Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Nuôi tôm càng xanh: Lợi nhuận thấp nhưng bền

Cuối quý III/2019, 6 thành viên của HTX Tôm – Lúa Hòa Ðê thả nuôi thử nghiệm 120.000 post tôm càng xanh toàn đực và kết quả đến thời điểm này cho thấy hầu hết đều nuôi khá thành công, dù lợi nhuận chưa cao.

Ông Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX Tôm – Lúa Hòa Đê của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Hiện tôi còn khoảng hơn 300 kg tôm càng xanh toàn đực cỡ 20 con/kg, nếu bán chắc cũng được vài chục triệu”. Cũng theo ông Hồng, vào tháng 9/2019, ông thả 30.000 post tôm càng xanh toàn đực vào ao ương diện tích 100 m2. Trong thời gian này, ông bổ sung thức ăn công nghiệp cho tôm nuôi, nên chỉ sau 1 tháng là có thể đưa tôm ra ao nuôi kết hợp với trồng lúa.

Theo đánh giá của ông Hồng, tỷ lệ sống đạt khoảng 50% như vậy là khá thành công. Tính đến tháng 2/2020, ông đã thu tỉa tổng cộng 170 kg tôm cỡ 20 – 30 con/kg và bán được giá bình quân 105.000 đồng/kg. Hiện trong ao của ông Hồng còn khoảng 300 kg tôm cỡ 20 con/kg mà bán hết ở thời điểm này, lợi nhuận cũng vào khoảng trên dưới 20 triệu đồng. “Quá trình nuôi tôi chỉ bổ sung thức ăn cho tôm giai đoạn tôm còn nhỏ, còn khi lớn thì tôm tự kiếm ăn trên ruộng lúa. Lợi nhuận từ tôm càng xanh tuy không bằng tôm thẻ hay tôm sú do giá tôm càng xanh thấp, nhưng rất dễ nuôi và chi phí đầu tư cũng thấp, chủ yếu là mua con giống” – ông Hồng tâm sự.

Ảnh minh họa

Cùng thử nghiệm nuôi tôm càng xanh toàn đực với ông Hồng còn có ông Trần Văn Tiến và theo ông Tiến, tỷ lệ sống của tôm cũng đạt khoảng 50%. Ông Tiến chia sẻ: “Nuôi tôm càng xanh này không khó, nhưng mà bán thì hơi khó vì hầu hết lái đều mua tôm ôxy, nên số lượng mỗi lần bắt không được nhiều. Hiện tại trong ao tôi vẫn còn tôm khá lớn và tôi vẫn neo đó bán dần dần, đến khi khi nào chuẩn bị thả vụ mới thì mới thu hoạch dứt điểm. Tính ra với 20.000 post, cùng tỷ lệ sống trên, sản lượng ước khoảng 200 kg thì lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng chứ không nhiều”.

Cũng theo ông Hồng cho biết, vụ tới đây HTX Tôm – Lúa Hòa Đê đang tính toán lại xem nên nuôi tôm càng xanh toàn đực tiếp tục hay nuôi tôm càng xanh loại bình thường hoặc thả nuôi cá rô phi. Bởi theo ông Hồng: “Nếu mình thả nuôi tôm càng xanh bình thường thì tỷ lệ tôm cái khoảng 70 – 80%, còn tôm đực chỉ 20 – 30%, nhưng có cái lợi là giá tôm giống rẻ và chỉ nuôi khoảng 4 tháng là có thể thu hoạch tôm trứng bán. Giá tôm trứng trên thị trường thường dao động 40.000 -50.000 đồng/kg nên tính ra cũng có hiệu quả và rút ngắn được thời gian nuôi. Riêng đối với cá rô phi, hiện HTX đang có thị trường khá tốt mặt hàng chả cá rô phi nên chúng tôi cũng định phát triển cá rô phi trên một diến tích nhất định để đa dạng nguồn thu nhập của các thành viên HTX”.

Theo ghi nhận, mặc dù diện tích nuôi tôm càng xanh của Sóc Trăng chưa nhiều so với một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL, nhưng những năm gần đây, được sự hỗ trợ của ngành, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các tổ chức quốc tế, diện tích nuôi tôm càng xanh cũng bắt đầu tăng lên, đặc biệt là tại vùng chuyên mô hình tôm – lúa. Bình quân, mỗi héc ta nuôi tôm càng xanh xen canh với lúa người nuôi có lãi từ 15 – 20 triệu đồng khi thu hoạch tôm càng xanh; còn với những năm tôm càng xanh loại 1 (10 – 15 con/kg) có giá thì mức lãi cũng khá cao. Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên, nếu Dự án Lúa thơm – Tôm sạch được triển khai, con tôm càng xanh sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn nhờ xen canh với ruộng lúa canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Nguồn : http://thuysanvietnam.com.vn/

Thị trường đang cần gì ở tôm Việt?

