Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Triển vọng ngành tôm

Với xu thế chuyển dần sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh và cùng với đó là sự lớn mạnh, phát triển không ngừng của đội ngũ doanh nghiệp chế biến tôm trong tỉnh, tương lai không xa, việc vươn lên trở thành tỉnh có ngành tôm phát triển mạnh của cả nước là điều hoàn toàn có thể trở thành hiện thực đối với Sóc Trăng.

Nếu chỉ xét đơn thuần về diện tích, thì Sóc Trăng vẫn còn thua xa so với các tỉnh còn lại ở Bán đảo Cà Mau, nhưng về sản lượng thì Sóc Trăng luôn nằm trong top 3 tỉnh có sản lượng tôm nước lợ lớn nhất cả nước, đặc biệt là con tôm thẻ. Đội ngũ doanh nghiệp chế biến tôm ở Sóc Trăng cũng không nhiều, nhưng hầu hết là doanh nghiệp lớn trong ngành tôm cả nước. Và như thế, chỉ cần phát triển thêm đội ngũ doanh nghiệp sản xuất tôm giống nữa thôi, Sóc Trăng sẽ hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành tỉnh có ngành tôm phát triển mạnh nhất của cả nước.

Các mô hình nuôi tôm thâm canh và thâm canh ứng dụng công nghệ mới đang ngày càng phát triển tại các vùng nuôi trong tỉnh. Ảnh: TÍCH CHU

Tính đến cuối năm 2019, cả nước có trên 705.000ha nuôi tôm nước lợ, trong đó Cà Mau đứng đầu với gần 281.000ha, Kiên Giang gần 128.000ha, Bạc Liêu là 135.000ha và Sóc Trăng 57.500ha. Tuy có diện tích nuôi thấp, nhưng sản lượng tôm năm 2019 của Sóc Trăng lại cao hơn so với Kiên Giang, tương đương với Bạc Liêu và chỉ ít hơn Cà Mau khoảng 25.000 tấn. Đó là nhờ ngay từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Sóc Trăng đã tập trung phát triển nuôi tôm theo mô hình thâm canh và bán thâm canh và hiện là nơi có diện tích nuôi tôm thâm canh nhiều nhất của cả nước. Cùng với đó, Sóc Trăng cũng là tỉnh có nhiều doanh nghiệp chế biến tôm lớn, trình độ chế biến cao nên kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm của Sóc Trăng luôn nằm trong top đầu của cả nước.

Sau những thành công lẫn thất bại với mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, từ năm 2010, các vùng nuôi tôm của Sóc Trăng bắt đầu chuyển dần mạnh sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng luôn gấp 2 lần so với tôm sú và phần lớn là nuôi thâm canh và bán thâm canh. Đây cũng chính là nguyên nhân góp phần rất lớn đưa diện tích nuôi tôm nước lợ của Sóc Trăng tăng nhanh từ năm 2000 đến nay và đến cuối năm 2019 đã đạt trên 150.000 tấn. Với một nguồn tôm nguyên liệu dồi dào, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tôm ở Sóc Trăng mở rộng quy mô sản xuất, làm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, trong quá trình phát triển, tuy cũng có một số doanh nghiệp lớn không thể vượt qua những biến động thị trường đã buộc phải phá sản hoặc giảm quy mô nhưng cũng có những doanh nghiệp vượt lên, mở rộng quy mô sản xuất và những doanh nghiệp mới hình thành và hiện tại hầu hết đều là những doanh nghiệp lớn của ngành tôm với doanh số xuất khẩu hàng năm trên trăm triệu đôla Mỹ mỗi doanh nghiệp. Sự lớn mạnh của doanh nghiệp chế biến tôm trong tỉnh càng được khẳng định hơn trong 6 tháng đầu năm nay qua con số tăng trưởng chung khoảng 15%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trung bình của toàn ngành, dù trong bối cảnh khó khăn về dịch Covid-19.

Bên cạnh sự phát triển các vùng nuôi tôm thâm canh của các hộ nuôi còn có sự phát triển khá mạnh những vùng nuôi quy mô lớn rộng hàng trăm hécta của các doanh nghiệp, như: Sao Ta, Cleanfood, Stapimex, Khánh Sủng… cùng với trình độ chế biến hàng giá trị gia tăng cao, đã góp phần tạo sức cạnh tranh không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho con tôm trong tỉnh.

