Bạn tìm thông tin gì?

Blog

Artemia – Vật chủ lây nhiễm EHP trên tôm?

artemia mang mầm bệnh EHP

EHP có thể lây truyền theo chiều ngang sang tôm nuôi bằng Artemia

Artemia có thể được xem như vật chủ mang mầm bệnh ký sinh trùng EHP ở tôm thẻ.

Nhiễm trùng gây ra bởi Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đến việc nuôi tôm. Các đợt bùng phát EHP được báo cáo rộng rãi ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ. EHP phát triển trong tế bào chất của tế bào chủ – mô gan tụy ở tôm nuôi. Các dấu hiệu lâm sàng của tôm bị nhiễm bệnh bao gồm tăng trưởng còi cọc, biểu hiện giảm tiêu thụ thức ăn (50–70%), phân trắng và gan tụy biến màu.

Trong quá trình tìm kiếm những con đường lây nhiễm EHP, các sinh vật phù du bị nghi ngờ đầu tiên, vì từ lâu chúng là lựa chọn ưa thích, được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong giai đoạn ấu trùng. Không giống như chế độ ăn theo thức ăn dạng viên có xu hướng kết tụ trên mặt nước, thức ăn tươi sống có thể bơi trong nước và luôn có sẵn cho ấu trùng tôm. Bên cạnh đó, chúng được biết là có tác dụng kích thích phản ứng ăn của tôm cá và ngon miệng hơn so với thức ăn công nghiệp.

Trong các trại sản xuất tôm giống, việc cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng cho giai đoạn ấu trùng được coi là một phần quan trọng. Để đáp ứng đầy đủ nhu cầu đó, Artemia – một loại ấu trùng mới nở – được sử dụng với đặc điểm là dinh dưỡng rất cao, có hàm lượng đạm và nhiều các axitamin, axit béo, chất khoáng cần thiết đối với giai đoạn sinh sản của tôm, cá cũng như tạo nên sắc tố cho cá cảnh.

Khả năng Artemia hoạt động như một vật trung gian truyền/chứa mầm bệnh đã được chứng minh ở nhiều mầm bệnh thủy sinh khác nhau như nhiễm trùng do vi khuẩn và virus. Việc sàng lọc nguồn thức ăn để ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong cơ sở nuôi là điều vô cùng cần thiết trong khi các phương pháp để ngăn chặn sự lây nhiễm vẫn chưa được phát triển hoàn thiện. Thông thường, nhiễm trùng lây lan nhanh hơn từ động vật bị nhiễm bệnh sang động vật không bị nhiễm bệnh do lây truyền theo chiều ngang. Mục tiêu của nghiên cứu này là điều tra khả năng gây bệnh của Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) đối với Artemia và để xác định xem nó có hoạt động như ổ chứa EHP hay không?

Artemia salina là một loại giáp xác, thuộc ngành Arthropoda lớpCrustacea, lớp phụ Branchiopoda, bộ Anostraca, họ Artemiidea, giống Artemia. Thường được gọi là tôm ngâm nước mặn, là động vật phù du được sử dụng rộng rãi làm nguồn thức ăn sống trong các trại giống. Nó có giá trị dinh dưỡng cao và tất cả các giai đoạn phát triển của cuộc đời: ấu trùng, bán trưởng thành và trưởng thành đều được sử dụng làm thức ăn. Trong các điều kiện thích hợp (ánh sáng, oxy, độ mặn), trứng sẽ nở trong 36–48 giờ.

Để kiểm tra con đường lây nhiễm EHP trên Artemia, người ta đã thực hiện bằng phương pháp ngâm mô của tôm bị nhiễm EHP với Artemia salina. Sau đó quy trình PCR được tiến hành để kiểm tra liệu rằng có sự hiện diện của EHP trên Artemia hay không. Tiếp đó,  Artemia sống đã bị nhiễm EHP được dùng làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng khỏe mạnh. Tương tự, tôm sau khi được cho ăn cũng sẽ được thu mẫu để tái khẳng định sự có mặt của EHP bằng phương pháp PCR.

Kết quả chỉ ra rằng EHP có thể lây truyền theo chiều ngang sang tôm nuôi bằng Artemia khi được sử dụng làm thức ăn. Trong khi tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh thường có các dấu hiệu lâm sàng như giảm hấp thu thức ăn và tăng trưởng còi cọc, Artemia salina lại không biểu hiện triệu chứng đáng kể nào. Tiến hành chạy phản ứng PCR (Polymerase chain reaction) để tái khẳng định lại sự lây nhiễm ký sinh trùng EHP trên Artemia cho thấy kết quả dương tính trong tất cả các giai đoạn phát triển mà không có bất kỳ tỷ lệ tử vong nào. Phân tích mô bệnh học của Artemia cũng cho thấy sự hiện diện của các bào tử. Do đó, Artemia được chấp nhận như vật chủ mang mầm bệnh ký sinh trùng EHP ở tôm thẻ.