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, cả doanh nghiệp và người dân nuôi tôm đều gặp rất nhiều khó khăn.

Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao của Tập đoàn Việt - Úc đạt chuẩn cơ sở an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE).
Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao của Tập đoàn Việt – Úc đạt chuẩn cơ sở an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE).

Đến nay, thị trường xuất khẩu tôm đã có những chuyển biến tích cực, giá tôm nguyên liệu cũng dần tăng trở lại.

Tuy giá tôm chưa được như kỳ vọng nhưng đây là những tín hiệu tốt giúp ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm dần ổn định trở lại và phát triển trong thời gian tới. Điều cần quan tâm lúc này, đó chính là đảm bảo tôm chế biến đáp ứng các tiêu chí, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, EU…

Một vài thị trường truyền thống của tôm Việt Nam đang hồi phục và đẩy mạnh nhập tôm trở lại. Nhưng xu hướng tiêu thụ tôm đã có những thay đổi. Điển hình như việc chuộng tôm size vừa và nhỏ 15g đến 20g/con (tương đương từ 60 đến 90 con/kg), mức giá vừa phải và dễ tiêu thụ tại các thị trường bán lẻ, siêu thị…

Còn với các size lớn tầm 30g đến 40g/con (tương đương 20 đến 40 con/kg), do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các nhà hàng, khách sạn đóng cửa, nhu cầu ăn tôm lớn và giá cao hơn bắt đầu giảm. Trong khi đó, tại nước ta, tâm lý của người nuôi là thích nuôi tôm lớn vì bán được số ký nhiều.

Vì vậy người nuôi cần cân nhắc vì tôm từ 60 con/kg nuôi đến 20 con/kg thì thời gian nuôi lâu hơn, tốn lượng thức ăn rất lớn, tốn công chăm sóc mà lại rủi ro. Nếu giá đầu ra giữa 60 con và 20 con không chênh lệch nhiều thì không cần thiết nuôi đến kích cỡ lớn.

Đồng thời, nếu nuôi tôm size vừa và nhỏ thì người nuôi có thể thu hoạch nhiều vụ trong năm hơn do vòng quay sản xuất ngắn, chỉ từ 60-80 ngày.

Hướng nuôi tôm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, với size vừa phải, giá bán hợp lý.
Hướng nuôi tôm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, với size vừa phải, giá bán hợp lý.

Đây là thời điểm mà chính quyền các địa phương, doanh nghiệp đầu ngành cần có sự định hình lại thị trường phù hợp khi một số quy trình nuôi đang hướng đến tôm kích cỡ lớn, dẫn đến chi phí cao, lợi nhuận thấp.

Do đó, người nuôi phải tính toán kỹ từ việc lựa chọn tôm giống đến quy trình nuôi, trong đó tôm giống chiếm hơn 50% cho việc quyết định thành bại một vụ nuôi.

Từ sau khi Nghị định 04/2020 của Chính phủ về việc kiểm soát chặt chẽ và mạnh tay hơn với nguồn giống trôi nổi trên thị trường có hiệu lực, thì cả doanh nghiệp và bà con nuôi tôm đều hướng đến việc sử dụng các thương hiệu tôm giống lớn, lâu năm, có uy tín.

Các thương hiệu sản xuất, kinh doanh tôm giống lớn có sự đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng con giống, được xét nghiệm kỹ đảm bảo sạch bệnh 100%, tỷ lệ sống vượt trội, đồng thời số lượng mẫu nhiều, nuôi được mật độ dày, đáp ứng các kích cỡ theo nhu cầu thị trường…

Qua đó góp phần giúp người nuôi tôm tự tin hơn khi thả nuôi và có thể tính toán để đảm bảo nuôi với chi phí thấp.

Khu sản xuất giống chất lượng cao Việt - Úc đạt chứng nhận ASC, BAP, cơ sở an toàn dịch bệnh.
Khu sản xuất giống chất lượng cao Việt – Úc đạt chứng nhận ASC, BAP, cơ sở an toàn dịch bệnh.

Ngoài ra, người nuôi, doanh nghiệp ngành tôm cũng cần thường xuyên cập nhật một số bộ tiêu chuẩn gồm tiêu chuẩn “cần phải có” (còn gọi là tiêu chuẩn “cứng”) là độ tin cậy của vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm; chất lượng được bảo đảm (dinh dưỡng, màu sắc, kích cỡ, mùi, vị ) và xu hướng “muốn có” (còn gọi tiêu chuẩn “mềm”) là đạo đức, môi trường và phúc lợi xã hội (cộng đồng, người lao động…); truy xuất nguồn gốc, phát triển bền vững, bảo vệ động vật…

Các chứng nhận ASC, BAP, MSC, CoC… hiện nay chính là cơ sở để đánh giá rõ ràng nhất về hoạt động. Và một điều chắc chắn rằng thị trường nào cũng đều quan tâm, đó là sản phẩm không tồn dư lượng kháng sinh để đảm bảo không còn lô hàng bị trả về từ các thị trường nhập khẩu tôm.

