Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Vì sao RAS vẫn thất bại?

hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn RAS
Vì sao mang lại nhiều lợi ích mà hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn RAS vẫn chưa thật sự phát triển?

Nói đến tương lai ngành nuôi trồng thủy sản thì RAS chính là sự lựa chọn tất yếu, nhưng dù đã có từ lâu, RAS vẫn chưa được phát triển rộng rãi và tập trung đầu tư.

Cùng với sự phát triển xã hội và thời đại 4.0, ngày càng có nhiều đổi mới theo hướng công nghệ kết nối nhằm giảm sự vất vả của nhân công và có thể quản lí mọi hoạt động tốt hơn, liên kết hơn. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng không ngoại lệ, hiện nay các trang thiết bị, các quy trình kĩ thuật đến hình thức nuôi cũng liên tục được hiện đại hóa và cập nhật, đáp ứng các thách thức đến từ xã hội, thời đại và môi trường.

Từ các quy trình nuôi trong ao đất đến ao lót bạt rồi đến nuôi trên các ao/bể nổi,…đã cho thấy sự thay đổi để thích ứng với điều kiện thực tế rằng diện tích đất đang ngày càng thu hẹp và nhu cầu về sản lượng lại tăng cao. RAS (hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn) cũng là hình thức nuôi được áp dụng nhằm bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên cho chúng ta.

Vì sao nuôi trồng thủy sản thu hút các nhà đầu tư

Con người ngày càng có nhiều sự quan tâm hơn đến lĩnh vực nông nghiệp và mặt hàng nông sản trong suốt 15 năm qua, và sự quan tâm dành cho nuôi trồng thủy sản là điều mở rộng hiển nhiên. Một điều thu hút các nhà đầu tư chính là sản lượng hợp lí và bền vững khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên cũng sẽ có nhiều nhà đầu tư không muốn bỏ một số vốn khá lớn trong thời gian dài vào lĩnh vực này. Vì vậy cần có sự làm việc cùng nhau giữa bên đầu tư và dự án.


Nuôi cá hồi trong hệ thống RAS

Thời điểm này chính là cơ hội lớn để đầu tư vào nuôi trồng thủy sản trên ao/bể nổi hay các trang trại nuôi được kiểm soát môi trường bằng các yếu tố vĩ mô. Những con số về cung và cầu của thủy sản trong thập kỉ vừa qua chính là động lực to lớn nhất về kinh tế. Ngoài ra, một điều đáng được chú ý chính là khả năng cầu vượt xa nguồn cung, điều này sẽ tác động không chỉ đến giá của sản phẩm mà còn đến giá trị hạn ngạch (về cả khai thác và nuôi trồng). Thêm vào đó đây cũng là thời điểm mà đường cong biểu thị chi phí và kinh nghiệm giao nhau. Những điều trên có tác động làm các chi phí tương đối của RAS giảm xuống đồng nghĩa các dự án sẽ khả thi hơn. Thực tế, hệ thống RAS ngày càng chứng minh về khả năng hoạt động rất tốt, chúng sẽ mang lợi nhuận đến người nông dân.

Tại sao các dự án RAS đều thất bại trong thập kỉ qua?

Có nhiều lí do để dẫn đến thất bại! Thứ nhất, sản xuất các loài cá không cung cấp cho thị trường nội địa. Thứ hai, người nuôi quá lạc quan vào việc sẽ đạt được gì đã làm họ không nhìn nhận được những thực trạng hiện hành của sản xuất. Thứ ba, những công nghệ được sử dụng đôi khi lại không phù hợp với loài nuôi hoặc môi trường nuôi. Thứ tư, chính là sự gián đoạn trong quá trình quản lí và vận hành. Để có thể vận hành thành công cần nhiều yếu tố phối hợp với nhau. Điều đó bắt đầu từ thị trường, sau đó là về nhân sự, công nghệ được lựa chọn, tài chính dự án cũng không kém phần quan trọng.

Những thách thức chúng ta sẽ gặp phải khi đầu tư vào RAS trong thời gian sắp tới

Để sản xuất được số lượng lớn cá với giá trị mà người tiêu dùng có thể chi trả thì cần giảm chi phí xây dựng dự án (điều tất yếu và có thể dự đoán được). Vậy thì vấn đề là chúng ta sẽ chi bao nhiêu tiền để có thể sản xuất 1 tấn sản phẩm, số chi phí này có thể giảm không? Để làm được đòi hỏi sự minh bạch từ các bên liên quan sản xuất về những gì hoạt động, không hoạt động và tại sao. Đồng thời, hệ thống RAS là một công nghệ cao đòi hỏi nhân sự giàu kinh nghiệm, những người phải học hỏi làm sao để giải quyết các vấn đề xảy ra hằng ngày trong các khâu thiết kế, vị trí và hoạt động máy móc,…. Tất cả những điều trên có thể xảy ra cùng lúc và đòi hỏi chúng ta phải vượt qua.

