Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Rối bời, nên bán tháo tôm hùm hay chờ giá?

tôm hùm
Nên bán tháo tôm hùm hay chờ giá?

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, tôm hùm không xuất khẩu được, lượng tiêu thụ nội địa cũng giảm mạnh khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn.

Mọi năm, thời điểm này, các con đường đến vùng nuôi tôm hùm thuộc phường Cam Phú và Cam Phúc Nam, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa luôn tấp nập người mua – bán và làm dịch vụ cung ứng thức ăn cho lồng bè nuôi trồng thủy sản. Nhưng năm nay, nhất là 2 tuần trở lại đây, khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, rất ít thương lái đến hỏi mua tôm hùm, dù cho người nuôi tôm chấp nhận giá bán rẻ hơn trước. Ở vùng nuôi tôm hùm của tỉnh Khánh Hòa, người nuôi ít thì 10 lồng, nuôi nhiều lên đến 40 lồng. Chỉ riêng tiền mua thức ăn cho 10 lồng tôm hùm, mỗi ngày đã không dưới 2 triệu đồng. Tiền để duy trì lồng tôm nuôi trên biển và cho sinh hoạt hàng ngày, nhiều người phải vay ngân hàng, thậm chí là vay nóng ở ngoài với lãi suất rất cao.

Tỉnh Khánh Hòa có hơn 64 ngàn lồng, bè nuôi tôm hùm với sản lượng thu hoạch hơn 1.300 tấn mỗi năm, doanh thu lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, ở những tháng đầu năm đã làm cho người nuôi tôm hùm bị thua lỗ. Đợt dịch Covid 19 hiện tại thì chưa biết đến khi nào kết thúc. Điều này càng khiến người nuôi tôm rối bời, không quyết định được nên bán tháo tôm hùm, hạn chế thua lỗ hay tiếp tục nuôi để chờ giá?

Giảm mật độ nuôi, giảm lồng bè để bảo tồn đồng vốn chính là khuyến cáo của cơ quan chức năng với nghề nuôi tôm hùm lồng trên biển. Đây cũng là phương án phù hợp, bởi đi vay nóng để duy trì đàn tôm, rủi ro sẽ còn lớn hơn, nhất là mùa mưa bão ở miền Trung đang đến gần.

Văn Giang, Duy Hoàng VTV

Xuất khẩu tôm sang Mỹ nửa đầu năm 2020 tăng 29%

Chế biến tôm
Xuất khẩu tôm sang Mỹ nửa đầu năm 2020 tăng 29%

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 323,3 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ tăng khoảng 20% trong năm 2020.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 7/2020 ước đạt 780 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2020 đạt 4,38 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng đối với mặt hàng tôm, trong tháng 6/2020, giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 228,21 triệu USD, chiếm 31,73% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019; tôm sú đạt 50,27 triệu USD, chiếm 6,69%, giảm 8,35%.

Trong khi xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm sang nhiều thị trường chính giảm thì tại thị trường Mỹ và Anh lại ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang Anh đạt 140,5 triệu USD, tăng cao nhất đạt 13,3% so với cùng kỳ năm trước; Mỹ đạt 654 triệu USD, tăng 0,5%.

Đáng chú ý, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, mặc dù dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng khá ổn định trong 6 tháng đầu năm nay. Đây cũng là thị trường duy nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương liên tục trong tất cả các tháng của nửa đầu năm nay.

Nguyên nhân do, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ không giảm do Mỹ nhập khẩu để phục vụ kênh bán lẻ, thương mại điện tử, giao hàng tại nhà. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Mỹ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ EZ… để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.

Trên thị trường Mỹ, trong 6 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19 trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề. Các nhà chế biến và xuất khẩu tôm của Ấn Độ, Ecuador không chỉ chịu tác động bởi đơn hàng giảm mà ngay cả hoạt động sản xuất trong nước cũng bị đình trệ do lệnh phong tỏa, thiếu công nhân trong các nhà máy do họ không đi làm vì lo ngại bị nhiễm bệnh.

Theo số liệu của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), Ấn Độ vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ trong nhiều năm qua, chiếm 40% tổng nhập khẩu tôm vào Mỹ. Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ đã bắt đầu giảm trong tháng 5/2020 sau khi tăng trong những tháng trước đó. Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ trong tháng 5/2020 đạt 8.560 tấn, trị giá 72,1 triệu USD, giảm 58% về khối lượng và 56% về giá trị so với tháng 5/2019.