Bên cạnh các tiêu chí trên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản thay đổi chuyển hướng sang chuộng các sản phẩm thủy sản đóng hộp, sản phẩm đông lạnh, sản phẩm tiện dụng, dễ chế biến tại nhà hơn so với sử dụng thủy sản tươi sống…

Việt Nam hiện đang có lợi thế kiểm soát khá tốt tình hình dịch Covid-19, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh sau dịch. Trong khi đó các đối thủ là nguồn cung ứng tôm chính cho thế giới như Ấn Độ, Ecuador vẫn phải gồng mình chống chọi với đại dịch, mà chưa thể quay lại sản xuất kinh doanh, vì vậy đơn hàng sẽ chuyển sang Việt Nam nhiều hơn.

Đồng thời, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ giúp ngành tôm Việt cạnh tranh tốt hơn ở EU, cùng với đó là thuế xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ thấp cũng là một lợi thế cho xuất khẩu tôm sang thị trường này.

Với những lợi thế trên cùng với sự nắm bắt và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường thì ngành tôm Việt Nam sẽ vươn mình mạnh mẽ và tăng tốc trong các tháng cuối năm nay để đạt mục tiêu 3,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm cho một năm 2020 nhiều khó khăn.

Bùi Tiến – https://nongnghiep.vn/

Cà Mau: Kỳ lạ, thả thứ cây này xuống vuông, tôm tỉnh như sáo, cá lại mệt lừ đừ, bắt toàn con to bự

Bao lâu nay, cũng như nhiều nông dân ở miền Tây, việc thuốc cá vuông đã thành hoạt động phổ biến không thể thiếu của người nuôi tôm quảng canh tại tỉnh Cà Mau.

Để con tôm nuôi phát triển tốt, đạt đầu con, trước khi bắt đầu thả nuôi vụ mới, bà con thường tập trung thu hoạch cá và cải tạo vuông. 

Cà Mau: Kỳ lạ, thả thứ cây này xuống vuông, tôm tỉnh như sáo, cá lại mệt lừ đừ, bắt được toàn con to bự - Ảnh 1.
Xay rễ cây thuốc cá.

Bởi vì các loại cá tự nhiên cùng sinh sống trong vuông, nhất là cá chẽm, cá măng, cá chét… sẽ ăn con tôm để sống, khiến số lượng tôm thả nuôi bị hao hụt, dẫn đến hiệu quả kinh tế của vụ nuôi không cao.

Bà con nuôi tôm thường thuốc cá mỗi năm một lần, thời điểm thuốc tùy thuộc vào điều kiện của hộ nuôi, tình trạng vuông nuôi. 

Bằng kinh nghiệm lâu đời tích lũy, bà con thường rải thuốc (rễ cây thuốc cá xay nhuyễn, không chất độc hại) để vừa diệt bớt cá tạp, bảo vệ tôm, vừa có cá bán, góp phần tăng thu nhập.

Tại tỉnh Cà Mau, cây thuốc cá được trồng nhiều tại huyện U Minh, giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, với giá bán khoảng 15.000 đồng/kg. 

Theo người dân, chất trong rễ cây thuốc cá chỉ giết chết những loài thủy sản có máu đỏ, còn những loài máu trắng như cua, tôm thì không bị ảnh hưởng. 

Cà Mau: Kỳ lạ, thả thứ cây này xuống vuông, tôm tỉnh như sáo, cá lại mệt lừ đừ, bắt được toàn con to bự - Ảnh 2.
Công đoạn tạt thuốc cá.

Khi rải nước thuốc cá này xuống mặt nước, chẳng mấy chốc, cá lớn cá bé giẫy đành đạch, rồi ngửa bụng ngất xỉu, việc vớt, bắt cá sau đó thật dễ dàng.

Vì vậy, việc dùng thuốc từ rễ cây thuốc cá để thuốc cá trong vuông chính là bí quyết độc chiêu của bà con nuôi tôm bấy lâu nay, để làm sạch vuông tôm trước khi thả nuôi vụ mới.

Cách thuốc cá cũng rất đơn giản: Sáng sớm, người dân phải canh nước ròng để tháo nước từ vuông tôm ra sông, cho đến lúc nước trong vuông chỉ còn khoảng 2 tấc. 