Ví dụ điển hình về một chủ đầu tư tập trung vào hệ thống RAS

Công ty Devonian Capital – doanh nghiệp đầu tư quốc tế và các dự án nuôi trồng thủy sản trên các ao/bể nổi và RAS. Devonian Capital đã sớm đầu tư vào hai dự án là Finger Lakes Fish (localCoho) tập trung nuôi cá hồi Coho và Waterfield Farms nuôi cá rô phi, tôm và các sản phẩm hữu cơ khác. Cả 2 dự án này đều nằm ở Mỹ.


Hệ thống nước chảy tại LocalCoho.

Bên cạnh sự đầu tư về tài chính, Devonian Capital còn cung cấp công nghệ và sự quản lí (họ có kinh nghiệm trong việc quản lí các trang trại nuôi từ sự vận hành đến công ty, bao gồm Ras, ao và lồng bè). Những đầu tư này chính là gửi các kỹ sư giỏi về RAS đến các hộ dân hay các doanh nghiệp khác nhằm thảo luận về hoạt động và chiến lược thương mại. Có thể xem Devonian Capital như một cổ đông hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động.

Sản lượng thu mua cá hồi của công ty gia tăng đáng kể từ đó quy mô của những trang trại nuôi cá hồi sau mỗi mùa vụ cũng dần lớn rộng hơn. Như dự án của Atlantic Sapphire tại Miami đã thu hút sự chú ý của nghành công nghiệp thủy sản, dự án nuôi cá hồi trong nhà trên cá bể nổi và hoạt động trên hệ thống tuần hoàn RAS.

Chúng ta có thể dự đoán sự phát triển của nuôi trên ao/bể nổi và RAS sẽ phát triển như thế nào

Theo Devonian Capital, đây là lĩnh vực tiềm năng và sẽ phát triển, những dự án mẫu như LocalCoho và Waterfield Farms đã chứng minh việc mang lợi nhuận vững chắc đến với các nhà đầu tư. Đây cũng là tiền đề hướng đến phát triển bền vững và truy xuất nguồn gốc. Một bước tiến trong cuộc cách mạng thích ứng và bảo vệ môi trường lại có thể áp dụng các công nghệ thời đại nhằm đáp ứng áp lực về thực phẩm của người tiêu dùng.

Triệu –https://tepbac.com/

Nhộn nhịp không khí thu hoạch tôm đêm

Chợ đầu mối thủy sản
Chợ đầu mối thủy sản tại xã Kim Đông hoạt động nhộn nhịp từ 22 giờ tối đến tờ mờ sáng hôm sau.

Thiên nhiên ưu đãi mảnh đất Kim Sơn, mỗi năm ban tặng cả trăm ha đất phù sa lấn biển. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, ba tuyến đê là Bình Minh 1, Bình Minh 2 và Bình Minh 3 lần lượt được xây dựng, từ đó hình thành nên những vùng nuôi trồng thủy sản trù phú. Vào mùa thu hoạch tôm cuối tháng 6, đầu tháng 7, không khí ở đây trở nên sôi động, náo nhiệt khác thường, đặc biệt là vào ban đêm.

Để “mục sở thị” không khí thu hoạch tôm đêm, chúng tôi phải có mặt ở xã Kim Đông từ 1 giờ sáng. Anh Hải – cán bộ của Trạm thủy sản Kim Sơn-Yên Khánh – người dẫn đường cho chúng tôi giải thích: “Sở dĩ bà con phải thu hoạch đêm vì lúc này nhiệt độ thấp, hạn chế được sự sốc nhiệt cho tôm, hơn nữa là để sớm mai thương lái kịp mang đi bán tại các chợ xa”.

Chạy dọc tuyến đê Bình Minh 3, một bên là những rừng sú vẹt đang mùa hoa, một bên là những vuông tôm san sát. Trong không khí tĩnh lặng của buổi đêm, nghe rõ cả tiếng cánh quạt tạo oxy xé nước quay rào rạt, thi thoảng lại thấy ánh đèn pin loang loáng trên mặt nước. “Bà con đang đi đổ lú thu tôm đấy! Hiện nay con tôm được nông dân ở đây nuôi tôm với nhiều hình thức: quảng canh, thâm canh, công nghiệp, xen canh, hay nuôi ghép nhiều loại (tôm – cá diêu hồng, tôm- cua xanh).

