Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Kiên Giang: Nuôi tôm – cua kết hợp có cải tiến đạt hiệu quả cao

Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức hội thảo mô hình nuôi tôm – cua kết hợp có cải tiến hỗ trợ HTX thúc đẩy sản xuất, liên kết chuỗi giá trị.

Các đại biệu tham dự hội thảo cùng xã viên HTX Thuận Phát dùng chài để kiểm tra sự phát triển của tôm trong mô hình nuôi tôm, cua kết hợp. Ảnh: Trung Chánh.
Các đại biệu tham dự hội thảo cùng xã viên HTX Thuận Phát dùng chài để kiểm tra sự phát triển của tôm trong mô hình nuôi tôm, cua kết hợp. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình nuôi tôm – cua kết hợp có cải tiến, được thực hiện tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thuận Phát (ấp Mười Huỳnh, xã Đông Hưng, An Minh, Kiên Giang), với 24 hộ xã viên, diện tích canh tác 82 ha, sản xuất theo mô hình luân canh tôm, cua – lúa.

Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư, con giống với tổng giá trị khoảng 400 triệu đồng từ nguồn kinh phí của Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Cty CP Bồ Đề – Bạc Liêu là đơn vị trúng thầu cung cấp các dịch vụ cho xã viên.

Ông Lê Thế Sua, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Phát cho biết, năm nay tình hình nắng hạn diễn ra khá gay gắt, độ mặn tăng cao, khiến cho việc nuôi tôm, cua của bà con trong vùng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ tham gia mô hình nuôi tôm – cua kết hợp có cải tiến, nông dân được tập huấn kỹ thuật, cung cấp vật tư, con giống chất lượng, xử lý môi trường nuôi bằng sản phẩm sinh học Bồ Đề, đã tạo ra môi trường tốt cho tôm, cua phát triển. Cụ thể, có 24 hộ được hỗ trợ tôm giống với số lượng hơn 1,3 triệu con, 3 hộ nhận cua giống số lượng trên 12 ngàn con và chế phẩm Bồ Đề xử lý môi trường nước là 906 lít.

Tham gia mô hình nuôi tôm, cua kết hợp, sử dụng sản phẩm sinh học Bồ Đề xử lý môi trường, xã viên HTX Thuận Phát trúng mùa, thu lơi nhuận hàng chục triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Chánh.
Tham gia mô hình nuôi tôm, cua kết hợp, sử dụng sản phẩm sinh học Bồ Đề xử lý môi trường, xã viên HTX Thuận Phát trúng mùa, thu lơi nhuận hàng chục triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Chánh.

Kết quả, đến nay nông dân đã thu hoạch tôm với năng suất trung bình đạt 300 kg/ha, giá bán 150 ngàn/kg, tổng thu của 82 ha là gần 3,7 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, mức lãi trung bình 25 triệu đồng/ha. Còn 3 hộ nuôi cua cũng đã thu hoạch trung bình 300 kg cua thương phẩm/ha, giá bán 170 ngàn/kg, tổng thu 255 triệu, sau khi trừ chi phí lãi 31 triệu đồng/ha.

“Trong bối cảnh thời tiết bất lợi, nhiều nơi bị thiệt hại, ảnh hưởng dịch Covid-19, giá tôm, cua đều ở mức thấp nhưng xã viên HTX vẫn thu hoạch đạt năng suất, thu được lợi nhuận như vậy là điều rất đáng mừng”, ông Sua đánh giá.

Anh Trần Văn Nguyên, xã viên có 2 ha đất tham gia mô hình cho biết: “Hơn chục năm chuyển đổi mô hình tôm, cua – lúa, năm nào cao nhất cũng chỉ thu hoạch được khoảng 500-600 kg. Nhưng năm nay nhờ xử lý môi trường nước tốt, nuôi đạt hiệu quả, đến nay đã bắt tôm, cua được hơn 1 tấn, bán được trên 160 triệu. Hiện dưới vuông nuôi vẫn còn, khả năng thu hoạch dứt điểm trước khi chuyển qua vụ lúa, sẽ thu đạt tổng doanh thu khoảng 200 triệu đồng”.

Ông Lê Thế Sua, GĐ HTX Thuận Phát cùng các đại biểu đánh giá chất lượng tôm, cua thu hoạch từ mô hình sử dụng sản phẩm sinh học Bồ Đề. Ảnh: Trung Chánh.
Ông Lê Thế Sua, GĐ HTX Thuận Phát cùng các đại biểu đánh giá chất lượng tôm, cua thu hoạch từ mô hình sử dụng sản phẩm sinh học Bồ Đề. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Khu vực Cty CP Bồ Đề – Bạc Liêu cho biết, hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm, chế phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản, tình trạng con giống, thức ăn bán tràn lan, khiến nông dân gặp khó khăn, không biết đâu là hàng thật, hàng giả. Việc nông dân sử dụng hóa chất trong thời gian dài, dẫn đến ô nhiễm, thoái hóa môi trường. Sản phẩm sinh học Bồ Đề giúp nông dân xử lý môi trường hiệu quả, tạo ra môi trường nuôi tôm, cua hiệu quả, đạt năng suất và là ra sản phẩm sạch, bán được giá tốt.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, ông Doãn Tấn Đạt, đánh giá mô hình nuôi tôm – cua kết hợp có cải tiến đạt được kết quả cao, cần được nhân rộng tại địa phương. Cụ thể, hiệu suất đầu tư đạt lợi nhuận đối với con tôm là trên 55%, cua là 60%, đây là mức lợi nhuận khá cao. Mô hình mang tính bền vững, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhà nông.

Bạn đang đọc bài viết Kiên Giang: Nuôi tôm – cua kết hợp có cải tiến đạt hiệu quả cao tại chuyên mục Thủy sản của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.