Thuốc cá vuông phải được thực hiện trong con nước kém (khoảng ngày 9 – 12, hoặc ngày 24 – 27 âm lịch).

Rễ cây thuốc cá mua về được xay nhuyễn, trộn với nước, rồi rải trên mặt vuông. Chỉ vài phút sau, cá ngấm thuốc sẽ bắt đầu bị ngộp, bơi lờ đờ, lúc này nông dân sẽ dùng vợt vớt cá.

Cà Mau: Kỳ lạ, thả thứ cây này xuống vuông, tôm tỉnh như sáo, cá lại mệt lừ đừ, bắt được toàn con to bự - Ảnh 3.
“Vũ điệu” những con cá khi bắt đầu ngấm thuốc.

Một số con cá còn khỏe thì vùng vẫy cho đến khi đuối sức sẽ nằm yên trên mặt bùn, bà con chỉ cần nhanh chóng đi gom cá về, phân loại và bán. 

Cà Mau: Kỳ lạ, thả thứ cây này xuống vuông, tôm tỉnh như sáo, cá lại mệt lừ đừ, bắt được toàn con to bự - Ảnh 4.
Nông dân chỉ cần nhanh chóng bắt cá bỏ vào vợt.

Sản lượng cá sau đợt thuốc nhiều hay ít tùy vào diện tích vuông tôm lớn hay nhỏ, vì đa số đều là cá tự nhiên từ sông vào vuông sinh sống. 

Với diện tích vuông khoảng 1 ha, trung bình mỗi đợt thuốc cá, bà con bán cá thu được từ 3 – 5 triệu đồng, những hộ diện tích vuông lớn thì có thể thu hàng chục triệu đồng.

Cà Mau: Kỳ lạ, thả thứ cây này xuống vuông, tôm tỉnh như sáo, cá lại mệt lừ đừ, bắt được toàn con to bự - Ảnh 5.
Đổ cá vào xuồng.
Cà Mau: Kỳ lạ, thả thứ cây này xuống vuông, tôm tỉnh như sáo, cá lại mệt lừ đừ, bắt được toàn con to bự - Ảnh 6.
Vận chuyển cá vào nhà.
Cà Mau: Kỳ lạ, thả thứ cây này xuống vuông, tôm tỉnh như sáo, cá lại mệt lừ đừ, bắt được toàn con to bự - Ảnh 7.
Phân loại cá.
Cà Mau: Kỳ lạ, thả thứ cây này xuống vuông, tôm tỉnh như sáo, cá lại mệt lừ đừ, bắt được toàn con to bự - Ảnh 8.
Thương lái đến tận nhà mua cá.

Lê Tuấn (Báo ảnh Đất Mũi)

Lên men thức ăn cho tôm thẻ chân trắng

Tôm thẻ
Sử dụng thức ăn lên men tác động tích cực đối với tôm thẻ chân trắng.

Thức ăn lên men bằng hỗn hợp vi khuẩn kích thích sự phát triển, tăng khả năng miễn dịch của tôm thẻ chân trắng.

Thức ăn công nghiệp rất giàu dinh dưỡng, nếu không được tiêu hóa và hấp thu một cách hiệu quả sẽ rất lãng phí, chính vì thế thức ăn lên men chứa men vi sinh đã trở thành một giải pháp hiệu quả cho vấn đề này trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả khi lên men cần tối ưu hóa quá trình lên men để chuyển đổi các thành phần carbohydrate thực vật khó tiêu hóa trong thức ăn công nghiệp. 

Điều kiện tối ưu của quá trình lên men thức ăn 

Thức ăn lên men trạng thái rắn thường lấy thức ăn công nghiệp làm nguyên liệu cơ bản, trộn với men vi sinh và nước, sau đó lên men trong môi trường hiếu khí hoặc kỵ khí ở nhiệt độ thích hợp. Sau khi lên men, thức ăn được sấy ở nhiệt độ 60oC trong 30 phút, sau đó sấy khô ở nhiệt độ phòng.

Việc sử dụng hỗn hợp chủng vi khuẩn được coi là phương pháp hiệu quả hơn so với một dòng riêng lẻ. Do đó, hỗn hợp men vi sinh bao gồm Lactobacillus plantarum (STBL1), Saccharomyces cerevisiae (STBS1) và Bacillus safensis (SQVG18) đã được áp dụng cho quá trình lên men thức ăn tôm thẻ chân trắng với tỷ lệ hỗn hợp vi khuẩn: STBL1: STBS1: SQVG18 = 1%: 3%: 3%.