Mỗi loại hình thả nuôi đều có những lợi thế riêng và cách thu hoạch cũng rất khác biệt. Nuôi quảng canh thì bà con thường sử dụng lú để thu tỉa, bán lai rai, còn nuôi thâm canh thì quây lưới, bán cả ao luôn”, anh Hải cho biết.

Dừng xe ghé vào một vuông tôm ngay sát chân đê, được hẹn trước, nên ông chủ tên Vinh lanh lẹ chèo con thuyền làm bằng 1 tấm xốp lớn ghé vào bờ đón chúng tôi. Anh tươi cười: “Chiều rải lú, giờ mình đang đi đổ tôm để vợ kịp mang bán cho đám cưới trên phố”.

Trải nghiệm chòng chành trên chiếc thuyền cùng ngư dân đi thu hoạch tôm quả thật rất thú vị. Bầu trời đầy sao, gió mát, tiếng mái chèo khua xuống mặt nước róc rách, tiếng tôm bật lách tách cực kỳ vui tai. Tôi cứ thắc mắc tại sao chỉ cần chiếc đèn pin nhỏ trên đầu trong khi trời tối om mà họ vẫn có thể tìm được chính xác vị trí đặt lú, thoăn thoắt nhấc lú, đổ tôm, rồi xếp gọn lú lại.


Người dân tất bật thu hoạch tôm để kịp mang ra chợ đầu mối bán.

Anh Vinh tâm sự: mình làm tôm 20 năm nay rồi, mọi công việc giờ đã thành phản xạ tự nhiên. Nuôi quảng canh như này không được nhiều tiền nhưng cũng chẳng lỗ bao giờ. Gia đình có gần 2 ha đầm, thả kiểu lứa nọ gối lứa kia, nên vào mùa này hầu như ngày nào cũng có thu, mỗi ngày 5 – 10 kg tùy theo khách đặt. Riêng cái ao này mình thả giống từ tháng 2, giờ tôm đã xuống cỡ 20-30 con/kg, bán được giá nên mỗi ngày vợ chồng bỏ túi 2-3 triệu là bình thường.

Chia tay anh Vinh, chúng tôi di chuyển sang một trại tôm khác. Đây là một trại tôm công nghiệp, quy mô lớn hơn nên không khí nhộn nhịp hơn nhiều, điện sáng trưng. Rất đông nhân công đã sẵn sàng cho việc thu hoạch.

Một nam thanh niên cho biết: Tháng 6, tháng 7 là chính vụ thu hoạch tôm, một ngày có khi có tới 30-40 hộ cùng thu hoạch. Vì thế, những người làm thuê như chúng tôi làm không hết việc, cả tháng không nghỉ ngơi nhưng vẫn vui bởi có nhiều việc đồng nghĩa với bà con mình trúng mùa.

Riêng ông chủ trại tôm thì hồ hởi: “Trông mặt ao tĩnh lặng thế thôi nhưng dưới đó là hơn 4 tấn tôm đang chờ được kéo lên. Năm nay tiêu thụ có đôi chút khó khăn, giá giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng bù lại tôm không bị dịch bệnh, sản lượng tốt nên trại vẫn lãi khá. Đợt nuôi đầu tiên này mình thu được gần 30 tấn rồi, còn vài tấn nữa đang bán nốt để dọn ao, 5 ngày nữa trại tiếp tục vào lứa giống mới”.

Ngoài việc thương lái đánh xe đến tận các trại tôm để mua trực tiếp, ở Kim Sơn còn có hẳn một chợ đầu mối thủy sản tại xã Kim Đông để các tiểu thương trao đổi, mua bán. Những ngày này, chợ họp tấp nập từ 10 giờ tối kéo dài đến tận mờ sáng hôm sau.

Ở đây người ta bán khá nhiều loại hải sản, nhưng chủ đạo vẫn là tôm: tôm thẻ, tôm sú, tôm nuôi quảng canh, tôm nuôi công nghiệp. Dường như, người bán, người mua ở đây quá quen nhau, đã gây dựng được chữ tín trong mua bán, nên việc giao dịch diễn ra chóng vánh, gọn gàng. Tôm từ đầm, ra chợ rồi cứ thế được đưa vào các thùng xốp, thùng nhựa, đóng đá, chạy sủi chằng trên những chiếc xe máy hoặc cho lên xe tải và tỏa đi khắp nơi để tiêu thụ.

