Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Ngành tôm quyết không để đứt gãy chuỗi giá trị

chế biến tôm
“Bóng đen” COVID-19 buộc các doanh nghiệp xuất khẩu tôm phải thận trọng hơn trong phương án kinh doanh.

Đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt “điêu đứng” và để vượt qua được thì yếu tố quan trọng nhất đối với doanh nghiệp lúc này là sự thích ứng.

Giữa lúc “bóng đen” COVID-19 hoành hành khiến nhiều ngành nghề “hụt hơi”, thì doanh nghiệp tôm Việt Nam đang tranh thủ “chớp thời cơ”.

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Khu công nghiệp An Nghiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, có được kết quả này là do Việt Nam phòng ngừa tốt dịch bệnh COVID-19. 

Giữ vững thương hiệu

Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều đối thủ cạnh tranh với Việt Nam phải “vật lộn” với dịch bệnh nên khách hàng những nước này chuyển sang nhập khẩu tôm của Việt Nam. Điều quan trọng hơn cả trong việc tăng trưởng của ngành tôm giữa tâm bão COVID-19, theo ông Phục là do Sóc Trăng có nhiều nhà máy chế biến tôm có thương hiệu tốt, xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở Sóc Trăng thực hiện tốt chuỗi giá trị, từ khâu nuôi đến điều kiện nhà xưởng, quản lý… do vậy khi có biến động vẫn không bị tác động nhiều. “Tính đến hết tháng 7/2020, công ty đã xuất khẩu được 65 triệu USD, tăng trên 26% so với cùng kỳ 2019″, ông Phục chia sẻ.

Cũng không bị tác động lớn từ đại dịch COVID-19, Công ty Thực phẩm Sao Ta (FMC) vừa thông báo sản lượng tôm chế biến đạt 2.268 tấn, doanh số đạt 20,3 triệu USD trong tháng 7. Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Sao Ta đánh giá, điều này dự báo một bức tranh xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp Việt Nam sắp tới sẽ có gam màu “tươi tắn”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Sao Ta, “bóng đen” COVID-19 đang còn đó và chưa thể đánh giá được hết diễn biến thời gian tới. Chính điều này buộc Công ty Thực phẩm Sao Ta càng phải thận trọng hơn trong phương án kinh doanh.

“Công việc chính lúc này đối với Sao Ta là tập trung hoàn tất từng lô hàng để giao sớm nhất, hạn chế tồn trữ vật tư dẫn đến rủi ro kẹt vốn. Chú trọng trong vụ thả nuôi tiếp theo, và cố gắng duy trì có đồng lời… là những giải pháp Sao Ta đang thực thi”, ông Lực bày tỏ.

Trên thực tế, từng bước đi của Sao Ta cho thấy mặc dù không phải là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao so với các đối thủ trong ngành, nhưng đây là doanh nghiệp có bước đi khá vững chắc trong ngành thuỷ sản hiện nay.

Với chiến lược phát triển bền vững, không chạy đua theo tăng trưởng nhanh giúp Sao Ta luôn đứng vững trong những thời khắc toàn ngành biến động và tiếp tục đi lên. COVID-19 cũng được xem là một cơ hội lớn để doanh nghiệp như Sao Ta mở rộng thị phần.

Tuy nhiên, để sản phẩm hàng hóa Việt Nam nói chung, con tôm nói riêng xuất khẩu tốt, ông Võ Văn Phục kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt phòng ngừa dịch bệnh COVID-19.”Vì chỉ cần khâu xuất khẩu bị gãy sẽ ảnh hưởng đến chuỗi giá trị, người nuôi tôm lao đao theo”, ông Phục nói.

Cảnh giác “hàng rào” truy xuất nguồn gốc

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong bối cảnh các nước gia tăng diện tích nuôi tôm, ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới trong thời gian tới.

Việc các nước nhập khẩu ngày càng thắt chặt các yêu cầu về chất lượng và vấn đề an toàn thực phẩm cũng sẽ tác động đến xuất khẩu thủy sản nói chung, xuất khẩu tôm nói riêng của Việt Nam.