Nhiệt độ lên men, thời gian lên men, tỷ lệ chất lỏng – rắn và lượng vi khuẩn là những yếu tố chính ảnh hưởng đến quá trình lên men trạng thái rắn. Ở nghiên cứu này, thì nhiệt độ là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quá trình lên men, tiếp theo là thời gian lên men. Theo đó, điều kiện lên men tối ưu của hỗn hợp chủng vi khuẩn này là: nhiệt độ 35oC, thời gian 24h, tỷ lệ nguyên liệu và nước 1:0,6g/ml. Việc bổ sung nước trong quá trình lên men có thể làm thay đổi màu và mùi của thức ăn. Mùi chua chủ yếu là do axit lactic do Lactobacillus sản xuất ra, khiến pH thấp hơn và axit cao hơn, điều này góp phần khắc phục các mầm bệnh cho tôm.

Một trong những lý do làm chế phẩm sinh học không đạt hiệu quả cao khi sử dụng là do tỷ lệ sống sót thấp của vi sinh trong đường ruột tôm. Việc sử dụng thức ăn lên men bằng hỗn hợp vi khuẩn trong nghiên cứu này đã làm mật độ vi khuẩn Lactobacillus trong ruột tăng đáng kể, điều này rất có lợi cho tôm thẻ chân trắng vì vi khuẩn axit lactic này có thể tạo ra nhiều loại chất chuyển hóa như axit hữu cơ, hydro peroxide …trong quá trình lên men. 

Nồng độ men vi sinh 107 CFU/g và 108 CFU/g là phù hợp cho quá trình lên men thức ăn để cải thiện sự đa dạng và độ đồng đều vi sinh trong đường ruột tôm thẻ chân trắng, điều này cho thấy rằng việc cung cấp quá nhiều men vi sinh sẽ có hại cho sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột tôm. Nồng độ men vi sinh cao cũng có thể làm giảm sự đa dạng loài của vi sinh vật đường ruột tôm.

Tác động tích cực của thức ăn lên men đối với tôm thẻ chân trắng

Hiệu suất tăng trưởng của nhóm sử dụng thức ăn lên men được cải thiện trong nghiên cứu này có thể là do giá trị dinh dưỡng của thức ăn lên men đã tăng lên, chẳng hạn như hàm lượng protein và axit amin hòa tan cao hơn.

Hàm lượng axit amin thiết yếu bị hạn chế là một vấn đề lớn của thức ăn công nghiệp. Trong nghiên cứu này, tổng số axit amin và một số loại axit amin thiết yếu (EAA) như: methionine và lysine của thức ăn lên men bằng hỗn hợp vi khuẩn cao hơn so với thức ăn chưa lên men. Ngoài ra, thông qua quá trình lên men hầu hết các thành phần axit amin như Asp, Thr, Ser, Gly, Ala, Val, Leu, Lys, His, Arg và Pro của thức ăn đều tăng đáng kể.

Sử dụng thức ăn lên men cũng kích thích hoạt động của các enzyme: protease, amylase và lipase, giúp chuyển hóa một lượng lớn carbohydrate, protein và lipid trong thức ăn. Có thể thấy rằng hoạt động của enzyme tiêu hóa ở động vật thủy sản có liên quan mật thiết đến loại và lượng chất dinh dưỡng trong thức ăn. 

Enzyme chống oxy hóa bao gồm: T-AOC, SOD và GSH, giúp bảo vệ vật chủ khỏi các tác nhân gây stress. Hoạt động của T-AOC và SOD tăng lên đáng kể trong gan tụy ở các nghiệm thức sử dụng thức ăn lên men. Điều này có thể thấy rằng hệ thống chống oxy hóa của tôm được tăng cường nhờ sử dụng thức ăn lên men. 

Sự phá hủy mô gan tụy được phản ánh bởi GPT và GOT, nghiên cứu này cho thấy tất cả các nhóm có và không sử dụng thức ăn lên men đều không có sự khác biệt đáng kể hoạt động GPT và GOT, chứng tỏ thức ăn lên men với các nồng độ men vi sinh khác nhau không gây hại cho gan tụy của tôm thẻ chân trắng và có thể áp dụng trong sản xuất thức ăn thủy sản.

Tóm lại, việc sử dụng thức ăn lên men cho tôm thẻ chân trắng đã kích thích sự tăng trưởng, tăng hàm lượng các axit amin thiết yếu, làm giảm hệ số thức ăn (FCR), giúp chuyển hóa các thành phần carbohydrate thực vật khó tiêu hóa trong thức ăn. Bên cạnh đó, sự kết hợp của các chủng vi khuẩn cùng với điều kiện lên men tối ưu đã làm tăng hàm lượng dinh dưỡng của thức ăn. Nồng độ hỗn hợp vi khuẩn tối ưu cho quá trình lên men thức ăn trạng thái rắn là 1×108 CFU/g.