Chị Xuyến, một tiểu thương ở Cồn Thoi đã gắn bó với ngôi chợ này gần 20 năm, cho biết: Cứ ở đầm có gì mình mua cái đấy, nào là tôm, cua, cá mú, cá vược… thu gom trong các hộ dân rồi lại mang ra chợ bán lại. Cuộc sống ở đây kể cũng “dễ” lắm, không giàu được nhưng cũng chẳng đói ăn bao giờ, thả con tôm, con cua không được thì vớt cái rong cái rêu trong đầm cũng ra tiền”.

4h30 phút sáng, khi ông sao Tua Rua đã hạ thấp, chuẩn bị biến mất, phía đằng Đông bầu trời chuyển mầu rám đỏ báo hiệu mặt trời sắp mọc. Những ngư dân lao động vất vả đánh bắt hải sản đêm qua cũng bắt đầu vào giấc ngủ, chợ cũng vãn người, chúng tôi trở về thành phố kết thúc chuyến trải nghiệm thu hoạch tôm đêm cùng bà con ven biển Kim Sơn, mang theo hình ảnh về một miền quê bình yên, ấm no, căng đầy sức sống với những người nông dân mạnh dạn tìm hướng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Nguyễn Lựu – Minh Đường Báo Ninh Bình

Mỹ và Trung Quốc tăng mua tôm Việt Nam

Xuất khẩu tôm tháng 6 đạt mức tăng trưởng cao nhất từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Nhập khẩu tôm của Mỹ và Trung Quốc từ Việt Nam liên tục tăng 2 chữ số.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm trong nửa đầu năm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Riêng tháng 6 mang về 350 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,2% và là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 3.

VASEP nhận định đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn ở các thị trường xuất khẩu chủ lực. Thực tế, 2 thị trường chính yếu của tôm Việt là Mỹ và Trung Quốc lần lượt tăng trưởng 54,4% và 23% trong tháng 6.

My tang mua tom Viet bat chap Covid-19 anh 1
Xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm ghi nhận kết quả khả quan bất chấp Covid-19 còn tiếp diễn tại nhiều nước. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 323,3 triệu USD, chiếm tỷ trọng 21,6%. Theo VASEP, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tại Mỹ trong thời gian qua, nhờ sớm ổn định hoạt động sản xuất sau dịch. Trong khi nguồn cung tại Ấn Độ và Ecuador đang chịu tác động nặng nề từ Covid-19.

Các nhà chế biến và xuất khẩu tôm của Ấn Độ, Ecuador không chỉ chịu tác động bởi đơn hàng giảm, mà ngay cả hoạt động sản xuất trong nước cũng bị đình trệ do lệnh phong tỏa, dẫn đến thiếu công nhân.

Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, nước này đình chỉ nhập khẩu tôm từ 3 công ty của Ecuador vì phát hiện Covid-19 trên bao bì sản phẩm, đồng thời trì hoãn một số lô hàng từ Ấn Độ để giám sát dịch bệnh.

Bên cạnh Mỹ và Trung Quốc, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc, Anh và Canada trong tháng 6 cũng tăng trưởng 2 con số. Riêng thị trường Nhật Bản và EU ghi nhận mức giảm lần lượt là 18,3% và 7,9%.

VASEP cho rằng giá tôm Việt Nam đang có xu hướng tăng, trong khi tồn kho tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản và EU cũng không còn cao như những tháng trước. Đồng thời, mức thuế xuất khẩu tôm sang Mỹ khá thấp cùng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ giúp ngành tôm Việt Nam cạnh tranh tốt hơn ở những thị trường này.

Do đó, Hiệp hội cho rằng xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong thời gian sắp tới, có thể đạt mục tiêu 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm nay.

Lan Anhhttps://zingnews.vn/

Tôm Việt Nam hưởng lợi nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau COVID-19

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP)cho biết tháng 6/2020, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam đạt 349,9 triệu USD, tăng 19,2% so với tháng 6/2019. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 3/2020.

 Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn ở các thị trường chính.
Đáng chú ý, XK tôm Việt Nam sang hai thị trường chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc trong tháng 6 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực và dự kiến XK tôm Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng trưởng tốt trong những tháng tiếp theo.
Sáu tháng đầu năm nay, tôm chân trắng chiếm 70,1% tổng XK tôm của Việt Nam, tôm sú chiếm 18,2%, còn lại là tôm biển. Tổng giá trị XK tôm chân trắng tăng 11% trong khi XK tôm sú giảm 15%. XK tôm chân trắng chế biến (mã HS 16) và tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (mã HS 03) tăng lần lượt 18% và 6%. XK tôm sú chế biến khác (HS16) tăng 32% trong khi XK tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS03) giảm 18%. XK tôm biển khô (HS 03) tăng mạnh nhất 100%. Trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, XK tôm chân trắng có giá hợp lý tăng tốt hơn tôm sú, các sản phẩm tôm đã qua chế biến được tiêu thụ nhiều hơn so với sản phẩm tươi/sống/đông lạnh.
Không chỉ tăng XK sang Mỹ và Trung Quốc, tháng 6 năm nay, Việt Nam còn tăng XK tôm sang Hàn Quốc, Anh, Canada với mức tăng trưởng 2 con số.
Trong tháng 6/2020, trong top 4 thị trường nhập khẩu (NK) tôm chính của Việt Nam, XK tôm sang Nhật Bản và EU giảm. Nhật Bản là thị trường NK tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 18,3%. Tháng 6/2020, XK tôm sang Nhật Bản giảm 3,7% tuy nhiên nhờ tăng trưởng trong những tháng trước đó, nên XK tôm sang thị trường này trong 6 tháng đầu năm đạt 278,2 triệu USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm sang EU trong tháng 6 giảm 7,9% tuy nhiên XK sang 2 thị trường đơn lẻ trong khối là Hà Lan và Bỉ lại tăng trưởng dương lần lượt là 11% và 17%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, XK sang EU đạt 200,7 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ vươn lên vị trí dẫn đầu về NK tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 21,2%. XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 6/2020 tăng trưởng tốt 54,4% so với tháng 6/2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 323,3 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù dịch Covid-19, XK tôm Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng khá ổn định trong 6 tháng đầu năm nay.
Trên thị trường Mỹ, trong 6 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau COVID-19 trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề. Các nhà chế biến và XK tôm của Ấn Độ, Ecuador không chỉ chịu tác động bởi đơn hàng giảm mà ngay cả hoạt động sản xuất trong nước bị đình trệ do lệnh phong tỏa, thiếu công nhân trong các nhà máy do họ không đi làm vì lo ngại bị nhiễm bệnh.
Ấn Độ vẫn nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ trong nhiều năm qua, chiếm 40% tổng NK tôm vào Mỹ. XK tôm Ấn Độ sang Mỹ đã bắt đầu giảm trong tháng 5/2020 sau khi tăng trong những tháng trước đó. XK tôm Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 5/2020 đạt 8.560 tấn, trị giá 72,1 triệu USD, giảm 58% về khối lượng và 56% về giá trị so với tháng 5/2019.
Ecuador vẫn là nguồn cung tôm lớn thứ 3 cho Mỹ. Trong tháng 5/2020, XK sang Mỹ 5.773 tấn tôm, trị giá 33,6 triệu USD, giảm 25% về khối lượng và 32% về giá trị so với tháng 5/2019.
Ít nhất 17 nguồn cung đã giảm XK tôm sang Mỹ trong tháng 5/2020 so với tháng 5/2019. Một số nguồn cung như Nicaragua, Bangladesh, Saudi Arabia, Sri Lanka và Na Uy không xuất tôm sang Mỹ trong tháng 5/2020. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu (NK) tôm của Mỹ từ Việt Nam sẽ không giảm để bù đắp nguồn cung giảm từ các nguồn cung trên.
Tháng 6/2020, XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng trưởng tốt 23% đạt 57,7 triệu USD. Các nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc đều đang gặp phải các khó khăn trong XK tôm sang thị trường này. Mới đây, Trung Quốc đình chỉ NK tôm từ 3 công ty của Ecuador với lý do phát hiện virus corona trên bao bì sản phẩm. XK tôm Ấn Độ sang Trung Quốc cũng gặp khó do một số lô hàng bị trì hoãn thông quan tại các cảng Trung Quốc với lý do để giám sát COVID-19.
Giá tôm Việt Nam đã có xu hướng tăng trong tháng 6. Tồn kho tại các thị trường chính như Nhật Bản, Mỹ và EU không cao như những tháng trước đó. Do vậy, XK tôm của Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan trong các tháng tới. Nguồn: baochinhphu.vn

Các phản ứng miễn dịch của tôm thẻ khi nhiệt độ thay đổi đột ngột

Hệ thống phòng thủ của tôm sẽ có cơ chế tự chữa lành vết thương gây ra khi nhiệt độ môi trường bị thay đổi đột ngột.

Những năm gần đây, sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu đã gây không ít khó khăn đối với các mô hình nuôi trồng thủy sản. Cho dù là nóng hay lạnh thì đều có ảnh hưởng rất lớn đến tôm cá nuôi. Tăng trưởng, sự sống và sự phát triển của chúng đều sẽ bị ngưng trệ. Vì thế đã có không ít nghiên cứu tập trung chú ý đến những phản ứng của động vật thủy sản khi nhiệt độ bị thay đổi.