Chưa kể, điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm Việt lâu nay vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế. Dịch COVID-19 sẽ khiến nhu cầu sản phẩm thay đổi, do đó đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng nắm bắt.

Cụ thể, cùng với hàng rào thuế quan bị dỡ xuống, EU đã dựng lên hàng rào phi thuế khi đưa ra quy định mới về việc siết chặt chất Ethoxyquin, chất chống oxy hóa giúp bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản.

Theo đó, từ ngày 31/3/2020, Ethoxyquin sẽ không được sử dụng trong tất cả các loại thức ăn thủy sản. Các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam cần lưu ý cập nhật và đáp ứng quy định này để xuất khẩu tôm vào EU không gặp trở ngại trong thời gian tới.

Để khắc phục điểm yếu về truy xuất nguồn gốc, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cho rằng, người nông dân cần phải liên tục trao đổi với đầu mối thu mua, cũng như với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nhằm nắm bắt nhu cầu, chất lượng; cân nhắc tài chính để xem xét nuôi trồng như thế nào cho hiệu quả.

Về phía các doanh nghiệp cũng cần tăng thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng khu vực… để tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Nguyễn Việt Enternews

Thái Bình: Dịch đốm trắng hoành hành gây thiệt hại lớn

kiểm tra vó tôm
Người nuôi cần kiểm tra sức khỏe tôm hàng ngày để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Năm 2020, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Thái Bình đạt gần 2.795ha, chủ yếu tập trung ở hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hàng năm, bệnh đốm trắng trên tôm vẫn xảy ra cục bộ tại một số vùng nuôi.

Xã Đông Minh là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm bị thiệt hại lớn nhất huyện Tiền Hải với 150 ao nuôi bị nhiễm bệnh tương đương hơn 105.000m2 (chiếm 10,68% diện tích nuôi tôm toàn xã). Dịch bệnh xảy ra khiến bà con nông dân lo lắng đứng ngồi không yên vì bệnh đốm trắng do vi rút nếu không có biện pháp khống chế kịp thời sẽ khiến tôm chết nhanh, hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. 

Gia đình ông Đoàn Văn Hiền ở thôn Minh Châu, xã Đông Minh nuôi tôm với tổng diện tích 3.000m2; vụ nuôi tôm vừa qua, 2 ao nuôi bị nhiễm bệnh đốm trắng gây thiệt hại khoảng 80 triệu đồng. Ông Hiền cho biết: Mặc dù đã nuôi tôm gần 20 năm nay nhưng tôi cũng chưa hiểu rõ được nguyên nhân khiến tôm nhiễm bệnh là gì và lúng túng trong việc xử lý khi dịch bệnh xảy ra.

Theo ông Phí Quang Tuân, chuyên viên Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Bệnh đốm trắng do vi rút trên tôm nuôi đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi ao nuôi tôm bị nhiễm bệnh, người nuôi cần tiến hành thu hoạch tôm đối với những ao nuôi tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm. Tuy nhiên trong quá trình thu hoạch tôm phải bảo đảm không làm rơi vãi và lây lan dịch bệnh. Tiến hành thu gom lượng tôm chết để thực hiện chôn đúng nơi quy định, không vứt xác tôm bữa bãi làm lây lan dịch bệnh. Giữ nguyên lượng nước trong ao nuôi bị bệnh, thực hiện xử lý ao nuôi bằng hóa chất chlorine nồng độ 30ppm (30g/m3 nước) để tiêu diệt mầm bệnh trong ao nuôi và dụng cụ nuôi; giữ nguyên lượng nước đã xử lý hóa chất sau 7 – 10 ngày mới được xả nước ra môi trường xung quanh; đồng thời, thông báo cho các hộ nuôi xung quanh biết tình hình dịch bệnh và biện pháp xử lý để chủ động phòng bệnh cho tôm nuôi. Đối với ao nuôi tôm chưa đạt kích cỡ thương phẩm, người nuôi cần tiêu hủy toàn bộ tôm trong ao nuôi, sử dụng hóa chất Chlorine để thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý như đã nêu trên.

