Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Dù tăng nhẹ, giá tôm của Ecuador vẫn thấp nhất thế giới

Theo nhiều hãng sản xuất tôm Ecuador, giá tôm tại đây đã chạm đáy vào cuối tháng 7/2020 và tiếp tục duy trì ở mức thấp trong những tuần đầu tháng 8/2020.

Giá tôm chạm đáy

Vào ngày 10/8, giá tôm cổng trại tại Ecuador đã tăng nhẹ lên 3,20 USD/kg cỡ 30/40; các cỡ tôm khác gồm 40/50, 50/60, 60/70 và 70/80 cũng lần lượt tăng lên 3,00 USD/kg; 2,70 USD/kg; 2,60 USD/kg và 2,40 USD/kg. Như vậy, giá tôm đã tăng nhẹ 0,1 – 0,2 USD so với giá vài tuần trước đó.

Cũng vào ngày 10/8, Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu tôm từ công ty Industrial Pesquere Santa Priscila – hãng xuất khẩu tôm lớn nhất Ecuador. Công ty này bị đình chỉ giấp phép xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc từ ngày 10/7 do vỏ container chở tôm đông lạnh sang Trung Quốc nhiễm virus corona.

Với nhiều hãng tôm Ecuador, đây là một tin tốt và tạo hiệu ứng giá tôm tăng nhẹ ngay sau đó. Dù vậy, giá tôm của Ecuador vẫn đang ở mức “quá thấp” so mặt chung trên toàn thế giới.

Trước đó, vào ngày 27/7, tôm HOSO cổng trại cỡ 20/30 giá 3,10 USD/kg; cỡ 30/40 giá 2,60 USD; cỡ 40/50 và 50/60 giá 2,50 USD; cỡ 60/70 và 70/80 giá 2,30 USD; cỡ 80/100 giá 2,10 USD và cỡ 100/120 giá 2,00 USD.

Có thể thấy, tính đến thời điểm này, giá tôm tăng không đáng kể. Và trong cùng điều kiện cung – cầu toàn cầu tương tự, thì tôm của Ecuador vẫn rẻ hơn nhiều so với tôm của Ấn Độ, Thái Lan hoặc Việt Nam, theo nhận định của người nuôi tôm tại Ecuador. “Nhiều hộ nuôi tôm tại đây có nguy cơ phá sản và đang tuyệt vọng tìm lối thoát. Giá tôm vẫn quá rẻ và mức tăng nhẹ trong đầu tháng 8 cũng chẳng thấm vào đâu” – một hộ nuôi tôm tại Ecuador cho hay.

Chuyển hướng thị trường

Theo các công ty sản xuất tôm, ngành tôm của Ecuador đang ở thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử khi mà giá bán không bù nổi chi phí sản xuất. Chúng tôi đã quen với việc xuất khẩu tôm HOSO thuận lợi và dễ dàng sang thị trường khổng lồ như Trung Quốc mà bỏ quên các thị trường tiềm năng khác. Từ giờ trở đi, chúng tôi cần phải gia tăng lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, đồng thời tìm kiếm những thị trường mới.

Tiêu thụ tôm tại thị trường nội địa Ecuador không đáng kể, nên ngành tôm vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Do đó, chúng tôi phải cạnh tranh với các chiến lược thiếu minh bạch và chống lại lợi ích quốc gia cũng như bơm thổi thị trường, tìm cách thức mới để tiếp tục kinh doanh.

Sau sự cố bao bì tôm đông lạnh nhiễm virus corona tại Trung Quốc, ngành tôm Ecuador được định hướng tăng cường xuất khẩu vào Mỹ – thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 2 của Ecuador từ tháng 6/2020.

Ecuador đã xuất khẩu khoảng 11.285 tấn tôm sang EU trong tháng 6/2020, tăng 53% so tháng 5/2020, theo Cục Nuôi trồng thủy sản quốc gia Ecuador. Cũng trong tháng 6/2020, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm 50% xuống 27.081 tấn. Ước tính, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 7 chỉ đạt 4.990 tấn. 