Sự lớn mạnh của ngành tôm Sóc Trăng thời gian qua và được dự báo sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới không thể không nhắc đến vai trò của ngành nông nghiệp và nhất là những định hướng đúng đắn của lãnh đạo tỉnh cho ngành tôm qua các nhiệm kỳ. Trong lần trao đổi với chúng tôi trước đây, ông Lương Minh Quyết – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng khẳng định: “Nuôi tôm nước lợ theo hình thức thâm canh và bán thâm canh là hướng đi đã được lãnh đạo tỉnh và ngành Nông nghiệp Sóc Trăng xác định ưu tiên hàng đầu ngay từ những ngày đầu phát triển nghề nuôi và hiện đang được phát triển lên mức ngày càng cao hơn”. Cũng theo ông Quyết, việc ưu tiên phát triển hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh nhằm hướng đến 2 mục tiêu chính là: nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi và tạo nền tảng tốt cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ trong nuôi tôm, đảm bảo phát triển nghề nuôi hiệu quả và bền vững.

Với những thế mạnh hiện có, Sóc Trăng hoàn toàn có thể tự tin vào một tương lai không xa sẽ trở thành tỉnh trọng điểm của ngành tôm cả nước, đặc biệt là về giá trị kim ngạch xuất khẩu.

TÍCH CHU –Báo Sóc Trăng

Tôm sú Việt Nam được ưa chuộng tại Hàn Quốc

Bất chấp dịch Covid-19, tôm sú chế biến của Việt Nam xuất sang thị trường Hàn Quốc vẫn tăng trưởng.

Sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam được người dân Hàn Quốc yêu thích /// Ảnh: Chí Nhân

Sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam được người dân Hàn Quốc yêu thíchẢNH: CHÍ NHÂNHiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của tôm Việt Nam, chiếm 10,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường. Mặc dù không tăng mạnh, nhưng con tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng dương. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15.7, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt trên 179 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.Xuất khẩu tôm sú Việt Nam sang thị trường này chỉ chiếm 4,9%, trong đó tôm chân trắng chiếm 83%, còn lại tôm biển chiếm 12,1% trong tổng lượng xuất khẩu. Tôm khô tăng mạnh nhất 194% và tôm sú chế biến tăng mạnh 62%. Các sản phẩm tôm chính của Việt Nam sang Hàn Quốc gồm tôm chân trắng sushi đông lạnh, tôm chân trắng hấp đông lạnh, tôm chân trắng thịt PD, tôm sú tẩm bột…Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc với hạn ngạch 10.000 tấn/năm, đến 2020 là 15.000 tấn/năm. Nhưng hiện tại Việt Nam mới xuất được 2.500 tấn/năm. Dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại trên toàn thế giới, nhưng Hàn Quốc đã chứng tỏ có khả năng kiểm soát dịch bệnh khá tốt, nên tình hình dịch bệnh tại đây không quá căng thẳng. Dự kiến, lượng tôm Việt Nam sang thị trường này trong quý 3/2020 vẫn tăng trưởng dương và kim ngạch xuất khẩu cả năm nay sẽ tăng khoảng 5% so với năm trước. Hàn Quốc là thị trường nhập tôm đứng thứ 8 trên thế giới, chiếm tỷ trọng khoảng 2,6% tổng nhập khẩu sản phẩm này toàn thế giới. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần lớn gần 52%, bỏ xa các đối thủ như Thái Lan chiếm 11%, Ecuador 10%, Trung Quốc 5,3%. Việt Nam có lợi thế được miễn thuế nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc trong khi Ecuador chịu thuế 20%, Thái Lan 10%, Trung Quốc 15%, Ấn Độ 10% đối với sản phẩm tôm HS 030617…

An Yếnhttps://thanhnien.vn/

Phát triển bền vững mô hình lúa – tôm và ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Mô hình lúa - tôm
Mô hình lúa – tôm tại xã An Nhơn (ảnh: Quốc Vinh)

Xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa và mô hình nuôi tôm công nghệ cao để ổn định sinh kế bền vững cho người dân

An Nhơn là địa phương có hệ sinh thái đặc trưng mặn, ngọt rõ rệt, phù hợp để phát triển nuôi tôm và trồng lúa, với hơn 2.200 ha đất nuôi trồng thủy sản, 930 ha đất sản xuất lúa. Sau nhiều năm thực hiện công tác khuyến nông, hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa và hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất kết hợp với sản xuất đa canh đã trở thành hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả trên vùng đất nhiễm mặn này.