Đ.T.CHÁNH – https://nongnghiep.vn/

‘Vua’ sáng kiến nuôi tôm

Tin Huỳnh Diện (Huỳnh Xuân Diện), Giám đốc HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) chế tạo thành công thiết bị chống điện giật trong nuôi tôm công nghiệp gây tò mò và thôi thúc tôi tìm gặp nhân vật này.

Nhà anh ở ấp Bào Vũng, xã Tân Hưng, từ TP Cà Mau vào khoảng 30 cây số. Lúc chúng tôi đến, anh đang có khách và giới thiệu đó là Trần Văn Út và Huỳnh Thanh Tùng, người của Công ty tôm giống Nam miền Trung. Nghe tôi trình bày ý định viết bài về sáng kiến chống giật hay tuyệt này, Út mau miệng: “Nói thiệt với chị, dù không trực tiếp nuôi tôm nhưng nghe anh Diện thành công vụ chống giật này em mừng lắm. Nó tránh được rủi ro cho biết bao người”.

Sáng kiến “5 trong 1”

Anh Huỳnh Diện diễn giải về thiết bị chống điện giật trong nuôi tôm do anh sáng chế. Ảnh: Hoàng Diệu

Huỳnh Thanh Tùng phấn khởi tiếp lời: “Ai nuôi tôm công nghiệp nghe thiết bị này cũng hỏi thăm. Hôm nay tụi em đi “tiền trạm”. Sau đó sẽ đưa khách hàng đại lý và các “mối” nuôi tôm công nghiệp của mình tới tham quan, tìm hiểu để áp dụng”.

Út là người phụ trách phân phối tôm giống Nam miền Trung trên địa bàn Cà Mau, Kiên Giang. Nguồn tôm giống này gần chục năm qua được anh Diện chọn thả nuôi vuông nhà, và sau là HTX. Huỳnh Thanh Tùng thì phụ trách phân phối tôm giống các tỉnh trên.

Út hào hứng nói tiếp: “Anh Diện hay lắm, ảnh mày mò nghiên cứu rất nhiều thứ phục vụ nuôi tôm. Riêng vụ chống điện giật, anh tốn biết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của vì nó. Thành công này tụi em gọi là thành công một tâm đức”.

Giọng từ tốn, anh Diện giãi bày: “Người nuôi tôm đôi khi do bất cẩn bị điện giật, nhưng có khi hết sức cẩn thận cũng xảy ra sự cố khôn lường. Năm nào cả nước cũng có mấy chục vụ tai nạn điện vì nuôi tôm, riêng Cà Mau cả chục vụ. Làm giàu ai cũng muốn, nhưng vì nó phải đánh đổi cả tính mạng thì quá đau lòng. Tôi muốn làm sao người nuôi tôm được an toàn tuyệt đối”.

“Công trình của anh tính ra mất 4-5 năm đó chị”, Út nói. Là đối tác lâu năm, mến tính nhau nên Út và anh Diện trở nên thân thiết. Giọng đầy ngưỡng mộ, Út nói tiếp: “Có khi vô thăm, cứ thấy anh ngồi một góc suy nghĩ hoài. Lâu lâu điện hỏi thăm cũng chưa có gì mới. Vậy mà ảnh vẫn kiên trì. Ảnh hụt chết mấy lần vì nó đó chị”.

Chỉ tay về phía căn chòi cạnh bên, Út bảo: “Cái kho đó chứa không biết bao nhiêu phế liệu phục vụ sáng chế của anh; năm nào ảnh cũng bán tới… mấy ghe”.

Huỳnh Diện trải lòng: “Nói có khi chị không tin, gần 5 năm qua tôi phải đổ vô mấy tỷ bạc cho sáng chế này. Mình tay ngang, cứ mày mò, thử nghiệm, thất bại lại làm tiếp nên rất hao nguyên liệu. Tốn kém nhiều, có lúc mình cũng thấy đuối. Nhưng cứ nghe đây đó xảy ra vụ điện giật chết người vì nuôi tôm thì lại như mệnh lệnh thôi thúc mình không được bỏ cuộc”.

Rồi có những lúc, bỗng dưng người ta thấy anh thuê phương tiện đi cuốc vuông mướn, sên vuông, bán tôm giống, đi làm kỹ thuật tôm… Họ nói, Huỳnh Diện nuôi tôm trúng ầm ầm, còn làm đại lý thức ăn, thiết bị nuôi tôm…, giàu cỡ đó mà không chịu nghỉ ngơi. Ai nói gì mặc kệ, anh vẫn làm, chẳng thanh minh, giải thích gì.

Anh phân trần: “Làm đại lý đầu tư bạc chục tỷ, nhưng phần lớn bán thiếu cho bà con; rồi vốn liếng còn để xoay vòng… Sáng chế của mình chưa có gì chắc chắn, cứ lấy tiền kinh doanh đổ vô hoài, bị thâm hụt vốn, nợ nần, gia đình xào xáo thì không được. Tôi chịu khó kiếm tiền bên ngoài cũng vì nó”.

Giọng đầy phấn khởi, anh tiếp: “Được cái, ngoài anh em cộng sự nhiệt tình giúp các khâu cắt, hàn, tiện, nhiều việc khác, ý tưởng này còn được mấy anh lãnh đạo tỉnh biết và hỏi thăm, động viên, có khi còn móc tiền túi hỗ trợ…, vì vậy mà có thêm động lực”.

Và rồi nửa năm trước, sáng chế của anh coi như hoàn thành. Nhưng để chắc ăn, anh thử nghiệm trước cho đầm nuôi tôm của mình và vài anh em trong HTX.

Điều đặc biệt của hệ thống thiết bị này là, ngoài chống điện giật còn tiết kiệm được một lượng lớn điện tiêu thụ. Có cả hệ thống xi phông tự động, cứ 2 giờ, cặn bã được hút 1 lần nên nguồn nước nuôi không bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, do nguồn điện được hạ từ 220V xuống còn 12V không bị giật, nên cứ đi đường dây trực tiếp vào ống nhựa rồi âm trong đất, nơi nào cần thì móc lên đấu nối. Bóng đèn được gắn trực tiếp cùng hệ thống điện chạy quạt (khi quạt vận hành, bóng đèn sẽ sáng), vì vậy công trình ao nuôi không còn phải tốn tiền đổ trụ điện, cũng không phải giăng mắc rườm rà vừa mất thẩm mỹ, vừa gây nguy hiểm như trước đây.