Sự biến động nhiệt độ một cách đột ngột sẽ ảnh hưởng rất nhanh đến tôm thẻ chân trắng, loài thủy sản thiết yếu nhất trên toàn cầu. Do tôm thẻ xuất xứ từ vùng nhiệt đới, nên khả năng chịu lạnh của chúng rất thấp. Khi đó nhiều bất thường trong các phản ứng sinh lý của cơ thể tôm sẽ diễn ra như ngừng tăng trưởng, ngừng bơi và giảm ăn một cách rõ rệt. Thậm chí tôm thẻ sẽ chết hàng loạt khi nhiệt độ xuống thấp dưới 13oC. Một cơ chế tự điều chỉnh thương tổn do tác nhân môi trường kể cả nhiệt độ đã được phát hiện. Tuy nhiên cơ chế chính xác thì chưa rõ.

Ruột là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể tôm. Ngoài tiêu hóa thức ăn và hấp thu chất dinh dưỡng thì ruột cũng tham gia và các phản ứng miễn dịch. Người ta chứng minh rằng có một mối liên kết chặt chẽ giữa các vi sinh vật đường ruột và hệ thống miễn dịch ở tôm, từ đó sức khỏe tôm có tốt, một phần cũng nhờ vào hoạt động mạnh mẽ của các probiotic này. Các yếu tố xấu từ môi trường có thể tác động rất lớn đến thành phần vi khuẩn và chức năng miễn dịch ở ruột tôm thẻ, trong đó có thay đổi độ mặn, pH hay các chất thải ô nhiễm. Nhưng riêng các phản ứng của ruột đối với sự biến động nhiệt độ thì chưa rõ ràng. Vẫn chưa biết được hệ thống miễn dịch – hàng rào phòng thủ của tôm và thành phần của probiotic khi tôm nuôi trong nước lạnh sẽ có cơ chế như thế nào?

Để trả lời câu hỏi trên, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu tập trung vào các phản ứng stress nhất định ảnh hưởng đến tôm thẻ khi nhiệt độ thấp, ở cả mức độ gen và mô. Trước đây, tôm thẻ được chứng minh là tự hồi phục thương tổn do tiếp xúc lâu dài với pH thấp. Tuy vậy cơ chế chính xác vẫn còn là một ẩn số, nhưng khi pH thấp thấy rõ số lượng gen miễn dịch trong đường ruột giảm đi một cách đáng kể. Melanin hóa xuất hiện nhiều do enzyme proPO thực hiện, đây là phản ứng thường gặp nhất của hệ miễn dịch tôm khi đối phó với bất thường. Enzyme này cũng chịu trách nhiệm chữa lành vết thương và tiêu diệt một số vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại. Trong khi hệ miễn dịch là tuyến đầu bảo vệ tôm chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh.

Khi nhiệt độ xuống thấp, khả năng phát hiện và loại bỏ mầm bệnh của tôm giảm đáng kể. Lớp chất nhầy bao phủ bảo vệ đường ruột trở nên lỏng lẻo, protein Mucin từ lớp chất nhầy giảm rõ rệt, protein này có vai trò duy trì chức năng của niêm mạc ruột và sửa chữa lớp biểu mô bị tổn thương. Các gen chống oxy hóa bị hạn chế hoạt động do kích thích từ biến động nhiệt độ. Tất cả những chứng minh trên minh họa cho vấn đề muốn duy trì sự cân bằng nội môi trong quá trình biến động của nhiệt độ thì tôm có thể huy động rất nhiều thành phần trong hệ thống phòng thủ miễn dịch của mình cùng hợp sức chống lại. Tuy nhiên việc nhiệt độ thấp làm tăng nguy cơ nhiễm kép mầm bệnh, chưa biết hệ hệ miễn dịch có đủ sức chống lại hay không?

Nhưng khi điều chỉnh nhiệt độ lên 28oC thì hầu hết các phản ứng của hệ miễn dịch đều có xu hướng hồi phục về trạng thái bình thường. Hiện tượng này khẳng định khả năng tự hồi phục đáng kinh ngạc của tôm thẻ chân trắng, sự gia tăng liên tục của protein Mucin sẽ giúp tôm chữa lành những tổn thương ở đường ruột.