Tuy nhiên, do chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhất là tình hình xâm nhập mặn, hạn hán ngày càng diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân. Từ đó, An Nhơn đã dần hình thành và phát triển các loại hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó ứng dụng mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa là một trong những mô hình sinh kế bền vững, phù hợp cho vùng đất nhiễm mặn.

Trên cơ sở Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Chính phủ, tỉnh, huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo xã thực hiện, trong đó ngành nông nghiệp huyện đã quan tâm, hướng dẫn nông dân chuyển đổi các mô hình sản xuất. Theo đó, xã An Nhơn chọn mô hình lúa – tôm để triển khai thực hiện và nhân rộng. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên tại xã. Nông dân nhận thức được hiệu quả của việc trồng lúa trên đất nuôi tôm có tác dụng cải tạo đất, tái tạo môi trường, hạn chế được tình trạng vùng nuôi bị suy thoái do đất bị ngập mặn lâu, môi trường nuôi ổn định, đặc biệt không sử dụng thuốc, hóa chất, hạn chế chi phí, lợi nhuận tăng cao. Đến nay, xã có 560 hộ nuôi với diện tích hơn 590 ha, năng suất lúa trung bình 4 – 4,5 tấn/ha, năng suất tôm đạt 500 – 700 kg/ha, lợi nhuận bình quân từ 80 – 100 triệu đồng/ha.

Sự kết hợp giữa kinh nghiệm của nông dân và ứng dụng khoa học phù hợp vào mô hình lúa – tôm đã mang lại lợi ích, hiệu quả kinh tế rõ rệt, tận dụng được hai đối tượng nuôi trồng trên cùng diện tích. Mô hình này đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm, hài hòa với môi trường tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác, hệ thống canh tác luân canh lúa – tôm giúp hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng mùa vụ trong năm, tạo ra chuỗi sản phẩm sạch.

Cùng với mô hình lúa – tôm, từ năm 2017 đến nay, phong trào nuôi tôm thâm canh hai giai đoạn phát triển mạnh ở An Nhơn. Một số hộ nuôi tôm thâm canh đã mạnh dạn chuyển từ hình thức nuôi tôm thâm canh truyền thống sang kỹ thuật nuôi thâm canh hai giai đoạn thích ứng với biến đổi khí hậu, được đầu tư xây dựng bài bản, áp dụng quy trình nuôi tôm cải tiến khoa học kỹ thuật, đảm bảo an toàn môi trường, không sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm. Theo đó, năng suất tôm nuôi đạt khoảng 5 – 7 tấn/1.000 m2, cao gấp 3 – 4 lần so với nuôi truyền thống. Đồng thời, mô hình nuôi này kiểm soát được dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao mật độ, năng suất, sản lượng, giảm thiểu rủi ro và chi phí.

Hiện tại, toàn xã có 30 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 60 ha, bước đầu mở ra hướng phát triển mới trong nuôi thủy sản bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Lê Trọng Quyền, Bí thư Đảng ủy xã An Nhơn, để tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình luân canh lúa – tôm và nuôi tôm công nghệ cao theo hướng nâng cao hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian tới huyện cần quan tâm, hỗ trợ xã rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi chuyên canh tôm và vùng sản xuất lúa phù hợp điều kiện từng địa phương. Bổ sung các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, chính sách quản lý và sử dụng đất sản xuất lúa, tôm hợp lý. Hỗ trợ phát triển thành lập tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, quan tâm đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất, hệ thống quan trắc môi trường, khuyến cáo lịch thời vụ, phù hợp với điều kiện trồng lúa và nuôi tôm. Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng tôm giống, chọn, lai tạo các giống lúa chịu mặn cao, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với thổ nhưỡng từng địa phương. Tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, phổ biến, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Xây dựng thương hiệu gạo sạch, tôm sạch, chất lượng cao để quảng bá sản phẩm ra thị trường nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp…

Minh Mừng Đài Truyền thanh Thạnh Phú

Tôm càng xanh bị chậm lớn do vi khuẩn tấn công

tôm càng xanh
Tôm càng xanh có thể chậm lớn do vi khuẩn E. cloacae.

Tôm càng xanh chậm phát triển khi bị nhiễm vi khuẩn E. cloacae.

Tôm càng xanh là loài tôm nước ngọt có giá trị kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hội chứng chậm tăng trưởng. Sự chậm phát triển của tôm càng xanh đã gây ra thiệt hại đáng kể cho sản xuất và năng suất của ngành nuôi tôm càng xanh trong những năm gần đây. 