Sương Phạm – https://tepbac.com/

Trung Quốc phát hiện nhiều mẫu chứa virus SARS-CoV-2 tại một doanh nghiệp thủy sản

Tôm sú.
Tôm sú.

Sau khi phát hiện ca COVID-19 làm việc tại một công ty chế biến thủy sản ở thành phố Đại Liên, Trung Quốc, giới chức đã phát hiện nhiều mẫu vật tồn tại virus SARS-CoV-2.

Sau 111 ngày không có ca bệnh mới, thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, miền Đông Bắc Trung Quốc vừa phát hiện 3 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng cùng 12 trường hợp không triệu chứng. Cả 3 ca bệnh này đều không ra khỏi thành phố hoặc có tiếp xúc với người bệnh hoặc người đến từ vùng dịch trong 14 ngày qua.

Trong số đó, bệnh nhân đầu tiên được xác nhận mắc làm việc tại một công ty chế biến thủy hải sản, trong đó có cả thủy hải sản nhập khẩu và trong nước. Ngay sau đó, trong các nỗ lực điều tra dịch tễ học, cơ quan y tế địa phương đã tiến hành xét nghiệm các mẫu trong môi trường nơi làm việc của bệnh nhân này.

Theo bà Triệu Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Đại Liên, trong số các mẫu phẩm lấy từ khu vực xưởng chế biến, thực phẩm ở kho đông lạnh, khu ký túc xá, nhà ăn, nhà vệ sinh công cộng và khu làm việc…, có nhiều mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện tất cả các khu nhà xưởng, kho lạnh và cửa hàng bày bán sản phẩm liên quan đến ca bệnh số 1 đã được niêm phong. 190.000 người liên quan cũng sẽ phải tiến hành xét nghiệm để rà soát, truy tìm người bệnh.

Trước đó, ít nhất 5 địa phương ở Trung Quốc đã thông báo xét nghiệm thấy SARS-CoV-2 trên bao bì bên ngoài và vách trong container đóng mặt hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador. Dịch tái bùng phát tại một khu chợ đầu mối ở thủ đô Bắc Kinh cũng bắt nguồn từ khu buôn bán hải sản.

VTV

Vinhthinh Biostadt: Hướng đi mới cho hệ thống ương và nuôi tôm ao đất

 Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực thủy sản, Vinhthinh Biostadt luôn tiên phong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cũng như các giải pháp giúp người nuôi tôm thành công. Một trong những công nghệ đã được Vinhthinh Biostadt triển khai rất hiệu quả tại nhiều địa phương đó là hệ thông nuôi tôm ao đất (ương và nuôi tôm).

Khó khăn của nghề nuôi tôm trong ao đất

Trong những năm gần đây, hệ thống nuôi tôm ao đất (hoặc ao đáy đất bạt bờ) thường gặp rất nhiều khó khăn trong khâu quản lý chăm sóc, đặc biệt là tình hình dịch bệnh trong tháng nuôi đầu và trong suốt quá trình nuôi như bệnh hoại tử gan tụy, phân trắng, đốm trắng hay chậm lớn do EHP. Kể cả khi thực hiện biện pháp ương trước khi sang ra nuôi ao đất thì cũng không đem lại thành công lớn. Nguyên nhân cốt lõi là khâu chăm sóc sau giai đoạn chuyển tiếp tôm từ bể ương ra ao đất.

Sau nhiều năm liền thực hiện mô hình ương vèo mật độ cao tại Việt Nam. Vinhthinh  Biostadt đã đúc kết và đang phát triển quy trình chăm sóc sau ương phù hợp với từng loại ao nuôi từ ao nuôi trải bạt 100%  đến ao nuôi đáy đất, từ ương 1 giai đoạn đến ương 2 giai đoạn và ương 3 giai đoạn.

Đặc biệt, chúng tôi đã tìm ra giải pháp hiệu quả giúp hoàn thiện quy trình từ ương vèo mật độ cao đến sang tôm ra ao nuôi đáy đất và được áp dụng cho nhiều khách hàng  tại Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu…

Hướng đi mới thành công

Sau khi ương tôm trong bể ương giai đoạn 1 thì tôm chuyển qua giai đoạn khác tùy vào mật độ và thời gian ương giai đoạn 1.

Thay vì thả ra ao đáy đất nuôi như thông thường sau khi kết thúc ương giai đoạn 1, tôm ương được chuyển ra 1 ao trung gian được thiết kế phù hợp để nuôi tiếp trước khi chuyển ra ao đất hoàn toàn.

