Từ chục năm trước, tôm thẻ chân trắng được phép nuôi ở ở các tỉnh đồng bằng Cửu Long. Với ưu thế mau lớn, năng suất cao, nuôi ngắn ngày hơn tôm sú và được quảng bá là chống chịu tốt hơn sự biến động của môi trường, tôm thẻ chân trắng đã được người nuôi đón nhận và diện tích nuôi đã tăng lên liên tục, đến nay chạm ngưỡng một trăm ngàn hecta. Tuy nhiên, thời gian qua, người nuôi tôm bị thua thiệt nặng nề. Nguyên do tôm bị dịch bệnh tấn công và giá tôm trồi sụt thất thường. Việc tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình hình trên trở thành nhu cầu bức xúc, tiếp sức người nuôi trong lúc khó khăn này và góp phần đưa ngành tôm phát triển ổn định và bền vững hơn.
Muốn tăng hiệu quả nuôi tôm cần xem xét yếu tố khách quan là giá cả thị trường và yếu tố chủ quan là việc thực thi thả nuôi…
Cách tiếp cận yếu tố tác động giá thành nuôi tôm qua kết quả cuối cùng theo kinh nghiệm dân gian
Kết quả cuối cùng muốn nói ở đây là tỷ lệ thu hồi con giống thả nuôi, sản lượng thu hoạch và tỷ lệ ao nuôi thành công.
Kinh nghiệm dân gian xếp mức tác động thành công ao nuôi tôm là nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ (con giống, nước, thức ăn, chăm sóc). Tương ứng bên trồng trọt là nước, phân, cần, giống. Giống nhau ở tầm quan trọng có 4 yếu tố giống nhau, khác nhau ở cách xếp thứ bậc. Không có một nghiên cứu đầy đủ nào, nhưng người nuôi tôm có kinh nghiệm hay cho rằng con giống chiếm hơn phân nửa yếu tố thành công nuôi tôm. Sự tán thành của số đông ngầm trở thành điều hiển nhiên! Con tôm giống tốt, khoẻ mạnh, dễ vượt qua các yếu tố bất lợi của môi trường, chống chọi tốt với dịch bệnh.
Tỷ lệ thu hồi con giống cao chứng tỏ con giống tốt. Tỷ lệ thu hồi con giống cao dẫn đến năng suất cao. Nếu tôm giống tốt mau lớn thì năng suất càng cao. Năng suất càng cao thì giá thành hạ. Mặt khác, con giống tốt, rủi ro giảm, ao bị thiệt hại giảm, tỷ lệ ao nuôi thành công sẽ tăng lên. Tổng thể 2 yếu tố tỷ lệ thu hồi và tỷ lệ ao nuôi thành công cùng xảy ra thì giá thành tôm nuôi trong trại nuôi tôm càng giảm xuống, vô cùng lớn. Hai yếu tố này xuất phát từ nguồn gốc con tôm giống khoẻ mạnh. Cho nên tôi rất tán thành bài viết của TS Hoà và KS Hoàng là giảm giá thành cho nuôi tôm cần tập trung việc gia tăng năng suất ao nuôi và tỷ lệ ao nuôi thành công. Muốn vậy, yếu tố tập trung chú trọng chính là con giống.
Tìm hiểu trong thực tế, giá thức ăn tôm ta xoay 1 USD/kg, ngang ngửa các nước khác. Tuy nhiên, do thiếu vốn, người nuôi tôm phải mua qua sự đầu tư của thương lái, giá tăng lên khoảng 30%. Thức ăn chiếm từ 50-60% giá thành. Như vậy, do thiếu vốn, chấp nhận mua thức ăn trả sau giá cao đã làm tăng chi phí nuôi tôm lên ít ra 15%.
Tổng hợp các góc độ phân tích trên, cho thấy các yếu tố tác động mạnh nhất đến giá thành tôm nuôi ta là:
+ Con giống: Con giống tốt, khỏe, kháng thể tốt, mau lớn làm tăng tỷ lệ thu hồi, tăng năng suất ao nuôi, tăng tỷ lệ ao nuôi thành công. Ngược lại sẽ làm giá thành nuôi tôm tăng cao. Đây là yếu tố tác động lớn nhất giá thành tôm nuôi. Tuy nhiên, bản thân con giống, dù chiếm tỷ lệ thành công cao nhất cho ao nuôi nhưng để yếu tố con giống phát huy, cần có sự đồng bộ các yếu tố khác như nước sạch, thức ăn tốt và chăm sóc đúng cách, xử lý các trục trặc kịp thời. Thiếu sự đồng bộ này thì yếu tố con giống sẽ mất ý nghĩa.
