Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Bến Tre: Tọa đàm “Nuôi tôm lúa đảm bảo an toàn thực phẩm”

Vừa qua, tại Nông trường Tỉnh đội, ấp Giang Hà, xã An Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Nam Bộ (VTV9), Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre tổ chức Tọa đàm “Nuôi tôm lúa đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Toàn cảnh Tọa đàm

Tọa đàm nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về việc nuôi tôm lúa đảm bảo an toàn thực phẩm. Mặt khác giới thiệu những tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi tôm lúa an toàn, bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao. Thông qua tọa đàm, người nuôi tôm lúa được trao đổi, đối thoại trực tiếp với các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp để tìm ra giải pháp phát triển sản xuất nuôi tôm lúa đảm bảo an toàn thực phẩm tại vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng.

Tham dự Tọa đàm có ông Kim Văn Tiêu – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Châu Hữu Trị – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bến Tre, bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu; cùng 20 nông dân nuôi tôm lúa tiêu biểu tại tỉnh Bến Tre. Một số cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đến dự và đưa tin.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã thông tin đến bà con và các đại biểu tham dự về hiện trạng phát triển tôm lúa vùng ĐBSCL hiện nay; Các điều kiện, quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở, vùng nuôi thủy sản; Các giải pháp về nuôi tôm lúa đảm bảo an toàn thực phẩm; Thông tin về những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới áp dụng trong nuôi tôm lúa an toàn, bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao… Trong đó, nội dung bà con nông dân đặc biệt quan tâm là các điều kiện bảo đảm ATTP trong nuôi tôm lúa hiện nay; Biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho tôm khi nuôi kết hợp tôm lúa.

Tọa đàm dự kiến phát trên sóng Truyền hình VTV9 trong chương trình “Mùa vàng bội thu”.

Các đại biểu thăm mô hình nuôi tôm xen lúa tại Bến Tre

Nguồn: Mard.gov.vn

Mỹ vươn lên vị trí dẫn đầu nhập khẩu tôm Việt Nam

Theo VASEP, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19.

Xuất khẩu tôm Việt Nam

Theo thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP). Trong tháng 6/2020, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 349,9 triệu USD. Tăng 19,2% so với tháng 6/2019, mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 3/2020.

6 tháng đầu năm nay.

Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn ở các thị trường chính.Theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam sang hai thị trường chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc trong tháng 6 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tiếp theo.Trong cơ cấu xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm nay, tôm chân trắng chiếm 70,1% tổng giá trị xuất khẩu. Còn tôm sú chiếm 18,2%, còn lại là tôm biển. Trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, xuất khẩu tôm chân trắng có giá hợp lý tăng tốt hơn tôm sú. Còn các sản phẩm tôm đã qua chế biến được tiêu thụ nhiều hơn so với sản phẩm tươi/sống/đông lạnh.Không chỉ tăng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc. Tháng 6 năm nay, Việt Nam còn tăng kim ngạch xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc, Anh, Canada với mức tăng trưởng 2 con số.

Kim ngạch xuất khẩu tôm theo từng tháng trong giai đoạn 2019 – 2020 (Nguồn: VASEP)

Theo như biểu đồ về Kim ngạch xuất khẩu Tôm Việt Nam

Trong tháng 6/2020, Mỹ vươn lên vị trí dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 21,2%. Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 6/2020 tăng trưởng tốt 54,4% so với tháng 6/2019. Trước đó, cũng theo VASEP, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất trong tháng 5/2020 với tỷ trọng 19,2%.Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt 323,3 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng hoạt động xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng khá ổn định trong 6 tháng đầu năm nay.

Thị Trường Mỹ

Trong 6 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19. Trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề.Các nhà chế biến và xuất khẩu tôm của Ấn Độ, Ecuador không chỉ chịu tác động bởi đơn hàng giảm mà ngay cả hoạt động sản xuất. Trong nước bị đình trệ do lệnh phong tỏa, thiếu công nhân trong các nhà máy do họ không đi làm vì lo ngại bị nhiễm bệnh.Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 18,3%. Trong tháng 6/2020, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản giảm 3,7%.Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng trong những tháng trước đó, nên kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này. Trong 6 tháng đầu năm đạt 278,2 triệu USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 6 giảm 7,9%. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu sang 2 thị trường đơn lẻ trong khối là Hà Lan và Bỉ lại tăng trưởng dương lần lượt là 11% và 17%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang EU đạt 200,7 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VASEP cho biết