Riêng về việc tiết kiệm điện, vụ vừa rồi anh áp dụng thử 1 ao nuôi, giảm được hơn 20 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Dương, thành viên HTX, cho biết, vụ vừa qua anh cũng áp dụng thiết bị cho 1 ao nuôi, giảm tiền điện hơn 30 triệu đồng (thời gian nuôi dài hơn anh Diện).

Để minh chứng chuyện điện không giật, anh đưa chúng tôi ra đầm tôm, dùng 2 ngón tay chạm vào 2 trụ điện và cho vận hành thiết bị. Dù biết an toàn, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi… thót tim.

So về giá thành, anh cho biết, thiết bị này cao hơn mô-tơ chạy quạt loại tốt khoảng 10%. “Cao hơn chút ít nhưng bảo toàn tính mạng, tiết kiệm một khoản lớn tiền điện, cộng thêm nhiều tiện ích khác thì quá xứng đáng để đầu tư”, Út quả quyết.

Tôi nhẩm tính: Vậy là sáng chế này đạt được 5 cái “nhất”: an toàn nhất, tiết kiệm nhất, giảm ô nhiễm môi trường nước nhất, tiện lợi nhất, công trình ao thẩm mỹ nhất.

Trả lời thắc mắc của tôi sao thiết bị chưa được phổ biến, anh nói, đang đề nghị chứng nhận sở hữu trí tuệ: “Sợ nhất là người khác bắt chước không đúng rồi gây tai nạn. Tôi muốn có chứng nhận riêng mới công bố để người dùng tuyệt đối an toàn”.

Tôi hình dung, rồi đây trong báo cáo của tỉnh, của quốc gia sẽ không còn những vụ tai nạn điện chết người vì nuôi tôm – nghề được xác định kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương, đặc biệt có Cà Mau. Mạng con người là vô giá, khắc phục được nạn điện giật lĩnh vực này, mỗi năm anh sẽ cứu được rất nhiều người. Vì vậy Trần Văn Út nói, đây là thành công “một tâm đức” quả không sai.

Farm nuôi tôm kiểu mẫu

Trời vần vũ, thấy anh cứ nhấp nhổm, Út phân bua: “Nãy giờ ruột gan anh hót hết. Anh lo mưa ảnh hưởng trang trại tôm đang thi công…”.

Thấy tôi tròn mắt, anh giải thích: “Tôi đang làm trang trại nuôi tôm trên diện tích 10 ha với 30 ao, tại ấp Cái Giếng, cùng xã Tân Hưng này. Cũng là siêu thâm canh nhưng đủ loại mô hình: vốn nhiều, vốn vừa, vốn ít. Thành viên HTX tuỳ khả năng mà chọn mô hình. Mấy năm qua thí nghiệm nhiều chỗ, nhiều thứ, giờ gom lại, coi như tất cả công sức, trí tuệ đều tập trung vào farm này”.

Anh cho biết thêm, tỉnh cũng rất ủng hộ, đang đầu tư lộ 3 m cho đường vô, dự kiến sẽ làm mô hình mẫu để các nơi tới tham quan, học hỏi.

Như vậy, đây là đỉnh cao của HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng. Từ nuôi tôm thâm canh trải lưới tới siêu thâm canh trải bạt; từ sử dụng ao lắng tới lấy nước trực tiếp thông qua hệ thống lọc sáng tạo; từ nuôi 1 giai đoạn lên 2 giai đoạn; nuôi mật độ 50-70 con/m2 lên 500-700 con, sau tới hơn 1.000 con/m2 nhưng không gây ô nhiễm nguồn nước, tôm lớn nhanh, được báo chí rầm rộ đưa tin, Trung ương khen ngợi, giờ tới farm nuôi tôm kiểu mẫu với đầy đủ tính năng vượt trội (mà hình như trong cả nước chưa nơi nào có). Đây quả là kỳ tích. Tất cả đang tiến hành, nhưng với những gì đã đặt nền móng, tin chắc rằng anh sẽ gặt hái thành công.

Trọn nghĩa với quê hương

Nhiều năm qua, vào dịp tết Nguyên đán, rằm lớn, bà con nghèo xứ Tân Hưng luôn được anh cấp phát gạo. Người hoàn cảnh ngặt nghèo qua đời, anh hỗ trợ hòm. Học trò nghèo hễ có giấy khen mang tới là bác Diện thưởng tập vở và tiền để tiếp thêm nghị lực…

Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Hắng cho biết, anh còn rất quan tâm chuyện cầu, đường. Công trình nào gặp khó anh hỗ trợ vài chục tới vài trăm bao xi-măng; có khi 50-70 triệu đồng. Mỗi đầu năm học, anh hỗ trợ xã mấy ngàn quyển tập để phát cho học sinh nghèo (chưa kể hỗ trợ các trường). Gạo thì mỗi năm anh phát cho bà con từ 4-5 tấn. Tính ra, số tiền anh làm công tác từ thiện xã hội trên địa bàn mà xã biết được cũng trên 500 triệu đồng. Có điều anh ít khi chịu để tên mình, kẹt lắm thì ghi tên người thân, bởi anh không muốn nhiều người biết đến. “Mình xuất thân từ nông dân, từng trải qua nghèo khó nên thấu hiểu lắm. Người ta nói tôi giàu, nhưng thật ra có tiền là tôi san sẻ hết. Mình có điều kiện thì tiếp sức kéo người khác dậy để cuộc sống bớt nhọc nhằn”, anh bày tỏ.