Ông Phí Quang Tuân cũng khuyến cáo: Để có vụ nuôi tôm hiệu quả, trước mỗi vụ nuôi cần thực hiện cải tạo ao đầm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, bảo đảm mầm bệnh trong ao nuôi đã được tiêu diệt hoàn toàn; nguồn nước cung cấp vào ao nuôi phải bảo đảm đã được xử lý tiêu diệt mầm bệnh trước khi thả giống; tôm giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh và đã được xét nghiệm không nhiễm các bệnh nguy hiểm. Trong quá trình nuôi, người dân cần thường xuyên kiểm soát, loại bỏ vật chủ trung gian truyền bệnh như không sử dụng chung dụng cụ giữa các ao nuôi; dụng cụ phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi lần sử dụng; hạn chế người, động vật ra vào khu vực nuôi. Kiểm tra sức khỏe tôm hàng ngày như khả năng hoạt động, màu sắc tôm, vỏ tôm, khối gan tụy, ruột, bộ phụ. Điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp cho tôm, tránh để dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, nếu sử dụng thức ăn tươi sống phải bảo đảm không ôi thiu và đã được xử lý mầm bệnh. 

Định kỳ kiểm tra màu nước, các chỉ tiêu về môi trường, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý nước ao nuôi, giữ ổn định các yếu tố môi trường, tránh gây sốc cho tôm nuôi. Thực hiện bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi. Khi phát hiện tôm bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y cơ sở hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời, tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Thanh Huyền Báo Thái Bình

ĐBSCL: Giá tôm chờ chuyển biến sau Hiệp định EVFTA

Thu hoạch tôm
Thu hoạch tôm tại ao nuôi.

Thị trường Châu Âu mở ra thuận lợi, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 và mùa mưa bão nên tôm xuất khẩu chưa mạnh.

Theo một công ty xuất khẩu thủy sản ở tỉnh Sóc Trăng, giá tôm thu mua tại các nhà máy chế biến trong 2 tuần qua không có nhiều thay đổi. Tôm thẻ cỡ 100 con/kg phân loại thẻ A1 giá 92.000 đ/kg và loại A2 giá 78.000 đ/kg, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Theo nhận định các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, hiện thời chưa có biến động tăng nhu cầu, thị trường Trung Quốc chưa phục hồi. Trong khi đó, thông tin xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ tăng 29% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu tôm sang EU sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực (từ 1/8) chờ chuyển biến mới được kỳ vọng có sẵn ưu đãi thuế quan, hợp đồng đã ký từ trước. Các nhà nhập khẩu thuận lợi hơn khi xem dòng sản phẩm nào thuế về bằng không trước sẽ có lợi ngay.

Còn ở vùng nuôi tôm, Chi Cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết tiến độ thả nuôi bằng 82,5% so với cùng kỳ, đạt gần 35.000 ha, trong đó tôm thẻ trên 25.800 ha. Đến nay, đã thu hoạch trên 10.800 ha (tôm thẻ gần 10.000 ha) ước sản lượng trên 48.700 tấn, thiệt hại chiếm 6,4% diện tích.

Hưng Phú Nông nghiệp Việt Nam

Giá tôm Ấn Độ giảm

Giá tôm Ấn Độ giảm
Giá tôm chân trắng Ấn Độ dự kiến giảm trong đầu tháng 8/2020. Dựa trên mức giá hiện tại, giá tôm tất cả các kích cỡ của Ấn Độ có khả năng giảm gần 0,5 USD/kg trong vài tuần đầu tháng 8.
Giá tôm Ấn Độ dự kiến giảm, một phần do giá tôm Ecuador tại Trung Quốc giảm nên các nhà NK Trung Quốc cũng đề nghị Ấn Độ hạ giá bán. Một yếu tố nữa là, sức mua ở Mỹ có xu hướng giảm do tái bùng phát dịch Covid. Một số công ty chế biến của Ấn Độ lo lắng về nguồn tồn kho và nhu cầu giảm trên thị trường Mỹ nên cũng hạ giá bán để giảm bớt lượng tồn kho.
Các công ty XK của Ecuador cũng chuyển hướng XK sang Mỹ với giá xuất tôm giảm nên các nhà NK tôm Mỹ cũng yêu cầu Ấn Độ hạ giá đối với các sản phẩm tương tự của Ecuador.