 Ít nhất 17 nguồn cung đã giảm xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 5/2020 như: Nicaragua, Bangladesh, Saudi Arabia, Sri Lanka và Na Uy,… Do đó, nhu cầu nhập khẩu  tôm của Mỹ từ Việt Nam sẽ không giảm để bù đắp nguồn cung giảm từ các nguồn cung trên.Tháng 6/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng trưởng tốt 23% đạt 57,7 triệu USD. Các nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc đều đang gặp phải các khó khăn trong xuất khẩu tôm sang thị trường này.Mới đây, Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu tôm từ 3 công ty của Ecuador với lý do phát hiện virus corona trên bao bì sản phẩm. Ngành xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Trung Quốc cũng gặp khó do một số lô hàng bị trì hoãn với lý do để giám sát Covid-19.VASEP dự báo, giá tôm Việt Nam đã có xu hướng tăng trong tháng 6. Tồn kho tại các thị trường chính như Nhật Bản, Mỹ và EU không cao như những tháng trước đó. Do vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan trong các tháng tới.

Nguồn Bizlive

Xử lý nghiêm cơ sở không đủ điều kiện sản xuất giống tôm nước lợ

Ngày 28/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển tăng cường kiểm tra, kiểm soát giống tôm nước lợ.

Chú thích ảnh
Các ngành chức năng của tỉnh khuyến cáo người nuôi tuân thủ thả giống theo lịch thời vụ, thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường nuôi. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Để đảm bảo nguồn tôm giống có chất lượng đưa ra thị trường đáp ứng nhu cầu thả nuôi và bảo vệ quyền lợi cho người dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chỉ đạo Sở, ngành tổ chức kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ theo quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ về quản lý giống thủy sản và Quy chế số 02/QCPH-GTS ngày 18/01/2019 về việc phối hợp quản lý giống tôm nước lợ; xử lý nghiêm cơ sở không đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản, sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và văn bản số 302/TCTS-PCTTr ngày 25/2/2020 của Tổng cục Thuỷ sản. Theo đó “Buộc tiêu huỷ giống động vật thuỷ sản đối với hành vi vận chuyển giống thuỷ sản không có Giấy chứng nhận kiểm dịch”.

Các địa phương trọng điểm về sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ, như: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,… tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ trên địa bàn; xử lý nghiêm cơ sở không đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản, sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, hết thời hạn sử dụng cho sinh sản.

Các địa phương có điểm giao dịch tôm giống nước lợ tập trung/chợ tôm như: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, ngoài việc kiểm tra Giấy Chứng nhận kiểm dịch, phải kiểm soát chất lượng và kích cỡ tôm giống để bảo vệ quyền lợi cho người nuôi.

Các địa phương chỉ đạo cơ quan thủy sản rà soát, thống kê cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản chưa được cấp Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định của Luật Thuỷ sản, chia sẻ thông tin với cơ quan thú y trong quá trình thực hiện đăng ký kiểm dịch tôm giống; gửi thông tin về Tổng cục Thủy sản để phối hợp quản lý và xử lý theo quy định. 

Trong các tháng cuối năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giống thuỷ sản tại các địa phương; thường xuyên phối hợp với đơn vị liên quan, các địa phương để thanh tra, kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, ương dưỡng và vận chuyển tôm giống; cương quyết xử lý các vi phạm quy định về quản lý giống thủy sản. 

Trong thời gian qua, việc quản lý giống tôm nước lợ tại các địa phương ven biển đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra tại một số địa phương 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, việc quản lý sản xuất, lưu thông tôm giống vẫn còn tồn tại một số bất cập.

Đó là có cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ không đủ điều kiện vẫn được cấp giấy Chứng nhận kiểm dịch, sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng cho sinh sản; giống tôm nước lợ chưa kiểm dịch vẫn được vận chuyển, lưu thông trên thị trường; sử dụng nhãn, bao bì giả; các điểm giao dịch tập trung/chợ tôm vẫn phát hiện giống tôm nước lợ không đảm bảo chất lượng và kích cỡ theo với quy định.