+ Vốn (thức ăn): Do thiếu vốn, mua vật tư đầu vào qua trung gian đầu tư, khiến giá tăng vài chục phần trăm. Nếu mua ứng trước cả giống và hóa chất (chiếm hơn 70-75% giá thành với giá đầu tư bị nâng cao hơn 30%) thì giá thành tôm hộ nuôi nhỏ lẻ cao hơn giá thành các trang trại nuôi trên 20%. Như vậy, nuôi tôm trúng các hộ nuôi nhỏ lẻ cũng không thu bao nhiêu đồng lời. Điều này, hiện nay khá phổ biến ở các hộ nuôi nhỏ lẻ.
+ Các yếu tố khác tác động không ít, nhưng tỷ lệ không bằng khi so sánh hai yếu tố trên như đủ nước sạch, thức ăn chất lượng, kỹ thuật chăm sóc…
Từ nhận định trên, giải pháp để tăng hiệu quả trong nuôi tôm, để giảm giá thành nuôi tôm đưa ra là:
– Phải tăng cường kiểm soát các trại sản xuất, cung ứng tôm giống; bảo đảm sạch bệnh là yếu tố tiên quyết. Hiện nay tôm giống có mầm bệnh vi bào tử trùng còn khá cao, đây là vi khuẩn chưa có phác đồ điều trị, chỉ có giải pháp phòng bệnh. Kiên quyết xoá tình trạng tôm giống trôi nổi. Hiện nay cả nước còn trên 2.000 cơ sở sản xuất tôm giống, trong đó tôm sú nhiều hơn. Cơ quan chức năng làm sao đủ nhân lực giám sát nổi. Ngành sản xuất tôm giống phải là ngành hoạt động có điều kiện, chớ không thể quá dễ dãi như hiện nay. Lâu dài, ngành phải thúc đẩy mạnh hơn chương trình gia hoá tôm bố mẹ nhằm tạo điều kiện ngành tôm phát triển chủ động và bền vững hơn.
– Ngành nên chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm trọng điểm như điện, đường, nước… Trong đó thuỷ lợi cho nuôi tôm hết sức căn bản nhằm tránh nhiễm chéo. Nước sạch là yếu tố căn bản thứ hai tác động sự thành công trong nuôi tôm. Điện để tiến hành nuôi ao bạt đáy, siêu thâm canh…
– Quan tâm tín dụng trong lĩnh vực nuôi tôm: Dẫu biết rằng giấy đất của đại đa số người nuôi tôm đang được ngân hàng thương mại “bảo quản” do thời gian nuôi thua lỗ thời gian qua. Nhưng há lẽ kéo dài tình trạng này sẽ không tạo ra của cải và không giải quyết được các tồn đọng. Phải có một lối thoát nào đó cho người nuôi tôm, chủ yếu từ ý chí ngân hàng thương mại và chính sách của Chính phủ.
Tóm lại, thời gian hiện nay, ai cũng cho rằng giá tôm nuôi ta cao quá, hơn nước ngoài cả đô la mỗi kg. Thậm chí có người còn cho rằng là cao nhất thế giới! Nhiều ý kiến cho rằng tại giá con giống cao, giá thức ăn cao… Nhưng phân tích chiều sâu cho thấy giá cả con tôm giống không tác động đáng kể, chính chất lượng con tôm giống mới là yếu tố tác động cơ bản nhất tới giá thành nuôi tôm, thông qua tác động năng suất ao nuôi và tỷ lệ ao nuôi thành công. Giá thức ăn có tác động khá mạnh giá thành tôm nuôi, nhưng cái gốc vấn đề là do thiếu vốn phải mua qua trung gian, chớ giá gốc thức ăn ở mức bình thường. Giải pháp đã nêu như trên. Mọi sự vật qua lăng kính góc nhìn sẽ có hình ảnh không như nhau. Phân tích yếu tố tác động giá thành tôm nuôi ta cũng vậy. Hy vọng bài viết này góp phần làm sáng tỏ hơn, từ đó có giải pháp tương ứng. Và chỉ khi khám đúng bệnh mới có thuốc trị phù hợp!
Nguồn: VASEP