Điều này dẫn chúng ta đến nghi ngờ rằng những sinh vật phù du này có thể không chỉ là vật trung gian truyền bệnh của EHP mà chúng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi mầm bệnh. Các nghiên cứu sâu hơn cần được thực hiện. Nói chung, các bệnh truyền nhiễm thường lây lan qua thức ăn, nước uống hoặc các nguồn vi sinh vật khác. Hiện nay, không có thuốc để kiểm soát đặc trị bệnh nhiễm trùng này. Chỉ có quản lý tốt thực hành, phương pháp an toàn sinh học thích hợp có thể giúp ngăn ngừa lây nhiễm và những thiệt hại về sản xuất sau đó. Vì thế, việc giám sát các nguồn này là thói quen được người nuôi tôm tuân thủ để giảm thiểu hoặc ngăn ngừa sự lây nhiễm.
Uyên Đào – https://tepbac.com/

Mối quan hệ của Phân trắng, EHP và Hoại tử gan tụy cấp tính

Tôm nhiễm mầm bệnh

Nhiều tác nhân chưa xác định cùng gây ra nhiều bệnh một lúc cho tôm.

Nhiều tác nhân chưa xác định cùng gây ra nhiều bệnh một lúc cho tôm chứ không phải cùng một tác nhân mà gây ra nhiều bệnh được.

Phân trắng, căn bệnh dễ nhận biết nhất ở tôm khi có nhiều dải phân dài xuất hiện trong vó ở các ao nuôi tôm sú và tôm thẻ. Hội chứng này “đánh” vào đường ruột tôm, cũng thường được phát hiện đồng thời với các vấn đề vệ sinh xung quanh trại, cộng với quá trình phát triển của tôm bị giảm sút, kích cỡ chênh lệch, giảm ăn và tỷ lệ chết mãn tính cao.

Ở các khu vực xuất hiện phân trắng thì các mầm bệnh khác cũng được ghi nhận. Thứ nhất là EHP, vi bào tử trùng này là một vi sinh vật sinh sản bằng cách sao chép trong nội bào, gây thoái hóa tế bào chất của các mô gan tụy. Mầm bệnh này xuất hiện nhiều trên tôm thẻ ở các nước Đông Nam Á. Tôm nhiễm EHP sẽ chậm phát triển, kích thước nhỏ hơn so với tuổi. Nặng hơn, tôm sẽ mềm vỏ, lờ đờ, giảm ăn và bị hiện tượng ruột đứt khúc.

Sự đồng nhiễm còn kết hợp với căn bệnh thứ ba là EMS “đánh” vào gan tụy, làm gan tụy tôm bị hoại tử, teo nhỏ, ngày càng nhiều các mô gan tụy bị nhiễm và đồng thời tăng tính nhạy cảm cho tôm với vibrio sp. Vậy phải chăng sự đồng nhiễm này do cùng một tác nhân?

Microsporidia là một ngành động vật rộng lớn bao gồm hơn 1400 sinh vật. Chúng dễ dàng lây nhiễm sang nhiều vật chủ thủy sinh và là những mầm bệnh lây lan cao nhất trong môi trường nước. Chúng đã từng gây nên những vấn đề nhức nhói nhiều năm liền trên tôm sú. Tuy nhiên mãi đến 2009 thì mầm bệnh này mới được công bố một cách đầy đủ và xác định đó là EHP, lây rộng rãi trên nhiều loài tôm nuôi và nhiều quốc gia ở các khu vực khác nhau. EHP lây nhiều nhất theo chiều ngang khi tôm khỏe sống chung một khu vực với tôm bệnh, đồng thời là việc ăn thịt đồng loại, nước, đất hay các dụng cụ dùng chung cũng dễ bị nhiễm. Loài này sản sinh bào tử kích thước khá nhỏ 1-4μm nhưng có khả năng đục thủng tế bào vật chủ và tiêm vào đó chất gây độc. Khả năng cao thì EHP cũng là một mầm bệnh cơ hội như chúng ta đã biết đối với vibrio sp.

Trong trường hợp tôm nhiễm EHP thì cũng thường có sự nhầm lẫn về tác nhân, do không có dấu hiệu cụ thể và có sự đồng nhiễm với các bệnh khác nhất là hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND). Khi bị đồng nhiễm, sự phá hủy gan tụy của tôm ngày càng tăng và tính nhạy cảm của tôm với Vibrio sp ngày càng lớn. Vibrio sp cũng chỉ là mầm bệnh cơ hội sau khi tôm đã nhiễm vi bào tử trùng EHP.

Khi tôm bị phân trắng, các chuyên gia cũng phát hiện nhiều tác nhân cùng một lúc trong các mô bị nhiễm. Đó là ký sinh trùng gragarine, vi khuẩn vibrio sp và có cả vi bào tử trùng EHP. Đến thời điểm hiện tại, chưa xác định được tác nhân chính là loài nào. Bởi vì tôm khỏe cũng dễ dàng mang 1 trong các mầm bệnh này trong cơ thể. Một số tài liệu khác nhau đưa ra nhiều giả thuyết về tác nhân gây của bệnh WFS này, đó là vibrio, gregarine, Bacilloplasma sp. và Phascolarcobacterium sp. Vậy có thể quả quyết rằng nhiều tác nhân chưa xác định cùng gây ra nhiều bệnh một lúc cho tôm chứ không phải cùng một tác nhân mà gây ra nhiều bệnh được.

Có thể thấy rằng 3 căn bệnh này đã gây ra dịch rộng lớn trên các khu vực nuôi. Hơn cả bệnh đốm trắng, bệnh phân trắng ngày càng lây lan mạnh trên nhiều khu vực nuôi tôm thẻ ở Việt Nam. Tôm nuôi không chết nhưng lại không lớn, người nuôi càng dùng nhiều phương pháp chữa trị thì tôm càng còi cọc do chưa xác định được mầm bệnh gốc là loài nào? Tuy cũng có loại có hiệu quả nhưng lại thường kéo dài ra rất nhiều thời gian làm chi phí nuôi và chữa trị bệnh tăng cao, kết quả làm hiệu suất và lợi nhuận của vụ nuôi giảm đáng kể.

