự trữ protein là tốt hơn khi tăng tần suất cho ăn và FCR cũng thấp hơn đáng kể so với cho ăn với tần suất như bình thường. Cộng thêm việc thúc đẩy sự hấp thu nhiều hơn lượng protein trong thức ăn. Tần suất cho ăn cũng ảnh hưởng đến toàn bộ thành phần cấu tạo cơ thể tôm. Cụ thể là hàm lượng protein thô trong cơ thịt tăng đáng kể trong khi độ ẩm bị giảm sâu. Điều này có thể là do quá trình tiêu hóa của tôm hấp thu và sử dụng được lượng protein tốt hơn, làm cho khả năng giữ lại protein trong cơ cũng lớn hơn. Từ đó cải thiện hơn về chất lượng thịt của tôm nuôi.

Ở Việt Nam, đa số người nuôi thường rất ít quan tâm đến các cách thức cho ăn trong nuôi tôm. Cứ theo truyền thống xưa nay làm theo mà không biết rằng số lần hay còn gọi là tần suất lại rất quan trọng với việc tiêu hóa và chất lượng tôm nuôi. Hy vọng trong tương lai gần sắp tới, việc thay đổi tần suất cho ăn này sẽ được áp dụng và mang lại những hiệu quả tích cực hơn cho bà con nuôi tôm.

Hà Tử – https://tepbac.com/

Diễn biến thị trường tôm ngày càng khó dự đoán

Dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng cung – cầu trên thị trường tôm trở nên bất ổn, khiến thị trường ngày càng khó dự đoán. Cùng với biến động trong sản xuất, dịch Covid-19 cũng tạo ra những thay đổi lớn về tiêu thụ mặt hàng tôm.

Diễn biến thị trường tôm ngày càng khó dự đoán

Theo Siam Canadian, dịch Covid-19 dự báo làm giảm nguồn cung tôm nuôi của Ấn Độ khoảng 20 – 30% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn khoảng 450 – 525 nghìn tấn; sản lượng tôm thẻ và tôm sú của Việt Nam dự báo giảm 5 – 10% xuống còn 600 – 650 nghìn tấn; sản lượng tôm Thái Lan dao động trong khoảng 220 – 250 nghìn tấn, giảm so với mức 250 nghìn tấn của năm 2019.

Tại Ấn Độ, dịch Covid-19 làm gián đoạn sản xuất và khiến nông dân do dự thả nuôi trong các tháng đầu năm do lo ngại giá cả và nhu cầu thị trường giảm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hoạt động thả nuôi tôm tại Ấn Độ đã được nối lại, đặc biệt là tại Andhra Pradesh. Sản lượng tôm Ấn Độ dự kiến sẽ cải thiện từ cuối tháng 8/2020.

Tại In-đô-bê-xi-a, sản lượng tôm năm 2020 có khả năng tương đương năm 2019 ở mức 400 – 450 nghìn tấn.

Nhìn chung, dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng cung – cầu trên thị trường tôm trở nên bất ổn, khiến thị trường ngày càng khó dự đoán. Cùng với biến động trong sản xuất, dịch Covid-19 cũng tạo ra những thay đổi lớn về tiêu thụ mặt hàng tôm.

Tại Hoa Kỳ, ngành dịch vụ ăn uống ít có khả năng phục hồi trở lại, trừ phân khúc mua hàng mang đi hoặc giao hàng tận nơi, thay vào đó doanh số bán lẻ hàng thủy sản tăng.

Tại EU, doanh số bán lẻ không mạnh như tại Hoa Kỳ, dịch vụ ăn uống sẽ phần nào khôi phục, nhưng chậm.

Các nước sản xuất tôm tại châu Á cũng đang tăng tiêu dùng tôm. Trung Quốc là nước nhập khẩu và tiêu dùng tôm lớn nhất thế giới, trong khi từng là nước xuất khẩu tôm lớn.

Tiêu dùng tôm nội địa của Ấn Độ cũng đang được thúc đẩy và có tiềm năng lớn với dân số 1,4 tỷ dân. Tiêu dùng nội địa tại Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Bra-xin và các nước khác cũng tăng lên.