Kim Thu

(Theo undercurrentnews) – http://vasep.com.vn/

Tôm Việt ‘bội thu’ ở thị trường khó tính

Ngành tôm Việt Nam đã “vượt qua” nhiều đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador ở các thị trường khó tính để đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng hơn 1,5 tỷ USD. 

Mỗi ngày, công ty thủy sản Sóc Trăng thu mua chế biến từ 90-100 tấn tôm nguyên liệu nhờ có đơn hàng xuất khẩu (XK) sang Mỹ, EU dồi dào.

Đơn hàng dồn dập, làm không hết việc 

Ông Tạ Văn Vững, đại diện công ty thủy sản Sóc Trăng, cho biết tính tới thời điểm này, công ty đạt kim ngạch XK 100 triệu USD, tăng trưởng trên 10% so với 2019. Hiện nay, các thị trường lớn đều có động thái tăng lượng đơn hàng. Hơn nữa, sau khi EVFTA có hiệu lực, tận dụng thuế suất về 0%, nhiều nhà nhập khẩu châu Âu đã tìm đến tôm Việt Nam.

xuat-khau-tom-boi-thu-8218-1596619473.jp
XK tôm các loại 6 tháng đầu năm 2020 đạt 166,7 nghìn tấn, trị giá hơn 1,5 tỷ USD.

Tương tự, nhờ ký được nhiều hợp đồng XK nên công ty chế biến XNK Minh Cường (Cà Mau) đang hoạt động tối đa công suất nhà máy, sản lượng làm không đáp ứng đơn hàng mà khách đã ký.

Theo ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng), do ảnh hưởng dịch bệnh nên nhiều đối thủ cạnh tranh với Việt Nam phải vật lộn với dịch bệnh nên khách hàng những nước này đã chuyển sang nhập khẩu của Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2020, công ty này XK tôm được 65 triệu USD, tăng trên 26% so với cùng kỳ.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, XK tôm các loại 6 tháng đầu năm 2020 đạt 166,7 nghìn tấn, trị giá hơn 1,5 tỷ USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 5,7% về trị giá so với cùng kỳ 2019.

 6 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 323,3 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù dịch COVID-19, XK tôm Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng khá ổn định. Tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau COVID-19 trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề.

Ít nhất 17 nguồn cung đã giảm XK tôm sang Mỹ trong tháng 5/2020 so với tháng 5/2019. Một số nguồn cung như Nicaragua, Bangladesh, Saudi Arabia, Sri Lanka và Na Uy không xuất tôm sang Mỹ trong tháng 5/2020. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam sẽ không giảm để bù đắp nguồn cung giảm từ các nguồn cung trên. Với lợi thế về thuế chống bán phá giá thấp, XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong cả năm 2020 dự báo vẫn tăng khoảng 20% so với năm 2019.

Với thị trường EU, EVFTA có hiệu lực, ngành tôm có nhiều lợi thế cạnh tranh. Năm 2019, XK tôm sang EU đạt 1,25 tỷ USD, chiếm 15% so với mức XK thủy sản cả nước. Với EVFTA, tôm sú giảm từ mức thuế 4,2% về 0% ngay khi hiệp định này có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh giảm về 0% sau 5 năm. Trong khi đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Ecuador phải chịu mức thuế rất cao. 

Thiếu nguyên liệu sạch 

Dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm tiếp tục tăng nhưng vấn đề của ngành tôm hiện nay là phát triển vùng nguyên liệu. Nhu cầu tôm sạch chế biến cao nhưng không có nhiều vùng nuôi tôm sạch ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có thể cung ứng được, chưa kể tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp khiến nguồn cung nguyên liệu tôm khá khan hiếm.

Đồng thời, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex VN, cho rằng cần phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu để nâng tầm, nâng giá trị tôm Việt trên trường quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam trên trường quốc tế là việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, tranh thủ thời cơ của từng lãnh đạo.

Để tăng sức thuyết phục khách hàng, để thương hiệu được ổn định và bền vững, đòi hỏi DN tôm phải có sự chuẩn bị dài hơi như phải có vùng nuôi tầm cỡ. Vùng nuôi này do DN tự nuôi hay liên kết với các trang trại, hộ nuôi. Tất cả phải đạt chuẩn chất lượng nuôi có xác nhận nhằm nâng tầm thương hiệu.