Cả đường ruột và gan tụy, hai cơ quan quan trọng nhất của tôm đều bị nhiễm bệnh cùng một lúc thì chẳng khác nào là ao tôm nuôi đã “lâm vào đường cùng”. Do đó, cần làm tốt công tác giữ sạch môi tường nuôi, nuôi tôm một cách an toàn bền vững, diệt khuẩn, thay nước thường xuyên để ngăn chặn sự sinh sôi của mầm bệnh trong ao. Đồng thời bổ sung nhiều dưỡng chất để cải thiện sức khỏe tôm, hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch sẽ giúp tôm mạnh mẽ mà “đương đầu” với những dịch bệnh nguy hiểm.

Hà Tử – https://tepbac.com/

Nuôi tôm trong nhà kính vẫn ẩn chứa nguy cơ dịch bệnh

Nuôi tôm trong nhà kính.

Mô hình nuôi tôm trong nhà kính. Ảnh: Việt Úc

Nuôi trong nhà kính không đảm bảo rằng tôm nuôi sẽ an toàn với dịch bệnh.

Nuôi trong nhà kính không đảm bảo rằng tôm nuôi sẽ không bị nhiễm bệnh

Những năm gần đây, ngành công nghiệp tôm đã trải qua sự ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng từ sự bùng phát ngày càng nguy hiểm của các loại dịch bệnh. Một số loại phổ biến như: hội chứng tôm chết sớm (EMS) hay bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) gây ra bởi Vibrio parahaemolyticus nằm ở bao tử tôm và tiết ra các độc tốt làm bong tróc mảng lớn tế bào; bệnh vi bào tử trùng EHP do vi bào tử trùng microsporidia thuộc chi Enterocytozoon, tỉ lệ chết thấp nhưng làm tôm chậm phát triển; ngoài ra còn có một số dịch bệnh đã quen thuộc như bệnh đốm trắng (WSSV); hội chứng Taura (TSV); bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHVN) và bệnh đầu vàng (YHV).

Vì sự bùng phát dịch ngày càng nghiêm trọng và có sức ảnh hưởng rộng rãi từ các ao đơn lẻ đến cà vùng nuôi nên các biện pháp an toàn sinh học ngày càng được chú trọng hơn: như trữ và xử lí tốt nguồn nước cấp, nước cũng được xử lí trước khi xả ra môi trường, hạn chế sự ra vào và dùng riêng các dụng cụ ở từng ao để hạn chế sự lây lan hay mang mầm bệnh vào ao nuôi, ngoài ra còn nuôi tôm có nguồn gốc được kiểm dịch trước khi thả nuôi, tôm SPF (tôm sạch bệnh),… nhưng mầm bệnh vẫn có thể lây lan qua đường trên không như hạt nước, chim, côn trùng,… Vì thế hình thức nuôi trong nhà kính ra đời, ao tôm tách biệt với môi trường ngoài, môi trường nuôi được kiểm soát chặt chẽ, các giai đoạn nuôi cũng được chia nhỏ để quản lí và đảm bảo an toàn. 

Tuy nhiên, liệu mô hình nuôi trong nhà kính có đảm bảo rằng tôm nuôi sẽ không bị nhiễm bệnh?

Các nhà khoa học đã tiến hành điều tra về các dịch bệnh phổ biến hiện nay có thể gây cảm nhiễm ở tôm nuôi trong nhà kính. Các ao nuôi tôm có diện tích 600m2, độ sâu là 1m được kiểm soát nghiêm ngặt ở từng khâu, đảm bảo chất lượng quản lí trong quá trình nuôi và đã chứng minh là hiệu quả cao.

Vật liệu và phương pháp thí nghiệm

Mẫu vật tôm

Tổng cộng có 360 mẫu tôm được thu thập từ 20 ao trong nhà kính từ ngày 7 – 14 tháng 9 năm 2016. Mỗi ao sẽ lấy ngẫu nhiên 20 cá thể tôm, tôm sẽ được đo kích thước và đông lạnh. Có 3 cá thể tôm trên một ao sẽ được mang đi kiểm tra siêu cấu trúc. Mẫu tôm còn lại sẽ được chia thành nhóm tôm khỏe và tôm chậm lớn (dựa theo bảng theo dõi và đánh giá của người nuôi).

Các phương pháp dùng để phân tích gồm: sử dụng kính hiển vi, phân tích axit nucletic, PCR, RT-PCR và kiểm tra thống kê.

Kết quả

Kiểm tra siêu cấu trúc

Dùng kiểm tra TEM (kính hiển vi điện tử truyền qua) để phân tích vi cấu trúc của tôm chậm lớn không thấy rõ sự thay đổi của tế bào trong các tế bào biểu mô hình ống của gan tụy, ngoại trừ sự hiện diện của EHP xung quanh tế bào chất. Số lượng lớn EHP được tìm thấy trong tế bào biểu mô hình ống của gan tụy.

Phân tích PCR

Trong 6 bệnh phổ biến thì kiểm tra cho thấy EHP có xuất hiện ở tôm chậm lớn trong nghiên cứu này. 

Tỷ lệ tôm chậm lớn dương tính với EHP trong bước đầu là 12%, đối với tôm khỏe tỷ lệ này là 0%. Ngoài ra, tôm cũng cảm nhiễm với các dịch bệnh như IHHNV, AHPND.