Các nghiên cứu trước đây đã xác định một số mầm bệnh liên quan đến sự chậm tăng trưởng ở động vật giáp xác. Trong nghiên cứu này, vi rút âm tính với tôm càng xanh chậm phát triển, nhưng lại phát hiện nhiễm vi khuẩn E. cloacae với tỷ lệ nhiễm 100%. Hơn nữa, một nghiên cứu trước đây cũng cho thấy mức độ nhiễm khuẩn E. cloacae cao ở nhiều trại giống tôm càng xanh ở huyện Gaoyou, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, dẫn đến giảm tỷ lệ sống sót của ấu trùng tôm càng xanh.

Enterobacter cloacae là một loại vi khuẩn gram âm, hình que phân bố rộng rãi trong môi trường trên cạn và dưới nước và được coi là tác nhân gây bệnh cơ hội cho người và các động vật khác. Các nghiên cứu trước đây về nhiễm E. cloacae chủ yếu tập trung vào con người, còn nghiên cứu nhiễm E. cloacae ở động vật thủy sản thì rất hiếm. 

Trong nghiên cứu này Enterobacter cloacae XL3-1 được phân lập từ tôm càng xanh bị bệnh chậm lớn và gây nhiễm vào nước ở các bể nghiệm thức với nồng độ là 2,3×103 CFU/mL. 

Đặc điểm của tôm chậm lớn là trọng lượng và kích thước nhỏ hơn tôm bình thường, chiều dài của tôm trưởng thành chậm lớn khoảng 6-7 cm. Kết quả chạy PCR / RT-PCR âm tính với MrNV, XSV, IHHNV, WSSV, YHV, TSV, MBV, HPV và LSNV, cũng không tìm thấy ký sinh trùng trên cơ thể của tôm càng xanh chậm phát triển. Nhưng lại sự hiện diện của vi khuẩn E. cloacae 100% trên các mẫu tôm càng xanh có tốc độ tăng trưởng chậm này.

Sau một tháng nuôi, tôm bị nhiễm E. cloacae dài 45,1mm và nặng 0,9g còn tôm không bị nhiễm dài 56,4mm và cân nặng 1,9g. Sau hai tháng nuôi, tôm nhiễm E. cloacae có chiều dài cơ thể 58,2mm và nặng 2,9g trong khi tôm không nhiễm đo được 93,2 mm, và nặng 6,6 g. Tất cả tôm ở nhóm nhiễm E. cloacae đều dương tính với E. cloacae, nhưng E. cloacae âm tính với nhóm đối chứng. 

Các mô từ tôm càng xanh chậm phát triển và khỏe mạnh được lấy mẫu để kiểm tra mô học. Ở tôm càng xanh khỏe mạnh, gan tụy bình thường với các tiểu thể sắp xếp có trật tự, màng đáy còn nguyên vẹn và lòng ống được nhìn thấy như một đa giác sao. Ở tôm càng xanh chậm phát triển, tạo khoảng không bào trong các ống gan tụy, phân giải một phần nhung mao trong ruột, biến mất cấu trúc đa giác hình sao trong một số tiểu thể gan tụy. Ngoài ra, không có sự khác biệt rõ ràng về mô học ruột và mang giữa tôm càng xanh phát triển chậm và khỏe mạnh. 

Ảnh hưởng của việc nhiễm mầm bệnh lên gen miễn dịch và gen chuyển hóa ở động vật thủy sản đã được báo cáo rộng rãi, nhưng ảnh hưởng của việc nhiễm mầm bệnh lên gen sinh trưởng hiếm khi được báo cáo. 

Trong nghiên cứu này mức độ biểu hiện của các gen liên quan đến tăng trưởng: CHIT3, Cat, RXR, JHEH và ECR trong gan tụy và cuống mắt ở tôm càng xanh chậm phát triển thấp hơn đáng kể so với tôm càng xanh khỏe mạnh. Mức độ biểu hiện của gen MIH (hormone ức chế lột xác) trong gan tụy và mắt ở tôm càng xanh chậm phát triển cao hơn đáng kể so với tôm càng xanh khỏe mạnh.

Để điều tra khả năng lây nhiễm của tôm càng xanh chậm phát triển, tôm khỏe mạnh sẽ được nuôi chung với tôm chậm phát triển. Kết quả cho thấy sự tăng trưởng khác biệt đáng kể giữa nhóm thử nghiệm và nhóm chứng. Chiều dài cơ thể và trọng lượng cơ thể của nhóm thử nghiệm thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. 