Vũ Đức – Theo Intrafish

Hiệu quả cao từ đầu tư nuôi tôm tại miền Trung

Thời gian gần đây, mặc dù gặp phải một số khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid -19, dịch bệnh trên tôm và thời tiết nhiều biến động, nhưng một số hộ nuôi tôm với sự kiên trì và chịu khó đầu tư, nghiên cứu giúp vụ nuôi liên tiếp thành công.

Điển hình là hộ anh Nguyễn Văn Hùng tại Thanh Hóa đã đạt được hiệu quả nuôi liên tục nhờ nắm bắt các công nghệ và quy trình nuôi mới. Anh Hùng nhận định, 2 vấn đề quan trọng nhất đó là con giống và môi trường nước. Thực tế những năm qua, anh đều lựa chọn con giống của doanh nghiệp lớn trên thị trường, điển hình là tôm giống Tập đoàn Việt – Úc, với thương hiệu uy tín, quy trình sản xuất rõ ràng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đây là cách đơn giản nhất để chọn lọc được giống chất lượng, có sức đề kháng cao và sạch bệnh. Bên cạnh đó, bằng việc áp dụng quy trình nuôi 2 giai đoạn, anh cũng đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình xử lý hồ nuôi sạch và đảm bảo, đặc biệt đầu tư ao lắng phục vụ xử lý nước đầu vào trước khi thả tôm, với diện tích ao chiếm khoảng 20% tổng diện tích.

Thu hoạch tại ao nuôi của anh Nguyễn Văn Hùng

Vượt qua khó khăn do dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt, anh Hùng vẫn thu về kết quả khá tốt. Từ việc lựa chọn tôm giống chất lượng giúp tôm tăng trưởng tốt, trong 95 ngày, tôm về kích cỡ 32 con/kg, mỗi ao anh thu bình quân 14 tấn, lợi nhuận từ 750 triệu đồng (ao có diện tích 1.600 – 2.000 m2, mật độ 550 con/m2). Đến nay, anh đã thu được 8 ao, tổng sản lượng ước tính 85 tấn, lợi nhuận tầm 6 tỷ đồng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời điểm hiện tại nhưng anh Hùng vẫn kiên trì đầu tư kỹ lưỡng, là một điểm sáng và tấm gương của rất nhiều bà con nuôi tôm khu vực Thanh Hóa và các vùng lân cận.

Cũng nhờ đầu tư kỹ lưỡng trong nuôi tôm, tại tỉnh Khánh Hòa, hộ anh Nguyễn Văn Sự cũng thành công không kém. Không chỉ vậy, mô hình của anh là một điển hình nuôi bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Anh Sự chia sẻ: “Ở đây nguồn nước không tốt, điều kiện nuôi ao bạt rất khó khăn, nên mình chọn giải pháp nuôi tuần hoàn và trên ao nhỏ mới thành công được. Cách nuôi tuần hoàn này giúp bảo vệ môi trường và đảm bảo nguồn nước sạch cho sự phát triển của con tôm. Bên cạnh đó, chọn con giống phải chất lượng, chứ giống trôi nổi thì giá thấp nhưng mà thả 5-7 vụ mới đạt được 1 vụ”.

Thu hoạch tại ao nuôi của anh Nguyễn Văn Sự

Quy trình nuôi nước tuần hoàn của anh rất khác biệt, anh sử dụng cách thông ao nuôi tôm với 1 ao lắng chứa cá rô phi, sau đó nước từ đáy ao nuôi được đẩy sang ao lắng bằng áp suất, kéo theo các chất thải từ đáy ao và vỏ tôm, cuối cùng nước mặt từ ao chứa chảy qua lại ao nuôi bằng ống dẫn. Với phương pháp này, chỉ cần cấp thêm lượng nước rất ít trong suốt quá trình nuôi để bù cho quá trình bay hơi nước. Một hiệu quả từ mô hình này là mặc dù nước nguồn lấy vào tuy không đạt như mong đợi, độ mặn cao, nhưng nhờ qua 2 ao lắng chứa cá rô phi với diện tích khoảng 2.000 m2 nên đảm bảo được chất lượng nước khi cấp vào ao nuôi. Sử dụng cách tuần hoàn này giúp khắc phục được những khó khăn của vùng nuôi có nước ít và xấu. Đồng thời, ưu điểm lớn đó chính là giảm tối đa các chi phí đầu vào, thuốc hay hóa chất xử lý giúp khách hàng vẫn có lãi tốt cho dù giá tôm thấp (chi phí đầu tư khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg)