Mối quan hệ giữa mầm bệnh với chiều dài cơ thể, trọng lượng thân và tỉ lệ trọng lượng thân trên chiều dài cơ thể

Chiều dài thân và trọng lượng của nhóm không nhiễm bệnh cao hơn hẵn nhóm bị nhiễm. 

Thảo luận

Qua nghiên cứu chúng ta có thể thấy, trong 6 loại dịch bệnh phổ biến thì tôm nuôi trong nhà kính có thể cảm nhiễm với 3 loại là EHP, IHHNV và AHPND. Trong đó, cảm nhiễm cao nhất là EHP, sự lây lan nhanh cả theo chiều ngang và chiều dọc khiến cho sự kiểm soát trở nên khó khăn hơn (tỷ lệ nhiễm lên đến 54,4% trong thí nghiệm này). EHP làm tôm chậm lớn nên ảnh hưởng lớn đến kinh tế người nuôi. Tuy vậy, EHP vẫn được đánh giá là không quá nghiêm trọng bởi vì tỉ lệ chết gây ra không cao bằng AHPND.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng dù nuôi trong nhà kính với các khâu riêng biệt và sử dụng các biện pháp an toàn sinh học thì các ao tôm vẫn có nguy cơ nhiễm các dịch bệnh phổ biến, đặc biệt là ba bệnh EHP, IHHNV và AHPND. Dù vậy vì được nuôi trong nhà kính nên khả năng phản ứng kịp thời cùng các biện pháp an toàn sẽ được thực hiện ngay, các ao sẽ được nuôi tách biệt và sẽ không gây lây nhiễm giữa các ao với nhau như nuôi trong ao đất. Điều này càng chứng minh sự hiệu quả của nuôi ao trong nhà kính mang lại.

Triệu – https://tepbac.com/

Tôm hùm rớt giá chưa từng có

Việc xuất khẩu tôm hùm gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 khiến giá loại hải sản cao cấp này đang chạm đáy, không còn là món ăn xa xỉ chỉ dành cho giới nhà giàu như trước.

Ghi nhận của phóng viên, tại chợ Xóm Mới (TP Nha Trang, Khánh Hòa), giá tôm hùm xanh tươi sống loại 3 con/kg là 520.000 đồng; loại 4-5 con/kg 450.000 đồng; tôm hùm bông loại 2 con/1,5kg là 750.000 đồng, loại 1 con/kg giá 1,1 triệu đồng. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay.

Theo bà Bảy (chuyên bán tôm hùm), trước đây tôm hùm tươi sống chỉ nhập cho các nhà hàng, khách sạn, ít khi bán ở chợ bởi giá cao từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg đối với tôm hùm xanh và 1,5 – 1,8 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông. Nhưng nay, sau 2 lần dịch Covid-19 bùng phát, lượng tôm xuất khẩu ngày càng giảm nên phải đẩy mạnh thị trường nội địa với giá vừa phải. “Giá tôm hùm hiện nay phù hợp với thu nhập của nhiều người. Chỉ riêng tôm hùm bông, khách vẫn phải đặt trước tôi mới lấy về bán vì loại tôm này giá thành còn cao, khó bán”- bà Bảy cho hay.

 Tôm hùm rớt giá chưa từng có  - Ảnh 1.

Thu hoạch tôm hùm ở Khánh Hòa. Ảnh: Kỳ Nam

Ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Kinh tế TP Cam Ranh – địa phương có sản lượng tôm hùm lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện nay giá tôm hùm tại địa phương đang giảm mạnh do xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đang rất khó khăn. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch ở Khánh Hòa đặc biệt là khách Trung Quốc sụt giảm cũng khiến giá tôm xuống thấp. Đây vừa là thách thức và là cơ hội để thị trường nội địa phát triển. Hiện tôm hùm được các thương lái thu mua bán cho thị trường Nha Trang, TP HCM, Hà Nội…

 Tôm hùm rớt giá chưa từng có  - Ảnh 2.

Thương lái thu mua tôm hùm Khánh Hòa. Ảnh: Kỳ Nam

Tại TP HCM, tôm hùm Việt Nam cũng đang có giá bán thấp chưa từng có, nguồn hàng được nhập từ nhiều tỉnh thành. Các hệ thống chuyên hải sản cao cấp cũng đang chạy chương trình bán hàng không lợi nhuận, giảm lượng nhập khẩu để tập trung “giải cứu” tôm hùm trong nước.

Tại một vựa hải sản chuyên bán online trên đường Đỗ Bí (quận Tân Phú), tôm hùm cốm (còn gọi tôm 2 da tức tôm đang thay vỏ) không còn sống (tôm ngộp) có giá chỉ 380.000 đồng/kg (mỗi kg từ 4-5 con). Với loại lớn hơn thì giá 420.000 đồng/kg (loại mỗi kg 3 con) và 500.000 đồng/kg (loại mỗi kg có 2 con). Nhân viên cửa hàng cho biết loại tôm hùm này số lượng không nhiều nên người mua nên tranh thủ.

Còn tôm hùm xanh còn sống có giá từ 550.000 – 650.000 đồng/kg tùy kích cỡ, thấp hơn cả đợt “giải cứu” hồi đầu năm.

 Tôm hùm rớt giá chưa từng có  - Ảnh 3.