Sau một tháng nuôi chung tôm khỏe mạnh và tôm chậm lớn, chiều dài cơ thể của tôm là 45,9 mm và khối lượng cơ thể 0,8g, chiều dài cơ thể của tôm nhóm đối chứng là 59,7 mm và khối lượng cơ thể của tôm là 1,9g. Sau hai tháng nuôi chung tôm khỏe mạnh và tôm chậm lớn, chiều dài cơ thể của tôm là 49,9mm và khối lượng cơ thể là 1,1g; Chiều dài cơ thể của tôm đối chứng đo được là 93,9mm, khối lượng của tôm là 6,4g.

Ngoài ra, E. cloacae dương tính với tôm khỏe mạnh sau khi nuôi chung với tôm bị hội chứng chậm lớn. Những kết quả này chỉ ra rằng tôm càng xanh với các triệu chứng chậm tăng trưởng đã lây nhiễm và có thể gây ra sự chậm phát triển của tôm càng xanh khỏe mạnh.

Các kết quả nêu trên cho thấy tôm càng xanh chậm phát triển có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn E. cloacae cao do đó có thể thấy rằng mầm bệnh này là nguyên nhân gây ra sự chậm lớn ở tôm càng xanh.

Sương Phạm – https://tepbac.com/

Bạc Liêu: Ký thỏa thuận thử nghiệm nhật ký nuôi tôm điện tử

Nhật ký nuôi tôm điện tử

Lễ ký kết và thử nghiệm nhật ký nuôi tôm điện tử Farmext.

Lễ ký kết và thử nghiệm nhật ký nuôi tôm điện tử để giúp người nuôi quy mô nhỏ ghi chép nhật ký ao nuôi dễ dàng.

Truy xuất nguồn gốc là thách thức lớn với nuôi tôm quy mô nhỏ

Xã hội càng phát triển thì mối quan tâm về sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng càng lớn, do đó càng thúc đẩy yêu cầu thực thi hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nuôi trồng thủy sản từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU trở nên gắt gao, khó tính hơn.

Truy xuất nguồn gốc là thách thức đối với bất kỳ ai hoạt động trong ngành sản xuất tôm. Tuy nhiên, với đặc điểm nhỏ lẻ của ngành tôm nước ta, hộ nuôi nhỏ là những người góp phần quan trọng nhưng cũng chính họ gặp khó khăn nhiều nhất khi thực hiện truy xuất nguồn gốc. Trước yêu cầu phải ghi chép nhật ký nuôi tôm như hiện nay, do thói quen sản xuất lâu đời, các hộ nuôi gia đình thường cảm thấy khó khăn, rất nhiều người nuôi ghi chép đối phó hoặc chỉ ghi giấy tờ sổ sách nên thường có sai sót và không tiện lợi với điều kiện ở trại nuôi.

Với tâm huyết xây dựng lợi ích thực tế cho người nuôi, quyết không để bất kỳ người nuôi tôm nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua truy xuất nguồn gốc, Tép Bạc đã xây dựng ứng dụng nhật ký điện tử nuôi tôm Farmext hỗ trợ người nuôi có thể ghi nhật ký điện tử một cách dễ dàng, ghi chép thông tin rõ ràng.

Ký kết và thử nghiệm nhật ký nuôi tôm điện tử giúp người nuôi ghi chép dễ dàng

Chiều 12/8/2020, Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS)  và Tổ chức OXFAM Việt Nam cùng Công ty TNHH Tép Bạc tổ chức lễ ký kết và thử nghiệm nhật ký điện tử trong nuôi tôm cho các hộ nông dân của hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Mục tiêu của việc thử nghiệm nhật ký điện tử nhằm nâng cao năng lực áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiếp cận thị trường cho người nuôi tôm quy mô nhỏ. Qua đó góp phần tăng cơ hội tiếp cận thị trường trong quá trình hội nhập EVFTA, TPP…

Thời gian thử nghiệm là 1 năm, từ tháng 8/2020 – 8/2021.


Lễ ký kết thu hút sự quan tâm từ người nuôi tôm.

Ngoài việc ghi nhật ký phục vụ cho các chứng nhận trong thời kỳ hội nhập, Farmext được xây dựng tập trung và lợi ích cho bà con nuôi tôm, đại lý và hợp tác xã.

Trong lễ ký kết có quá trình giới thiệu và hướng dẫn bà con làm quen, sử dụng ứng dụng. Đa phần bà con rất hoan nghênh tính hữu ích của ứng dụng trong nuôi tôm.