Nhân chuyện này, nhắc thêm về HTX nuôi tôm năng suất cao mà anh làm giám đốc. Hồi mới thành lập, bên cạnh tìm tòi nghiên cứu các biện pháp sản xuất hiệu quả, anh đặc biệt quan tâm tới đời sống xã viên. Trong xóm nhiều người vì nuôi tôm thất bại và lý do này khác cầm cố đất đi lao động các tỉnh trên, anh kêu gọi họ về vào HTX, cho mượn tiền chuộc một phần đất, giúp vốn, hướng dẫn kỹ thuật để họ làm ăn. Ai khó khăn, nhưng chí thú lao động, anh hỗ trợ căn nhà trị giá trên 100 triệu đồng cho họ có nơi an cư, yên tâm phát triển sản xuất. Tính đến nay, đã có 23 hộ được anh hỗ trợ chuộc đất, 6 hộ được anh cất nhà. Từ chuộc một phần đất, dần dần họ làm ăn hiệu quả chuộc hết phần còn lại. Vì vậy, từ 19 xã viên ban đầu, giờ HTX thu hút 55 người tham gia và không còn xã viên diện nghèo.

Mời tôi miếng bánh phồng tôm, anh bảo: “Tiếc là hôm nay không có bánh phồng chuối. Mẹ tôi khi còn khoẻ hay làm bánh phồng chuối gửi cho con trai mình, như lời nhắc nhở dù có thế nào cũng đừng quên loại cây trái đồng quê đã nuôi mình nên hình nên vóc. Tôi ăn riết cũng đâm ghiền món đó”. Và vô tình câu chuyện cuộc đời anh lại được khơi mở:

Anh thứ 10, sinh năm 1968, quê quán xã Tân Hưng, sinh ra trong hoàn cảnh tù đày tại bót Rau Dừa. Hồi đó ba anh là du kích, mẹ làm giao liên. Mẹ bị giặc bắt khi đang mang bầu anh. Trước tình trạng sức cùng lực kiệt của sản phụ trong cảnh lao tù và đứa con đỏ hỏn không sữa bú, gia đình và tổ chức quyết định bằng mọi cách phải đưa mẹ con anh ra khỏi bót. “Người anh rể là trinh sát đặc công được giao làm nhiệm vụ trinh sát địa hình… Cuối cùng cứu được mẹ con tôi, nhưng anh bị lộ và bị giặc giết…”, anh bùi ngùi.

Ra tù, người mẹ gầy còm không có sữa nên phải dùng chuối xắt lát phơi khô xay bột cho con bú. Và anh lớn lên nhờ những trái chuối ân tình này.

Trong căn chòi lá, nền ván dùng để tiếp khách (mặc dù cũ vẫn mang dấu ấn riêng của chủ nhân), gió hiu hiu, chúng tôi được nghe câu chuyện cuộc đời anh với đầy tầng nấc thăng trầm. Nhưng nổi lên hết là nghị lực, bản lĩnh và niềm đam mê sáng tạo. Và dù trong hoàn cảnh nào, anh cũng luôn tâm niệm: Con người ta được sinh ra là món quà tuyệt vời của tạo hoá, và để tồn tại, đôi khi phải đánh đổi nhiều thứ, kể cả mạng sống người khác… Phải sống có ý nghĩa với cuộc đời.

Út “tiết lộ”: “Thấy vậy chớ ảnh tới… 3 bằng đại học đó chị. Nhưng không bằng nào “dính” tới điện”. Anh phân trần: “Tôi học đại học kinh tế, ra làm Nhà nước mấy năm, lúc đó điều kiện khó khăn quá nên xin nghỉ ra ngoài làm ăn. Còn bằng đại học xây dựng và cử nhân xã hội là do mình ham hiểu biết nên học thêm vậy”.

Út chỉ tay về phía phải trước mặt và nói: “Cái ao nổi kia cũng là sáng tạo của ảnh đó. Người ta làm ao nổi nuôi tôm bằng khung sắt tốn 60-70 triệu đồng, ảnh làm bằng khung tre chỉ tốn 4-5 triệu, tiết kiệm hơn cả chục lần”.

Anh cho biết, đã nuôi được 3 vụ vẫn còn bền chắc. Và có nhiều người học hỏi cách làm này.

Lại chỉ tay về phía trái, nơi công trình gạch cát ngổn ngang, Út nói: “Anh đang xây hồ làm mô hình nuôi tôm sông trong ao. Đây là kiểu thiết kế nhiều dòng chảy, như con sông, bên lớn bên ròng…”.

Anh hào hứng: “Đây cũng là ý tưởng mới của tôi. Nếu mô hình thành công thì không chỉ nông thôn, nơi có đất rộng mà cả ở thành thị, nơi ít diện tích, thậm chí cả trên sân thượng cũng có thể nuôi tôm. Nước thì chỉ cần lấy 1 lần có thể sử dụng hoài…”.

Thật là nhân vật này quá nhiều điều để nói, nhiều chuyện bất ngờ. Và tôi cũng thầm cảm ơn Út – người “dẫn chương trình” nhiệt tình – nếu không, với cái tính “hỏi tới đâu nói tới đó” của anh làm sao tôi “khai thác” được ngồn ngộn thông tin thú vị như thế.

Còn làm còn nảy sinh nhiều ý tưởng, nhất là với trăn trở tìm cách giảm chi phí tối đa để tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm (mà theo lời anh, phí cho con tôm nước ngoài chỉ hơn 6.000 đồng, còn nước mình tới hơn 7.000 đồng), chắc rằng, anh sẽ còn sáng tạo nhiều chuyện bất ngờ, đột phá có ý nghĩa tiếp theo. Thử chờ xem – tôi tự nhủ./.

Trang Anh
Nguồn tin: Báo Cà Mau

Vừa nhích giá không lâu, hàng hải sản lại giảm giá loại cua biển ngon nhất nhì miền Tây

Hiện tại, cua Cà Mau đang giảm giá còn 250.000 – 270.000 đồng/kg (đối với loại 4-5 con/kg). Các mặt hàng hải sản khác như hàu, ngao, ốc hương cũng giảm giá nhẹ.