Tôm hùm bông, cỡ hơn 800gr mỗi con, còn sống giá 990.000 đồng/kg, chưa bằng một nửa bình thường. Ảnh: Ngọc Ánh

Trong khi đó, hệ thống siêu thị MM Mega Market đang bán “tôm hùm bông khổng lồ” (0,7-1 kg/con) giá 990.000 đồng/kg trong khi trước đây tới 1.575.000 đồng/kg nên thu hút rất đông người tiêu dùng hỏi mua.

Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế hải sản Hoàng Gia (TP HCM), một trong những đầu mối lớn chuyên nhập khẩu tôm hùm, hiện nay công ty ông bán hàng nhập rất hạn chế do tôm hùm trong nước quá rẻ. “Chúng tôi đang tập trung bán tôm hùm trong nước không lợi nhuận để hỗ trợ người nuôi. Trước đây, tôm hùm bông trong nước giá bán lẻ thường ở mức từ 2 – 2,5 triệu đồng/kg (loại còn sống, cỡ 800gr/con trở lên) thì này giá chỉ còn hơn 1 triệu đồng/kg, tức giảm hơn một nửa” – ông Trường thông tin.

 Tôm hùm rớt giá chưa từng có  - Ảnh 4.

Tôm hùm hiện nay chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa. Ảnh: Kỳ Nam

Tại hệ thống cửa hàng Hải sản Hoàng Gia, phóng viên ghi nhận khách mua trực tiếp tôm hùm bông trong chương trình bán hàng không lợi nhuận chỉ còn 990.000 đồng/kg.Còn tôm hùm xanh (loại còn sống, mỗi kg từ 2 đến 5 con) giá bán tại cửa hàng chỉ 650.000 đồng/kg, rẻ chỉ bằng một nửa so với trước đây. “Do tôm hùm nội địa đang có giá rẻ nhất từ trước đến nay nên tiêu thụ khá tốt, luôn là mặt hàng bán chạy nhất tại các cửa hàng chúng tôi” – ông Trường tiết lộ.

Cũng theo ông Trường, giá tôm hùm trong nước khó có thể giảm thêm vì người nuôi đã lỗ nhiều, nếu giá tiếp tục giảm, các nhà lồng, thương lái sẽ chuyển sang cấp đông tôm hùm để chờ thị trường hồi phục.

 Tôm hùm rớt giá chưa từng có  - Ảnh 5.

Tôm hùm các loại được rao bán trên mạng xã hội. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên chọn mua ở nơi uy tín Ảnh chụp màn hình

Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 6-9, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay tôm hùm là một trong những mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19.

“Đây là mặt hàng cao cấp, chuyên phục vụ nhà hàng, khách sạn nên nhu cầu thị trường sụt giảm nghiêm trọng khi kênh này phải đóng cửa hoặc mở bán hạn chế để chống dịch. Thị trường chính của tôm hùm Việt Nam là Trung Quốc nên bị ảnh hưởng từ sớm. Ngoài ra, còn có lý do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu qua đường tiểu ngạch nên tôm hùm chỉ có con đường xuất khẩu chính ngạch nhưng lý do này chỉ là phụ, chính yếu vẫn là do nhu cầu thị trường không có. Việc hồi phục của thị trường tôm hùm phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch” – ông Hòe nhận định.

Theo Kỳ Nam – Ngọc Ánh

Người Lao Động

Xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL: Nỗ lực vượt khó

Đầu tháng 8-2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Đây được xem là cơ hội tốt cho nhiều sản phẩm thủy sản ở ĐBSCL đẩy mạnh thâm nhập thị trường lớn EU, với những ưu đãi về thuế quan. Tuy nhiên, vẫn có không ít khó khăn, thách thức đặt ra về chất lượng, xuất xứ hàng hóa…

Nhiều khó khăn

Thời gian qua, xuất khẩu cá tra là thế mạnh của các tỉnh, thành ÐBSCL. Thế nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình sản xuất và tiêu thụ ảm đạm khiến người nuôi cùng doanh nghiệp khốn khó. Ông Cao Lương Tri, chủ hộ nuôi cá tra ở TP Long Xuyên (An Giang), cho biết: “Gia đình tôi còn gần 500 tấn cá tra hiện đã quá lứa rất lâu, bình quân cá có trọng lượng tới 1,5-2 kg/con, nhưng chưa thể bán được bởi các nhà máy chậm thu mua. Tình hình này càng kéo dài, người nuôi càng lỗ nặng”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh, thành vùng ÐBSCL cho hay, hiện nay giá cá tra tiếp tục duy trì ở mức thấp khi dao động ở mức 17.500-19.000 đồng/kg (tùy loại), với mức này người nuôi chịu lỗ từ 3.500-5.000 đồng/kg.

Ngành nuôi trồng, chế biến tôm xuất khẩu hy vọng tăng tốc vào cuối năm.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2020, toàn vùng ÐBSCL dự kiến thả nuôi khoảng 6.600ha cá tra, với sản lượng ước khoảng 1,42 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá cá tra thương phẩm dao động ở mức từ 19.000 đồng/kg trở xuống, thấp hơn chi phí giá thành nhiều. Nguyên nhân khiến cá tra sụt giảm là do diện tích thả nuôi tăng nhanh, trong khi đầu ra gặp khó khăn bởi ảnh hưởng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, bày tỏ lo lắng: “Giá cá tra nguyên liệu đã sụt giảm từ giữa năm 2019 kéo dài đến tận hôm nay khiến người nuôi thua lỗ; vì vậy có rất nhiều hộ đã “treo ao” bởi không còn khả năng cầm cự. Ðiều đáng lo không kém là tình hình dịch COVID-19 ở nhiều nước còn phức tạp nên việc xuất khẩu ì ạch. Thế là nhiều doanh nghiệp chế biến đang “ôm” lượng lớn cá tra tồn kho mà chưa thể xuất được”.

Ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nam Việt, cho biết: “Ngành cá tra đang trong giai đoạn khó từ trong nước lẫn xuất khẩu, nhưng Nam Việt vẫn nỗ lực duy trì sản xuất nhằm giải quyết việc làm cho hàng ngàn công nhân, không để ai nghỉ việc. Tuy nhiên, nếu thị trường xuất khẩu còn ảm đạm kéo dài thì nhiều doanh nghiệp sẽ đuối sức”.

Ðối với con tôm, dù dễ thở hơn nhưng cũng gặp những trở ngại nhất định. Theo Bộ NN&PTNT, điều kiện nuôi tôm ở ÐBSCL những tháng đầu năm 2020 không thuận lợi bởi hạn mặn gay gắt, cộng với xuất hiện một số cơn mưa trái mùa và biến động nhiệt độ ngày đêm khá cao làm ảnh hưởng nhiều vùng nuôi. Ngoài ra, tình hình xuất khẩu tôm cũng lắm gian nan bởi dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới gây ảnh hưởng.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nhìn nhận, việc tiêu thụ tôm ở thị trường Trung Quốc sụt giảm do tác động của dịch COVID-19. Mặt khác, thông thường hằng năm những khách hàng truyền thống ở châu Âu sang Việt Nam thăm nhà máy và xem xét ký hợp đồng mới. Tuy nhiên, đến nay không ít khách hàng đã hủy lịch sang, đồng nghĩa với hợp đồng mới bị giảm. Do tình hình xuất khẩu chậm, đã kéo giá tôm nguyên liệu ở ÐBSCL giảm khoảng 20% so cùng kỳ…

Sẽ phục hồi và tăng tốc

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng xuất khẩu tôm thời điểm đầu năm chựng lại do ảnh hưởng dịch COVID-19, tuy nhiên theo dự báo sẽ phục hồi sau đó và tăng tốc vào thời điểm cuối năm 2020. VASEP phân tích, xuất khẩu tôm sang EU năm 2019 dù có giảm, song cần thấy rằng EVFTA có hiệu lực vào tháng 8-2020, khi đó thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu vào EU được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; thuế nhập khẩu tôm chế biến cũng về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Lợi thế là EU thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng, phân khúc thị trường rộng nên đủ để các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn hệ thống phân phối. Từ đó, dự báo xuất khẩu tôm sang EU tới đây sẽ khả quan nhờ ưu đãi thuế quan và chúng ta có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với Ấn Ðộ, Thái Lan và Indonesia. Năm 2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào EU tăng khoảng 15%, đạt 800 triệu USD.

Ông Trương Ðình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, lưu ý thêm về lợi thế cạnh tranh nhập khẩu vào EU so với các nước khác, có thể thấy lợi thế rõ rệt là tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh xuất khẩu, khi tôm sú được giảm từ mức thuế 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm thẻ đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và các địa phương cần quan tâm việc EU cấm sử dụng chất Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản; các nhà máy phải có trách nhiệm và biện pháp kiểm tra tồn dư Ethoxyquin nhằm đảm bảo không có chất này. Ngoài ra, các nhà máy phải cho biết nếu không sử dụng Ethoxyquin thì bên cung cấp thức ăn sử dụng chất nào để chống ôxy hóa và chất mới này có chứa thành phần độc hại nào hay không? Quy định mới này sẽ gây thêm áp lực về ghi nhận và truy xuất nguồn gốc, bên cạnh đó việc thay thế thành phần chống ôxy hóa trong thức ăn có thể khiến cho giá thức ăn và giá thành sản xuất tăng lên.

Tại Cà Mau, địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước với hơn 280.000ha, sản lượng hơn 190.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD/năm… Sở NN&PTNT tỉnh này nhận định, cùng với những thuận lợi khi EVFTA có hiệu lực, thì dự báo nhu cầu tiêu thụ tôm trên thế giới sẽ tăng, trong khi một số nước nuôi tôm bị thiệt hại, sẽ tạo cơ hội cho xuất khẩu tôm Việt Nam tăng tốc. Song, cũng cần ứng phó với những rào cản từ EVFTA như nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc… Do đó, tỉnh Cà Mau yêu cầu các huyện, hợp tác xã, người nuôi cần đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt chứng nhận tiêu chuẩn nuôi an toàn (VietGAP, Global GAP, ASC…) theo quy định.

Về xuất khẩu cá tra, Tổng cục Thủy sản đề nghị các doanh nghiệp chế biến cần chuẩn bị tốt nội lực để tận dụng cơ hội xuất khẩu sang thị trường EU, sau khi việc cắt giảm những dòng thuế liên quan đến cá tra có hiệu lực. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu, nhà máy chế biển, cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Hệ thống truy xuất điện tử này của doanh nghiệp chế biến có thể kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản. Khuyến khích người nuôi, doanh nghiệp chế biến tham gia chuỗi liên kết, để sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu hoặc thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ở thị trường EU cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp và người nuôi về các quy định tại EVFTA. Việc thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành hàng cá tra được tập trung vào chất lượng con giống, cần tăng cường áp dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá giống như: sử dụng chế phẩm sinh học, vắc-xin, ương trong nhà mát để tăng sức đề kháng cho cá giống, nâng cao tỷ lệ sống và hiệu quả sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực tham gia chọn tạo, sản xuất cá tra bố mẹ, hậu bị, giống có chất lượng…

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, để ngành cá tra phát triển bền vững và thích ứng trước những cơ hội cũng như thách thức khi EVFTA có hiệu lực, thì việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm và xây dựng thương hiệu là rất cần thiết. Ngành chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra chất lượng cao. Tính toán xây dựng dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm giá trị gia tăng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường EU…

Phước Bình

Báo Cần Thơ

Kịch bản nào cho con tôm?