Anh Cơ nuôi tôm ở Vĩnh Hậu, Hòa Bình, Bạc Liêu chia sẻ: “Trước đây quản lý bằng từ xa bằng cách gọi điện hỏi nếu giờ dùng ứng dụng thì sẽ rất hưu ích để mình có thể theo cập nhật tình hình ao nuôi và tính toán được chi phí mọi lúc.”

Là một đại lý anh Pháo cho hay: “Với ứng dụng này tôi có thể hỗ trợ từ xa cho những hộ nuôi mà tôi đầu tư và nắm được tình hình sản xuất của họ để có thể dự trù trước các vật tư”.

Anh Tiến Thành thì lại thích tính năng hỗ trợ từ xa của chuyên gia. Vì trước giờ anh vẫn hay hỗ trợ kỹ thuật cho bà con xung quanh những quá nhiều không có thời gian theo dõi chi tiết nên anh không giúp được nhiều cho bà con. Với tính năng này anh có thể theo dõi nhật ký của một ao suốt quá trình nuôi và đưa ra gợi ý trực tiếp trên đó.


Đa phần bà con rất hoan nghênh tính hữu ích của ứng dụng nhật ký nuôi tôm điện tử Farmext.

Đối với hợp tác xã cũng tương tự, cần nắm thông tin tình hình sản xuất của các xã viên như đang nuôi tốt hay không, lượng tôm của hợp tác xã, lượng thức ăn để có thể hỗ trợ về mặt vật tư và tài chính giúp xã viên an tâm sản xuất.

Phía Tép Bạc giải thích thì việc cài đặt ban đầu phức tạp là để giúp cho việc ghi nhật ký sau này dễ và nhanh hơn nên nhiều hộ nuôi cảm thấy khá khó khăn trong việc cài đặt. Một phần từ việc chưa có thói quen ghi nhật ký và một phần nhiều chú bác vẫn chưa dùng điện thoại thông minh rành.

Phía đại diện Tép Bạc cho hay sẽ thường xuyên cập nhật và điều chỉnh sao cho mọi bà con nuôi tôm đều có thể sử dụng được một cách dễ dàng.

Farmext – https://tepbac.com/

Ngành thủy sản thế nào sau nửa tháng thực thi EVFTA

chế biến tôm xuất khẩu

Các đơn hàng cho sản phẩm tôm từ EU tăng nhiều hơn khi EVFTA thực thi. Ảnh minh họa

Ngày 1/8, EVFTA chính thức được thực thi và ghi nhận sự tăng trưởng trong đơn hàng. Tuy nhiên việc tăng trưởng chưa được như kỳ vọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu.

Đơn hàng tôm, mực phục hồi

Sau hơn 2 năm châu Âu quyết định rút “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản, giá trị xuất khẩu cũng như sản lượng tại thị trường này sụt giảm nghiêm trọng. Từ vị trí thứ 2 chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam, EU rớt xuống vị trí thứ 5 khi chỉ còn chiếm 13%. Do đó, khi EVFTA có hiệu lực, ngành thủy sản kỳ vọng sẽ có sự phục hồi về hoạt động xuất khẩu tại thị trường này.

Theo khảo sát của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ khi EVFTA chính thức được đưa vào thực thi vào đầu tháng 8/2020 đã cho thấy có nhiều dấu hiệu tích cực tại thị trường châu Âu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP chia sẻ, số lượng đơn hàng tính riêng tại thị trường châu Âu tăng 10% so với tháng cùng kỳ tháng 7. Chứng tỏ EVFTA đã có những tác động rõ ràng đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam.

“Đây là tín hiệu đáng mừng vì trong những năm vùa qua kim ngạch và sản lượng thủy sản xuất sang thị trường này liên tục sụt giảm. Mặc dù chưa được như kỳ vọng của chúng tôi là tăng trưởng 20% nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành đã là rất tốt”, ông Hòe nói.

Cũng theo ông Hòe, số lượng đơn hàng tăng tập trung ở những mặt hàng tôm, mực. Đơn cử, Công ty cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước, từ đầu năm 2020 ghi nhận sự tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu, bất chấp tác động của dịch bệnh Covid-19. Nay EVFTA được đưa vào thực thi càng giúp tình hình kinh doanh của công ty thêm thuận lợi.

“Đến thời điểm hiện tại, công ty xuất khẩu 3.000 tấn tôm và các sản phẩm làm từ con tôm tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019; về giá trị đạt trên 31 triệu USD tăng gần 6%. Các mặt hàng chế biến sẵn được tiêu thụ rất tốt. Và sản phẩm làm từ tôm là thế mạnh của công ty nên tình hình kinh doanh của công ty vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan trong thời gian vừa qua”, ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước chia sẻ.