Ecuador vẫn là nguồn cung tôm lớn thứ 3 cho Mỹ. Trong tháng 5/2020, Ecuador xuất khẩu sang Mỹ 5.773 tấn tôm, trị giá 33,6 triệu USD, giảm 25% về khối lượng và 32% về giá trị so với tháng 5/2019.

Ít nhất 17 nguồn cung đã giảm xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 5/2020 so với tháng 5/2019. Một số nguồn cung như Nicaragua, Bangladesh, Saudi Arabia, Sri Lanka và Na Uy không xuất tôm sang Mỹ trong tháng 5/2020. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam sẽ không giảm để bù đắp từ các nguồn cung trên. Thái Lan và Trung Quốc vẫn tiếp tục xu hướng giảm xuất khẩu sang Mỹ kể từ năm 2019, do Thái Lan vi phạm về vệ sinh, uy tín trong khi giá tôm cao, còn tôm Trung Quốc xuất sang Mỹ đang bị áp thuế cao do hậu quả của chiến tranh thương mại.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, trong quý III/2020, tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ không cao bằng quý II/2020, do Ấn Độ và Ecuador chuyển hướng tăng xuất khẩu sang Mỹ vì gặp khó ở Trung Quốc (chậm thông quan và gặp vấn đề trong vệ sinh…). Tuy nhiên, với lợi thế về thuế chống bán phá giá thấp, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong cả năm 2020 dự báo vẫn tăng khoảng 20% so với năm 2019.

Nguyễn Hạnh Công Thương

Đối mặt với 9.200ha tôm chết, Bạc Liêu đẩy mạnh phòng dịch

Tôm thẻ
Tình hình tôm nuôi phải đối mặt với nhiều rủi ro, cần quyết liệt trong công tác phòng dịch

Trong khó khăn chung của tình hình biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đó là diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tình hình tôm nuôi lại phải đối mặt với nhiều rủi ro riêng.

Nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại

Ông Lưu Hoàng Ly – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Từ đầu vụ nuôi 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi có nhiều diễn biến phức tạp, giá tôm nguyên liệu liên tục sụt giảm, tình hình xuất khẩu bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã khiến người nuôi tôm và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hạ tầng vùng nuôi ngày một xuống cấp, thiếu đồng bộ đã khiến cho việc vận chuyển hàng hóa, tiêu thoát nước trong nuôi tôm gặp khó… Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp, ngành Nông nghiệp tỉnh quyết tâm không để sụt giảm giá trị sản xuất nông nghiệp”.

Theo thống kê, đến cuối tháng 7/2020, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có hơn 9.200ha tôm chết, trong đó, một số nơi tôm chết chiếm gần 40% diện tích thả nuôi. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh đang khuyến cáo bà con nông dân không vội xuống giống ở những nơi độ mặn còn cao. Đồng thời, khuyến khích nông dân áp dụng các hình thức nuôi phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương như: Nuôi quảng canh cải tiến kết hợp ít thay nước, nuôi tôm với mật độ vừa phải, nuôi xen canh để tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Cùng với đó, các địa phương cũng tập trung tăng cường hỗ trợ các hộ dân nuôi theo hình thức siêu thâm canh, mạnh dạn áp dụng các quy trình, kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần giảm thiểu rủi ro, hạn chế thấp nhất những tác động do môi trường và dịch bệnh gây ra.

Xây dựng hạ tầng vùng nuôi, phòng chống dịch bệnh

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Phùng Đức Tiến đã chỉ đạo: “Bạc Liêu cần gấp rút chuẩn bị các điều kiện cho mô hình nuôi trồng thủy sản sạch, kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng tôm giống, thuốc thú y và thức ăn thủy sản. Đồng thời xây dựng tiêu chí về trại sản xuất giống thủy sản – xem đây như một ngành sản xuất có điều kiện. Nếu cơ sở nào không đủ điều kiện đầu tư thì đề nghị loại bỏ. Bộ NN&PTNT sẽ xem xét hỗ trợ Bạc Liêu trong việc ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng vùng nuôi; công nghệ xử lý nước thải, chất thải cho vùng chuyên tôm để lĩnh vực này phát triển và phát triển bền vững”.