 Giá tôm nguyên liệu thời gian qua giảm nhiều hơn tăng, người nuôi đứng ngồi không yên. Trong khi đó, doanh nghiệp nhận định tôm sẽ có giá tốt trong tháng 9 tới và có thể xảy ra tình trạng nguồn cung thiếu. Dự báo này liệu có khả quan?

Nuôi tôm mất lãi

Sau 3 tháng đầu năm giữ ở mức cao, từ tháng 4 đến đầu tháng 8, giá tôm hầu hết các cỡ chỉ có giảm chứ không hề tăng, đặc biệt là tôm thẻ cỡ lớn. Nếu như đầu tháng 4, giá tôm thẻ loại 20 con/kg khoảng 220.000 đồng/kg thì đến tháng 5 giảm xuống chỉ còn 200.000 đồng/kg và đến đầu tháng 8 giá chỉ còn khoảng 170.000 đồng/kg. Các cỡ tôm khác cũng có mức giảm từ 15.000 – 25.000 đồng/kg.

Ngày 1/8, anh Phạm Tiến Thành, ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, bán tôm thẻ loại 51 con/kg chỉ được giá 98.000 đồng/kg, dù tôm không nhiễm kháng sinh. Anh Thành ngao ngán: “Tôi buộc phải thu hoạch vì giá tôm chẳng những không tăng mà còn có nguy cơ giảm thêm do dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Từ đầu năm tới giờ, chỉ có vụ thu hoạch vào tháng 3 là bán được giá có lời khá, còn vụ thứ 2 thì lỗ và vụ thứ 3 này cũng không có lời bao nhiêu”.

Trước khi bước vào vụ tôm nước lợ năm 2020, hầu hết các dự báo đều cho rằng vụ tôm năm nay sẽ khá thuận lợi cho cả nghề nuôi lẫn tiêu thụ. Thực tế cho thấy, đối với những diện tích thả nuôi tôm thẻ ao bạt sớm từ cuối năm 2019 và thu hoạch trong tháng 3 phần lớn đều thành công cả về năng suất lẫn giá bán. Tuy nhiên, khi vào cao điểm mùa khô, độ mặn tăng cao và nắng nóng gay gắt, cùng với sự bùng phát của dịch COVID-19, tình hình sản xuất, tiêu thụ tôm bắt đầu khó khăn hơn. Nuôi tôm đã khó, giá bán lại thất thường làm tăng rủi ro cho người nuôi, khiến họ chùn tay, tiến độ thả nuôi vì thế cũng chậm đi khá nhiều so với cùng kỳ. Tại Sóc Trăng, theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, tính đến hết tháng 7, toàn tỉnh mới thả nuôi gần 35.000 ha tôm nước lợ, tức mới chỉ đạt 65,7% kế hoạch và bằng 82,5% so với cùng kỳ năm trước. Số diện tích thu hoạch gần 11.000 ha với tổng sản lượng ước gần 49.000 tấn.

Chờ cú đảo chiều

Dù vẫn rất thận trọng trong việc nhận định thị trường tôm những tháng tới, nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều dự báo giá tôm sẽ tăng từ giữa tháng 9 trở đi, thậm chí tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu sẽ xuất hiện từ tháng 9, chậm nhất là 10 và có khả năng kéo dài sang tận những tháng đầu năm 2021.

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam nhận định: “Hiện tại, nguồn tôm nguyên liệu vẫn đảm bảo, nhưng từ tháng 9 trở đi nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ thiếu tôm nguyên liệu”. Điều này khá đúng, khi kết thúc tuần đầu của tháng 8 đến nay, giá tôm hầu hết các cỡ đều tăng nhẹ từ 2.000 – 4.000 đồng/kg. Đây là cơ sở để người nuôi tôm hy vọng về sự bật tăng trở lại của giá tôm để họ có thể “ngược dòng” thành công ở vụ tôm vốn quá nhiều khó khăn này. Cùng đó, một số nước sản xuất tôm lớn như: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador… đều giảm sản lượng tôm đáng kể vì COVID-19; nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm có tăng trưởng dương trong 7 tháng đầu năm, do nhờ linh hoạt chuyển hướng sang các kênh tiêu thụ bán lẻ tại những thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản… và phần lớn là sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, việc thả nuôi tôm ở thời điểm hiện tại cũng có những rủi ro nhất định, bởi từ tháng 8 đến tháng 10 là cao điểm của mùa mưa bão, môi trường ao nuôi dễ biến động và phát sinh dịch bệnh, như đốm trắng, vi bào tử trùng, phân trắng… Với rủi ro lớn như vậy, chỉ có doanh nghiệp, trang trại lớn được đầu tư bài bản mới dám thả nuôi mạnh. Nếu kịch bản này xảy ra, từ giữa tháng 9/2020 – 2/2021 nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ không đủ tôm để chế biến. Lúc này, sẽ có sự cạnh tranh nguyên liệu giữa các doanh nghiệp nên giá tôm cũng sẽ tốt hơn.