Ở ao này, tôm tiếp tục được chăm sóc theo quy trình để đạt được kích thước và trọng lượng theo yêu cầu trước khi sang xuống các ao nuôi đáy đất xung quanh. Trong suốt quá trình nuôi tại ao đáy đất, tôm tiếp tục được chăm sóc bằng quy trình sản phẩm và kỹ thuật từ Vinhthinh Biostadt, đặc biệt là khoảng thời gian 10 ngày đầu sau khi sang xuống ao đất, để giúp tôm ổn định sức khỏe nhanh nhất và tăng trưởng bù để đạt kích thước thương phẩm với rủi ro thấp nhất.

Ao bạt trung gian có rất nhiều lợi ích ngoài việc là giải pháp thay thế cho những vùng nuôi còn khó khăn, chưa đủ điều kiện để nuôi ao bạt hoàn toàn, ao bạt trung gian còn là giải pháp khắc phục tình trạng tôm ương sang ra ao đất hay bị các bệnh liên quan đến gan và đường ruột. Bởi vì, tôm sau ương nếu được nuôi tiếp trong ao bạt trung gian để đạt kích thước mong muốn thì khi đó hệ thống tiêu hóa của tôm đã gần như hoàn thiện trước khi sang ra ao đất giúp tôm không bị ảnh hưởng bởi các bệnh thường xảy ra.

Trong thời gian vừa qua, Vinhthinh Biostadt đã chuyển giao thành công toàn bộ quy trình ương tôm mật độ cao và quy trình chăm sóc tôm sau khi chuyển ra ao nuôi đáy đất với tỷ lệ ương thành công lên đến 92% và tỷ lệ nuôi trong ao đất thành công trên 86,1% trong tổng số bể ương và ao nuôi mà Công ty đã chuyển giao cho các khách hàng; tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang.

Ngoài ra, khi khách hàng sử dụng toàn bộ quy trình kỹ thuật, sản phẩm từ Vinhthinh Biostadt và con giống đến từ Công ty Vinhthinh Biosatdt Hatchery (VTBH) sẽ giúp khách hàng có kết quả ương, nuôi ổn định vì chất lượng đầu vào luôn đảm bảo và kiểm soát nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn của Công ty, dễ dàng trong việc truy suất nguồn gốc từ sản phẩm đến con giống.

7 lợi ích quan trọng từ quy trình ương, nuôi tôm mật độ cao của Vinhthinh Biostadt mang lại cho khách hàng:

1. Loại bỏ hoàn toàn bệnh đốm trắng, đầu vàng, gan tụy, phân trắng, đốm đen trong suốt thời gian ương.

2. Tăng trưởng vượt trội sau khi chuyển ra ao nuôi thương phẩm nhờ sử dụng sản phẩm ương chuyên dùng (thức ăn và thuốc). Đặc biệt, thức ăn với thành phần kháng bệnh, đạm hấp thu hoàn toàn giúp giảm tối đa ô nhiễm môi trường khi ương mật độ cao (10,000 con PL/ m3, tương đương 1 triệu PL/bể 100 m3) và giúp tôm có sức khỏe tốt nhất trước khi chuyển giai đoạn.

3. Khắc phục 100% cong thân, đục cơ trong suốt quá trình ương và lúc sang ra ao nuôi thương phẩm.

4. Tỷ lệ sống sau ương đạt trên 85%, tỷ lệ phân đàn dưới 5%, lượng nước xả thải thấp, thời gian ương có thể đạt đến 45 – 50 ngày.

5. Quy trình chăm sóc sau ương bằng các sản phẩm chất lượng để bảo vệ sức khỏe đàn tôm từ ao bạt trung gian đến ao nuôi đáy đất.

6. Người nuôi có thể dễ dàng thiết kế, vận hành và ứng dụng kỹ thuật ương, nuôi để đạt kết quả cao dưới sự hỗ trợ nhiệt tình và chi tiết trong từng vấn đề từ đội ngũ nhân sự kỹ thuật của Vinhthinh Biostatd trong suốt quá trình chuyển giao kỹ thuật.

7. Người nuôi có thể tận dụng tối đa diện tích đất và hệ thống ao có sẵn để áp dụng quy trình ương, nuôi của Vinhthinh Biostatd với mức chi phí đầu tư tối ưu nhất. Đội ngũ nhân sự kỹ thuật sẽ xuống khảo sát thực tế và tư vấn trực tiếp cho người nuôi về xây dựng và lắp đặt hệ thống ương, nuôi.

>> Vinhthinh Biostadt luôn sẵn sàng đồng hành cùng quý bà con có nhu cầu trên toàn quốc. Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và nhận chuyển giao quy trình hoàn toàn miễn phí cũng như được thiết kế riêng biệt tùy vào năng lực tài chính, quỹ đất, mô hình nuôi cũng như các vật liệu có sẵn tại trang trại. Hotline: 0902.592.712.