Đầu tháng 6, giá của nhiều loại hải sản như cua biển, tôm hùm xanh hay ngao hai cồi tăng trở lại sau đợt giảm mạnh hồi tháng 4 do giãn cách xã hội chống Covid-19.

Đầu tháng 7, mặt hàng này ở Hà Nội giảm giá nhẹ trong ngắn hạn và bắt đầu giảm sâu hơn vào cuối tháng theo chính sách kích cầu của từng cửa hàng, nhà hàng hải sản. Trong đó, cua biển Cà Mau còn 250.000 – 270.000 đồng/kg (loại 4-6 con/kg), giảm từ 50.000 – 80.000 đồng/kg.

Đối với cua thịt, giảm còn 480.000 đồng/kg (loại 3 con/kg), cua gạch còn từ 540.000 – 650.000 đồng/kg (tùy theo trọng lượng cua). So với giá bán của nhiều tháng trước, có thời điểm cao nhất lên tới 700.000 – 800.000 đồng/kg, cua biển đang có mức giá khá hấp dẫn, vì thế một vài cửa hàng ở Hà Nội cho biết, mặt hàng này bán chạy hơn cả nhờ giảm giá kích cầu.

Trên các chợ hải sản online, giá cua biển Cà Mau rẻ hơn từ 50.000 – 100.000 đồng/kg so với nhà hàng, tùy theo loại cua gạch hay cua thịt và trọng lượng dây buộc cua.

Vừa nhích giá không lâu, hàng hải sản lại giảm giá loại cua biển ngon nhất nhì miền Tây - Ảnh 1.

Cua Cà Mau đang giảm giá kích cầu tại nhiều cửa hàng hải sản.

Vừa nhích giá không lâu, hàng hải sản lại giảm giá loại cua biển ngon nhất nhì miền Tây - Ảnh 2.

Có sự chênh lệch giá đáng kể giữa các nơi bán, nhưng so với tháng trước, giá cua biển đang “mềm” hơn.

Vừa nhích giá không lâu, hàng hải sản lại giảm giá loại cua biển ngon nhất nhì miền Tây - Ảnh 3.

Chợ online nhộn nhịp rao bán cua Cà Mau giá rẻ.

Không chỉ cua biển, các mặt hàng “hot” như tôm hùm xanh, tôm Alaska cũng vẫn được ưu đãi mạnh. Trong đó, tôm hùm xanh size lớn còn 620.000 – 650.000 đồng/kg. Cua hoàng đế xanh giảm còn 1,7 triệu đồng/kg. Tôm hùm Canada size 1 – 1.2kg về còn 760.000 đồng/kg.

Không chỉ giảm tới 50% giá nhiều loại hải sản, các nhà hàng cũng ra thực đơn mới, thậm chí mở thêm các quầy bán đồ ăn sáng hải sản để hút khách.

Vừa nhích giá không lâu, hàng hải sản lại giảm giá loại cua biển ngon nhất nhì miền Tây - Ảnh 4.

Tôm hùm ngộp và ghẹ ngộp giảm giá từ 15%.

Là loại thực phẩm được yêu thích, đang có giá tốt, song chọn cua, tôm ngon cũng cần chú ý nhiều điểm. Theo Minh Anh, nhân viên cửa hàng hải sản trên phố Trần Kim Xuyến, Hà Nội, nếu muốn chọn được một con cua ngon có thể dựa vào các chi tiết ở càng và mai cua.

“Ví dụ, cua cái ngon, đầy gạch và trứng thì phần mai cua có độ đàn hồi tốt khi dùng tay nhấn, ngược lại, nếu ấn vào thấy mai bị xốp, thì cua đó ít thịt. Cua tươi, nhìn yến vẫn còn bám chắc vào thân, chân và càng chuyển động khỏe mạnh, linh hoạt, gai trên càng và mai cua vẫn còn sắc nguyên sẽ ngon.

Lời khuyên của tôi là khách không nên mua cua rẻ mà có dây buộc quá to, việc ngấm nước khiến trọng lượng dây lên tới 5 lạng, tính ra không tiết kiệm chi phí như mọi người vẫn tưởng”, Mai Anh chia sẻ.Cua biển ngon nhất miền Tây tăng giá trở lại sau dịch Covid-19