>> Tại Sóc Trăng, toàn tỉnh còn gần 22.000 ha chưa thu hoạch; trong đó, tôm giai đoạn trên 150 ngày tuổi là 62,3 ha. Hiện, giá tôm trên địa bàn tỉnh đã tăng 5.000 – 10.000 đồng/kg và dự báo sắp tới sẽ còn tăng hơn nữa.

Xuân Trường -https://thuysanvietnam.com.vn/

Hơn 3.000 tỷ đồng xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm công nghiệp tôm cả nước

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu vừa phê duyệt đề án xây dựng tỉnh này thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Mục tiêu đưa tỉnh này đi đầu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú.
ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu của đề án là phát triển tỉnh Bạc Liêu trở thành đầu mối của ngành tôm, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao cho 2 đối tượng tôm nước lợ chủ lực (tôm thẻ chân trắng và tôm sú).  

Bên cạnh đó, Bạc Liêu sẽ là đầu mối liên kết các tỉnh trong cụm sản xuất tôm của cả vùng, nơi có sức hút với các nhà đầu tư, các nguồn lực và có thể tạo được tác động lan tỏa để thúc đẩy ngành tôm, các ngành phụ trợ có liên quan đến tôm ở các tỉnh lân cận và cả nước cùng phát triển bền vững. 

Từ đó, Bạc Liêu đặt ra trong năm 2020 có vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao từ 32- 35 tỷ con giống và đến năm 2025 là từ 40- 45 tỷ con giống, đảm bảo chất lượng đạt 90%, đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh và xuất sang các tỉnh lân cận.

Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm là 147.900 ha, với nhiều mô hình, như: Ứng dụng công nghệ cao, thâm canh, bán thâm canh; tôm – lúa; nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp…với sản lượng 249.000 tấn. 

Sản lượng tôm chế biến năm 2020 đạt hơn 98.000 tấn (tỷ trọng sản phẩm tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 20%), đến năm 2025 là 120.000 tấn (tỷ trọng đạt trên 30%). Tổng sản lượng tôm xuất khẩu đạt 73.000 tấn năm 2020 và năm 2025 đạt 90.000 tấn, chiếm trên 90% tổng sản lượng thủy sản chế biến của tỉnh.

“Năm 2025, phát triển năng lực chế biến, đưa tổng công suất thiết kế đạt 160.000 tấn/năm. Phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu đứng ở vị trí hàng đầu về công nghệ chế biến tôm của cả nước”, đề án nêu rõ. 

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh này thực hiện hàng loạt giải pháp về cơ chế và chính sách, quản lý nhà nước và cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, thị trường tiêu thụ, tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng, khoa học và công nghệ, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu… 

Để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Bạc Liêu cũng hợp tác liên kết vùng, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực… với sự hỗ trợ của Trung ương và nguồn lực của địa phương. 

Trong đó, đáng chú ý là đề xuất cơ chế đặc thù lên Trung ương về tín dụng, vốn vay cho nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở cấp nông hộ; giữ vững và mở rộng xuất khẩu tại các thị trường truyền thống (Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc…), các thị trường tiềm năng (Đông Âu, Châu Phi, Nam Mỹ…). 

Song song đó, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng giao Sở Công thương và các sở, ngành liên quan xây dựng thương hiệu “tôm giống Bạc Liêu”, “tôm thương phẩm công nghệ cao Bạc Liêu”… với sản phẩm có dấu hiệu nhận diện rõ ràng, số lượng và chất lượng đảm bảo, ổn định và người tiêu dùng chấp nhận, tin tưởng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc và phải tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Dự kiến nguồn vốn để triển khai đề án là hơn 3.000 tỷ đồng (trong đó năm 2020 là 450 tỷ đồng, đến năm 2025 là hơn 2.550 tỷ đồng) từ ngân sách Trung ương và địa phương, đóng góp của các doanh nghiệp, các nguồn hợp pháp khác. 

Số kinh phí này để thực hiện ít nhất 5 chương trình và 20 đề án, dự án từ năm 2020 đến 2025 ở các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu. 

Là một trong những tỉnh đi đầu về diện tích sản xuất, sản lượng và chất lượng tôm nuôi, Bạc Liêu đã và đang nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm sinh thái như nuôi tôm quảng canh, tôm – rừng, tôm – lúa… đã tạo nên con tôm “sạch”, được thị trường xuất khẩu ưa chuộng. 

Nổi bật như mô hình tôm – cua – rừng, mang lại lợi nhuận từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Toàn tỉnh hiện có hơn 8.000 ha áp dụng mô hình này, tập trung ở các địa phương ven biển như huyện Đông Hải, TP.Bạc Liêu, huyện Hòa Bình. 

Vùng chuyển đổi huyện Phước Long, Hồng Dân và một phần thị xã Giá Rai thì có mô hình lúa – tôm. Đây là một trong những mô hình được đánh giá hiệu quả, bền vững với tổng diện tích thực hiện hơn 35.000 ha. 

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện chuỗi liên kết cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân áp dụng các mô hình nuôi tôm sinh thái đạt các tiêu chuẩn quốc tế. 

Tỉnh Bạc Liêu sẽ phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và mô hình nuôi tôm sinh thái.

nongthon.vn