Anh Sự đã minh chứng sự đầu tư khôn ngoan này thông qua kết quả nuôi đạt nhiều vụ liên tiếp. Điển hình, vụ này anh nuôi trong 84 ngày, diện tích 3 ao: 180 -200 m, mật độ thả 400 con/m2, tổng thu 4,1 tấn tôm đạt kích cỡ (size) 50 con/kg, tỷ lệ sống 100%, doanh thu 460 triệu đồng, lợi nhuận 220 triệu đồng. Với cách nuôi này, anh Sự không chỉ gặt hái được thành quả cho bản thân mà còn góp phần giúp cho ngành tôm phát triển ổn định, bảo vệ môi trường. Đây là một mô hình rất đáng để học hỏi.

Anh Nguyễn Văn Sự chia sẻ cùng nhân viên của Tập đoàn Việt – Úc về tình hình vụ nuôi

Những thành quả từ nỗ lực của người nuôi tôm, của doanh nghiệp, lãnh đạo sở, ban ngành, địa phương, Chính phủ đã cùng chung tay vượt khó, nỗ lực duy trì sản xuất và hướng đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động. Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chia sẻ các hộ nuôi tôm cần tổ chức sản xuất rải vụ, áp dụng các quy trình nuôi tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tôm rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ để tăng lợi thế cạnh tranh. Cần nhận định được rằng ngay sau khi dịch Covid -19 qua, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, EU… ngày một cao. Các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador đang yếu thế hơn và đây là lợi thế cho ngành tôm Việt Nam. Mặc dù khó khăn, nhưng nửa đầu năm 2020, dưới sự chứng kiến xuất khẩu tôm vượt khó, tăng trưởng dương (5,7%) so với cùng kỳ đã tăng thêm sự kỳ vọng cho sự phát triển vượt bậc của ngành tôm trong cuối năm.

Việt Anh – http://thuysanvietnam.com.vn/

Việt Nam lần đầu tiên có trung tâm công nghiệp tôm

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu vừa phê duyệt đề án xây dựng tỉnh này thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Mục tiêu của đề án là phát triển Bạc Liêu trở thành đầu mối của ngành tôm, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao cho 2 đối tượng tôm nước lợ chủ lực (tôm thẻ chân trắng và tôm sú); là đầu mối liên kết các tỉnh trong cụm sản xuất tôm của cả vùng, nơi có sức hút các nhà đầu tư, các nguồn lực và có thể tạo được tác động lan tỏa để thúc đẩy ngành tôm, các ngành phụ trợ có liên quan đến tôm ở các tỉnh lân cận và cả nước cùng phát triển bền vững.

Bạc Liêu đặt ra trong năm 2020 có vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao từ 32 – 35 tỷ con giống và đến năm 2025 là từ 40 – 45 tỷ con giống, đảm bảo chất lượng đạt 90%, đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh và xuất sang các tỉnh lận cận.

Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm là 147.900 ha, với nhiều mô hình, như: Ứng dụng công nghệ cao, thâm canh, bán thâm canh; tôm – lúa; nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp;… với sản lượng 249.000 tấn.

Sản lượng tôm chế biến năm 2020 đạt hơn 98.000 tấn (tỷ trọng sản phẩm tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 20%), đến năm 2025 là 120.000 tấn (tỷ trọng đạt trên 30%). Tổng sản lượng tôm xuất khẩu đạt 73.000 tấn năm 2020 và năm 2025 đạt 90.000 tấn, chiếm trên 90% tổng sản lượng thủy sản chế biến của tỉnh.