Từ nay đến cuối năm 2020, bên cạnh nhiệm vụ quan trọng là tham gia cùng Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xác định nguyên nhân tôm chết; Sở NN&PTNT BẠc Liêu cũng đã khuyến cáo nông dân nên dùng những sản phẩm chính thống (đã được công bố) để cải tạo môi trường ao tôm; phòng chống dịch bệnh trên lúa, gia súc, gia cầm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, trong vấn đề sản xuất, các cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT cũng cần dự báo diễn biến tình hình để đưa ra khuyến cáo, giải pháp phù hợp cho nông dân. Điều đáng quan tâm nữa là, cần quản lý chặt để sớm phát hiện và xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn thủy sản kém chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm quảng canh ở vùng Bắc Quốc lộ 1A trong điều kiện thời tiết không đảm bảo, không đủ nước mặn nhưng tôm vẫn sống…

Chí Linh Báo Bạc Liêu

Cà Mau tồn kho khoảng 20.000 tấn tôm xuất khẩu

Chế biến tôm xuất khẩu
Chế biến tôm xuất khẩu tại một nhà máy trên địa bàn Cà Mau

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhiều nhà nhập khẩu tôm lớn của tỉnh Cà Mau tạm ngừng, giảm, giãn đơn hàng, dẫn đến doanh nghiệp trong tỉnh phải tạm trữ hàng hóa với số lượng lớn.

Ngày 4-8, UBND tỉnh Cà Mau cho biết sản lượng tôm chế biến 7 tháng đầu năm đạt 65.458 tấn, bằng 44% kế hoạch, tăng 8% so cùng kỳ. Mặc dù sản lượng tôm chế biến tăng nhưng xuất khẩu tôm từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) 7 tháng đầu năm đạt 446 triệu USD, bằng 39% kế hoạch, giảm 12% so cùng kỳ.

Cà Mau là địa phương dẫn đầu sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước (khoảng 1,2 tỷ USD/năm). Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhiều nhà nhập khẩu tôm lớn của tỉnh Cà Mau (trong đó có Mỹ và Trung Quốc) tạm ngừng, giảm, giãn đơn hàng, dẫn đến doanh nghiệp trong tỉnh phải tạm trữ hàng hóa với số lượng lớn. Hiện lượng hàng tồn kho khoảng 20.000 tấn.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chế biển tôm xuất khẩu cũng giảm sức mua hoặc mua với giá thấp, dẫn đến giá tôm nguyên liệu giảm mạnh. Giá tôm sú nguyên liệu giảm khoảng 30%, tôm thẻ chân trắng giảm khoảng 15%.

Trước tình hình trên, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau khuyến khích người dân nuôi tôm áp dụng các biện pháp điều chỉnh phù hợp (như chuyển từ nuôi tôm size lớn sang nuôi size nhỏ), khôi phục sản xuất đối với diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh…

Tấn Thái SGGP

Điểm sáng xuất khẩu tôm

Tôm xuất khẩu tăng trưởng
Tôm xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng 12% trong 7 tháng đầu năm nay

Trong khi các mặt hàng xuất khẩu thủy sản nói chung bị giảm mạnh bởi tác động từ đại dịch thì riêng sản phẩm tôm vẫn đạt mức tăng trưởng khá trong 7 tháng đầu năm nay. Dự báo đến hết năm 2020, nhiều khả năng xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ đạt kim ngạch khoảng 3,8 tỷ USD.

Tăng trưởng trong khó khăn

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước tính hết tháng 7, xuất khẩu tôm của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch tích cực 12,1% so với cùng kỳ, thu về gần 2 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu như hiện nay.