Theo Hoàng Linh

Nhịp sống Việt

Hiệu quả vượt trội của thức ăn ép đùn trên tôm thẻ

Hiệu quả vượt trội của thức ăn ép đùn trên tôm thẻ

Các kết quả nghiên cứu tại Ecuador cho thấy, thức ăn ép đùn có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa dưỡng chất, nâng cao sản lượng và gia tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm.
Tiêu hóa protein, axit amin và carbohydrates
Trong nghiên cứu đầu tiên, khả năng tiêu hóa protein (DAP), axit amin (DAAA) và carbohydrates (DAC) được thể hiện rõ ràng ở tôm thẻ non (6 – 10 g) có nguồn gốc từ một trại nuôi thương phẩm địa phương với độ mặn 7 ± 0,4 ppt. Đồng hóa tôm để quen với độ mặn của thiết bị thử nghiệm và thức ăn ép đùn, ép viên với công thức cơ bản giống nhau (35% protein thô, 7,5% béo thô) và chứa chromiun oxide như một chất chỉ dẫn.
Thử nghiệm được tiến hành trong một hệ thống bể tuần hoàn 60 lít nước; tỷ lệ tuần hoàn hàng ngày 400%. 10 con tôm được thả vào bể, được nuôi tại đây trong 5 ngày mới bắt đầu thu gom phân. Tôm được cho ăn ngày 2 lần vào sáng và chiều với tỷ lệ cho ăn tăng 3% mỗi ngày. Thức ăn ép đùn và ép viên được thả ngẫu nhiên vào mỗi bể lặp lại 4 lần. Ở ngày thu gom đầu tiên, phân và thức ăn thừa được đưa ra khỏi bể để giảm thiểu các kết quả không mong muốn do thức ăn tan trong nước gây ra. Dùng xi phông thu gom phân ngay sau mỗi cữ ăn, rửa qua phân để giảm tác động từ nước muối, và bảo quản lạnh đến khi khô để tiến hành phân tích.
Các phân tích đã chỉ ra sự khác biệt đáng kể (p <0.05) về mức độ tiêu hóa protein: tỷ lệ % protein được tiêu hóa trong thức ăn ép đùn cao hơn thức ăn ép viên. Nói cách khác, tôm tận dụng protein trong thức ăn ép đùn tốt hơn.
Nghiên cứu đã chỉ ra, xử lý nhiệt trong quá trình ép đùn ẩm thường làm cho thức ăn của tôm có đủ khả năng khử hoạt tính của hầu hết các chất ức chế trypsin trong khô đậu. Điều này vô cùng quan trọng vì trypsin là protesea đảm nhận vai trò phá vỡ liên kết peptide và giải phóng các peptide chuỗi ngắn và axit amin. Trong nghiên cứu, khả năng tiêu hóa axit amin arginine, isoleucine, lysine, methionine, threonine, glycine và proline khác biệt đáng kể. Trong những trường hợp này, tỷ lệ phần trăm tiêu hóa của các loại axit amin trên đều cao hơn ở thức ăn ép đùn. Và kết quả về tiêu hóa proein chỉ ra thức ăn ép đùn có sinh khả dụng tốt hơn.
Ngoài ra, tỷ lệ tiêu hóa axit amin trong thức ăn ép đùn của lysine và methionine đạt kết quả xuất sắc. Đây là 2 loại axit amin thiết yếu có sinh khả dụng trong thức ăn tôm là cực kỳ quan trọng với sự trao đổi chất và hình thành mô dựa trên các protein phức hợp. Điều này ảnh hưởng đến sự hình thành mô và do đó tác động tới tốc độ tăng trưởng của tôm. Tốc độ tăng trưởng cao hơn thì đổi lại sẽ tăng hiệu quả chăn nuôi và lợi nhuận, rút ngắn thời gian sản xuất.
Thử nghiệm trong điều kiện được kiểm soát
Trong thử nghiệm thứ 2, tôm thẻ (3,86 ± 0,06 g) được thả vào bể với mật độ 15 PL/m² nuôi trong 54 ngày. Tôm được cho ăn theo 2 nghiệm thức lại 4 lần trong bể. Tôm được cho ăn quá mức 3 lần/ngày để hiệu lực của thức ăn không bị hạn chế.
Các kết quả cho thấy sự khác biệt đáng kể (p <0.05) về tăng trưởng hàng tuần, trọng lượng và sinh khối cuối cùng giữa các nghiệm thức, trong khi không có sự khác biệt lớn về tỷ lệ sống và tỷ lệ biến đổi thức ăn. Tôm trong các bể dùng thức ăn ép đùn có sinh khối cuối cùng cao hơn 9%, trọng lượng thân cuối cao hơn 10% chứng tỏ thức ăn ép đùn đã ảnh hưởng tích cực tới hiệu suất nuôi tôm.
Các nghiên cứu trước đây về thức ăn ép đùn đều cho thấy, hiệu quả sản xuất tốt hơn thức ăn ép viên. Nhiều tác giả đã báo cáo lợi ích khi sử dụng thức ăn ép đùn trong nuôi tôm thẻ. Ví dụ, một số nhà nghiên cứu đã chứng tỏ thức ăn ép đùn giúp tôm tăng trưởng tốt hơn thức ăn ép viên (8,35 g và 7,11 g) trong một hệ thống thử nghiệm đối chứng. Các kết quả tương tự cũng được ghi nhận trong thử nghiệm trên tôm càng xanh.
Thử nghiệm thực địa
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của thức ăn ép đùn tới tăng trưởng của tôm, tỷ lệ sống, biến đổi thức ăn, chi phí sản xuất và hiệu suất kinh tế bằng cách đánh giá dữ liệu từ 271 vụ nuôi giữa tháng 1 và tháng 10/2019 tại các trại nuôi tôm trên vịnh Guayaquil, Ecuador.
Trong phân tích này, họ đã chọn các ao tôm có chế độ dinh dưỡng hoàn chỉnh với thức ăn chứa 35% protein và cho ăn bằng tay. Những ao này được chia nhóm dựa vào lượng thức ăn ép đùn, hoặc ép viên đã sử dụng suốt vụ nuôi. Trọng lượng ban đầu của tôm trong những ao này là 0,4 – 0,6 g và mật độ 13 – 15 PL/m². Chu kỳ sản xuất 104 – 119 ngày tùy mục tiêu trọng lượng thu hoạch.




Các kết quả dữ liệu phân tích cho thấy, cho ăn bằng tay làm giảm tỷ lệ biến đổi thức ăn 17% ở những ao sử dụng thức ăn ép đùn so các ao thức ăn viên (Hình 1). Tăng trọng hàng tuần của tôm ở ao thức ăn ép đùn cao hơn ao dùng thức ăn viên là 11% nên trọng lượng mục tiêu ở ao dùng thức ăn ép đùn sẽ về đích sớm hơn 15 ngày so ao dùng thức ăn ép viên (Hình 2). Tỷ lệ sống của tôm ở ao dùng thức ăn ép đùn cao hơn ao ép viên 7% (Hình 3). Về hiệu quả kinh tế, thậm chí chỉ cho tôm ăn thức ăn ép đùn 1 hoặc 2 lần/ngày cũng có thể giảm chi phí tới 90% và lợi nhuận cao hơn 13% so với các ao sử dụng thức ăn ép viên (Hình 4).

Tuấn Minh – Theo Aquafood

Các loại thức ăn tổng hợp cho ấu trùng tôm

Trong ương ấu trùng tôm, ngoài thức ăn tự nhiên như tảo tươi, Artemia, luân trùng… thì thức ăn tổng hợp là một trong những yếu tố then chốt đóng góp vào chất lượng con giống.