Năm 2025, phát triển năng lực chế biến, đưa tổng công suất thiết kế đạt 160.000 tấn/năm. “Phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu đứng ở vị trí hàng đầu về công nghệ chế biến tôm của cả nước”, đề án nêu rõ.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh này thực hiện hàng loạt giải pháp về cơ chế và chính sách, quản lý nhà nước và cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, thị trường tiêu thụ, tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng, khoa học và công nghệ, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, hợp tác liên kết vùng, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực,… với sự hỗ trợ của Trung ương và nguồn lực của địa phương.

Đáng chú ý, tỉnh này đề xuất cơ chế đặc thù lên Trung ương về tín dụng, vốn vay cho nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở cấp nông hộ; giữ vững và mở rộng xuất khẩu tại các thị trường truyền thống (Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc,…), các thị trường tiềm năng (Đông Âu, Châu Phi, Nam Mỹ,…).

UBND tỉnh Bạc Liêu cũng giao Sở Công thương và các sở, ngành liên quan xây dựng thương hiệu “tôm giống Bạc Liêu”, “tôm thương phẩm công nghệ cao Bạc Liêu”… với sản phẩm có dấu hiệu nhận diện rõ ràng, số lượng và chất lượng đảm bảo, ổn định và người tiêu dùng chấp nhận, tin tưởng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc và phải tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, dự kiến nguồn vốn để triển khai đề án là hơn 3.000 tỷ đồng (trong đó năm 2020 là 450 tỷ đồng, đến năm 20205 là hơn 2.550 tỷ đồng) từ ngân sách Trung ương và địa phương, đóng góp của các doanh nghiệp, các nguồn hợp pháp khác.

Số kinh phí này để thực hiện ít nhất 5 chương trình và 20 đề án, dự án từ năm 2020 đến 2025 ở các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu.

Nguồn: Dân Trí

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc phục hồi

Theo VASEP, sau khi giảm mạnh trong quí I/2020 do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 tại Vũ Hán, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đã phục hồi trong quí II/2020, tăng 13,5% so với cùng kì năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 226,7 triệu USD, giảm 2,9%. Quí I/2020, Trung Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới từ dịch COVID-19. Quí II/2020, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn.

Các gián đoạn về chuỗi nguồn cung được khắc phục, nhu cầu nhập khẩu thủy sản trong đó có tôm cũng tốt hơn.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất của Việt Nam. 6 tháng đầu năm nay, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu sang Trung Quốc, tôm sú chiếm 32,7%, tôm chân trắng chiếm 39,1%, còn lại là tôm biển.

Xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú sang Trung Quốc nửa đầu năm nay đều giảm, chỉ có tôm biển tăng 137%, đặc biệt tôm biển khô tăng 1.812%.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 339.000 tấn tôm nước ấm đông lạnh, trị giá 1,98 tỷ USD.

Nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc trong tháng 6 tăng 36% so với tháng 5 đạt 75.000 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2019. Giá trị nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh đạt 420 triệu USD, tăng 34% so với tháng 5.

Ecuador, nguồn cung tôm lớn nhất cho Trung Quốc (chiếm 2/3 lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6) xuất khẩu sang Trung Quốc 50.000 tấn tôm, tăng 72% so với tháng 5.

Ấn Độ, nguồn cung lớn thứ hai của Trung Quốc, cung cấp 14.500 tấn tôm cho Trung Quốc trong tháng 6 năm nay, tương đương lượng xuất trong tháng 5. Thái Lan, Việt Nam và Argentina là các nguồn cung tôm lớn tiếp theo cho Trung Quốc, mỗi nước cung cấp khoảng 2.400-2.500 tấn.

Đầu tháng 7, Ecuador gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu tôm sang Trung Quốc do 3 công ty xuất khẩu tôm lớn của nước này bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc vì phát hiện virus corona trên bao bì sản phẩm.