Ở thị trường nội địa, ông Lực nhận định, DN có thể phối hợp các hệ thống phân phối đang có hay xây dựng kênh tiêu thụ riêng. Thậm chí có tài chính mạnh như các DN Trung Quốc để làm kênh tiêu thụ online toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu ngành tôm phải đạt kim ngạch XK trên 3,5 tỷ USD trong năm nay. Vì vậy, ngành này cần phải đặc biệt coi trọng công tác giống. Riêng tôm thẻ, một năm nước ta cần khoảng 250 cặp tôm bố mẹ và hiện nước ta làm chủ công nghệ hơn 40%, tiến tới trong thời gian tới làm chủ để có cơ sở nghiên cứu ương tạo ra những đàn giống nước đủ sức cung ứng cho sản xuất đại trà 100%.

Bên cạnh đó, con tôm sú Việt Nam bắt đầu nhân ra con tôm giống có giá trị kinh tế cao cộng điều kiện thích ứng lớn, cùng với đó là một số chủng loại tôm khác (thậm chí là tôm càng xanh) nước ta cũng đang tập trung tạo chuỗi con giống, tạo quy trình nuôi trồng, chế biến dịch vụ.

Ông Cường nhấn mạnh: “Ngành tôm Việt Nam không chỉ thu về 3,5 – 4 tỷ USD mà sau 2025-2030 phải đạt 10 tỷ USD”.

Thy Lê https://thoibaokinhdoanh.vn/

Sự thay đổi của ngành tôm

COVID-19 đang làm nguồn cung tôm năm 2020 sụt giảm và gây ra những thay đổi cơ bản và dài hạn hơn tới thị trường tôm.

Sản lượng tôm Ấn Độ giảm ít nhất 20% trong năm nay xuống mức 450.000 – 525.000 tấn. Tại Việt Nam, sản lượng TTCT và tôm sú giảm nhẹ hơn Ấn Độ, khoảng 5 – 10% xuống 600.000 – 650.000 tấn. Tại Thái Lan, sản lượng tôm chỉ dao động 220.000 – 250.000 tấn. Giá tôm Thái Lan vẫn giữ ở mức cao vì thiếu nguồn cung. Giá tôm tại Việt Nam cũng đang biến động, nhưng nhìn chung thấp hơn so năm ngoái.

Tại Ấn Độ, COVID-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất tôm và khiến nhiều nông dân không muốn nuôi tiếp do lo ngại giá thị trường xuống thấp và không có đầu ra. Giá tôm nguyên liệu tại Ấn Độ trước đó từng tăng cao do nhiều đơn đặt hàng và khan hiếm nguồn cung. Ngành tôm Ấn Độ kỳ vọng ổn định tình hình sản xuất vào cuối tháng 8 sang tháng 9 năm nay. Tại Indonesia, nơi mà giá tôm từng tăng vọt, sản lượng tương tự năm ngoái ở mức 400.000 – 450.000 tấn. Nhu cầu đang vượt cung. Sản lượng tôm của Indonesia giảm khá ít bởi giá tôm nguyên liệu vẫn duy trì ở mức đủ hấp dẫn người nuôi tôm tiếp tục sản xuất.