Cá “tỉ đô” vẫn tiếp tục lao đao

Nếu như các mặt hàng tôm, mực ghi nhận sự phục hồi tích cực thì với mặt hàng cá tra tình trạng vẫn hết sức ảm đạm.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy – Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Nam Việt cho biết, từ đầu năm đến nay sản lượng và giá trị xuất khẩu sản phẩm cá tra của công ty giảm từ 30 đến 40% so với cùng kỳ. Ngoài việc sản lượng sụt giảm, giá cả cũng thấp hơn so với thời điểm trước.

Những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Văn Kịch – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang) cho biết, cá tra Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng kép. Nguyên nhân, thời gian qua mặt hàng này ở tình trạng dư cung, trong khi đó diễn biến của dịch bệnh Covid-19 khiến việc tiêu thụ bị chậm lại. Trong ngắn hạn, rất khó để tìm ra giải pháp với mặt hàng này.  

“Từ nay tới cuối năm, chỉ còn biết chờ tới khi các nước kiểm soát được tình hình dịch bệnh và mở cửa trở lại thì hoạt động xuất khẩu mới khôi phục trở lại được”, ông Kịch nhận định.

Cùng nhận định, ông Ong Hàng Văn – Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp) – cho biết, trong 7 tháng đầu năm, cá tra là một trong những mặt hàng kim ngạch xuất khẩu của công ty giảm tới 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong thời gian qua, bên cạnh các thị trường truyền thống lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, doanh nghiệp này mở thêm các thị trường khác như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc…. Tuy nhiên, những quốc gia cũng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh nên hoạt động xuất khẩu cũng bị giảm sút.

Một số doanh nghiệp trong ngành cho rằng, ngoài việc hy vọng dịch bệnh Covid-19 sớm được kiểm soát thì việc gỡ được “thẻ vàng” mới là yếu tố quan trọng nhất để ngành thủy sản phục hồi lại các hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Dự báo tình hình xuất khẩu từ đây đến cuối năm, ông Hòe cho rằng rất khó đoán định, vì dịch bệnh Covi-19 vẫn còn hoành hành.

“Hiện một số nước đang cố gắng mở cửa trở lại nhưng vẫn chưa được. Đơn cử như Mỹ và châu Âu đã có thời điểm mở cửa nhưng rồi lại phải đóng do làn sóng Covid-19 mới lại ập đến. Trừ khi nào dịch bệnh được kiểm soát thì mới hy vọng mọi thứ sẽ phục hồi trở lại”, ông Hòe nói.

Trần Hùng Thế giới tiếp thị

5 mô hình nuôi tôm tiên tiến khả thi hiện nay

5 mô hình nuôi tôm tiến
5 mô hình nuôi tôm tiến hiện nay trên thế giới

Giới thiệu 5 mô hình nuôi tôm tiến có tính khả thi trong thực tế sản xuất hiện nay.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 50 nước nuôi tôm và các vùng nuôi trọng điểm như Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Trung Đông. Loài tôm được nuôi phổ biến nhất là tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) và kế đến là tôm sú (Penaeus monodon). Nghề nuôi tôm trên thế giới có nhiều công nghệ nuôi tôm tiên tiến đang được áp dụng khá phổ biến như: Copefloc, công nghệ BioSipec, công nghệ nuôi tôm mới sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên; công nghệ nuôi tôm sử dụng thức ăn có nguồn gốc từ thực vật lên men; nuôi tôm theo qui trình 3 pha (three-phase) trong ao; nuôi tôm raceway siêu thâm canh nhiều tầng (super-intensive stacked raceway); Biofloc trong nuôi tôm siêu thâm canh; Semi-biofloc trong nuôi tôm thâm canh, ương nuôi tôm siêu thâm canh trong hệ thống nước chảy (raceway); nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính.

Dưới đây là 5 mô hình nuôi tôm tiên tiến mang lại hiệu quả sản xuất thực tế hiện nay.

1. Công nghệ COPEFLOC

Copefloc là một thuật ngữ dùng để chỉ một công nghệ nuôi tôm mới đang phát triển mạnh tại Thái Lan. Copefloc = Copepods + Biofloc là một công nghệ nuôi tôm sử dụng copepods (giáp xác chân chèo), các hạt biofloc và các động vật thân mềm sống đáy (giun nhiều tơ,…) như là một nguồn thức ăn chính yếu cho tôm nuôi và hoàn toàn không sử dụng thức ăn chế biến (thức ăn viên công nghiệp). Biofloc là một phức hợp của tảo, vi khuẩn, nguyên sinh động vật (protozoans) và các hạt vật chất hữu cơ như phân tôm cá và các mảnh vụn thức ăn. Biofloc là một nguồn vitamin và khoáng chất rất tốt, đặc biệt là phosphorus.