Bích Hồng (TTXVN)

Nông dân khấp khởi mùa vụ mới

thu hoạch tôm
Dù có khó khăn, nông dân vẫn đặt nhiều hy vọng vào vụ mùa mới

Tình cờ gặp tôi đi cùng chuyến xe buýt, ông Tư Hoàng (Phạm Văn Hoàng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Thị Tường, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) mừng rỡ: “Hôm con xuống nhà chú, ao đầm khô cạn nứt nẻ. Nhưng hơn 1 tháng nay trời mưa liên tục, vuông tôm nhà chú chắc khoảng 2 tháng nữa là thu hoạch, mong sao qua “bĩ cực” sẽ đến “thái lai””.

Mong muốn ấy không của riêng ông Hoàng mà hầu hết người dân trong xã. Bởi, nuôi thuỷ sản là tiềm năng, lợi thế kinh tế của Hoà Mỹ với tổng diện tích trên 2.300 ha, trong đó nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh 362 ha, còn lại là nuôi quảng canh, quảng cải tiến kết hợp với nuôi cua. Việc quy hoạch vùng nuôi phù hợp, ứng dụng khoa học – kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng thuỷ sản… đã nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đưa Hoà Mỹ về đích nông thôn mới vào năm 2018. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020, thiệt hại kép khiến người dân điêu đứng, thu ngân sách Nhà nước trong quý I ở Hoà Mỹ giảm hơn 5% so với cùng kỳ.

Qua dịch Covid-19

“Đạt chuẩn đã khó, giữ và nâng chuẩn lại càng khó hơn. Vì thế, từ sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Hoà Mỹ tăng cường và nâng cao công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, vào cuộc của mọi người dân qua các hình thức thi đua sôi nổi, làm cho cuộc sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn”, Phó chủ tịch UBND xã Hoà Mỹ Hà Phương Đông cho biết.

Cụ thể, xã đã tập trung phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất để nâng cao năng suất. Nuôi tôm thâm canh sang siêu thâm canh, quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến 2 giai đoạn… Với các hộ dân ít đất sản xuất, xã vận động bà con sản xuất theo hướng đa canh, tận dụng bờ vuông trồng rau màu, cải tạo mương vườn nuôi cá chình, cá bống tượng. Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế địa phương, năm 2019 tổng sản lượng thuỷ sản thu hoạch đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch (tăng hơn 1,30% so với năm 2018). Thu nhập bình quân đầu người trên 45 triệu đồng (thời điểm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 38 triệu đồng).

Theo ông Hà Phương Đông, sản lượng thu hoạch tăng nhưng tác động bởi dịch Covid-19, đầu ra sản phẩm chậm và giảm giá do thị trường tiêu thụ ngưng trệ. Thời điểm quý I/2019, giá bán tôm sú dao động từ 190.000-220.000 đồng/kg, cá bống tượng 320.000 đồng/kg, cá chình 750.000 đồng/kg. Song, năm nay thực hiện quy định giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, nhà hàng, quán ăn đóng cửa, phương tiện vận chuyển hàng hoá cũng hạn chế… nên giá bán tôm sú chỉ từ 140.000-180.000 đồng/kg, cá bống tượng 250.000 đồng/kg, cá chình 400.000 đồng/kg. Trước tết Nguyên đán Canh Tý, cua gạch giá khoảng 600.000 đồng/kg, thời điểm dịch bệnh, cùng loại cua nhưng giá bán chỉ khoảng 200.000 đồng/kg.

Gánh nặng kinh tế gia đình của người dân không chỉ là chuyện được mùa mất giá, mà người thân đi lao động ngoài tỉnh trở về (do các công ty tạm ngưng hoạt động), ăn không ngồi chờ trong thời gian mất việc. Thậm chí những người có công việc thường xuyên như chạy xe ôm, phụ quán ăn, bán vé số… cũng thất nghiệp. Qua rà soát, các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để được nhận hỗ trợ gói 62.000 tỷ của Chính phủ. Hoà Mỹ có trên 950 đối tượng, xã đã hoàn thành việc chi hỗ trợ với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Đến nắng hạn, xâm mặn

Hết giãn cách xã hội, người dân Hoà Mỹ lại không trọn vẹn niềm vui vì nắng hạn gay gắt kéo dài. Trong khi nơi đây, bà con chủ yếu nuôi thuỷ sản, mà hạn nặng làm cho độ mặn của nguồn nước tự nhiên tăng rất cao. Người đang nuôi tôm, cá thì lo lắng vì chúng chết hoặc không phát triển. Còn người chưa thả nuôi buộc phải… phơi đầm!