Vinhthinh Biostad
http://thuysanvietnam.com.vn/

Xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh trở lại

Xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh trở lại

Xuất khẩu tôm trong tháng 6 vừa qua đã tăng trưởng mạnh, tạo cơ sở để hy vọng rằng xuất khẩu tôm sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm nay. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 6 vừa qua, xuất khẩu đã có sự tăng trưởng vượt bậc so với các tháng trước đó. Cụ thể, giá trị xuất khẩu tôm trong tháng 6 đạt 349,9 triệu USD, tăng tới 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.Với sự tăng mạnh về xuất khẩu trong tháng 6, nửa đầu năm nay, dù bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19, giá trị xuất khẩu tôm vẫn đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với nửa đầu năm 2019.Sự tăng trưởng tốt của xuất khẩu tôm, trước hết là nhờ vào 2 thị trường quan trọng là Mỹ và Trung Quốc. Trong tháng 6, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng rất mạnh về giá trị, với mức tăng tới 54,4%. Nhờ vậy, Mỹ đã vượt qua Nhật Bản, trở thành thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam trong 6 tháng đầu năm khi đạt 323,3 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trưởng khá ổn định. Nguyên nhân hàng đầu là tại thị trường Mỹ, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung quan trọng khác. Lợi thế ấy trước hết đến từ việc sản xuất tôm ở Việt Nam đã nhanh chóng ổn định trở lại sau dịch Covid-19, trong bối cảnh sản xuất và chế biến tôm ở các nước sản xuất lớn khác như Ấn Độ và Ecuador đều bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh. Dịch bệnh và một số nguyên nhân khác cũng đã tác động không nhỏ tới nguồn cung ở nhiều nước.TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex VN, cho hay, các cường quốc nuôi tôm như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…, nhất là Trung Quốc, bị tác động từ Covid-19 khá nặng nề, khiến chuỗi cung ứng tôm của họ ít nhiều bị gián đoạn. Vì an toàn, nhiều hệ thống tiêu thụ tôm lớn tìm về Việt Nam.Bằng chứng rõ rệt là trong tháng 5/2020, 17 nước xuất khẩu đã giảm xuất khẩu tôm sang Mỹ. Thậm chí các nước như Nicaragua, Bangladesh, Saudi Arabia, Sri Lanka và Nauy đã không xuất tôm sang Mỹ trong tháng 5. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các nhà nhập khẩu Mỹ phải tăng mạnh việc mua tôm từ Việt Nam.Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 6 cũng tăng mạnh, với mức tăng 23% đạt 57,7 triệu USD. Một trong những nguyên nhân quan trọng là một số nước đang gặp khó khăn lớn khi xuất khẩu tôm sang Trung Quốc do Covid-19. Chẳng hạn, mới đây, Trung Quốc đã tạm thời cấm nhập khẩu tôm từ 3 công ty Ecuador do phát hiện virus corona trên bao bì sản phẩm tôm nhập vào Trung Quốc.Căng thẳng ở biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu tôm nói riêng từ Ấn Độ sang Trung Quốc (thị trường lớn thứ 2 của tôm Ấn Độ). Hàng ngàn cotainer tôm từ Ấn Độ nhập vào Trung Quốc đang bị trì hoãn thông quan nhiều ngày tại các cảng với lý do để giám sát virus corona.Chính nhờ nhu cầu tăng mạnh từ Mỹ và Trung Quốc, giá tôm xuất khẩu của Việt Nam đã có xu hướng tăng lên trong tháng 6.Một điều đáng chú ý là tồn kho tại các thị trường chính như Nhật Bản, Mỹ và EU hiện không còn cao như những tháng trước. Nhu cầu nhập khẩu tôm vẫn tăng ở nhiều thị trường quan trọng, nhất là khu vực châu Á, bất chấp dịch bệnh. Như ở Trung Quốc, lượng tôm nước ấm nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm đã đạt 264 ngàn tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay ở nhiều nước xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng đang có xu hướng tăng. Vì vậy, VASEP cho rằng xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới.Tuy nhiên, theo một số doanh nhân ngành tôm, Covid-19 vẫn đang là mối lo ngại lớn trên toàn cầu và khó đánh giá được diễn biến trong thời gian tới. Do đó, các doanh nghiệp vẫn cần phải thận trọng trong phương án kinh doanh, nhất là xuất khẩu tới các thị trường trọng điểm. Doanh nghiệp cần tập trung hoàn tất từng lô hàng xuất khẩu để có thể giao được sớm nhất (phòng khi bất ngờ bị gián đoạn hay gặp khó khăn lớn về logistics do dịch bệnh).

Nguồn: Nongnghiep.vn