Nói về nguyên nhân ngành tôm xuất khẩu tăng trưởng tốt trong khi các ngành hàng thủy sản khác, đặc biệt là cá tra sụt giảm mạnh, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – chỉ ra: Dịch bệnh khiến các hoạt động ăn uống của người dân thế giới giảm mạnh. Riêng con tôm, do có nhiều sản phẩm chế biến và bán nhiều ở siêu thị tại các thị trường nên không bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, các nước xuất khẩu mặt hàng tôm (cạnh tranh với Việt Nam) như Indonesia, Thái Lan, Ecuardo, Ấn Độ… cũng bị tác động từ đại dịch khiến hoạt động đánh bắt và xuất khẩu bị hạn chế, trong khi chúng ta lại kiểm soát rất tốt dịch bệnh từ đầu năm nên các hoạt động sản xuất vẫn duy trì.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm đạt kết quả tốt, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và TM Thuận Phước – chia sẻ: Đến thời điểm này, Thuận Phước xuất khẩu được 3.000 tấn tôm và các sản phẩm làm từ con tôm, tăng 8% so với cùng kỳ; đạt trên 31 triệu USD, tăng gần 6%. Thị trường chủ lực của Thuận Phước hiện vẫn là Mỹ và EU. “Các mặt hàng chế biến sẵn hiện được tiêu thụ rất tốt và sản phẩm làm từ tôm là thế mạnh của công ty nên tình hình kinh doanh của công ty vì thế không bị tác động từ dịch bệnh”, ông Lĩnh cho biết.

Nhiều giải pháp duy trì xuất khẩu đến hết năm

Dù đạt triển vọng khả quan trong thời gian qua song ông Hòe cho biết, tình hình xuất khẩu từ nay đến cuối năm của ngành vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Bởi lẽ hiện tại các nước EU và Mỹ dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát, trong khi đây là 2 thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam nên giá trị xuất khẩu tăng hay giảm còn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động kiểm soát dịch của họ. Tuy nhiên ông Hòe vẫn dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm có khả năng sẽ đạt mức 3,8 tỷ USD.

Với diễn tiến thị trường như vậy, ngành tôm Việt phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng để giữ vững thị trường. Theo TS Hồ Quốc Lực – nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX Việt Nam – để làm được chúng ta cần chú trọng kiểm soát chất lượng tôm giống, đầu tư thêm hệ thống thủy lợi nuôi tôm nhằm giúp nâng cao tỉ lệ thành công cho người nuôi. Điều này sẽ dẫn đến giá thành nuôi thấp, tăng sức cạnh tranh tôm Việt Nam trên thương trường thế giới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến tôm cần quan tâm chọn lọc nguyên liệu đạt chuẩn, đừng vì ham rẻ sẽ ảnh hưởng lâu dài. Nếu tất cả cơ sở chế biến đều ý thức, tôm nguyên liệu xấu sẽ không tồn tại.

Song song đó, để khâu tiếp thị và bán hàng thuận lợi, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho mình. Đây là chuyện khó, đòi hỏi sự kiên trì và tốn không ít chi phí, nhân lực, thời gian. Nhất là muốn xây dựng thương hiệu thành công bền vững đòi hỏi một sự đồng bộ lớn từ nhận thức đến hành động như xây dựng văn hóa doanh nghiệp làm nền tảng để cùng nhìn về một hướng, coi trọng đạo đức kinh doanh, thực thi trách nhiệm xã hội, thực thi các chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững…

Mặt khác, các thông tin diễn biến về tình hình giá cả, cung cầu thế giới về con tôm cũng được VASEP cập nhật hàng tuần qua các bản tin tuần và trên website của mình. Tất cả nội dung này trong quá trình dài đã đóng góp không nhỏ tạo ra diện mạo ngành tôm hiện nay. Cho nên các doanh nghiệp tham gia kinh doanh tôm nên hết sức quan tâm tìm hiểu các thông tin về tôm từ VASEP, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, mới gia nhập ngành còn nhiều việc phải lo lúc ban đầu.

Thùy Dương Báo Công Thương

Cận cảnh thu hoạch tôm nuôi theo mô hình công nghệ cao

thu hoạch tôm
Tuy giá tôm đang giảm mạnh nhưng mô hình nuôi tôm công nghệ cao vẫn có lời.

Vụ này sau khoảng 70 ngày nuôi, tôm của anh Thành đạt kích cỡ khoảng 50con/kg. Tuy hiện giá tôm giảm mạnh nhưng anh Thành vẫn lời hơn 120 triệu đồng.

Gần đây, nuôi tôm công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đang được ngành chức năng khuyến khích nhân rộng tại ĐBSCL. Trong đó, mô hình thâm canh mật độ cao trong bể nổi đã và đang chứng minh tính nổi trội với nhiều ưu điểm hơn so với nuôi tôm siêu thâm canh trong ao đất phủ bạt. Anh Phạm Tiến Thành (ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu, tỉnh Bạc Liêu) là một trong những người nuôi tôm theo mô hình này khá thành công. Và vụ tôm vừa thu hoạch vào đầu tháng 8 này là một ví dụ điển hình cho thành công sau gần 2 năm theo đuổi mô hình này. 

Mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao của anh Thành có tổng diện tích 3,6 hec-ta gồm 4 hồ nuôi chính, mỗi hồ rộng 500m2, ngoài ra còn có các khu vực lắng lọc nước và xử lý nước thải. Nước thải được sử dụng lại cho nhiều mục đích khác nhau, không thải ra môi trường xung quanh.

Anh Thành cho biết anh đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng cho mô hình và mỗi vụ anh lời từ 100-400 triệu đồng, cách nuôi này giúp giảm thiểu rủi go cho người nuôi nên cho có tính bền vững cao.

Mỗi năm, anh Thành nuôi từ 3-4 vụ tôm với mật độ tôm khoảng 200 con/m3 nước. Để nuôi thành công cần phải chọn con giống chất lượng cao, sạch bệnh. Trang trại của anh Thành cũng là nơi thí điểm mô hình nuôi tôm đổi mới công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu tại Bạc Liêu.

Vụ thu hoạch này, dù gặp bão nhưng người thu mua tôm vẫn đến rất sớm chuẩn bị dụng cụ. 

Mỗi nhóm thu hoạch tôm thường hơn 10 người với đầy đủ dụng cụ đảm bảo kéo, vận chuyển tôm đưa ra xe chở về công ty thủy sản theo đúng thời gian quy định để không ảnh hưởng đến chất lượng tôm sau thu hoạch.

Những nhân công sẽ dùng lưới kéo tôm cho vào giỏ xách chuyển đến điểm cân tôm. 

Giá cả thu mua thường được thỏa thuận sau khi kiểm tra kích cỡ và chất lượng tôm, thường người mua trả tiền ngay sau khi hoàn tất việc cân tôm.

Theo anh Thành, mô hình này nhằm tiến tới mục tiêu cốt lõi là tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm gắn liền với bảo vệ môi trường. Khi thực hiện đúng quy trình nuôi, tôm sẽ có tỷ lệ sống cao, có thể tái sử dụng nước nuôi cũ, sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng xuất khẩu, có thể nhân rộng cho các hộ nuôi tôm quy mô vừa và nhỏ.

Bình Nguyên Báo Cần Thơ

Ecuador: Giá tôm tiếp tục giảm sâu

Thống kê số liệu thương mại chính thức của Ecuador cho thấy, xuất khẩu tôm của nước này sang Trung Quốc đã lao dốc từ tháng 6. Giá tôm xuất khẩu đã chạm mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tôm thẻ... bơi trong nước ngọt! | Lao Động Online | LAODONG.VN ...

Trong tháng 6/2020, Ecuador đã xuất khẩu 27.081 tấn tôm sang thị trường Trung Quốc – mức thấp nhất từ tháng 10/2018. Con số này bao gồm cả khối lượng tôm trung chuyển qua Việt Nam để vào thị trường Trung Quốc.

Giá tôm xuất khẩu trung bình hiện chỉ khoảng 5,25 USD/kg, giảm từ mức 5,43 USD/kg trong tháng 5/2020. Đây là mức giá tôm xuất khẩu trung bình thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. Đặc biệt, giá tôm xuất khẩu của Ecuador sang Tây Ban Nha chỉ 5,03 USD/kg, giảm 10% so với giá tháng 6/2019.

Tuy nhiên, tổng xuất khẩu tôm của Ecuador trong tháng 6/2020 lại đạt 55.500 tấn, chỉ giảm 1% so cùng năm ngoái. Cũng như vậy, xuất khẩu tôm trong nửa đầu năm 2020 đạt 348.000 tấn, tăng 13% so cùng kỳ năm ngoái, nhờ lượng tôm xuất khẩu trong các tháng trước đó, đặc biệt là tháng 5 tăng đột biến.

Như vậy, theo Cục NTTS Ecuador, xuất khẩu tôm của nước này lao dốc từ trước khi chính quyền Trung Quốc công bố các kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona trên vỏ bao bì tôm đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc vào ngày 14/7/2020. Dũng Nguyên
Theo Undercurrent News