Nhớ chuyến công tác ở Hoà Mỹ vào giữa tháng 5, tôi có ghé nhà ông Tư Hoàng, thời điểm đó đầm nuôi tôm siêu thâm canh của nhà ông đang phơi, các vuông nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn khô nứt nẻ, chỉ có ao cá tra còn lượng nước vừa phải vì thi thoảng được ông bơm nước ngọt vào. Ông Hoàng than: “Chưa bao giờ nông dân chúng tôi gặp khó như năm nay, hết mất giá lại đến mất mùa. Nếu như điều kiện thuận lợi, thời điểm này, tổng thu từ việc nuôi tôm 2 giai đoạn và tôm siêu thâm canh của gia đình tôi hơn trăm triệu đồng”.

Cách nhà ông Hoàng không xa, anh Nguyễn Văn Trầm ngồi bó gối trước hiên nhà dưới cái nóng gay gắt, cầu mong trời sớm đổ mưa. Bởi hạn hán, xâm mặn làm cho tôm nuôi thâm canh trên diện tích hơn 4,5 ha và hàng trăm cá chình, cá bống tượng của nhà anh chết sạch. “Nếu thuận lợi sản xuất như những năm trước thì chỉ tính thu hoạch cá thôi, tôi có lợi nhuận trên 15 triệu đồng. Năm nay ngược lại, tổng thiệt hại hơn 40 triệu đồng đầu tư con giống, thức ăn… Bên cạnh đó, nắng hạn bơm nước sinh hoạt cũng lâu hơn ngày thường, tiền điện nhiều hơn”, anh Trầm bộc bạch.

Qua mùa dịch bệnh, hết cơn hạn hán. Đồng đất Hoà Mỹ đang nhộn nhịp vào mùa vụ mới. Ông Hoàng, anh Trầm cũng như bao người dân địa phương phấn khởi phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế và nhân rộng các mô hình sản xuất đa canh để nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển xã hội. Như niềm tin của ông Hà Phương Đông: “Hoà Mỹ là xã có xuất phát điểm thấp về mọi mặt đời sống xã hội so với các xã trên địa bàn huyện Cái Nước. Nhưng sau 3 năm nỗ lực phấn đấu, với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Với tinh thần đó, Hoà Mỹ sẽ vượt qua mọi khó khăn, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao”.

Mỹ Pha Báo Cà Mau

Tai nạn ao nuôi: Chỉ bất cẩn nhỏ, thương tật cả đời!

an toàn lao động khi nuôi tôm
Khi sản xuất trên đầm tôm, cần chú trọng sự an toàn.

Hàng loạt ngư dân ở các tỉnh Nam Trung Bộ chỉ vì chủ quan trong quá trình sản xuất trên các đầm tôm, bất cẩn nhỏ nên bị thương tật cả đời. Có người tán gia bạn sản nhưng vẫn không phục hồi được sức khỏe như cũ.

Nhập viện vì sơ ý

Ông Nguyễn Văn Hà (Xuân Hải, Sông Cầu, Phú Yên) nhiều ngày nay phải nằm bẹp một chỗ vì trong lúc cải tạo đầm tôm bị thanh sắt nhọn dùng làm cọc dựng chòi ở đầm đâm thấu đùi. Ông Hà tiếc nuối: Ở đây bị thương nhẹ thì nhiều lắm còn thỉnh thoảng có người bị nặng như mình. Cũng chỉ vì sơ ý mà ra. Ông Hà nhẩm tính: Phải nửa năm nữa khỏi hẳn vết thương mới dám xuống đầm.

Từng mấy lần giật thót khi vào viện thăm bạn bị máy sục khí nuôi tôm phập vào đùi, vào bụng, vào chân, anh Lê Văn Tùng ở phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) luôn nhắc nhở mình phải cẩn trọng nhưng rồi chỉ trong tích tắc của sự nóng vội, chính anh cũng trở thành nạn nhân của máy sục khí nuôi tôm. Trong lúc bộ quần áo dài mới mua của con gái bay từ dây phơi xuống đầm, sợ máy sục cuốn vào nên anh Tùng cuống cuồng nhảy luôn xuống để vớt, không ngờ trượt chân vào cánh quạt, máy sục cuốn luôn chiếc quần rộng của anh vào làm nát cả một vùng đùi, rách bộ phận sinh dục. Phải trải qua 2 lần phẫu thuật ghép da, vết thương của anh Tùng mới tạm ổn.