2. Công nghệ BIOFLOC

Công nghệ Biofloc là công nghệ nuôi thâm canh sử dụng hạt floc để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, đồng thời giúp các vi sinh vật có lợi và hạn chế các vi sinh vật có hại và phân giải các chất hữu cơ làm sạch đáy và môi trường ao nuôi. Công nghệ này đã giải quyết được vấn đề chất thải hữu cơ trong ao nuôi qua việc tạo điều kiện tối ưu để vi khuẩn dị dưỡng phát triển trong thủy vực nuôi thủy sản. Ngoài ra, công nghệ Semi – Biofloc được cải tiến từ công nghệ Biofloc nhưng việc quản lý môi trường ao nuôi được thực hiện dễ dàng hơn bằng cách điều chỉnh tỉ lệ Cacbon/Nitơ sao cho đạt >1,5. Hệ thống ao nuôi chặt chẽ giữa sinh vật tự dưỡng (chủ yếu Chlorella) chiếm 30 – 40%, và dị dưỡng (chủ yếu là Bacilus) 60 – 70%.

3. Công nghệ BIOSIPEC

Công nghệ BioSipec là công nghê nuôi thâm canh nhiều giai đoạn; trong đó có mô hình nuôi 2-3 giai đoạn ương bằng bể xi măng, ao đất lót bạt cả bờ, đáy tất cả được đặt trong nhà kính và một giai đoạn nuôi thương phẩm trong ao ngoài trời. Mô hình này sử dụng thức ăn công nghiệp và chế phẩm sinh học để bổ sung vào thức ăn, quản lý môi trường ao nuôi. Ngoài ra còn áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật như hệ thống xử lý nước tăng an toàn sinh học và ngăn ngừa dịch bệnh; hệ thống sục khí đặc biệt để giảm chi phí năng lượng tối ưu hóa hàm lượng O2 cho ao nuôi; hệ thống cho ăn tự động với cảm biến âm thanh giúp cung cấp thức ăn theo nhu cầu của tôm và làm giảm hệ số tiêu tốn thức ăn; sử dụng tôm giống sạch bệnh (SPF),….

4. Nuôi tôm theo qui trình 3 pha

Nuôi tôm theo qui trình 3 pha (three-phase) là hệ thống ương nuôi luân trùng (rotifer) và giáp xác chân chèo (copepod) với qui mô lớn kết hợp với ao ương tôm và ao nuôi thương phẩm để giúp rút ngắn chu kỳ nuôi và gia tăng năng suất tôm lên đáng kể mà không phụ thuộc vào các nguồn protein khác từ thức ăn công nghiệp. Hệ thống nuôi nhiều pha này không những làm gia tăng hiệu quả sản xuất mà còn mở ra một cơ hội mới góp phần bảo vệ môi trường nhờ vào việc sử dụng thức ăn tự nhiên.

5. Công nghệ nuôi RAS

Công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (Recirculating Aquaculture System – RAS) giúp loại bỏ các hợp chất có chứa Nitơ vô cơ từ nước nuôi thủy sản bằng cách kết hợp giữa lọc sinh học và cơ học. Nhờ vậy, chất lượng nước được cải thiện và giảm thay nước. Trong đó, hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) đã và đang là mô hình nuôi được tập trung phát triển và mang lại một số hiệu quả nhất định. Trong năm 2019, hệ thống tuần hoàn RAS đã cung cấp 6% tổng sản lượng ở Trung Quốc và 12% ở Mỹ và Châu Âu. Dự kiến vào năm 2030, nuôi trồng thủy sản sẽ đáp ứng 62 % nhu cầu toàn cầu trong đó 40 % sẽ được cung cấp từ các hệ thống RAS tiên tiến.

Tóm lại, hiện nay có rất nhiều mô hình nuôi tôm trên thế giới khác nhau, trong đó mỗi mô hình đều có ưu điểm, nhược điểm và quy mô đầu tư khác nhau nên tùy vào điều kiện thực tế mà người nuôi có thể cân nhắc lựa chọn công nghệ nuôi phù hợp để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.

Marine – https://tepbac.com/