Không chỉ kìm hãm sản xuất, COVID-19 đã gây ra những thay đổi lớn trên các thị trường tiêu thụ tôm trọng điểm trên thế giới. Tại Mỹ, tiêu thụ tôm tại thị trường bán lẻ tiếp tục lớn mạnh còn chuỗi dịch vụ ẩm thực vừa bắt đầu xuất hiện một vài tín hiệu phục hồi, thì nay lại tiếp tục tụt dốc một lần nữa do COVID-19 lây lan nhanh, không kiểm soát tại nhiều bang tại Mỹ. Tính đến thời điểm này có thể khẳng định chắc chắn rằng các chuỗi dịch vụ thực phẩm không còn bất cứ cơ hội nào để phục hồi trong năm nay. Tại EU, kinh doanh bán lẻ không lớn mạnh như Mỹ. Dịch vụ ẩm thực tại EU sẽ nhìn thấy vài tia hy vọng phục hồi nhưng lệnh hạn chế phong tỏa quá nhanh tại nhiều nơi, cũng như sự tái xuất của COVID-19 tại một vài quốc gia đã đưa các kênh chuỗi dịch vụ thực phẩm quay lại vạch xuất phát ban đầu. Tiêu thụ tôm tại thị trường rộng lớn này chỉ còn trông chờ vào kênh bán lẻ và thương mại điện tử. Người tiêu dùng sẽ hạn chế ăn ngoài nhà hàng, tích cực mua hải sản chế biến tại nhà và bắt đầu chú ý đến hàng đông lạnh hơn trước kia. Đây cũng là những thay đổi do COVID-19, nhưng sự thay đổi này sẽ kéo dài.

Để sống sót trong tương lai, các kênh bán lẻ đang xây dựng hình ảnh thân thiện với người sử dụng, mở các gian hàng trực tuyến hiệu quả cùng dịch vụ giao nhận nhanh gọn. Hãng bán lẻ nổi tiếng như Walmart đang làm điều này với sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Mỹ chỉ sau Amazon. Hàng triệu triệu người trên toàn cầu trước đây không thường xuyên mua hàng online, nhưng nay đã trở nên quen thuộc với các chợ điện tử của tất cả các loại hàng hóa, trong đó có sản phẩm tôm. Các hãng bán lẻ truyền thống và online đang phải đa dạng hóa sản phẩm tôm để thu hút người tiêu dùng. Những mặt hàng tôm đã sơ chế, ăn liền, chế biến sẵn lên ngôi bởi đó là sự lựa chọn của đại đa số người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Thêm một sự biến động nữa đó là những nước sản xuất tôm như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc… sẽ tăng lượng tiêu thụ tôm ngay tại thị trường nội địa. Do đó, lượng tôm dành cho xuất khẩu sẽ được giảm bớt. Cũng tại thị trường nội địa, ngành tôm sẽ chú trọng hơn tới mặt hàng đông lạnh và sản phẩm giá trị gia tăng.

Siam Canadian Group, Thái LanJim Gulkin

Theo http://thuysanvietnam.com.vn/

Thị trường bấp bênh, người nuôi tôm Hà Tĩnh không mặn mà đầu tư vụ mới

Thu hoạch tôm
Vụ tôm vừa qua (từ tháng 3 đến tháng 7), người dân gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, giá tôm giảm mạnh.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn quốc khiến thị trường tôm thêm “ảm đạm”, giá bán liên tục sụt giảm. Nhiều người nuôi tôm ở Hà Tĩnh không mặn mà đầu tư cho vụ mới.

Anh Hồ Quang Dũng (xã Xuân Phổ, Nghi Xuân) chia sẻ: “Đợt chính vụ vừa qua (từ tháng 3 đến tháng 7), do thời tiết nắng nóng kéo dài, tôm chậm lớn nên tôi buộc phải xuất bán sớm hơn dự tính, lời lãi chẳng được bao nhiêu. Bây giờ, sắp đến thời điểm thả tôm giống vụ đông thì dịch Covid-19 lại tái bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nên tôi đang chần chừ, có thể chỉ thả từ 4-5 ha trên tổng diện tích 12 ha với khoảng 8 triệu con giống.

“Để nuôi tôm vụ đông (kéo dài từ khoảng tháng 8 đến tháng 12) gặp rất nhiều khó khăn bởi thời tiết diễn biến thất thường, trùng vào mùa mưa lũ, nhiều loại dịch bệnh, chi phí cũng tăng cao do thời gian nuôi dài, thì với giá tôm bấp bênh như hiện nay, tôi không dám mạo hiểm”, anh Dũng cho biết thêm.


Thời điểm này, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu tu sửa ao hồ, kiểm tra lại hệ thống cấp nước… để chuẩn bị cho vụ thả nuôi mới.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hộ nuôi tôm tại huyện Thạch Hà cũng đang cân nhắc, cẩn trọng cho vụ nuôi tiếp theo.