Ở vùng đất Ninh Hòa và Vạn Ninh (thuộc tỉnh Khánh Hòa) có trên 1.400 người làm nghề nuôi tôm đầm. Hàng năm, vì sự sơ ý, hàng trăm người đã phải gánh thương tích. Vừa khâu xong vết thương dài trên chân phải đầu tháng 6/2020, ông Lê Cành ở Vạn Hưng (Vạn Ninh, Khánh Hòa) chua xót: Đến giờ mới nhắc nhở mình cẩn thận thì chân đã thành tật rồi, chẳng biết bao giờ mới bình phục lại được.

Đang tất bật chuẩn bị đám cưới, anh Trần Tường Ch ở Cam Thịnh Đông (Cam Ranh, Khánh Hòa) trong lúc sản xuất trên đầm tôm cũng đã bị cánh quạt tạo ôxy cho đầm tôm đâm vào bắp chân. Chủ quan, chỉ băng bó sơ rồi đắp lá nên vết thương của anh Ch hoại tử, phải điều trị qua nhiều bệnh viện vẫn chưa khỏi, mọi công việc dồn cả lên người thân.

Phải chú trọng an toàn

Hàng chục ngư dân ở xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận cũng phải ngậm ngùi gánh thương tích do không chú trọng an toàn trong khi sản xuất trên đầm tôm. Anh Nguyễn Thanh Ph ở xã Phước Diêm cho biết: Trong lúc bước qua máy sục khí để lấy thức ăn cho tôm bị cánh quạt cuốn vào làm lóc hết da ở bộ phận sinh dục, đùi bị cánh quạt cắt sâu. Phải vào Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh), các bác sĩ cắt da ở nhiều nơi để tái tạo bộ phận sinh dục. Từ đó, gia đình anh Ph phải cho thuê toàn bộ đầm tôm để lấy tiền trang trải viện phí. Ph ân hận: Giá như mình cẩn thận hơn thì năm nay thắng lợi lớn. Vào Bệnh viện Bình Dân nằm nhiều ngày mới thấy người bị tai nạn ở các đầm tôm như mình không ít, chỉ mong qua những vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, mọi người sẽ cẩn thận hơn để không phải gánh thương tật thể xác lẫn sa sút tinh thần.

Trước những hậu quả nặng nề từ tai nạn do sản xuất trên đầm tôm, nhiều chuyên gia về an toàn lao động cho rằng: Người dân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về an toàn lao động. Thực tế cho thấy, hậu quả sự bất cẩn để dính vào tai nạn là rất nặng nề. Khi lao động, sản xuất thì phải mặc đồ bơi bó sát, gọn gàng, không mặc đồ lòa xòa. Khi máy có dấu hiệu bất thường thì phải ngắt nguồn điện cho máy dừng lại rồi mới kiểm tra, không tiếp tục liều lĩnh để vận hành các loại máy móc.

Hà Văn Đạo – Thanh Lê Sức khỏe & Đời sống

EVFTA: Chuyển đổi số, chất xúc tác hỗ trợ cho xuất nhập khẩu

Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức.

Chế biến tôm xuất khẩu tôm của Công ty TNHH Thông Thuận chi nhánh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Chế biến tôm xuất khẩu tôm của Công ty TNHH Thông Thuận chi nhánh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Nhằm tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) (VOIEF – Vietnam Online Import-Export Forum) lần thứ hai vào ngày 28/7 tại Hà Nội.

Theo Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định EVFTA, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD.

Như vậy, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân và doanh nghiệp trên cả nước về Hiệp định EVFTA một cách thuận lợi và hiệu quả, Bộ Công Thương đã xây dựng và đưa vào vận hành chuyên trang thông tin điện tử về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ: http://evfta.moit.gov.vn/.

Đây là Cổng thông tin chính thức của Bộ Công Thương, đăng tải các thông tin tổng quan về EVFTA, cam kết chính của EVFTA trong các lĩnh vực chủ chốt như hàng hóa, dịch vụ – đầu tư,…, các thông tin hữu ích cho nhà xuất khẩu, toàn bộ văn kiện Hiệp định EVFTA (tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt).