Hà Anhttp://tapchicongthuong.vn/

Cà Mau: Tôm thẻ cỡ lớn tiêu thụ chậm

Tình hình dịch bệnh bùng phát khiến các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc và một vài nước EU… chưa thể mở cửa. Đây là nơi tiêu thụ tôm giá trị cao, tôm cỡ lớn. Mặt khác, tuy hệ thống siêu thị vẫn tiêu thụ tốt, nhưng do hạn chế thu nhập nên phần nhiều người tiêu dùng tìm thực phẩm giá vừa phải, tôm cỡ nhỏ hơn.Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết, thị trường tiêu thụ chưa phục hồi nên hiện nay tôm thẻ nguyên liệu cỡ lớn giảm giá. Một số công ty chế biến xuất khẩu thu mua tôm cỡ lớn nhất 20 con/kg (loại A1) giá 187.00 đ/kg và (loại A5) 174.000 đ/kg, giảm 2.000 đ/kg so cuối tháng 6 và giảm thấp hơn 1.000 đ/kg so cùng kỳ 2019.

Tôm các loại cỡ từ 50 – 80 con/kg giá từ 92.000 – 106.000 đ/kg đến 109.000 – 122.000 đ/kg, giảm bình quân 2.000 đ/kg so cuối tháng 6/2020 và thấp hơn so cùng kỳ năm 2019 từ 7.000-11.000 đến 15.000 đ/kg. Trong khi đó, các loại tôm cỡ nhỏ từ 90-100 đến 130 con/kg hiện có giá tương đối ổn định, từ 75.000-89.000 đ/kg đến 86.000-100.000 đ/kg, so với cùng kỳ năm 2019 còn thấp hơn từ 1.000 đ/kg đến 4.000-7.000 đ/kg.
dg

Tại Cà Mau tôm thẻ cỡ lớn tiêu thụ chậm
Theo nhận định của một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở vùng bán đảo Cà Mau: Tình hình dịch bệnh bùng phát khiến các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc và một vài nước EU… chưa thể mở cửa. Đây là nơi tiêu thụ tôm giá trị cao, tôm cỡ lớn. Mặt khác, tuy hệ thống siêu thị vẫn tiêu thụ tốt, nhưng do hạn chế thu nhập nên phần nhiều người tiêu dùng tìm thực phẩm giá vừa phải, tôm cỡ nhỏ hơn.

Dự báo của giới doanh nghiệp, hiện nay tôm sú cỡ lớn giá giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp có tiền đón gió, mua trữ. Song, còn tùy vào yếu tố thị trường Trung Quốc phục hồi chậm nên còn hàng tồn kho.Từ nay cuối năm, cung tôm Việt không mạnh, nhưng tôm từ Ấn Độ có thể nhiều hơn. Giá sẽ không giảm hơn và có xu hướng tăng nhẹ cho tôm cỡ 40 con/kg xuống cỡ nhỏ hơn.

Không chỉ tiêu thụ tôm thẻ cỡ lớn gặp khó, hiện nay có khoảng 19.000 tấn tôm đang tồn đọng trong các kho của doanh nghiệp. Việc này cũng đã làm giá tôm xuống thấp và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Cụ thể vào ngày 6/7 tại Hội nghị Tỉnh ủy Cà Mau lần thứ 27, khóa XV về việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm và phương hướng thời gian tới, Tỉnh ủy Cà Mau cho biết: Hạn hán nặng nề trong mùa khô vừa qua đã làm 25.600 hecta tôm nuôi bị nhiễm bệnh nhưng sản lượng thủy sản của tỉnh Cà Mau vẫn đạt khoảng 293.000 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành thủy sản đang gặp khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh hiện đạt hơn 374 triệu USD, giảm hơn 12% so với cùng kỳ.

Đáng nói, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và xuất khẩu vẫn bị ách tắc. Do đó có khoảng 19.000 tấn tôm đang tồn đọng trong các kho của doanh nghiệp. Thực trạng trên đã làm giá tôm xuống thấp và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, xuất khẩu tôm từ đầu năm đến nay chựng lại do ảnh hưởng dịch Covid-19, tuy nhiên theo dự báo sẽ phục hồi sau đó và tăng tốc vào thời điểm cuối năm 2020.
 Minh Nhật – https://thuonghieusanpham.vn/

Thanh Hóa: Đào đê biển, đục tường chắn sóng để… nuôi tôm

Người nuôi tôm ở phường Hải Thanh đục thủng tường chắn sóng đê biển, đào bới đường giao thông, xả thải trực tiếp ra biển…
TIEUDE_BAIVIET_KHONGDAU
Những “lô cốt” máy bơm hút nước biển và xả nước thải qua đường ống nhựa xuống biển

Tuyến đê biển bị đục thủng tường chắn sóng, nước thải tôm đổ trực tiếp ra biển và đường giao thông bị đào bới là những gì đang hiện diện ở phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa).