Thức ăn ấu trùng dạng mảnh

Trong số thức ăn nhân tạo cho hậu ấu trùng, thức ăn dạng mảnh đã được quan tâm đáng kể trong ngành công nghiệp nuôi tôm. Loại thức ăn này thường được dùng ở châu Á và châu Mỹ. Về mặt kỹ thuật, thức ăn dạng mảnh có công nghệ chế biến không phức tạp; các nguyên liệu thức ăn được giã nhỏ và thêm nước tạo thành dạng sệt. Sau khi bổ sung vi chất dinh dưỡng và trộn thêm chất kết dính, hỗn hợp được đưa qua máy tạo mảnh (thường là máy sấy hơi nước). Sau quá trình này, thức ăn sẽ tạo thành những mảnh vụn lớn nhỏ khác nhau, những mảnh lớn tiếp tục được nghiền nát và dùng sàn để điều chỉnh kích cỡ thức ăn đúng mong muốn.

tương lai của thức ăn bền vững

Ảnh minh họa

Ưu điểm lớn nhất của thức ăn dạng mảnh là giá thành, dạng thức ăn này thường có giá bán trung bình, phù hợp với tất cả các quy mô sản xuất, kể cả các cơ sở nhỏ lẻ. Tuy nhiên, do phải sử dụng máy sấy trong quá trình tạo mảnh (nhiệt độ từ 125 – 1300C) nên chất lượng thức ăn bị giảm một cách đáng kể. Ngoài ra, thức ăn dạng mảnh rất dễ hòa tan, gây thất thoát dinh dưỡng trong nước, khó quản lý hiệu suất cho ăn cũng như môi trường bể ương.

Thức ăn vi nang

Thức ăn vi nang được tạo ra bằng cách phủ lên các hạt thức ăn siêu nhỏ một lớp vật liệu sinh học, thường là cholesterol-lecithin hoặc zein – một loại protein trong bắp ngô. Có thể hiểu, trong công nghệ sản xuất thức ăn vi nang, nhà sản xuất nghiên cứu bổ sung nhiều nhóm chất dinh dưỡng, enzyme, vitamin, kể cả vaccine nếu cần, sau đó gói gọn chúng vào trong một lớp vật liệu sinh học để giảm thiểu thất thoát dinh dưỡng trong nước. Do đó, thức ăn tổng hợp dạng vi nang có thể đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, được dùng để bổ sung một phần hoặc thay thế toàn bộ thức ăn tươi tự nhiên. Thức ăn dạng vi nang có nhiều ưu điểm nhưng hạn chế lớn nhất là giá thành cao hơn với mức đầu tư trung bình của các trại giống, thường chỉ dành cho các trại tôm giống lớn sử dụng ở giai đoạn Zoea và Mysis.

Thức ăn vi nang dùng kỹ thuật sản xuất ép đùn lạnh

Hạn chế về chất lượng của thức ăn mảnh và điểm yếu giá thành cao của công nghệ vi nang gây khó khăn cho nhu cầu sử dụng thức ăn tổng hợp trong ương nuôi tôm giống. Đòi hỏi của thực tế sản xuất đã thôi thúc cho ra đời một công nghệ đáp ứng việc cân đối giữa hiệu suất và giá thành sản phẩm, đó là công nghệ sản xuất thức ăn vi nang ở nhiệt độ thấp. Công nghệ mới dùng kỹ thuật ép đùn lạnh (micro extruced) để sản xuất những hạt thức ăn ép lạnh siêu nhỏ nhưng hoàn thiện dinh dưỡng, không làm biến tính các vi chất thiết yếu, ít tan trong nước, kích thước hạt nhỏ đồng nhất tạo điều kiện cho ấu trùng tôm bắt mồi dễ dàng. Thức ăn vi nang ép lạnh cũng có giá thành hợp lý hơn thức ăn vi nang được sản xuất theo cách thông thường, tuy nhiên dạng thức ăn này chưa được phổ biến.

Thức ăn dạng lỏng

Thức ăn lỏng cho ấu trùng tôm có nhiều lợi ích khi so sánh với các sản phẩm khác ở dạng khô, vì thức ăn đã được vi bọc, sản xuất theo quy trình lạnh để bảo vệ các thành phần nhạy cảm (enzyme, axit béo, màu sắc…) khỏi bị phá hủy bởi nhiệt độ. Thức ăn mang cấu trúc bán lỏng, kích thích ấu trùng tôm ăn và ổn định trong nước cũng như giảm đáng kể thất thoát gây ô nhiễm nước ao nuôi. Ngoài ra, thức ăn này còn được chứng minh là kéo dài thời gian vận chuyển tôm giống do giữ được chất lượng nước và duy trì hàm lượng ôxy hòa tan.

Thái Thuận

Tổng hợphttp://thuysanvietnam.com.vn/

Ngành tôm Sóc Trăng: Gia tăng lợi nhuận từ công nghệ

Là vùng đất giàu tiềm năng phát triển thủy sản nhất là với con tôm, những năm qua, hàng trăm hộ dân tại Sóc Trăng đã ứng dụng các mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả như nuôi tôm hai, ba giai đoạn, lót bạt và hiện nay là nuôi tôm ao nổi…; tất cả đều rất thành công đem về lợi nhuận tốt, hạn chế dịch bệnh.

Con tôm là loại thủy sản không dễ nuôi trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết trong các năm gần đây và để vụ nuôi tôm thắng lợn ngành chuyên môn tại Sóc Trăng đã xây dựng lịch mùa vụ thả giống tôm cho từng địa phương và tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân cách phòng tránh dịch bệnh trên tôm nuôi cũng như triển khai các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đến hộ dân.