Cùng với đó là nhiều hoạt động tuyên truyền, giới thiệu nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương đã được Bộ Công Thương tổ chức trong thời gian qua nhằm đảm bảo tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định mang lại.

Diễn đàn VOIEF là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi về xu hướng xuất nhập khẩu hàng hóa trực tuyến, các hành động cần triển khai để phát huy những lợi thế của thương mại điện tử trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đồng thời, tạo cơ hội cho các bên liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa đẩy mạnh chuyển đổi số, nắm bắt những cơ hội có được từ các hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định EVFTA, hạn chế cao nhất trở ngại và ảnh hưởng từ COVID -19.

Bộ Công Thương cho biết chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là quá trình áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào thủ tục hành chính.

Theo cách truyền thống, thủ tục hành chính được thực hiện bằng hình thức hồ sơ giấy, nhưng khi áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, thủ tục hành chính sẽ được thực hiện và xử lý trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người tham gia thủ tục hành chính.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)

Điển hình là Hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử eCoSys của Bộ Công Thương cho phép thương nhân xuất khẩu nộp chứng từ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trực tuyến.

Đến nay, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, 6 thủ tục hành chính đã thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến và kết nối Hệ thống một cửa quốc gia (2 thủ tục cấp phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozon, thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi Mẫu D, thủ tục cấp giấy chứng nhận quy trình Kimberley đối với kim cương thô, 2 thủ tục về cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương.

Ngoài ra, còn có 11 thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến cấp độ 4 (2 thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xuất khẩu gạo (cấp mới, cấp đổi), thủ tục cấp giấy phép tạm xuất, tái nhập hàng hóa theo hình thức khác, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh chuyển khẩu.

Đặc biệt, có 3 thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu ôtô (cấp mới, cấp đổi, cấp lại); 3 thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam (cấp mới, cấp lại, gia hạn); thủ tục cấp phép nhập khẩu tự động thuốc lá điếu, xì gà).

Trên cơ sở đó, quá trình chuyển đổi số hay điện tử hóa trong lĩnh vực xuất nhập khẩu góp phần làm giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý thủ tục hành chính. Nhờ vậy, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ của các thủ tục hành chính.

Lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức. Từ đó, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa, xứng đáng là một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Uyên Hươnghttp://doanhnghiephoinhap.vn/

Cập nhật giá tôm thẻ ngày 27/7/2020 khu vực Bạc Liệu, Cà Mau

Diễn biến giá tôm thẻ kiểm kháng sinh ngày 27/07/2020 tại đầm Bạc Liêu (Bờ Cảng, Điền Hải, Ngã Tư Hiệp Thành, Giồng Nhãn- Bạc Liêu), Cà Mau (Năm Căn, Phú Tân, Cái Đôi Vàm, Cái Nước, Từ cầu sáu đông II trở về thị trấn Gành Hào) có thể thương lượng thêm tùy theo size

Tên mặt hàng27/07/2020
Cỡ 20 con158.000 +5.000/-10.000
Cỡ 25 con lớn129.000
Cỡ 25 con127.000 – 128.000
Cỡ 30 con nhỏ122.500 – 123.500
Cỡ 40 con lớn110.000 – 111.000
Cỡ 40 con nhỏ110.000 – 112.000
Cỡ 50 con lớn103.000 – 104.000
Cỡ 50 con nhỏ103.000 – 104.000
Cỡ 60 con lớn95.000 – 97.000
Cỡ 60 con nhỏ95.000 – 96.000
Cỡ 70 con lớn92.000 – 94.000
Cỡ 70 con nhỏ92.000 – 94.000
Cỡ 80 con lớn86.000 – 88.000
Cỡ 80 con nhỏ85.000 – 87.000
Cỡ 90 con81.000 – 84.000
Cỡ 100 con76.000 – 79.000
Cỡ 110 con73.000 – 75.000
Cỡ 120 con70.000 – 72.000
Bắt ngang 100 con 73.000 – 77.000 (tùy size)

Lựa màu xanh, ao bạt 100c 82.000 – 84.000 tùy màu sắc, lên xuống 200/c.

NHỮNG SIZE KHÁC, AO ĐẤT VÀ AO BẠT, BẮT NGANG, XEM MÀU VẪN MUA, THƯƠNG LƯỢNG RIÊNG