Cũng trong đầu tháng 7, một số lô tôm xuất khẩu từ Ấn Độ sang Trung Quốc bị chậm thông quan, cộng với xung đột căng thẳng tại đường biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Dự kiến, xuất khẩu tôm từ 2 nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc là Ecuador và Ấn Độ sang Trung Quốc sẽ giảm trong quí III năm nay.

VASEP dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong quí III năm nay, để bù đắp nguồn cung giảm từ Ecuador và Ấn Độ.

Sản lượng tôm nội địa của Trung Quốc năm nay dự kiến giảm do dịch bệnh trên tôm, nhập khẩu tôm nước lạnh của Trung Quốc cũng có xu hướng giảm, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quí II năm nay đã tốt hơn và được dự báo sẽ không giảm trong cả năm nay.

Do vậy, nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc dự báo sẽ không giảm. Dự kiến, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng khoảng 7% trong năm 2020.

Các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam cũng cần lưu ý khả năng Trung Quốc sẽ kiểm tra khắt khe hơn về dịch bệnh trong tôm xuất khẩu từ Việt Nam, có thể không chỉ kiểm tra tôm sống và các dạng sản phẩm khác như ướp lạnh, đông lạnh.

Vì vậy, VASEP cho rằng ngành tôm Việt Nam cần chủ động trong việc kiểm soát, quan trắc dịch bệnh (chú trọng môi trường ao nuôi, con giống, dinh dưỡng…), đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong sản phẩm xuất khẩu không chỉ sang thị trường Trung Quốc mà cả các thị trường khác.

Nguồn tin: Theo VASEP

Nhập khẩu tôm nước ấm của Trung Quốc tháng 6/2020 đạt 75.000 tấn

Theo dữ liệu nhất của Hải quan Trung Quốc, tháng 6/2020, nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Trung Quốc tăng vọt 36% so với tháng 5 lên 75.000 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2019. Giá trị nhập khẩu tôm nước ấm tháng 6 đạt 420 triệu USD, tăng 34% so tháng 5.

Sự gia tăng này là do nguồn cung dồi dào từ Ecuador; nhập khẩu tôm từ quốc gia Mỹ Latinh này lên tới 50.000 tấn, tăng 72% so với trong cùng kỳ so sánh. Tổng cộng Ecuador cung cấp 2/3 lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6. Ấn Độ, nước cung cấp tôm lớn thứ 2 của Trung Quốc, xuất khẩu 14.500 tấn trong tháng 6, tương đương tháng 5. Thái Lan, Việt Nam và Argentina – các nước cung cấp tôm lớn khác – mỗi nước xuất khẩu khoảng 2.400 – 2.500 tấn cho thị trường Trung Quốc. Giá tôm nhập khẩu trung bình từ Ecuador trong tháng 6 là 5,3 USD/kg, tăng từ mức 5,23 USD/kg hồi tháng 5.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 339.000 tấn tôm nước ấm đông lạnh, trị giá 1,98 tỷ USD. Hai tuần trước, 3 công ty xuất khẩu tôm lớn sang Trung Quốc bị tạm ngừng xuất khẩu do Trung Quốc phát hiện dương tính virus corona trên bao bì đóng gói ngoài, chiếm tới 205.000 tấn trong tổng kim ngạch nhập khẩu tôm của Trung Quốc, tương đương 60%. Đồng thời, trong tháng 6/2020, nhập khẩu tôm nước lạnh của Trung Quốc đạt 4.700 tấn, giảm 38% so tháng 5; giá trị nhập khẩu đạt 20,5 triệu USD.

Hạnh Nguyên
Theo Undercurrent News

Bất chấp dịch, người Mỹ chi hơn 300 triệu USD để “ăn” tôm VN

Mặc dù dịch COVID-19, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng ổn định trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 323 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ là thị trường duy nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương liên tục trong tất cả các tháng của nửa đầu năm nay.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Mỹ trong nửa đầu năm nay với số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ không giảm trong thời gian này do Mỹ nhập khẩu để phục vụ kênh bán lẻ, thương mại điện tử, giao hàng tại nhà.