Xả thải trực tiếp ra biển

Những ngày đầu tháng 7, có mặt tại tuyến đê biển ở phường Hải Thanh, PV Báo Giao thông ghi nhận tình trạng người dân nuôi tôm tự phát cho lắp đặt hàng loạt đường ống nhựa xuyên qua tường chắn sóng, trườn dài trên mặt đê rồi kéo thẳng ra vùng có nước biển khoảng 200m. Việc lắp đặt này chủ yếu phục vụ cho hoạt động lấy nước biển và xả thải từ các đầm tôm ra biển.

“Vùng biển ở đây có bãi cát dài và đẹp có thể làm du lịch, tắm biển nhưng bây giờ thì nước đã bị ô nhiễm vì gần 100 hộ dân nuôi tôm ngày nào cũng xả thải trực tiếp ra biển. Càng ngày càng có nhiều hộ nuôi tôm, tuyến đê và đường thì bị đục, đào bới, mùa mưa bão rất đáng lo”, anh T., nhà ở phường Hải Thanh cho hay.

Theo quan sát, các hộ nuôi tôm không nằm ngay bờ biển hay nằm trong quy hoạch vùng nuôi, mà nằm phía trong khu dân cư, tập trung nhiều ở thôn Thượng Hải, Thanh Đông, Thanh Xuyên. Nhà nào nuôi thì tự đào ao, xây bể để nuôi. Ai không có đất thì thuê đất để nuôi. Nhưng một điểm chung đó là nguồn nước mặn buộc phải lấy từ biển vào và đều xả thải ra biển qua hệ thống đường ống ngầm tự làm.

Cụ thể, để có nước, các hộ phải đầu tư hàng chục triệu đồng mua ống nhựa cỡ lớn, lắp đặt hệ thống bơm, hút ngay chân tường chắn sóng của đê. Có hộ đục thủng tường để dẫn ống, có hộ lắp vòng qua tường chắn sóng của đê rồi xả nước ô nhiễm ra biển.

Khó xử lý triệt để?

TIEUDE_BAIVIET_KHONGDAU
Rất nhiều ống nhựa dẫn nước chạy thẳng ra bờ biển

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch UBND phường Hải Thanh cho biết: “Đúng là hiện nay trên địa bàn xuất hiện mô hình nuôi tôm tự phát của nhân dân nên xảy ra tình trạng vi phạm quy hoạch vùng nuôi, vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm đê điều và dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường”.“

Tuyến đê biển Hải Thanh dài 2.585m và kéo dài 459m về phía núi, có chức năng chống xói lở bờ biển, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân phường Hải Thanh; đồng thời tạo tuyến đường kiểm tra, cứu hộ, cứu nạn khi mưa bão, đáp ứng yêu cầu giao thông nông thôn. Tuyến đê đã được nâng cấp năm 2006 với tổng số tiền đầu tư là 53,175 tỷ đồng.”


Theo ông Chung, việc nuôi tôm tự phát xuất hiện đầu tiên vào năm 2017 với 1 hộ dân nhưng đến nay đã có 71 hộ nuôi tôm do lợi nhuận thu về cao trong khi nghề khai thác, đánh bắt thủy sản của bà con không phát triển, gặp nhiều khó khăn.

“Hải Thanh không nằm trong quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản nên việc nuôi tôm ồ ạt dẫn đến vi phạm quy hoạch và xây dựng không phép. Từ đó, cũng dẫn đến vi phạm Luật đê điều do các hộ dân có hành vi đào đường ven đê, đục tường chắn sóng, đặt ống nhựa xuống cống thoát nước để lấy nước và xả thải ra. Các cơ quan chức năng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Hạt Đê điều, UBND thị xã Nghi Sơn cũng đã nhiều lần về kiểm tra để có hướng xử lý”, ông Chung cho hay.

Tính đến thời điểm hiện tại, UBND phường Hải Thanh đã lập biên bản xử phạt hành chính về lĩnh vực phòng chống thiên tai, đê điều là 73 trường hợp. Kiến nghị UBND thị xã Nghi Sơn xử phạt 13 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đất đai và giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, thực tế việc xử phạt cho có “lệ” vì sau xử phạt, các hộ dân vẫn đồng loạt vi phạm mà không hề tháo dỡ, khắc phục hậu quả. Lý giải thực trạng “phạt cho tồn tại” này, ông Chung cho hay: “Bây giờ mà thực hiện cưỡng chế, cắt ống thì tôm sẽ chết ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Kinh tế ngành nghề truyền thống gặp khó khăn, người dân thay đổi mô hình và đạt hiệu quả nhưng lại vi phạm các quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên cấp trên xem xét để có giải pháp chứ ở cấp dưới thì rất khó để đưa ra giải pháp nào vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật”, ông Chung nói.

Phúc Tuấnhttps://www.baogiaothong.vn/