Ông Dương Đình Hùng (xã Thạch Trị, Thạch Hà) cho biết: “Hoạt động xuất khẩu khó khăn trong khi thị trường nội địa chưa kịp hồi phục trở lại sau thời gian dài “ảm đạm” thì dịch lại xuất hiện. Giá tôm thẻ chân trắng liên tiếp “chạm đáy”, hiện mức 100 con/kg chỉ đạt từ 70 – 75 nghìn đồng, 60 con/kg từ 100 – 110 nghìn đồng. Giá tôm giảm sâu trong khi giá thức ăn, thuốc thủy sản đều tăng cao, người nuôi tôm càng gặp cảnh khó chồng khó”.


Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người nuôi tôm đang chần chừ trong việc thả nuôi vụ mới, thậm chí dự định “treo hồ”, không sản xuất vụ đông.

“Vùng nuôi tôm của tôi có diện tích gần 8 ha, đúng ra thời điểm bây giờ phải bắt đầu xuống giống nhưng chắc tôi phải chờ thêm xem diễn biến dịch bệnh và sẽ tiến hành thả theo phương thức gối vụ, không tập trung thả một lần. Vụ này nuôi tôm khó, chi phí bỏ ra lớn trong khi giá cả không biết thế nào nên nhiều hộ nuôi khác trong vùng dự định thả ít, thậm chí “treo hồ” chờ vụ sau”, ông Hùng thông tin thêm.

Anh Nguyễn Văn Hòa (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) cũng có nhiều lo lắng, băn khoăn trước việc thả nuôi vụ tôm mới. “Với tình hình dịch như thế này, khả năng 3-4 tháng tới, giá tôm cũng chưa thể tăng nhanh lên được. Tôi thả trước 1-2 hồ, sau đó “căn” xem thị trường như thế nào rồi thả tiếp. Hiện, hơn 40.000 con giống đã được nhập về hồ ươm, đợi dọn dẹp, vệ sinh ao hồ xong thì khoảng 1 tuần nữa sẽ xuống giống hết”.


Tôm giống được anh Nguyễn Văn Hòa nhập về, bỏ vào hồ ươm để chuẩn bị cho vụ nuôi mới.

Theo chia sẻ của nhiều người nuôi tôm trên địa bàn Hà Tĩnh, từ cuối tháng 2 đến nay, giá tôm giảm sâu, thấp hơn từ 25 – 30% so với mặt bằng chung nhiều năm. Người dân đã liên tục gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, đầu ra hạn chế do tôm không xuất được đi Trung Quốc, chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.

Thua lỗ từ vụ nuôi vừa qua, thị trường, giá cả bấp bênh, dẫn đến việc một số vùng nuôi tôm vụ đông lớn ở xã Xuân Yên, Đan Trường, Cương Gián (Nghi Xuân), xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên), Thạch Trị, Thạch Long, Thạch Sơn (Thạch Hà)… người dân đang chần chừ, “ngại” đầu tư và chỉ định sản xuất cầm chừng để thăm dò thị trường, tránh thua lỗ.


Nuôi tôm vụ đông thường trùng với thời điểm mưa lũ nên người dân cần thường xuyên theo dõi ao nuôi, sức khoẻ của tôm.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Lưu Quang Cần cho biết: “Nuôi tôm vụ đông ở Hà Tĩnh chủ yếu tại các vùng nuôi công nghệ cao, có cơ sở hạ tầng tốt và môi trường nước tương đối ổn định, ít ngập lụt. Trong khi thị trường đang bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, ngành chức năng đã tập trung khuyến cáo người dân nên thả nuôi gối vụ với mật độ thấp, áp dụng khoa học – kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng.


Cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh kiểm tra nguồn nước phục vụ nuôi trồng thuỷ hải sản.

Đồng thời, nuôi tôm vụ đông thường trùng vào thời điểm mưa lũ, các thông số môi trường sẽ có sự biến động lớn làm cho tôm yếu, giảm sức đề kháng. Do đó, các cơ sở cần chủ động các biện pháp phòng bệnh nâng cao sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn; kiểm tra hoạt động của tôm nuôi, môi trường trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời.
Oanh – Phương Báo Hà Tĩnh