Theo VASEP, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Mỹ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ… để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của phân khúc này.

Bất chấp dịch, người Mỹ chi hơn 300 triệu USD để "ăn" tôm VN - 1

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong cả năm 2020 dự báo vẫn tăng khoảng 20%.

Trên thị trường Mỹ, trong 6 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau COVID-19 trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề.

Các nhà chế biến và xuất khẩu tôm của Ấn Độ, Ecuador không chỉ chịu tác động bởi đơn hàng giảm mà ngay cả hoạt động sản xuất trong nước bị đình trệ do lệnh phong tỏa, thiếu công nhân trong các nhà máy do họ không đi làm vì lo ngại bị nhiễm bệnh.

Với lợi thế về thuế chống bán phá giá thấp, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong cả năm 2020 dự báo vẫn tăng khoảng 20% so với năm 2019.

Theo QUANG HUY (Pháp luật TPHCM)

Vụ thương lái trộm tôm:19 bị can bị đề nghị truy tố

Trong vụ thương lái trộm tôm ở Cà Mau, 19 bị can bị đề nghị truy tố ở các tội trộm cắp tài sản và không tố giác tội phạm.

Theo thông tin mới nhất liên quan đến vụ dàn cảnh trộm tôm, ngày 7/8, Công an huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đã thông báo cho anh Lê Duy Châu, nạn nhân trong vụ án trộm biết kết quả điều tra.

Theo đó, Công an huyện Đầm Dơi đã có kết luận điều tra và đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKS cùng cấp, đề nghị truy tố 19 bị can. Trong đó có 14 bị can bị đề nghị truy tố tội trộm cắp tài sản. Năm bị can khác bị đề nghị truy tố tội không tố giác tội phạm .

Như đã thông tin, ngày 7/5, anh Châu thu hoạch ao tôm nuôi công nghiệp của gia đình. Tuy nhiên, lượng tôm thu hoạch hao hụt rất nhiều nhưng không rõ nguyên nhân. Sau đó, thông qua camera an ninh, anh Châu phát hiện thương lái bố trí người kéo, cân gần bờ, dùng phuy nhựa, giỏ đựng tôm nhằm hạn chế tầm nhìn của chủ ao để trộm tôm nên trình báo công an và cung cấp đoạn video ghi lại cảnh trộm tôm.

Vu thuong lai trom tom:19 bi can bi de nghi truy to
Một cảnh trộm tôm bị camera quay lại. Ảnh cắt từ clip

Cũng theo hình ảnh camera an ninh, nhóm thương lái đã trộm 38 giỏ tôm, mỗi giỏ từ 30 – 50 kg. Đồng thời anh cũng trình báo việc camera an ninh đã bị gián đoạn khi nhóm thương lái tiến hành kéo tôm tại hồ thứ 2 vì bị mất nguồn điện.

Đến khi nhóm thương lái kéo xong hồ tôm thứ 2, nguồn điện mới có lại và lúc này camera chỉ quay được cảnh họ thu dọn đồ đạc để ra về.

Cũng theo anh Châu, do gia đình  ít người nên thời điểm thu hoạch tôm, anh đi vòng ngoài, trong khi nhóm người của thương lái cố tình bày bố trận địa kéo, cân, mua tôm gần mé ao tôm. Họ dùng vật dụng như thùng phuy, giỏ đựng tôm và thân người chặn tầm nhìn của chủ rồi kéo tôm trộm dưới ao. Số tôm nhanh chóng được trộn vào số tôm đã cân mua, và chuyển ra xe.

Qua điều tra, Công an huyện Đầm Dơi đã bắt tạm giam Đỗ Huệ Tánh (38 tuổi), Lê Văn An (37 tuổi), Võ Văn Thạnh (26 tuổi; cùng ngụ Bạc Liêu) và các đối tượng liên quan.

Thanh Thanh (Tổng hợp)https://baodatviet.vn/