Nhiệt tình đưa chúng tôi tham quan ao nuôi tôm hai giai đoạn của gia đình triển khai thực hiện gần 2 năm qua, ông Ngô Công Luận (ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên) hồ hởi chia sẻ: “Mấy mươi năm gắn bó với nghề nuôi tôm đã góp phần giúp gia đình có đời sống ổn định, tôi có tổng diện tích đất nuôi tôm là 4,5 ha với tổng số 8 ao nuôi trừ hết các bờ bao diện tích mặt nước khoảng 2,4 ha với diện tích trên hàng năm nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến nuôi 1 vụ tôm và trồng 1 vụ lúa. Do nuôi theo hình thức truyền thống tôm thả nuôi thưa tầm 15 con/m2 nên sản lượng sau thu hoạch ước 10 – 15 tấn  tùy vào từng vụ nuôi, thậm chí sản lượng còn thấp hơn, nuôi tôm bị lỗ nặng do diện tích đất rộng khó trong việc quản lý ao nuôi, dịch bệnh không xử lý kịp ảnh hưởng đến mùa vụ. Sau nhiều ngày suy nghĩ và học hỏi kinh nghiệm thông qua các cuộc hội thảo của ngành chuyên môn và học tập kinh nghiệm khi đi thực tế các tỉnh, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến, sang nuôi tôm 2 giai đoạn”.

Với 5.600 m2, ông Luận chia làm 5 ao nuôi, trong đó có ao ương, ao nuôi, ao lắng và nước lấy vào ao nuôi, chỉ duy nhất một lần trong năm với lượng nước trên sau vụ nuôi đợt đầu sẽ lắng lọc lại và phục vụ cho lần nuôi kế tiếp. Nhờ nuôi tôm công nghệ cao chỉ 2 ao nuôi (2.000 m2) sản lượng thu về hơn 30 tấn/năm/2 đợt nuôi, trừ các khoản chi phí lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.

Ghé thăm mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Tèo (ấp Cổ Cò, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên), chủ nhân nhanh chân đưa chúng tôi ra tham quan hệ thống nuôi tôm bằng ao nổi của gia đình. Anh Tèo bộc bạch: “Tôi chuyển đổi mô hình nuôi tôm dưới ao lên nuôi bằng ao nổi đã được 4 năm, với tổng số 6 ao nuôi, 1 ao nuôi có diện tích 700 m2, do nuôi trên ao nên tôm dễ quản lý, tôm nuôi được dày, với 1 m2 ao chứa 300 con tôm, hiện tại trọng lượng tôm trong ao nuôi đạt 18 – 20 con/kg, sản lượng tôm nuôi tăng gấp 25 – 30% so nuôi trong ao đất. Đồng thời, ao nuôi tôm đảm bảo vệ sinh môi trường vì toàn bộ nước thải từ ao nuôi được xử lý thông qua hệ thống lọc nước thải và nước lọc xong chứa vào ao lắng và lượng nước trên sẽ được đưa trở lại ao nuôi. Với ao nuôi 700 m2 sản lượng tôm thu hoạch 42 – 50 tấn/3 đợt nuôi đem về nguồn lợi nhuận rất tốt…”.

Phó phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên Tăng Thanh Chí, cho biết: “Địa phương tiếp tục khuyến cáo bà con thực hiện chủ trương thực hiện mô hình luân canh tôm – lúa. Đồng thời, trong những năm gần đây một số hộ dân có điều kiện về vốn, diện tích ở gần sông lớn họ phát triển nuôi hình thức siêu thâm canh với diện tích nuôi trên 280 ha, có hơn 150 hộ tham gia. Đây được xem mô hình nuôi hiện đại đạt năng suất sản lượng cao, bảo vệ được môi trường nuôi bằng cách hộ nuôi quản lý nguồn nước thải ra môi trường sau khi lọc sạch chất thải mới xả nước, góp phần đảm bảo mùa vụ nuôi tôm thành công cho các hộ nuôi tôm lân cận…”.

Ông Ngô Công Luận chia sẻ: “Nuôi tôm công nghệ cao sản lượng tôm nhiều nên thương lái thích mua, kèm theo đó tôm tại ao nuôi của gia đình đạt chuẩn ASC được doanh nghiệp liên kết thu mua giá cao hơn thị trường 4.500 đồng/kg. Hiện, tôi tham gia mô hình nuôi tôm do Tổ chức GIZ hỗ trợ quản lý nước thải ao tôm qua hệ thống lọc và chất thải tôm được giữ lại trong túi biogas tạo chất đốt, hạn chế ô nhiễm môi trường, an toàn sinh học cho ao nuôi”.

Thúy Liễuhttp://thuysanvietnam.com.vn/

Xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Tôm Trà Vinh”

UBND tỉnh Trà Vinh quyết định bổ sung nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặt hàng cấp tỉnh năm 2020 với nhiệm vụ: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Tôm Trà Vinh” cho sản phẩm tôm của tỉnh Trà Vinh.

Mục tiêu nhân rộng, đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận “Tôm Trà Vinh” cho sản phẩm tôm của tỉnh; xây dựng mô hình, hệ thống công cụ/phương tiện quản lý nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng các hệ thống nhận diện thương hiệu, phát triển quảng bá nhãn hiệu chứng nhận; áp dụng thí điểm thành công 2 mô hình trên thực tế. Sản phẩm của đề tài là báo cáo kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá về tôm Trà Vinh; bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Tôm Trà Vinh”.

Sản phẩm “Tôm Trà Vinh” 

Được biết, việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Tôm Trà Vinh” có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều khía cạnh, như: Nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp sản xuất tuân theo quy trình chặt chẽ và đảm bảo chất lượng khi truy xuất nguồn gốc; tăng giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm… Qua đó, sẽ tạo niềm tin đối với người tiêu dùng về sản phẩm tôm của Trà Vinh. Đó là bước đầu tiên giúp xây dựng thương hiệu cho các đặc sản thủy sản của tỉnh Trà Vinh, nâng cao giá trị và giúp sản phẩm “bay xa” ra thị trường nước ngoài thời gian tới.

Thanh Tuyền – http://thuysanvietnam.com.vn/