Nếu con tôm có một hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh thì tổng thể sức khỏe sẽ tốt. Tuy nhiên nhiệt độ lại có khả năng làm thay đổi thành phần nhóm probiotic này, sự phong phú bị sụt giảm rõ rệt khi nhiệt độ biến động. Điều này làm tăng nguy cơ làm tôm mắc các bệnh đường ruột. Cụ thể khi tôm thẻ nhiễm khuẩn vibrio hay virus đốm trắng thì thành phần của nhóm vi sinh vật này đều bị thay đổi, làm chúng bị ngưng trệ sự vận chuyển dinh dưỡng qua màng tế bào của chúng. Một số chất do vi sinh vật tiết ra có thể góp phần vào sự điều hòa chuyển hóa năng lượng cho tôm trong quá trình thay đổi nhiệt độ.

Ở tôm thẻ, chức năng của đường ruột sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các vi khuẩn, có cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây hại. Khi tôm bị stress, tồn tại nhiều vi khuẩn gây bệnh hơn là nhóm lợi khuẩn trong đường ruột. Nên khả năng phát bệnh là rất cao. Vẫn chưa biết chính xác những thay đổi ở cộng đồng vi sinh vật là nguyên nhân hay hậu quả của hệ thống phòng thủ miễn dịch, tuy nhiên không thể phớt lờ quá trình tự hồi phục của tôm thẻ, đó là một bước tiến mới để nghiên cứu thêm giúp tôm tự mình cải thiện được sức khỏe mà không cần bổ sung nhiều chất khác.

Nguồn tepbac.com

Sức đề kháng mạnh mẽ của ngành thủy sản

thu hoạch tôm
Con tôm khẳng định được sức đề kháng. Người nuôi tôm nên tập trung vào khuyến cáo lịch thời vụ của ngành chuyên môn để có vụ mùa thành công.

Mặc dù chịu tác động nặng nề từ tình hình thiên tai, dịch bệnh, song nền kinh tế của Cà Mau vẫn vững vàng vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi, giữ vững được các lĩnh vực cốt lõi là ngư – nông nghiệp.

Nỗ lực vượt khó

Hạn hán nặng nề trong mùa khô vừa qua đã làm 25.600ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh, nhưng sản lượng thủy sản của tỉnh vẫn đạt khoảng 293.000 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành Thủy sản đang gặp khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh hiện đạt hơn 374 triệu USD, giảm hơn 12% so với cùng kỳ, đạt trên 31% kế hoạch năm.

Dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và xuất khẩu vẫn bị ách tắc. Khoảng 19.000 tấn tôm đang tồn đọng trong các kho của doanh nghiệp. Thực trạng trên đã làm giá tôm xuống thấp và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Mặc dù khó khăn nhưng tỉnh Cà Mau không thay đổi các chỉ tiêu phát triển kinh tế đề ra, quyết tâm tìm ra các giải pháp để đảm bảo tăng trưởng trong tình hình mới.

Nhờ được tập huấn kiến thức về nuôi thủy sản nên thời gian qua, các mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh và siêu thâm canh của bà con nông dân ngày càng đạt hiệu quả. Cùng với nuôi thủy sản, huyện Trần Văn Thời còn có thế mạnh khai thác đánh bắt thủy hải sản trên biển. Hiện tại, toàn huyện có hơn 2.600 phương tiện khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cầu nghề cá. Trong đó, tàu có công suất trên 90CV gần 1.400 chiếc, có khả năng khai thác dài ngày trên biển; còn lại từ 20CV đến dưới 90CV là 454 chiếc.

Huyện Đầm Dơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng lớn để phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt là kinh tế thủy sản với chiều dài bờ biển khoảng 25km, có các cửa biển lớn: Gành Hào, Hố Gùi, Giá Lồng Đèn…; diện tích ngư trường trên 5.000m2, có trữ lượng thủy sản lớn và phong phú về chủng loại. Toàn huyện có 38.300ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, 2.800ha nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, do đó huyện xác định con tôm là ngành hàng chủ lực để phát triển, kết hợp với mô hình nuôi các loài thủy sản khác: Cua, vọp, sò huyết…

Ngành Nông nghiệp huyện thường trực địa bàn, cập nhật kịp thời lịch thời vụ để khuyến cáo người dân trong sản xuất; đặc biệt là đối với loại hình nuôi tôm công nghiệp thâm canh và siêu thâm canh.

Niềm tin từ EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn, dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020, sẽ tạo kỳ vọng cho con tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu nhiều hơn khi thuế giảm mạnh.

Thuế nhập khẩu hầu hết sản phẩm tôm vào thị trường châu Âu cũng sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12 – 20% xuống còn 0% ngay khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu ở Cà Mau đang tranh thủ nắm bắt cơ hội, lợi thế này để gia tăng kim ngạch xuất khẩu đối với ngành hàng tôm và một số ngành hàng chế biến xuất khẩu chủ lực khác của tỉnh.

Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Văn Đô cho biết: “Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của tình hình thế giới để tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu, trong đó có mặt hàng tôm. Bên cạnh đó, Sở sẽ có kế hoạch triển khai phổ biến, tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại, đầu tư (CPTPP, EVFTA, IPA…) mang lại để tranh thủ mở rộng thị trường, hợp tác đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội”.

Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19 để kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để chủ động kế hoạch sản xuất, chế biến các mặt hàng phục vụ xuất khẩu; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cả thị trường, trong đó có giá cả tôm nguyên liệu.

Xác định sống chung với cái khó, bằng hàng loạt giải pháp đồng bộ, ngành xuất khẩu thủy sản của Cà Mau đã chung sức vượt khó; con tôm Cà Mau đã chứng minh được sức đề kháng; ngành xuất khẩu thủy sản của tỉnh thực sự là chiếc lò xo, nén lại, giờ bật dậy mạnh mẽ.

Phú Hữu Đất Mũi

Nhật ký điện tử nuôi tôm – Giải pháp đón đầu thời hội nhập

Nhật ký điện tử nuôi tôm
Chương trình áp dụng thử nghiệm hệ thống nhật ký điện tử nuôi tôm.

Xã hội càng phát triển thì nhu cầu ngày càng cao và theo đó những yêu cầu cũng tăng dần theo thời gian. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã và đang là yêu cầu BẮT BUỘC của thị trường trong và ngoài nước, truy xuất nguồn gốc trở thành một xu hướng tất yếu của thị trường. Vậy làm gì để giúp người sản xuất quy mô nhỏ từng bước gia nhập thị trường hội nhập, đó là một câu hỏi được các bên đặt ra từ lâu.

Tôm nước lợ, bao gồm Tôm sú (P. monodon) và Tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) là đối tượng nuôi trồng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong hơn hai thập kỷ, với chủ trương thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (NQ 09/2000/NQ-CP), sự bùng nổ thị trường xuất khẩu thủy sản thế giới, và đặc biệt là sự thành công trong công nghệ sản xuất giống tôm nhân tạo, nghề nuôi tôm nước lợ của Việt Nam có bước tăng trưởng mạnh cả về diện tích và sản lượng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành thủy sản cũng như toàn bộ nền kinh tế. 

Sự phát triển của nghề nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam trong thời gian qua góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tạo nhiều công ăn việc làm cho cho trên 1,35 triệu người dân các vùng nông thôn ven biển (TCTS, 2015). Theo số liệu thống kê, năm 2019, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,36 tỷ USD, vào 102 thị trường các nước. Top 10 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam bao gồm EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN, Thụy Sỹ, chiếm 96,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Bên cạnh những thành tựu đạt được ngành tôm cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó TRUY XUẤT NGUỒN GỐC là một trong những yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu và các hệ thống chứng nhận VietGap, ASC, BAP, GlobalGAP…và trong bối cảnh hội nhập EVFTA, TPP thì yêu cầu này càng được nâng cao. Tuy nhiên năng lực áp dụng của người dân còn hạn chế.

Vậy làm gì để người tôm từng bước tham gia hội nhập? đó cũng là trăn trở của ICAFIS và nhiều bên liên quan. Từ đó, trong khuân khổ dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam – Graisea 2” do Trung tâm ICAFIS  và tổ chức OXFAM Việt Nam thực hiện trong chuỗi tôm tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, ICAFIS đã chủ động hợp tác cùng Công ty TNHH Tép Bạc phát triển và áp dụng thử nghiệm hệ thống nhật ký điện tử nuôi tôm.

Mục tiêu: Nâng cao năng lực áp dụng cộng nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiếp cận thị trường cho người nuôi tôm quy mô nhỏ.

Đối tượng áp dụng: Hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu

Thời gian thử nghiệm: 01 năm từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021

Kết quả mong muốn: Người nuôi tôm quy mô nhỏ được nâng cao năng lực, kỹ năng trong ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin vào sản xuất qua đó góp phần tăng cơ hội tiếp cận thị trường  trong quá trình hội nhập EVFTA, TPP…

Để biết thêm thông tin về Chương trình, liên hệ:

Ông Đinh Xuân Lập – Phó giám đốc ICAFIS, Email: Lap.dinhxuan@icafis.vn

Ông Trần Duy Phong – Giám đốc Công ty TNHH Tép Bạc, Email: phong.tran@tepbac.com

Chúc bà con được mùa, được giá, mọi sự tấn tới!Xuân Lập ICAFIS